[Bài Thơ] Gửi Lời Chào Lớp 1 - Hữu Tưởng

Thảo luận trong 'Thơ Ca' bắt đầu bởi Truyện Thiếu Nhi, 21 Tháng tám 2019.

  1. Truyện Thiếu Nhi The Very Important Personal

    Bài viết:
    331
    Bài thơ Gửi lời chào lớp Một là bài thơ quen thuộc với nhiều thế hệ học sinh, đã có biết bao thế hệ học sinh đi qua thời lớp 1 thuộc làu ít nhất là một đoạn trong bài thơ này. Những câu thơ cứ ngân nga như một thời thơ ấu tràn đầy kỷ niệm với bảng đen, bàn ghế, thầy cô, bút mực. Từ thập kỷ 80, bài thơ "Gửi lời chào lớp Một" đã được đưa vào sách giáo khoa và vẫn hiện hành với sách cải cách. Đã có những nhầm lẫn về xuất xứ bài thơ và cuối cùng cũng tìm ra xuất xứ tin cậy nhất. Xin tổng hợp các thông tin để chia sẻ với các bạn.

    Lớp Một ơi! Lớp Một!

    Đón em vào năm trước

    Nay giờ phút chia tay

    Gửi lời chào tiến bước!

    Chào bảng đen cửa sổ

    Chào chỗ ngồi thân quen

    Tất cả! Chào ở lại

    Đón các bạn nhỏ lên

    Chào cô giáo kính mến

    Cô sẽ xa chúng em..

    Làm theo lời cô dạy

    Cô sẽ luôn ở bên.

    Lớp Một ơi! Lớp Một!

    Đón em vào năm trước

    Nay giờ phút chia tay

    Gửi lời chào tiến bước!

    [​IMG]

    Lời bình của nhà văn Phạm Khải

    Ngẫm ra, nghề dạy học có cái gì đó tựa nghề lái đò. Khi con đò đã qua sông, hành khách lên bờ thì người lái đò lại quay trở lại bờ bên này để đón một lớp khách mới. Khi người giáo viên phải xa các học sinh của mình để tiếp tục làm quen và dạy bảo các bạn nhỏ khác, cái tâm trạng vui buồn đan xen cộng với biết bao xốn xang ấy- thật không dễ diễn tả.

    Tương tự vậy, các bạn nhỏ- đặc biệt là các nhân vật trong bài thơ của tác giả Hữu Tưởng, những học sinh vừa qua giai đoạn lớp Một- cũng có những tâm trạng không bình lặng. Vì lớp Một là lớp đầu tiên của quá trình học tập, nơi tụ hội, gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Chia tay với lớp Một, các bạn có cái ngỡ ngàng của một cậu bé mới lớn, bộ quần áo đang mặc phải thay và nhường cho các em, cái ngỡ ngàng bâng khuâng vì phải xa lớp cũ, nơi có nhiều kỉ niệm gắn bó với mình. Vừa mới đó, chỉ một năm trước:

    Đón em vào năm trước

    Nay giờ phút chia tay

    Làm sao mà không xao xuyến, bâng khuâng? Nhưng nhớ về lớp cũ, các bạn nhỏ trong bài thơ đã biết nhớ về những kỉ niệm rất cụ thể. Đó là bảng đen, là cửa sổ, nơi thu hút cái nhìn của các bạn lúc thầy cô lên lớp và trong những phút nghỉ giải lao. Đặc biệt, nơi đó còn gắn với cô giáo kính mến, người gần gũi, gắn bó với các bạn suốt một năm học.

    Tuy nhiên, cái chia tay của các bạn lớp Một "năm nay lên lớp hai" không nhiều bịn rịn như sự chia tay của các anh chị cuối cấp, khi ra trường, vì chia tay ở đây là chia tay với lớp, với bàn ghế cũ, với cô giáo, không phải là chia tay với bạn bè cùng học. "Tất cả! Chào ở lại" cơ mà. Không khí chia tay, bài thơ có cái gì đó rộn ràng, vui vẻ, các bạn nhỏ của chúng ta cũng tỏ ra hãnh diện, hãnh diện trong câu nói:

    Tất cả! Chào ở lại

    Đón các bạn nhỏ lên.

