Giải thích câu nói của lê - Nin: Học, học nữa, học mãi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thiên Nguyệt Vân Nhi, 2 Tháng tám 2020.

  1. Một trong những công việc quan trọng bậc nhất của đời người là học tập bởi lẽ việc học trau dồi cho con người các tri thức, phẩm chất tốt đẹp, trở thành người có ích. Thế nhưng học tập như thế nào cũng là một vấn đề cần bàn luận. Và để khuyên nhủ về cách học, Lê-nin đã có một câu nói mang tính triết lý: "Học, học nữa, học mãi."

    Lời nói của Lê-nin khá ngắn gọn, hàm súc, chứa đựng những ý nghĩa sâu xa và được chia thành ba vế với nội dung có quan hệ mật thiết.

    Học là gì? Học tức là quá trình tìm tòi, tiếp thu những kiến thức mới lạ về khoa học tự nhiên đến văn học, xã hội.. từ sự quan sát, tìm hiểu thế giới xung quanh của mình, sách báo.. hoặc qua lời dạy bảo của người khác. Có ý thức bắt đầu học tập là tốt nhưng việc học phải được duy trì liên tục. Ở vế thứ hai, "học nữa" mang hàm ý dù đã có tri thức, hiểu biết rồi thì vẫn phải học hỏi thêm, nâng cấp lên trình độ khó hơn. Còn "học mãi" chính là lời khẳng định, nhắc nhỡ về thời gian học tập của con người. Đó là việc mà chúng ta phải thực hiện xuyên suốt cuộc đời, bất kể là lúc còn trẻ hay đã già. Học tập được xem như những việc làm thiết yếu của con người (ăn uống, ngủ nghỉ) và phải thực hiện đều đặn, lâu dài.

    Thế thì vì sao phải có ý thức "học, học nữa, học mãi"? Chúng ta đều biết rằng từ những việc nhỏ nhất như tập nói, tập đi, tập viết đến những việc lớn lao hơn như tập bơi, tập leo núi thì phải có học mới làm được. Hơn nữa, thế giới ngày càng phát triển, xã hội đổi mới từng phút, từng giờ, ngày sau có nhiều cái hay, cái đẹp mới được sinh ra so với ngày trước. Do đó, nếu không cố gắng học hỏi, tìm tòi, không chịu khó vươn lên lĩnh hội kiến thức thì ta sẽ nhanh chóng lạc hậu, tụt dốc, chẳng thể bắt kịp xu thế hiện đại, sự vận động và tiến bộ của loài người.

    Không chỉ vậy, học tập còn khiến người ta sống vui, sống đẹp, sống có ích. Khi nỗ lực nghiên cứu một vấn đề nào đó, chẳng những trí óc ta được mở mang mà tinh thần ta cũng phấn chấn hơn vì nhận ra được nhiều điều lí thú. Niềm đam mê học tập thôi thúc con người ta hăng say lao động từ đó đóng góp cho xã hội rất nhiều. Học vấn làm nhân cách ta thêm hoàn thiện, văn minh; từ những cử chỉ, hành vi của mình có thể gây ấn tượng tốt cho người đối diện.

    Huống hồ, cuộc sống có biết bao thiên tài, những nhân vật giỏi giang mà kho tri thức của loài người thì bao la vô tận như chiếc hộp bí ẩn không đáy đang vẫy gọi ta khám phá. Mỗi người có thể tài giỏi, thông thạo về một vài lĩnh vực chuyên môn nhưng tri thức tổng hợp thì cần bồi đắp thêm nhiều. Giả thử, chúng ta dừng lại việc học, nghĩ sự hiểu biết của bản thân đã đủ thì sẽ thua kém xa so với chúng bạn cùng lứa. Trong thời đại khoa học kĩ thuật tiên tiến hiện nay, học tập càng được chú trọng, mở mang, mỗi người không thể mãi yếu kém.

