Truyện Ngắn Có Một Tình Yêu Như Thế - Bành Thái

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 18 Tháng mười 2021.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    CÓ MỘT TÌNH YÊU NHƯ THẾ

    Tác giả: Bành Thái

    * * *​

    Tôi mồ côi bố từ nhỏ, bằng thu nhập ít ỏi do lao động thủ công, mẹ và bà ngoại đã nuôi tôi khôn lớn. Năm 18 tuổi đi học nghề ở một tiệm buôn của thị trấn Lộ Giang Nam, tôi có quen biết cháu gái một ông chủ cho thuê nhà. Hàng tháng đều đến nhà ông nộp tiền thuê nhà nên chúng tôi thường gặp gỡ, đi lại, xem ra tâm đầu ý hợp.

    Chuyện này lọt đến tai bà và mẹ ở quê và thường được tô vẽ thêm. Tức tốc gửi thư lên, mẹ tôi bảo ở nhà đã nhờ người làm mối dạm hỏi một đám rồi, con phải về cưới ngay. Tiếp đến có điện gọi về. Gọi điện xong mẹ tôi lại lò dò tìm đến. Vừa nhìn thấy con, mẹ tôi đã "xạc" cho một trận, rồi đưa cho tôi một cái thỏi xương trâu, một trong những công cụ chủ yếu của bà tôi dùng để dệt sợi, nguồn thu nhập chính để nuôi tôi trưởng thành. Mẹ tôi bảo: "Bà ngoại mù chữ, cái này coi như là thứ bà gửi cho con".

    Không thể cưỡng lại mẹ, cộng thêm đốc thúc của bà ngoại, hôm sau tôi khăn gói theo mẹ về quê.

    Mọi việc ở nhà đã sửa soạn đâu vào đấy. Chọn ngày giờ tốt, kiệu hoa đến nhà. Tôi đón cô dâu từ kiệu bước xuống, cả hai cùng vái trời đất, vái tổ tiên, vái ông già bà cả rồi dẫn vào buồng cưới. Ba ngày tiếp theo, không phân biệt lớn bé, sang nghèo, họ hàng xóm làng đánh chén mừng cô dâu chú rể "động phòng". Sau đó vợ chồng sóng đôi vào bàn ăn cơm đoàn viên, trao rượu cho nhau cùng uống.

    Cô dâu họ Liễu, tên là Ngọc Thục, cũng mồ côi bố từ nhỏ, được mẹ vất vả nuôi dạy nên người và bây giờ đã là vợ của tôi theo sự sắp xếp của mẹ hiền và của bà mối. Song trước đó cô ấy lo hơn tôi. Bởi vì khi mẹ cô nhận lời ăn hỏi có yêu cầu mẹ tôi cho xem một tấm ảnh. Hồi ấy kỹ thuật chụp ảnh tồi lắm, tấm ảnh của tôi bị đen một vài vệt dưới mũi. Cô ấy cứ lo tôi sứt môi, hay mang một cái sẹo to đùng. Cho nên khi trao cốc cho tôi uống rượu, cô ấy hồi hộp đánh bạo ngước nhìn thật nhanh. Thấy tôi không sứt môi, cũng chẳng có sẹo cô ấy mừng thầm và yên tâm. Tôi chẳng để ý gì tới chuyện đó. Để ý hay không cũng thế thôi. Số trời đã định, cứ phải vui vẻ chấp nhận, chứ biết tính sao (nếu tôi sứt môi thật, thì cô ấy cũng đành chịu). Ăn cơm đoàn tụ xong, khách khứa ra về, đã nửa đêm chỉ còn lại hai vợ chồng tôi trong buồng. Vậy mà khi vừa bước vào buồng, cô ấy cứ cúi đầu im lặng ở góc nhà, mặt quay vào tường, lưng quay ra ngoài, chẳng khác gì người gỗ.

