Hạnh phúc của một tang gia: Nghệ thuật trào phúng đặc sắc

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Huongthu2401, 24 Tháng mười 2021.

  1. Huongthu2401

    Bài viết:
    483
    [​IMG]

    Phân tích những nét đặc sắc về nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích "Hạnh phúc của một tang gia" (Trích: Số đỏ) của Vũ Trọng Phụng.

    Vũ Trọng Phụng đã từng nói rằng: "Các ông muốn tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết cứ là tiểu thuyết. Tôi và những người cùng chí hướng như tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời." Thật vậy, Vũ Trọng Phụng là một cây bút hiện thực xuất sắc trong giai đoạn văn học 1930- 1945. Ông được mệnh danh là bậc thầy trào phúng hay ông vua phóng sự đất Bắc. "Số đỏ" là một trong những tiểu thuyết trào phúng tiêu biểu của ông. Thông qua tác phẩm, nhà văn đã lên án và đả kích mạnh mẽ cái xã hội tư sản thành thị và tầng lớp thượng lưu mải chạy theo những phong trào văn minh âu hóa. Bút pháp trào phúng của nhà văn trở nên thành công và hấp dẫn một phần nhờ cách đặt tiêu đề chứa nhiều dụng ý. "Hạnh phúc một tang gia" cũng là một nhan đề mâu thuẫn gây nhiều tò mò và hứng thú cho người đọc.

    Vũ Trọng Phụng, người phát ngôn cho trường phái "nghệ thuật vị nhân sinh" - nghệ thuật để phục vụ cho con người, khai thác hiện thực từ con người, không phải là thứ nghệ thuật thuần túy - đã kiên quyết bảo vệ cho quan điểm sáng tác đó. Trong ý kiến của mình, ông nhắc đến tiểu thuyết, là loại hình văn học cụ thể, phản ánh cuộc sống với dung lượng lớn, có khi bao hàm cả cuộc đời, số phận của một con người - loại hình văn học mà tác giả sáng tác - nhưng đồng thời cũng là tiếng nói thể hiện quan niệm về văn chương nói chung. Tiểu thuyết là tiểu thuyết là một lẽ đương nhiên nhưng đây điều mà Vũ Trọng Phụng muốn nói đó chính là những tác phẩm mà tác giả của nó chỉ chú trọng đến mặt hình thức của tác phẩm, chú trọng đến việc gò câu đúc chữ, chú ý đến những kĩ năng, kĩ xảo viết tiểu thuyết mà không quan trọng về nội dung phản ánh trong tác phẩm đó. Quan niệm tiểu thuyết chỉ là tiểu thuyết là quan niệm của những nhà văn đi theo khuynh hướng nghệ thuật vị nghệ thuật (mà tác giả gọi là "các ông"), như những nhà văn trong bút nhóm Tự lực văn đoàn "chủ trương nghệ thuật tách rời cuộc sống, nghệ thuật chỉ là để phục vụ nghệ thuật". Đối lập với nó, Vũ Trọng Phụng khoanh vùng "tôi và những nhà văn cùng chí hướng như tôi", là chính tác giả và những nhà văn hiện thực cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Nam Cao, Nguyên Hồng, những nhà văn đi theo khuynh hướng tả chân, nghệ thuật nhân sinh, nghệ thuật gắn liền với cuộc sống. Tiểu thuyết phải là "sự thực ở đời". Điều này thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa văn chương và cuộc sống của con người. Tại sao nhà văn lại đưa ra quan niệm như vậy? Có thể giải thích điều này bằng thực trạng của nền văn học Việt Nam thời kì đó. Vãn học Việt Nam giai đoạn này xuất hiện những trào lưu văn học khác nhau. Một số nhà văn trong nhóm Tự lực văn đoàn đi theo hướng nghệ thuật vị nghệ thuật, xa rời cuộc sống. Quan niệm sáng tác chỉ là tìm ra cái đẹp, xây dựng cái đẹp mà không quan tâm đến cuộc sống, số phận của con người. Từ đó dẫn tới tư tưởng tiêu cực, thoát li cuộc sống, ru con người chìm đắm trong mộng ảo không có thực. Trong hoàn cảnh ấy, Vũ Trọng Phụng đưa ra nhận định khẳng định quan niệm của mình dưới dạng phủ nhận quan niệm của thơ vãn lãng mạn, những con người chỉ coi tiểu thuyết thuần là tiểu thuyết, về mặt hình thức. Nhưng bản chất của văn học là xuất phát từ cuộc sống, cuộc sống chính là suối nguồn nuôi dưỡng vãn học. Bởi vậy không thể có văn học thuần túy chỉ có hình thức, chỉ chú ý đến hình thức. Hơn thế nữa, hoàn cảnh nước ta trong giai đoạn này cũng hơn bao giờ hết cần những tác phẩm văn chương phải thực sự là những "vũ khí thanh cao và đắc lực" phục vụ con người, phục vụ cuộc kháng chiến. Văn học cần phải là tiếng nói lên án, phơi bày hiện thực, đồng cảm với nỗi khổ của con người. Người nghệ sĩ không thể chỉ đơn thuần chạy theo cái đẹp mà cần phải gắn liền nó với cuộc sống, đi sâu vào cuộc sống, nói lên những nỗi niềm của con người, tức hướng tới "nghệ thuật vị nhân sinh".

