Giáo án Ngữ văn 11, học kì II - Cánh diều, Bản Word & Powerpoint

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi Thùy Minh, 28 Tháng mười hai 2023.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,917
    BÀI 5: TRUYỆN NGẮN

    Đọc hiểu văn bản:

    TRÁI TIM ĐAN-KÔ

    (Trích Bà lão I-déc-ghin, Go-rơ-ki)

    Link bài giảng Canva: Link

    (Bạn download về máy dưới dạng Powerpoint cũng được nhé)

    A. MỤC TIÊU BÀI HỌC

    1. Năng lực

    Năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học; năng lực tư duy phản biện; năng lực hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề; năng lực sáng tạo.

    Năng lực đặc thù:

    - Phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học:

    - Học sinh nhận biết, phân tích được một số phương diện nội dung (đề tài, chủ đề, tư tưởng, triết lí nhân sinh) và một số yếu tố hình thức (các chi tiết tiêu biểu, sự kết nối giữa lời người kể chuyện và lời nhân vật) của văn bản Trái tim Đan-kô.

    + Học sinh nhận biết được ý nghĩa, tác động của văn bản văn học trong việc làm thay đổi suy nghĩ, tình cảm, cách nhìn và cách đánh giá của các nhân đối với văn học và cuộc sống.

    + HS đánh giá được chủ đề, tư tưởng và thông điệp của văn bản Trái tim Đan-kô .

    2. Phẩm chất: Biết giữ gìn phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp; tin tưởng vào phẩm chất trong sáng, cao thượng, tình yêu và lòng can đảm của con người.

    B. THIẾT BỊ DẠY HỌC, HỌC LIỆU

    1. Học liệu: Sách giáo khoa, sách giáo viên, phiếu học tập, video..

    2. Thiết bị: Máy chiếu, bảng, máy tính

    C. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

    HOẠT ĐỘNG 1: KHỞI ĐỘNG

    a. Mục tiêu: Tạo tâm thế thoải mái và gợi dẫn cho học sinh về nội dung bài học

    b. Nội dung: GV giao câu hỏi, HS suy nghĩ, trả lời

    c. Sản phẩm: Câu trả lời của học sinh.

    d. Tổ chức thực hiện:

    Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ: GV cho HS xem hình ảnh Go-rơ-ki, đặt câu hỏi:

    Đây là ai? Tác giả của những tác phẩm nổi tiếng nào?

    [​IMG]

    Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ: HS suy nghĩ, trình bày ý kiến

    Bước 3: Báo cáo thảo luận: Học sinh chia sẻ.

    Bước 4: Kết luận, nhận định: GV chốt ý và dẫn dắt vào bài học:

    - Nhà văn Go-rơ-ki

    - Tác giả của những tác phẩm: Thời thơ ấu, Bà lão I-déc-ghin, Kiếm sống, Những trường đại học của tôi, Người mẹ..

    HOẠT ĐỘNG 2: ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG

    a. Mục tiêu:

    - Học sinh nêu được một số đặc điểm cơ bản của truyện ngắn, một số thông tin về tác giả, tác phẩm phục vụ cho việc đọc hiểu tác phẩm

    b. Nội dung: Học sinh hoàn thiện phiếu học tập

    c. Sản phẩm: Phiếu thông tin về một số tri thức về thể loại truyện ngắn, về tác giả, tác phẩm của học sinh

    d. Tổ chức thực hiện:

    Nhiệm vụ 1: Tìm hiểu thông tin tác giả, tác phẩm, đoạn trích:


    Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ: GV yêu cầu HS nêu những hiểu biết khái quát về tác giả.

    Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ: Học sinh hoàn thành phiếu học tập về tác phần.

    Bước 3: Báo cáo thảo luận: Học sinh chia sẻ và báo cáo nội dung đã tìm hiểu.

    Bước 4: Kết luận, nhận định: GV chốt kiến thức khái quát về tác giả, tác phẩm:

    I. Tìm hiểu chung

    a. Tác giả

    * Vài nét về cuộc đời

    - M. Go-rơ-ki (1868 – 1936) là nhà văn vĩ đại người Nga. Ông sinh ra tại Nizhny Novgorod và mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới mười tuổi. Sau đó, ông sống với bà của mình. Ông đã có một tuổi thơ vô cùng cay đắng và tủi nhục. Cảnh nhà sa sút, ông phải bỏ học. Mười một tuổi đã đi kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau: Bới rác, đi ở, phụ bếp trên tàu thủy, phụ việc trong xưởng làm tượng thánh.

    - Dù cuộc sống khó khăn nhưng ông rất hiếu học và ham mê đọc sách. Với việc ham học hỏi, đi nhiều nơi đã trang bị cho ông một vốn kiến thức văn hóa đa dạng, phong phú về triết học, lịch sử.. đặc biệt là văn học Nga và phương Tây. Ông chính là người đặt nền móng cho trường phái hiện thực xã hội trong văn chương và là một nhà hoạt động chính trị người Nga. Cuối thế kỉ XIX đã trở thành nhà văn mà tên tuổi lừng danh khắp nước Nga và châu Âu. Sau Cách mạng tháng 10 Nga, Go-rơ-ki là người có công lớn nhất trong việc tổ chức, xây dựng và phát triển nền văn học mới bồi dưỡng các nhà văn trẻ.

    * Sự nghiệp sáng tác

    - M. Go-rơ-ki có một số lượng tác phẩm đồ sộ với nhiều thể loại như truyện ngắn, kịch bản văn học, văn chính luận, chân dung văn học.. Tên tuổi của Go-rơ-ki gắn liền với bộ tự thuật 3 tập: "Thời thơ ấu", "Kiếm sống", "Những trường đại học của tôi", tiểu thuyết "Người mẹ", "Phô-ma Gordep", vở kịch "Dưới đáy" và hàng trăm truyện ngắn.. Đặc biệt truyện ngắn "Bà lão I-dơ-ghin", "Bài ca chim ưng".. đã khắc sâu vào trái tim bao độc giả hơn thế kỉ nay.