    Thật ra mấy ngày nay tôi cũng như một người gỗ, một con rối, bị giật dây làm hết động tác này đến động tác khác trong một thủ tục cưới xin rườm rà. Bây giờ bỗng đuợc rảnh rỗi, cảm thấy toàn thân mệt mỏi, muốn được nghỉ ngơi. Song còn một thủ tục cuối cùng phải làm, đó là việc cởi áo dài đỏ sát nách cho vợ. Chuyện này được gọi là "Giải hoài" (cởi lòng), dứt khoát phải chờ chú rể tự tay cởi cúc, cô dâu mới được tiếp tục nới quần áo sửa soạn đi ngủ. Việc nới cởi áo này dứt khoát phải chậm, càng chậm càng tỏ ra tôn nghiêm, trang trọng. Đồng thời dứt khoát phải cho chú rể lên giường ngủ đâu vào đấy, cô dâu mới từ từ buông man, vén chăn ngả người vào cuối giường, nằm co ro bên chân chú rể. Chờ khi nào anh chồng ra hiệu, cô vợ mới nhích dần lên. Tất cả động tác này đều phải từ từ và càng phải nhẹ nhàng êm ái.

    Tiếp theo việc cởi áo nới, tôi còn phải tháo đôi khuyên vàng đeo ở tai vợ đặt lên bàn trang điểm và lấy mũ cưới của mình úp lên. Bà ngoại và mẹ tôi nhắc đi nhắc lại, điều này vô cùng quan trọng. Chỉ có đậy mũ lên đôi khuyên tai, thì tôi mới sai khiến, đe nẹt được cô ấy trong cuộc sống chung sau này. Tôi cứ răm rắp làm theo. Nào ngờ sớm hôm sau thức dậy chợt thấy đôi khuyên tai đã để ra chỗ khác. Thì ra, khi sắp sửa về nhà chồng, mẹ và ông bà cô ấy đã dặn kỹ, sau khi tôi tháo khuyên tai để lên bàn và đậy mũ lên, dứt khoát phải tìm cách len lén để đôi khuyên lên trên mũ. Điều này cốt tử lắm, có làm như vậy, cô ấy mới sai khiến đe nẹt được tôi trong cuộc sống chung sau này. Cô ấy đã ghi nhớ, chỉ có điều là làm theo ý mình. Cô ấy lấy đôi khuyên ra khỏi mũ, không đặt lên mũ, mà đặt song song với mũ trên bàn trang điểm. Làm thế có nghĩa là mong trong cuộc sống chung sau này không ai sai khiến đe nẹt ai, mà dựa vào nhau, cùng bình đẳng như nhau.

    Tôi thấy thú vị chi tiết này lắm, quay người định hỏi xem sao, thì cô ấy đã ra khỏi buồng, dâng chiếc khăn vuông trắng vào buồng mẹ tôi.

    Ngày xưa, có một loại "son trinh tiết". Từ thời còn bé, các cô gái đã lấy kim châm vào cổ tay rồi bôi máu con thạch sùng cho đỏ lựng lên, để có những chấm đỏ bằng nốt ruồi coi đó quý báu và trong trắng mãi mãi như trinh tiết của mình, cho đến khi lấy chồng mới xóa đi.

    Sau khi cưới, buổi tâm sự đầu tiên giữa hai chúng tôi, tôi đã thật thà kể lại quan hệ giữa tôi với cháu gái ông chủ cho thuê nhà và trao cho vợ vật kỷ niệm duy nhất của cô ấy tặng tôi. Vợ tôi tin hoàn toàn và cẩn thận bỏ vật kỷ niệm ấy vào chiếc hộp nhỏ xíu xinh đẹp chuyên để những thứ bản thân yêu thích.