    Đối với Vũ Trọng Phụng, để phục vụ cho quan niệm sáng tác của mình, ông đưa vào trong tác phẩm của mình những hiện thực muôn màu của cuộc sống, thậm chí đó còn là một hiện thực được kệch cỡm hóa đến cao độ để phê phán, để mỉa mai, để gây cười. Tiếng cười bật lên từ đoạn trích "Hạnh phúc một tang gia" trích trong "Số đỏ" là một ví dụ. Đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích tiểu thuyết Số đỏ) là một thành công xuất sắc của ông cả về nội dung và nghệ thuật. Đặc biệt, đoạn trích thế hiện rất rõ phong cách nghệ thuật của ông – bút pháp trào phúng.

    Thứ nhất, cái trào phúng đã hiện lên ngay từ nhan đề đoạn trích. Tựa đề đoạn trích "Hạnh phúc của một tang gia" do chính tác giả đặt, thông qua nhan đề độc đáo, lạ tai này đã phần nào thể hiện được tư tưởng chủ đề của cả đoạn trích. Tình huống nghịch lí của truyện được thể hiện thông qua những cụm từ mang ý nghĩa trái ngược nhưng lại được đặt cạnh nhau. Trước hết, "Hạnh phúc" là trạng thái vui mừng, thăng hoa về cảm xúc khi thỏa mãn được nhu cầu, mục đích nào đó của con người. Hạnh phúc thường gắn liền với những sự kiện hân hoan, đáng mừng. Ngược lại, "Tang gia" là gia đình có tang, gia đình có sự mất mát về người và tình cảm. "Hạnh phúc của một tang gia" là một nhan đề đầy lạ lùng, những mệnh đề đối lập ngỡ không liên quan lại được đặt cạnh nhau. Nhan đề chỉ có 6 chữ ngắn gọn nhưng lại thể hiện trọn vẹn tư tưởng chủ đề của tác phẩm, toát lên ý vị trào phúng sâu cay đối với những con người tự xưng thượng lưu của gia đình cố Hồng. Qua nhan đề đầy nghịch lí ấy, còn nảy sinh một tình huống cụ thể rằng xưa nay một trong những bi kịch là sinh li tử biệt, rời khỏi cõi đời, xa người thân mãi mãi là mất mát lớn lao không có gì có thể bù đắp nên lẽ thường mọi người đều phải xót xa đau lòng, họ sẽ thể hiện sự xót thương qua sự kính trọng tiễn đưa người đã khuất. Đó là đạo đức, đạo lí truyền thống của dân tộc. Nhưng với gia đình cụ Cố Hồng thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ "tang gia ai cũng vui vẻ cả", "cái chết kia làm nhiều người sung sướng đó". Dường như đám tang ấy là đám tang khiến tất cả mọi người trong gia tộc hạnh phúc. Bởi chỉ khi cụ Cố Hồng chết đi, cái chúc thư kia sẽ đi vào thời kì thực hiện chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa. Tài sản kếch xù ấy sẽ chia năm sẻ bẩy cho đám con cháu: Cụ Hồng, vợ chồng Văn Minh, Phán Mọc Sừng, cậu Tú.. Nực cười hơn cái chết của cụ Tổ là do Xuân gây ra nhưng hắn không hề bị truy cứu mà còn được xem như là một ân nhân, một người có công khiến cái tang lễ này được tổ chức. Tiếng cười bật ra một cách bất thường trước những chuyện ngược đời, trái khoáy, không tuân theo lễ nghi, lẽ thường của nhân sinh của đám người giả dối chạy theo những ham muốn tầm thường và lối văn minh rởm. Tất cả tạo nên một xã hội "chó đểu" với những trò lố lăng. Qua cách đặt nhan đề ấy, ta thấy được dụng ý nghệ thuật của nhà văn, ông muốn tất cả nhân tình thế thái hiện rõ ra trong đám hiếu nhất. Muốn đám tang của cụ Cố Hồng hiện ra như một xã hội thu nhỏ với đủ loại người mà đặc điểm chung những con người ấy đều mang một vỏ bọc đau thương, chia buồn đến dự tang lễ mà sâu bên trong vỏ bọc ấy là một suy nghĩ, một niềm vui riêng khác với hoàn cảnh bi thương.

