Sách: Gió lẻ và 9 câu chuyện khác Tác giả: Nguyễn Ngọc Tư Thể loại: Tập truyện ngắn Nhà xuất bản: NXB Trẻ Các sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư luôn khắc họa lên những vấn đề rất đời trong cuộc sống con người miền Nam. Bên cạnh đó, nhà văn còn sử dụng ngôn ngữ mang đậm văn hóa vùng sông nước, bởi không gian chủ yếu trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư chính là không gian miệt vườn sông nước. Và hôm nay, mình mang đến một tập truyện ngắn đầy sâu sắc và chân thực về bức tranh con người miền Tây ấy, là những mảnh đời mang nhiều nội tâm tội lỗi, để rồi chị lại lần nữa đau đáu nhiều câu hỏi khác nhau, mà không lời giải thích. Gió lẻ và chín câu chuyện khác là tác phẩm mang nhiều tiếng nói đa thanh của nhiều nhân vật trong tác phẩm, từng nhân vật lại là những cá thể mang nhiều tâm trạng, tất cả nhân vật suy tư ấy đều được đặt trên một cái nền xã hội, một cái kiếp sống đầy sự dối trá và thiếu vắng tình người, từ đó ta nhìn thấy những kiếp sống đầy sự đơn độc, chật vật giữa nơi sông nước hữu tình Nam Bộ. Trong Gió lẻ và chín câu chuyện khác, là tập hợp đủ mười câu chuyện ngắn lần lượt mang tên: Vết chim trời, Chuồn chuồn đạp nước, Tình thầm, Sầu trên đỉnh Puvan, Ấu thơ tươi đẹp, Núi lở, Thổ sầu, Của ngày đã mất, Một chuyện hẹn hò, Gió lẻ . Mỗi câu chuyện là một góc cạnh của cuộc đời, một cuộc đời chất chứa nhiều đau đớn, tội lỗi tột cùng của nó - cái mà Nguyễn Ngọc Tư gọi là sự cô độc, hiu hắt của cuộc đời, nghe có vị đắng nghèn nghẹn dâng lên trong mỗi số phận buồn hiu. Và mình chỉ đánh giá và cảm nhận một vài câu chuyện mà mình thích nhất trong tập truyện này. Để có thể thưởng thức toàn bộ tác phẩm tuyệt vời này, mình khuyến khích mọi người hãy sở hữu riêng cho mình một cuốn sách "Gió lẻ và chín câu chuyện khác" gối đầu giường, lẳng lặng nhìn lại cuộc sống bằng tâm hồn cảm thông và thấu hiểu nhiều mảnh đời và cảm xúc chân thật của con người hơn. Đầu tiên phải kể đến "Gió lẻ" vì cái sự bấp bênh và trầm buồn của nó in hằn trong tim mình rất sâu, vì đến cả cái tên nhân vật chính trong câu chuyện ngắn "Gió lẻ" ấy cũng không được tác giả đặt cho một cái tên đàng hoàng, mà chỉ gọi đơn giản là 'cô bé'. Cô bé vì không chịu nổi cuộc sống trong gia đình có cha là một quan chức sống bàng quan, vô cảm và dối trá, vì vậy mà cô bé tủi nhục và bỏ nhà ra đi, trốn trên một chuyến xe khách của hai người đàn ông, cô bé ấy hoàn toàn vô định, không biết chuyến xe ấy rồi sẽ chở mình đến đâu và về đâu. Cô bé trong cuộc hành trình đó là một hình tượng để nói lên một bản thể khác đang được hình thành, là hình tượng con người không có cuộc sống, không một tên gọi, và cũng không có một tiếng nói trong cuộc sống gò bó này. Cô bé câm ấy đầy nỗi sợ hãi, đến mức chỉ cần nghe tiếng người là cảm thấy nó như một cái "vòi đắng nghét phụt ra từ miệng", cô bé chỉ nghe được tiếng của động vật vì "tiếng của loài vật không dùng để làm tổn thương nhau". Và nhân vật chính trong câu chuyện không còn tiếng nói để nói lên nỗi uất nghẹn và đơn độc của mình nữa, cứ day dứt ôm khư khư nỗi bất lực ấy rồi tuyệt vọng. Đến mức Nguyễn Ngọc Tư đã không còn sử dụng đến ngôn ngữ của con người bình thường nữa, chị mượn giọng nói của chim, giọng của bò, giọng của loài vật để nói lên nỗi u uất nghèn nghẹn của nhân vật cô bé không tên gọi. Nỗi bi thương ấy kéo dài cho đến cuối