Quả chanh trong hành trình của Phở Việt Còn nhớ Thạch Lam đã từng phải thốt lên khi miêu tả về phở Hà Nội: ".. Nước dùng trong và ngọt, bánh dẻo mà không nát, thịt mỡ gầu giòn chứ không dai, chanh, ớt, với hành tây đủ cả. Chả còn gì ngon hơn bát phở như thế nữa. Ăn xong bát thứ nhất, lại muốn ăn luôn bát thứ hai." Trong đó, lát chanh tuy đơn giản nhưng lại là thành phần không thể thiếu, vị chua thanh mát, hương thơm lan tỏa, được phục vụ miễn phí trên bàn tại các hàng bún, miến, phở, để thực khách ăn bao nhiêu có thể tùy ý lấy. Ở Việt Nam, chanh là thứ quả gia vị thân thiết với mọi nhà, từ dùng để nêm vào món ăn, cho đến vắt pha nước uống.. Ấy thế mà khi Phở Thìn khai trương tại Nhật Bản, quả chanh xanh tươi mới lại là thứ đắt đỏ vô cùng, khiến ông chủ người Nhật phải vất vả lao đao để cân đối chi phí cho.. chanh. Đấy, thiếu chanh là thiếu mất cái hồn của phở! Vậy đã khi nào bạn đặt ra câu hỏi: "Tại sao người Việt lại có thói quen vắt chanh khi ăn phở" hay chưa? Ngoài góc nhìn từ văn hóa ẩm thực xa xưa, thì góc nhìn từ Hóa học cũng đã đưa ra những lý giải rất thuyết phục đấy nhé. Các lý do và lợi ích khi ăn phở có vắt chanh. 1. Acid có trong chanh giúp phá vỡ các phân tử chất béo, khiến bạn đỡ "ngán" hơn. Nước dùng phở Việt được chế biến bằng cách hầm xương trong nhiều giờ, do đó các tô phở, bún, miến.. có rất nhiều chất béo và đạm, các chất béo này không tốt cho sức khỏe của bạn, chúng gây ra các bệnh mỡ máu, bệnh béo phì, bệnh tim mạch.. khi ăn nhiều. Tuy nhiên, acid có trong chanh sẽ giúp bạn "giải quyết" bớt lượng chất béo này bằng phản "ứng thủy phân của chất béo trong môi trường acid". Vì vậy, phải nói rằng chanh chính là thứ gia vị tuyệt phối cho nước dùng phở, giúp cân bằng chất béo, khiến thực khách ăn ngon miệng hơn, đồng thời cũng giúp giảm thiểu lượng chất béo nạp nào cơ thể, duy trì sức khỏe lành mạnh. Quả thật, không chỉ phở, bún, miến, mà những món ăn nhiều dầu mỡ, thịt thà.. thì chỉ cần vắt vài giọt chanh là hương vị món ấy lại tinh tế đến lạ kỳ. Rau muống xào vắt chanh, riêu cá nấu vắt chanh, chân giò bung hoa chuối vắt chanh.. đều là những tuyệt phẩm cho ngày hè đủ đầy dinh dưỡng mà ăn hoài chẳng ngán. 2. Chanh giúp điều chỉnh độ mặn nhạt của món ăn. Nếu chẳng may chủ quán làm tô phở hơi đậm đà, thực khách hoàn toàn có thể điều chỉnh bằng cách thêm nước cốt chanh vào tô phở. Điều này cũng có thể giải thích dưới góc nhìn của Hóa học: Acid trong chanh phản ứng với các phân tử muối có trong nước dùng, chuyển thành muối mới và axid mới (yếu hơn muối và axid ban đầu), nên cả vị chua của chanh lẫn vị mặn của nước dùng đều dịu đi không ít. Vậy nên một lát chanh mỏng không chỉ là gia vị tuyệt vời để dung hòa các món ăn giàu chất béo, mà còn giúp chữa cháy cực hiệu quả trong vài trường hợp người nấu chẳng may nêm mắm muối quá tay. 3. Chanh còn nhiều tác dụng hơn thế nữa Nói về chanh, đây là loại quả lành tính, thanh mát, có vị chua, hương thơm lan xa. Ngửi mùi chanh cũng khiến bụng ta sôi ầm ĩ. Vị chua của chanh giúp kích thích dịch vị (giúp bạn chảy nước miếng), làm bạn ăn ngon miệng hơn. Hương vị chanh với hợp chất flavonoid giúp bạn tiêu hóa thức ăn tốt hơn, hấp thụ chất sắt tốt hơn. Ngoài ra người bị cảm lạnh, ăn bát phở nóng vắt chanh để bổ sung vitamin C cũng giúp bạn mau chóng khỏe lại. Có thể nói, để làm nên thương hiệu Phở Việt Nam nói riêng và nền ẩm thực Việt Nam nói chung đang được yêu thích khắp thế giới, đó không chỉ là thành công từ công thức bí mật tuyệt vời mà còn có sự góp mặt nhỏ bé nhưng đầy tinh tế và không thể thiếu của những món rau quả gia vị thân thuộc quanh ta như chanh, ớt, hành, mùi.. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam không chỉ "sành ăn" mà còn rất biết cách kết hợp nguyên liệu nấu nướng sao cho khoa học và đảm bảo sức khỏe. Hy vọng sau bài viết này bạn có thể hiểu rõ hơn tác dụng của chanh trong ăn uống lành mạnh, đặc biệt là chúc bạn có thêm hứng thú áp dụng các kiến thức Vật lý, hóa học vào khám phá cuộc sống quanh mình nhé, bạn sẽ thấy rất nhiều điều thú vị hơn những công thức khô khan trên giấy vở!