Truyện Ngắn Góc Khuất Sau Màn Đêm Của Người Vô Gia Cư - Thương Minh Châu

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Thương Minh Châu, 28 Tháng mười hai 2018.

  1. Thương Minh Châu Just the way you are!

    Bài viết:
    8
    Tự Truyện Góc Khuất Sau Màn Đêm Của Người Vô Gia Cư

    Tác giả: Thương Minh Châu

    Ga Hà Nội - một đêm cuối tháng 10/2013

    Hà Nội - đẹp, rất đẹp!

    Hà Nội - đông vui, tấp nập, sôi động!

    Hà Nội - nơi ai cũng muốn được sống hoặc ít nhất là đến một lần trong đời.

    Hà Nội - nơi nhớ thương, mơ mộng, nguồn cảm hứng của nhiều tác phẩm nghệ thuật.

    Hà Nội - cả về đêm cũng luôn lung linh rực rỡ với những ánh đèn như những vì sao.

    Có một Hà Nội như thế, nhưng cũng có một Hà Nội trong tôi gợi lên bao nhiêu suy nghĩ mỗi khi đông qua, xuân về!

    Cũng lâu rồi, tôi không lên Hà Nội. Tôi là người con của Hải Dương. Tôi từng được sống và học tập tại thủ đô đầy nỗi nhớ này bốn năm đại học. Rất nhiều kỷ niệm, rất nhiều người đã đi qua đời tôi, có người còn duyên gặp lại, có người chỉ lướt qua một lần. Có người tôi đã quên, nhưng có những người dù chỉ gặp một lần cũng khiến tôi xúc động mạnh, khiến tôi suy ngẫm về cuộc đời dù tuổi đời lúc đó còn trẻ, đầy ước mơ hoài bão.

    Họ là ai? Tôi thậm chí còn không nhớ rõ nét mặt của họ, hay cả tên của họ tôi cũng không hỏi. Nhưng có lẽ, do hoàn cảnh, do thời điểm gặp gỡ khiến họ gây ấn tượng với tôi đến thế!

    Ga Hà Nội, một giờ sáng, một ngày cuối tháng 10.

    Tôi đã tốt nghiệp đại học và đang tìm kiếm việc làm trên Hà Nội. Tôi có một chị gái vào Sài Gòn làm ăn. Chị đã đặt vé tàu chuyến Sài Gòn - Hà Nội, và ba giờ sáng tàu mới đến Hà Nội. Mẹ tôi vì lo chị gái bị say tàu xe mà đi tàu từ Hải Dương lên đón. Tôi cũng ra ga đợi cùng mẹ! Câu chuyện bắt đầu!

    Tôi và mẹ đến ga tàu khá sớm, tầm sáu giờ chiều. Tôi và mẹ lặng lẽ vào trong phòng ngồi chờ. Nhìn nhiều dòng khách hết ngồi rồi đi.. lần lượt hết chuyến này đến chuyến nọ, nhìn đồng hồ nhếch từng phút, cảm giác thời gian trôi đi thật lâu. Chờ đợi, đúng là một chuyện khiến con người ta cần sự kiên nhẫn. Ngoài trời dần tối. Đèn trong phòng, ngoài hành lang, ngoài sân, đèn đường.. đã bật. Trong đầu tôi bao nhiêu suy nghĩ. Tôi không biết ga tàu có mở cửa thông đêm? Nếu ga tàu đóng cửa tôi và mẹ phải làm sao? Nếu chờ ở ngoài nhỡ may gặp cướp, hay nghiện thì phải làm sao? Rồi mẹ trấn an tôi rằng, đây là ga lớn, có nhiều tàu từ Sài Gòn ra đêm, nên chắc là mở cả đêm. Nói thế nhưng mẹ tôi vẫn đi hỏi nhân viên bán vé, và tôi được biết, chuyến tàu đi từ HN vào SG lúc 23h30 sẽ là chuyến cuối và ga tàu sẽ đóng cửa. Tôi lại bắt đầu bất an. Cứ một lúc tôi lại hỏi: "mẹ ơi thế có ai trực không nhỉ? Đêm các bác bảo vệ có làm không? Người ta có cho mình ngủ ngay ngoài cửa không?". Tôi sợ có chuyện gì xảy ra có thể kêu cứu. Mẹ chỉ khẽ mắng tôi một câu: "con này to mắt".

    Rồi cũng đến lúc chuyến tàu cuối rời bến. Mẹ con tôi lặng lẽ ra ngoài gần cửa ra vào, ga tàu đóng cửa.