    Bắt đầu từ chuyện này, hai chúng tôi bước vào chặng đường đầu tiên của tình yêu - mối tình đầu. Đó là nắng sớm đầu xuân dịu ngát hương thơm. Đó là những giọt sương sớm long lanh trước gió. Một thời gian dài, cô ấy xấu hổ, sợ sệt, không nói to trước mặt tôi, cứ hé mồm là đỏ mặt, cúi đầu. Rửa mắt, rửa chân tay, lau người cô ấy đều gọi là "dùng nước", bao giờ cũng giấu người vào cánh cửa sau màn, không để một tiếng động nhỏ. Đi cùng nhau cô ấy tụt lại đến dăm bảy mét, gặp người quen cũng cứ lảng tránh.. Còn tôi mua được thứ gì cho vợ cũng cứ nhờ bà, nhờ mẹ chuyển cho, dẫn vợ đi xem phim, xem kịch, luôn luôn tìm lối hẻo lánh vắng vẻ cùng đi. Khi vợ có thai thèm của chua, tôi đi bộ hơn mười dặm về thôn quê mua chanh, mua khế, len lén nhét dưới gối. Đây không phải xa lánh và nhạt nhẽo, mà chứa đựng một tình yêu kín đáo, dịu ngọt vô cùng.

    Là mối tình đầu, không phải tuần trăng mật nên giai đoạn đầu sau khi cưới kéo dài những mấy năm, mấy năm, mấy năm vẫn ngọt ngào liên tiếp..

    Sau năm 1949, đất nước giải phóng. Vì vụ án sai Hồ Phong năm 1955, hai vợ chồng tôi phải sống cách xa nhau 24 năm. Trong 24 năm ấy, tôi bị bắt, bị tù, bị lao động cải tạo, bị đẩy về làng quê. Vợ tôi phải nuôi năm con ở nhà. Hai vợ chồng chỉ cách nhau có bức tường, hai cánh cổng sắt, mà xa xôi cách trở tựa trăm núi ngàn sông. Tuy không phải chân trời góc bể mà còn hơn chân trời góc bể, dù có "chân trời góc bể" cũng chẳng có sức mạnh nào ngăn được tình yêu của chúng tôi.

    Tôi và Ngọc Thục tin nhau. Cô ấy tin tôi trung thành với nhân dân, với Tổ quốc, tôi tin cô ấy thủy chung, đức hạnh. Đồng thời chúng tôi còn tin mùa đông sẽ qua đi, ngày xuân tươi đẹp nhất định sẽ đến. Bởi vậy trong 24 năm xa nhau này vẫn coi là thời kỳ yêu nồng nàn được ghi vào lịch sử của gia đình. Thời gian đầu bị giam giữ trong trại giam, tôi chịu được mọi sự giày vò, chỉ sợ nhất là nỗi trống trải trong nhà giam sẽ gặm nhấm linh hồn, ý chí của tôi. Giữa lúc tôi cảm thấy không thể cưỡng lại được sự đổ vỡ, thì bỗng nhận được sách của vợ gửi đến. Một người đồng chí cùng trại giam được ra trước, báo cho vợ tôi tin ấy. Vợ tôi dăm lần bẩy lượt tìm đường vào mà các cánh cửa vẫn đóng im ỉm. Cuối cùng, trời chẳng phụ công người. Qua bao vật vã, cực nhục, vợ tôi đã gặp được một vị chức sắc hảo tâm cho phép vào gặp chồng và đã cứu được tôi khỏi nỗi cô đơn trống vắng. Từ đó cứ khoảng nửa tháng lại đưa vào một lần (chỉ cho đưa vào, không được trả về, sợ gửi lẫn cái gì đó kẹp trong cuốn sách). Vì vậy xung quanh tường buồng giam tôi đã chất đầy sách. Còn tôi mỗi khi đọc một cuốn sách, đều thấy hình ảnh Ngọc Thục ẩn hiện giữa những trang in. Đó là tưởng tuợng, là ảo giác, nhiều hơn cả là sự chuyển hóa các nhân vật trong sách. Thí dụ: Natasa trong "Chiến tranh và hòa bình" - những nhân vật ấy - Ngọc Thục của tôi luôn luôn sống bên tôi suốt một năm chín tháng.