đời, và cho đến khi ấy cô bé chỉ mong muốn nhỏ nhoi một điều duy nhất, là biến cái chết của chính mình thành một điều có ý nghĩa hơn với những người đang còn sống mà như đã chết. Sự ra đi đầy bi quan của cô nhằm không muốn nhớ về quá khứ, muốn quên đi cái cuộc sống cũ tệ bạc, mà mong mỏi được nhìn vào thế giới rộng lớn hơn ngoài kia. Vì cái thế giới mà cô bé đang sống chỉ thấy toàn sự thiếu vắng và đâu đâu cũng vang vọng những thanh âm rầu rĩ. Trên chuyến xe ấy và cuộc hành trình ấy, họ là những kẻ bị ngọn gió cuộc đời đùa cợt, đưa đẩy họ đến khắp nơi, trải qua tất cả những đắng cay trong cơn gió lẻ cuốn siết bao vây lấy họ, đó là những cơn gió "bị xé nhỏ bởi một bàn tay vô hình. Và từ khi lìa nhau, gió dằn vặt con người bởi nỗi ly tan của chính nó.. Đến mức người ta mòn mỏi thiếp đi thì gió lại dựng họ dậy theo cái kiểu lướt thật chậm từ chân lên đầu, như có một linh hồn, một bóng ma vừa đi qua âu yếm". Nhưng đâu đó trong cuộc hành trình này cũng chính là sự tìm kiếm cứu rỗi, mong mỏi được giải thoát khỏi những đau buồn và soi sáng nhỏ nhoi một phần người ấm áp, nhân tính trong thế giới tàn khốc. Đến với câu chuyện" Vết chim trời" có mở đầu với một buổi trưa đã vĩnh viễn bị tiếng khóc của bà nội đóng đinh vào. Tiếng khóc ấy như xé lòng người cha, người mà bà nội đã vô tình nhấn chìm vào trong cõi bơ vơ đau khổ khi luôn miệng hỏi: "Sao bây bắn chết Út Hơn của má?". Người cha cả đời sống trong nỗi lo âu thấp thỏm và nỗi mặc cảm cháy lòng bởi một quá khứ xa xôi nào đó giữa ông và em trai mình ở hai đầu chiến tuyến, mặc dù trước mặt bà nội, chưa có ai nhắc nhở ông về quá khứ tật nguyền đã hằn lên tim ông. Nhưng chính nỗi mặc cảm lặng thinh ấy, khiến ông cả đời day dứt, cả đời chỉ biết lo vun vén chăm sóc cho đứa con trai của em mình để lại nhằm chuộc tội. Thế mà, cái ông nhận về luôn là câu hỏi của người mẹ, người bà nội của đứa cháu trai ấy, sắc lẹm như cứa vào trái tim ông mỗi khi bà cất tiếng hỏi. Hay đơn giản chỉ sự im lặng đầy trách cứ của đứa cháu trai luôn dành cho ông. Sự chờ đợi ở cuối được tác giả miêu tả với dấu ba chấm dài đằng đẵng mù khơi, biết đến bao giờ người cha ấy mới nhận về mình sự thanh thản cuối đời? Cũng như vậy với người cha trong "Chuồn chuồn đạp nước", ông đã vô tình trả lời sai câu hỏi khi đang giúp cho con gái trong một gameshow truyền hình, với nhiều sự chứng kiến của người đời, thành ra cuộc đời ông cũng từ đó thay đổi. Sức mạnh của sự dằn vặt thật sự rất ghê gớm, nó ăn mòn tâm hồn con người đầy đau đớn và miên man: "Cha đã đi qua ba bảy hai mốt bình minh, luôn thức dậy với nỗi tuyệt vọng mình còn nhớ". Ông chẳng còn gì đau đớn hơn khi nghĩ rằng hình ảnh một nhà văn tri thức ngạo nghễ của mình chính thức sụp đổ trong mắt vợ con và những người tin yêu mình. Người với tư cách là cha và là nhà văn với niềm kiêu hãnh của chính mình, ông đã tự đặt chân mình vào dấu vết do chính những dằn vặt của mình vẽ nên, trông vô cùng rối bời và không lối thoát. Cách mà Nguyễn Ngọc Tư để niềm kiêu hãnh sụp đổ rồi tự dồn người cha vào nỗi tuyệt vọng màu xám ngoét kia cũng chính như bước chân hẫng xuống vực sâu của người đứng trên đỉnh núi cao, sau khi người ta tưởng như đã chạm vào được mong muốn trên đỉnh nủi cao. Và trong truyện ngắn tiếp tục kể về đỉnh cao ấy lại có tên là "Sầu trên đỉnh Puvan", chuyện kể về Vĩnh - người đã luôn khao khát