Vào một sáng bình minh, khi thức dậy, ta bắt gặp một đàn chim én đua nhau chao lượn, ca hót; bắt gặp cơn mưa đầu mùa phảng phất hơi sương, gặp một cái hương vị rất xuân, rất ấm áp. Ta cảm nhận được dòng nhựa tràn trề sức sống mãnh liệt đang cố đâm thủng lớp vỏ cây sần sùi bật lên những chồi non, lộc biếc, cảm nhận được cái không khí quen thuộc những ngày đầu năm mới. Âu cũng bởi Tết, bởi Tết đang bao phủ lấy cái khí trời hơi đất xung quanh, bao phủ cả trái tim và tâm hồn ta; bởi Tết đang gieo rắc vào lòng người ta những cảm giác lâng lâng khó tả. Tết đến 1 cách bất ngờ và kì diệu. Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết cổ truyền hoặc đơn giản chỉ là Tết trong mỗi trái tim con người VN vì đây là dịp lễ đầu năm âm lịch quan trọng nhất ở nước ta, cùng với văn hóa Tết âm lịch của các nước Đông Á. Như ta đã biết, văn hóa Đông Á thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước, do nhu cầu canh tác nông nghiệp đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khí khác nhau, đồng thời ứng với mỗi tiết này có 1 thời khắc mang tên Giao Thừa. Và trong đó, tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của 1 chu kì canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên Đán, sau này được biết đến với cái tên Tết Nguyên Đán. Một phần do Đại Việt ta bị trị vì 3000 năm dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc, tức Trung Hoa ngày nay nên ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi tập tục văn hóa phương Bắc. Trước kia, Tết được bắt đầu bằng ngày 23 tháng Chạp hằng năm để tiễn ông Công, ông Táo về trời khai báo với Ngọc Hoàng tình hình của gia chủ trong một năm qua để rút ra kinh nghiệm, sửa đổi và tiến bộ. Vào ngày ấy, trên bàn thờ ta sẽ thấy đủ loại vàng mã nào mũ áo, giày dép.. đặc biệt hơn cả là ta sẽ được tận mắt chứng kiến những chú cá vàng vùng vẫy trong không gian của nước. Sau khi cúng lễ đàng hoàng, người ta sẽ phóng sinh cá chép để cá đưa ông Công vượt qua vũ môn, lên Thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Tàn dư cuối cùng của cái Tết ngày trước là vào ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch qua lễ hạ cây nêu. Một số gia đình ở nông thôn vẫn còn giữ được phong tục dựng cây nêu trong khi ở thành phố phong tục này đã bị lãng quên vào dĩ vãng. Theo phong tục, cây nêu được dựng lên để chống lại quỷ dữ và những điềm gở; thường được treo hoặc trang trí thêm những thứ chống ma dọa quỷ: Tỏi, xương rồng, hình nộm và lá dứa. Ngày nay, Tết chỉ còn diễn ra ngắn ngủi trong 3 ngày: 30 Tết, mồng Một và mồng Hai. Rồi từ ngày mồng Ba, người ta bắt đầu hóa vàng và cái không khí hân hoan của ngày Tết cứ thế mất dần rồi cũng thay bằng cái hương vị than thuộc thường ngày, không náo nhiệt, không ồn ào mà chỉ ảm đảm và bình yên với bát canh, miếng cà. Sau ngày 23 tháng Chạp tiễn ông Công ông Táo về trời, nhân dân ta lại nô nức trong các hoạt động mang đậm cái không khí Tết tưng bừng, hân hoan. Người Việt Nam ta quan niệm rằng ngày Tết thì tất cả mọi thứ đều phải thật sớm và thật mới. Do đó trước ngày Tết khoảng một tuần, các gia đình đã sắm sửa cho ngày Tết. Họ thường quét dọn, trang trí nhà cửa, mua hoa, sắm thức ăn.. thật