Tác giả: Yoko Ogawa: Sinh năm 1962 tại Okayama. Từ khi tiểu thuyết đầu tay được nhận giải thưởng Kaien năm 1988, tiếng tăm của bà không ngừng được biết đến rộng rãi với một loạt các Giải Tanizaki, Giải Izumi, Giải Yomiuri. Năm 1991, Yoko Ogawa giành được giải thưởng danh tiếng Akutagawa cho tác phẩm Nhật ký mang thai Hiện tại, Yoko Ogawa được xếp vào hàng ngũ những tiểu thuyết gia đương đại lớn nhất Nhật Bản. - Các tác phẩm của Yoko Ogawa do Nhã Nam xuất bản: Quán trọ Hoa Diên Vỹ Nhật ký mang thai Giáo sư và công thức toán Giới thiệu qua về sách: "Giáo sư và công thức toán" Một ngày, một phụ nữ làm nghề giúp việc được giới thiệu đến làm việc tại nhà một vị giáo sư già. Nhưng, vốn trí nhớ chỉ duy trì được tám mươi phút, đối với giáo sư, đây luôn là cô giúp việc "mới tinh", và lần nào ông cũng chào cô bằng những câu hỏi về ngày sinh và cỡ giày. Những quy trình giới thiệu – làm quen cứ thế tiếp diễn hết ngày này qua ngày khác, cho tới khi cô ấy dẫn cậu con trai mười tuổi của mình đến chơi với giáo sư. Niềm vui, đam mê toán học, sự ân cần, lòng kiên nhẫn, tình yêu và niềm tin.. Đã hòa quyện trong mối quan hệ kỳ lạ giữa ba con người, để rồi vĩnh viễn đổi thay cuộc đời của họ.. Bằng văn phong giản dị thấm đẫm chất thơ và sự kỳ công trong việc lồng ghép những công thức tưởng chừng khô khan, để mỗi con số đều trở nên sống động và rất người, Yoko Ogawa – nhà văn đoạt giải Akutagawa, một trong những tiểu thuyết gia đương đại lớn nhất Nhật Bản – đã làm nên một kỳ tích văn chương xúc động và nồng ấm, để lại dư vị khó quên cho người đọc. Giáo sư và công thức toán đã nhận giải thưởng văn học Yomiuri và mới đây là giải thưởng của Hiệp hội Toán học vì giúp người đọc thấy được vẻ đẹp của môn khoa học này. ".. Giáo sư kéo xích ghế, đưa mắt lại gần hai con số hơn. Giáo sư cũng có mùi giấy giống y như thư phòng. - Cô biết ước số chứ? - Vâng, tôi không chắc lăm nhưng hình như ngày xưa tôi có được học.. - 220 chia hết cho 1. Cũng lại chia hết cho 220. Không bị dư ra tẹo nào. Vì thế mà 1 và 220 là ước số của 220. Bất kỳ số tự nhiên nào cũng có ước số là 1 và chính nó. Theo cô thì nó còn chia hết cho những số nào nữa? - 2 này, 10 này.. - Phải rồi. Ai bảo là cô không biết nào. Tiếp tục, ta thử liệt kê các số ước của 220 và 284 ra nhé, ngoại trừ chính nó. Ta được như thế này. 220: 1 2 4 5 10 11 20 22 44 55 110 142 71 4 2 1: 284 Các con số của giáo sư viết ra đều tròn trịa, và hơi nghiêng. Xung quanh chúng, lả tả những đám bột than hở ra từ cái ruột chì loại mềm. - Giáo sư tìm ra tất cả các ước số ấy bằng cách tính nhẩm hay sao? - Tôi không tính từng con số một, mà tìm ra chúng bằng cái trực giác giống như cô đã dùng ấy. Thế nhé, ta chuyển sang bước tiếp theo. Giáo sư thêm vào những ký hiệu. 220: 1+2+4+5+10+11+20+22+44+55+110 = = 142+71+4+2+1: 284 - Cô cộng đi nào. Chậm thôi cũng được. Giáo sư đưa bút chì cho tôi. Tôi viết các phép tính vào phần còn trống của tờ gấp quảng cáo. Các ngữ điệu tràn đầy dự cảm và vẻ dịu dàng của ông giúp tôi không rơi vào tâm trạng của một kẻ đang dự cuộc sát hạch. Ngược lại, tôi đã thoát ra khỏi cái tình thế khó xử này và cảm thấy trong mình một sứ mệnh, như thể tôi mới chính là người sẽ đem đến một câu trả lời chính xác. Tôi soát đi soát lại ba lần xem có sai sót gì không. Tự bao giờ, nắng đã tắt, màn đêm bắt đầu buông xuống. Thỉnh thoảng, có tiếng của vài giọt nước rỏ xuống từ đống bát đĩa chưa kịp rửa xong. Giáo sư đứng bên cạnh nhìn tôi chăm chú. - Xong rồi, giáo sư ạ. 220: 1+2+4+5+10+11+20+22+44+55+110 = 284 220 = 142+71+4+2+1: 284 - Hoàn toàn chính xác. Cô thấy chưa, chúng là một dãy số tuyệt vời, đúng không nào? Tổng các ước số của 220 bằng 284. Và tổng các ước số của 284 bằng 220. Cặp số của tình bạn. Một cặp số cực kỳ hi hữu. Ngay cả Fermat và Descartes, mỗi ông cũng chỉ tìm ra được một cặp số như thế thôi. Chúng được ràng buộc với nhau bởi một sợi dây mà Thượng đế đã an bài. Cô không thấy đẹp sao? Ngày sinh nhật của cô với con số khắc trên chiếc đồng hồ của tôi, chúng gắn bó với nhau bằng một chuỗi số kỳ diệu nhường này.."