MỞ ĐÂU Dòng họ pháp luật Civil Law và dòng họ Common Law là hai dòng họ lớn trên thế giới với những đặc trưng pháp lý riêng biệt. Điển hình của hai dòng họ này và nước Pháp và Anh. Pháp và Anh là hai quốc gia phát triển thuộc cùng một châu lục, khoảng cách địa lý cũng rất gần nhau. Tuy nhiên, do thuộc hai dòng họ pháp luật khác nhau nghề luật ở hai đất nước này vừa có sự tương đồng vừa có sự khác biệt rất lớn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này em xin lựa chọn đề bài: "Hành nghề luật ở Pháp và Anh dưới góc độ so sánh". NỘI DUNG 1. Khái quát hành nghề luật ở Pháp và Anh. Pháp là một trong những quốc gia có hệ thống pháp luật thành văn rất phát triển, có trình độ hệ thống hóa và pháp điển hóa cao và có ảnh hưởng đối với hệ thống pháp luật của nhiều quốc gia trên thể giới[1] . Ở Pháp, nghề luật phổ biến nhất là thẩm phán và luật sư. Nhìn chung, để hành nghề luật, trước tiên sinh viên cần trải qua một khóa học 4 năm ở trường đại học để nhận bằng Maitrise en droit (cử nhân luật). Sau đó tuỳ theo lĩnh vực làm việc khác nhau trong tương lai, các cử nhân luật có thể sẽ được đào tạo khác nhau. Pháp luật Anh nổi bật bởi tính kết nối bền vững không phủ nhận được với quá khứ. Những mối liên hệ lịch sử có được chủ yếu do tính liên tục, không bị ngắt quãng của lịch sử phát triển pháp luật[2] . Ở Anh, nghề luật phổ biến nhất cũng là nghề thẩm phán và luật sư. Phần lớn luật sư ở Anh là luật sư tư vấn. Cuối thập kỉ thứ 9 của thế kỉ XX, ở Anh có khoảng 65.000 luật sư tư vấn và khoảng 8000 luật sư tranh tụng. Còn cấu trúc nghề thẩm phán ở Anh thì khá đa dạng, ở Anh, có nhiều loại thẩm phán khác nhau từ các pháp quan không chuyên cho đến các thẩm phán chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm hành nghề. 2. So sánh hành nghề luật ở Pháp và Anh 2.1 Điểm giống hành nghề luật ở Pháp và Anh Mặc dù thuộc hai dòng họ pháp luật khác nhau, với Pháp thuộc dòng họ pháp luật Civil law, Anh thuộc dòng họ pháp luật Common law song việc hành nghề luật hai quốc gia này vẫn có những điểm tương đồng nhất định. Thứ nhất, về hệ thống nghề luật, Pháp và Anh đều là hai quốc gia có hệ thống pháp luật hoàn thiện và phát triển trên thế giới. Chính vì vậy, cả hai quốc gia này đều có hệ thống nghề luật đa dạng, nhiều ngành nghề nhằm đáp ứng nhu cầu của hệ thống pháp luật như nghề luật sư, thẩm phán, công chứng viên.. Thứ hai, về việc gia nhập đoàn luật sư, đây được coi là điều kiện đối với luật sư ở cả hai nước Pháp và Anh khi muốn hành nghề luật sư. Ở Pháp, để được hành nghề luật sư thì một luật sư phải tham gia vào hội luật sư địa phương (Barreau). Còn ở Anh, gia nhập đoàn luật sư chịu sự quản lí của đoàn luật sư, được đoàn luật sư bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. 2. Điểm khác hành nghề luật ở Pháp và Anh 2.1 Nghề thẩm phán 2.1. 