Gửi Lại Anh Mùa Thu Xứ Huế.. Tác giả: Diệp Lam Thể loại: truyện ngắn, truyện tình cảm Trạng thái: Hoàn thành Buổi sáng ở Huế, cái se lạnh của mùa thu với nắng mật ong trải dài trên những con phố. Càng về cuối thu, Huế càng thêm nét bình yên mộc mạc của mảnh đất cố đô. Ai yêu nét trầm mặc, mộc mạc của Huế sẽ càng yêu Huế lúc vào thu, yêu cả những cơn mưa miền Trung rả rích suốt tuần. Mùa thu trên đất cố đô kiêu kỳ đến nỗi chỉ ghé qua thoáng chốc rồi rời đi, để lại trong lòng người ta những thổn thức vấn vương. Nhàn về Huế lần đầu vào một mùa thu như thế, phải lòng nét thơ rất riêng của làng quê nép mình bên bờ sông Hương thơ mộng, một mình chạm vào từng nét mộc mạc, thanh tao, tạm quên đi phố thị ồn ào náo nhiệt. Vượt sáu trăm tám tám kilomet đường sắt từ Ga Hà Nội, chuyến tàu mang biển hiệu SE10 đưa cô gái hai mươi ba đầy mộng mơ và nhiều dự định đến với Huế. Nhàn về nhận công tác ở tiểu học nơi đây chỉ vì phải lòng chốn quê yên ả. Là một cô bé mồ côi, lớn lên nhờ sự cưu mang của sư thầy và các ni cô ở một ngôi chùa tại Quảng Trị, nhưng không biết vì sao, cô có cảm tình với Huế đến thế, nhận được tin tuyển dụng của trường Tiểu học ở Huế, cô không ngần ngại nộp hồ sơ viên chức xin được giảng dạy. Nhận công tác xong xuôi, Nhàn bắt thân với Huế. Ngày đầu tiên, bác bảo vệ cho cô mượn chiếc xe đạp, chỉ cô về phía làng Hà Cảng, có trường tiểu học cộng đồng Đo Đo nổi tiếng sau bộ phim "Mắt Biếc", nằm yên bình bên bờ sông Bồ hiền hòa. Nơi đây vốn là một hợp tác xã nông nghiệp, nhưng sau khi đoàn làm phim rời đi, tấm biển hiệu "Trường tiểu học cộng đồng Đo Đo" vẫn được giữ lại. Làng Hà Cảng này hợp với hai chữ "cộng đồng" đến lạ kỳ, quang cảnh ở đây dường như vẫn vẹn nguyên nét chân quê, mộc mạc với những cánh đồng xanh bát ngát như những năm sáu mươi - bảy mươi của thế kỷ trước, những năm cuối cùng của kháng chiến chống Mỹ. Nhàn có cơ duyên gặp và quen Nhân - chàng thanh niên trẻ quê Đà Nẵng nhận tác ở đây trước cô hai năm. Từ phía xa, Nhân mải mê nhìn theo bóng lưng cô gái nhỏ, đội chiếc nón lá dịu dàng với sóng tóc ngang lưng dịu dàng. Cô đang mải mê với từng nét mộc mạc, cổ kính đặc biệt của chốn này. Anh ngẩn ngơ theo dáng mảnh mai của cô gái nhỏ, cho đến khi Nhàn phát hiện ánh mắt của anh, cô đon đả giới thiệu khiến anh giật mình, ngượng ngùng - Em chào anh, em là Nhàn mới về nhận công tác gần đây ở trường cấp một. Anh là cán bộ ở đây ạ? Đôi mắt to trong veo làm tim anh chệch một nhịp, anh ngẩn ngơ say mê ngắm nhìn. - Cô giáo đến đây lần đầu sao? Ai đến lần đầu cũng mê mẩn khu hợp tác xã này! Nhân lân la bắt chuyện cô gái mình rung động ngay lần đầu chạm mặt bằng chất giọng miền đặc trưng. Dẫu cùng là tiếng miền Trung nhưng nghe anh nói, cô nhận ra ngay anh là người nơi khác. - Dạ, em đến ni lần đầu anh ạ! Dù ở Hà Nội đã lâu, giọng Quảng Trị của Nhàn vẫn vẹn nguyên. Sợ anh không hiểu, cô đáp lời anh bằng giọng Bắc. Ngày còn là sinh viên, để tiện