Tự Truyện Giọt Nước Mắt Có Bao Giờ Chảy Ngược? - Nguyễn Ngọc Nguyên

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Nguyễn Ngọc Nguyên, 12 Tháng năm 2020.

  1. Nguyễn Ngọc Nguyên Mộc Đằng

    Bài viết:
    1,213
    [​IMG]

    Giọt nước mắt có bao giờ chảy ngược?

    Tác giả: Nguyễn Ngọc Nguyên

    Thể loại: Tự truyện

    Câu chuyện này xảy ra lâu lắm rồi, lúc đó ba mẹ của mình mới lấy nhau, từ thành phố Sài Gòn dọn về vùng quê hẻo lánh sinh sống. Vùng quê hẻo lánh đó được người dân nơi đây gọi với cái tên thân thương là vùng quê xứ Lộc - Nơi giải phóng cuối cùng của tổ quốc.

    Hồi đó nền công nghiệp chưa phát triển, người dân chủ yếu làm nông, trồng trọt và chăn nuôi, ở quê hương mình cũng vậy, chú trọng cây lương thực ngắn ngày và chăn nuôi gia cầm. Vì thế cho nên mỗi hộ gia đình đều sở hữu cả mấy hecta đất hoa màu, có gia đình lên cả chục hecta. Vì đất khá rộng cho nên nhà cửa của người dân cũng cách xa nhau, mang tiếng là hàng xóm nhưng muốn gặp mặt cũng phải lội bộ hết năm phút đồng hồ mới qua tới nơi.

    Gần kế bên nhà ba mẹ mình có một gia đình cũng khá giả, đất rẫy cò bay thẳng cánh nhưng chủ hộ gia đình ấy lối sống vô cùng ích kỷ, keo kiệt. Ông ta không bao giờ bố thí cho ai một đồng xu cắt bạc nào, hàng xóm láng giềng vô cùng bất mãn với lối sống của ông ta. Nhưng chỉ như thế không thì cũng không có gì đáng nói, bởi hạng người keo kiệt trên thế gian có thừa. Nhưng hạng nghịch tử bất hiếu với đấng sinh thành đến độ làng xóm phải bàn tán căm ghét có lẽ phải kể đến ông ta.

    Ba của ông ta đã ngoài bảy mươi, cái độ tuổi thất thập cổ lai hi phải nên ngồi một chỗ dưỡng già để cho con cháu phụng sự, vậy mà ông ta còn bắt bác ấy mỗi ngày phải cầm liềm lên trên rẫy cắt cỏ về cho bò ăn, sau đó cuốc luống trồng khoai mì. Loay hoay từ sáng cho đến chiều ngả bóng đằng tây mới được về.

    Có lần chiều hôm đó, bác ấy bị quáng gà, từ trên rẫy đi làm về, đi nhầm vào nhà của ba mẹ mình. Thế là ba mình phải dắt bác ấy về tận bên nhà của bác ấy. Đã nhiều lần ba mẹ mình rồi hàng xóm láng giềng thấy chạnh lòng góp ý với ông ta, nhắc ông ta vài câu đại loại: "Cha già rồi, nhà anh cũng khá giả, đừng để bác ấy làm việc nặng nhọc nữa." nhưng ông ta cũng chỉ ậm ờ qua loa cho qua chuyện, rồi đâu cũng hoàn đó.

    Thời gian dần qua đi, bác ấy ngày càng yếu, càng lẩn, không đi lên rẫy được nữa, nhưng con trai bác ấy vẫn không cho cha mình được nghỉ ngơi. Ngày nào không làm được việc có ích, ông ta không cho bác ấy ăn cơm.