được nhìn thấy những bông hoa Sầu nở sau mười ba tháng hạn. Anh kiên nhẫn chờ đợi và lên tận đỉnh Puvan cao nghìn mét để thấy được cây sầu trổ bông. Anh thấy được trong bông sầu ấy là ý nghĩa cuộc đời mình, đồng thời cay đắng nhận ra anh đã sống một cuộc đời tầm thường nhạt nhẽo, một cuộc đời đã vĩnh viễn mất đi gia đình và người con gái anh yêu. Anh đã chọn được chết dưới những bông sầu vì anh biết rằng mình mãi mãi là kẻ cô độc trong cuộc đời đơn lẻ này "Và Vĩnh treo mình lơ lửng trên cành sầu khẳng khiu, trơ trụi. Trên đỉnh núi không có thêm đỉnh núi, và Vĩnh không muốn xuống núi, chẳng có gì chờ đợi anh, ở đó". Cái chết của Vĩnh cũng chính là một kết thúc bi kịch cho một số phận vĩnh viễn không tìm lại được hạnh phúc đã đánh mất. Cả ba câu chuyện đều kể về điểm chung là nỗi day dứt và hối hận, tuy được đặt vào ba hoàn cảnh khác nhau nhưng sau cùng các nhân vật đều day dứt cõi lòng đến mức chỉ muốn chết đi. Cái nỗi day dứt và dằn vặt ấy đến từ lỗi lầm bất chợt không thể sửa chữa, nó dồn tâm trạng và tâm hồn mình vào ngõ cụt để rồi đằng đẵng sống trong cuộc đời khẳng khiu và trơ trụi đó, cuối cùng là tìm để cái chết vì chẳng thể chịu đựng được nữa. Ba câu chuyện kể cho mình hiểu, thì ra cái giết chết tâm hồn của con người không phải chỉ là cuộc đời, mà có đôi lúc chính cái tâm can của bản thân mới là thứ giết chết chính mình. Nếu họ học được cách tha thứ và chấp nhận, mình tự hỏi cả ba nhân vật trên có còn sống một cuộc đời đằng đẳng mù khơi và trơ trụi nữa hay không? Nhưng dẫu sao, lời nói thì luôn dễ để thốt ra, và chỉ khi bản thân mình thực sự trải qua cái cảm giác đó, mình mới biết nó tột cùng tuyệt vọng ra làm sao? Và liệu mình có học nổi hay không hai từ tha thứ và chấp nhận? Còn trong Một chuyện hẹn hò, nhà văn mang đến cách miêu tả tâm lý giằng xé vô cùng xuất sắc, đó cuộc đấu tranh giữa một bên là tình nhân và một bên là gia đình với những đứa con, giữa khát khao mong mỏi được yêu và mặc cảm tội lỗi. Người phụ nữ trong truyện luôn mang trong mình một trái tim khát khao yêu thương đến cháy bỏng, sau khi chị đang trải qua một cuộc sống vợ chồng không hề có tình yêu mà chỉ toàn là trách nhiệm. Chị biết mình đã có gia đình, có những đứa con, và trong tình yêu tội lỗi với người đàn ông ấy, chị càng biết hạnh phúc tỗi lỗi này là vô cùng mong manh. Nguyễn Ngọc Tư lại mượn những cơn gió để miêu tả tâm hồn. Và gió lúc này hiện ra như là những cơn gió lòng đang gào thét trong tâm hồn người đàn bà đáng thương: "Lúc người phụ nữ giật mình thức dậy, thảng thốt quơ tấm áo thì hai chiếc xuồng đã gặp nhau ở bờ lá nào. Cũng có thể chúng bị gió xô dạt về hai hướng khác. Như lúc này, mưa cũng bị gió giật, xé bừa ra, tơi tả, tạt ướt cái bắp chân chị, dẫn cái lạnh chạy buốt sống lưng". Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục miêu tả tâm lý tinh tế hơn bằng sự đấu tranh tội lỗi trong tâm hồn của vị giáo sư già, khi rung động trước cô sinh viên trẻ kém mình gần năm mươi tuổi trong câu chuyện ngắn Của ngày đã mất . Những rung động được miêu tả là đến rất nhẹ nhàng như làn gió, khơi dậy những khát khao, làm sống lại một tâm hồn biết yêu thương. Nhưng cũng không thể làm tươi lại thể xác đã bị thời gian làm khô héo đi. Tâm trạng vị giáo sư già bị giằng xé bởi hai thứ tình cảm trái ngược nhau - vui sướng và tội lỗi. Và cũng vì thế, gió lúc này xuất hiện