1. Đôi nét về Đào Duy Từ Đào Duy Từ tên tự là Lộc Khê, sinh năm 1572 tại xã Hoa Trái, Ngọc Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Cha là Đào Tá Hán, một kép hét nổi tiếng, làm Quản Giáp ca vũ trong triều đinh Lê Anh Tông (1557 - 1573), mẹ là Nguyễn Thị Mạch. Ông sinh ra trong thời kì chiến tranh Nam-Bắc, hay còn gọi là "Trịnh-Nguyễn phân tranh". Đào Duy Từ thông minh, học giỏi, là nhân tài hiếm có nhưng khi đi thi Hương, ông đã bị gạch bỏ tên, không cho vào thi vì là con nhà xướng ca. Không những thế ông còn bị sung quân đi đánh Mạc. Nhưng cũng chính thời gian đó, Đào Duy Từ đã có dịp tiếp xúc với Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng để xin bỏ đất Bắc vào Nam. Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", tháng 2, năm Quý Mão (1953), xa giá vua Lê từ Vạn Lại (Thanh Hóa) ra kinh đô Thăng Long. Đến tháng 5 năm ấy, Nguyễn Hoàng từ dinh Thuận Hóa ra Thăng Long yết kiến vua Lê, chúc mừng thắng lợi. Sau đó, Nguyễn Hoàng còn phải ở lại ngoài bắc 8 năm giúp vua Lê tiêu diệt tàn dư nhà Mạc. Trong thời gian đó, bạn tâm phúc của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Hữu Liệu nhân lúc trao đôi về nhân tài ngoài Bắc cũng đã đem chuyện Đào Duy Từ kể với Nguyễn Hoàng. Biết được ý định muốn phò tá nhà Nguyễn của Đào Duy Từ, Nguyễn Hoàng đồng ý sẽ đón Đào Duy Từ vào Thuận Quảng. Sau đó, Đào Duy Từ cũng tính kế trốn vào Nam. Với tài năng của mình, từ một nhân tài Bắc Hà, vì không được lòng chúa Trịnh nên phải lánh vào Đàng Trong, Đào Duy Từ đã trở thành một trong những vị quan khai quốc công thần thời chúa Nguyễn. 2. Câu chuyện "Ta không nhận sắc" - mưu kế thâm sâu của Đào Duy Từ giúp chúa Nguyễn không nhận sắc phong của vua Lê Năm Đinh Mão (1672), Trịnh Tráng sai quan vào Thuận Hóa giả tiếng vua Lê đòi tiền thuế cũ 3 năm trước. Chúa Nguyễn tiếp sứ nhưng không chịu nộp. Trịnh Tráng lại sai sứ mang sắc phong của vua Lê vào dụ chúa Nguyễn cho con ra chầu (ở Đàng Ngoài) và lấy 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền để cống nộp nhà Minh. Chúa Nguyễn không chịu nhưng bên ngoài không biết xử trí thế nào bèn cho vời các đại thần họp lại tìm cách. Đào Duy Từ bèn nghĩ ra một kế, ông cho người làm một cái mâm có hai đáy, bên trên bày sản vật, giữa để thư sắc phong và cử chánh sứ đưa vật phẩm ra tạ ơn chúa Trịnh. Nhờ có kế hoạch cẩn thận, chánh sứ đối đáp khá trôi chảy nên được chúa Trịnh hậu đãi, cho phép phái đoàn đi thăm kinh thành để chờ chúa dạy bảo. Phái đoàn nhân lúc ấy lẻn trốn về Nam theo dặn dò của Đào Duy Từ. Cùng lúc ấy, chúa Trịnh nghi hoặc, bèn cho người đập vỡ mâm ra mới thấy tờ sắc phong của vua Lê và một bài thơ 4 câu: "Mâu nhi vô dịch Mịch phi kiến tích Ái lạc tâm trường Lực lai tương địch" Cả triều thần không ai hiểu được ý nghĩa của bài thơ, đành phải nhờ Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan giải mã. Đọc xong, Phùng Khắc Khoan nhận ra ngay đây là lối chơi chữ chiết tự* mà người dùng mẹo này hẳn là Đào Duy Từ. Ông giải thích: "Chữ mâu không có dấu phẩy là chữ dư, chữ mịch không thấy chữ kiến thì còn chữ bất, chữ ái rơi chữ tâm thành chữ thụ, chữ lực cùng đối địch với chữ lai thành chữ sắc. Vậy ý nghĩa của bài thơ 4 câu trên là " Dư bất thụ sắc " tức là" Ta không nhận sắc " (Theo sách" Chín chúa, mười ba vua thời Nguyễn ") Hiểu ra, chúa Trịnh giận lắm, bèn cho người tìm bắt chánh sứ của phái đoàn nhưng lúc này cả phái đoàn đã cao chạy xa bay, chúa Trịnh còn muốn phát binh vào đánh Đàng Trong nhưng lại thôi vì Cao Bằng và Hải Dương đang có giặc. Với sự khôn khéo của mình, Đào Duy Từ đã thành công trả lại sắc phong, từ chối sắc phong mà không mắc vào tội phản nghịch, khi quân, Trịnh Tráng có tức giận cũng không thể làm gì hơn. Sau chuyện này, chúa Nguyễn càng thêm tin tưởng Đào Duy Từ, còn khen ngợi:" Duy Từ là Tử Phòng và Khổng Minh của ta vậy. " Chú thích: lối chơi chữ chiết tự: Chiết tự vốn là một sáng tạo của Cha ông ta trong quá trình học chữ Hán, Chiết tự cũng là một kiểu" chơi chữ ", nhiều thế hệ học chữ Hán xem trọng thú" chơi chữ": Cách chơi mà học, học mà chơi để học chữ Hán theo hướng dễ học, dễ nhớ. (Theo trang: Vài cảm nghĩ về: Chiết tự - sự sáng tạo của Ông Cha ta khi học chữ Hán, bạn đọc có thể tìm hiểu thêm) Chú thích: Nguyễn Hoàng: Con trai của Nguyễn Kim, vị quan một lòng phò tá nhà họ Lê, sau khi Nguyễn Kim chết, con rể Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm bèn nhân cơ hội soán quyền, tự phong là chúa, vua Lê trở thành bù nhìn. Trước tình hình đó, Nguyễn Hoàng chỉ có thể tạm thời nhẫn nhịn, tìm cách vào Nam xây dựng lực lượng riêng, ông chính là người mở ra thời kì huy hoàng của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, đối chọi với Đàng Ngoài. Nhắn nhủ: Lịch sử Việt Nam có vô vàn câu chuyện thú vị, bạn đọc có thể tìm thấy hứng thú bằng cách đọc các câu chuyện lịch sử, dã sử để vừa biết thêm kiến thức, vừa nhớ lâu hơn. Nếu thấy câu chuyện này hay, hãy like cho mình nhé!