Giới thiệu áo bà ba, nguồn gốc và ý nghĩa của áo bà ba Chiếc áo bà ba là một trong những trang phục truyền thống của người phụ nữ Nam Bộ, đó là hình ảnh của những con người nồng hậu, chất phác ở vùng quê sông nước. Ngoài áo dài, ở Việt Nam còn có rất nhiều mẫu trang phục truyền thống khác nhau rải đều khắp mảnh đất hình chữ S. Nếu ở Kinh Bắc có áo tứ thân thì vùng Nam Bộ lại nổi bật với áo bà ba. Mỗi loại trang phục truyền thống ở Việt Nam đều mang trong mình quá trình lịch sử lâu dài cùng ý nghĩa sau đó. Vậy ý nghĩa chiếc áo bà ba là gì, cùng tìm hiểu nhé. Nguồn gốc lịch sử áo bà ba Áo bà ba hay còn được gọi với cái tên khác là áo cánh. Không như người Bắc mặc váy, yếm hay áo tứ thân.. bộ y phục thường ngày của người Nam bộ thế kỷ XVIII là áo ngắn và quần dài. Về sau đến thế kỷ XIX đã có sự cải tiến quan trọng cho bộ y phục ban đầu ấy thành bộ y phục thông dụng mà chúng ta thấy ngày nay đó là bộ quần áo có tên bà ba. Nguồn gốc ra đời của áo bà ba có rất nhiều tư liệu ghi lại. Nhưng cũng có người lại cho rằng bộ bà ba Nam Bộ xuất hiện ở thế kỷ 19 do nhà chính trị Trương Vĩnh Ký cách tân, phỏng theo y phục của các nước lân cận nhờ quá trình giao lưu văn hóa. Cụ thể hơn đó là kiểu trang phục của người "BaBa" – một nhóm người Hoa sống trên đảo Penang thuộc Malaysia ngày nay. Trong cuốn sách Nghi thức và lễ bái của người Việt Nam, nhà văn Sơn Nam đã có giải thích rằng người Nam Bộ thích mặc kiểu áo vải đen của người Bà-ba nên gọi là áo bà ba. Tuy nhiên thực tế không có dân tộc nào được gọi là Bà-ba mà chỉ có người Peranakan. Những người phụ nữ ở Peranakan có một loại áo cánh giống như áo bà ba gọi là kebaya. Như vậy có thể nói thông qua việc buôn bán, trao đổi hàng hóa thì người Việt Nam đã có giao lưu văn hóa với người Peranakan để có áo bà ba ngày nay. Ý nghĩa của áo bà ba Người Việt Nam khi nhắc đến hình ảnh áo bà ba thường nhớ ngay về các mẹ, các chị, bà ở miền Nam, đó là những con người vừa mộc mạc lại vừa giản dị, gần gũi. Mỗi khi về vùng Nam Bộ bạn có thể nhìn thấy hình ảnh của những con người chèo thuyền, hoạt động sông nước. Áo bà ba cũng tượng trưng cho hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ, kiên cường trong các cuộc chiến tranh chống giặc và giữ nước. Hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ luôn gắn với 3 vật bất ly thân: Nón lá, khăn rằn, áo bà ba. Những hình ảnh của các chị, các mẹ xông pha trong chiến đấu vẫn đẹp và lung linh cho đến ngày nay. Không chỉ là nét đẹp dịu dàng, áo bà ba còn là biểu tượng cho sự mạnh mẽ, kiên cường của những người con dân đất Việt trong các cuộc chiến chống giặc ngoại xâm, giữ làng, giữ nước. Với người phụ nữ Nam Bộ, từ lâu áo bà ba, nón lá, khăn rằn đã trở thành những vật không thể thiếu trong cuộc sống. Hình ảnh các bà, các chị, các mẹ bước ra từ những cuộc chiến đấu ngoan cường đến nay vẫn là biểu tượng đẹp cho mọi thế hệ người Việt. Theo thời gian, nhu cầu thời trang có nhiều thay đổi, các xu hướng mới cũng liên tục được cập nhật và giới thiệu tới