Truyện Ngắn Gió Đưa Cây Cải Về Trời - Cá Rô Phi

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Cá rô phi, 28 Tháng tám 2022.

  1. Cá rô phi

    Bài viết:
    57
    Tác phẩm: Gió đưa cây cải về trời

    Tác giả: Cá rô phi

    Thể loại: Truyện ngắn

    Link thảo luận - góp ý:

    [​IMG]

    ******

    ".. Ví dầu tình bậu muốn thôi..

    * * *Bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra.."​

    Tiếng võng kẽo kẹt vang vọng đều đều giữa ngôi nhà vách lá lưa thưa, má Nhạn ngồi trên chiếc chõng tre, hát ậm ờ ru nó ngủ.

    Má hát, mà mắt nó cứ mở, nhìn má trân trân. Nhìn cặp mắt to tròn, đen lay láy của con, mà lòng của má nó cứ quặn lên, đau như ai cào ai xé, tự nhủ: Sao cặp mắt giống tía nó quá chừng!

    Tính ra từ ngày tía Nhạn bỏ má con nó đi cho tới nay cũng đã tầm ba tháng, thoáng cái mà nhanh, tựa như cái cảnh mà má Nhạn ôm con ngồi ở bến sông đợi chồng về chỉ vừa hôm qua vậy, ấy vậy mà má đã ngồi ở cái bến ấy được xấp xỉ trăm ngày.

    Ở cái xứ khỉ ho cò gáy, quanh năm tay lấm chân bùn này, mấy khi mà có chuyện kinh thiên. Cho nên là chuyện tía con Nhạn bỏ vợ bỏ con, cuốn gói đi theo một người đàn bà "hàng thuyền" trên tỉnh, mấy chốc mà đã rộ mé khắp một vùng. Nghe đâu người kia còn trẻ, nhờ lâu năm buôn bán nên được cái miệng lưỡi dịu dàng, nên mới khiến cho mấy người nhẹ dạ cả tin, bỏ mặc gia đình, bẻ gãy cái nghĩa tào khang mà lao đầu theo về trên tỉnh lớn.

    Ai thấy cũng thương, bởi má nó giỏi, má nó hiền, lại còn thương tía nó!

    Đợi thì đợi, mà tía nó biệt tăm. Rồi năm dài ngày rộng cũng đi qua, con Nhạn nó cũng lớn dần dần theo lời ru của má, trở thành người con gái độ mười sáu trăng tròn, khổ nỗi.. con nhỏ bị câm. Xóm này ai cũng thương, cũng tiếc cho nó quá chừng.

    Bà Năm bán cá đầu làng hay chậc lưỡi mà than: "Phải chi con nhỏ hông câm, thì biết đâu giờ này nó mần dâu nhà giàu, chứ đời nào còn ở cái làng này chịu khổ!"

    Nói thì nói vậy, chứ ai cũng biết, đời dân đen quanh năm tay lấm chân bùn, dốt đặc cán mai như họ, thì có tu mấy kiếp nữa cũng chưa chắc được bước tới cửa nhà bá hộ, phú ông.

    Con Nhạn 16 tuổi đẹp y hệt má nó ngày xưa, chỉ riêng cặp mắt này, từ lúc nhỏ xíu cho tới tận bây giờ, cứ như là đúc khuôn ra y xì như tía nó. Con nhỏ tuy không nói được, nhưng nó giỏi, chuyện đồng áng suốt tháng chẳng ngơi tay, làm ruộng xong tối về còn lặn lội đi mò cua, bắt ốc, tần tảo sớm hôm, lại còn hiếu thảo hiền lành, bà con làng xóm nhìn mà cũng mừng cho má nó. Không được phước chồng thì cũng được phước nhờ con.

    Tuy quanh năm suốt tháng cắm đầu vào ruộng cả ao sâu, ấy vậy mà sao da dẻ con Nhạn lại trắng trẻo, cặp má nó hồng hồng tựa cánh sen thơm man mát giữa ánh ban mai. Hay tại bởi cái tuổi xuân thì, khiến cho người con gái mang một cái nét đẹp riêng rẽ không lẩn vào đâu, môi không son cũng đỏ, tóc không ướp cũng thơm? Không biết cái làng này có bao nhiêu thằng thầm thương trộm nhớ, muốn ngỏ lời xin ba má rước con Nhạn mần dâu.