trong sinh hoạt và giao tiếp cô phải học mãi để nói được giọng Bắc. Anh ngạc nhiên không hiểu cơ duyên nào đưa đẩy cô gái trẻ người Bắc vào tận xứ Huế xa xôi. Trong khi bản thân anh là một chiến sĩ công an, trải qua những ngày xa quê, xa nhà dài đằng đẵng nhiều năm qua nhưng ngày nhận công tác, anh vẫn chưng hửng vì không được cắt cử về gần nhà. Ở đời, ai là người muốn côi cút một mình, muốn làm việc xa cha mẹ, anh, em cơ chứ? "Hòn đá lăn trên đồi Hòn đá rớt xuống cành mai Rụng cánh hoa mai vàng Chim chóc hót tiếng qua đời" Tiếng nhạc Trịnh cất lên từ một ô cửa nhỏ, văng vẳng giữa làng quê hoài cổ bình yên. Hình ảnh cô gái Michiko tươi trẻ cùng chàng nhạc sĩ trung niên Trịnh Công Sơn ở dốc Đà Lạt trong khung cảnh "ngẫu nhiên" với những điệu nhảy đầy ấn tượng hiện lên trong đầu Nhàn. Cô từng thắc mắc mãi về những câu hát trong bản nhạc ấy của Trịnh: "Tại sao hòn đá lăn lại rớt trúng ngay cành mai? Tại sao cành mai lại nở hoa vào đúng lúc đó? Tại sao chim chóc lại hiện diện? Hòn đá lăn là do cái gì? Cánh hoa rụng phải chăng là hòn đá rớt trúng? Chim chóc hót tiếng qua đời là chúng hót lên tiếng cuối cùng trước khi qua đời, hay là một tiếng hót ai oán cho sự qua đời của cánh hoa mai?" Như cô cũng từng hỏi lòng mình: Tại sao cô lại muốn về đây? Tại sao cô lại chọn Huế này? Khó ai hiểu được ngọn ngành nhạc Trịnh nhưng đến lòng mình Nhàn cũng khó để lý giải. Cô chỉ biết cô phải lòng chốn Kinh kỳ này bởi một ngày thu trầm lặng và hoài cổ.. Anh hướng tay về phía cây ngô đồng cổ thụ hiền lành nằm giữa làng Hà Cảng. Nét nguyên vẹn đậm chất của làng quê xưa với con đường đất rộng, hai bên bờ là đồng lúa bát ngát, là bờ tre với những ngôi nhà tường gạch vẫn hiện hữu như những ngày xưa cũ, một khung cảnh có nét đượm buồn và hữu tình. Nhân dắt chiếc xe đạp, cô háo hức rảo bước theo chân anh. Như một người hướng dẫn viên thực thụ, hiểu từng ngóc ngách chốn này, Nhân nói với Nhàn: - Cây cô đơn này được trồng vào những năm 1975, ngay cạnh con đường dẫn ra cánh đồng lớn với mục đích để dân làng nghỉ ngơi mỗi buổi trưa làm đồng về nhọc.. - Cây "cô đơn"? - Đây chính là cây mà Ngạn ngồi đánh đàn cho Hà Lan nghe đọ, em xem phim chưa? - Em xem rồi anh ạ, mà không nghĩ cây "cô đơn" có thật luôn ý. - Thế mình bắt đầu kết bạn ở đây cho cây đỡ cô đơn nhá Nhàn? - Nhân chìa tay đề nghị. Nhàn kém anh cả một cái đầu cộng thêm phần hai cái cổ, cô ngước mắt lên mới nhìn rõ mặt anh. Ở cự ly đối diện nhau, một lần nữa va phải ánh mắt hiền hòa, long lanh của cô, tim Nhân lại một lần nữa chệch nhịp. Đón lấy người bạn mới, ở một miền đất mới, Nhàn cười tít mắt, làm bộ vuốt tóc ngay ngắn, chỉnh lại ve áo, đáp lại cái bắt tay. Ánh mắt cô sáng rực nên như phát hiện ra điều gì mới mẻ vô cùng, kiễng chân chỉ tay về phía ngôi trường làng mà cô mới nhận công tác ban sáng, quay sang anh tíu tít: - Trường em nhận công tác kìa anh, đứng từ đây mà nhìn vẫn rõ ơi là rõ. - Anh giúp em chụp một