    Bài thơ cũng có nhiều tiếng "đồng thanh" lắm. Điệp khúc "Lớp Một ơi! Lớp Một" lặp lại đầu, cuối bài thơ nghe vang vọng tiếng đồng thanh tập thể. Bài thơ cũng lao xao nhiều tiếng chào xen kẽ giữa các khổ thơ, thể hiện không khí của giai đoạn chuyển lớp.

    "Gửi lời chào lớp Một" là một bài thơ rất giản dị. Cái hay không nằm trong ý tưởng sâu xa mà là đánh động được những tình cảm trong trẻo, tơ non của tuổi học trò. Bản thân lứa chúng tôi và những anh chị trên đó, trước đó từng được học bài thơ, đều cảm thấy xúc động mỗi khi nhớ lại bài thơ này. Bài thơ đi thẳng vào trái tim non trẻ, để lại dư âm trong suốt cuộc đời họ. Sách giáo khoa rất cần những bài thơ có tính chất giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn như thế.

    Nghi ngờ sách giáo khoa ghi sai tên tác giả

    Ở SGK Tiếng Việt lớp 1 (tập 2) dưới bài thơ ghi tên tác giả là Hữu Tưởng. Người đưa nghi vấn đầu tiên về tác giả là nickname Tran Trung.

    Trên trang cá nhân của mình, Tran Trung chia sẻ: "Internet thật là tuyệt! Nhờ nó mà tình cờ mình biết được bài thơ quen thuộc một thờiGửi lời chào lớp Một là lời bài hát trong bộ phim Liên Xô (cũ) Maruxia đi học, sản xuất năm 1948"

    Những độc giả khác truy tìm trên mạng thì thấy quả kịch bản của phim Maruxia đi học này có lời bài hát Nga tựa như bài thơGửi lời chào lớp Một trong SGK. Dòng trạng thái này của Tran Trung được nhiều bạn bè, cư dân mạng chia sẻ với nhiều câu hỏi.

    Nickname Uyên Thảo Trần Lê cung cấp thêm thông tin: "Bài thơ này tôi nhớ học từ năm lớp 1 cách đây 50 năm, khi ấy người ta ghi là phỏng thơ". Nickname Mai Anh cũng viết: "Bài này hồi mình học năm 1970 đã biết là của Nga mà".

    Qua tìm hiểu, được biết sau năm 1975, SGK lớp 1 có hai lần được sửa chữa. Lần chỉnh sửa thứ nhất là năm 1979, xuất bản năm 1981. Lần chỉnh lý thứ hai là năm 1989, xuất bản năm 1994. Sách Tiếng Việt lớp 1 được lưu hành hiện nay dựa trên bản chỉnh lý năm 1994.

    Ý kiến các nhà làm sách giáo khoa

    PGS. TS Đặng Thị Lanh, chủ biên của sách Tiếng Việt lớp 1 hiện hành, cho biết bản chỉnh lý sách Tiếng Việt lớp 1 năm 1994 dựa trên sách Tập đọc lớp 1 xuất bản năm 1981.

    Lúc đó, sách vẫn đề tác giả bài thơ Gửi lời chào lớp Một là "theo Hữu Tưởng". Còn với những bản gốc trước năm 1981, bà Lanh cho hay bà cũng không biết nên chưa có cơ hội đối chiếu.

    "Tôi cũng không biết tác giả Hữu Tưởng là ai. Khi làm sách thì chúng tôi không thể gặp từng tác giả một. Chúng tôi chỉ trích lại theo nguồn (năm 1981) mà thôi" - bà Lanh nói.