    Nhưng ở cái sự đời, dẫu tài dẫu đẹp tới đâu, thì cái "tội" câm kia cũng là cái cục u rỉ máu, khiến người này không trách thì người nọ cũng khinh. Nhằm người lòng dạ hiền lành thì còn suy nghĩ trước sau, nói năng tránh né. Chứ mà gặp mấy kẻ mồm sâu miệng độc, lưỡi bén như dao thì cứ đem cái tật của con nhỏ ra không nề hà chì chiết.

    "Nhà này đâu có thiếu gạo thiếu cơm, hông lẽ mạt hạng tới độ không rước nổi một đứa con gái đàng hoàng, mà phải đem một con câm về làm vợ?"

    "Lấy nó khác chi đem cái xui cái rủi về nhà, cái giống không cha mà còn câm còn điếc, ấy khác nước nào trù ẻo gia can."

    * * *

    Còn nhiều.. nhiều lắm.

    Mấy khi ngẫm nghĩ thấy họ nói lạ lùng, cha con Nhạn bỏ đi, hai má con cũng nào đâu có muốn. Còn cái tật cái nguyền, tự lúc sinh ra trời cho sao thì để y rang như vậy, ổng đã gán rồi, mình muốn bỏ cũng có bỏ được đâu. Sao lòng dạ nỡ nào mà đem ra trách nó.

    Lúa hết mùa này rồi lại tới mùa khác đi qua, chuyện cau trầu vẫn còn đang bỏ ngõ. Mà con Nhạn nó cũng không mấy để tâm, trong bụng nó lắm lúc còn len lén mừng thầm, tại nó sợ, lỡ nó đi lấy chồng rồi, ngày tháng sau này má nó biết làm sao. Chén cơm ai xới, chén trà ai dâng? Nó định bụng, sống hoài sống mãi với má như vậy còn vui hơn, chứ biết lúc về nhà người ta có còn được áo ấm cơm no như ngày ngày bên má.

    Nói thì nói vậy, chứ con gái tới tuổi cặp kê, mà cứ cô đơn lẻ bóng, đâm ra má nó cũng rầu. Thử nhìn con mình cũng đẹp đẽ, sắc vóc hổng kém chi ai, tính nết hiền lành, làm ăn chăm chỉ, chỉ có mỗi cái bị câm, vậy mà.. Thói đời lạ quá!

    Cái làng này không có, thì còn có làng bên. Mấy bữa nọ lúa chín vàng đồng, đám dân cày tay lưỡi hái lưỡi liềm, chân quần xăng tới gối, kéo nhau xuống cắt lúa giữa cánh đồng trời nắng chang chang. Con Nhạn cũng đi cắt mướn cho người ta, con nhỏ lẹ làng, cắt mấy chốc mà bỏ đám đàn bà con gái trong xóm thiệt xa.

    Bữa đó cũng có mấy thằng trai tráng làng bên qua làng này cắt mướn, bởi lúa bên đó còn chưa chín rộ, chắc cũng phải đợi cỡ chục ngày. Trong cái đám lính tráng cao lớn, đen thui, có một thằng cứ chằm chằm nhìn con Nhạn. Con nhỏ đi cắt, nó cũng lẽo đẽo theo sau. Con nhỏ ngồi nghỉ uống trà, nó cũng ngồi nghiêng tựa đầu vô gốc cây mà ngắm.

    Một ngày, hai ngày rồi ngày bốn ngày năm, cứ bữa nào có con Nhạn là cặp mắt nó cứ dính lên con nhỏ không rời. Mấy người xung quanh đó thấy vậy ghẹo quài: "Có thương thì nói đi chớ chú em, chứ cứ nhìn, duyên con người ta mất hết!"

    "Thương thì thương, tại tui nói ra sợ ai đó hổng bằng lòng!"

    Nhạn biết đó, người ta thấy rồi nói riết Nhạn cũng nghe. Cứ mỗi lần liếc qua dòm, là lại thấy cặp mắt ai đó đau đáu nhìn mình như ngồi trên đống lửa.

    Bà con mình hiền lành chân chất, nên làm riết từ lạ thành quen, lựa mấy lúc nghỉ buổi làm đồng, ngồi xúm lại cùng nhau mà hàn huyên tâm sự. Biết được thằng nhỏ để ý con Nhạn tên Lũ, nhà ở làng bên, đồng cảnh mẹ góa con côi, tuy không khá giả nhưng được cái thằng nhỏ xốc vác thiệt thà, mà quan trọng là.. nó biết Nhạn câm, nhưng vẫn thật lòng thương Nhạn.