bức hình để em khoe bố mẹ nghen? Cô khựng lại mấy giây, cúi đầu nói như chỉ đủ để một mình cô nghe thấy: - Em không có bố mẹ.. Nhân hiểu mình đã vô tình chạm vào nỗi đau của cô gái nhỏ này. Bối rối không biết nên chữa lời thế nào cho phải phép. Nhàn gấp rút dọn dẹp ánh mắt tủi thân, ngước lên, nói ráo hoảnh: - Nhưng em có gia đình, em sẽ khoe sư thầy và các ni cô ở chùa chỗ em.. Em có nhà mà! Anh chụp giúp em một bức thật xinh để em về khoe với mọi người nhen? Nhân nắm bắt cơ hội, nhanh nhẹn khởi động chiếc máy ảnh đang đeo ở cổ, bấm máy ghi lại dáng hình cô gái phương xa nhưng đậm nét Huế thương. Có lẽ bởi nuôi nấng ở chốn Phật pháp từ bi, ngày ngày tiếp xúc với những điều thiện lành nên Nhàn mang một vẻ đẹp mà ít cô gái nào có được. Cô nhẹ nhàng, cẩn trọng trong từng câu nói, gương mặt thanh tú chan hòa. Nhìn vào ánh mắt cô người ta có cảm giác tất thảy mọi thử thách gian nao, mọi vấp váp, trớ trêu cô đều có thể bình tâm đối diện. Bảo sao, Nhân cứ như bị cuốn sâu vào đôi vắt trong veo ấy. Nhàn đứng cách cây ngô đồng một khoảng để vừa đủ thu được cả trường học phía xa vào khung hình. Nói vọng ra với Nhân: - Anh Nhân chụp cho em đẹp vào đấy. Vậy thì ở chùa mọi người mới yên tâm về em. - Nhàn xinh vậy chỉ cần đứng im và cười thôi cũng xinh lắm rồi nè! - Anh cứ khéo trêu em.. - Nhàn đỏ mặt, e thẹn cúi xuống, sức nóng lan đến cả hai tai cô, đỏ phừng. * * * Chiếc điện thoại đen trắng đời cũ của Nhàn nằm im lìm trong chiếc túi vải nhỏ màu trắng sữa đeo bên vai phải, chẳng ai gọi, cũng chẳng có ai để cô liên lạc. Nhân ngỏ ý xin số điện thoại để gửi ảnh qua Zalo cho cô, cô cười khì lấy nó từ trong túi ra, chìa trước mặt anh: - Dạ! Ở trường em có máy tính mà, anh gửi vào Gmail cho em với nhen. Điện thoại em nè, đâu có Zalo đâu. - Sao em không cài Zalo vào máy tính ấy, giờ mọi người dùng Zalo hết trơn hết, trọi rồi, tiện hơn nhiều chứ? - Zalo là để liên lạc thuận tiện và tiết kiệm, nhưng em đâu có mang Zalo theo mình được, em vẫn hay nhắn mọi người có công chuyện gì gấp thì liên lạc với em bằng số điện thoại ấy. Rồi file bài giảng hay hình ảnh mọi người bảo để ở Zalo chóng mất nữa, em dùng Gmail vẫn hợp hơn anh ạ! Miền Trung đang đắm mình trong những ngày bỏng rát, vậy mà mưa ở Huế lại dễ dàng đến thế. Cứ vậy mà đến, làm cả hai trở tay không kịp, lui lại gần gốc cây "cô đơn" trú tạm. Như hiểu lòng người, mưa mỗi lúc một nặng hạt, mưa như muốn trôi dạt cả phố xá làng mạc, tán cây hơn bốn mươi năm tuổi không đủ sức chở che. Nhân kéo tay Nhàn tấp vội vào một mái hiên bên đường cách đó không xa. Lọn tóc ướt vương nhẹ trên gò má trắng hồng, miệng duyên lấp ló điệu cười sao mà làm tim chàng trai rộn ràng đến thế. Nhớ ngày Nhân về nhận công tác cũng là một ngày mưa, có câu dân ca Bình Trị Thiên mà anh nhớ mãi, trong khung cảnh xối xả của đất trời, anh buột miệng cất lên: "Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài bế bắc Hạt mưa tình rỉ rắc trốn