Sự nuông chiều tạo ra những kẻ vô ơn. Sống ở đất Nhật bảy năm, có rất nhiều thứ ở đất nước này thật khác xa đất nước Việt Nam yêu dấu của tôi. Có lẽ, khi nhắc đến, người ta sẽ trầm trồ về một đất nước văn minh, hiện đại, và tinh xảo tới từng ngóc ngách. Ừ đúng, tôi vẫn đem mấy cái bồn cầu công cộng ở Nhật, xịn vào bậc nhất thế giới ra mà trêu ghẹo với mấy cái hố bệt chùi giấy ở Đức, nơi mà thằng bạn thân tôi đang sinh sống. Hay kể cho nó nghe về những con đường sạch tới nỗi lá rụng cũng chẳng ở được quá lâu trên đường. Khi mới đặt chân tới, trong mắt tôi bốn mùa ở nơi đây đẹp tới ngỡ ngàng. Mùa xuân hoa anh đào che kín cả bầu trời, cả sắc hồng như phủ kín đất trời với những cánh hoa mong manh mềm mại. Hoa nở ở khắp mọi nơi, tới cả cỏ cũng trổ hoa trong khe tường, dịu dàng e ấp. Hè đến, bầu trời nơi đây trong vắt, một màu xanh hiền hòa và sáng bừng cả thế gian. Âm thanh của gió vi vu thổi, mùi của biển mằn mặn nhưng khiến lòng người rộn ràng. Cái nóng ở đây không oi bức, chỉ cần có ô, thì đứng giữa nắng là chuyện nhỏ. Cho tới khi ve sầu cất lên những bài ca năm tháng cuối cùng, lá đỏ rừng phong bạt ngàn, nhuộm vàng cả non nước. Những khoang màu rực rỡ cứ thế chuyển đỏ, hóa nâu rồi rụng xuống. Để lại một mùa đông tuyết trắng đầy mái hiên nhà. Năm đó, tôi dắt tay con trai nhỏ bước trong tuyết rơi lất phất đầy đầu. Tuy chỉ nặn được người tuyết nho nhỏ nhưng vô cùng hạnh phục. Có lẽ, thời gian đầu cái đẹp nó choáng ngợp là như thế, về sau cũng trở nên không còn thực sự mặn mà với chúng tôi. Cũng bởi cuộc sống vồn vã bon chen, lòng người ấm lạnh thay đổi. Tôi từng làm cho một quán Nhật bán món Việt ở một phố nhỏ. Khách hàng khi đó của tôi đều là những ông bà già cô đơn tới tìm người nói chuyện. Cho dù, đó là một người nước ngoài, nghe câu được câu mất lời của họ là tôi đây. Chắc bởi lẽ, họ quá cô đơn, quá thiếu sự ấm áp của lòng người. Phần lớn, họ đều có con cái rất thành đạt. Những đứa trẻ trong vòng tay họ năm nào, rời đi quê hương hay nhà của bố mẹ để tự lập, và không bao giờ quay trở lại. Có cụ từng kể: Con trai cụ ấy đã hai mươi năm rồi không về thăm. Mỗi năm chỉ gọi về duy nhất một lần. Nghe tới vậy, trong lòng tôi không khỏi xót xa. Tôi đã nghĩ, có lẽ cách dạy dỗ con của những nước tư bản là vậy. Trưởng thành sớm, tự lập sớm, nên mối dây gắn kết gia đình và trách nhiệm của họ với bố mẹ không thể bẳng với những đứa trẻ trong gia đình người Việt Nam. Nhưng sau đó, tôi nhận ra là mình đã lầm. Có rất nhiều người Nhật mà tôi quen biết, họ đều có cuộc sống không khác gì Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ. Nghĩa là họ lấy chồng, sinh con, chăm sóc cha mẹ chồng, dạy dỗ con cái. Thậm chí, chăm cho con từ cái răng cái tóc cho tới lớn. Rất nhiều đứa trẻ đến tuổi ngoài hai mươi rồi mà mẹ vẫn phải làm tất cả. Chúng nó sẽ vẫn nằm ngửa chờ sẵn, và cho dù mẹ nó có về muộn, chúng cũng tuyệt đối không thò tay vào giúp đỡ. Còn có một chuyện tôi được nghe kể từ một người quen. Cô ấy kể về người bạn của mình, đã kết hôn và ra ở riêng. Nhưng hàng tuần, mẹ đẻ cô ấy vẫn phải đến nhà con gái và con rể để giặt giũ, dọn dẹp và nấu sẵn đồ ăn trong một tuần cho hai đứa nó. Không chịu dọn dẹp và làm việc nhà, đó là lý do giải thích vì sao ngoài đường sạch sẽ nhưng trong nhà, rác ngập tới gối. Có rất nhiều video do người đến dọn ghi lại. Rác không phân loại, để ngập trong nhà đến nỗi chỉ dư cái giường có thể tạm ngủ, người ta đã phải dùng tới ba xe tải lớn để khuân toàn bộ rác đi. Quay lại vấn đề, vì sao giới trẻ Nhật lại lười biếng, vô tâm, thậm chí vô ơn với bố mẹ chúng? Vì sao chỉ vì đòi thứ mình muốn không được liền dùng dao đâm chết người sinh ra mình? Điều này có phải là do sự chiều chuộng và chu cấp quá cần thiết của các bậc phụ huynh, khiến đứa trẻ sinh ra đã mặc định: Cả thế giới phải chiều theo chúng? Không chỉ nhiều gia đình Nhật, trong số những gia đình người Việt mà tôi quen cũng bắt đầu đi theo xu hướng như vậy. Có cặp vợ chồng có hai cô con gái