Tên truyện: Hậu Cung Mật Tần Tiểu Truyện Tác giả: Lưu Liễm Tử Số chương: 2 phần Thượng - Hạ Câu chuyện như một cuốn hồi ký về cuộc đời của Thuận Ý Mật phi Vương thị. Nàng sống dưới thời Khang Hy Đại đế, làm một tỳ thiếp nho nhỏ của Người, bình yên đi qua những tháng năm sóng gió nhất của cuộc chiến Cửu Long đoạt đích vấy máu hoàng cung. Vương Ly Tâm không xuất thân Bát Kỳ cao quý, không thuộc tầng lớp Bao Y, nàng chỉ là thứ nữ của một viên quan người Hán. Mẫu thân nàng là người an phận, bản thân nàng cũng là một thiếu nữ hiền lành, chẳng ham muốn cao sang. Trong lòng Ly Tâm có Thường Húc, vị biểu ca đức cao vọng trọng, nhưng đối với nàng, chàng cũng chỉ là trăng trong gương hoa dưới nước, là bóng hình mơ ước hằng hữu không thể với tới. Có đôi khi, Ly Tâm nghĩ rằng với thân phận của mình sẽ được gả cho A Ngưu chất phác, cùng y dệt vải làm vườn, giúp chồng dạy con, sống một cuộc đời bình yên êm ả. Ngờ đâu ngày nọ, phụ thân đột nhiên gọi nàng ra ngoài có việc. Lần đầu tiên gặp Người dưới tán hoa đào, nàng thổi khèn lá cho Người nghe, đối đãi với Người như một nam nhân bình thường. Ly Tâm là Hán nữ, từ nhỏ phải theo tục bó chân thành gót sen nho nhỏ, vốn rất khó mang giày của người Mãn tộc. Người tặng nàng một đôi giày nhỏ, thầm nở nụ cười trìu mến nhìn nàng tập đi. Ngày tháng trôi qua yên ả như thế, cho đến ngày Người phải hồi cung.. Ly Tâm trở thành Vương đáp ứng trong cung đình rộng lớn. Nàng có nơi cư ngụ, có một chốn bình yên. Hoàng đế vi hành, trở về mang theo một nữ nhân, ai nấy đều xem nàng là hồng nhan họa thủy. Nhưng rồi lời đồn nhanh chóng tản đi, vì Người chẳng màng để tâm đến nàng nữa. Cung đình ngạt ngào hương hoa, nào là Hoàng Quý phi Đông Giai thị, Ôn Hi Quý phi, Nghi phi, Huệ phi, Vinh phi, Đức tần, Thành tần.. đóa hoa mộc mạc như nàng vốn không có chỗ tỏa hương khoe sắc, chỉ đành sống đời an nhiên qua ngày. Lòng nàng không quá mong chờ Đế vương ân sủng, vốn dĩ gả cho ai cũng chẳng sao, đã là duyên phận thì sẽ thành thôi.. Dẫu mãi đến hai năm sau, Người mới lần đầu đặt chân đến chỗ nàng. Ân sủng đôi lần, thừa hoan mấy lượt, sinh hạ Thập ngũ a ca, Thập lục A ca, nhưng phân vị của nàng cũng chỉ ở mức Quý nhân, không được quyền nuôi dạy con mình. Dường như nàng hiểu được chỗ khó xử của Người, Người có thể cho nàng ân sủng như trời hạn gặp mưa, có thể cho nàng hoài thai rồng.. nhưng tuyệt đối không để nàng đắc sủng, không cho nàng quá nhiều đặc ân. Trong một lần xúc động gọi Người là Tam Lang, nàng bị Người quở trách. Ấy là cách gọi của bọn đào xướng kép hát, Người coi trọng quy củ như vậy, một thiếp thất nhỏ bé như nàng sao có thể thất lễ đến thế? Cũng từ đó mà nàng hiểu ra, ân sủng này không dày chẳng mong, an phận thủ thường mới có thể giữ vững dài lâu. Càng lớn tuổi, nàng càng yên tĩnh lạ thường. Ở bên nàng khiến Người cảm thấy thư thái, không cảm thấy bận lòng. Nàng luôn dặn dò các con, tuyệt đối không được gần gũi các vị A ca lớn tuổi, nhờ đó mà thoát khỏi vòng tranh đấu Cửu Long Đoạt Đích tanh máu. Ung Chính lên ngôi, đối đãi với con cái của nàng rất khá, mà nàng cũng được phong làm Mật Phi, hưởng thụ tuổi già an nhiên sum vầy bên con cháu. Tôi không biết liệu trong lòng Người có từng có vị trí nào cho Ly Tâm? Ly Tâm xem người là bóng cây dựa dẫm cả đời, có lẽ Người đã giấu nàng tại nơi sâu kín nhất cõi lòng mình. Nếu trong lòng không có nàng, Người đã không giận dữ khi Thập Bát A ca qua đời và phế truất Thái tử vì y có cử chỉ quá đáng, dù sao y cũng là Thái tử do Người đích thân nuôi dạy từ nhỏ kia mà.. Nếu trong lòng Người có nàng, vậy thì tại sao bao năm qua vẫn không cho nàng thêm bề ân sủng, chưa từng phá lệ gia ân cho nàng? Giữa hậu cung bạt ngàn sắc hoa, Vương Ly Tâm là một nét vẽ mờ nhạt, nhưng sự tồn tại của nàng vẫn tạo nên một điểm nhấn trong cuộc chiến hoàng quyền. Dẫu không sủng quan lục cung, không quyền cao lực lớn, nhưng cuối đời được sống an nhiên yên ả, xem như cũng có phúc hơn các bậc hậu phi kia rồi.. Với cách viết truyện nhẹ nhàng mà cô đọng, tôi tin rằng Hậu Cung Mật Tần Tiểu Truyện sẽ đem lại cho các bạn nhiều cảm nhận sâu sắc và lắng đọng vì vậy hãy thử đọc truyện ít nhất một lần nhé.