    Buổi trưa hôm đó, trời nắng chan chan, củ mì sau khi thu hoạch về đổ một đống ngoài khuôn sân. Ông ta bắt bác ấy phải cầm dao bào ra ngoài sân bào vỏ mì, mì quá nhiều bác ấy lại đau lưng, đau khớp gối, sức khỏe ngày càng suy kiệt, ngồi bào lâu bác ấy chịu không nổi nữa đến độ phải nằm xuống đất mà bào. Thấy bác ấy nằm, ông ta đi đến trước mặt bác ấy buông lời chửi rủa, nói bác ấy "lười biếng, yếu xìu". Bác ấy lồm cồm gượng ngồi dậy nhưng ngồi không có nổi, ông ta thẳng chân đá bác ấy, đá đến độ bộ hạ của bác ấy bị dập.

    Thật sự mình kể đến câu này mình cảm thấy chua xót.

    Sự việc đó chỉ có ba mẹ mình cùng làng xóm chứng kiến, rồi sau này ba mẹ kể lại cho mình, chứ lúc đó mình còn chưa có mặt trên đời.

    Sau khi hạ sinh mình không bao lâu, ba mẹ cũng bán nhà dọn đi nơi khác, không còn ở khu đó nữa, nên cái ngày bác ấy mất, ba mẹ mình cũng không hay biết.

    Bẵng một thời gian dài, làng xóm chứng kiến hai đứa con trai lớn của ông ta, đuổi ông ta ra khỏi nhà. Ông ta đi lang thang lưới thưới hết nhà này đến nhà nọ xin cơm ăn. Đêm lót lá chuối ngủ trong chuồng lợn nhà người ta, sau đó thì bị xe đụng chết ở bên đường.

    "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy." "Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ con tính tháng tính ngày." (ca dao)

    Cha mẹ vất vả làm lụng cả một đời chăm cho ta nên vóc nên hình, mỗi khi ta sốt, ta đau. Cha mẹ thức trắng một đêm, theo ta từng hơi thở, từng ánh mắt, từng cái nhíu mày trăn trở thâu đêm. Để ta được bình an trưởng thành trong vòng tay bao dung ấm áp của họ. Vậy mà những ngày cuối đời họ vẫn phải sống trong đau khổ, muộn phiền.

    Không riêng gì trường hợp của gia đình ông bác này đâu, ở đâu đó ngoài kia, còn rất rất nhiều những mảnh đời thương tâm nữa. Một người mẹ già có tám đứa con, góa chồng vẫn ở vậy buôn gánh bán bưng nuôi con khôn lớn. Con lớn rồi dựng vợ gả chồng, rốt cuộc tám đứa con không nuôi nổi một người mẹ già. Đẩy tới đẩy lui, cuối cùng bà mẹ già bảy mươi tám tuổi phải ngày ngày đi lượm ve chai, đi lục từng cái thùng rác, nhặt từng bọc ni lông. Sống nốt chuỗi ngày cuối đời thầm lặng cay đắng!

    Lúc đó mình không phân tích được biểu cảm của họ, càng không định hình được nhân cách của họ vì đâu mà thành. Chẳng lẽ những giọt nước mắt không bao giờ chảy ngược?

    Cho đến khi mình lớn lên, mình có mối tình đầu thật là đẹp. Nhưng cuối cùng người yêu mình cũng bỏ mình chạy theo mối tình khác. Lúc đó mình đau khổ và hoàn toàn chìm trong bóng tối tuyệt vọng.

    Suốt mấy tháng trời mình như cái xác không hồn, ban đêm không cách nào ngủ được, hễ nhắm mắt lại, lại nghĩ đến bóng hình của người yêu, nước mắt lại vô thức chảy, khóc đến hai mắt mờ dần. Lúc đó toàn thân mình lạnh lắm! Là ba mẹ đã luôn bên cạnh an ủi mình, ôm mình vào lòng.

    Thời gian trôi qua, mình dần quên đi con người đó, thì lại có người khác đến tỏ tình với mình, quen nhau chưa đầy nửa tháng, chỉ nắm tay có một lần, hôn còn chưa có hôn qua, người đó tự dưng bỏ mình, mình thật sự không hiểu tại sao?

