Tên TP: Gửi cha, lá thư mùa hạ! Tác giả: Trần Tú Cha thân yêu, một mùa hạ nữa lại về. Hạ về gọi dàn đồng ca mùa hạ thân thương, bản tình ca của những chú ve mà con nghe hoài không thấy chán. Hạ về cho những con đường, góc phố đầy màu hoa phượng đỏ, cho hàng cây ven đường tim tím sắc bằng lăng. Hạ về với bao nắng gió, oi bức.. Và hạ về với bao nỗi nhớ! Hạ về con nhớ nhiều lắm cha ạ. Đã bao mùa hạ đi qua chỉ làm nỗi nhớ ấy thêm đong đầy. Cứ mỗi lần hạ về là con lại nhớ những ngày thơ ấu sống bên cha và gia đình. Hạ về, ắt hẳn người ta sẽ nghĩ ngay đến những ngày nắng nóng, oi ả hay những cơn mưa rào bất chợt. Nhưng với con, hạ luôn đem lại những khoảnh khắc bình yên nhất. Mùa hạ về cho cánh đồng trước cửa nhà xanh mênh mông, gọi lũ đom đóm cứ hằng đêm bay rong ruổi, lập lòe những dải ánh sáng lốm đốm tựa như sao rơi. Hạ về gọi gió thổi hồn vào những bụi tre mà đêm về vẫn ngân nga những điệu nhạc du dương. Hạ về gọi nắng vàng tươi để hoa giắc giẻ thơm lừng mỗi đêm. Trong không gian thanh bình như thế có cha con ta cùng chạy tung tăng trên cánh đồng đuổi bắt những con đóm đóm rồi nhốt chúng vào chai. Rồi cha kể chuyện ngày xửa ngày xưa vì nhà nghèo không có dầu thắp đèn mà Mạc Đĩnh Chi đã phải bắt đom đóm cho vào vỏ trứng để học bài, sau này ông đỗ trạng nguyên, câu truyện về cậu bé nghèo ham học còn lưu danh tới muôn đời. Con cười và bảo, sau này con cũng sẽ cố gắng để trở thành cô bé nghèo ham học và nổi tiếng cha nhé. Cha đã xoa đầu chúng con và mỉm cười, lúc ấy ánh mắt cha lấp lánh niềm tin. Hạ về, nhớ chiếc chõng tre thân thương. Có những ngày hạ nắng nóng như thế, nhưng chẳng có sự hiện diện của một chiếc quạt điện nào hết, vì ngày ấy nhà mình ở xa trung tâm xã lắm, chưa mắc được điện. Con còn nhớ cha bảo "chẳng gió nào mát bằng gió của trời, gió của trời ở đâu, cha sẽ mang chúng về với các con". Gió ở ngọn mít, chiếc chõng tre nằm gọn dưới gốc mít, gió ở ngọn tre chiếc chõng lại được chuyển đến gần phía bụi tre, gió trên ngọn cọ, chiếc chõng di đến gần gốc cọ. Gió ở đâu cha sẽ mang chiếc chõng đến đó, để chúng con không bị nóng. Con vẫn nhớ mỗi lần chuyển chõng cha con mình lại đọc vang những câu này: "Kẽo kà, kẽo kẹt chõng ơi Ai bảo hạ về gieo cơn nóng này Thôi thì chõng đành để tôi Chạy theo cơn gió xua ngày nóng oi" Gió trời cũng có lúc dừng lại, chỉ có gió ở bàn tay cha là dường như không ngừng cho đến khi chúng con chìm sâu trong giấc ngủ. Ngày ấy, đêm nào cha cũng ngồi quạt cho chúng con, chiếc quạt cọ (quạt làm bằng lá cọ) trên tay cha cứ liên tục, liên tục tạo nên những cơn gió, cơn gió nhè nhẹ mang không khí của trời, cơn gió man mác, dìu dịu từ tình thương của cha. Và cứ thế cái nóng nực của mùa hè kia chẳng là gì cả, chúng con chìm vào những giấc ngủ, mà đâu biết rằng cha vẫn ngồi đó hoặc lặng lẽ nằm bên cạnh để mang lại làn gió mùa hạ cho giấc ngủ của tuổi thơ chúng con. Và cứ thế, cha con mình đã đi qua bao nhiêu mùa hạ.. Hạ về, không chỉ có bản đồng ca của những chú ve chăm chỉ, mà vào mỗi