Giữ Gìn Sự Trong Sáng Của Tiếng Việt

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Ann.AnYên, 11 Tháng chín 2018.

  1. Ann.AnYên Bé An 3 tuổi

    Bài viết:
    67
    Kỳ 1: Bức tranh tiếng Việt đang..'xuống cấp'

    Sinh thời, có lần nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã cảnh báo: "Người Việt hiện không còn biết nói và viết tiếng Việt nữa!", để nói đến thực trạng tiếng Việt đang bị xuống cấp.

    Vậy tiếng Việt hiện nay có thực "xuống cấp" và làm thế nào để "chống xuống cấp" cho tiếng Việt vẫn là câu hỏi lớn đang được cộng đồng, giới chuyên gia tìm câu trả lời.

    Thực trạng của tiếng Việt hiện nay

    Trước tiên, nói về thực trạng sử dụng tiếng Việt hiện nay, PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: "Tiếng nói mỗi dân tộc không thể đứng im mà cũng có sự biến đổi theo sự biến thiên của cuộc sống" - ông Tình nói. "Diện mạo từ vựng tiếng Việt đã được bổ sung, hoàn thiện nhiều so với trước. Đặc biệt, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, hệ thống thuật ngữ tiếng Việt đã tăng lên không ngừng ở mọi lĩnh vực. Các nghi thức lời nói cũng đã có bước chuyển cho phù hợp với thực tế cuộc sống"

    [​IMG]

    PGS-TS Phạm Văn Tình

    Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Văn Tình, chúng ta đang ở trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Giao tiếp ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ chat, nhất là ngôn ngữ "a còng" của giới trẻ..

    Điều này phần nào làm lệch lạc bức tranh ngôn ngữ toàn dân và gây phản ứng trong dư luận.

    "Nhưng ta phải coi đó là một xu hướng khó tránh" - ông Tình nói tiếp. "Vấn đề là phải có liều lượng, đừng lạm dụng và dùng đúng chức năng của nó. Nói gì thì nói, ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, dễ hiểu và trong sáng. Đừng vì" cái tôi "của nhóm người nào đó làm vẩn đục tiếng Việt một cách vô lối. Nhà nước phải quan tâm và có chính sách ngôn ngữ phù hợp".

    Đồng quan điểm với PGS-TS Phạm Văn Tình, GS-TS-NGND Trần Đình Sử nhìn nhận tình trạng sử dụng tiếng Việt hiện nay rất đa dạng, phổ biến nhất là hiện tượng pha tiếng nước ngoài vào với tiếng Việt. "Hiện nay, từ trong đời sống đến các phương tiện truyền thông, người ta hay ghép từ, tiếng nước ngoài vào với tiếng Việt, ví dụ: Showbiz Việt, show diễn" - ông Sử nói. "Hay như đồng ý hay không đồng ý, nhiều người thay vì nói tiếng Việt họ lại dùng tiếng nước ngoài: No, OK..".

    [​IMG]

    GS-TS-NGND Trần Đình Sử

    Nói về ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, GS-TS-NGND Trần Đình Sử cho rằng nó có những "quy ước riêng" mang tính chất chơi bời, đùa giỡn với nhau là chính. Nếu viết mà vẫn dùng "quy ước riêng ấy" một cách phổ biến mới đáng lo ngại. Muốn hạn chế nó, các cơ quan chức năng có liên quan và đặc biệt là truyền thông cần phải "gương mẫu và đạt chuẩn" trong việc nói, viết tiếng Việt thì mới giáo dục được người khác, đặc biệt là các bạn trẻ.

    Chưa biết cách làm giàu cho kho báu tiếng Việt

    Từ cái nhìn của một người viết văn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, tiếng Việt của chúng ta hiện nay bị pha tạp, lạm dụng và thiếu chuẩn xác. Rất nhiều cách diễn đạt tùy tiện, nhân danh đổi mới nhưng thực ra đã phá vỡ truyền thống ngôn ngữ tốt đẹp của dân tộc chúng ta, đặc biệt là trong văn học.

    Ông Thỉnh nói: "Ngôn ngữ cũng như mọi giá trị văn hóa khác, nó có thay đổi theo thời đại, theo đời sống nhưng sự tinh túy của tiếng Việt từ xa xưađến nay không được nhiều người chú ý một cách thích đáng, kể cả với những người viết văn, làm báo..".