    - Sáng tác của Go-rơ-ki thấm đẫm vẻ đẹp nhân văn hiếm có. Ông miêu tả và ca ngợi vẻ đẹp và sức mạnh của con người với tất cả niềm tin và lòng nhân ái bao la. Điều đó đã giúp cho các tác phẩm của ông luôn có sức sống lâu bền với độc giả

    b. Tác phẩm

    - Trái tim Đan-kô là một phần trong truyện ngắn Bà lão I-dec-ghin của M. Go-rơ-ki.

    - Truyện ngắn "Bà lão I-dec-ghin" (1894) :

    Tác phẩm kể về cuộc gặp gỡ tình cờ của nhân vật tôi và bà lão I-dec-ghin. Bà lão I-dec-ghin đã dẫn nhân vật tôi bước vào "câu chuyện cổ tích huyền diệu" qua lời kể của mình. Câu chuyện gồm 3 phần:

    + Phần đầu tiên là truyền thuyết về đứa con trai đại bàng, tên là Lác-ra. Lác-ra là một kẻ cao ngạo, ích kỉ, tàn bạo. Hắn gây ra vô số tội ác và bị mọi người xung quanh xa lánh, cô lập, hình phạt cho hắn là "tự do trong cô độc". Hắn trở thành cái bóng, một cái bóng đơn độc suốt bao ngàn năm giữa thảo nguyên bạt ngàn.

    + Phần 2 là hồi ức về tuổi trẻ tự do, phóng túng và cuồng nhiệt của bà lão I-dec-ghin.

    + Phần 3 là truyền thuyết về chàng Đan-kô. Bộ lạc của Đan-kô bị một đám người xa lạ, dữ tợn cướp mất chỗ ở, xua đuổi họ vào tận rừng sâu. Đan-kô đã dẫn đầu đoàn người, đưa cả bộ lạc đến với thảo nguyên bao la.

    Cả ba phần của truyện Bà lão I-déc-ghin đều thuộc về thế giới kì dị, phi thường, đều vang vọng lời kêu gọi hãy sống vì vẻ đẹp và phẩm giá đích thực của con người.

    HOẠT ĐỘNG 3: TỔ CHỨC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

    a. Mục tiêu:

    - HS nhận biết và phân tích được một số yếu tố của truyện: Cốt truyện, nhân vật, lời người kể chuyện, chi tiết; qua đó hiểu được vai trò của các yếu tố này trong việc tạo nên sức hấp dẫn của truyện kể.

    - HS phân tích và đánh giá được chủ đề của truyện, hiểu được tư tưởng và những thông điệp mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm.

    b. Nội dung: GV giao nhiệm vụ: HS tìm hiểu bài trước tiết học qua hệ thống câu hỏi trong SGK.

    c. Sản phẩm: Vở soạn của học sinh đã trả lời đầy đủ các câu hỏi trong SGK.

    d. Tổ chức thực hiện:

    Nhiệm vụ 2: Đọc hiểu văn bản theo hệ thống câu hỏi SGK.

    Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ:

    Giáo viên chia nhóm:

    Nhóm 1 - Câu 1: Văn bản Trái tim Đan-kô có mấy người kể chuyện? Đó là những ai và họ kể chuyện như thế nào? Việc lựa chọn người kể chuyện như vậy có tác dụng gì đối với câu chuyện được kể?

    Nhóm 2 - Câu 2 . Hãy tóm tắt câu chuyện về chàng Đan-kô. Bối cảnh (không gian, thời gian) diễn ra các sự kiện trong câu chuyện có gì đáng chú ý?

    Nhóm 3 - Câu 3 . Phân tích tình thế, diễn biến tâm trạng và hành động của đoàn người khi di chuyển trong rừng rậm.

    Nhóm 4 - Câu 4 . Phân tích hình tượng nhân vật Đan-kô (Gợi ý: Thể hiện qua các chi tiết miêu tả hành động, tâm trạng, lời nói của Đan-kô; xác định đặc điểm tính cách của nhân vật; nêu điểm đặc sắc của nghệ thuật khắc họa nhân vật).

    Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ: Học sinh thảo luận theo nhóm và trả lời các câu hỏi gợi ý trong phiếu học tập.

    Bước 3: Báo cáo thảo luận: Học sinh chia sẻ bài làm và báo cáo phần tìm hiểu; Các nhóm nhận xét, bổ sung.

    Bước 4: Kết luận, nhận định: Giáo viên nhận xét các nhóm và chốt những kiến thức cơ bản:

    II. Đọc hiểu văn bản

    1. Người kể chuyện

    - Văn bản Trái tim Đan-kô có 2 người kể chuyện là bà lão I-déc-ghin và nhân vật "tôi". Trong đó, người kể chính là nhân vật "tôi". Nhân vật này đóng vai là người nghe bà lão kể lại truyền thuyết về chàng Đan-kô và thuật lại toàn bộ câu chuyện bà lão đã kể.

    - Nhân vật "tôi" không chỉ thuật lại hoàn toàn lời kể của bà lão mà còn miêu tả quang cảnh thảo nguyên, nơi bà lão kể chuyện, ghi lại cuộc đối thoại với bà lão, bình luận về câu chuyện, về nhân vật Đan-kô, về dáng vẻ, cử chỉ của người kể, về tác động của câu chuyện đối với người nghe

    - Tác dụng:

    + Cách kể như vậy vừa đảm bảo được tính khách quan vừa vẫn thể hiện được tính chủ quan, định hướng cho người đọc tin vào tính chân thật của câu chuyện truyền thuyết.

    + Giúp người đọc phân biệt hai thế giới: Thế giới thực tại là câu chuyện của bà lão và nhân vật tôi; thế giới huyền ảo, tưởng tượng là câu chuyện về chàng Đan-kô nhưng đồng thời vẫn thấy mối liên quan giữa hai thế giới: Câu chuyện về chàng Đan-kô dường như đang hiện hữu trong thế giới thực tại.