    Tiếp theo là lao động cải tạo, tôi có thể gặp vợ, song những cuộc gọi là gặp gỡ này thật ra còn chua xót cay đắng hơn không gặp gỡ. Ngọc Thục đến đem theo năm đứa con mà tôi thầm nhớ. Mỗi lần đi gặp chồng, cô ấy đều mượn quần áo mới của các chú, các thím, các anh, các chị hàng xóm láng giềng để mặc cho con, cho mình, cốt sao chồng khỏi lo nghĩ về đời sống gia đình. Ngọc Thục đến đem theo trứng luộc, mì, bánh rán, cháy cơm - những thức ăn nhiều chất bổ.. Trước khi đi, phân phát cho mỗi đứa ít chút bỏ vào túi áo, chờ khi tôi nhận quà chia cho các con cùng ăn thì đứa nào cũng móc túi bảo "Phần của bố đấy! Chúng con có rồi! Có rồi!" Ngọc Thục đến, để khỏi ảnh hưởng đến tôi, luôn luôn kìm giữ bản thân và dặn các con khi thấy bố không đuọc để nước mắt chảy ra. Đây cũng là quy định của chế độ gặp. Nhưng sau mỗi lần gặp gỡ thấy tôi đi khuất vào cửa sắt và tường vây, cô ấy không tài nào ghìm được lòng, dắt con chạy ra xa, ôm nhau òa lên khóc. Có lúc cố nín nhịn, lấy cái đau của da thịt giảm bớt nỗi đau thương trong lòng. Đến tận bây giờ vai vợ tôi còn mang những vết cắn đó. Một hôm, Ngọc Thục đến một mình, thức ăn đem tới cũng đặc biệt lắm: Một cái phích nước, trong phích là gà hầm. Vì miệng phích nhỏ, phải xé thịt gà cho vào. Tôi vừa bước đến, vợ tôi đã mở nút phích và đưa bát đũa mang sẵn rót cho tôi ăn: "Ăn đi cho nóng. Hôm nay sinh nhật anh tròn 35 tuổi, ở nhà làm bánh trường thọ, các con chúc lạy cho bố.." Sau này mới biết, nỗi cay cực của cô ấy còn nhiều hơn thế và sự yêu quý săn sóc chồng của cô ấy cũng đâu chỉ có thế.

    "Trai tài khó nuôi nổi ba miệng ăn", vợ tôi vốn là một người đàn bà có gia đình, đằng sau là 5 đứa con lau nhau đói ăn đói mặc, sống được đâu phải dễ. Mặc dù vợ tôi đã kịp thời chạy chọt mọi việc, ban ngày đi kéo xe tay ở nhà ga, ở công ty vận tải, ban đêm cùng các con làm dịch vụ đan áo len, khâu đệm giày, găng tay, làm lòng gà lòng vịt, mà vẫn không đủ tiêu, vẫn nghèo túng triền miên. Bàn chân giẫm phải đinh máu chảy ròng ròng, không chịu nghỉ, làm việc quá sức ốm ho ra máu, vẫn cứ đi làm. Bác sĩ khám bệnh cho phép phải nghỉ việc cũng không chịu nghỉ. Cuối cùng phải bán máu nuôi con nuôi chồng. Trong khoản thu nhập do chảy máu, nôn ra máu và bán máu ấy, vợ tôi đã dành phần khá hơn tiếp tế cho tôi. Thậm chí trong ba năm hạn hán thất thu lớn, tôi vẫn được ăn cá tươi, mỡ lợn, táo tàu, nên vẫn khỏe không bị nhiễm dịch lây lan ở nông trường cải tạo lao động. Khi tôi xa gia đình, con đầu mới 9 tuổi, con út mới 9 tháng. Mẹ phải đi làm, chị và anh đi học, để con út ở nhà một mình do sốt ruột Ngọc Thục đã nuôi một gà con làm bạn chơi, dần dần con gà lớn, biết chạy, bèn lấy dây buộc chân gà cột vào chân giường. Không may gà bị chuột cắn đau quá nên chết. Ngọc Thục đã đem con gà ấy bỏ vào phích nấu cháo đưa đến trại giam nuôi tôi.

