Có lẽ nào anh lại mê em Một cô gái không nhìn rõ mặt Ðại đội thanh niên đi lấp hố bom Áo em hình như trắng nhất Người tinh nghịch là anh dễ thân Bởi vì thế có em đứng gần Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là "Thạch Nhọn" Ðêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón Em đóng cọc rào quanh hố bom Cái miệng em ngoa cho bạn cười giòn Tiếng Hà tĩnh nghe buồn cười đáo để Anh lặng người như trôi trong tiếng ru. Tranh thủ có ánh sáng đèn dù Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt Mọi người cũng tò mò nhìn anh Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối Em ơi em, hãy nghe anh hỏi Xong đoạn đường này các em làm đâu Anh đã tìm em rất lâu, rất lâu Cô gái ở Thạch Kim Thạch Nhọn Khăn xanh, khăn xanh phơi đầy lán sớm Sách giấy mở tung trắng cả rừng chiều. Anh đã đi rất nhiều, rất nhiều Những con đường như tình yêu mới mẻ Ðất rất hồng và người rất trẻ Nhưng chẳng thấy em, cô gái ở Thạch Nhọn Thạch Kim Những đội làm đường hành quân trong đêm Nào cuốc nào choòng xoong nồi xủng xoảng Rực rỡ mặt đất bình minh Hấp hối chân trời pháo sáng Ðường trong tim anh in những dấu chân. Chiếc võng bạc trên đường hành quân Anh đã buộc nhiều cây xoan cây ổi Lại đường mới và hàng nghìn cô gái Ở đâu em tinh nghịch của anh? Bụi mù trời mùa hanh Nước trắng khe mùa lũ Ðêm rộng dài là đêm không ngủ Em vẫn đi, đường vẫn liền đường Cạnh giếng nước có bom từ trường En không rửa ngủ ngày chân lấm Ngày em phá nhiểu bom nổ chậm Ðêm nằm mơ nói mớ vang nhà Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa Thương em, thương em, thương em biết mấy.. Dừng tay cuốc khi em ngoảnh lại Sẽ giật mình đường mới ta xây Ðã có độ dài hơn cả độ dài Của đường xá đời xưa để lại Sẽ ra về bao nhiêu cô gái Một ngày mai đường sẽ đứng chơ vơ Ðể cho đời sau còn thấy ngẩn ngơ Trước những công trình ngoằn ngòeo trên mặt đất. Ơi em gái chưa một lần rõ mặt Có lẽ nào anh lại mê em Từ cái đêm Thạch Nhọn Thạch Kim Tên em đã thành tên chung anh gọi: Em là cô thanh niên xung phong. Phạm Tiến Duật Bài thơ viết tại Đức Thọ năm 1968. Nguồn: Trường Sơn - đường khát vọng, NXB Chính trị quốc gia, 2009 Năm 1965, địch ném bom miền Bắc, Hà Tĩnh - mà đặc biệt là ngã ba Đồng Lộc là một túi bom của Bắc miền Trung. 1 năm sau, theo tiếng gọi thiêng, o Nhị và bạn bè lên đường, người đi bộ đội vào các chiến trường, người vào thanh niên xung phong đến với những trọng điểm bị địch bắn phá ác liệt, để bảo vệ những tuyến giao thông nối từng phút lộ trình Bắc-Nam. O Nhị vào ngã ba Đồng Lộc, thuộc quân số của C4- Tổng đội TNXP 55 khi o tròn 20 tuổi. O Nhị nhớ lại thời mình trở thành nguyên mẫu bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật: "Hồi đó, đoàn xe của đường dây 559 trong Nam ra thì dừng lại Đức Thọ. Một anh bộ đội có cái mũi rất thẳng và giọng Bắc ngọt lịm nhỏ nhẹ như con gái:" Quê em ở đâu? ", o trả lời:" Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch nớ là Thạch Nhọn eng nờ ". Cả tiểu đội con gái cười giòn như pháo. Sau đó anh bộ đội ấy hỏi ra mới biết Thạch Nhọn là Thạch Kim, và mãi sau này bài thơ phát trên đài o mới biết anh đó là Phạm Tiến Duật và là nhà thơ, nhà báo chứ lúc đó biết ông là ai? Khi bài thơ được phát thì đơn vị có gọi o lên khiển trách" tại răng lại đi nói dối anh bộ đội".