    Mẹ lấy trong balo bộ đội cũ kỹ của mẹ một mảnh vải nilon (ở quê lúc ấy người dân chưa mặc áo mưa mà chỉ khoác mảnh nilon ấy). Mẹ dải tấm nilon ra bảo tôi ngồi vào. Mẹ lại lấy hai cặp lồng ra. Đây là bữa cơm mẹ chuẩn bị từ trưa để lên ăn tối, đến giờ cũng nguội lạnh. Mẹ lấy thìa, đũa, bát, xới cơm, gắp thức ăn rồi đưa cho tôi. Một bữa cơm muộn. Trong lúc chờ tàu từ sớm, mẹ vẫn bảo lấy cơm ra ăn, tôi bảo mẹ đói không thì ăn chứ con không đói. Mẹ cũng bảo không đói. Nên tôi với mẹ cứ thế ngồi chờ. Tôi thì ngại, vì mẹ xách cái balo cũ, chẳng biết có gì bên trong mà nhìn lỉnh kỉnh, bây giờ bỏ ra ăn, tôi thấy xấu hổ. Còn mẹ chắc cũng biết tôi ngại nên đã mua bánh mì cho tôi ăn tạm. Đến giờ tôi mới ăn vài hạt cơm. Tôi ăn nhanh và qua loa vì cứ có cảm giác có người nhìn mình và cười. Lúc đó, có lẽ tôi cũng sợ người ta chê tôi nhà quê. Tôi ăn vội rồi ngồi tựa vào một cây cột. Mẹ vẫn từ tốn ăn. Mẹ đưa nước cho tôi uống. Nước mẹ đóng chai mang tận từ Hải Dương lên. Rồi tăm. Rồi mía, hoa quả. Mẹ chuẩn bị như một buổi đi dã ngoại, chỉ khác là đây là sân ga. Xong xuôi tất cả, mẹ tôi lại thu dọn gọn gàng đâu vào đấy, mọi thứ gọn lỏn trong balo. Ngồi một lúc thì mẹ bảo tôi nằm xuống chợp mắt một lúc cho đỡ mệt. Mẹ nằm. Tôi bắt đầu để ý hơn về xung quanh!

    Sân ga về đêm - đêm muộn!

    Có lẽ cũng hơn 0h rồi. Hai bên ga tàu có hai quán nhỏ, một bên bán KFC, và một bên là quán tạp hóa. Cũng có vài người thanh niên vào quán gà rán ăn. Và vài người vào quán tạp hóa mua đồ. Trời càng về muộn, người càng thưa, đường cũng vắng vẻ. Tự nhiên thấy bình yên lạ, khác hẳn cảnh tấp nập hối hả nhộn nhịp ban ngày.

    Bỗng, có một bác gái, trung tuổi, dáng người mảnh khảnh, một tay cầm chai nước, tay kia khoác một túi bằng vải bước vào cửa ga. Bác lấy một tấm bạt ra trải, rồi nằm lên đó ngủ.

    Một ông cụ, mặc quần áo lao động cũ, màu xanh nhạt, người đậm đậm. Ông cầm một chiếc túi, đi nhặt những miếng xương gà từ trong và ngoài quán KFC. Rồi ông ngồi cách xa quán một khoảng. Tôi tò mò không hiểu ông làm gì với túi xương đó. Có hai con chó từ đâu chạy đến, không rõ chó của ông nuôi hay chó của ga tàu nuôi, ông vất xương cho chúng ăn. Chúng mừng quấn ông rối rít và ăn với vẻ ngon lành. Ông nhìn chúng, vuốt ve chúng và mỉm cười vẻ mãn nguyện. Có lẽ đây là niềm vui của ông sau cả ngày dài mệt nhọc. Ông vui với những người bạn không biết nói. Một lúc, ông cũng dải một tấm bạt nhỏ gần cạnh chỗ mẹ con tôi rồi nằm xuống ngủ.

    Bên kia đường, dưới vỉa hè, bên mái cổng của một nhà, có một ông cụ vừa xách một túi chai lọ, ông có một cái giường xếp, ông lấy ra rồi nằm ngủ dưới mái hiên. Có lẽ, người tốt bụng nào đó đã cho ông ngủ nhờ và cho ông chiếc giường đó.

    Cô bán bánh mỳ, bánh khúc, có cô thì chỉ có một chiếc thúng đựng vài chai nước bán dong cũng đến đi mời hàng. Vài chú xe ôm đi xe đến, ngồi bậc thềm chờ chuyến tàu đêm. Các chú ngồi nói chuyện với nhau vui vẻ. Người mua bánh khúc, người mua bánh mì ăn.

    Có một ông cụ, mặt nhìn rất hiền từ, đi đến chỗ mình, nhìn mình và cười. Ông hỏi một câu mà như ông quá hiểu rõ nơi này vậy: "cũng phải ngủ ở đây à?". "Dạ không, cháu đợi đón người nhà thôi ạ!". Ông cười, gật đầu rồi đi. Chắc ông là người ở đây, hàng đêm ông đi thăm xem hôm nay ga tàu này có thêm ai đến ngủ hay ai không còn ngủ nữa. Ông chắc hẳn là người gốc Hà Nội rồi. Cảm mến ông lắm.

    Mẹ nhắc tôi nằm xuống cho đỡ mệt. Tôi lôi nhật ký ra ghi chép vài dòng, rồi cất đi, và cũng nằm xuống.

