Ngạn ngữ Trung Quốc đã từng có câu: "Ngủ dậy muộn thì phí mất cả ngày, ở tuổi thanh niên mà không học tập thì phí mất cả cuộc đời" Tuổi trẻ là tuổi bồng bột, nồng nhiệt, là những tháng ngày cắp sách tới trường, vui đùa cùng bạn bè. Có những việc, khi còn trẻ, dù có cố gắng thế nào cũng không hiểu được. Nhưng một khi hiểu ra rồi thì tuổi trẻ cũng ở lại phía sau. Đã bao giờ bạn tự hỏi chính mình rằng ta đã cháy hết mình cho tuổi trẻ chứ, chúng ta có thấy tuổi trẻ của mình thực sự như mình mong muốn chưa, chúng ta đã đi đến giới hạn của nó chứ? Câu chuyện "Giới hạn của tuổi trẻ" sẽ đem đến cho bạn câu trả lời và cả những kỉ niệm. Đó không chỉ là một câu chuyện cho những người đã trải qua tuổi trẻ trở lại quá khứ mà còn là một lời nhắn nhủ với những người trẻ tuổi, những cô cậu học trò đang ngồi trên ghế nhà trường: Trong môi trường này, mỗi ngày đến lớp là một ngày vui, hết lần này đến lần khác thách thức giới hạn của tuổi trẻ. Tuổi trẻ không có giới hạn, sự nỗ lực mãi mãi không bao giờ muộn! Câu chuyện bắt đầu khi Ngô Du Du - nữ chính của truyện tỉnh ngộ sau những tháng ngày bỏ bê việc học, đọc tiểu thuyết, đi chơi cùng bạn bè. Ngô Du Du lúc mới thi vào trường M đứng thứ 4 của lớp, hết năm lớp 10 tụt hạng xuống thứ 15, hết lớp 11 phân ban tự nhiên, cô nàng tụt xuống tận vị trí thứ 28. Ngô Du Du bị cô giáo của mình mắng và chỉ biết ngồi cầu thang khóc. Cô bạn chỉ thực sự dấy lên ý chí quyết tâm học hành của mình từ khi tham gia khóa học bổ túc của thầy Mai Hiểm Phong- giáo viên mà chú Lâm giới thiệu cho cô. Nhờ sự quyết tâm và cách dạy có thể nói là áp lực của thầy Mai, Ngô Du Du đã thuận lợi vào được lớp chọn của trường, một lớp được nhà trường khá đầu tư vào chất lượng giáo dục, cũng như là bộ mặt của trường. Lớp chọn của trường M là một lớp tập hợp tất cả anh tài của trường M. Khi vào lớp này Du Du mới nhận ra mình chỉ là hạt cát trong sa mạc. Vậy nên cô bé nỗ lực, tranh thủ học tập, tranh thủ rèn luyện cùng với bạn bè. Thầy Mai Hiểm Phong chính là giáo viện chủ nhiệm của lớp chọn trường M. Nói qua một chút về thầy Mai, không phải tự nhiên mà một giáo viện ngoài trường lại được làm chủ nhiệm lớp chọn. Thầy đã từng là lính, tốt nghiệp thủ khoa trường đại học A (trường quân đội mà sau này Ngô Du Du sẽ theo), được mệnh danh là "Binh Vương" - một truyền kỳ của đại học A, giờ khi đứng trước đám học sinh ngây ngô lớp bổ túc hay kể cả ở trường, thầy thẳng thắn và có chút nghiêm khắc, chẳng ngần ngại gạch tên những cậu học trò không đạt chỉ tiêu hay giải thích với học sinh về việc nếu lớp chọn không có tỉ lệ 100% đỗ đại học trường điểm thì sẽ ảnh hưởng đến lương thưởng của các giáo viên. Mỗi ngày đi học với thầy Mai là một ngày kiểm tra, thầy còn đưa ra chế độ tích điểm và trừ điểm khiến trong lớp không có học sinh nào dám lười biếng, ngày ngày tập trung ôn luyện. Để học sinh củng cố khả năng tính nhẩm của mình, mỗi sáng sớm thầy Mai lại bắt cả lớp chạy theo hàng, lưng bạn nào cũng dán một bảng bình phương thập phương để người sau vừa chạy, vừa thở hổn hển, và vừa học thuộc. Một ông thầy khắc nghiệt như thế, nhưng lại vắt chân chữ ngũ úp mũ nằm ngủ, khuyến khích đám học sinh của mình chơi những