Giờ trái đất là gì? Mục đích, thông điệp của giờ Trái Đất?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi chenzi, 5 Tháng sáu 2021.

  1. chenzi cam

    Bài viết:
    201
    "All humans must die" hay "Speak up for nature"

    Vào một ngày cuối tháng 3, chúng ta đã từng được trải qua giờ Trái Đất trong 1 tiếng ngắn ngủi. Có bao giờ bạn tự hỏi "giờ Trái Đất là gì?", "mục đích của giờ Trái Đất", ý nghĩa, nguồn gốc và "1 giờ tắt đèn, Việt Nam tiết kiệm bao nhiêu kWh"..


    Giờ Trái Đất là gì?

    Giờ Trái Đất (Earth Hour ) là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) tổ chức nhằm khuyến khích các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong vòng 60 phút.

    [​IMG]

    Theo đó, Giờ Trái Đất được tiến hành vào 20h30 đến 21h30 (theo giờ địa phương) ngày thứ Bảy cuối cùng của tháng 3 Dương lịch hằng năm. Năm 2021 này, Giờ Trái Đất rơi vào thứ Bảy ngày 27/3 Dương lịch (tức ngày 15/2/2021 Âm lịch).

    Mục đích, ý nghĩa của giờ Trái Đất?

    "Mỗi hành động nhỏ của cá nhân là sự đóng góp chung cho toàn xã hội"

    Chiến dịch nhằm tuyên truyền, nâng cao nhân thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh, đặc biệt đối với đại dịch COVID-19; khuyến khích các sáng kiến, ý tưởng xây dựng cộng đồng, nền kinh tế phát triển bền vững, hòa nhập với thiên nhiên (thuận thiên) ; bảo vệ đa dạng sinh học, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.


    [​IMG]

    Chiến dịch đề ra việc tiết kiệm điện năng, giảm lượng khí thải điôxít cacbon - một khí gây ra hiệu ứng nhà kính và nhằm đánh động sự chú ý của mọi người với ý thức bảo vệ môi trường.

    Giờ Trái Đất không phải 1 ngày trong năm mà là 365 ngày của năm, thông qua chiến dịch giờ Trái Đất, WWF yêu cầu chúng ta sử dụng các phương tiện di chuyển xanh (như tăng thời gian đi bộ, sử dụng xe đạp, xe buýt công cộng). Thay thế và chuyển sang sử dụng các thiết bị điện có hiệu suất cao, tiết kiệm điện, sử dụng nguồn năng lượng sạch từ điện mặt trời.


    Lịch sử - Nguồn gốc của giờ Trái Đất

    Năm 2004

    Vấn đề biến đổi khí hậu ngày càng đáng báo động, tổ chức WWF tại Úc bắt đầu tìm kiếm các phương pháp truyền thông mới để đưa vấn đề này vào hoạt động tuyên truyền. Tổ chức WWF tại Úc đã thảo luận với công ty quảng cáo Leo Burnett Sydney về các ý tưởng truyền thông nhằm thu hút sự chú ý của người dân Úc về vấn đề biến đổi khí hậu.

    Năm 2005

    Chiến dịch dựa trên nền tảng hy vọng rằng "Mỗi cá nhân đều có trách nhiệm với tương lai của trái đất nơi chúng ta đang sinh sống". Tổ chức WWF tại Úc và Leo Burnett Sydney bắt đầu xây dựng một ý tưởng tắt điện với qui mô lớn, dự án có tên gọi "Tiếng Tắt Lớn".

    Năm 2006

    Leo Burnett Sydney được giao một nhiệm vụ đặt tên cho chiến dịch đãđề ra, tên gọi đó không chỉ đại diện cho hành động tắt đèn đơn thuần. Và từ đó cái tên "Giờ Trái Đất" ra đời. Tên gọi Giờ Trái Đất cho phép chiến dịch mở rộng từ mục tiêu kêu gọi mọi người tắt đèn và các thiết bị sử dụng điện sang mục tiêu có tính bền vững, lâu dài hơn.

    Phim tài liệu "Sự thật bất tiện" của Al Gore được trình chiếu khiến người dân trên toàn thế giới chú ý đến vấn đề Biến đổi khí hậu. "Chúng ta rồi sẽ chết, nhưng con cháu thì sao?"


    [​IMG]

    Báo cáo của Stern được công bố vào tháng 10, bản báo cáo này đề cập đến tác động của biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên của trái đất đối với kinh tế thế giới. Điều đáng lưu ý rằng, đây là lời cảnh báo từ các nhà kinh tế học chứ không phải từ các nhà khoa học. Bản báo cáo nhằm chuyển đến các nhà lãnh đạo toàn cầu về chi phí phải bỏ ra nếu chúng ta tiếp tục làm ngơ trước mối đe dọa của hiện tượng biến đổi khí hậu.