    + Tạo ra hình thức truyện lồng trong truyện. Khung ngoài truyện là chuyện nhân vật "tôi" được bà lão I-déc-ghin kể cho nghe câu chuyện về chàng Đan-kô. Ở khung bên ngoài này, nhân vật "tôi" đóng vai là người kể chuyện ngôi thứ nhất can dự vào câu chuyện với tư cách là một nhân vật. Lồng trong khung này là trái tim cháy sáng của chàng Đan-kô do bà lão kể. Giờ đây, người kể chuyện ngôi thứ nhất trở thành người nghe chuyện, đưa ra các nhận xét, bình luận về câu chuyện và giọng điệu kể chuyện của bà lão I-déc-ghin. Khác với nhân vật tôi, nhân vật bà lão I-déc-ghin đứng bên ngoài câu chuyện về chàng Đan-kô do bà lão kể, hoàn toàn không can dự gì vào các sự kiện. Vì thế câu chuyện về chàng Đan-kô có hình thức kể chuyện từ người kể chuyện ngôi thứ ba. Sự luân phiên giữa kể, tả, bình luận của người kể chuyện ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba tạo nên nét độc đáo của tác phẩm.

    2. Tóm tắt câu chuyện về chàng Đan-kô

    - Tóm tắt Trái tim Đan-kô:

    Bộ tộc của Đan-kô đang sống yên bình thì những bộ lạc khác từ đâu xuất hiện, xua đuổi họ vào rừng sâu, nơi chỉ có đầm lầy và bóng tối ghê rợn. Càng đi sâu vào rừng, nỗi khiếp sợ càng lớn, vì thế, họ đã định nộp mình cho kẻ thù, chấp nhận kiếp sống nô lệ. Đúng lúc đó, Đan-kô xuất hiện. Anh dẫn bộ lạc của mình xuyên qua rừng rậm, đầm lầy, để tìm con đường sống. Đường đi vô cùng khó khăn, sức đoàn người suy kiệt. Họ quay ra oán trách, mắng nhiếc anh thậm tệ, kết tội chết, muốn vây bắt và giết chết anh. Đan-kô phẫn uất sôi sục nhưng lòng thương người, tình yêu bộ tộc rừng rực cháy trong tim anh. Đan-kô đã xé toang lồng ngực, dứt trái tim cháy rực sáng, giơ cao để soi đường cho mọi người vượt qua rừng rậm, đầm lầy đến với thảo nguyên bao la, tự do. Đúng lúc nhìn thấy thảo nguyên, Đan-kô gục xuống và chết, còn đoàn người vui sướng, có người còn giẫm lên trái tim của Đan-kô.

    - Bối cảnh thời gian, không gian diễn ra các sự kiện:

    + Không gian: Rừng rậm, thảo nguyên, bóng tối và mùi hôi thối vây chặt đoàn người. -> thiên nhiên khắc nghiệt thử thách ý chí của mọi người và Đan-kô. Trong bối cảnh thiên nhiên đó Đan-kô bộc lộ phẩm chất can trường, lòng yêu thương con người và tinh thần dám xả thân vì đoàn người.

    + Thời gian: "Thuở xưa", là khoảng thời gian không xác định, đậm màu sắc cổ tích, huyền thoại, bộc lộ trí tưởng tượng phi thường của tác giả và màu sắc lãng mạn của câu chuyện. Trong thời gian "thuở xưa" đó có "một hôm" giông bão gầm thét. Đây là thời điểm thiên nhiên thể hiện sức mạnh dữ dội, khủng khiếp, thử thách ý chí và nghị lực của đoàn người. Đây cũng là khoảnh khắc người anh hùng tỏa sáng bằng hành động xé toang lồng ngực, giơ cao trái tim cháy sáng, dẫn đoàn người đi qua rừng rậm, đầm lầy, đến với thảo nguyên tự do.

    3. Hình ảnh đoàn người di chuyển trong rừng rậm

    a. Tình thế của đoàn người:

    Bị xua đuổi vào rừng sâu, họ chỉ có hai lựa chọn: Vượt qua đầm lầy và bóng tối để đến với thảo nguyên bao la, tự do hoặc quay lại nộp mình cho kẻ thù, chấp nhận kiếp sống nô lệ.

    → Đây là tình thế khó khăn, đòi hỏi sự lựa chọn dứt khoát, hành động quyết liệt.

    b. Diễn biến tâm trạng và hành động của đoàn người:

    - Khi bị xua đuổi vào rừng, họ lúng túng, do dự, không biết phải làm thế nào. Họ cứ ở đó lo nghĩ, những ý nghĩ buồn rầu khiến họ hoang mang và kiệt sức, mất ý chí, định nộp mình cho kẻ thù, chấp nhận kiếp sống nô lệ.

    - Khi di chuyển trong rừng rậm dưới sự dẫn dắt của Đan-kô:

    + Ban đầu: Họ tin tưởng đi theo Đan-kô

    + Khi gặp nhiều khó khăn, dông bão gầm thét: Họ mất tinh thần, họ oán trách, trút căm hờn và giận dữ vào Đan –kô.

    + Khi Đan-kô tỏ thái độ đường hoàng, tự tin và chỉ rõ sự yếu kém của họ, họ càng điên tiết muốn bắt và giết chết Đan-kô.

    + Khi Đan-kô xé toang lồng ngực, giơ cao trái tim cháy sáng, đoàn người đứng sững, đờ đẫn, bất động vì hành động quá bất ngờ của Đan-kô.

    + Khi Đan-kô hét lớn, thúc giục đoàn người di chuyển, họ mê muội tiến mạnh lên, không còn khóc lóc, than vãn nữa.

    → Đây là những người không có niềm tin vững chắc, không đủ sức mạnh ý chí và lòng can đảm để vượt qua thử thách. Họ còn là những con người nông nổi, vô ơn, ích kỉ, không đủ khả năng để thấu hiểu ý nghĩ và hành động của người anh hùng.

    4. Hình tượng nhân vật Đan-kô

    - Đan-kô xuất hiện khi đoàn người yếu đuối, mất khả năng hành động, sợ cái chết và dự tình đầu hàng. Anh tình nguyện nhận nhiệm vụ dẫn dắt đoàn người.