trò bị các giáo viên khác coi là quá thân mật gần gũi, ngăn cản mẹ Quan Doanh cho con gái nghỉ học, nhường khăn cho Ngô Du Du và cõng cô suốt chặng đường đến bệnh viện. Những tháng ngày cuối cấp, thấy đám học trò bị phạt vì mang đồ ăn đến lớp vừa ăn vừa học, Mai Hiểm Phong còn chuẩn bị bánh và sữa để học trò có thể ăn trong giờ thể dục sáng rồi vận động nhẹ tiết kiệm thời gian. Thầy Mai còn thức khuya bận rộn thu thập tư liệu thực tế cho môn Văn để giúp học sinh tránh học lệch, đưa ra những cách thức kiểm tra khác nhau để đem lại những bài học ngoài lề và kỹ năng mềm cho học sinh. Tình thương của thầy đối với các học sinh của mình luôn được các bạn trong lớp 12-1 tinh ý thấy được, để càng ngày càng tôn trọng, yêu kính người thầy đã cho họ không biết bao nhiêu bài học đắt giá, cũng hoàn toàn tin phục mà cúi gập người trước thầy trong ngày tốt nghiệp. Trong truyện không có những tình cảm ngọt ngào, ngây ngô trong tình yêu, càng không có tình huống yêu sớm hay sự phát sinh tình cảm mà chỉ như là một câu truyện học tập với những tình cảnh cần đối mặt trước khi một mình bước vào đời của học sinh cuối cấp. Truyện đề cập đến những vấn đề từ phía gia đình như Quan Doanh bị mẹ buộc thôi học để đi làm, hay những vấn đề cá nhân, tính cách và nhận thức về bản thân: Giả Thiên Lâm gặp rắc rối trong quan hệ với bạn bè về tính cách kiêu ngạo của mình nhưng với thực lực của cậu đủ để cho cậu kiêu ngạo. Ngô Du Du nhận ra điểm mạnh của mình không là gì cả so với nhiều học sinh trường khác. Những tranh chấp giữa các giáo viên và tình cảm cảu một người thầy đối với học sinh. Điểm nhấn của truyện là sự cố gắng của các nhân vật. Đó không phải là những thiên tài với chỉ số thông minh cao, mà họ là những con người nỗ lực đến mức chúng ta đã nghĩ rằng mình đã đủ cố gắng rồi nhưng so với họ chúng ta chả là gì cả, bởi họ còn nỗ lực hơn chúng ta rất nhiều. Ở những cô cậu học trò đó là sự thèm khát tri thức và hướng đến một tương lai sáng lạn. Câu truyện có nhiều chi tiết gây ấn tượng về những hành động của tuổi trẻ, những kinh nghiệm học tập, những lần đi chơi dù bị thầy bắt nhưng vẫn vui vẻ của lớp 12-1. * * * "Những gì các em đã học được hôm nay, hết thảy lên đại học đều không dùng đến, thậm chí sau này đi làm cũng không dùng đến." Thầy vừa nói hết câu, cả đám học trò ngồi dưới liền ồ lên, ông thầy này thật là thẳng thắn. "Nhưng mà!" Thầy đổi giọng, "Ba năm qua các em đã học được phương pháp học tập, học được tinh thần chịu khó chịu khổ, những thứ này sẽ làm lợi cho các em cả đời. Cả đời này, mỗi khi nhớ lại những ngày tháng mình đã từng liều mạng phấn đấu không ngừng, sẽ thấy người tràn ngập sự tự tin. Bất kể thành bại thắng thua, chỉ có nỗ lực mới khỏi phải hổ thẹn với chính bản thân mình." "Không ai có thể độc lập chiến đấu mà thành công, càng không ai có quyền được kiêu ngạo. Khiêm tốn và biết cảm ơn là những phẩm đức vô cùng có lợi cho tương lai các em sau này." Câu chuyện là một động lực để những ai còn đang là học sinh sẽ cố gắng, phấn đấu hết mình để khi nhìn lại rồi ta không phải nói "giá như", và cũng là một chút kí ức, kỉ niệm với những ai đã ra trương, muốn tìm về những ngày tháng tươi đẹp của tuổi trẻ.