    Tôi nghe tiếng xe máy, ngoảnh nhìn lại, thấy ba mẹ con, người mẹ tầm ngoài 40 tuổi, một bạn trẻ chắc sinh viên đại học, một em bé tầm 10 tuổi. Trên xe cheo rất nhiều túi đựng những hộp xôi. Bạn sinh viên cầm một túi, chạy lại chỗ mẹ gọi mẹ dậy rồi dúi vào tay hai hộp xôi và nói: "xôi nhà cháu nấu, cô cầm lấy ăn cho đỡ đói lòng!". Mẹ chưa kịp nói gì thì tách, mẹ bạn sinh viên chụp ảnh. Mẹ vội nói: "ấy chết, đừng chụp, ngại lắm". Bạn sinh viên khẽ mắng mẹ: "mẹ này". Rồi bạn lần lượt khẽ gọi từng người, phát từng hộp xôi. Có lẽ, mẹ bạn sinh viên ấy đang cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào về con gái, nên chụp tấm hình làm kỷ niệm chứ không hề có ý xấu hay khoe khoang. Vì người mẹ ấy rất lặng lẽ đứng nhìn con phát xôi, và khi con gái tỏ ý không hài lòng khi mẹ chụp ảnh, bà cũng lặng thinh.

    Mẹ bảo tôi dậy ăn xôi cho ấm bụng. Tôi bảo mẹ: "xôi dành cho người nghèo, mẹ lấy làm gì, để nhường cho người khác chứ". Mẹ bảo: "đã biết là gì đâu, chưa kịp làm gì nó cứ dúi vào tay rồi đi đấy chứ!". Tôi đúng là không tốt. Có lẽ mẹ nhận xôi cũng chỉ muốn để cho tôi ăn. Tôi không hiểu mẹ, tôi không tốt. Mới ra thành phố vài năm mà đã học đòi cách sống thành thị. Trong khi mẹ tôi vẫn thật thà chân chất, người ta có lòng cho thì nhận!

    Tôi suy nghĩ mãi, về ba mẹ con nhà bạn sinh viên kia. Có phải họ đi làm từ thiện? Nhưng sao họ lại chụp ảnh? Hay cô bạn đó đang dự thi một chương trình gì? Liệu mai mẹ con mình có lên báo không? Hay chỉ đơn giản là người mẹ đó lặng lẽ ghi lại hình ảnh đẹp của con gái mình?

    Một lúc sau, lại có một đoàn thanh niên tình nguyện, họ chở nhiều thùng xốp sau xe. Họ lấy ra từng bịch túi gói sẵn, bên trong có hai cái bánh mì và một hộp sữa tươi. Họ phát cho từng người. Nhưng đến mẹ, chắc có lẽ do câu nói trước của tôi, lần này mẹ nhất mực từ chối. Và nói: "cô vừa nhận xôi của một bạn rồi. Cái này dành cho người khác. Cô cảm ơn!".

    Tôi thấy ông bán tạp hóa, gọi một bạn tình nguyện viên vào đòi được phát một túi và nói rằng mình khổ lắm chỉ là người bán thuê thôi. Và thế là mấy bạn ấy lại phát thêm cho ông một túi. Xong rồi các bạn lại lên xe đi tiếp!

    Tôi nói với mẹ về ông bán hàng tạp hóa. Ông có cửa hàng, bán ngay ga tàu nơi nhiều khách, ông có đầy đủ. Dù bán thuê ông cũng có việc làm, có chỗ ở, cơm ăn, vẫn hơn rất nhiều người ngoài kia không nhà, không việc, không con cháu, sức khỏe chưa biết nay mai thế nào mà sao lại tham thế? Mẹ tôi bảo: "thế mới là xã hội".

    Hà Nội về đêm - đêm muộn. Trên đường có mấy cặp thanh niên rú ga, lượn lách, cười đùa vang cả lên, đánh động không gian yên tĩnh. Sau xe mấy cô gái mặc quần sooc, áo lửng, người ôm, người thì ngồi hất tóc, người thì dang tay.. cười đùa vui vẻ.

    Cuối cùng tàu SG - HN cũng đến. Chờ đón được chị ra, ba mẹ con tôi chờ đến sáng mua vé tàu về Hải Dương. Câu chuyện đêm Ga tàu Hà Nội khép lại!

    Sau đó ít lâu, tôi không kiếm được việc phù hợp nên cũng về quê sinh sống. Hà Nội có lẽ thay đổi nhiều lắm.

    Bây giờ, có còn những mảnh đời bất hạnh cảnh màn trời chiếu đất không? Và chắc cũng không ít những tấm lòng hảo tâm đến từ nhiều người, nhất là những bạn trẻ khiến cuộc sống thêm ý nghĩa và trọn vẹn. Dù hoàn cảnh nào, tôi vẫn thấy những niềm vui giản dị trên khuôn mặt của họ.

    Năm hết tết đến, người người sum vầy cùng quây quần bên gia đình con cháu. Còn với họ? Họ đón tết ở đâu? Có như nhân vật trong tác phẩm "Người ngựa ngựa người"?

    Mong sao, xã hội phát triển, người nghèo khổ không còn. Những tấm lòng vàng thiện lương lặng lẽ, không cần vinh danh kia sẽ được nhân rộng hơn, con người với con người sống càng gần gũi nhau hơn!
     
    Aki Re, Đặng ChâuNhi Bình thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 31 Tháng mười hai 2018
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...