    Thứ hai, sự trào phúng được nâng cao hơn nhờ thủ pháp tương phản đối lập. Trước hết, đó là sự đối lập trong chân dung các nhân vật. Hình ảnh cụ cố Hồng chỉ nghĩ tới "Cụ chắc cả mười rằng ai cũng phải ngợi khen một cái đám ma như thế, một cái gậy như thế.." hay những nhân vật khác "Phái trẻ, nghĩa là bọn dâu con, đã bắt đầu la ó lên rằng phái già chậm chạp. Cậu tú Tân thì cứ điên người lên vì cậu đã sẵn sàng mấy cái máy ảnh mà mãi cậu không dùng đến. Bà Văn Minh thì sốt cả ruột vì mãi không được mặc những đồ xô gai tân thời, cái mũ mấn trắng viền đen - dernières créations! Những cái rất ăn với nhau mà tiệm Âu Hóa một khi đã lăng-xê ra thì cá thể bán cho những ai có tang đương đau đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút hạnh phúc ở đời". Những người đưa tang cụ cố tổ có vẻ ngoài xiết bao lịch thiệp, trang trọng, ấy vậy mà sâu bên trong con người họ lại là kẻ hám lợi, hám danh. Hay chi tiết "Ðiều băn khoăn của con cụ, ông Văn Minh, chỉ là mời luật sư đến chứng kiến cái chết của ông nội mà thôi. Thế là từ nay mà đi cái chúc thư kia sẽ vào thời kỳ thực hành chứ không còn là lý thuyết viển vông nữa. Ông chỉ phiền một nỗi không biết xử trí với Xuân Tóc Ðỏ ra sao cho phải.. Xuân tuy phạm tội quyến rũ một em gái ông, tố cái cái tội trạng hoạn dâm của một em gái khác nữa của ông, nhưng tình cờ đã gây ra cái chết của ông cụ già đang chết. Hai cái tội nhỏ, một cái ơn to.. Làm thế nào?" Họ mang vẻ ngoài buồn rầu, gương mặt đúng là của người đưa đám như ngàn lần xót thương cho sự ra đi của người trong quan tài, nhưng thực chất đó chỉ là cái vỏ bọc cho phần bên trong vui mừng, hạnh phúc. Bên cạnh đó, thủ pháp đối lập còn được vận dụng rất thành công trong cách dựng cảnh: "Cả ba người yên lặng, xuống dưới nhà cắt đặt mọi việc. Bọn con cháu vô tâm ai cũng sung sướng thỏa thích.. Người ta tưng bừng vui vẻ đi đưa giấy cáo phó, gọi phường hèn, thuê xe đám ma, vân vân.. Tối hôm ấy, khách khứa đến hỏi thăm, phúng viếng, chia buồn tấp nập.. Với một đám ma theo cả lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, cho đến lốc bốc xoảng và bú dích và vòng hoa, có đến ba trăm câu đối, vài trăm người đi đưa, lại có cậu tú Tân chỉ huy, những nhà tài tử chụp ảnh đã thi nhau như ở hội chợ. Thật là một đám ma to tát có thể làm cho người chết nằm trong quan tài cũng phải mỉm cười sung sướng, nếu không gật gù cái đầu!" Cảnh đám tang ấy mà giống như đám rước, được tổ chức trọng thể nhưng nghi thức thì thiêu nghiêm chỉnh, hỗn tạp.