    Trong vòng hai tháng, chưa qua hết học kì một, mình bị bồ đá đến bốn lần, nam nữ đều có đủ, lần quen lâu nhất cũng chỉ có hai tuần lễ, mình nhìn lại bản thân mình bộ tệ lắm sao? Khiến người ta chán ghét!

    Mình muốn cái gì cũng phải rõ ràng. Bởi vì toàn là người ta tỏ tình trước với mình mà, mình đã hỏi thẳng lí do nhưng chỉ toàn nhận được một câu trả lời đồng điệu "bạn về đi, mình không xứng với bạn!" còn trưng ra gương mặt rất buồn.

    "Buồn cái gì chứ? Bản thân mình là người bị đá sang một bên, mình phải là người trưng ra vẻ mặt buồn thảm mới đúng, mình phải là người hỏi bạn câu hỏi đó mới đúng, mình rốt cuộc đã sai ở chỗ nào, mình không xứng với bạn thật sao?"

    Mình hỏi xong câu đó, người bạn kia mặt càng cúi thấp hơn, sau đó không nói thêm gì nữa, lặng lẽ bỏ đi, mình có chút tức vì thái độ của người đó nên đuổi theo. Lúc đó, đi cùng mình còn cả một đám bạn học cùng, là chúng đã ngăn mình lại, mình biết trong đám này có vài đứa cũng thầm thích mình luôn á, nhưng hễ mình quay lại chấp nhận tình cảm của nó, mình lại sợ rằng không đầy ba ngày nó cũng bỏ mình không một lí do. Mà mỗi lần bị bồ đá, trái tim của mình lại thêm một vết cắt, cắt đến không còn có thể lành lại.

    Đã có lần mình hỏi ba mẹ, bộ con tệ lắm sao, hay con bị lời nguyền?

    Ba mẹ cũng chỉ lắc đầu khuyên nhủ, hoàn toàn không có câu trả lời.

    Không lâu sau đó, lại có người tỏ tình với mình, còn đến tận nhà xin phép ba mẹ mình cho hai đứa qua lại, người ta cái gì cũng tốt hơn mình, đẹp trai hơn mình, cao hơn mình, học lực cũng hơn mình, nghiêm khắc cũng đủ hơn mình, nhưng ba mẹ mình không chấp nhận, nói mình còn con nít, hoàn toàn không chín chắn, vài bữa nửa tháng nữa lại liền bỏ cho mà coi.

    Thế là mình cãi nhau với ba mẹ một trận, sau đó bỏ nhà đi hoang.

    Tính mình kì cục lắm. Hễ nóng giận chỉ muốn ở một mình nơi yên tĩnh, mà chốn đông người nhà cửa mọc san sát có chỗ nào để yên tĩnh, chỉ có khu nghĩa trang cách nhà tận mười mấy cây số. Bình thường mình rất sợ ma, lúc giận lên rồi ma cũng thành bạn.

    Mình ngồi thừ người bên cạnh một ngôi mộ hàng giờ, trong lòng đầy rẫy loạn động, chung quy chỉ giận ba mẹ ngăn cấm mình có tình yêu mới.

    Bỗng từ xa, mình nhìn thấy có xe rồng đi đến, có vòng hoa, có vàng bạc bay lả chả hai bên đường. Dòng xe cùng đoàn người tiến vào trong khu mộ. Mình nhìn thấy thằng bạn học cùng lớp với mình đầu quấn khăn tang, khóc đến sưng húp hai mắt, tay ôm bát hương, quỵ lên quỵ xuống trước cỗ quan tài của mẹ nó.

    Hốc mắt mình mở to, ngây ngẩn. Lồng ngực đập lịch bịch.