    Tôi đâu có biết những chuyện như thế, song nỗi nhớ thương Ngọc Thục cứ cộng lên không lúc nào nguôi. Chỉ có hai cách bày tỏ lòng thương nhớ ấy, một là viết thư, hai là nằm mơ, mà viết thư thì phải viết công khai và hạn chế số chữ, nên từng câu từng chữ tôi đã gửi gắm tất cả nỗi lòng. Nằm mơ thì chẳng ai gò bó được, xong không hiểu sao đêm nào nằm mơ, thì kết cục vẫn là cảnh thê lương, đường trở về nhà rải đầy gai góc giữa cánh đồng hoang, và bao giờ cũng vậy, sắp sửa đến nhà, nhìn thấy cửa, nhìn thấy Ngọc Thục đang định chạy sà vào lòng vợ, dốc bầu nhớ thương, thì bỗng tỉnh dậy để lại toàn là nước mắt và lo âu..

    Năm 1962, đơn vị cũ định đón tôi về định xét bố trí công tác, thì nửa chừng đứt gánh. "Chớ quên đấu tranh giai cấp", vì chủ thuyết đó mà tôi bị gạt ra rìa, tự tìm đường sinh sống. Lúc đầu ở nhà "đuổi gà", nấu ăn cho vợ cho con. Nhiều năm qua, Ngọc Thục một thân một mình vất vả, việc nhà việc nước, bây giờ được chia sẻ một phần gánh nặng cho vợ con âu cũng là điều nên làm. Song công việc này chẳng có thu nhập gì cả, chẳng khác gì ăn gửi sống nhờ. Chẳng bao lâu tôi chuyển sang giúp vợ kéo xe cho nhẹ bớt phần cô ấy. Hai vợ chồng, người lôi kẻ kéo, phối hợp nhịp nhàng từ sáng đến tối cặp kè rồng rắn bên nhau. Có cái vui của "vợ kéo chồng đẩy" song rốt cuộc vẫn là công việc phụ thuộc, chỉ có thể giảm chút cường độ lao động của người kéo, chứ chẳng làm ra của cải, chẳng thể cống hiến sức lực giải thoát cảnh nghèo đói cho gia đình. Vậy là tôi lại tìm việc khác, lúc đầu bốc vác thuê; sau chuyển sang kéo xe như vợ để kiếm thêm tiền. Kéo xe là việc nặng nhọc nhất thế giới này. Sau một ngày làm việc, hai chân cứ cứng lại, hai cánh tay tê dại, vai phải phồng rộp lên bằng nắm tay. Điều này khiến tôi càng khâm phục, kính nể Ngọc Thục đã bao năm kéo xe và làm những việc nặng hơn kéo xe. Để khỏi mệt mỏi, phục hồi sức khỏe, kéo xe chạy đều, tôi đã dần dà hám uống chút rượu mà xưa nay tôi không hề nhấm nháp bao giờ. Ngọc Thục không hề ca cẩm điều gì. Cô ấy biết tôi uống rượu để đỡ mệt và giải sầu. Cho nên thường đi làm về đặt càng xe xuống, lau vội mồ hôi, chưa kịp thở, đã huơ tay vào thùng đựng gạo, gạo chẳng còn một hạt, tiện tay nhấc chai rượu lên xem, rượu cũng chẳng còn giọt nào. Thế là ba chân bốn cẳng, vác cái mặt dày sang nhà hàng xóm vay chỗ này vài đồng, chỗ kia vài hào, về nhà giúi cái chai và bao đựng gạo vào tay con bảo:

    - Mau! Mua rượu xong rồi mua gạo!