đông đảo dân chúng nhưng áo bà ba vẫn giữ một vị trí nhất định không chỉ với người dân Nam Bộ mà với tất cả người dân Việt Nam. Chiếc áo bà ba không chỉ tồn tại như một miền ký ức đẹp hay một nét văn hóa cần lưu giữ mà theo thời gian, áo bà ba cũng được các nhà thiết kế cách tân, đổi mới, thổi vào nét văn hóa dân tộc một làn gió mới, một sức sống mới để áo bà ba cho tới ngày nay vẫn là trang phục được ưa chuộng của rất nhiều chị em. Đặc điểm của áo bà ba Trải qua nhiều thời kỳ phát triển khác nhau, áo bà ba cũng có nhiều đổi thay với nhiều diện mạo mới. Với áo bà ba truyền thống, áo bà ba vốn không có cổ, thân áo sau là tấm vải nguyên không ghép nối với phần thân trước gốm hai tà tách biệt được gắn kết khi mặc bằng hàng cúc áo. Vớiáo bà ba nữ, để tôn lên những nét đẹp tự nhiên của người phụ nữ, áo bà ba được chít eo nhẹ nhàng hai bên hông và xẻ tà vừa phải. Ở những thế kỷ trước, áo bà ba thường xuất hiện gắn liền với hình ảnh của người nông dân Nam Bộ, những người nông dân hiền lành, chất phác cùng tấm áo bà bà nâu hoặc đen và chiếc khăn rằn như đã hằn sâu vào hình ảnh người con Nam Bộ. Ngày nay, áo bà ba không chỉ phong phú trong màu sắc, chất liệu áo bà cả những kiểu dáng cũng được thiết kế linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thị hiếu và phong cách thời trang mang tính hiện đại của người mặc. Một điểm nhấn nữa không thể không kể tới ở chiếc áo bà ba hiện đại là sự xuất hiện của những loại cúc áo khác nhau làm nên những điểm nhấn ấn tượng cho chiếc áo bà ba hiện đại. Đặc điểm cấu tạo của áo bà ba Rất nhiều chị em muốn một lần mặc thử những bộ áo bà ba đẹp, duyên dáng và mang nét đẹp truyền thống đặc trưng của vùng Nam Bộ. Nhưng trên thị trường hiện nay, tràn lan áo bà ba may công nghiệp khiến chị em không biết đâu mới là hàng chất lượng. Hôm nay, mình sẽ giúp các chị em nắm rõ 3 đặc điểm nhận diện áo bà ba truyền thống Nam Bộ: 1. Tay ráp lăng Là dạng tay ráp từ cổ, cực tinh tế và tỉ mỉ. Nhiều thợ không biết cắt ráp lăng thì cắt may đại kiểu ráp chỗ cầu vai giống áo sơ mi thì không phải chuẩn áo bà ba đẹp. Lúc mặc lên sẽ thô và phần vai không được đẹp. 2. Xẻ tà phía trước và xẻ đinh 2 bên Các kiểu may liền phía trước, chẻ 1 chút phía dưới tà rồi đơm nút giả thì gọi là: Đồ giả bà ba chứ không thể gọi áo bà ba truyền thống Nam Bộ được. Vì thợ cắt và may được xẻ phía trước khó hơn cả việc cắt may áo dài. Bởi vậy, thường thợ biết may áo bà ba chắc chắn biết may áo dài, nhưng thợ biết may áo dài chưa chắc biết cắt may áo bà ba. 3. Luông tay Đây là đặc điểm dễ phân biệt nhất giữa áo bà ba hàng thiết kế may gia công chất lượng chuẩn nét đẹp truyền thống Nam Bộ và hàng dập may công nghiệp hàng loạt. Chỉ có hàng may tay bởi những người thợ lành nghề chuẩn miền Tây Nam Bộ thì mới luông chỉ dọc theo các bên tà áo, cổ áo một cách khéo léo hoàn toàn không thấy đường chỉ bên ngoài, còn hàng may công nghiệp sẽ có các đường may bên ngoài dọc theo đường nút, 2 bên cổ tay nhìn thô và xấu. Hình ảnh áo bà ba truyền thống