1 Nghề thẩm phán tại Pháp Tại Pháp, việc bổ nhiệm thẩm phán do Tổng thống Cộng hòa Pháp đưa ra quyết định, dựa trên đề nghị của một cơ quan đặc biệt là Hội đồng thẩm phán trung ương. Cơ quan này cũng chịu trách nhiệm về kỉ luật xét xử của các thẩm phán. Ở Pháp, nghề thẩm phán chuyên nghiệp được chia thành Thẩm phán làm nhiệm vụ công tố (Magistrats du parquet) và Thẩm phán xét xử (Magistrats du siège ). Thẩm phán làm nhiệm vụ công tố là các thẩm phán thuộc Viện công tố, là cơ quan có quyền truy tố các vụ án hình sự và là đại diện của xã hội tại phiên tòa. Thẩm phán xét xử hay còn gọi là thẩm phán ngồi (Judges of the bench ), có trách nhiệm phân định tranh chấp. [3] Cả hai chức danh nêu trên đều được đào tạo trong một trường duy nhất là Trường thẩm phán quốc gia. Trường có trụ sở tại Bordeaux, chương trình đào tạo kéo dài 31 tháng được chia thành các giai đoạn học tập trung và thực tập. Học viên của trường (học viên thẩm phán) được học các kỹ năng điều khiển phiên tòa, soạn thảo phán quyết dân sự, hình sự và học các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp quan trọng. Một thiết chế tương tự cũng tồn tại với các tòa hành chính, song thẩm phán các tòa hành chính không học ở trường Thẩm phán quốc gia ở Bordeaux mà học cùng với các công chức cao cấp tại Học viện Hành chính quốc gia Pháp danh tiếng ở Paris (Ecole Nationale D'administration ). 2.1. 2 Nghề thẩm phán tại Anh Cơ chế bổ nhiệm thẩm phán tại Anh hiện nay đã có nhiều thay đổi. Trước đây, Đại pháp quan là người duy nhất có quyền bổ nhiệm tất cả thẩm phán, pháp quan và các thành viên của các cơ quan tài phán. Hiện nay, việc bổ nhiệm thẩm phán ở Anh khá tương đồng với Pháp khi mà công việc này được đặt vào tay tập thể chứ không còn nằm trong tay một cá nhân như trước nữa. Đạo luật cải tổ Hiến pháp năm 2005 đã thành lập Uỷ ban bổ nhiệm thẩm phán cho Vương quốc Anh để lựa chọn các ứng viên thích hợp và gửi tới Đại pháp quan để bổ nhiệm. Khác với Pháp, ở Anh trong nhiều thế kỉ liền không có cấu trúc nghề nghiệp riêng cho thẩm phán. Trừ các pháp quan không chuyên là ngoại lệ, các thẩm phán khác của Anh được bổ nhiệm từ luật sư tranh tụng và luật sư tư vấn. Tuy nhiên, hiện nay, Uỷ ban nghiên cứu thẩm phán đã được thành lập với vai trò đào tạo thẩm phán. [4] 2.2 Nghề luật sư 2.2. 1 Nghề luật sư tại Pháp Để hành nghề luật sư tại Pháp, trước hết phải có bằng cử nhân luật (Maitrise en Droit ). Sau đó các luật gia phải trải qua kì thi để vào học tại Trung tâm quốc gia đào tạo nghiệp vụ. Kết thúc khóa học ở đây, các học viên phải trải qua một kì thi để có giấy chứng nhận khả năng hành nghề luật sư (Certificat d'aptitude à la profession d'advocat). Sau khi nhận được giấy chứng nhận này, các luật gia phải trải qua thời kì tập sự 2 năm. Luật sư tập sự phải làm việc dưới tư cách cộng tác viên cho một luật sư khác chứ chưa thể làm việc độc lập với tư cách một luật sư bào chữa ngay trước tòa. Kết thúc thời gian tập sự, nếu người thực tập nhận được giấy chứng nhận hết tập sự (Certificat de successful completion de probational période), họ sẽ trở thành luật sự chính thức. Trước đây, luật sư tại Pháp được chia ra làm luật sư bào chữa (Avoués ) và luật sư tư vấn (Conseils juridiques ). Luật số 2011-331 ngày 28 tháng 3 năm 2011 đã hợp nhất hai chức danh trên này làm một dưới tên gọi luật sư (avocats). Các luật sư tại Pháp chịu sự quản lý của các Đoàn luật sư (Barreaux). Hiện tại, tại Pháp có 181 Đoàn luật sư và việc đăng ký tham gia Đoàn luật sư là bắt buộc để một luật sư có thể hành nghề. 2.2. 