    [​IMG]

    Nhà thơ Hữu Thỉnh

    "Nhiều người viết vội vàng, thiếu chọn lọc, thiếu sáng tạo, thiếu làm giàu cho bản sắc văn hóa của tiếng Việt" - nhà thơ Hữu Thỉnh nói tiếp. "Nhiều người còn lười, chưa làm cho cái hay, cái đẹp của tiếng Việt được lộ diện. Bây giờ người ta chạy theo những cách nói có sẵn, những từ ngữ có sẵn mà không chịu tìm tòi, khai thác cái kho báu tiếng Việt vô giá của chúng ta - một kho báu có khả năng diễn tả mọi cung bậc của tình cảm, mọi chấn động của chiều sâu tâm hồn con người.

    Những người trẻ, nhất là với những người viết trẻ cần phải suy nghĩ về điều ấy. Vì rằng, mỗi tác phẩm là một giá trị về tư tưởng, giá trị về nghệ thuật nhưng đồng thời cũng phải là một giá trị về ngôn ngữ".

    Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng có quan điểm tương tự nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông cho rằng, tiếng Việt hiện nay đang bị làm hỏng, làm xấu, rất đáng báo động. "Người ta sử dụng tiếng Việt một cách xô bồ, lộn xộn, không có chọn lọc và không nêu được cái tinh tế của tiếng Việt. Đây chính là dịp để chúng ta gióng lên hồi còi báo động và cần có ngay một" công cụ "để bảo vệ nó".​

    [​IMG]

    Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên

    Kể từ khi ra đời, trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, bức tranh tiếng Việt đã "nhuốm" không ít "những gam màu.. lạ". Trong bức tranh ấy, có những mảng màu theo nhiều ý kiến cần phải "bứng" đi và có những mảng màu có thể tiếp nhận, để phong phú hơn cho bức tranh ngôn ngữ Việt.

    Vấn đề đáng nói là, kể từ khi Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) ban hành Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt (1984) đến nay vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào của Nhà nước quy định về chuẩn hóa tiếng Việt.

    Thế nên mới có chuyện, bức tranh ngôn ngữ chung của người Việt như đang treo giữa chợ, không người quản lý, bảo vệ, mặc cho ai muốn phết, muốn vẽ lên đó thứ gì cũng được?

    Nguồn: Thể Thao Văn Hóa
     
    fseatdnkwondami.cb thích bài này.
    Last edited by a moderator: 28 Tháng mười hai 2019
  2. Đăng ký Binance
  3. Ann.AnYên Bé An 3 tuổi

    Bài viết:
    67
    Kỳ 2: Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ và văn tự

    Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông, nguyên Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ Việt Nam, từ câu chuyện "cải tiến chữ Quốc ngữ" của PGS.TS Bùi Hiền, có thể thấy tiếng Việt đã được người dân và giới chuyên môn quan tâm trở lại.

    Nhưng quan tâm theo kiểu “xoáy sâu những chỉ trích” vào một ý tưởng thiếu tính khả thi sẽ chẳng thể góp phần giữ gìn bản sắc, chuẩn hóa và phát triển tiếng Việt. Hơn bao giờ hết, theo ông, rất cần phải có Luật Ngôn ngữ và văn tự, đồng thời cần phải có cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này.

    Vừa bảo vệ chủ quyền, vừa giữ gìn bản sắc tiếng Việt


    GS Nguyễn Minh Thuyết nhớ lại, năm 1966, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào giai đoạn rất khốc liệt, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đến dự và phát biểu ý kiến tại hội nghị đầu tiên bàn về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài phát biểu của ông được coi là ý kiến chỉ đạo mở đầu cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

    Đến năm 1980, giữa lúc chúng ta đang phải nỗ lực khắc phục những hậu quả của cuộc chiến tranh biên giới, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lại triệu tập Hội nghị thứ ha về vấn đề này.

    [​IMG]
    Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ và văn tự (ảnh nhân vật cung cấp)
    Cho đến những ngày cuối đời, nhà hoạt động chính trị, nhà văn hóa Phạm Văn Đồng vẫn đau đáu về điều ấy. Một năm trước khi mất (1998), ông mời GS.TS Đỗ Hữu Châu (Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam), PGS.TSKH Lý Toàn Thắng (Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học) và GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG HN) tới cùng trao đổi đánh giá kết quả cuộc vận động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt và bàn việc tiếp tục cuộc vận động ấy với phương hướng giữ gìn bản sắc, chuẩn hóa và phát triển tiếng Việt. Ông tâm sự: “Đây là mối quan tâm cuối cùng của tôi.” Sau mấy ngày trao đổi với các chuyên gia, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng có bài viết trên báo Nhân dân về vấn đề này. Đó cũng là bài báo cuối cùng của ông.