    - Đan-kô nói với đoàn người: "Nghĩ ngợi không giúp hất bỏ tảng đá trên con đường ta đi. Cứ lo nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức? Hãy đứng lên và bước đi, xuyên qua rừng già chúng ta sẽ đến một nơi tốt, rừng sâu cũng có chỗ kết thúc, mọi thứ trên đời đều có chỗ kết thúc"

    Những lời nói này cho thấy chàng là con người của lẽ sống hành động, dám hành động.

    - Đường đi gian nan, đoàn người dần kiệt sức, họ bắt đầu oán trách nhưng anh vẫn "hăng hái, tươi tỉnh" dẫn dắt mọi người.

    Điều đó chứng tỏ Đan-kô là người kiên cường, bền bỉ, sáng suốt và lạc quan.

    - Khi bị mọi người xúm vào kết tội, Tâm trạng Đan-ko có nhiều chuyển biến:

    + Khi bị đoàn người căm hờn, giân dữ lên tiếng kết tội, anh bày tỏ thái độ tự tin, bất khuất. Anh dõng dạc thẳng thắn chỉ ra những sai lầm của họ: "các người chỉ cắm cổ đi, không biết giữ sức để đi được lâu dài hơn"

    + Khi đoàn người tức giận đến cao độ và xúm quanh với vẻ thù địch thì anh uất hận, phẫn nộ sục sôi.

    + Khi thấu hiểu, thương yêu, anh nhiệt tình và thành tâm muốn cứu đoàn người.

    + Khi bị hiểu lầm, anh buồn rầu.

    - Hành động "xé toang lồng ngực, dứt trái tim ra và giơ cao trên đầu" là hành động thể hiện bản lĩnh, ý chí, khát vọng lớn lao, tinh thần dám xả thân vì cộng đồng của người anh hùng.

    => Tâm trạng và hành động nói trên cho thấy Đan-kô lời nói ngay thẳng, tâm hồn cao thượng, hành động phi thường.

    - Nghệ thuật khắc họa nhân vật: Tính cách nhân vật Đan-kô được khắc họa qua lời nói, hành động, tâm trạng của chính nhân vật; qua thủ pháp tương phản, đối lập; sử dụng hình ảnh thiên nhiên như là hình ảnh tượng trưng cho những thử thách khắc nghiệt, qua đó làm nổi bật những phẩm chất, tính cách của nhân vật.

    Nhiệm vụ 3: Tổ chức luyện tập, liên hệ, kết nối

    *Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

    GV đặt câu hỏi 5, 6 – SGK, chia lớp thành 2 nhóm, mỗi nhóm trao đổi cặp trên cơ sở nội dung đã chuẩn bị ở nhà để thống nhất nội dung trả lời câu hỏi GV giao

    * Nhóm 1:

    () Có ý kiến cho rằng: Văn bản Trái tim Đan-kô chứa đựng thông điệp có ý nghĩa triết lí nhân sinh về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng. Em tán thành hay phản đối quan điểm đó? Vì sao?

    GV gợi dẫn (và định hướng để HS bày tỏ thái độ đồng tình) :

    - Em thấy văn bản Trái tim Đan-kô chứa đựng những thông điệp có ý nghĩa triết lí nhân sinh nào?

    - Em đồng tình hay phản đối những quan điểm đó (Hoặc: Thông điệp nào có ý nghĩa với em nhất? Vì sao?

    * Nhóm 2:

    () Em có cảm nghĩ gì về hình ảnh "trái tim cháy hùng vĩ của Đan-kô"?

    *Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

    Học sinh suy ngẫm, trao đổi cặp

    *Bước 3: Báo cáo, thảo luận

    GV gọi 4-5 HS trình bày suy nghĩ của bản thân, nhận xét ý kiến của các bạn khác

    *Bước 4: Kết luận, nhận định

    GV nhận xét, sửa chữa, bổ sung ý kiến của HS:

    III. Luyện tập, liên hệ, kết nối

    1. Thông điệp có ý nghĩa triết lí nhân sinh về mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng

    Có thể nhận ra những thông điệp sau:

    - Thông điệp thể hiện trực tiếp qua lời nói của Đan-kô:

    "Nghĩ ngợi không giúp hất bỏ tảng đá trên con đường ta đi. Cứ lo nghĩ làm chi cho hao tâm tổn sức? Hãy đứng lên và bước đi, xuyên qua rừng già chúng ta sẽ đến một nơi tốt, rừng sâu cũng có chỗ kết thúc, mọi thứ trên đời đều có chỗ kết thúc! Ta đi đi! Nào! Tiến bước!"

    →Khẳng định lẽ sống hành động, khích lệ con người hành động

    - Thông điệp được thể hiện gián tiếp qua mối quan hệ giữa đoàn người và Đan-kô, ta nhận ra ý nghĩa cao đẹp của lối sống vì lợi ích của cộng đồng.

    - Thông điệp có ý nghĩa với em nhất, vì: Sống vì cộng đồng là lẽ sống cao đẹp, thể hiện ý thức trách nhiệm cao, sống vì cộng đồng sẽ tạo nên giá trị tốt đẹp, được mọi người ti tưởng, lan tỏa những điều tích cực đến cộng đồng, góp phần tạo nên vẻ đẹp cuộc sống.

    2. Hình ảnh "trái tim cháy hùng vĩ của Đan-kô"

    Ý chính: Hình ảnh này tượng trưng cho sự mạnh mẽ. Dũng cảm, dám tận hiến vì cuộc sống tự do và hạnh phúc của cộng đồng.

    HOẠT ĐỘNG 4: TỔNG KẾT

    a. Mục tiêu: HS khái quát được về giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật của truyện ngắn; khái quát đặc điểm thể loại thông qua văn bản và rút ra cách đọc các văn bản cùng loại

    b. Nội dung: GV giao nhiệm vụ: HS khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm; đặc điểm thể loại thông qua văn bản và rút ra cách đọc các văn bản cùng loại (xong trước tiết học)

    c. Sản phẩm: Vở soạn của học sinh đã trả lời đầy đủ các câu hỏi trong SGK

    d. Tổ chức thực hiện:

    Nhiệm vụ 4: HS tổng hợp lại các kiến thức đã học.


    Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ

    GV chia nhóm, đặt câu hỏi:

    Nhóm 1 :() Em hãy nêu ngắn gọn giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

    Nhóm 2: () Hãy rút ra đặc điểm thể loại thông qua văn bản đã học và rút ra cách đọc các văn bản cùng loại

    *Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ

    HS xem vở soạn, trao đổi để thống nhất câu trả lời

    *Bước 3: Báo cáo, thảo luận

    Đại diện các nhóm trình bày; HS trong lớp nhận xét, trao đổi, bổ sung

    *Bước 4: Kết luận, nhận định:

    IV. Tổng kết


    1. Khái quát giá trị về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

    - Nội dung:

    Tác phẩm ca ngợi người anh hùng can trường vượt qua khó khăn, thử thách, dám hành động xả thân vì cộng đồng, không màng đến lợi ích cá nhân, tin tưởng vào con đường mình đã chọn, biết thương yêu và muốn cứu giúp mọi người, không sợ bị mọi người hiểu lầm hay không thấu hiểu

    - Nghệ thuật:

    + Kết cấu truyện lồng trong truyện

    + Phối hợp hai ngôi kể chuyện sáng tạo và hợp lí

    + Sử dụng bút pháp lãng mạn với các thủ pháp: Tương phản-đối lập, tượng trưng

    + Trí tưởng tượng bay bổng diệu kì, đậm màu sắc cổ tích, huyền thoại

    2. Khái quát đặc điểm thể loại thông qua văn bản và rút ra cách đọc hiểu loại văn bản

    - Đặc điểm thể loại thông qua văn bản:

    Trái tim Đan-kô là một trong những truyện ngắn thể hiện đầy đủ những đặc điểm cơ bản của thể loại này:

    + Về tình huống truyện: Tác giả đã xây dựng được những hoàn cảnh "có vấn đề" (đám người bị bộ lạc khác xua đuổi vào rừng sâu, do dự không biết phải là thế nào – Đan-ko xuất hiện, tự tin, quả quyết dẫn dắt họ; Đan-ko bị oán trách, bị kết tội – anh xé toang lồng ngực, giơ cao trái tim cháy sáng), trong hoàn cảnh đó, các nhân vật, đặc biệt là nhân vật chính bắt buộc phải lựa chọn cách ứng xử, qua đó bộc lộ phẩm chất, tính cách

    + Về cốt truyện: Truyện xây dựng được một chuỗi sự kiện, thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

    + Về nhân vật: Nhân vật chính (Đan-ko) được đặt trong một hoàn cảnh cụ thể, vừa mang tính chung phổ quát vừa mang tính riêng độc đáo.

    - Về chi tiết: Trong truyện có nhiều chi tiết tiêu biểu (tái hiện lời nói, miêu tả hành động, tâm trạng của nhân vật Đan-ko) góp phần quan trọng bộc lộ phẩm chất của nhân vật, thể hiện tư tưởng của tác phẩm

    + Về người kể chuyện


    Các sự kiện trong truyện được dẫn dắt, tái hiện bởi người kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện ngôi thứ ba

    - Cách đọc hiểu loại văn bản:

    Khi đọc hiểu truyện ngắn cần chú ý:

    + Trong truyện có những sự kiện nào? Chuỗi sự kiện được sắp xếp ra sao?

    + Lời người kể chuyện và lời nhân vật được kết nối với nhau như thế nào?

    + Nhân vật chính là ai? Nhân vật được khắc họa từ những phương diện nào? (ngoại hình, ngôn ngữ, hành động, nội tâm, mối quan hệ với nhân vật khác) ; những chi tiết nào có tác dụng khắc họa rõ nét phẩm chất tính cách nhân vật? Nhân vật được đặt trong hoàn cảnh "có vấn đề" nào, trong mối quan hệ với những nhân vật nào để bộ lộ tính cách?

    + Bối cảnh trong truyện có tác dụng, ý nghĩa gì trong việc thể hiện diễn biến tâm lí và tính cách nhân vật?
     
    Chỉnh sửa cuối: 3 Tháng một 2024
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    1,917
    Đọc hiểu văn bản:

    MỘT NGƯỜI HÀ NỘI

    (Nguyễn Khải)

    Link bài giảng Canva: Link

    (Bạn download về máy dưới dạng Powerpoint cũng được nhé)

    A. MỤC TIÊU BÀI HỌC

    1. Yêu cầu về kiến thức

    - Hiểu đôi nét về Nguyễn Khải – một trong những nhà văn Việt Nam hiện đại tiêu biểu nhất: Nhạy bén với những vấn đề thời sự xã hội và có khả năng phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo. Ở giai đoạn đổi mới của đất nước, ông đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần và số phận cá nhân trong cuộc sống đời thường. Giọng văn đôn hậu, trầm lắng, nhiều chiêm nghiệm về những triết lí nhân sinh.

    - Cảm nhận được vẻ đẹp và chiều sâu văn hóa của người Hà Nội qua hình tượng nhân vật bà Hiền.

    - Nắm được một số nét cơ bản trong nghệ thuật văn xuôi của Nguyễn Khải: Nghệ thuật lựa chọn tình tiết, xây dựng tính cách nhân vật, giọng văn đượm chất triết lí.

    2. Năng lực:

    - Năng lực đặc thù:

    + Học sinh nắm được các yêu cầu về đọc hiểu Truyện ngắn.

    + Học sinh được rèn luyện kĩ năng nghị luận về một đoạn trích văn xuôi, về 1 ý kiến bàn về văn học;

    - Năng lực chung: Năng lực tự chủ và tự học; Năng lực giao tiếp hợp tác; Năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo..