    Rồi chuyện gì tới cũng tới, má thằng Lũ trầu cau mâm quả đưa sang, người lớn trong nhà cũng định rồi ngày lành tháng tốt. Trai lớn lấy vợ gái lớn gả chồng, ắt cũng lẽ hiển nhiên, vậy mà sao từ cái bữa đàng trai qua dạm hỏi, cứ thấy con Nhạn thui thủi ở góc bếp rầu rầu. Chắc là không đành lòng bỏ má.

    Giá bây giờ mà Nhạn biết nói, nó sẽ nói với má thiệt nhiều. Chứ mười mấy năm qua sống một đời câm lặng, lắm lúc nó cũng thấy tủi thân, buồn bã thế nào cũng không thể để cho người ta tường tỏ, ôm trong bụng chịu một mình. Nó muốn nói với má, nó không muốn lấy chồng xa, mặc dù ở làng bên thôi, nhưng trông về mà xa biền biệt. Nó sợ má ở một mình rồi gió lạnh đêm thâu, không người chăm sóc.

    Nhưng mà phận làm con, cha mẹ đặt chỗ nào, đành ngồi yên chỗ đấy. Nên trong bụng có mấy không ưng, cũng phải chịu cho má yên lòng.

    Cứ ngỡ đâu ngày tháng trôi dần, thấm thoát sẽ tới bữa đám cưới rước dâu, con Nhạn yên ổn theo chồng. Nào ngờ bữa nọ mưa gió đường trơn, con nhỏ qua cầu, chẳng may cầu tre gãy đổ. Tưởng trận ấy tiêu đời, thế mà trời cao đất rộng còn thương, có người qua đường thấy Nhạn hụp lặn dưới sông, vội vàng lao xuống cứu.

    Người vớt mạng nó tưởng ai xa, lại hóa ra gần, là cậu hai con nhà ông phủ Lý. Nghe đâu mấy năm trước cậu đi học ở Sài thành, bấy mới về quê, xe cậu đi giữa đường thì vừa lúc thấy cảnh cây cầu gãy đôi, con Nhạn cũng gãy theo cầu mà rơi xuống dòng sông chảy xiết. Biết được thân phận cậu, ai cũng hít hà. Tới má con Nhạn cũng tạ đất tạ trời, không phải tạ cho con, mà cho cậu.

    May mắn cậu chẳng có việc gì, chứ lỡ mà cậu có chút xay xước nào, thì má con con Nhạn có chết trăm ngàn lần cũng đền không hết tội. Phải biết gia cảnh cậu bề thế, thân phận cậu cao sang, con bạc con vàng mà có bề gì, ông phủ thể nào cũng không tha cho má con nhà Nhạn.

    Từ bữa thoát chết, thấy con Nhạn kỳ kỳ. Có mấy lần thằng Lũ sang thăm, đem qua mấy con cá rô đồng hay vài cái bánh cam đầu chợ, đưa cho Nhạn mà như con nhỏ chẳng được vui, cứ ỡm ờ nghe thằng Lũ nói vài câu, rồi giả bộ như có bận việc gì mà chạy xuống xó bếp ngồi trơ, bỏ thằng nhỏ đứng một mình chết trân ngoài cửa.

    Má nó thấy lạ lắm, dạo này cứ đi sớm về khuya, tỉ như lúc trước nó đi bắt cua, thì cũng độ Mặt Trời khuất bóng hẳn là về, vậy mà mấy bữa rày đi tới tối hù tối mịt. Nhưng cũng rất nhanh, thắc mắc của má nó đã được trả lời..

    Tối đêm rằm, trăng tròn vằng vặc soi sáng cả dòng sông, má Nhạn trên chõng tre ngồi phe phẩy quạt đợi con về. Khuya một chút cũng thấy bóng con đầu ngõ, mà hình như con về đâu chỉ có mình con? Ai kia, ai về cùng con kia mà tiếng ồn ào vang vọng khắp khoảng sân nhỏ bé nghèo nàn? Vang tới nỗi lòng má thấy hoang mang..

    "Cái thứ trắc nết lăng loàng!"

    "Quân mất dạy dám dụ dỗ con bà, cha mẹ mày không dạy được mày thì để bà dạy!"

