Gót Sen Ba Tấc - Phùng Ký Tài Vào giữa những năm tám mươi của thế kỉ XX, Trung Quốc đối mặt với cải cách kinh tế. Điều này khiến các giá trị văn hóa dần bị bỏ quên. Văn học tầm căn ra đời cũng chính vì lẽ đó, để tìm về với cội nguồn văn hóa dân tộc. Các nhà văn Trung Quốc bấy giờ quan tâm đến khai thác các giá trị truyền thống, tìm cách gạt bỏ những quan niệm cổ hủ, lạc hậu . Phùng Ký Tài – một trong những nhà văn tiêu biểu cho dòng văn học này cũng vạch trần một tục lệ đã trải qua hơn ngàn năm ở Trung Hoa Đại lục, tục bó chân. Với truyện vừa Gót sen ba tấc, Phùng Ký Tài đi sâu mô tả, giới thiệu tục bó chân – nét văn hóa có tự xa xưa của phụ nữ Trung Quốc qua câu chuyện xảy ra ở vệ Thiên Tân. Đồng thời, nhà văn cũng âm thầm tố cáo, giễu nhại tục lệ này bởi nó đã để lại cho người phụ nữ Trung Quốc nỗi ám ảnh kinh hoàng hàng bao thế kỉ. Với giọng điệu nửa như đùa, nửa như thật, Phùng Ký Tài cuốn độc giả theo từng câu chữ trong tác phẩm. Truyện kể về cuộc đời cô cháu gái nhà họ Qua là Hương Liên. Cuộc đời Hương Liên từ thuở ấu thơ đến khi nhắm mắt xuôi tay đã phải trải qua bao cuộc biến chuyển. Vào một ngày đại cát năm Hương Liên lên bảy, cô bé được bà bó chân. Cũng chính ngày này tại vệ Thiên Tân xảy rất nhiều chuyện kì lạ. Trông thấy cảnh tượng Hương Liên bị bà bó chân không khỏi cứa vào lòng người đời những vết cắt sâu ngoắm. Mặc cho cô khóc lóc, van nài thảm thiết, người bà vẫn quyết không dừng lại. Miệng quát tay ấn chặt, lúc túm lúc tách, bẻ gập bốn ngón chân vào gan bàn chân rồi cứ thế bó chặt, thật chặt. Rồi lại cầm chổi mà đánh mà quất, mà kéo mà lôi miễn sao để Hương Liên tập đi với đôi chân đã bị bó chặt. Rồi thì lấy mảnh bát vỡ đệm dưới chân cô, làm cho bàn chân cô bị cứa nát theo từng bước đi. Xương gãy thịt rữa mưng mủ chảy máu chỉ để có được đôi bàn chân theo ý muốn của bà. Hương Liên tuy mới đầu van nài tha thiết nhưng khi nhìn thấy một cô bé trạc tuổi cô đi đôi giày đỏ nhỏ như hai củ ấu, cô mới hạ quyết tâm để có một đôi bàn chân thật nhỏ. Năm Hương Liên mười bảy tuổi, nhờ đôi chân nhỏ được dụng công bó chặt mà cô được về làm dâu trưởng nhà họ Đồng. Tuy không môn đăng hộ đối và không hợp tuổi nhưng Đồng Nhẫn An – chủ hiệu đồ cổ Dưỡng cổ trai phố Bắc Cung vẫn một mực muốn cưới Hương Liên về cho cậu cả ngơ ngáo Đồng Thiệu Vinh. Nguyên cớ cũng chỉ vì Đồng Nhẫn An hết sức mến mộ gót sen ba tấc của Hương Liên. Mến mộ đến mức ông còn lén vào phòng cô, lén mân mê sờ nắn đôi gót sen như người đang say. Người trong nhà cũng không kém, lén chọc thủng vài ba lỗ trên mảnh giấy dán cửa sổ để nhìn vào trong. Cả nhà họ Đồng đều là những người mê chân nhỏ, từ gia nhân hầu hạ, mấy nàng dâu (Bạch Kim Bảo, Nhĩ Nhã Quyên, Đổng Thu Dung) tới bốn cậu "quý tử" (Đồng Thiệu Vinh, Đồng