2 Nghề luật sư tại Anh Nghề luật sư tại anh được chia thành luật sư tư vấn (Solicitor) và luật sư tranh tụng (Barrister). Theo truyền thống, luật sư tư vấn thường làm các công việc tư vấn pháp luật, chứng thực chúc thư, quản lý di sản người chết.. Còn luật sư tranh tụng là các chuyên gia biện hộ có quyền tham gia tất cả các phiên xét xử tại các tòa và cơ quan tài phán. Luật sư tranh tụng không được phép trực tiếp liên hệ với khách hàng. Họ chỉ có thể tiếp cận với khách hàng sau khi đã được luật sư tư vấn giới thiệu. Ngược lại, quyền tham dự phiên tòa của các luật sư tư vấn rất hạn hẹp, họ chỉ có thể tham gia các phiên tòa ở cấp dưới trừ những người giàu kinh nghiệm có thể thi sát hạch phụ để tham dự phiên tòa ở các cấp cao hơn. Điều này chính là một điểm khác biệt giữa việc hành nghề luật sư ở Anh và Pháp. Trên thực tế, việc hợp nhất hoàn toàn hai nghề này tại Vương quốc Anh đã bị cự tuyệt. [5] Tại Anh do có sự phân chia làm luật sư tư vấn và luật sư tranh tụng, ta cũng có hai hệ thống quản lý hai loại luật sư nói trên. Luật sư tư vấn chịu sự quản lý của Hội luật sư (Law society) của Vương quốc Anh. Còn luật sư tranh tụng lại chịu sự quản lý của Đoàn luật sư (Bar council). 3. Đánh giá Ta có thể thấy việc hành nghề luật ở Pháp và Anh có điểm tương đồng nhưng cũng có nhiều điểm khác biệt. Nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau này là do Pháp và Anh thuộc hai dòng họ pháp luật khác, cũng như do cơ sở kinh tế, chính trị, xã hội khác nhau. Tuy nhiên, cho dù có thuộc dòng họ pháp luật nào thì nghề luật ở cả hai nước đều phát triển rất mạnh mẽ do quy trình đào tạo nghiêm ngặt nhưng cũng rất khoa học và tiến bộ ở cả hai quốc gia. Đồng thời, việc so sánh nghề luật ở hai quốc gia tiêu biểu cho hai dòng họ pháp luật lớn trên thế giới cũng tạo thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu ngành Luật So sánh, giúp cho các nhà nghiên cứu thấy rõ hơn điểm tương đồng cũng như khác biệt của dòng họ Civil Law và dòng họ Common Law. KẾT LUẬN Tóm lại, dựa vào các cơ sở đã nêu ta nhận thấy, Pháp và Anh là hai quốc gia thuộc láng giềng của nhau về mặt địa lý, nhưng lại có những điểm tương đương và khác biệt lớn về hành nghề luật. Chính những điều này đã tạo nên cho Pháp và Anh có nét đặc trưng riêng, tạo nên sức mạnh cho mỗi quốc gia trong phát triển nghề luật. TÀI LIỆU THAM KHẢO 1. Trường đại học Luật Hà Nội: Giáo trình Luật so sánh, NXB Công an nhân dân, năm 2019. 2. Michsel Bogdan, Comparative law, người dịch PGS. TS Lê Hồng Hạnh- TH. S Dương Thị Hiền. 3. The legal professions–Introduction–France, 4.organisation of the Judiciary, 5. Legal profession – England and Wales,