    Bà phủ Lý vừa chửi vừa nắm đầu con Nhạn lôi nó vào sân, hai ba thằng hầu lẽo đẽo the sau, dưới bóng trăng vàng, lờ mờ còn có bóng cậu hai, cậu chạy tới vùng vằng cố tách tay bà ra khỏi đầu con Nhạn.

    "Tụi bây què quặt hết hay gì mà không biết kéo cậu ra? Hay là đợi tao mời tao thỉnh?"

    Vậy là hai thằng hầu chạy về phía cậu, mỗi đứa một bên, kéo cậu lùi lại phía sau. Sức cậu một, sao đấu nổi hai đứa lực mười, cậu vùng vẫy cỡ nào cũng không xi nhê gì hai đứa nó.

    "Đâu rồi, cha mẹ cái con mất nết này đâu?"

    Bà phủ la làng, má Nhạn khốn khổ chạy ra, thấy tình cảnh con mình, lại ngoái nhìn bóng cậu, bà có ngu tới mấy cũng đã đoán rõ cái sự tình, trong lòng thầm kêu trời trách đất. Nhạn ơi là Nhạn, sao mày lại dại đến nhường này!

    Má nó nước mắt lưng tròng, quỳ lạy dập đầu dưới chân bà phủ.

    "Bà ơi con lạy bà, con trẻ nó có lỗi lầm gì bà rộng lượng tha cho, con dại cái mang, mũi sai lái chịu đòn. Bà bề trên xin đừng trách nó.."

    Chưa đợi má Nhạn nói dứt lời, bà đã xô nó ngã nhào qua phía má. Cậu hai lúc này cũng cố hết sức hất mạnh tay, thoát khỏi cái ghìm chặt của mấy thằng hầu, lao ra quỳ trước mặt bà, che chở cho Nhạn đằng sau.

    Cậu nghẹn ngào, nhìn con Nhạn đau mà lòng cậu cũng đau, nhìn con Nhạn khóc nước mắt cậu cũng đã đầm đìa. Cậu suy tính trước sau, cái thế sự nó thành ra thế này, cậu nào đâu biết trước.

    Từ cái lần cậu cứu sống con Nhạn ngoài sông, ấy vậy mà trở về nhà trong đầu cậu không biết tự lúc nào mà toàn là bóng hình của Nhạn. Em sắc nước hương trời, như bông hoa dại mọc rạng ngời giữa ánh sương mai, lại cộng thêm cái tính em hiền, người gì đâu mà cứ lầm lũi chẳng biết quản sự đời, em nở nụ cười trong trẻo làm lòng cậu tan ra. Rồi không biết tự bao giờ, em làm say lòng cậu.

    Cậu cũng biết em với người khác đã hứa hẹn rồi, mà bây giờ lỡ thương, biết để chỗ nào cho hết? Từ nhỏ cậu sống trong nhung lụa cao sang, cậu muốn cái gì là phải đòi cho bằng được, chưa ai dám hó hé cậu một lời. Cậu là con nhà bá hộ, chả lẽ thích một người, bằng giá nào lại không rước được người đó hay sao. Dường như cái tình thương ấy làm mắt mũi cậu mù mờ, quên mất cái chữ thánh hiền, cũng phôi phai đạo làm quân tử.

    Cứ ngỡ để mọi chuyện đã rồi, cậu sẽ lựa lời thưa chuyện với mẹ cha, mong để cậu rước Nhạn về nhà, cho dù cha mẹ có trách có than, nhưng chỉ cần bên Nhạn cậu cũng sẽ bằng lòng. Ai có ngờ đâu tới cái cớ sự này, bà phủ bắt gian tại trận, cho rằng Nhạn dụ dỗ cậu mèo mã gà đồng, đổ hết lỗi lầm lên một mình con Nhạn, trong khi cậu hiểu, chính cậu mới là kẻ có lỗi nhất chuyện này. Nhạn khù khờ, em có biết gì đâu!

    Nhưng kẻ không quyền mới là kẻ làm sai, kẻ làm bề trên thì luôn luôn đúng. Bà cho rằng con bà học rộng hiểu nhiều, từ nhỏ tới bây giờ chỉ tiếp xúc với những người nho nhã, về cái chốn này chưa biết trước biết sau, nên mới bị cái loại nghèo hèn lẳng lơ này dụ dỗ. Chứ chả lẽ tôn quý như con bà lại chẳng kiếm nổi một chỗ cao sang, hà cớ gì phải va vào vũng sình lầy nhơ nhớp. Bị cái suy nghĩ ấy quấn chặt trong đầu, mà cơn giận trong bà không những chẳng nguôi ngoai, thấy cậu quỳ dưới kia, lại muốn xông lên lôi đầu con Nhạn.

