Truyện Ngắn Hàng Xóm Thân Yêu - Shery

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Shery Wittgenstein, 17 Tháng bảy 2021.

  1. Shery Wittgenstein

    Bài viết:
    2
    Quanh nơi tôi ở bao la ruộng đồng, cách vài ba thửa ruộng là có nhà, mỗi nhà đều có con đường mòn cỏ mọc um lên để dẫn lối đi. Chiều chiều, tôi cùng lũ trẻ hàng xóm tụ lại trên cái sân cỏ, nói là sân chứ thật ra là bãi đất trống bằng phẳng và có địa thế ở giữa nên tụi chúng tôi hay tụ tập. Đá bánh, thả diều, rượt đuổi, quăng lon, bắn súng, đánh trận.. đủ thứ trò. Đến giờ khoảng xế chiều hay khi mặt trời đi núp còn lại thứ ánh sáng dịu mát, ba mẹ của mỗi nhà đều gọi to ".. về ăn cơm". Ví dụ như: "Thằng Thúi về ăn cơm", "con Dế về ăn cơm".. hồi đó tụi chúng tôi ai cũng có cái tên ở nhà rất là xấu, vì có quan niệm đặt tên xấu con cái mới dễ nuôi. Tiếng gọi cách xa vài ba thửa ruộng, vọng theo gió nghe văng vẳng, đứa nào bị gọi tên thì ráng chơi thêm chút rồi lững thững ra về. Hẹn nhau mai chơi trò này trò kia, vẻ còn nuối tiếc vì sao trời nhanh tối.

    Bữa tối diễn ra rất sớm, khoảng năm giờ hoặc năm giờ rưỡi chiều. Nhà tôi ăn cơm bên cửa sổ, nơi ánh chiều chiếu vào mát lành bên mâm cơm rau luộc chấm mắm, đậu hủ kho thay thịt, lâu lâu được một cái trứng luộc chia hai cho hai chị em. Đó là những ngày hè còn sử dụng thêm ánh sáng của trời, chứ vào tháng mười, tháng mười một trời nhanh tối phải thắp cây đèn dầu tỏa khói đìu hiu, gia đình bốn người chụm lại bên mâm cơm nhỏ nói vài chuyện luyên thuyên.

    Bảy giờ tối, nhà nào cũng như nhà nào, đều tắt đèn lên giường đi ngủ. Đến khi gà gáy sớm hôm, nhà ai cũng lục đục bếp lửa, khói bay lên mùi cơm chín thơm lừng. Có nhà nấu sữa đậu nành ra chợ bán thì thơm mùi sữa, có nhà bán bắp luộc thì lửa đỏ cả đêm đến tờ mờ sáng đã dập. Nhà tôi thì lúc nào cũng thơm mùi cơm chín, dưới đáy nồi mảng cơm cháy vàng ươm thơm nứt. Mẹ cùng vài dì hàng xóm, người vác cuốc mang nước, người cầm liềm mang cơm rủ nhau ra đồng sớm. Để lại chúng tôi ở nhà tự lo cơm nước, chuyện học hành.

    Ngày ấy, tôi và chị cách nhau hai tuổi, hễ tôi học buổi sáng thì chị tôi học buổi chiều, chính vì thế hai chị em thay nhau làm việc nhà. Sáng tôi đi học về xong, cơm nước nghỉ ngơi thì chiều về nhà chăn bò. Đội chăn bò của chúng tôi hơn năm đứa trẻ, có đứa chăn ba con, hai con, mỗi tôi chăn một con. Vốn liếng cả nhà tôi có con bò là giá trị nhất. Vậy mà tôi đem vốn liếng ấy bỏ mặc ngoài đồng, đóng cọc tự lo, còn tôi long nhong cùng đám trẻ con cùng tuổi bắt dế, hái keo, dựng trại nghỉ mát, đào đất sét chơi đồ hàng.. đến giờ thì dẫn bò về. Đó là những ngày "thuận buồm xuôi gió", có những hôm ham chơi quá độ, để bò xổ cọc đi qua ruộng người khác gặm gần nửa thửa ruộng non. Tôi về, ông bác liền qua "mắng vốn" việc tôi chăn bò ham chơi, mẹ bực nhưng chẳng nói gì. Ba tôi đứng ra nói chuyện, xin lỗi vài ba tiếng rồi hứa sẽ dạy dỗ lại tôi. Tôi run sợ mà ông bác hàng xóm cũng biết tôi sợ, liền khuyên lại ba tôi mọi chuyện cũng đã qua, nhắc nhở cháu nó được rồi! Tối hôm ấy tôi bị mẹ mắng, ăn cơm nuốt cũng nghẹn, không trôi.