    Gạo mua về, ngoài những ngày lễ tết, còn rất ít nấu cơm, thường là nấu cháo, nấu cháo rau, nấu cháo củ cải. Khi ăn cháo, bao giờ Ngọc Thục và đứa con cả cũng vớt nước nổi ở trên, dành chút sánh ở dưới nồi cho chồng và đứa con út. Khi ăn rau xanh, nếu Ngọc Thục gắp được cuộng rau là bỏ vào bát chồng. Bắt chước mẹ, mấy đứa con cũng cứ thế làm theo. Đại cách mạng văn hóa nổ ra, tôi bị liệt vào đàn "chó chết", song vẫn chịu quản chế và bắt phạt như trước. Một trong các hình phạt đó là quét dọn vệ sinh đường phố. Tôi được giao quét dọn vệ sinh dài khoảng 1000 mét đường phố, một mình tôi, quét dọn phải mất 5 tiếng đồng hồ mới xong. Cứ dậy sớm quét từ 3 giờ đêm cũng phải đến 8 giờ sáng mới xong, mệt mỏi khỏi cần nói, vấn đề là lỡ thời gian kéo xe, đến muộn ai người ta thuê. Chuyện này rầy rà to, Ngọc Thục đã cùng các con ra làm giúp mới giải thoát đuợc. Tôi ngăn lại "Không được! Không được! Mình là nhân dân các con là những đóa hoa của Tổ quốc." Cô ấy nhất định không chịu:

    - Nhân dân thì sao nào? Đóa hoa của Tổ quốc thì sao nào? Những việc bố nó phải làm, mẹ con em đều làm được!

    Tôi bảo: "Không! Không! Làm việc này nhục lắm! Cực lắm." Vợ tôi gạt đi: "Nhục cùng nhục, cực cùng cực, không thì vợ chồng, bố con làm gì?" Lao động cực nhọc và hình phạt khắc nghiệt chẳng thể cướp đi niềm vui của cuộc sống gia đình. Hôm nào trời mưa phải ở nhà, gia đình tôi lại bày ra đủ thứ trò chơi, vật tay, thi chống tay, chơi cờ, hát, kể chuyện.. Ngoài ra tôi còn trồng nho trước sân, trồng hoa sau vườn. Nho chín tôi hái rửa dành cho Ngọc Thục chùm to mọng nhất. Hoa vạn niên thanh quanh năm tươi tốt, tôi bắt cành qua song cửa vào nhà cho bò lên đầu giường Ngọc Thục để vợ tôi lúc nào cũng say đắm trong mùi thơm của hoa lá.

    Năm 1969, để sạch đẹp thành phố của nhân đân, loại người bẩn thỉu như tôi bị thải về thôn quê bản quán để bần nông và trung nông lớp dưới giám sát cải tạo.

    Công xã nguyên quán tôi cách thành phố chừng 20km. Ngọc Thục xin nghỉ việc, tiễn tôi. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng cô ấy bỏ việc. Chúng tôi cùng đi bộ về quê. Đằng đẵng mười năm qua đi. Trong mười năm đó có lần ngày quốc khánh, ngày Tết trung thu sát với sinh nhật của tôi. Trước đây, năm nào đến sinh nhật của tôi, dù tôi ở đâu Ngọc Thục cũng dẫn các con "chúc thọ" vắng mặt cho tôi. Lần này, nhân hai ngày lễ lớn cũng muốn làm bữa cơm đoàn tụ cho thật long trọng. Mọi việc đã sắp xếp đâuvào đây. Ngọc Thục chở con đi đón tôi về. Song cơ quan hữu quan không cấp "hộ khẩu tạm thời", họ bảo phải tăng cường giữ gìn trật tự trị an nhân ngày quốc khánh, những người như tôi không được ở lại thành phố. Tôi sợ rầy rà, Ngọc Thục cứ nằng nặc giữ lại. Thế là tôi lén lút ở lai. Khoảng 11 giờ đêm, tôi vừa chợp mắt thì chuyện xảy ra "Đội chuyên chính nhân dân" đến kiểm tra hộ khẩu. Những ánh đèn pin loang loáng, những cái roi to đùng. Những lời vặn hỏi nghiệt ngã: "Nhà có bao nhiêu nguôi?" Ngọc Thục đáp to: "Có tôi và mấy cháu nhỏ." "Còn ai nữa không?" "Không!" "Chồng chị chẳng về là gì?" "Không được đăng ký hộ khẩu, đi rồi." "Thật chứ?" "Thật!" "Kiểm tra nếu có thì sao?" "Các người làm thế nào thì làm." "Chặt đầu nhà chị đấy!" "Chặt thì chặt!", Những người ấy soi đèn pin và thọc gậy vào góc tường, khe cửa, gầm bàn, gầm giường, sau bếp, chẳng bỏ sót một xó xỉnh nào. Bởi vì trước khi mở cửa, cô ấy đã kịp giúi tôi nằm vào giữa những đứa con trong cái giường bé nhỏ.