    3. Phẩm chất:

    - Hình thành thói quen: Đọc hiểu văn bản truyện hiện đại;

    - Hình thành tính cách: Tự tin, sáng tạo khi tìm hiểu văn bản truyện hiện đại;

    - Biết nhận thức được ý nghĩa của truyện hiện đại Việt Nam trong lịch sử văn học dân tộc. Trân quý những giá trị văn hóa truyền thống mà truyện hiện đại đem lại.

    B. THIẾT BỊ DẠY HỌC, HỌC LIỆU

    1. Học liệu: Sách giáo khoa, sách giáo viên, phiếu học tập, video..

    2. Thiết bị: Máy chiếu, bảng, máy tính

    C. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC

    HOẠT ĐỘNG 1: KHỞI ĐỘNG

    a . Mục tiêu:

    - Kết nối – tạo hứng thú cho học sinh, chuẩn bị tâm thế tiếp cận kiến thức mới; huy động kiến thức nền liên quan đến bài học.

    b. Nội dung hoạt động:

    - GV cho HS xem những bức ảnh về mảnh đất và con người Hà Nội qua các giai đoạn lịch sử (trước 1954; thời kì chống Mỹ; sau chiến thắng mùa xuân 1975 và thời kì đất nước đổi mới) từ đó đặt câu hỏi để gợi mở vấn đề.

    - HS trả lời cá nhân để giải quyết một tình huống có liên quan đến bài học mới.

    c. Sản phẩm: Câu trả lời của HS, cảm nhận ban đầu về vấn đề đặt ra trong bài học.

    d. Tổ chức thực hiện hoạt động:

    Bước 1: Chuyển giao nhiệm vụ:

    - Trình chiếu một số hình ảnh về mảnh đất và con người Hà Nội.

    [​IMG]

    - GV cho HS nghe bài hát Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi

    - HS nghe bài hát và trả lời câu hỏi: Cảm xúc của em sau khi nghe bài hát?

    (GV mời 2-3 HS trả lời)

    Bước 2: Thực hiện nhiệm vụ: HS xem, suy nghĩ, trả lời.

    Bước 3: Báo cáo kết quả

    Bước 4: GV khái quát, dẫn vào bài.

    - Tự hào về mảnh đất ngàn năm văn hiến.

    - Trân trọng, biết ơn sự vất vả, hi sinh của cha, anh trong việc gìn giữ phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến của mảnh đất kinh kì nói riêng và mọi mảnh đất Tổ quốc nói chung..

    HOẠT ĐỘNG 2: ĐỌC VÀ TÌM HIỂU CHUNG

    Mục tiêu:

    - Đánh giá được giá trị thẩm mĩ của các yếu tố hình thức và nội dung trong truyện ngắn.

    - Phát triển năng lực giao tiếp và hợp tác trong làm việc nhóm và trình bày sản phẩm nhóm.

    - Yêu quý và trân trọng và có trách nhiệm với các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

    - Chăm chỉ, tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ học tập được giao.

    Hoạt động 2.1. Đọc và tìm hiểu chung

    a. Mục tiêu: Phân tích đánh giá được giá trị thẩm mỹ của các yếu tố hình thức (lựa chọn tình tiết, xây dựng tính cách nhân vật, giọng văn đượm chất triết lí) và nội dung (phẩm cách con người Hà Nội, giá trị văn hóa, văn hiến của mảnh đất thủ đô) trong truyện ngắn viết về đề tài quê hương đất nước.

    b. Nội dung: Đọc văn bản; vận dụng các tri thức công cụ đã được cung cấp trong phần Kiến thức ngữ văn ; văn bản Một người Hà Nội và chuẩn bị vào đọc hiểu hình thức, nội dung của văn bản; trả lời các câu hỏi đọc hiểu sau văn bản.

    c. Sản phẩm: Bài trình bày sản phẩm theo yêu cầu của GV (bằng miệng hoặc kết hợp các phương tiện hỗ trợ).

    d. Tổ chức thực hiện:

    B1: GV giao nhiệm vụ:
    HS tìm hiểu (ở nhà) và tóm tắt tiểu sử, quá trình sáng tác cùng các đề tài chính của Nguyễn Khải; ghi lại những hiểu biết về tác phẩm Một người Hà Nội.

    B2: HS thực hiện nhiệm vụ

    B3: HS báo cáo kết quả

    B4: GV nhận xét, chốt kiến thức:

    I. Tìm hiểu chung

    1. Tác giả:


    - Nguyễn Khải (1930-2008), tên khai sinh là Nguyễn Mạnh Khải, sinh tại Hà Nội nhưng tuổi nhỏ sống ở nhiều nơi.

    - Nguyễn Khải viết văn từ năm 1950, bắt đầu được chú ý từ tiểu thuyết Xung đột .

    - Sau năm 1975, sáng tác của ông đề cập đến nhiều vấn đề xã hội - chính trị có tính thời sự và đặc biệt quan tâm đến tính cách, tư tưởng, tinh thần của con người hiện nay trước những biến động phức tạp của đời sống:

    + Cha và con, và (1970),

    + Gặp gỡ cuối năm (1982)..

    => Nguyễn Khải là nhà văn được rèn luyện, trưởng thành trong quân ngũ; một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nước ta từ Cách mạng tháng 8; ông rất nhạy bén với những vấn đề thời sự xã hội; khả năng phân tích tâm lí nhân vật sắc sảo; giọng văn đôn hậu, trầm lắng, nhiều chiêm nghiệm về những triết lí nhân sinh.

    2. Tác phẩm

    - Một người Hà Nội in trong tập truyện ngắn cùng tên của Nguyễn Khải (1990) ; in trong Hà Nội trong mắt tôi (1995).

    - Truyện đã thể hiện những khám phá, phát hiện của Nguyễn Khải về vẻ đẹp trong chiều sâu tâm hồn, tính cách con người Hà Nội qua bao biến động thăng trầm của đất nước.

