Review Sách Haroun Và Biển Truyện - Tác Giả: SALMAN RUSHDIE

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Dị Khách, 27 Tháng ba 2022.

  1. Dị Khách

    Bài viết:
    11
    HAROUN VÀ BIỂN TRUYỆN

    SALMAN RUSHDIE

    ˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳

    [​IMG]

    Salman Rushdie (sinh năm 1947 tại Bombay) − nhà văn Anh gốc Ấn − là một trong những gương mặt nổi bật nhất của văn chương thế giới đương đại. Ông đoạt giải Booker năm 1981 với tiểu thuyết Midnight's Children (Những đứa trẻ lúc nửa đêm). Sau khi cho ra đời tác phẩm The Satanic Verses (Những vần thơ của quỷ Satan), ông vẫn không ngừng viết và tiếp tục cho ra đời nhiều kiệt tác ví như Haroun and the Sea of Stories (Haroun và biển truyện) (1990), Imaginary Homelands: Essays and Criticism, 1981–1991 (1992), East, West (1994), The Prophet's Hair (Sợi tóc của nhà tiên tri) (1995), The Moor's Last Sigh (Tiếng thở dài của Moor) (1995).. Sau khi tác phẩm The Satanic Verses được dịch sang tiếng Việt thì Haroun and the Sea of Stories là cuốn thứ 2 được dịch. Đây là một tiểu thuyết − một món quà vô giá − mà ông viết tặng cho trẻ em: "Buồn cười nôn ruột, tưởng tượng bất kham, lấp lánh kỳ ảo, sinh động và lôi cuốn đến chữ cuối cùng, và chuyển tải một thông điệp vừa mạnh như sấm sét vừa đẹp như một đóa hoa.."

    ˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳

    Chúng ta đã từng bị chinh phục bởi một Hoàng tử bé (Le Petit Prince, Antoine de Saint-Exupéry) - một tác phẩm viết cho những trẻ con đã lớn. Là người lớn, chúng ta dần dần bị cuộc sống thực dụng với bao lo toan trăn trở vây cuốn và đưa xa dần những ngày ấu thơ. Và rồi chợt một ngày, chúng ta giật mình khi nhận ra mình đã không còn là trẻ con nữa. Mọi thế giới ảo mộng, những xứ sở thần tiên.. đã trở thành quá khứ trong kí ức tuổi thơ. Lúc ấy có lẽ người cứu tâm hồn chúng ta thoát khỏi sự chai cứng không phải ai khác, không phải người lớn, mà chính là trẻ con. Đó chính là tâm sự mà Salman Rushdie gởi đến độc giả của mình qua tiểu thuyết Haroun và biển truyện (*).

    Trong những ngày tháng sống lưu vong, ông đã sống và viết trong niềm tin thánh thiện có được ở con trai bé nhỏ ZAFAR của mình:

    Z embla, Zenda, Xanadu

    A ll our dream−worlds may come true

    F airy lands and fearsome too

    A s I wander far from view

    R ead, and bring me home to you


    Tạm dịch:

    Zembla, Zenda, Xanadu

    Mọi thế giới mộng mơ có thể thành hiện thực

    Cả những xứ sở thần tiên và bến bờ đáng sợ

    Khi cha lưu lạc phương xa

    Con hãy đọc và đưa cha về bên con nhé.


    Milan Kundera, trong Nghệ thuật tiểu thuyết, cho rằng "Cuốn tiểu thuyết nào không khám phá ra thêm được một mẫu sự sống trước nay chưa từng biết là một cuốn tiểu thuyết vô đạo đức. Hiểu biết là đạo đức duy nhất của tiểu thuyết" . Mẫu sự sống mới, hay mẫu hình mới đó chỉ có thể có được thông qua cuộc tái diễn tả của người nghệ sĩ mà tái diễn tả là gì nếu không phải là cái nhìn mới − cái nhìn có sự cách tân. Haroun và biển truyện là một cách tân nghệ thuật kể chuyện theo một cách rất riêng. Nếu trong Hoàng tử bé, độc giả được thưởng thức một chú bé hoàng tử sống cô độc trên tiểu tinh cầu B612 với ba ngọn núi lửa (hai ngọn đang hoạt động còn ngọn kia thì không) và một bông hoa hồng, thì mở đầu Haroun và biển truyện, Haroun sống với người cha làm nghề kể chuyện nơi vương quốc Alifbay − một thế giới u buồn, u buồn đến nỗi quên luôn cả tên mình và thế giới ấy nằm bên bờ một đại dương đầy rẫy loài cá tên sầu ngư, loài cá mà khi ăn vào chúng ta ợ lên những bi thương . Cái thế giới ấy buồn thảm sầu thương bởi thiếu vắng tình yêu và những mộng mơ. Người cha Rashid Khalifa bị cuộc sống thực với những thù hằn bon chen và danh lợi đã làm cho trí tưởng tượng đông cứng nên không thể kể chuyện được nữa và đại dương truyện kể cũng có nguy cơ đổ vỡ. Haroun đã làm một cuộc phiêu lưu vào cõi mộng mơ cứu sống đại dương truyện và cũng đã cứu sống cha mình.

    Câu chuyện khép lại như một sự truy vấn và lời hiệu triệu đòi sự tự do sáng tạo cho nghệ thuật. Những câu chuyện không phải vốn đã có sẵn trong một đại dương huyền bí mang tên đại dương những chuyện kể và người kể chuyện chỉ nhặt ra và kể lại, mà những câu chuyện là sản phẩm của trí tưởng tượng và óc sáng tạo của nhà nghệ sĩ. Mà đã là sáng tạo thì tại sao truyện kể cứ phải bị câu thúc trong những cái đã có những cái gọi là qui mẫu?

    Vượt xa hơn lời hiệu triệu đó, Haroun và biển truyện lay động lòng người bởi ý tưởng người cha được cứu chuộc nhờ chính con mình.

    Là một cuốn tiểu thuyết gồm 12 chương, nhưng kết cấu như một tập truyện ngắn và mỗi chương như một chuyện kể độc lập. Và những chuyện kể ấy được xâu chuỗi và móc xích với nhau nhờ thông điệp về sức sống vô cùng vô tận của những câu chuyện kể. Hơn cả sức sống của những câu chuyện kể, Haroun và biển truyện là một niềm tin mãnh liệt vào tâm hồn hồn nhiên đầy mộng mơ của trẻ con và sức mạnh tạo nên nghệ thuật không gì khác hơn là trí tưởng tưởng. Có trí tưởng tượng thì mới làm nên cái gọi là hư cấu nghệ thuật. Nhờ hư cấu nghệ thuật, mà nghệ thuật nói chung và truyện kể nói riêng mới làm nên giá trị vĩnh hằng của nó, vừa là đời vừa không phải là đời đúng như lời họa sĩ Tề Bạch Thạch (1863 – 1957) : "Nghệ thuật hay ở chỗ vừa giống đời, vừa không giống đời, không giống quá thì dối đời, giống quá thì mị đời".

    Dị khách!

    ˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳˳

    (*) Nhân đọc Haroun và biển truyện, tiểu thuyết của Salman Rushdie, Nham Hoa dịch, Nxb. Văn Học, 2010

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 27 Tháng ba 2022
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...