hàng hiên Muốn làm lơ đi mà ngủ cho yên. Sợ mưa già nước ngập, biết tựa con thuyền nơi mô." Nhàn trầm lắng trước chàng trai miền Trung đặc biệt này. Trong vườn nhà bên kia đường, mạ đang đội mưa ra hái khế, có lẽ về nấu cá lóc. Khế chua dầm nước mưa nấu canh cá lóc đậm vị hơn nhiều, ánh mắt va phải đôi trai gái trú mưa bên hiên đường, gọi với mời vô dùng bữa trưa bằng chất giọng Huế thân thương: - Tụi mi đi mô rứa? Mưa ni, biết khi mô mới ngớt, vô ni ăn, mạ nỏ có chi, có chi ăn nấy không à? Anh ngạc nhiên vì Nhàn hiểu tiếng mệ một cách dễ dàng, nhìn cô như chờ đợi một lời giải thích: - Em là người Quảng Trị mà anh, cùng khúc ruột miền Trung em phải hiểu chớ? - Ở đây ít người ngoại tình như mình lắm Nhàn ạ, tụi mình gặp nhau ở đây là lắm duyên lắm nha? Mệ sống một mình bên trong căn nhà nhỏ. Chồng, con trai và con dâu đều đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Giữa mùi ẩm ướt, hương thơm nồng của bát canh cá lóc tỉ mẩn gọi mời đôi bạn trẻ. Mệ lấy chiếc khăn khô dặn Nhàn lau tóc cho thật khô kẻo cảm lạnh, pha cho anh và cô một cốc trà gừng ấm nóng vừa pha. Mắt cô dưng dưng trước khung cảnh êm đềm dưới một mái nhà, có mẹ với mâm cơm giản đơn, nồng đượm. Cạnh mâm cơm có tiếng hỏi han ân cần pha lần tiếng nói cười hạnh phúc, mơ ước giản đơn vậy nhưng Nhàn chưa một lần được chạm tới. Cho phép bản thân ích kỷ một lần, cô cứ mong mưa mãi, mưa mãi để được ở đây với mạ lâu một chút để được nghe mệ hỏi han. * * * Một ngày cuối tháng mười một, trong buổi gặp gỡ cán bộ trong huyện, cô giáo trẻ có cơ duyên song ca cùng anh chiến sĩ công an mới quen dạo nọ. Không chuẩn bị, không tập luyện, kẻ đàn người hát làm cả khán phòng say đắm: "Mưa vẫn hay mưa, cho đời biển động Làm sao em biết bia đá không đau Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau." Vẻ đẹp cổ kính của kinh thành Huế, đó là khung cảnh mưa bay trên tầng tháp cổ, là hình ảnh của dòng sông Hương thơ mộng, xanh mát mà huyền hoặc thấp thoáng hiện ra trong từng câu từ, từng điệu nhạc của "Diễm xưa". Nhàn mê nhạc Trịnh bởi nó sâu lặng trong suy tưởng, triết lý. Triết lý với cỏ cây hoa lá, triết lý với tình yêu, triết lý với mọi lẽ sống trên đời.. và với nhân gian, cả tạo hóa. Nhàn không phải gái Huế, nhưng ở Nhàn người ta thấy thấp thoáng dáng hình người con gái Huế: "Bớ cô tóc xõa kề bề/Cô mặc áo trắng, tóc thề ngang vai" - Nhàn không ngờ anh Nhân là chiến sĩ công an đâu đấy, bữa trước gặp anh không mặc quân phục. Câu đầu tiên cô thốt lên sau cánh gà khiến Nhân mừng rỡ, ít nhất cô còn nhớ tên anh- chàng trai lần đầu gặp gỡ: - Vậy Nhàn nghĩ tôi là ai? - Em đoán không ra – cô bẽn lẽn trả lời. - Anh người Đà Nẵng, anh được cắt cử về đây, ban đầu buồn lắm chứ không phải lòng Huế như em đâu. Anh nhớ gia đình, công việc lại không hay được về, không bạn bè nên cứ lầm lũi một mình thôi. Gặp Nhàn bữa đó, anh nhìn cái nhận ra liền.. - Chắc tại em một mình quen rồi, về đây yên bình quá. Em