Thiệu Hoa, Đồng Thiệu Phú, Đồng Thiệu Quý), và phải kể đến người say mê gót sen nhất là Đồng Nhẫn An. Ông chủ Dưỡng cổ trai này đã cùng với những người mê chân nhỏ thứ thiệt khác là Kiều Lục Kiều, Lã Hiển Khanh, Ngưu Phượng Chương, Hoa Lâm, Lục Đạt Phu tổ chức một cuộc thi chân trong nhà họ Đồng cũng như trổ tài hiểu biết về chân nhỏ. Lần đó, Bạch Kim Bảo thắng nhờ có sự giúp đỡ của u Phan; Hương Liên thua, bị Đồng Thiệu Vinh đánh đập tơi bời chỉ vì cô không đoạt được giải nhất chân nhỏ. Sau lần đó, vị thế của Bạch Kim Bảo được nước lên cao, cô không coi Hương Liên ra gì nữa. Lúc này Hương Liên đã có thai, cậu Cả Thiệu Vinh nghe lời người ngoài nói bậy rằng Hương Liên chân to đẻ cho cậu con gái chân to liền đòi mổ bụng Hương Liên ra để xem. Hương Liên đang buồn bà mất vì biết chuyện thi chân, lại thêm gã dở người không để cô sống nên trợn mắt giơ bụng cho Thiệu Vinh mổ. Ngờ đâu cậu Cả lên cơn ngớ ngẩn rồi chết. Hương Liên sinh con gái, u Phan đặt tên đứa bé là Liên Tâm, khen đôi chân đứa bé là trời sinh hiếm hoi. Hương Liên vì câu nói đó, không muốn đời con cũng tan nát như cô, toan giết con rồi tự tử. U Phan vào kịp lúc, hứa giúp cô lấy lại vị thế trong nhà. Lần thi chân thứ hai, Hương Liên lấy lại được vị thế thật, cả nhà lại xáo trộn. Đồng Nhẫn An lúc này say mê chân bó, không đoái hoài gì đến cửa tiệm, để cho gã người làm Hoạt Thụ giở trò gian dối. Lại nói đến từ lần Hương Liên thắng trong lần thi chân thứ hai, mọi người trong nhà có phần kính nể nhưng mấy nàng dâu còn lại cũng không vui thích gì, nhất là Bạch Kim Bảo luôn tìm cách hạ bệ Hương Liên. Nhân nàng dâu Nhĩ Nhã Quyên về nhà, Kim Bảo có ý để Nhã Quyên so chân với Hương Liên nhưng kết quả lại làm cho cả Bạch Kim Bảo và Nhĩ Nhã Quyên phải bẽ mặt. Lại nghe nói con gái Ba Đằng có bàn chân hai tấc hai, Kim Bảo lại hớn hở định làm xấu mặt Hương Liên nhưng chính Hương Liên đã làm cho "tiểu thư bế" đó phải xấu hổ. Sau, Đồng Nhẫn An mời Nguyệt Trung Tiên – cô đào có đôi chân biết bay về nhà nhưng cũng bị Hương Liên nhìn thấu là đôi chân giả. Đồng Nhẫn An sau khi biết những trò gian dối của Hoạt Thụ thì lên cơn bệnh. Trước lúc lìa đời, lão muốn phải bó chân cho tất cả cháu gái trong nhà. Liên Tâm mất tích, lão vẫn quyết đợi tìm được để bó luôn một thể dù lão chỉ còn chút hơi thở thoi thóp ở cổ. Hương Liên cho đứa bé đóng giả Liên Tâm để những đứa trẻ được bó chân cùng lúc. Đồng Nhẫn An sau khi nhìn thấy các cháu đã bó xong thì nhắm mắt xuôi tay. U Phan cũng chết cháy trong phòng mà không rõ nguyên do. Năm Dân quốc 1912, dấy lên chuyện cởi chân bó, Sở nghiên cứu phong tục liên tiếp mở những cuộc diễn thuyết về tác hại của bó chân gây hoang mang cho mọi người và cả nhà họ Đồng. Người ta tranh cãi với nhau cởi hay bó, bó hay