vừa nhẹ nhàng, dịu mát, vừa buốt lạnh xao xác: "Sau đó là tiếng gió xào xạc, tôi đoán là em và Sáng đang ngồi dưới một bờ tre.. Tôi thờ ơ vặn mình cho đỡ mỏi, rồi nằm khoan khoái trên sạp ghe. Ở đằng mũi, em làm sao thấy tôi đang tái nhợt đi. Những rung động tâm hồn chứa những khát khao yêu đương cháy bỏng ấy cuối cùng lại là những cơn buốt lạnh tế tái hay tiếng xao xác của một tâm hồn đang xao động." Hai câu chuyện lại liên kết cho mình thấy, thì ra cái cảm giác thèm được yêu thương chẳng bao chết đi cả và thậm chí còn mãnh liệt dữ dội như thế nào, kể cả khi ta đã già hay kể cả khi ta đã là một người có gia đình và trách nhiệm trên vai. Nhưng đó là cảm xúc của sự tội lỗi, dằn vặt và day dứt, cuối cùng để sống đúng với cái gọi là đạo đức của xã hội, tâm hồn biết yêu mãnh liệt ấy của con người buộc phải bị triệt tiêu. Và cái nỗi buồn triền miên của kiếp người lại đến, nó đến vì nó đã không thể được yêu, nó giết chết tâm hồn khao khát yêu thương một cách tàn nhẫn để phục vụ cho cái gọi là đạo đức xã hội. Chúng ta lại phải đặt câu hỏi, vậy cái hạnh phúc và ý nghĩa của kiếp người trong cuộc đời này rốt cuộc là gì? Mà sao chỉ thấy đâu đâu cũng toàn nỗi bơ vơ và sầu muộn thế này? Nguyễn Ngọc Tư luôn biết cách đặt nhân vật của mình trong những tình huống éo le và có nhiều biến cố, nhằm để nhân vật bộc lộ nên những tâm tư và đời sống nội tâm phức tạp, nhân vật bắt đầu chiêm nghiệm lại bản thân và nhận ra những cái đúng và cái sai, hay chân lý trong cuộc sống. Nhà văn đã để cho nhân vật tự đối thoại với bản thân, tự đẩy mình vào cảm xúc bất tận, lạc lõng rồi từ đó tự nhận thức lại chính mình và điều chỉnh đời sống cá nhân. Nhìn chung những nhân vật trong 10 câu truyện ngắn đều không giống nhau, họ có thể là nữ, là nam, là một đứa trẻ, một bà già, một ông lão và mang những thân phận khác nhau trong xã hội. Đặc điểm ngoại hình mà nhà văn đặc biệt quan tâm đến nhiều nhất của mỗi nhân vật, chắc hẳn chính là đôi mắt, bởi đôi mắt chính là nơi bộc lộ lên tâm trạng sâu thẳm của con người một cách rõ ràng nhất mà không cần lên tiếng giải thích, cũng chính đôi mắt là thứ nhìn nhận cái cuộc đời đầy suy tư đầy. Bên cạnh đó để miều tả tâm lý nhân vật, Nguyễn Ngọc Tư sử dụng độc thoại và dòng ý thức. Phải nói, cách hành văn của Nguyễn Ngọc Tư trong tác phẩm này vô cùng đa nghĩa và giàu chất thơ, trữ tình. Mà cũng chính chất trữ tình chảy trong tác phẩm ấy nên ta mới có thể thấy được cái chân chất quen thuộc của nhà văn bị mất đi ít nhiều, chất văn có chút cầu kỳ, được chau chuốt mỹ miều hơn một chút so với các tác phẩm dùng lời văn mộc mạc dung dị như trước kia. Nhưng suy cho cùng, đây lại chính là sự đổi mới, khi mang đến một kỹ thuật viết mới mẻ hơn nhưng ngòi bút ấy đối với mình vẫn đủ sức làm lay động lòng người và hấp dẫn. Nguyễn Ngọc Tư đã khái quát đúng hiện thực cuộc sống đầy màu sắc, có lẫn niềm vui và cay đắng. Mình dễ dàng nhận thấy Nguyễn Ngọc Tư thực sự là một cây bút tận tụy yêu nghề, một nhà văn trẻ nhưng lại mang những câu từ vô cùng sâu sắc, cách chị cảm thấu cuộc đời và tái hiện lại nó cũng rất đặc sắc và từng trải, mình tin sự sáng tạo của chị trong tác phẩm là vô hạn và sự nghiệp văn chương của chị vẫn sẽ tiếp tục phát triển, đóng góp cho nền văn học Việt Nam hiện đại bằng những câu chuyện nghệ thuật đậm chất đời. -HẾT- Nguồn ảnh: Internet Reviewer: MTRang