    “Mỗi lần đất nước phải đương đầu với những thử thách vô cùng to lớn để bảo vệ độc lập chủ quyền, vì sao Thủ tướng Chính phủ lại triệu tập một hội nghị bàn về vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt? Và vì sao cho đến những ngày cuối đời, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn quan tâm sâu sắc đến vấn đề này?”, GS Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi.

    Rồi ông tự trả lời: “Tiếng Việt là của cải vô cùng lâu đời và quý báu mà tổ tiên và các thế hệ cha ông đã vượt qua mọi thách thức nghiệt ngã của lịch sử, giữ gìn, bồi đắp và truyền lại đến ngày nay. Nó là yếu tố hết sức quan trọng và bền vững của văn hóa, thể hiện bản sắc, trình độ phát triển của dân tộc, đồng thời là biểu tượng sức mạnh quật cường của dân tộc Việt Nam ta".

    "Thử hỏi, nếu không có một lòng yêu nước nồng nàn và sức mạnh quật cường thì làm sao tổ tiên ta, cha ông ta có thể kháng cự được chính sách đồng hóa của các thế lực hùng mạnh, đầy dã tâm đã đô hộ nước ta trong lịch sử, đặc biệt là trong gần 1000 năm đô hộ của phong kiến Trung Hoa, để giữ gìn, phát triển tiếng Việt, trao lại cho chúng ta?" – GS Thuyết nói – "Bởi vậy, trước mỗi bước ngoặt của lịch sử, chúng ta càng cần dựa chắc vào văn hóa dân tộc làm động lực vượt qua thử thách để phát triển”.

    Một đòi hỏi của thực tế

    Những năm gần đây, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, vấn đề quan tâm và giữ gìn bản sắc của tiếng Việt xem chừng bị lơi lỏng. Bởi vậy, nhiều hiện tượng lộn xộn xảy ra. Ví dụ, chúng ta có từ ngữ dân tộc nhưng không dùng mà tùy tiện vay mượn từ ngữ nước ngoài. Do vậy, biển quảng cáo thì trái Luật Quảng cáo, để chữ nước ngoài to hơn chữ Việt, thậm chí chỉ có chữ nước ngoài. Lỗi chính tả, ngữ pháp trên các phương tiện thông tin đại chúng rất nhiều. Trên truyền hình và các diễn đàn quốc gia, mỗi người phát âm các từ viết tắt một kiểu mà thường là không đúng.

    "Rất nhiều người vô tư đọc MH370 là “Mờ Hát 370”, đọc “G7” là “Gờ 7”, trong khi GDP lại đọc là “Giê Đê Pê”… Còn trên mạng, các bạn trẻ thả cửa dùng tiếng lóng" – GS nói – "Đành rằng tiếng lóng là một loại biến thể đặc thù có thể chấp nhận được, nhưng với sự lơi lỏng mối quan tâm đến tiếng Việt, tiếng lóng có thể ảnh hưởng đến ngôn ngữ giao tiếp hằng ngày. Trước đây trong xã hội có những “người thợ ngôn ngữ” tinh xảo, những “người gác đền ngôn ngữ” nghiêm cẩn như nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Xuân Diệu, nhà báo Quang Đạm,… rất chú ý nêu gương viết đúng, viết hay và góp ý, sửa sai những cách diễn đạt chưa chuẩn mực trên báo chí, xuất bản phẩm. Nhưng lâu nay, chẳng còn mấy ai làm công việc này nữa.”

    GS Nguyễn Minh Thuyết lưu ý là ở nước ta hiện nay không có cơ quan nào được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về ngôn ngữ và chữ viết. Các quy định của Bộ GD&ĐT về chính tả chỉ liên quan đến chương trình, SGK phổ thông; không nói ngoài xã hội mà ngay ở bậc đại học cũng không ai thực hiện những quy định này.

    Theo lời ông, từ ngày còn tham gia Quốc hội, GS Thuyết và nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị xây dựng Luật Ngôn ngữ và văn tự. Luật này, theo ông, không đưa ra những quy định về chính tả, từ vựng hay ngữ pháp mà quy định chính sách của Nhà nước về ngôn ngữ và chữ viết quốc gia, về ngôn ngữ và chữ viết của các dân tộc thiểu số Việt Nam, về ngoại ngữ và phải chỉ định một cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này. Những quy định cụ thể về chính tả, từ vựng, ngữ pháp sẽ do các cơ quan được giao nhiệm vụ đảm nhiệm.