    Cái thằng này nó học cùng lớp với mình nhưng không có thân nhau, nhưng mình cũng hay la cà chơi bời nên biết rõ về nó lắm, nhà nó nghèo, ở tuốt múc trong con hẻm nhỏ cuối phố, mẹ nó vốn dĩ không phải là mẹ ruột của nó, bà ta con gái lớn lên một chân có tật teo quắp lại, đi đứng cà nhắc không giống như người bình thường. Vì thế không ai thèm lấy của nợ, cuối cùng bà ta càng lớn tuổi càng cần một mụn con, bèn tìm đến cô nhi viện xin nó về làm con nuôi, lết lết giúp việc cho nhà giàu, lấy tiền nuôi nó khôn lớn.

    Mặc dù là con nuôi nhưng nó thương bà ta lắm, chưa bao giờ lớn tiếng hỗn hào với bà ta dù chỉ một lần.

    Mãi đến hai năm gần đây, bà ta bị liệt nửa người luôn, không đi lại làm việc được nữa, ngày ngày nằm ở trên giường, nhờ tiền viện trợ từ hội từ thiện chu cấp. Là nó một thằng con trai mới chút tuổi đầu, vừa học về buông cặp ra là chăm sóc cho mẹ, lo cho mẹ từng miếng ăn giấc ngủ, làng xóm xung quanh nhìn thấy nó ai cũng đều thương, nó vừa hiền vừa có hiếu.

    Mình còn nhớ có lần cùng đám bạn rủ nhau sang nhà nó chơi, vừa bước vào đã nghe mùi hôi bốc lên nồng nặc, mẹ nó mất hết ý thức, bài tiết ngay trên giường, là nó tận tay dọn dẹp cho mẹ nó không một lời than vãn.

    Giây phút ấy mình và đám bạn nhìn nhau, có chút bội phục nó, nhưng lại không chịu được cái mùi khai ẩm, mình và đám bạn đã vội chào nó, ra về. Hình như đó cũng là lần cuối cùng mình nhìn thấy mẹ của nó.

    Bởi thời gian sau này mình bận học, bận cùng đám bạn đi chơi, bận yêu đương hẹn hò, mình đã quên mất nó, cùng người mẹ nằm liệt giường của nó, dường như mình chưa có lần nào thực sự hỏi thăm nó.

    Thoáng giây mình bỗng rùng mình, khoảng thời gian qua mình đã làm gì, dường như tình cảm đã che mờ lí trí của mình.

    Hiện tại nhìn thấy nó cúi xuống bốc nắm cát bỏ lên nắp quan tài của mẹ nó, nhìn hốc mắt nó sung húp lả chả dòng châu. Hình ảnh ông bác nằm thoi thóp bào củ mì giữa trưa hè nắng cháy, cùng hình ảnh bà mẹ già nua đi lục từng cái thùng rác lại hiện về trong tầm mắt của mình.

    Hóa ra giọt nước mắt còn có lúc chảy ngược. Đó là lúc mạch cảm xúc cùng nhân cách của con người hòa làm một. Khi ấy giọt nước mắt sẽ theo dòng chảy ngược, chảy vào trong trái tim của họ, một trái tim thiện lương trong sáng.

    Chỉ có nơi trái tim thiện lương trong sáng mới đủ sức chứa đựng những giọt nước mắt chảy ngược vào trong. Trái tim này đã huân tập hằng bao nhiêu kiếp để có thể vượt lên sự tầm thường, mục rỗng của thấp hèn, của ích kỷ và ti tiện, để biết báo hiếu đấng sinh thành, để biết yêu thương con người, để biết đau nỗi đau của muôn vạn loại?

    Nhìn người ta bị dao cứa đứt tay, ta còn dấy lên đau xót như chính ngón tay mình cũng đang bị đứt. Trong lúc nóng giận thì nên im lặng để qua cơn, vì sợ nói ra xúc cảm hiện tại sẽ vô tình xúc phạm đến người. Một người có thể cảm nhận như thế thì sẽ không bao giờ bất kính với cha mẹ mình, hay tổn thương đến bất cứ ai.