    Thứ ba, chất trào phúng còn nằm ở thủ pháp cường điệu, tạo tình huống bất ngờ: "Khi đi được bốn phố, giữa lúc Typn và bà vợ, bà phó đoan và ông Joseph (Giô-dép) Thiết, và mấy người nữa đương lào xào phê bình thái độ của Xuân thì thấy cả đám phải đứng dừng lại như hàng đầu gặp phải một nạn xe cộ vậy. Giữa lúc ấy, sáu chiếc xe, trên có sư chùa Bà Banh, xe nào cũng che hai lọng, từ một ngả len vào chiếm chỗ sau năm lá cờ đen. Hai vòng hoa đồ sộ, một nhà báo Gõ mõ, một của Xuân, cũng len vào hàng đầu. Cậu tú Tân vội chạy lên bấm máy ảnh lách tách rồi xuống thưa với mẹ. Cụ bà hớt hải chạy lên, rồi cảm động hết sức, vì nó là phần của ông Xuân đốc tờ và ông Xuân, cố vấn báo Gõ mõ, nên mới có sự long trọng như thế thêm cho đám ma. Cụ sung sướng kêu:" Ấy giá không có món ấy thì là thiếu chưa được to, may mà ông Xuân đã nghĩ hộ tôi! "Sư cụ Tăng Phú thì sung sướng và vênh váo ngồi trên một chiếc xe, vì sư cụ chắc rằng trong số thiên hạ đứng xem ở các phố, thế nào cũng có người nhận ra rằng sư cụ đã đánh đổ được Hội Phật Giáo và như thế thì là một cuộc đắc thắng đầu tiên của báo Gõ mõ vậy." Cái chết của cụ tổ lại là niềm vui sướng tột độ của mọi người; các biểu hiện "hạnh phúc" của những người trong và ngoài tang quyến; cảnh đám ma gương mẫu.. Tất cả khiến người ta phải cười ra nước mắt bởi những chuyện ngược đời, trái khoáy, không tuân theo lễ nghi, lẽ thường của nhân sinh của đám người giả dối chạy theo những ham muốn tầm thường và lối văn minh rởm.

    Cuối cùng là sự đóng góp của nghệ thuật xây dựng các nhân vật, khiến cho "Hạnh phúc của một tang gia" trở nên bi hài, trào phúng hơn bao giờ hết. Vũ Trọng Phụng đã xây dựng nên các kiểu nhân vật đa dạng thành phần, môi người một tính cách rất điển hình, được phóng đại nhằm tô đậm bản chất lố bịch, đổi bại, vô đạo đức.. Tất cả tạo nên một xã hội "chó đểu" với những trò lố lăng. Qua đó, ta thấy được dụng ý nghệ thuật của nhà văn, ông muốn tất cả nhân tình thế thái hiện rõ ra trong đám hiếu nhất. Muốn đám tang của cụ Cố Hồng hiện ra như một xã hội thu nhỏ với đủ loại người mà đặc điểm chung những con người ấy đều mang một vỏ bọc đau thương, chia buồn đến dự tang lễ mà sâu bên trong vỏ bọc ấy là một suy nghĩ, một niềm vui riêng khác với hoàn cảnh bi thương.

    Như vậy, bằng lối viết văn mang đậm tính chất trào phúng, nhà văn đã đem lại cho người đọc những cảm xúc, những nhớ nhung, và còn phần nào tố cáo chế độ thối nát, ở đó xuất hiện những con người không có lương tâm. Đám tang trở thành trò cười cho thiên hạ bởi đây là lễ hội trình diễn thời trang, huân huy chương và còn để cho những con người đạo đức giả, thể hiện thói xấu của mình. Đoạn trích đã thể hiện được sâu sắc nội dung mà tác giả muốn truyền tải trong tác phẩm, không chỉ thể hiện nghệ thuật trong tác phẩm mà tác giả còn thể hiện cả nghệ thuật trong chính nhan đề mà tác phẩm này đang thể hiện.

    Tóm lại, nghệ thuật trào phúng đã góp phần không nhỏ trong việc làm nên thành công của đoạn trích "Hạnh phúc của một tang gia" nói riêng và tác phẩm "Số đỏ" nói chung. Trong tác phẩm đã phản ánh một cách chân thực xã hội đương thời, nơi đồng tiền đã chi phối toàn bộ đạo đức, nhân cách của con người. Các giá trị về nhân cách đã bị bào mòn bởi lối sống thực dụng, "Tây hóa". Nghệ thuật trào phúng mang lại tiếng cười sâu cay, đả kích bản chất thật của những con người trong tầng lớp thượng lưu, tuy bên ngoài hào nhoáng, nhưng các giá trị đạo đức bên trong đã bị băng hoại.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...