    Cậu một mực che chắn, đôi tay cậu run rẩy ôm Nhạn vào lòng.

    "Má, lỗi là lỗi ở con. Má đừng trách lầm em, tội nghiệp."

    Bà tức tới nỗi mặt mũi đỏ bừng bừng, giận quá suýt nữa mất khôn, đưa tay toang đánh cậu, nhưng may cái lý trí ít ỏi còn lại đã cản kịp thời.

    Bà chỉ tay vào mặt cậu: "Nếu con còn coi má là má của con, thì tránh ra, để chuyện này cho má xử." Bà nói có vẻ nhẹ nhàng, nhưng giọng lại đanh, khiến người nghe phải rét.

    Vậy mà cậu chỉ liên tục lắc đầu, không chịu tránh, một mực che chở cho Nhạn trong lòng. Bà thấy cái cảnh trước mắt mà than, không biết con đàn bà này cho con bà ăn bùa mê thuốc lú gì, mà bây giờ tới lời bà nó còn nghe không lọt.

    "Được.. được.. má cho mày ăn học, để bây giờ mày đem cái chữ hiếu hiền dẫm đạp dưới chân, làm trái ý má để đi theo cái lũ đốn mạt này!"

    Bà giận, tay chỉ thẳng mặt cậu run run. Cậu luôn lấy chữ hiếu đi đầu, từ nhỏ đến giờ chưa từng để bà nhọc lòng vì cậu, cũng không dám cãi lại lời bà. Giờ, bà đem chữ hiếu ra để cậu làm tấm gương soi, khác nào.. ép cậu..

    Thấy cậu cúi mặt, vẻ lặng im. Bà biết, chính bà mới có thể hiểu con bà, cậu là người bà dứt ruột đẻ ra, dù ít dù nhiều thì lời bà nói, chả lẽ cậu dám không nghe? Cậu đọc sách thánh hiền, hiểu rõ lễ giáo gia nghi, chỉ cần bà đánh trúng vào chỗ đau của cậu, nhất định sẽ khiến đứa con ngoan ngoãn như cậu quay đầu.

    Bà đã đúng.

    Nghe bà nói vậy, cậu hơi lưỡng lự nhìn bà. Mắt cậu đỏ ngầu như chảy máu, trong đó chứa đựng biết bao nỗi khẩn thiết xót xa, bao đau lòng ân hận.

    "Nếu bây giờ con muốn má tha cho nó, cũng được.. Nhưng mà mày phải hứa với má, từ rày cho tới lúc mày chết đi, má cấm mày không được gặp nó thêm một lần nào nữa! Bằng không.."

    Bà liếc nhìn con Nhạn, lại đổi mắt nhìn má nó co rúm phía sau, cuối cùng nhìn vào mắt cậu. Giọng bà gằn:

    "Bằng không thì tao để cho má con nó không được sống yên ổn ở cái đất này!"

    Đã đến nước đấy, thấy bà cũng đã nhân nhượng lắm rồi. Cho dù cậu không cam cách mấy, cũng phải xé ruột gật đầu. Đêm ấy cậu theo bà về, ánh trăng sáng vằng vặc trên đầu, còn ánh trăng lòng cậu thì vẫn còn ngồi đó, trơ mắt nhìn theo bóng cậu dần xa..

    Qua đêm ấy, dường như khắp làng trên xóm dưới ai cũng biết chuyện "mèo mả" của con Nhạn với cậu hai, chuyện tốt thì không nói, mà chuyện xấu họ lại đồn xa. Người khác biết, dễ gì mà má con thằng Lũ làng bên không biết. Chuyện tới nước này, ai còn lòng dạ nào mà bàn chuyện cưới xin, mà má Nhạn cũng không còn mặt mũi nào mà để người ta cưới con mình.. lỡ dại.

    Vậy là má thằng Lũ qua nhà, chuyện hai đứa nhỏ vậy là xong, không cưới xin gì nữa. Cũng may má Lũ hiền lành, lại thông cảm cái cảnh mẹ góa con côi như mình mà không làm khó, cũng chẳng nặng nhẹ gì nhiều. Tội thằng Lũ, nó thương con Nhạn quá chừng, nhìn cũng đứt ruột đứt gan, mà ý cha ý mẹ cũng tựa ý trời, nó nào đâu dám cãi. Huống hồ chi.. Nhạn cũng đâu thèm thương nó..