    Ngược lại, một con người đến đấng sinh thành ra mình, công ơn dưỡng dục mình suốt một đời, mình còn có thể nhẫn tâm chà đạp, thì con người ấy xin thưa không còn có thể đối tốt được với bất kì ai khác trên cuộc đời này. Và con người như thế đất trời cũng không dung chứa.

    Giống như người con trai của ông bác làm vườn ngày đó, giống như tám đứa con của bà mẹ già nua vẫn ngày ngày lục thùng rác bên đường.

    Nghĩ đến đây mình bỗng giật mình sực tỉnh, ba mẹ của mình vẫn còn trên cõi đời, mình còn là con ruột của ổng bả, mình còn chưa chăm sóc cho ổng bả được ngày nào. Từ lúc mình chào đời cho đến tận bây giờ, suốt mười mấy năm qua, là ba mẹ đã lo lắng cho mình từng li từng tí. Sợ mình đau. Sợ mình khóc. Sợ mình ăn ít một chút còn không có lớn được.

    Vậy mà mình vì một người ngoài, vì tình yêu tuổi mới lớn mà cãi lại ổng bả, còn bỏ nhà đi. Phải chăng mình cũng là kẻ ác độc, hẹp hòi và ích kỷ, đất trời cũng không dung chứa mình?

    Nhìn kìa, thằng bạn của mình nó muốn nhìn thấy mẹ nó, nó gào thét bên mộ huyệt, bị người ta can ngăn, mắt lưng tròng nhìn cỗ quan tài đang được người ta lấp đất lại. Từ nay nó không còn nhìn thấy gương mặt của mẹ nó nữa rồi.

    Mình giật giật cơ mặt thêm lần nữa, hốc mắt càng mở to hơn. Khoảnh khắc này cho mình được ích kỷ một chút. Hốc mắt mình đỏ hoe nhưng trong lòng lại thầm mỉm cười.

    Chưa bao giờ mình cảm thấy hạnh phúc như bây giờ. Ba mẹ của mình vẫn còn trên cõi đời này. Mình quay đầu xe chạy như bay về nhà. Mình muốn nhìn thấy ba mẹ. Muốn nghe họ nói, họ cười, họ vuốt đầu mình, hoặc mắng chửi mình một câu thật to "cái đứa nhỏ này, đi đâu đến tận bây giờ mới về để ba mẹ đi tìm hả, thật là hư đốn!"... "

    Dạ, con biết con sai rồi! Con yêu ba mẹ!" mình sẽ đáp lại như thế, mình không ngại nói yêu ba mẹ thật nhiều, thế là mình mỉm cười suốt chặng đường về nhà.

    Mình sẽ trân trọng từng giây từng phút bên cạnh ba mẹ. Và rồi cái thằng bạn đầu quấn khăn tang, quỳ bên cạnh mộ của mẹ nó kia, từ mai trở về sau - Mãi mãi nằm trong danh sách những người bạn thân nhất của đời mình. Người như nó, mình chắc chắn không bỏ qua một lần nào nữa.

    Cũng từ dạo đó, mình không yêu đương lăng nhăng nữa, tập trung cho học hành. Được đến trường nghe thầy cô giảng bài, được bạn bè bên cạnh mỗi ngày, được ba mẹ yêu thương chăm sóc, nhân sinh của mình còn chỗ nào khuyết lở?

    Nếu là một nửa kia của đời mình, mình hiện tại thấy không cần phải vội. Đúng người, đúng thời điểm - Chỉ là mình chưa đến lúc gặp được mà thôi!

    "Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,

    Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha.

    Nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ,

    Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.

    Tần tảo sớm hôm mẹ nuôi con khôn lớn,

    Mang cả tấm thân gầy cha che chở đời con.

    Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc,

    Đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không!"

    Ca dao (Khuyết danh Việt Nam)

    - Hết -
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...