cởi, hai phe đấu đá nhau kịch liệt. Hương Liên trong thì răn đe nghiêm khắc, không cho người trong nhà cởi chân bó; ngoài thì tìm cách để cho mọi người thấy cái đẹp của chân bó. Nhờ Kiều Lục Kiều mà Hương Liên mới biết Giám đốc Sở nghiên cứu phong tục chuyên mở các cuộc diễn thuyết cởi chân bó chính là Lục Đạt Phu. Lục Đạt Phu là người soạn bài diễn thuyết chống bó chân, nhưng trước khi viết ông phải ngửi hương những chiếc giày mang cho chân bó. Phái chống bó chân lấy tên là Thiên Túc – hội những người để chân tự nhiên do Ngưu Tuấn Anh đứng đầu. Hương Liên gửi một bức thư cho Ngưu Tuấn Anh hẹn so tài. Tại buổi đó, nhờ vào dấu hiệu trên gan bàn chân, Hương Liên nhận ra Tuấn Anh chính là Liên Tâm. Cớ là ngày xưa Ngưu Phượng Chương chung thuyền trộm cắp với Đồng Thiệu Hoa và Hoạt Thụ khiến Đồng Nhẫn An uất ức mà chết. Phượng Chương mới van xin Hương Liên đừng thưa quan. Hương Liên vì thương tình nên giao Liên Tâm cho ông kèm một món tiền lớn và một nửa miếng hổ phù để sau này đối chứng, chủ đích của Hương Liên là tránh cho Liên Tâm khỏi bó chân. Liên Tâm khi biết được sự thật muốn đi gặp Hương Liên nhưng Hương Liên đã tắt thở. Trước ngày khâm liệm, Liên Tâm tìm đến nhà họ Đồng vái Hương Liên bốn vái, mỗi vái cúi sâu xuống tận đầu gối rồi mới ra về. Câu chuyện dừng lại ở đó nhưng để lại cho người đọc những ấn tượng khác nhau. Đó có thể là cốt truyện bất ngờ, cách xây dựng nhân vật, tình tiết truyện hay lối kể chuyện như nửa thật nửa đùa . Nhưng có lẽ điều gây ám ảnh người đọc nhất đó là tục bó chân – yếu tố cốt lõi của câu chuyện và cũng là yếu tố thể hiện đúng tinh thần của văn học tầm căn là tìm về cội nguồn dân tộc . Phùng Ký Tài đã rất tinh ý trong việc quan sát và miêu tả cách thức bó chân cũng như những nỗi đau khổ mà người phụ nữ phải chịu đựng để có được bàn chân nhỏ. Ở xã hội Trung Quốc bấy giờ, bàn chân nhỏ được coi trọng hơn mọi sự, nó quyết định sự đánh giá của người ngoài, quyết định cả việc người con gái đó có lấy được chồng hay không. Có bàn chân nhỏ, người phụ nữ dường như nắm mọi quyền hành trong nhà, cả quyền lực trong gia đình đều nằm dưới gót chân nhỏ. Gót sen như một thứ bùa mê khiến những người đàn ông say mê đến nực cười, bỏ bê cả công việc vì mải mê vui thú kim liên hay chống lại gót sen mà phải ngửi hương gót sen thì mới chống được. Phùng Ký Tài như vừa đấm vừa xoa, vừa nâng cao giá trị gót sen lại vừa giễu nhại nó. Gót sen ba tấc của Phùng Ký Tài là một tác phẩm đáng đọc, mang lại cho độc giả thêm sự hiểu biết về một tục lệ từ lâu đời của phụ nữ Trung Quốc lại vừa biết cảm thông, đồng cảm với những đau khổ mà người phụ nữ phải chịu trong suốt hơn ngàn năm; từ đó có cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa truyền thống. Vương Tâm Nguyên.