    GS Thuyết dẫn chứng: “Ở Trung Quốc, người ta giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội, cụ thể là Viện Ngôn ngữ học, hằng tháng xuất bản một cuốn sách quy định về phiên âm những từ ngữ tiếng nước ngoài mới xuất hiện để làm mẫu cho các nhà xuất bản, các phương tiện thông tin đại chúng và người dân tuân theo. Ở Việt Nam cũng có đầy đủ các cơ quan tương tự nhưng không cơ quan nào được giao nhiệm vụ quản lý và tham mưu trong lĩnh vực này.".

    Đừng mải chạy theo kinh tế mà “bỏ rơi” ngôn ngữ
    “Việc thay đổi chữ viết quốc gia thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ. Trước khi các cơ quan quản lý nhà nước cấp cao xem xét thì phải xin ý kiến các chuyên gia và các tầng lớp nhân dân, tốt nhất là tổ chức trưng cầu ý dân. Giữ gìn bản sắc, chuẩn hóa và phát triển ngôn ngữ dân tộc là công việc rất quan trọng nhưng có lẽ do chúng ta mải lo kinh tế nên chưa coi trọng" – GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét.

    Nguồn: thethaovanhoa.

     
  4. Ann.AnYên Bé An 3 tuổi

    Bài viết:
    67
    Kỳ 3: Nhìn từ kinh nghiệm của vài nước châu Á
    Tại Việt Nam hiện nay một số tờ báo chính thống vẫn còn viết tên của Tổng thống Mỹ là Đ.Trăm, Tổng thống Nga là V.Pu-tin, Thủ tướng Nhật Bản là S.A-bê, Thủ tướng Lào là Thoong-lun Xi-xu-lít… Tùy quan điểm, mà cách viết này có thể được xem là đúng là chuẩn, hoặc chưa đúng chưa chuẩn. Nhiều nước ở châu Á, vốn không dùng ký tự Latin, cũng gặp phải vấn đề này, họ ứng xử ra sao.

    1.
    Chữ quốc ngữ của Việt Nam hiện nay đang dùng ký tự Latin, nên có thuận lợi hơn trong việc viết tên riêng, viết các thuật ngữ có dùng ký tự Latin. Nhưng cũng sẽ gặp trở ngại, khó khăn khi viết những chữ không thuộc phiên âm Latin, ví dụ như tiếng Ả Rập, một hệ chữ abjad và được viết từ phải sang trái.

    Tháng 3/2006, Việt Nam ban hành Thông tư Hướng dẫn viết hoa và phiên chuyển tên riêng, thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt. Trước đó, Việt Nam từng có Quyết định 240 ngày 5/3/1984 ra đời trên cơ sở Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hóa chính tả (GS Phạm Huy Thông làm chủ tịch) và Quyết nghị của Hội đồng chuẩn hóa thuật ngữ (GS Nguyễn Cảnh Toàn làm chủ tịch) ra đời trước đó một năm.

    [​IMG]

    Tại Hàn Quốc, theo TS Bùi Phan Anh Thư (Trưởng khoa Khoa KHXH&NV, Đại học Công nghệ TP.HCM), Viện Quốc ngữ quốc gia sẽ quy định sẵn quy luật phiên âm các ngoại ngữ, thuật ngữ của tiếng nước ngoài sang tiếng Hàn và ngược lại. Họ lập cả công cụ trên mạng (m.korean.go.kr) để giúp việc chuyển đổi này dễ dàng và thống nhất. “Sở dĩ có điều này, vì nếu để tự do, thì mỗi nơi sẽ phiên âm và viết mỗi kiểu, kết quả càng rối rắm hơn. Thống nhất ngay từ đầu như vậy vẫn có những nhược điểm, hạn chế, ví dụ người Hàn không đọc được Đ và NG trong tiếng Việt, nên khi phiên âm sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, nhưng về lâu dài thì thành một quy ước chung, cũng dễ sử dụng” - TS Bùi Phan Anh Thư cho biết.