    Thạc sĩ Trần Mạnh Hưởng - người cùng tác giả Nguyễn Có được giao chỉnh lý sách Tiếng Việt lớp 1 năm 1989 - cũng xác nhận bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong quyển Tiếng Việt lớp 1 hiện hành được trích lại từ sáchTập đọc lớp 1 năm 1981, ghi tác giả bài thơ là "theo Hữu Tưởng", còn bản hiện hành để tên tác giả là Hữu Tưởng.

    [​IMG]

    Sách Tập đọc năm 1981 ghi chú ở phần tác giả bài thơ là "Theo Hữu Tưởng" - Ảnh: ThS Trần Mạnh Hưởng

    Theo ông Đào Duy Mẫn - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông, một đồng nghiệp cũ của ông Hữu Tưởng - thì ông Hữu Tưởng tên thật là Nguyễn Hữu Tưởng, nguyên viện phó Viện Khoa học - giáo dục trước đây, đã mất vào những năm 1980. Theo đánh giá của ông Mẫn thì tác giả Hữu Tưởng là một đồng nghiệp rất uy tín.

    Như vậy, xung quanh tác giả bài thơ Gửi lời chào lớp Một đã có nhiều thông tin lẫn lộn - học sinh thuộc những năm 1970 cho biết bài thơ được phỏng theo một ca khúc Nga, học sinh từ năm 1981 đến nay hiểu là thơ của Hữu Tưởng.

    Để giải quyết sự không rõ ràng này, GS. TS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: "Người làm sách cần phải tra cứu lại những bản sách trước sáchTập đọc năm 1981, xem lại bài thơ có giống như bài hát Nga đã nói không. Nếu có, cần phải chú thích lại cho rõ".

    Xuất xứ bài thơ theo tài liệu lâu nhất

    Sau khi đọc bài viết "Gửi lời chào lớp Một: Thơ của ai?" (Tuổi Trẻ ngày 7/7/2015), ông Lê Khánh Hoài (bút danh Châu La Việt) đã nhận ngay ra đây là bản dịch của cha ông - nhà báo Lê Khánh Căn.

    Tại Thư viện Quốc gia, ông Lê Khánh Hoài đã tìm thấy bản dịch truyện Ma-rút-xi-a đi học gồm hai tập do NXB Kim Đồng in năm 1959 với số lưu chiểu lần lượt là 6.379 và 6.511.

    Ngay trang đầu tập truyện dịch (in lần đầu năm 1958), lời nhà xuất bản có ghi: "Xin giới thiệu với các em tập truyện Ma-rút-xi-a đi học của nhà văn Liên Xô E. Su-oác. Đây là một truyện rất quen biết của các em nhỏ Liên Xô, đã được quay thành phim lấy tên là Em nữ sinh lớp một.. Lần tái bản này chúng tôi có lược bớt đi một số đoạn. Mong rằng sau này sẽ có dịp giới thiệu với các em toàn bộ cuốn truyện".

    Đáng chú ý là ở cuối tập hai của truyện có in toàn bộ bài thơ được dẫn dắt như sau:

    "Toàn lớp hai"... "

    Kéo ra đầy sân khấu. Các em hát: Lớp một ơi, lớp một! /Đón em vào năm trước;/Năm nay lên lớp hai, /Gửi lời chào tiến bước! / Phấn, bảng, sổ gọi tên, /Theo chúng em cùng lên/Chúng em dần lớn mãi, /Bàn ghế cùng lớn thêm, /Chúng em chơi thân mật/Yêu thương cả mọi người, /Đứa bạn em yêu nhất/Cũng cùng lên lớp hai. /Còn cô giáo thân mến/Cô sẽ xa chúng em? /Không, cô yêu chúng em/ Cô cũng lên lớp chứ. /Thế là cùng vui vẻ, /Chúng em tiến bước đều, /Cùng cả trường cả lớp, /Cùng Tổ quốc thân yêu!..