    Tôi nhớ, nhà bà Bảy có cây ổi mọc còn cao tuổi hơn tôi lúc ấy, cứ độ hè về nắng vàng vọt là cây rất sai quả, ngày nào tôi đi học về, men theo con đường tắt là nhìn thấy cây ổi rụng quả, trên cây còn trăm ngàn trái chín đến độ ăn no bụng. Đầu mùa, chúng tôi kéo cả đám, cỡ bảy tám đứa, ra sau nhà bà Bảy xin hái ổi ăn. Bà Bảy lúc ấy ngồi chặt dừa ậm ừ một lúc rồi cũng cho. Nào đâu, bảy tám đứa nhỏ, đứa nhỏ nhất cũng sáu bảy tuổi, trèo cây ổi hái hết những quả chỉ vừa ấp ủ đủ tuổi chưa chín. Tụi chúng tôi ăn từ trên cây, hái mang về hai bên túi quần, giấu vào bụng áo, mỗi đứa chia nhau ăn. Quả chát nhất cũng thấy ngon ngọt, miễn được hái hết chẳng để ý đã chín hay chưa. Lúc chúng tôi tản đi, tôi có thể tưởng tượng cây ổi đang khóc mà bà Bảy cũng khóc vì sự tàn phá này.

    Qua vài hôm, đám chúng tôi đến xin tiếp nhưng lần này chúng tôi bị từ chối thẳng. Vậy là chúng tôi canh me lúc bà Bảy đi vắng, trèo lên quơ sạch. Chỉ khi bà Bảy về, nghe từ trong nhà vọng ra câu nói: "Muốn ăn thì xin bà cho chứ sao lại hái trộm như vậy?". Nhưng vì xin bà Bảy không cho, mà cơn thèm lại dâng trước mắt nên chúng tôi chẳng kiềm lại nỗi.

    Thật ra, đám trẻ chúng tôi đã thực hiện nhiều vụ trộm lắm, và ai cũng biết là ai làm, nhưng không ai làm gì cả. Ví dụ như trộm bắp nhà bà Chín, trộm dưa nhà ông Năm, trộm khoai lang nhà bác Sáu, trộm xoài nhà bác Tư.. Nhiều vụ trộm diễn ra theo mùa, mùa nào trồng gì, mùa đấy có lũ trẻ chúng tôi trộm. Lúc ấy tôi cứ nghĩ tụi chúng tôi ăn trộm âm thầm chắc chẳng ai hay ai biết, nhưng đến bây giờ lâu lâu lên nhà các bác ấy chơi, vẫn kể được tên biệt hiệu ở nhà của chúng tôi với những lần mất trộm vào tay.

    Năm ấy, nhà tôi nuôi gà, cả ba mẹ và hai chị em đều đi học không có nhà liền bị vài người lạ đột nhập bắt đi hai con gà trống to khoẻ nhất. Nhưng họ không ngờ, dễ đột nhập lấy đi chứ khó mà thoát ra được. Bởi xung quanh luôn có nhà mấy bác, mấy chú xem hộ. Vậy là trộm bị bắt, gà được lấy lại, nhà vẫn an toàn.

    Có những năm nhà tôi làm ruộng thất bát, lúa bán ra cũng chẳng đủ công cày, bao gạo giữ lại ở nhà không đủ cung cho bốn miệng ăn nên mẹ tôi đi mượn lúa. Hết lúa, có những buổi chiều mở khạp gạo trống trơn, vội xách nồi đi mượn nhà ông Chín hai lon gạo, ông thấy thương múc cho bốn lon bảo khi nào có trả "tao". Rồi ông nhét vô tay hai quả mướp dài nặng trịch bảo một trái để ăn, một trái để làm giống. Có những ngày ở nhà cạn thức ăn nhưng đi vòng vòng vẫn no cái bụng.

    Rồi khi nhà ông Năm có chiếc tivi hộp màu xem được "Bao Thanh Thiên", "Tây Du Kí" rõ nét, cả nhà tôi ai cũng tranh thủ ăn cơm sớm hơn, bốn người rủ nhau đến nhà ông Năm ngồi xem phim "ké". Mà không chỉ có gia đình nhà tôi, cả nhà bà Bảy, nhà thằng Thúi, nhà con Dế.. tổng hơn mười mấy người, cảm giác đầu ai cũng chụm lại chỉ để được xem rõ nét diễn của diễn viên. Những lúc phim gây cấn, mặt người nào cũng căng thẳng. Những lúc phim cảm động, trẻ con thì khóc thật, người lớn thì rưng rưng, có người còn hô lên "có gì đâu mà khóc trời?" thật ra người ấy ngại quá hô to để đỡ phải rơi giọt cảm động. Xem phim xong đến hơn bảy giờ tối, người lớn ở lại nói vài ba câu chuyện người lớn quan tâm, còn tụi chúng tôi ra sân đùa giỡn rượt đuổi nhau khắp nhà. Thời ấy, nhà ông Năm như khu vui chơi thu nhỏ thô sơ, có cái sân xi-măng to và ánh đèn chiếu đến tám giờ tối hơn. Sau khi người lớn nói chuyện xong, ai cũng phủi mông nhà nào về nhà nấy, để giữ sức mai làm việc sớm rồi lại hẹn nhau xem tập tiếp theo của bộ phim. Có những hôm vì quá nhập tâm vào nhân vật "Tề Thiên" trong "Tây Du Kí", tối về tôi đã mơ mình bay lên trời, vượt qua chín tầng mây, bay lên thiên đình nhảy múa.