    [​IMG]
    Trong tiếng Nhật, theo nghiên cứu sinh Tanaka Aki (Đại học Ngoại ngữ Tokyo), Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ sẽ ra quy định về việc phiên âm các ngoại ngữ, thuật ngữ nước ngoài sang tiếng Nhật và ngược lại. Hiệp hội Các nhà truyền thông kỹ thuật Nhật Bản sẽ đồng hành trong việc triển khai các công cụ phiên âm đến mọi người, mọi nhà. Tiếng Nhật được cấu thành từ 3 loại chữ thiết yếu là kanji, hiragana, và katakana, nhưng khi viết tiếng nước ngoài, họ sẽ dùng katakana. Ví dụ Việt Nam, chữ kanji (Hán ngữ) sẵn có, cũng đã được Việt Nam dùng chính thức trong các văn bản chữ Hán, nhưng sang tiếng Nhật sẽ viết theo katakana với âm là Bê-tô-na-mư (ベトナム).

    [​IMG]
    Theo TS Nguyễn Đình Đăng thì việc chuyển theo phát âm này có nhiều điều không chuẩn, vì chữ cái hiragana và katakana của Nhật không có phụ âm, mà luôn kết thúc bởi nguyên âm. Ngoài ra người Nhật không phân biệt được R và L, thành ra LA và RA phát âm như nhau. Ngữ âm của Nhật cũng không có V, thường được thay bằng B, một số âm khác cũng không có như KH, NG…

    Tiếng Hoa phổ thông tại Trung Quốc cũng vậy, về mặt hành chính - ngoại giao, họ quy định một cách phiên âm và thống nhất cách viết trên toàn quốc. Ví dụ Tổng thống Trump sẽ được viết là 特朗普(bính âm: tè lǎng pǔ), đọc theo âm Hán Việt sẽ là Đặc Lãng Phổ.

    2. Nguyên tắc chung của Thông tư Hướng dẫn viết hoa và phiên chuyển tên riêng, thuật ngữ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt quy định: “Phiên chuyển tên riêng nước ngoài bằng các âm, vần và chữ Việt dựa vào cách đọc trực tiếp của nguyên ngữ có thể biết được. Trường hợp chưa đọc được nguyên ngữ thì phiên chuyển gián tiếp qua ngôn ngữ khác”.

    [​IMG]
    Tiểu mục 3.6. của Thông tư này còn viết: “Thuật ngữ phổ biến gốc tiếng nước ngoài cũng được phiên chuyển theo các nguyên tắc trên. Viết liền tránh việc dùng gạch nối, nhưng các âm tiết vẫn phải theo kết cấu ngữ âm Việt Nam, như atmôtphe, axêtilen, pôlivitamin, nơtơrôn, kilôgam, milimet”.

    Thế nhưng thực tế cho thấy cách dùng vẫn không thống nhất giữa các loại văn bản khác nhau. Ngay trong nội bộ văn bản hành chính hoặc giáo dục, cũng có nhiều cách viết khác nhau. Nhất là khi gặp các từ mới, khái niệm mới du nhập, Việt Nam thường “thả nổi” về mặt phiên âm, cách viết. Chính điều này mà nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ và nhà quản lý đang nghĩ đến việc soạn thảo Luật Ngôn ngữ. Nhiều năm trước, Viện Ngôn ngữ học từng có một nghiên cứu về việc xây dựng Luật Ngôn ngữ, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất.

    Nguồn: thethaovanhoa.
     
  5. Ann.AnYên Bé An 3 tuổi

    Bài viết:
    67
    Kỳ 4: Luật Ngôn ngữ có thể gặp khó khăn ở diện rộng
    Trên thế giới nhiều nước đã có Luật Ngôn ngữ như Pháp, Kazakhstan, Bỉ… cho nên Việt Nam hoặc một nước nào đó nghĩ đến việc xây dựng Luật Ngôn ngữ cũng là điều bình thường. Vấn đề đặt ra là: Phạm vi quy định của Luật Ngôn ngữ sẽ rộng đến đâu, hay chỉ nên khu biệt trong một vài lĩnh vực cần độ chính xác và sự đơn nghĩa như văn bản hành chính, văn bản pháp luật…

    Theo PGS-TS Hoàng Dũng (chuyên gia ngôn ngữ) thì giới chuyên môn về ngôn ngữ đã tổ chức rất nhiều hội thảo bàn về vấn đề này. Tài liệu đã in nhiều vô số kể, bên ủng hộ hoặc phản đối đều có lý lẽ riêng của mình. Rồi nhiều quyết định, nghị định, thông tư… cũng đã được ban hành từ đầu thập niên 1980 cho đến nay, nhưng sự áp dụng có tính cách chấp hành như luật vẫn chưa đồng bộ.