đêm khi con nhìn lên thấy bầu trời như cao hơn, dải ngân hà bỗng lọt thỏm vào một nơi xa bất tận, khi mà ánh trăng vẫn dải một màu vàng mờ ảo trên mặt đất, vẫn còn văng vẳng đâu đó tiếng của những chú chim quốc. Tiếng chim quốc thất thanh, lúc vang vọng, lúc lại chìm nghỉm giữa không gian bất tận. Chiếc quạt lá trên tay cha cứ đung đưa liên tục, chúng con chăm chú lắng nghe những câu chuyện cổ tích mà cha kể. "À ơi, tiếng quốc đêm thâu Bạn đi đâu thế bỏ ta một mình?" "Chuyện kể rằng, vì thương tiếc bạn quá mà Nhân đã đi tìm bạn và cứ liên miệng gọi quắc quắc hay quốc quốc, cho đến khi chết anh ta biến thành con chim quốc". Có những khi trong giấc ngủ của chúng con vẫn phảng phất hương vị của thị "quả thị thơm cô Tấm rất hiền". Ngày nhỏ, chẳng biết mỗi đêm cha kể bao nhiêu câu chuyện cổ tích nữa, chỉ biết một điều là những câu chuyện ấy đã đi vào tiềm thức, rồi hằn sâu vào trí nhớ, nuôi dưỡng tâm hồn của chúng con. Đã có bao nhiêu ngày xửa, ngày xưa, đã có biết bao Mạc Đĩnh Chi, Lang Liêu, anh em nhà Jun và Jain lạc vào giấc mơ con. "Ở hiền gặp lành, ác giả ác báo", cha bảo hãy sống lương thiện và sống bằng tấm lòng của mình các con nhé, hãy biết tha thứ và bao dung. Những câu chuyện cha kể, có những câu chuyện con thấy mọi người vẫn kể nhưng có những câu truyện mà giờ con có lên google tìm kiếm hoài cũng chẳng thấy. Con mới hiểu rằng những câu truyện ấy cha sáng tác riêng cho chúng con nghe. Vì ánh mắt ngây thơ và tò mò của các con, cha đã sáng tác nên những câu truyện cổ tích thật bình dị và thơ mộng. Ở đó ẩn chứa bao tâm tư, tình cảm và sự mong mỏi của cha. Cổ tích đi vào giấc ngủ, làm tâm hồn của đứa trẻ trở nên bình an, đẹp đẽ, luôn mơ ước về những điều tốt đẹp nhất "ở hiền thì sẽ gặp lành, hãy sống rộng lương, bao dung và vị tha". Bây giờ, khi chúng con đã trưởng thành, đã trải qua những khó khăn của cuộc sống và đã bao mùa hè đã đi qua. Mùa hè của thời hiện đại, đã vắng bóng những chiếc quạt lá cọ thay thế vào đó là quạt điện, là điều hòa mát lạnh. Nhưng sao con vẫn thấy nhớ làn gió nhẹ từ chiếc quạt lá cọ, nhớ chiếc chõng tre kẽo kẹt được di chuyển khắp mọi nơi, nhớ những câu truyện cổ tích mà cha đã kể. Hè về, thấy lòng bao xôn xao, một đêm nào đó ở nơi thành phố khi mà ánh điện vẫn sáng lấp lánh, khi mà xe cộ vẫn đi lại tấp nập, khi mà tiếng karaoke từ các quán đâu đó vẫn vang vọng. Con chợt thấy nhớ cha, nhớ những câu truyện cha kể, nhớ tiếng chim quốc khắc hoải trong đêm thâu, nhớ tiếng ve kêu, nhớ cánh đồng trước cửa lấp lánh ánh sáng đom đóm. Giờ cha đang đi làm xa, ở phương Nam mùa hè có nóng nực và oi bức không cha? Con không biết, nhưng con luôn hiểu một điều rằng, cứ mỗi mùa hè đến hẳn là cha cũng sẽ nhớ nhiều lắm, nhớ đến những mùa hè của cha con mình, nhớ những cặp mắt ngây thơ và hồn nhiên. Lá thư mùa hè này con muốn viết để cảm ơn cha – một người bình dị nhưng lại rất đỗi tuyệt vời, cảm ơn cha đã cho chúng con một tuổi thơ đẹp, cảm ơn cha đã cho chúng con những mùa hạ bình yên. Trần Tú