    Khánh Như trích dịch (theo bản Pháp văn Maroussia va à l'ecole của Nhà xuất bản Ngoại Văn Liên Xô) / In 5.065c tại Nhà máy in Tiến Bộ - Hà Nội. Gửi lưu chiểu tháng 3-1959.

    Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Khánh Hoài nói:" Kháng chiến chống Pháp bùng nổ, bố tôi làm bí thư Đoàn Trường Khải Định ở Huế, sau đó cùng với bác Trần Hoàn đi theo kháng chiến. Năm 1956, bác Tố Hữu cử ông sang làm Sở Báo chí trung ương. Năm 1957 ông về làm báo Nhân Dân với bút danh Hồng Chuyên. Với vốn tiếng Pháp của mình, ông đã dịch tập truyện Ma- rút- xi-a đi học do NXB Kim Đồng ấn hành. "

    " Theo tôi nhớ, bản in lần đầu năm 1958 có ghi Lê Khánh Căn dịch. Đáng tiếc bản này tôi không tìm thấy nữa. Đến lần tái bản 1959, ông lấy tên con gái út mà ông yêu quý là Khánh Như để đặt bút danh. Đây là bản Thư viện Quốc gia còn lưu. Như vậy từ năm 1958-1959 đã có 
Ma-rút-xi-a đi học này rồi. Đến năm 1971, tập truyện tiếp tục được NXB Kim Đồng tái bản và dồn lại thành một tập "

    [​IMG]

    Bài thơ cuối tập truyện Ma-rút-xi-a đi học được photo lại từ sách lưu chiểu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam - NXB Kim Đồng in năm 1959, do ông Lê Khánh Hoài cung cấp - Ảnh: ĐỨC TRIẾT

    Về câu chuyện dư luận đang quan tâm, ông Khánh Hoài giải thích:" Theo như tôi tìm hiểu qua các bản in bài thơ Gửi lời chào lớp Một trong sách giáo khoa lớp 1, lần đầu tiên phần tác giả được ghi là Hữu Tưởng (theo quyển Ma- rút- xi-a đi học), lần in thứ hai chỉ đề là Theo Hữu Tưởng, lần ba chỉ còn Hữu Tưởng - lúc đó ông Hữu Tưởng đã mất rồi. Không hiểu sao lại ghi như vậy? Trong khi lẽ ra bài thơ này chính xác nhất phải viết là: "Dựa theo truyện Ma-rút-xi-a đi học của nhà văn Liên Xô E. Su-oác (Evgeny Shvarts - cũng là tác giả kịch bản bộ phim" Nữ sinh lớp một "- PV), bản dịch của Khánh Như, NXB Kim Đồng - 1959"

    Bản gốc bài hát

    Trên FB của TS. Đỗ Hải Phong, Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chia sẻ ngày 15/7/2017:

    LỜI CHÀO LỚP MỘT

    Lớp Một ơi, lớp Một!

    Đón em vào năm trước;

    Năm nay lên lớp Hai,

    Gửi lời chào, tiến bước!

    Phấn, bảng, sổ gọi tên,

    Theo chúng em cùng lên

    Chúng em dần lớn mãi,

    Bàn ghế cùng lớn thêm,

    Chúng em chơi thân mật

    Yêu thương cả mọi người,

    Đứa bạn em yêu nhất

    Cũng cùng lên lớp Hai.

    Còn cô giáo thân mến

    Cô sẽ xa chúng em?

    Không, cô yêu chúng em,

    Cô cũng lên lớp chứ.

    Thế là cùng vui vẻ

    Chúng em tiến bước đều,

    Cùng cả trường cả lớp,

    Cùng Tổ quốc thân yêu!

    Lớp Một ơi, lớp Một!

    Đón em vào năm trước,

    Năm nay lên lớp Hai,

    Gửi lời chào, tiến bước!

    Tiếng Nga:

    Первый класс! В первый раз!

    Год назад ты принял нас.

    Перешли мы во второй

    И прощаемся с тобой.

    Мел, доска, картины, карты

    Вместе с нами перейдут.

