Gợi ý soạn bài Vợ Nhặt - Kim Lân

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thanh Hà, 30 Tháng tám 2021.

  1. Thanh Hà

    Bài viết:
    48
    GỢI Ý SOẠN BÀI "VỢ NHẶT" CỦA KIM LÂN

    I. Giới thiệu chung

    1. Tác giả

    - Tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, 1920-2007, quê ở Bắc Ninh.

    - Ông là cây bút chuyên viết truyện ngắn, là nhà văn "một lòng đi về với đất, với trời, với những gì thuần hậu nguyên thủy của con người Việt Nam"

    - Chủ đề ông viết tập trung về nông thôn và người nông dân.

    - Năm 2001, Kim Lân được tặng giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

    - Tác phẩm chính: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1955) ; Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962)..


    2. Tác phẩm.

    - Hoàn cảnh sáng tác và Xuất xứ:

    + in trong tập "Con chó xấu xí" (1962)

    + có tiền thân là tiểu thuyết Xóm ngụ cư được viết ngay sau CMT8 nhưng còn dang dở vì thất lạc bản thảo. Sau khi hòa bình lặp lại, ông dựa vào truyện cũ để viết truyện ngắn "Vợ nhặt".

    - Nội dung:

    + Không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống tiềm tàng của họ: Ngay trên bờ vực của cái chết.

    + Họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và yêu thương đùm bọc lẫn nhau.


    - Tóm tắt:

    Năm 1945- năm ấy là năm nạn đói khủng khiếp khiến hơn hai triệu đồng bào Việt Nam ta thiệt mạng, tại xóm ngụ cư có một câu chuyện ấm lòng biết bao. Ở đó có một anh cu Tràng nghèo khổ, xấu xí, làm nghề đẩy xe bò, tính cách thì lại dở hơi, kiểu cười cũng thấy lạ, lúc nào cũng hếch mặt lên trời cười hềnh hệch. Một thói quen thường ngày là hay lảm nhảm nói chuyện một mình để giải tỏa sự mệt nhọc của công việc. Và vào một ngày như bao ngày thường khác, Tràng buông lời nói bong đùa, không có ý trêu chọc ai cả nhưng lại vô tình khiến một người đàn bà đói tưởng thật. Người đàn bà đó đã ra đẩy hàng cùng vì vui nên Tràng quên mất. Hai hôm sau, người đàn bà ấy tới ăn vạ Tràng, ban đầu Tràng hơi ngờ ngợ không nhận ra ai cả. Một lúc sau thì nhớ ra, vì lòng thương người Tràng dẫn Thị đi ăn bốn bát bánh đúc, người đàn bà ấy ăn hết chẳng chuyện trò gì. Với tính hay đùa, Tràng lại nói "Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng rồi cùng về", Thị tưởng thật, chấp nhận làm vợ hắn, cứ thể theo hắn về. Ban đầu hắn nghĩ ngợi rồi lại chậc, kệ, vì lòng thương người hắn đã quyết định bao bọc người phụ nữ này. Sau đó hắn dẫn Thị đi làm ba việc với số tiền còn lại đó là mua một cái thúng đựng đồ, đưa ăn một bữa no nê và hai hào mua dầu. Khi về tới nhà, bà cụ Tứ ngờ ngợ, không tin rằng ở cái thời buổi này mà thằng con mình lại có thể lấy vợ, người ta lại chịu theo con mình. Sauk hi Tràng phân trần cắt nghĩa là phải duyên phải kiếp nên bà cụ hiểu ra vấn đề, bà dằn vặt bản thân không lo nổi lễ cưới tử tế cho con mình. Bà không hề xua đuổi mà ngược lại vô cùng yêu thương để xóa tan mặc cảm của người con dâu. Sáng hôm sau, thấy vợ và mẹ đang dọn dẹp nhà cửa Tràng lại muốn gắn bó với căn nhà một cách lạ thường. Trong bữa ăn, người mẹ đem ra nồi "chè khoán" làm nổi bật sự yêu thương của người mẹ và sự khó khăn của thời ấy. Cuối cùng, người vợ kể về những cuộc phá kho thóc Nhật khiến Tràng dội lên khung cảnh ấy, tiếc nuối và một ý chí quyết tâm, hi vọng một tương lai tươi sáng.

    II. Đọc hiểu chi tiết

    Câu 1:


    Chia làm ba phần:

    + Tình huống nhặt vợ và cảnh trên đường về nhà

    + Khi về tới nhà

    + Sáng hôm sau và cảnh trong bữa ăn.

    Mạch truyện được dẫn dắt hợp lí, chân thực.


    Câu 2:

    - Người dân ngụ cư ngạc nhiên khi thấy Tràng đi cùng với một người đàn bà lạ về nhà vì:

    + Thời buổi nạn đói rình rập, cái chết cận kề, nuôi mình và mẹ còn khó, anh Tràng lại dắt thêm một người nữa về chẳng khác nào tự tìm chỗ chôn.

    + Xấu xí, nghèo khổ mà lại khi không có được vợ, đó là điều bất hợp lí trong mắt người khác.