yêu Huế mất rồi! * * * Có được cái duyên bởi hai lần gặp gỡ, Nhân hẹn Nhàn vào một buổi chiều cuối thu, anh dẫn cô đến đồi Vọng Cảnh. Chiều chiều, khi hoàng hôn buông nhẹ, đứng ở nơi đây ngắm nhìn sông nước xứ Huế với những con đò sang ngang vội vã, hít hà chút hương thu đầy thơ mộng hữu tình. Nhàn bận chiếc váy hoa vàng dài quá gối, đeo chiếc túi vintage trên vai, chọn một chiếc mũ bucket màu be sữa e ấp ngồi sau chiếc xe Dream của Nhân. Chiều Huế huyền ảo đến mơ màng nhen nhóm một thứ tình cảm tươi mới chớm nở. Nhân là người xứ khác nhưng Nhân sành sỏi nơi đây lắm. Anh chỉ cho Nhàn tỉ mỉ những gì mình khám phá được ở đây những tháng năm qua, gom gọn vào hành trang của chàng công an trẻ là những trải nghiệm trong khoảng thời gian công tác xa nhà. Anh đã trải nghiệm sống như một người Huế thực thụ. Tháng năm tuổi trẻ, những ngày đầu xa lạ gặp Nhân ở đây là một điều may mắn hơn bất kể may mắn nào Nhàn từng có trong đời.. Người ta bảo Huế là "thành phố ngủ sớm", đến tám giờ tối người bạn địa chẳng còn mấy ai ngoài đường, Nhàn tò mò hỏi anh thực hư câu chuyện ấy. Nhân cười xòa đề nghị: - Anh sẽ chỉ cho Nhàn một mặt khác của Huế mà Nhàn thấy nghen? Nhàn cao hứng đồng ý không chút lăn tăn. Anh dẫn cô đi "trà ga" sau khi ăn xong món "xôi thịt hon" nằm trên đường Phạm Hồng Thái. Đây là lần thứ hai cô đến đây, lần đầu khi cô xuống tàu từ Hà Nội và lần này, cùng Nhân. Anh bảo người ta ra ga Huế ban đêm uống trà, gọi là thú vui "trà ga" là cái cớ để gặp nhau trò truyện, thủ thỉ tâm tình. Đến giờ Nhàn mới biết "thành phố ngủ sớm" vốn trầm lặng truyền thống lại có một nơi thú vị đến vậy về đêm. Ở ga tàu, ngồi vào chiếc bàn nhựa cạnh ánh đèn dầu leo lắt, nhâm nhi tách trà nóng, cắn miếng kẹo lạc ròn cộp bùi bùi hay đĩa hương dương thân thuộc.. dường như mọi khoảng cách về tuổi tác, địa vị. Tất cả ngồi lại, cởi bỏ hết những mệt nhoài của cuộc sống thường nhật, tìm về những bình yên thư thả. Trong đêm khuya với tiếng rao xa gần, tiếng còi inh ỏi của những đoàn tàu cập bến.. cho anh và cô gần nhau thêm chút nữa.. * * * Sự rung động đầu đời họ dành cho nhau như một bông hoa chớm nở giữ chốn Kinh kỳ mộc mạc này. Nàng e ấp, giữ kẽ, hoài cổ. Chàng điềm đạm, dễ gần, nhã nhặn. Cứ ngỡ họ sẽ nên duyên ở xứ Huế mộng mơ này, vậy mà chớ trêu thay, Nhân được điều chuyển về gần nhà theo lá đơn nguyện vọng đã điền bây lâu nay vào đúng lúc anh không muốn rời đi nhất. Lặng lẽ tạm biệt Huế vào một ngày mưa xối xả, rả rích lê thê âm ỉ cả ngày, Nhân về Đà Nẵng không báo trước, mà cũng chẳng biết nên báo với Nhàn sao cho phải phép. Nỗi niềm chi rứa về Huế, trước hết là nỗi niềm về những cơn mưa quả không sai, bước chân cứ nặng chĩu cho đến khi Huế khuất dần theo tiếng ga tàu. Lúc này anh mới tiếc nuối nhắn một tin chào tạm biệt Nhàn, hứa hẹn một ngày quay trở lại đây cùng cô gái nhỏ thăm lại cây "cô đơn" như một kẻ minh chứng cho sự rung động bấy giờ của anh. Nhàn trống rỗng và