    Năm 1979, tôi được sửa sai, trở lại làm việc ở đơn vị công tác cũ. Tôi và Ngọc Thục hai đứa trẻ mồ côi, hai con người gỡ được sợi tơ hồng cốt chặt với nhau, trải qua phong ba bão tố, nay đã tóc bạc hoa râm. Người đời thường bảo: "Cựu biệt như tân hôn", trải qua thời kỳ mối tình đầu, thời kỳ tình yêu nồng nàn say đắm, bây giờ lại một lần nũa chúng tôi "vui đón tân hôn". Cuộc sống tình yêu thực sự thủy chung trong trắng đang đi vào thời kỳ nhuần nhuyễn và thăng hoa. Sửa sai xong, việc đầu tiên đơn vị sắp xếp cho tôi là đi thăm núi Hoàng. Tôi sắp xếp cho mình là xin cho Ngọc Thục nghỉ hưu. "Ai đã thăm Ngũ Nhạc về thì không cần xem Ngũ Nhạc nữa". Tôi hâm mộ cảnh quan kỳ diệu của núi Hoàng từ lâu, nhưng tôi đã từ chối. Không có Ngọc Thục cùng đi thì tôi không thể hưởng thụ một mình. Ngọc Thục nghỉ hưu phải qua nhiều thủ tục rầy rà và tốn kém công sức, song tôi quyết gắng làm, tôi không muốn vợ tôi bước thêm một bước nào nữa trên con đường đầy mồ hôi, máu và nước mắt.

    Mưòi năm của thời kỳ mới, trở lại con đường đúng đắn, vạn vật đã đổi mới. Theo đà cải cách mở cửa Tổ quốc, gia đình tôi cũng trở nên có sức phồn vinh. Con cái, cháu chắt bây giờ đã lên tới mười hai thành viên. Con cái đều lớn khôn, dã lấy vợ, lấy chồng ra ở riêng cả. Hai vợ chồng già, dựa vào nhau, ở chung nhà to, nằm chung giường rộng. Tôi ngủ hay ngáy, ngáy đến rung nhà, rung cửa. Vậy mà chỉ khi nào nghe tiếng ngáy của tôi, Ngọc Thục mới ngủ ngon, ngủ kỹ. Còn tôi hễ đêm nào nằm mơ tỉnh dậy sờ tay thấy Ngọc Thục vẫn nằm bên cạnh, tôi mới vững tâm ngủ tiếp được. Tôi thích ăn thịt dê, thịt bò và lươn, mà Ngọc Thục thì từ ngày còn bé đã kiêng những thứ đó. Song biết nó có nhiều chất bổ, bà ấy đã cố gắng nhắm mắt nhắm mũi làm cho tôi ăn. Thường vì việc này Ngọc Thục bị nôn ọe. Ngọc Thục thích ăn táo ngọt không hạt, tôi tìm khắp chợ mua về, không bao giờ để chiếc hộp của vợ hết táo. Tôi bị đau mắt, chẳng thuốc nào chữa khỏi. Nghe người ta bảo chữa bằng nước bọt sẽ khỏi, Ngọc Thục mặc tôi từ chối nhiều lần, nhằm lúc tôi ngủ say đã dùng lưỡi liếm vào mắt đau của tôi và quả nhiên mắt tôi khỏi hẳn. Một lần vợ tôi bị đau ruột thừa phải vào viện mổ. Tôi đứng ngóng ngoài cửa một chút tưởng bằng một năm. Cứ thế "năm này qua đi, năm khác tới", tôi nghĩ bụng và quyết định: Vạn nhất có chuyện chẳng lành tôi sẽ chạy ra cửa đông nhảy xuống sông tự tử.