chu đáo cho ngày Tết. Ngoài ra những vật dụng không cần thiết hoặc bị cho là có điềm gở cũng bị vứt bỏ. Kế tiếp là tiết mục sắm Tết rất được chờ đón. Nhà nhà người người nô nức, đua nhau sắm Tết làm cho không khí càng thêm "Tết". Họ sắm sửa mới từ đồ đạc, quần áo đến những món quà, bánh kẹo đi chúc Tết, đi thăm hỏi họ hàng. Rồi từ ngày 28, người ta lại nô nức đón chào cái Tết đầm ấm, sum vầy bằng hoạt động gói bánh chưng xanh, rồi thì một đoàn người rủ nhau đi sửa sang phần mộ người than và mời họ về ăn Tết cùng con cháu. Vào chiều 30 Tết, mọi người cùng nhau sum họp trong bữa cơm Tất niên. Trong khi đợi chờ cái khoảnh khắc thiêng liêng lúc chuyển giao giữa 2 năm, người ta lên chùa hái lộc đem về nhà và cùng đón năm mới bằng phong tục xông nhà. Sáng sớm ngày mùng Một, người Bắc Việt đi Tết bố mẹ, ông bà đôi bên, ngày mồng Hai Tết thì đi thăm hỏi, chúc Tết cô dì chú bác, họ hàng nội ngoại. Trước đây, ngày mồng Ba là ngày để dành đi Tết thầy cô nhưng đáng buồn thay, phong tục theo thời gian mà bị bào mòn dần rồi biến mất hẳn. Giờ đây bắt đầu từ ngày mồng Ba, người ta đã chuẩn bị sẵn sằng cho việc hóa vàng. Ngày Tết còn gắn liền với các tập tục như bày mâm ngũ quả, xông đất, đi Tết người than, lì xì - mừng tuổi và lễ chùa đầu năm mới. Các bà, các mẹ khi bày mâm ngũ thường chọn các loại quả gồm 5 năm màu đỏ, nâu, xanh vàng.. tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Còn đối với việc xông đất, đó cũng được coi là công việc hệ trọng của đầu năm mới. Ngay sau thời khắc giao thừa, bất cứ người nào bước từ ngoài vào nhà với lời chúc năm mới được coi là đã xông đất cho gia chủ. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà quan trọng. Cho nên cứ cuối năm, mọi người cố ý tìm xem những người trong bà con hay láng giềng có tính vui vẻ, linh hoạt, đạo đức và thành công để nhờ sang thăm. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng 5 đến 10 phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước, người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới. Thời xưa, chỉ có hai cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuổi hợp tuổi với chủ nhà. Đặc biệt, khi nhận những phong bao lì xì đỏ tươi ta nên giữ lịch sựu, cẩn thận, nâng niu những chiếc phong bao ấy dù ít hay nhiều, tuyệt đối không mở phong bao trước mặt người mừng tuổi mình vì những chiếc phong bao là cả một tấm long trao đi của người gửi chúng. Tuy nhiên vào ngày Tết, người ta cũng sẽ kiêng kị rất nhiều việc như là làm vỡ đồ đạc, quét nhà, cãi cọ hay là đòi nhau tiền bạc vì họ cho rằng điều ấy sẽ khiến cả năm tiếp đó đầy xui xẻo và đau buồn. Ngày Tết có giá trị vô cùng lớn đối với nhân dân máu đỏ da vàng, là con Rồng cháu Tiên. Âu cũng bởi thong qua ngày Tết, những người đi xa hiếm khi được về thăm nhà vì lý do cá nhân, giờ đây thong qua dịp Tết mà được đoàn tụ, gắn kết tình cảm, được bày tỏ sự hiếu kính của con cháu đối với ông bà, tổ tiên, là dịp để tổng kết, nhìn lại những mặt lợi, hại trong cả một năm để rút ra kinh nghiệm, tiến bộ và phát triển, để cầu bình an và may mắn.. Như vậy, có thể nói rằng Tết chính là ngày ý nghĩa nhất đối với quần chúng nhân dân, với con dân Đại Việt và với dân tộc Việt Nam.