    Cuộc sống không phải lúc nào cũng bình yên giản dị như thế trôi qua, xóm tôi nghèo, cái khổ vẫn còn quẩn quanh nơi cuộc sống mưu sinh thường trực. Có hôm, nhà cô Hai vợ chồng cãi nhau vì chuyện làm ăn thất bại, bao nhiêu thứ trong nhà đập nát, lời qua tiếng lại đến mức họ muốn ly hôn. Hàng xóm cả đêm như không ngủ, thức trắng đêm khuyên giải hai vợ chồng. Ít lâu sau, nhà cô Hai được ông Năm giúp đỡ cho mượn đất canh tác vườn thanh long, cuộc sống dần dần tốt hẳn lên.

    Có lần mẹ tôi không may bị tai nạn giao thông, phải bó bột cánh tay phải, mọi thứ khó khăn trong sinh hoạt. Tôi lúc ấy còn nhỏ chẳng biết đỡ đần việc gì nhiều. May mắn thay có các cô hàng xóm qua giúp mẹ đi chợ, gánh nước, nấu ăn. Mỗi ngày mỗi thay một người như thế. Có bác không giúp sức thì động viên tinh thần, có người thì cho mẹ sữa, ủng hộ mẹ tiền thuốc thang. Mẹ bảo khi ấy tay đau, nhưng trong bụng lại mát. Tôi làm thinh không hiểu, mãi sau này ngẫm thấy mới thấm cái tình thương dâng lên không chỉ trong lúc êm đềm bình dị, mà trong những lúc khó khăn, một bàn tay đưa ra cũng thấy ấm áp lạ thường.

    Tôi nhớ như in, mùa bão năm tôi tám tuổi, khi mái nhà tranh vốn xiêu vẹo của gia đình tôi đã được cột lại bằng mấy sợi dây thừng vẫn bị gió quật sập cột nhà, hai chị em trong đêm khóc to vì hoảng sợ, ba và mẹ ra sức nâng mái nhà lên. Giữa đêm khuya ấy, khi chưa có điện thắp lên, những chiếc đèn pin từ đâu rọi nhanh đến, mấy chú mấy bác hàng xóm lội mưa gió, trong đêm khuya phụ giúp ba mẹ tôi nâng mái nhà lên, chống đỡ cột nhà thẳng dậy. Trong đêm bão ấy, những giọng nói hoang mang to lớn xuất hiện, lấn át đi tiếng mưa bão, lấn át đi nỗi sợ lạnh lẽo trong mắt hai chị em. Bà Bảy đón hai chị em về nhà ngủ trên chiếc giường trải chiếu đã mắc mùng sẵn. Trước khi hai chị em ngủ bà còn vỗ về an ủi, động viên để lấy tinh thần ngày mai đi học vui vẻ như mọi hôm. Mẹ tôi luôn nói, nếu không có mấy cô chú hàng xóm, có khi cả nhà tôi bị đè sập mà không sống đến hôm nay.

    Một phần kí ức tuổi thơ tôi không chỉ gắn bó với những đứa bạn hàng xóm thân thương mà còn vì sự bao bọc, che chở của những người lớn, không chung dòng máu nhưng chung một lối mòn nhỏ dẫn vào cánh cửa nhà của nhau. "Xóm làng tối lửa tắt đèn có nhau" câu nói ấy thường hay vọng vào tâm trí tôi những hình ảnh của những khuôn mặt quen thuộc, gắn bó suốt thời gian dài tuổi thơ trong tôi. Và qua đi nhiều năm, những người hàng xóm quanh tôi, có người còn thì da đã nhăn sạm, có người mất mộ đã lên xanh, có những người bằng tuổi thì làm ăn tứ phương ít liên lạc, nhưng dù họ có thay đổi như thế nào, một phần tuổi thơ tôi đã có mặt của họ, kỉ niệm và kí ức mãi mãi lắng đọng. Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến họ, những người lớn mến thương!
     
    Mèo Cacao thích bài này.
    Last edited by a moderator: 30 Tháng ba 2022
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...