    Tháng lại ngày qua, cái chuyện kia tựa như cái mụt nhọt mọc trong lòng mỗi người. Gặp mặt Nhạn người ta cũng không nói gì nhiều, chỉ là sau lưng thì chẳng ai biết họ đàm tiếu bao nhiêu. Má nó cũng nghe, cũng để bụng mà nào dám nói gì đâu, bởi con mình sai, mà mũi sai thì lái chịu..

    Tưởng tới vậy, là thôi.

    Ai dè, bữa biết Nhạn có bầu, má nó gần như chết đứng!

    "Con của ai.. hả Nhạn?"

    Đầu nó cúi gầm, nghe má hỏi nó cúi càng sâu. Nước mắt ứa ra, giàn giụa.

    "Của cậu.. phải không con?"

    Nó gật đầu.

    "Trời ơi.. sao mày làm khổ má tới chừng này hả Nhạn!.."

    Khổ, khổ tới nước này ngoài kêu trời kêu đất còn biết kêu ai? Mà đã lỡ vậy rồi, chẳng lẽ bắt nó bỏ đứa nhỏ hay sao, ai lòng dạ nào mà đành lòng như thế. Nếu bà phủ mà biết chuyện này, thì cả mẹ lẫn con bà đều không sống được. Dẫu cho đứa bé đó là cốt nhục của cậu hai, nhưng bà phủ không đời nào để nó được sinh ra, như vậy há chẳng phải sẽ có thêm một lý do để trói chân con bà vào cuộc đời con Nhạn?

    Không.. không đời nào như thế..

    Vì vậy mà trong suốt mấy tháng sau đó, người làng nọ không ai thấy bóng dáng con Nhạn bước ra khỏi nhà. Đi chợ, đi làm, đi bắt ốc mò cua gì cũng là má nó. Dần dần họ cũng sinh nghi, mà nghi thì cứ nghi đi, trong lòng họ nghĩ chắc bởi vì nó còn nhục nhã cái chuyện kia, nên là không dám vác mặt ra đường nhìn bà con làng xóm.

    Rồi bữa, nghe ai đồn cậu sắp đám cưới, cậu cưới cô ba Son con nhà ông bá hộ cùng làng, cũng giàu có chẳng kém nhà cậu là bao. Ừ, cũng đúng thôi, chứ chả lẽ cậu phải ở vậy suốt đời chỉ vì một đứa nghèo hèn như Nhạn? Má Nhạn nghe người ta bóng gió luyên thuyên, về nhà nhìn thấy con mình, rồi cái bụng bầu, ảo não.

    Đám cưới cậu lớn rần rần, phải nói đám rước dâu người đi kéo dài như rước hội. Trầu cau mâm quả, rồi áo cưới xe hoa, ai ai cũng hớn hở vui mừng.. mà hình như cậu lại chẳng được vui.

    Nhạn đứng núp trong nhà, từ khe vách lá trông bóng cậu đi qua. Lúc ngang nhà nó thấy cậu cũng liếc nhìn, rồi không biết vì cớ gì mà gương mặt kia tràn trề thất vọng. Nó thấy cậu ốm rồi xanh xao đi nhiều quá, không có giống cái lúc nó với cậu còn thương, ngày trước lúc nào cậu cũng vui cười, chạy tới chạy lui, đọc ca dao ghẹo nó. Ấy vậy mà giờ, cậu có khác gì mấy người đau ốm lâu năm.

    Nó cắn răng, ôm mặt khóc xé ruột xé lòng, mà dẫu có đau đớn cỡ nào, thống khổ ra sao, thì cũng đâu rống được, nó câm mà. Ngày ấy, cậu khóc trên xe hoa, còn nó thì gào trong vách lá.

    Vậy là từ đây đôi ngã đôi đường.

    Cuối mùa mưa ấy, cậu qua đời. Khốn khổ, ngày cậu mất lại là ngày Nhạn sinh con. Con nhỏ sinh được một thằng con trai bụ bẫm, đứa bé đỏ hỏn quấn tả được ngoại ôm, nằm im re mà ngủ, không hó hé một tiếng nào. Ngoài trời sấm chớp rền vang, trong nhà đèn dầu lập lòe chợt tắt. Cớ sự như thế, cậu mất má con Nhạn có hay biết gì đâu, bởi ngay cái đêm cậu đi cũng là lúc Nhạn giành giật sự sống với tử thần. Tới khi nghe được rồi.. thì cậu cũng đã nằm yên trong lòng đất lạnh.