    Nên giới hạn phạm vi


    “Cần có Luật Ngôn ngữ. Nhưng sẽ khó xây dựng nếu ôm đồm. Sẽ không quá khó nếu biết giới hạn. Tôi nghĩ chỉ nên giới hạn phạm vi hiệu lực trong các văn bản hành chính mà thôi. Trên thế giới cũng vậy, nhiều nước đã có Luật Ngôn ngữ, nhưng chủ yếu chỉ mang đến những vấn đề vi mô như ngôn ngữ chính thức được dùng là gì, quyền của các ngôn ngữ thiểu số... Nghĩa là chỉ nói về chính sách ngôn ngữ (language policy) hơn là quyền và nghĩa vụ cụ thể trong việc dùng ngôn ngữ ra sao” - TS Hoàng Dũng nói.

    [​IMG]
    Các nhà thơ, nhà văn, nhà ngôn ngữ nói về Luật Ngôn ngữ: TS Hoàng Dũng,...

    “Chữ viết gắn liền với ký ức, kỷ niệm, tình cảm của con người nên phải hết sức thận trọng nếu muốn thay đổi, chuẩn hóa, hoặc luật hóa nó. Đáp ứng được yêu cầu khoa học nhưng làm tổn thương đến tâm thức cộng đồng có khi lại là... không khoa học. Ngôn ngữ là những ký hiệu có tính quy ước, được vận hành dựa vào sự đồng thuận của đám đông nên có khi tính hợp lý phải lùi bước trước tập quán. Đó là chưa nói những thay đổi đó, việc luật hóa đó có thật sự hợp lý và có tính thuyết phục cao hay không” - nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết.

    [​IMG]
    ...nhà văn Nguyễn Nhật Ánh,...

    Anh nói thêm: “Theo tôi, những cải tiến đơn giản, tiện lợi và không gây nhiều xáo trộn đến sinh hoạt xã hội thì có thể làm được. Chẳng hạn trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc thêm các phụ âm như j, f, w, z... vào bảng chữ cái để người Việt, đặc biệt là trẻ em, có thể đọc, viết được những từ thông dụng như quần jean, nhạc jazz, wifi, lướt web, bánh pizza... là rất cần”.

    “Chữ viết là công cụ giao tiếp, diễn đạt, do đó tiêu chí hàng đầu là thuận tiện cho người sử dụng - cả người viết lẫn người đọc. Mọi cải tiến, luật hóa nếu đưa đến sự bất tiện sẽ khó được cộng đồng chấp nhận, vì vậy tính khả thi không cao. Hiện tượng này không chỉ chữ Việt mới gặp phải mà xảy ra ở nhiều ngôn ngữ trên thế giới”.

    [​IMG]
    ...nhà thơ Lê Minh Quốc,...

    Ngôn ngữ cần tự do để sinh sôi

    Nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn thì cho rằng: “Không cần thiết phải có Luật Ngôn ngữ, vì ngôn ngữ luôn là một thực thể chuyển động của đời sống, nên đời sống sẽ giúp ngôn ngữ định dạng ở hình thái phổ quát nhất, tiện ích nhất, thông dụng nhất. Cách chuẩn hóa hiệu quả nhất là sức ảnh hưởng của tri thức, mà cụ thể là giới cầm bút và giới dạy học. Chỉ cần văn bản của họ thuyết phục, sẽ tạo ra quy chuẩn cho xã hội”.
    [​IMG]
    ...Lê Thiếu Nhơn

    TS Ngô Minh Hiền (Đại học Đà Nẵng) cũng cho rằng ngôn ngữ cần tự do để sinh sôi, nếu luật hóa dễ bị đóng khung, lúc ấy sinh ngữ có thể biến thành tử ngữ.

    “Tôi nghĩ việc luật hóa có thể áp dụng cho một vài trường hợp cũ thể, có quy mô nhỏ như văn bản pháp luật, văn bản hành chính, còn văn bản văn chương, báo chí thì không nên và không thể. Chẳng phải trước Xuân Diệu không ai viết “Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh”, nhưng sau ông, chữ rũa đã có nên ngữ nghĩa mới đó sao.

    Tiếng Việt trước và sau Gia Định báo, trước và sau Tự lực văn đoàn, trước và sau Thơ mới… rõ ràng rất khác nhau, mà chẳng cần một văn bản pháp quy nào áp đặt phải thay đổi hoặc gìn giữ. Hơn nữa, sức hấp dẫn của ngôn ngữ văn chương chính là tính đa nghĩa, nếu chuẩn hóa, luật hóa thì hoàn toàn giới hạn sự sáng tạo”.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...