hụt hẫng không biết vì điều gì. Mắt đỏ hoe rồi lại tặc lưỡi cho rằng "bởi số phận mình sinh ra đã bị bỏ lại" như thế.. Ngày nghỉ, Nhàn vẫn thường lui lại ăn với mệ, nghe bà kể chuyện về Huế, về những ngày tang thương mà bà từng trải qua khi đất nước lầm than, chồng và con trai lần lượt rời bà đi. Cô con dâu ngày ấy vì "đòi nợ nước, trả thù nhà" mà cũng một lòng đầu quân cho tiền tuyến. Ngày độc lập, tất thảy mọi tầng lớp già trẻ, gái, trai không phân biệt tuổi tác, trình độ, giai cấp đều hân hoan đón nền Độc lập mới, bà lần lượt ôm từng tấm di ảnh hướng theo phía dòng người náo nhiệt nói với chồng, con trai và con dâu rằng: "Đất nước mình thống nhất rồi ông ơi/ con ơi, Huế mình bình an rồi!" Nhàn ôm mệ nước mắt lưng chòng, so với nỗi đau đến tận cùng của mọi nỗi đau này thì sự côi cút của cô nào thấm vào đâu, cô vẫn được yêu thương chở che bới sư thầy, sư cô trong chùa, vẫn có cơ hội dù là mong manh mẹ cô sẽ tìm lại cô vào một ngày không xa.. Hai mảnh đời côi cút gặp nhau, họ tìm đến và nương tựa vào nhau để sống những quãng ngày yên bình ở Huế. Mệ thương cô một mình, nói mãi cô mới đồng ý dọn về ở cùng mệ, ngày nghỉ đám trẻ con quanh làng lại xúm lại để nghe cô đàn hát hoặc cô dạy chúng học bài, kể chuyện Hà Nội hay chùa Quảng Trị cô ở ngày đó. Chiếc đàn ghi-ta Nhân nhờ một anh đồng nghiệp mang gửi cô giữ giùm, cô mạn phép mang ra mua vui cho mẹ, cho cô và đám trẻ nơi đây. Bóng dáng cô giáo trẻ ngày ngày đạp xe đi qua cánh đồng lúa thướt tha, đi qua gốc cây "cô đơn" lại dừng chân chờ đợi trở nên thân thuộc với người dân Hà Cảng. Đợi mãi, chờ mãi người con trai năm ấy.. Lại một mùa thu nữa đi qua. Trong đêm mưa xối xả, Nhàn giật mình bởi cơn ác mộng đến đáng sợ, cô vã mồi hôi, tóc ướt nhẹp, mệ nắm lấy tay cô vỗ về. Cô một mình côi cút, người thân chỉ có các sư thầy ở chùa và mệ. Thấp thỏm lo lắng đến cho đến mãi trưa hôm sau liên lạc được cho nhà chùa cô mới an tâm. Mệ bảo: Ngày chồng mệ, con trai mệ hy sinh mệ đều gặp ác mộng kinh hoàng. Cứ chợp mắt lại thấy tiếng bom rơi, tiếng khóc, tiếng gào và cả máu, đồng đội gửi thư báo tin nhưng mãi tận hai tháng sau ngày chồng, con hy sinh mệ mới nhận được. Bất chợt nhớ đến Nhân, cô bần thần đứng ngồi không yên. Chiều ấy tan trường, Nhàn lên đơn vị cũ của Nhân, xin phương thức liên lạc bởi cô gọi vào số điện thoại của anh mãi vẫn không nhân được hồi âm. Vừa hay gặp đúng ca trực của Thành, nhìn thấy cô Thành bối rối, trở vào lấy cuốn nhật ký của Nhân anh mới nhận sang nay: - Nhân hy sinh rồi Nhàn ạ. Hy sinh giữ thời bình trong một lần truy bắt tội phạm. Cuốn sổ này trước lúc hy sinh cậu ấy nhờ người nhà gửi cho anh, nhờ anh gửi lại cho Nhàn.. Nhàn chết lặng trong từng câu chữ của Thành, lời tỏ tình bỏ ngỏ, cây "cô đơn" vẫn lại cô đơn như thế.. Tiếng còi tàu inh ỏi, làng Hà Cảng khuất dần sau tiếng còi tàu hỏa, Nhàn đến với Nhân, đến để gửi lại anh mùa thu của Huế, gửi lại anh tiếng yêu chưa kịp ngỏ.. End