    Nghe đâu từ lúc cậu với Nhạn xẻ nghé tan đàn, thì về nhà cậu sống cũng chẳng yên, ốm đau từ dạo ấy. Thuốc thang bao nhiêu, từ nam chí bắc, bao nhiêu thầy thuốc giỏi tới nhà cũng không giúp cậu khá khẩm hơn, ai cũng lắc đầu, nói đây là tâm bệnh. Bà phủ nghe vậy thì giận vô cùng, chửi lũ lang băm, con bà cả đời phú quý giàu sang, nào có lo cái gì đâu mà nói là tâm bệnh.

    Rồi bà đi coi thầy, không biết phán thế nào mà trở về bà lục đục chuẩn bị sính lễ, bắt cậu một hai phải cưới vợ về cho bằng được, nói bóng gió để đuổi tà, như vậy thì cậu mới hết bị cái thứ ốm đau này quấn lấy. Cậu cam chịu, mặc bà muốn thế nào, cậu cũng làm theo thế đấy. Mà tốt đâu không thấy, từ ngày cưới mợ về, bệnh cậu nặng hơn, tới khi không còn tỉnh táo.

    Bà phủ thấy cậu chỉ còn chút hơi tàn, lòng bà rối rắm sắp điên lên, đổ hết tội tình lên đầu mợ. Nói mợ là cái hạng đàn bà mang cái mệnh khắc phu, vừa rước về đã hại con bà thân tàn ma dại.

    Qua hai tháng, cậu trút hơi thở cuối cùng. Đêm mưa kia, trước khi lìa đời, cậu khóc. Câu nói duy nhất cậu để lại, chỉ là hai tiếng "Nhạn ơi..". Mợ đứng bên bà, còn nghe mồn một, bà ngồi cạnh cậu, chả lẽ lại không nghe?

    Hỡi trời hỡi đất, ai làm cho rõ cái cớ sự này đây!

    Người đi cũng đã đi rồi, bỏ một người ở lại. Vậy là người mẹ mất con, người vợ mất chồng, còn một đứa nhỏ còn chẳng kịp thấy mặt cha.

    Cậu mất được một tuần, con Nhạn ôm con ngồi bên mộ cậu. Khóc lóc thế nào cũng chẳng làm người dưới nắm đất lạnh ấy trở về, đứa nhỏ như hiểu được chuyện gì, mẹ nó ôm, nó nằm trong lòng mà gào lên đứt quãng.

    Vậy mà cậu bỏ Nhạn đi rồi.. bỏ luôn con cậu.

    Chiều chiều, tiếng bìm bịp kêu não ruột như than khóc ở bờ sông, Nhạn ra bến sông ngồi trông về bên ấy, tưởng chừng như cậu vẫn còn đây, đứng ở bờ bên kia chờ Nhạn. Nhạn nhớ cậu.. nhớ lắm cậu ơi, cậu nỡ lòng nào mà bỏ mẹ con em đi mất.

    Bầu trời ban chiều đỏ bừng như bếp lửa.

    Trong ngôi nhà vách lá lưa thưa, lại lần nữa kẽo cà tiếng võng đong đưa. Má ngồi ru con nó ngủ.

    ".. Ầu ơ.. Gió đưa cây cải về trời..

    * * *Rau răm ở lại.. chịu đời đắng cay.."​

    ---Hết---
     
    LieuDuong, LaganPhan Kim Tiên thích bài này.
  2. Lagan

    Bài viết:
    635
    Chào bạn! Mình là Jenny! Rất vui vì hôm nay được thưởng thức tác phẩm Truyện Ngắn - Gió Đưa Cây Cải Về Trời - Cá Rô Phi của bạn. Muốn viết xuống đôi dòng, nếu có gì không phải, mong bạn thông cảm nhé!

    Về hình thức: Mình thấy bạn đã có đầy đủ các phần cũng như yêu cầu chung của diễn đàn, không có một lỗi sai chính tả nào và điều đó là một điểm cộng rất lớn cho tác phẩm này!

    Về nội dung: Mình rất thích tác phẩm của bạn! Một câu chuyện thấm đẫm tình người, một câu truyện khiến mình đọc liền không nghỉ, không dứt và thực sự "lụy" tác phẩm này!