    Ngày 31 Tháng 3 năm 2007

    Buổi khai mạc Giờ Trái Đất được tổ chức tại Sydney Úc từ 19h30 đến 20h30 với sự tham gia của 2, 2 triệu người dân ở Sydney và 2, 100 doanh nghiệp.

    Ban đầu hoạt động này chỉ nằm trong phạm vi nước Úc, tuy nhiên sau đó sự kiện này đã thu hút sự quan tâm của thế giới và các nước bắt đầu đăng ký tham gia vào chiến dịch Giờ Trái đất cho những năm sau.

    Vì sao Giờ trái đất tổ chức vào tháng 3 hàng năm?


    Vì đây là khoảng thời gian của Mùa Xuân của bán cầu Bắc và Mùa Thu của bán cầu Nam, do đó thời gian mặt trời lặn giữa 2 bán cầu gần trùng hợp ngẫu nhiên, do đó đảm bảo tác động trực quan lớn nhất đối với sự kiện Giờ trái đất.

    Thông điệp giờ Trái Đất qua từng năm.

    Năm 2008: Thông điệp "Chúng tôi đã tắt đèn" . Chiến dịch Giờ Trái đất mở rộng được tổ chức ở 371 thành phố và thị trấn thuộc hơn 35 quốc gia trên thế giới với sự tham gia của hơn 50 triệu người. Trang web chính thức cho các sự kiện này, đã nhận được trên 6, 7 triệu lượt truy cập chỉ trong đầu tuần hướng tới Giờ Trái Đất. Một số trang web khác cũng tham gia sự kiện này, trang chủ của Google khi ấy dùng nền trang màu đen với khẩu hiệu "Chúng tôi đã tắt đèn. Bây giờ đến lượt bạn. Giờ Trái Đất".

    Năm 2009: Với khẩu hiệu "Tắt đèn, Bật tương lai", Giờ Trái đất diễn ra tối 28/3 với sự tham gia của 2.100 thành phố và 82 quốc gia. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam tham gia Giờ Trái đất, với 6 thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Cần Thơ, Hội An, Huế, và Nha Trang. Thành phố Hồ Chí Minh cho tắt điện nhiều địa điểm nổi tiếng ở trung tâm thành phố: Hồ Con Rùa, Dinh Độc Lập, Nhà hát lớn.. trong khoảng thời gian đã định. Khu phố cổ Hội An thắp đèn lồng thay vì mở đèn điện. Lượng điện giảm được 140 MW, tiết kiệm 133 triệu đồng

    Năm 2010: Thông điệp"Hành động nhỏ cho thay đổi lớn", Giờ Trái đất diễn ra lần lượt ở 92 quốc gia trên khắp thế giới vào tối 27/3 theo giờ địa phương.

    Năm 2011: Thông điệp "Tắt đèn 60 phút, hành động 365 ngày vì biến đổi khí hậu" nhằm mục đích kêu gọi tiết kiệm điện quanh năm, sự kiện chính diễn ra vào tối 26/3 đã tiết kiệm được 400.000 kWh tương đương 500 triệu đồng hay 23.800 USD.

    Năm 2012: Thông điệp"Tôi và bạn hãy cùng hành động", Giờ trái đất 2012 nhằm kêu gọi các ban ngành, doanh nghiệp, tổ chức và mọi người dân tham gia hành động chống lại biến đổi khí hậu toàn cầu. Giờ Trái đất diễn ra vào tối 31/3 với sự tham gia của khoảng 135 quốc gia và vùng lãnh thổ, số người hưởng ứng lên đến 1, 8 tỷ người.


    [​IMG]

    Năm 2013: Một lần nữa, thông điệp "Tôi và bạn hãy cùng hành động" được sử dụng nhằm mục tiêu tạo chuyển biến lớn trong hành động tiết kiệm năng lượng và chống biến đổi khí hậu toàn cầu của mỗi người dân và cộng đồng. Giờ Trái đất 2013 diễn ra tối 23/3.

    Năm 2014: "Hãy hành động để Trái đất thêm xanh" . Đây là sự kiện lớn nhằm gây quỹ để thực hiện những dự án bảo vệ môi trường với quy mô toàn cầu, đêm sự kiện chính được tổ chức ngày 29/3/2014.


    [​IMG]

    Năm 2015: Thông điệp "Tiết kiệm năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu" . Cùng với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố trên toàn thế giới, đồng loạt 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đã hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất bằng hành động biểu trưng tắt đèn vào tối 28/3/2015.

    [​IMG]

    Năm 2016: Thông điệp"Tôi đã chọn sống xanh, còn bạn?" . Năm 2016 nghi thức tắt đèn diễn ra vào ngày 19/3/2016 và cũng là năm thứ 10 diễn ra Giờ Trái đất thế giới.