    Có rất nhiều minh chứng khẳng định giá trị tư tưởng về lời khuyên của Lê-nin. Điển hình như nhà bác học tài ba Đác-uyn từng nói: "Bác học không có nghĩa là ngừng học." Bản thân ông cũng thực hiện việc học tập, nghiên cứu cho tới cuối đời để cho ra đời "Thuyết tiến hóa" đóng góp cho nền khoa học thế giới. Kể cả là một bậc vĩ nhân cũng phải nỗ lực không ngừng nghỉ thì hà cớ gì chúng ta không học tập, noi theo?

    Ngoài ra có thể kế đến một danh nhân văn hóa vĩ đại của dân tộc đó là Bác Hồ kính yêu. Dù phải bôn ba nhiều nơi, làm bao việc khổ nhọc, Người vẫn không quên quan sát, tiếp nhận cái hay từ nhiều quốc gia; tự học tiếng nước ngoài và đã rất thành thạo. Dù đã ngồi trên cương vị một vị lãnh tụ, Bác vẫn luôn khiêm nhường, học hỏi từ những người xung quanh và có sẵn một cuốn sổ tay bên người để ghi chép những điều mình học được. Bác chưa hề dừng việc học trong suốt cuộc đời và vì thế Người luôn được hậu thế ca tụng, noi gương.

    Khi đã nhận thức được vai trò của việc học tập, ta cần trang bị cho bản thân những kỹ năng, phương pháp học đúng đắn. Đến trường, các thầy cô dạy cho chúng ta những điều hay lẽ phải, nhắc nhỡ ta tránh thói xấu nhưng bấy nhiêu đó vẫn chưa đủ. Ngoài sách vở thì mỗi người nên tích lũy vốn hiểu biết từ nhiều nguồn: Bạn bè, những người xung quanh, những trải nghiệm, thực tế cuộc sống. Học lý thuyết là một phần, ta còn phải thực hành ở đời để củng cố kiến thức. Chúng ta có thể dành thời gian rảnh rỗi để học một số kỹ năng sống, ứng xử, giao tiếp.

    Tuy nhiên, học tập chỉ có hiệu quả khi mà chúng ra có lòng say mê tìm hiểu. Những ai học vẹt hoặc học cho có thì chẳng tiếp thu được gì cả. Cuộc đời là một chiếc thang không biết bậc cuối cùng. Điều thiết yếu là mỗi người cần chọn những nấc thang hướng lên trên, mỗi lúc một hoàn thiện bản thân chứ không nên ngày càng đi xuống.

    Lời khuyên của nhà tư tưởng Lê-nin đã ăn sâu vào tiềm thức và khai sáng con đường học tập cảu biết bao con người. Nhưng mà, trong đời sống còn lắm kẻ tự cao tự đại, tầm nhìn hạn hẹp. Bọn họ cho rằng mình đã vô cùng tài giỏi, từ đó trở nên tự mãn với những gì mình đang có, ngừng tìm hiểu, học tập. Những kẻ như vậy luôn xem mình là nhất, chẳng cần thu thập thông tin hiểu biết và rồi dẫn đến việc lạc hậu về tư tưởng, trì trệ, thụt lùi năng lực để người khác vượt xa, đánh mất vị thế của mình trong xã hội. Hạng người ấy đáng bị phê phán, khinh thường, xa cách và chúng ta đừng nên học theo họ.

    Tóm lại, câu nói "Học, học nữa, học mãi" của Lê-nin đã đưa ra lời khuyên chân thành, có ích đối với mọi người, mọi lứa tuổi, tầng lớp. Là một người học sinh, ta nên thực hiện theo lời chỉ dạy ấy: Nỗ lực học hành, học hỏi bạn cùng lứa, dành nhiều thời gian rảnh để tìm hiểu kiến thức như một thú vui.. Mỗi người hãy tiếp thu tư tưởng ấy và áp dụng vào việc học của bản thân để tiến bộ hơn.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...