    Về nghệ thuật:

    Một tác phẩm có quá nhiều thứ để viết và mình thực sự chẳng biết nên bắt đầu từ đâu!

    Mình thích cách kể chuyện của bạn! Với lối kể chuyện linh động, đa ngôi kể, bạn đã cho đọc giả thấy những cái nhìn đa chiều và sâu sắc. Một chất văn phải gọi là "lạnh lùng", bởi khó có thể tìm thấy một câu than trách nào trong lời văn của bạn mà nhiều hơn cả đó chính là cách kể chuyện sắt đá và chân thật. Nhiều người nghĩ rằng cứ văn là phải thật nhiều cảm xúc trên mặt chữ, nhưng cũng có rất nhiều tác phẩm ngoại lệ, ví như tác phẩm này. Bạn kể một câu chuyện của người khác một cách bình thường nhất, không nhấn nhá, không "Trời ơi" nhưng điều đó lại càng khiến mình và bao độc giả khác chìm sâu vào trong cốt truyện, tựa như được tận tai nghe kể chứ không còn là đọc nữa và điều đó khiến câu chuyện chân thực và sinh động hơn rất nhiều!

    Mình thích cách triển khai ý của bạn! Một vấn đề khá kỳ quặc của mình là mình để tâm nhiều đến phần cốt truyện và tay nghề tác giả. Nếu không thể đáp ứng đủ cả hai tiêu chí đó, mình sẽ không quay lại lần thứ 2 luôn. Và trong tác phẩm này! Bạn đáp ứng cả hai! Mình thực sự biết ơn vì đã đem đến một tác phẩm tuyệt vời. Cốt truyện được bạn triển khai tận tâm và đầy đủ, nhân vật được xây dựng một cách hài hòa, có đôi khi mình còn không phân biệt được đâu là nhân vật chính, đâu là nhân vật phụ. Bởi xét cho cùng, mỗi nhân vật của bạn đều có một câu chuyện đau đớn, não nề riêng. Từ người mẹ bị chồng bỏ của Nhạn, từ chàng Lũ thật thà mà lận đận tình duyên, từ người vợ mới cưới của cậu hai đến Nhạn, và Cậu hai đều bị giằng xé trong tâm trạng. Điều mình thích nhất đó chính là nhân vật Nhạn chẳng có một lời thoại nào nhưng lại là nhân vật được thể hiện nội tâm sâu nhất. Không phải qua lời nói mà là hành động và điều đó là một sự khác biệt với biết bao hình tượng nhân vật khác.

    Mình thích ngôn ngữ kể của bạn. Một phong cách đậm chất dân gian với những từ ngữ địa phương như má, bà phủ.. và rất nhiêu ca dao thành ngữ rất đỗi thân thuộc và dễ hiểu được bạn lồng ghép. Không hề tạo ra dấu ấn khó hiểu mà ngược lại khiến cho tác phẩm thực sự rất "đời thường". Mình cũng thích bối cảnh của bạn nữa. Bởi giữa cái xã hội xưa cũ với rất nhiều định kiến, rằng người câm mang điều rủi, rằng bị chồng bỏ là do hư.. thì mối tình của cậu hai và Nhạn lại ngời sáng hơn bao giờ hết.

    Mình thích kết truyện của bạn! Một cái kết buồn và phải nói là trái ngang cho một mối tình nhưng lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ khi đã ép duyên quá đà, khi đã chẳng hiểu lòng con. Thế nhưng ta cũng chẳng thể trách ai bởi chẳng ai là hoàn toàn có lỗi. Nhạn mang thai là do Cậu hai dụ dỗ hay do Nhạn hư hỏng, bà phủ ép cậu hai cưới vợ là do thương con hay yêu con.. Tất cả là những bi kịch đáng buồn của cuộc sống!

    Muốn viết nhiều hơn nữa nhưng lại nhận ra mình đã lan man quá nhiều! :)

    Không hiểu sao một tác phẩm hay như vậy nhưng lại có ít lượt đọc! Mong rằng bài viết của mình sẽ giúp tác phẩm đến được với nhiều độc giả hơn, thể hiện đúng giá trị và bổn phận của một tác phẩm văn học chân chính!

    Một tác phẩm trên cả tuyệt vời!

    Đón đọc những tác phẩm tiếp theo của bạn!

    Chúc bạn một ngày tốt lành!
     
    Mạnh ThăngLieuDuong thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...