Hạt Bụi Đời Đời Tác giả: Đặng Trần Khang Thể loại: Tản văn * * * Một cặp đôi trai tài gái sắc, họ yêu nhau đến say đắm, thề non hẹn biển, trăm năm hạnh phúc mãi mãi tình son. Ngày kết hôn đã định sẵn và sắp diễn ra, gia đình cha mẹ hai bên đã gặp gỡ, thiệp cưới cũng đã phát đi hết rồi. Nhưng có ai ngờ rằng, cái ngày đám cưới lại là một cái ngày định mệnh chia cắt tình cảm của đôi uyên ương. Trước ngày cưới chàng chú rể đã bị một tai nạn giao thông xảy ra và cướp đi mạng sống của anh ấy trong tích tắc. Đứng trước cỗ quan tài của bạn trai, cô gái vô cùng đau buồn, những giọt nước mắt chảy tuôn tràn như thác suối. Có thể nói rằng, những giọt nước mắt và tiếng khóc ấy có thể làm rung động vang thấu đến trời cao. Những người chứng kiến sự ra đi đường đột của chàng chú rể không khỏi ngậm ngùi và xót xa, tiếc thương cho một phận người. Đời người là thế đấy, thật là mỏng giòn và mong manh, hôm qua mới còn thấy đó mà hôm nay đã ra đi thật rồi. Cái chết đến thật là thình lình bất ngờ, chẳng ai có thể biết được mình sẽ ra đi vào lúc nào, mình ra đi trong hoàn cảnh nào, mình ra đi vì lí do gì, điều đó hoàn toàn là một bí ẩn mà không ai có thể biết được. Chính vì cái chết đến một cách bất ngờ nên nó thường để lại những cảm xúc đau buồn, tiếc thương, sinh lão bệnh tử như là một quy luật bất biến luôn bao lấy con người: "Sinh kí tử quy." Con người có ai mà sống mãi trên cõi đời này, có người thọ chín mươi, có người sáu mươi, có người hai mươi và thậm chí có người mới sinh ra đã từ giã cuộc đời. Ta chào cuộc đời này bằng tiếng khóc với đôi bàn tay trắng và ngày ta giã từ cuộc đời trở về với lòng đất mẹ cũng bằng đôi bàn tay trắng, nhưng nếu ta sống trọn vẹn tại cuộc đời này thì ta sẽ ra đi mĩm cười cách mãn nguyện. Sống trọn tình, trọn nghĩa, sống làm sao để có ích cho đời, sống yêu thương mọi người xung quanh, sống có trách nhiệm. Dù là người giàu sang hay nghèo khó thì ngày trở về cũng như nhau mà thôi, những gì của đời thì phải để lại cho đời, chẳng thể mang theo tiền bạc hay quyền lực đi cùng chúng ta, tiền bạc là thứ bạc bẽo, nó là một tên đầy tớ chẳng hề trung thành với một ông chủ nào, chủ này chết nó theo ông chủ khác, quyền lực cũng thế, sẽ được chuyển sang cho người khác, người thân, bạn bè, họ có quý mến, thương tiếc chúng ta đến cỡ nào thì họ cũng chẳng theo chúng ta được. Alexandros đại đế đã có một đi chúc trước khi ông qua đời như sau: Điều thứ nhất hãy để cho các ngự y giỏi nhất khiên quan tài cho ta, điều thứ hai: Hãy đem tất cả vàng bạc châu báu mà ta có được rải trên mặt đất và điều cuối cùng là hãy khoét hai lỗ bên quan để đưa hai bàn tay ta ra ngoài. Tại sao một vị hoàng đế vĩ đại lại làm như thế? Từ trên giường bệnh, vị hoàng đế chậm chạp giải thích cho các vị đại thần rằng, ta muốn các ngự y giỏi khiêng quan tài cho ta có nghĩa là: Các thần y dù có giỏi đến đâu đi chăng nữa thì cũng chẳng thể cứu ta thoát khỏi cái chết, thứ hai đem vàng bạc châu báu rãi lên mặt đất có nghĩa rằng đó là những của cải phù du, là của đời nên ta trả lại cho đời, điều thứ ba ta muốn nói với các đại thần yêu quý của ta rằng: Ta, Alexandros đại đế, đã từng đánh dẹp biết bao quân, nắm trong tay biết bao của cải và quyền lực để thống trị thế giới, nay ta trở về cũng với hai bàn tay trắng mà thôi. Vị hoàng đế trẻ đã nhận ra số phận của đời là phù du là tạm bợ đúng như lời bài hát đã có viết rằng: "Đời phù du có đây rồi lại mất." Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã rất sâu sắc và triết lý khi mô tả về phận người qua lời bài hát: "Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi, ôi cát bụi tuyệt vời.. Lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vào chết một ngày." Con người chỉ như là một chiếc lá trên cây, sống qua mấy mùa xuân hạ, nhưng chỉ có một phút để rơi xuống đất và mục nát trở thành cát bụi. Người ta nói rằng: Ba tấc đất mới thực sự là nhà, đúng là như thế, nhà chính là ngôi mộ, là căn nhà cuối cùng của đời người, nơi đấy mới thực sự là bình yên là hạnh phúc, nơi đấy chẳng còn sự tranh giành, cải vã. Mỗi người hãy ý thức mình là một hạt bụi thật là nhỏ bé, rồi một mai mình cũng trở về với cát bụi. Nói như thế không phải để cho chúng ta bi quan và sợ hãi nhưng để cho chúng ta biết nỗ lực sống tốt hơn để không hối tiếc với mọi người, với cuộc đời. Sống có ích thì ta sẽ được lưu truyền hậu thế mãi còn nhớ đến.