    HOẠT ĐỘNG 3: TỔ CHỨC ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

    Hướng dẫn đọc - hiểu nhân vật bà Hiền

    - B1: GV giao nhiệm vụ

    GV tổ chức cho HS suy nghĩ, thảo luận, phát biểu nhận xét, bổ sung để hoàn chỉnh các vấn đề sau:

    Nhóm 1: Nhân vật cô Hiền được đặt trong những mối quan hệ với ai? Vẽ sơ đồ. Nêu cảm nhận của em về nhân vật cô Hiền, tìm các chi tiết trong văn bản thể hiện rõ đặc điểm của nhân vật. Tại sao cô Hiền được nhân vật tôi gọi là hạt bụi vàng của Hà Nội?

    Nhóm 2: Nêu cảm nhận về nhân vật tôi

    Nhóm 3: Nêu cảm nhận về các nhân vật khác trong truyện.

    Nhóm 4: Nêu ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh cây si? (Chú ý chi tiết cây si bị bão đánh bật rễ rồi lại hồi sinh)

    B2: HS thực hiện nhiệm vụ

    B3: HS báo cáo kết quả

    B4: GV nhận xét, chốt kiến thức:

    II. Đọc hiểu văn bản


    1. Nhân vật cô Hiền qua sự khám phá của nhân vật tôia. Các mối quan hệ:

    Cô Hiền là trung tâm của các mối quan hệ gia đình, họ hàng, chủ nhà - người giúp việc:

    [​IMG]

    b. Phẩm chất, tính cách

    - Sống chân thành, thẳng thắn, không giấu giếm quan điểm, thái độ trước các vấn đề thế sự và cuộc đời:

    + Trước cách xưng hô của chồng, con: Gắt, cau mặt, thở dài, quay đi →không bằng lòng với cách bắt chước ngôn ngữ cách mạng không phải lối

    + Nhận xét: "Vui hơi nhiều và nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ?" →nhận ra niềm vui hơi quá mức và có phần thỏa mãn của con người sau chiến thắng

    - Có đầu óc thực tế, khôn khéo, không lãng mạn, viển vông:

    + Chọn một ông giáo cấp tiểu học hiền lành, chăm chỉ, không chọn văn nhân, quan chức;

    + Việc sinh con, chấm dứt ở tuổi 40, muốn con tự lập không bám vào anh chị.

    + Bán một ngôi nhà ở hàng Bún

    + Không đồng ý cho chồng mua máy in, thuê người làm.

    + Bản thân mở một cửa hàng lưu niệm, tự tay làm ra sản phẩm "hoa làm rất đẹp, bán rất đắt".

    - Lịch sự, tế nhị, hào hoa, biết tôn trọng, giữ gìn phẩm cách, lối sống người Hà Nội, có niềm tin vững chắc vào sức sống của văn hóa Hà Nội trước thăng trầm lịch sử:

    + Nơi ở, cái ăn - mặc vẫn sang trọng, khác với mọi người.

    + Dạy con: Chú ý sửa chữa cách ngồi, cách cầm bát, cầm đũa, cách múc canh và cả cách nói chuyện trong bữa ăn. "Chúng mày là người Hà Nội thì cách đi đứng, nói năng phải có chuẩn, không được sống tuỳ tiện, buông tuồng".

    →Giữ được nếp sinh hoạt truyền thống đẹp đẽ của một gia đình có văn hóa.

    + Bằng lòng cho hai đứa con đi chiến đấu vì: Không muốn con sống bám vào sự hy sinh của bạn bè. Bảo nó tìm đường sống để các bạn nó phải chết cũng là một cách giết chết nó. Muốn bình đẳng với các bà mẹ khác "hoặc sống cả hoặc chết cả, vui lẻ thì có hay hớm gì" -> giàu tự trọng.

    + Sau chiến thắng mùa xuân 1975, đất nước trong thời kì đổi mới, giữa không khí xô bồ của thời kinh tế thị trường, cô Hiền vẫn là "một người Hà nội của hôm nay, thuần tuý Hà Nội, không pha trộn" : Căn phòng lưu giữ bàn ghế, sập, tủ cổ; Cách cô tỉ mỉ lau đánh bát bày thủy tiên;..

    +Trong mọi biến cố, cô luôn tin Hà Nội vẫn đẹp, văn hóa Hà Nội như cây si cổ thụ

    Nhận xét chung: Cô Hiền được gọi là hạt bụi vàng của Hà Nội. Cô là người Hà Nội bình thường nhưng có phẩm chất, cốt cách đẹp. Cô Hiền vừa tiêu biểu cho vẻ đẹp con người, văn hóa Hà Nội, vừa góp phần giữ gìn phát huy những vẻ đẹp ấy. Có những người như cô Hiền sống giữa cuộc đời sẽ làm cho cuộc sống bình thường trở nên sang đẹp hơn, cao quý hơn.

    2. Người kể chuyện - "tôi"

    - Là người có cách nhìn đời, nhìn người đa chiều, sâu sắc, tinh tế; quan sát và nêu ra những bằng chứng sống động, khách quan về "cách sống, cái tâm lí sống ồ ạt, xô bồ, vụ lợi" của người Hà Nội.

    - Có quan điểm thẳng thắn, nhận xét trung thực, biểu hiện sự từng trải, tự tin, lịch lãm.

    - Là người hiểu Hà Nội, yêu Hà Nội, có thái độ nâng niu, trân trọng, ngưỡng mộ nét đẹp văn hóa Hà Nội, xót xa khi những nét đẹp đó bị mai một.

    3. Các nhân vật khác trong truyện:

    - Nhân vật Dũng - con trai cô Hiền:

    + Anh đã sống đúng với những lời mẹ dạy về cách sống của người Hà Nội. Anh cùng với 660 thanh niên ưu tú của Hà Nội lên đường hiến dâng tuổi xuân của mình cho đất nước.

    + Dũng, Tuất và tất cả những chàng trai Hà Nội ấy đã góp phần tô thắm thêm cốt cách tinh thần người Hà Nội.

    - Bên cạnh đó, còn có những người tạo nên "nhận xét không mấy vui vẻ" của nhân vật "tôi" về Hà Nội.