    Trong cuộc sống hàng ngày, vợ tôi giặt quần áo, tôi đem phơi. Vợ tôi nấu cơm, tôi nhặt rau. Vợ tôi tưới hoa, tôi xách nước. Tôi tắm, vợ tôi kỳ lưng cho, lần nào thấy tôi béo lên hoặc gầy đi cũng vui hay buồn theo. Mỗi lần tôi mua thêm áo mới cho vợ, vợ tôi cũng gắt yêu một câu: "Tôi đã bảo đừng mua, nhiều quần áo thế này mặc bao giờ cho hết." Tôi liền đốp một câu: "Bà nói hồ đồ thế, sao lại không mặc hết, đến năm 120 tuổi, còn những 50 năm, tôi còn phải tiếp tục may sắm cho bà." Khi ra đường, bà ấy chẳng còn tụt lại sau dăm bảy bước như mối tình đầu ngày nào, mà sánh vai cùng bước. Dọc đường sợ ướt giày, tôi thường dắt vợ vòng qua chỗ lội. Sợ tôi cận thị không nhìn rõ, bà ấy thưòng hẩy hòn gạch, hòn đá ra xa để khỏi vướng vào chân tôi. Thỉnh thoảng tôi có việc đi ra phố một mình, vừa ra khỏi cửa đã vội bước nhanh, đi mau rồi về. Về đến nhà mới tự hỏi sao mình vội vàng như vậy. Bởi vì để bà ấy ở nhà một mình. Có lúc bà ấy sang chơi nhà hàng xóm, sang phòng đọc sách lấy báo hay đi chợ mua rau, thời gian lâu một chút (thật ra chưa hẳn đã lâu) tôi đã thấy sốt ruột, trách vợ: "Sao lâu thế, lên Bắc Kinh chơi đấy à?" Có lúc bà cảm thấy oan gắt lên: "Tôi chẳng có chút tự do nào ư? Ông là bố mẹ tôi sao?" Nói xong đẩy tôi vào chỗ kín hôn tay tôi. Sắp 70 tuổi, bà ấy vẫn chẳng biết hôn. Biểu hiện cao nhất của yêu mến quyến luyến chỉ là khoác tay, thơm tay.. Đưong nhiên cuộc sống rất phức tạp.

    Mãi đến lúc này tôi và Ngọc Thục không phải không có chút gì mâu thuẫn trong lòng. Mâu thuẫn của tôi là: Khi chết lên thiên đường hay xuống địa ngục, ngưòi muốn lên thiên đuòng nhiều quá, chen chúc quá, mà địa ngục thì u ám tối tăm quá. Cả đời tôi đã sống quá nhiều tối tăm u ám. Mâu thuẫn của Ngọc Thục là chết trước chồng hay chết sau chồng, chết trước thì để ông ấy sống một mình không chịu nổi. Chết sau thì tiếc không muốn để ông ấy đi trước. Mâu thuẫn của bà ấy cuối cùng cũng được giải đáp: Chết cùng giờ, cùng ngày, cùng tháng, cùng năm với ông ấy. Mâu thuẫn của tôi cũng được kết luận: Bà ấy lên thiên đường tôi cũng lên thiên đường, bà ấy xuống địa ngục tôi cũng xuống địa ngục. Năm tháng trôi đi lạnh lùng và khắc nghiệt. Xem ra đã đến trạm cuối cùng. Song Ngọc Thục thì bái lạy Bồ Tát, tôi thì bái lạy hồn ông Marx trên trời mong các vị cho các trạm cuối cùng cùa chúng tôi lùi xa hơn chút nữa, lùi xa thêm chút nữa để tôi và Ngọc Thục được đi thêm một vài năm, đi thêm vài nãm nữa.

    VŨ CÔNG HOAN dịch

    (Theo "Thế giới người tình", NXB Ly Giang)
     
    Nguyễn Ngọc NguyênBạchLạc thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 9 Tháng mười hai 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...