    Năm 2017: Thông điệp "Tắt đèn bật tương lai" . Riêng tại Việt Nam, Chiến dịch đã kêu gọi 2.000 doanh nghiệp cam kết sử dụng điện tiết kiệm tại các nhà máy, xí nghiệp sản xuất, cam kết hạn chế sử dụng điện lưới trong giờ cao điểm và cùng ký tên vào danh sách thành viên tham gia chiến dịch Giờ trái đất 2017. Tất cả 63 tỉnh, thành phố đồng loạt tắt đèn từ 20g30 đến 21g30 ngày 25/3/2017.


    [​IMG]

    Năm 2018: Thông điệp "Go More Green – Hôm nay tôi sống xanh hơn" . Đây là năm đánh dấu 10 năm Việt Nam tham gia hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất. Trong suốt thời gian đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tham gia Chiến dịch với vai trò nhà tài trợ chính và cùng cổ động việc tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

    [​IMG]

    Năm 2019: Thông điệp"Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ trái đất" – Bộ Công Thương kêu gọi: Mọi cá nhân và tổ chức tại Việt Nam đều có thể tham gia bằng nhiều hình thức đơn giản như tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết trong 1 giờ diễn ra sự kiện.

    [​IMG]

    Năm 2020: Thông điệp "Thay đổi hành vi tiêu dùng vì một hệ sinh thái khỏe mạnh", Giờ trái đất 2020 kêu gọi người dân, doanh nghiệp chung tay cùng thực hiện: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo; giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm nhựa một lần và chỉ sử dụng khi cần thiết; không sử dụng sản phẩm động vật hoang dã bất hợp pháp.

    [​IMG]

    Việt Nam đã "Speak up for nature" thế nào trong 1 tiếng hưởng ứng giờ Trái Đất?

    Giờ Trái Đất năm 2021 diễn ra với chủ đề "Speak up for nature"... "
    Lên tiếng vì thiên nhiên".

    [​IMG]

    Năm 2021, chiến dịch mang ý nghĩa nhân văn cao cả khi hướng mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài, để từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể, nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện nay, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính.

    Giờ Trái đất 2021 không chỉ kêu gọi chúng ta tiết kiệm điện giảm hiệu ứng nhà kính, chiến dịch hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần, nhằm giảm từng bước và tiến tới không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên.

    Vì vậy, chiến ịch giờ Trái Đất năm 2021 tập trung vào hai chủ đề: "Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính" và "Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên".

    Chỉ trong 1 tiếng ngắn ngủi tắt đèn để "Lên tiếng vì thiên nhiên", Việt Nam đã tiết kiệm 350.000 kWh tương đương khoảng 658, 1 triệu đồng, tiết kiệm142, 27 tấn than, giảm thiểu 498 tấn khí CO2 ra môi trường.


    [​IMG]

    Trước một cuộc khủng hoảng của nước Anh, Churchill nói: "Chúng ta đang sống trong thời đại của sự chần chừ, sự nửa vời, của những kế sách rối bời, của sự chậm trễ đang đi đến hồi kết. Lúc này đây chúng ta đang bước vào thời kỳ lãnh hậu quả".

    Chúng ta đang lãnh hậu quả nặng nề cho sự tàn phá môi trường không có điểm dừng, cho sự đầu độc lẫn nhau không có điểm dừng. Những cánh rừng ở Tây nguyên bị tàn phá không thương tiếc, những dòng sông miền Tây khô hạn và nhiễm mặn nặng nề, biển miền Trung đang héo mòn vì ô nhiễm; những di sản lịch sử và văn hóa quý báu của dân tộc đang bị phá từng ngày. Những ngày này, dường như mở trang thông tin nào cũng thấy nhiễm độc và đặc biệt thức ăn nước uống gần như đều bị đầu độc bởi chính chúng ta.


    "All humans must die" or "Speak up for nature".

    Đó là sự lựa chọn của bạn cho tương lai của chúng ta sau này. Bạn muốn tốt cho hôm nay hay mất tất cả cho mai sau, bạn muốn con cháu chính bạn sống trong tương lai thế nào?

    Tất cả chúng ta đều phải chết vì chính chúng ta đang tàn sát lẫn nhau, vì lòng tham, vì ngu muội, vì chúng ta chỉ biết sống cho chính chúng ta.

    Đừng để ngày mai.

    Đừng để sau này.

    Đừng chần chừ.

    Chúng ta không còn thời gian để bạn lựa chọn.

    Trái Đất đang héo mòn.

    Lên tiếng vì thiên nhiên. Tiếng của tôi. Tiếng của bạn. Tiếng của chúng ta.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8 Tháng sáu 2021
Trả lời qua Facebook
Đang tải...