    + Đó là "ông bạn trẻ đạp xe như gió" đã làm xe người ta suýt đổ lại còn phóng xe vượt qua rồi quay mặt lại chửi "Tiên sư cái anh già",

    + Là những người mà nhân vật tôi quên đường phải hỏi thăm..

    → Đó là những "hạt sạn", làm mờ đi nét đẹp tế nhị, thanh lịch của người Tràng An.

    4. Hình ảnh cây si

    - Si là loài cây thường trồng ở chùa miếu linh thiêng, gắn liền với đời sống tinh thần, sinh hoạt văn hóa tâm linh. - Cây si bị bật rễ tượng trưng cho những giá trị văn hóa tạm thời bị tàn phá, đứt gãy. - Cách mọi người cố gắng cứu cây si thể hiện ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa tâm linh. - Sự hồi sinh của cây si khẳng định sức sống, niềm tin bất diệt vào sự trường tồn của giá trị văn hóa tinh thần.

    - > Cây si là hình ảnh, chi tiết đặc sắc, gửi gắm thông điệp: Phẩm cách con người và bản sắc văn hóa bị tác động bởi thời thế, nhưng những giá trị tốt đẹp, tử tế, đích thực thì luôn có sức sống mạnh mẽ, trường tồn.

    HOẠT ĐỘNG 4: TỔNG KẾT, LUYỆN TẬP

    Hướng dẫn khái quát nội dung, nghệ thuật và ý nghĩa văn bản

    B1: GV giao nhiệm vụ:

    Nhóm 1:
    Khái quát nội dung, nghệ thuật

    Nhóm 2: Câu 1. Trong truyện Một người Hà Nội, lời nhân vật được cá thể hóa sâu sắc và phối hợp hài hòa với lời người kể chuyện. Hãy nêu ý kiến của em về nhận định đó.

    Nhóm 3: Câu 2. Nêu mối quan hệ giữa phẩm chất cá nhân với nhận thức, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa?

    Nhóm 4: Câu 3. Suy nghĩ về vai trò của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

    B2: HS thực hiện nhiệm vụ

    B3: HS báo cáo kết quả

    B4: GV nhận xét, chốt kiến thức:

    III. Tổng kết

    1. Nội dung:

    - Ca ngợi một người Hà Nội có bản lĩnh, biết giữ gìn, phát huy nếp nghĩ, lối sống tốt đẹp, tinh tế, lịch lãm, hào hoa của vùng đất Thăng Long, Hà Nội.

    - Khẳng định sức sống của các giá trị văn hóa Hà Nội, gửi gắm niềm thiết tha gìn giữ các giá trị ấy cho hôm nay và cho cả mai sau.

    2. Nghệ thuật

    - Nghệ thuật trần thuật: Kể bằng đối thoại, bằng phân tích, bình luận, cái nhìn đa chiều.

    - Nghệ thuật xây dựng nhân vật: Tính cách nhân vật được bộc lộ qua lời kể và đối thoại.

    - Chi tiết nghệ thuật đặc sắc: Hình ảnh cây si cổ thụ, hạt bụi vàng..

    IV. Luyện tập

    Câu 1. Trong truyện Một người Hà Nội, lời nhân vật được cá thể hóa sâu sắc và phối hợp hài hòa với lời người kể chuyện. Hãy nêu ý kiến của em về nhận định đó.

    - Trong truyện, lời nhân vật được cá thể hóa sâu sắc: Mỗi nhân vật có một kiểu nói, cách nói, một giọng điệu riêng. VD trong đoạn sau, có giọng xấc xược hỗn láo, có giọng lịch lãm, nhẹ nhàng: "Tôi đạp xe ở phường Phan Đình Phùng [..] Tiên sư cái anh già."

    - Lời nhân vật phối hợp hài hòa với lời người kể chuyện. VD trong đoạn sau có sự hòa giọng của con trai cô Hiền hồ hởi vui mừng, giọng người chú khách sáo, giọng cô Hiền nghiêm khắc răn dạy, giọng chia sẻ của người kể chuyện (tôi) : "Một lần tôi đến thăm cô chú [..] phải nghĩ đến làm ăn chứ?"

    Câu 2. Nêu mối quan hệ giữa phẩm chất cá nhân với nhận thức, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa?

    - Cô Hiền là người thông minh, nhạy cảm, ứng phó linh hoạt với thời cuộc, không dễ dàng bị lôi kéo trước biến động thời cuộc, biết dạy bảo con cháu điều tử tế, biết giữ gìn giá trị văn hóa..

    - Ngược lại, có những kẻ cư xử tục tằn, thô lỗ, cách cư xử thiếu lễ độ, cách nhìn người nông cạn, vụ lợi..

    - > Phẩm chất, nhân cách của cá nhân có quan hệ chặt chẽ với năng lực nhận thức, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Người có phẩm chất tính cách cá nhân tốt đẹp như cô Hiền sẽ nhận thức rõ giá trị văn hóa từ đó có ý thức gìn giữ nếp nghĩ, lối sống tốt đẹp. Ngược lại, người có năng lực nhận thức hạn chế, phẩm chất thấp kém sẽ khó nhận biết các giá trị văn hóa để từ đó có ý thức giữ gìn.

    Câu 3. Suy nghĩ về vai trò của mỗi cá nhân trong việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.

    - Ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của con người được biểu hiện ở nhiều phương diện: Cách sống, lối sống, quan niệm, suy nghĩ, hoạt động, nói năng, ăn mặc, ứng xử..

    - Vai trò của mỗi cá nhân:

    + Nhận thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa truyền thống;

    + Tìm hiểu, trau dồi tri thức về văn hóa truyền thống của địa phương, dân tộc.

    + Có những hành động cụ thể để giữ gìn văn hóa: Rèn thói quen, nếp sống văn hóa trong gia đình, nơi công cộng từ ăn mặc, đi đứng, giao tiếp; tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa: Bảo vệ di tích, hưởng ứng lễ hội; quảng bá văn hóa đất nước đến thế giới; đấu tranh với những hành vi hủy hoại văn hóa dân tộc..
     
    Chỉnh sửa cuối: 7 Tháng một 2024
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...