    - Sự ngạc nhiên của mọi người đã cho thấy tác giả đã sáng tạo được một tình huống vô cùng độc đáo, một tình huống những tưởng sẽ chẳng bao giờ xảy ra: Trong nạn đói khủng khiếp vẫn có thể có được người vợ, không cần thời gian tìm hiểu, không cần tổ chức lễ cưới, chỉ vô tình "nhặt" vợ. Tấm lòng của người mẹ lo lắng cho con cái và có một ý chí vô cùng dũng cảm, hướng con mình vào một hướng tốt đẹp. Hay độc đáo ở chính tấm lòng thương người của Tràng, dù khó khăn nhưng vẫn sẵn lòng đón nhận, bao bọc người khó khăn hơn và có một niềm tin vào tương lai.

    - Tình huống truyện đó có tác dụng đối với nội dung và ý nghĩa của tác phẩm: Cuộc sống cơ cực của người dân đồng bào thời ấy hay những bản chất tốt đẹp, yêu thương người và sức sống kì diệu của họ, sự khao khát muốn có được tổ ấm hạnh phúc gia đình.


    Câu 3:

    - Giải thích nhan đề:

    + Vợ là người vợ

    + nhặt là lụm, nhặt, không có giá trị

    È ở đây ta có thể hiểu Tràng nhặt vợ chứ không phải cưới vợ, tự nhiên có được không mất gì. Nhưng ta không thể nói Thị không có giá trị, chỉ là do cuộc sống cùng cực, khốn khổ mới khiến cô ta trở thành người đàn bà không có liêm sỉ, sẵn sàng theo không người khác. Chỉ vì cái đói mà khiến một người trở thành như vậy.

    - Qua hiện tượng ấy, tôi hiểu được:

    + Tình cảnh: Khó khăn, đói khát ăn mòn con người.

    + Thân phận: Thị vì cái ăn mà theo không Tràng vì tưởng anh khá giá, chứ không phải vì tình yêu. Tràng vì thương người khó khăn hơn mình nên sẵn sàng dang vòng tay để chào đón và nuôi người ấy, anh cũng vì khao khát hạnh phúc gia đình.

    È Vì cái đói mà khiến con người quên đi chính mình, bỏ lòng tự trọng của người con gái để được cái ăn, cái đói khiến ai cũng khao khát được cái hạnh phúc gia đình ấm áp, một tương lai tươi sang, những người dân nhỏ bé lại phải hứng chịu những sự bóc lột, cùng cực đến đau lòng.


    Câu 4:

    - Dù khổ nhưng vẫn thương người, muốn chở che cho người đàn bà ấy không màng đến cuộc sống đen tối trước mặt.

    - Khi thấy vợ dọn dẹp nhà cửa thì càng muốn gắn bó với căn nhà hơn.

    - Nhờ việc nghe vợ kể chuyện mà có niềm tin vào tương lai.

    È Những điều ấy cho ta thấy nhờ việc có vợ, Tràng bỗng trở thành người có trách nhiệm, sự cố gắng, có chí tiến thủ hơn và có niềm tin vào tương lai.


    Câu 5:

    - Khi thấy Thị ở trong nhà, bà ngạc nhiên, không tin vào mắt mình, hàng loạt câu hỏi nhảy trong đầu bà "Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại gọi mình bằng u?" bà đứng sững lại, cố gắng nhìn nhận người ấy.

    - Sau khi nghe Tràng phân trần, bà như hiểu ra được điều gì đó nên cúi đầu nín lặng, bà buồn và đau lòng vì không thể lo một bữa cơm hay một lễ cưới tử tế cho hai đứa con, hai dòng nước mắt rỉ xuống trên đôi mắt khèm nhèm của bà.

    - Bà biết người ta vì khó khăn mới tìm tới con mình, bà thương Thị, an ủi và hướng cho hai đứa con mình vào một tương lai tươi sáng hơn cốt xóa đi mặc cảm trong lòng nàng dâu mới.

    - Sáng hôm sau, bà và nàng dâu mới cùng nhau dọn dẹp nhà cửa tươm tất, bà nhẹ nhõm tươi tỉnh khác hẳn vẻ mặt u ám ngày thường, dường như bà muốn chuẩn bị những bước đầu cho việc cố gắng vì tương lai cả gia đình.

    - Trong bữa cơm, không có sơn hào hải vị, chẳng có mâm cao cỗ đầy chỉ có một lùm râu chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo nhưng họ đều ăn ngon lành, một lúc sau bà đem ra một nồi "chè khoán" – cháo cám rồi nhìn hai con nói vui vẻ, cốt xóa đi sự đau lòng trong lòng những đứa con.

    Còn lại các bạn đọc tác phẩm để phân tích rõ hơn, mình chỉ gợi ý một phần để các bạn hiểu cách làm và làm theo ý thui nha.


    Câu 6:

    Nghệ thuật:

    - Tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí khá tinh tế, dựng đối thoại sinh động.

    - Nghệ thuật viết truyện của ông giản dị, mộc mạc, chân thực, bắt nguồn từ nông thôn và người nông dân, khiến tác phẩm tuy đơn giản nhưng lại vô cùng thu hút người đọc và làm nổi bật nội dung nhân đạo của tác phẩm.


    III. Tổng kết

    Lưu ý: Bìa viết trên đây là mình dựa vào sách giáo khoa, đồng thời dựa vào những gì mình được học, tìm hiểu được và cảm nhận bằng chính lòng mình nên hãy đón nhận bằng cách thoải mái nhé! Cảm ơn các bạn!
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...