    Чуть повыше станут парты.

    Вместе с нами подрастут.

    Полюбили мы друг друга,

    За подруг стоим горой,

    И со мной моя подруга

    Переходит во второй.

    А учительница что же?

    Бросит разве нас с тобой?

    Нет, учительница тоже

    Переходит во второй.

    Так, дорогою веселой,

    Мы шагаем, вставши в строй,

    Вместе с классом, и со школой.

    И со всей родной страной.

    Первый класс! В первый раз!

    Год назад ты принял нас.

    Перешли мы во второй

    И прощаемся с тобой.

    1948

    [​IMG]

    Ảnh chụp lời bài hát trong bản tiếng Nga của thầy Đỗ Hải Phong

    Đây là bài hát rút từ đoạn kết kịch bản phim "Nữ sinh lớp một" (Первоклассница - Режиссёр Илья Фрэз, Союздетфильм, 1948) của nhà văn, nhà soạn kịch Nga Evghenhi Lvovich Shvarts (Евгений Львович Швaрц, 1896 - 1958), tác giả của những truyện cổ tích tân biên nổi tiếng như "Phép lạ đời thường", "Cái bóng", "Lọ lem", "Giết rồng".. Năm 1949, Shvarts công bố kịch bản "Nữ sinh lớp một" như một truyện vừa.

    Ở Việt Nam, truyện được Khánh Như (Lê Khánh Căn) dịch từ bản tiếng Pháp "Maroussia va à l'école", NXB Kim Đồng ấn hành thành hai tập năm 1959 với tên "Ma-rut-xi-a đi học" với số lưu chiểu lần lượt là 6.379 và 6.511. Đến năm 1971, truyện được NXB Kim Đồng tái bản, dồn lại thành một tập. Sách in có nhiều tranh minh họa với hình ảnh trường học, học sinh Liên Xô thời đó. Những câu chuyện gia đình, bạn bè, thầy cô quen thuộc với học sinh ở mọi nơi được lồng vào khung cảnh trường học Liên Xô như ước mơ đối với học sinh Việt Nam khi ấy. Ấn tượng tuổi thơ của thế hệ chúng tôi hư hư thực thực, mà thật trong sáng, hồn nhiên cùng những trang sách như vậy.

    Bài hát cuối truyện với lời dịch của Khánh Như được ông Nguyễn Hữu Tưởng, nguyên Viện phó Viện Khoa học giáo dục, cải biên thành bài thơ "Gửi lời chào lớp một" và sử dụng trong sách "Tập đọc lớp 1" từ nhiều năm. Sau khi nhà biên soạn - cải biên Hữu Tưởng qua đời, qua mấy lần "tái bản có chỉnh lý và bổ sung" của NXB Giáo dục, phần chú nguồn (Theo "Maruxia đi học") của ông không rõ vì sao rơi rụng dần đi để cuối cùng còn lại mỗi một cái tên.

    Như vậy, dưới bài thơ ở sách giáo khoa nên ghi: Dựa theo truyện "Ma-rút-xi-a đi học" của nhà văn Liên Xô Evgeny Shvarts - cũng là tác giả kịch bản bộ phim "Nữ sinh lớp một". Vì ông Hữu Tưởng đã mất nên không hiểu ông đọc bản dịch của Khánh Như, NXB Kim Đồng - 1959 hay ông đọc thẳng bản tiếng Nga hay tiếng Pháp? Dù là cải biên hay phóng tác theo lời bài hát đã có, tác giả Hữu Tưởng vẫn đáng để chúng ta ghi nhận công của ông. Với những tác giả giáo khoa thì đây cũng là điều cần chú ý khi đưa các tác phẩm vào sách của mình.

    Nguồn: Báo Tuổi trẻ và FB của TS. Đỗ Hải Phong
     
    LieuDuong thích bài này.
    Last edited by a moderator: 21 Tháng tám 2019
Trả lời qua Facebook
Đang tải...