mười tuổi và sáu tuổi. Cha mẹ làm tối mắt, trở về lái ô tô đưa chúng nó đi ăn ngoài hàng. Tới nơi, chúng nó ngồi lì trên xe và không muốn xuống. Chỉ đơn giản đã chán cái chỗ đó và muốn ăn những nơi đắt tiền hơn. Một món ăn ngày hôm sau lặp lại, sẽ không bao giờ đụng đũa. Một nhà khác, chị bạn tôi có ba cô con gái, gia đình khá vất vả và kinh tế eo hẹp. Chị luôn nói với tôi là "sự nuông chiều dạy ra những kẻ vô ơn", và tôi đồng ý với điều đó. Trẻ con dù thương yêu bao bọc thì cũng nên cho chúng có cơ hội để học được cách sống vì người khác, mài dũa cái tôi tự cao tự đại của bọn chúng. Để chúng trưởng thành, hiểu được rằng thế giới không toàn vẹn. Việc của chúng là phải học được cách thích nghi, hòa hợp với cuộc sống. Nhưng chị nói với tôi là vậy, chị lại không làm được. Con gái chị năm nay bước lên lớp tám, việc một đứa trẻ học lớp năm lớp sáu ở Nhật đạp xe đi mua đồ là rất bình thường. Nhưng không, mọi thứ đều là mẹ mua, mẹ làm. Ô của nó gãy, chị đội mưa đi mua. Đắn đo lên xuống vì giá cả đắt đỏ, màu sắc mà nó thích. Trở về, chỉ một câu nó nói: Cái ô có chữ Puma là của con trai, và nó thấy xấu hổ nếu phải sử dụng chiếc ô đó. Chị kể cho tôi nghe và tôi thực sự tức giận. Từ khi nào Puma là sản phẩm chỉ của nam giới? Và tên con trai nào dám dùng cái ô có viền tím hồng? Tôi đã định bảo chị thử thuyết phục nó bằng cách gợi ý cho nó vẽ thứ nó thích lên ô, để khiến chiếc ô trở nên đặc biệt, chỉ duy nhất của nó. Nhưng chị còn chưa nghe tôi nói hết đã phủ định tất cả. Chị thà bỏ thêm tiền ra mua cái ô khác cho vừa ý con chứ không muốn làm phật ý nó. Trong suy nghĩ của chị, là chị tôn trọng mong muốn của của con gái. Nhưng cách tôn trọng này giống với sự thỏa hiệp, lùi bước thì hơn. Chị giải thích với tôi rằng: Bên này mọi thứ phải đâu ra đấy. Giống như quần áo cầu lông không thể mặc đi đánh bóng bàn được. Đó là quan điểm của con gái chị và bạn bè nó. Chồng tôi vẫn một bộ từ đá bóng tới đánh cầu lông, có sao đâu. Quan trọng bản thân cảm thấy thoải mái là được. Giống như tôi ngày xưa, mặc luôn áo ông anh đi học. Bạn bè tôi chả đứa nào để ý quá nhiều, nếu có thì cũng chỉ ngạc nhiên chút. Điều quan trọng của tôi khi đó là bớt đi sự vất vả nhọc nhằn của bố, còn những ý kiến kẻ khác, tôi chưa bao giờ để tâm đến. Tôi cảm thấy khá chán nản. Bởi vì giống gia đình tôi khi đó, gia đình chị phải cắt xén mọi thứ. Nếu chị không phải hi sinh, nhịn ăn nhịn mặc đã đành. Tại sao lại có thể để con mình lớn lên không thấy được nỗi đau của mẹ, sự hi sinh của bố, mọi nhường nhịn đều vun vén cho các con. Tại sao để nó lớn lên, chỉ biết suy xét mỗi cảm xúc của chính nó? Suy nghĩ này thật giống tư tưởng "kỷ luật không nước mắt" bị thiếu sót, tạo ra cái suy nghĩ của rất nhiều người nghĩ rằng: Nuôi con là tôn trọng suy nghĩ, mong cầu của con. Nhưng hãy nhìn lại xem, bạn áp dụng điều đó và chuyện quái gì đang xảy ra thế này? Khi tôi học lớp năm, cái chuyện khóc cả đêm vì tủi thân bị bố mắng, hay ăn roi quăn cả đít là cơm bữa. Và tôi tin không riêng tôi, phần lớn ai cũng vậy. Nhưng chúng ta trưởng thành, vẫn vô cùng yêu thương gia đình, yêu cả cái người quất roi đúng không. Và khi chúng ta ra đường, nếu có kẻ nào to tiếng hoặc đánh ta, ta sẵn sàng nói lý lẽ lại, hoặc dùng quả đấm để nói chuyện. Còn bọn trẻ lớn lên trong kỷ luật không nước mắt thì sao? Chúng nó ra đường, bị người ta nói mạnh một câu, nước mắt liền to như hạt lạc. Mà cuộc sống ấy, làm gì có mật ngọt, rất nhiều trong số chúng đều là trở nên yếu đuối, dễ tổn thương và nhạy cảm.. với xã hội bên ngoài. Và khi trở về nhà, chúng trút mọi stress lên người thương yêu chúng nhất. Khi đã quen với việc coi gia đình là nơi "thải rác", chúng liền trở nên vô tâm với gia đình, thậm chí là trở thành những kẻ vô ơn. Chị bạn tôi, chỉ coi điều đó sẽ xảy ra với người khác, không phải với con chị, nên chị lờ đi những tin nhắn tôi viết. Tôi chỉ cảm thấy, mình đã nói quá nhiều và thật vô nghĩa, nên tôi đã thu hồi, gỡ bỏ toàn bộ tin nhắn đã gửi.