Giải thích câu ca dao: Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thiên Nguyệt Vân Nhi, 18 Tháng bảy 2020.

  1. Ông cha ta từ ngàn xưa đã lưu lại vô số bài học quý giá cho lớp con cháu đời sau, trong đó có truyền thống yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Truyền thống ấy được thể hiện khá rõ nét qua câu ca dao sau:

    "Nhiễu điều phủ lấy giá gương

    Người trong một nước phải thương nhau cùng."

    Thật vậy! Đó là một đạo lý cao đẹp, đậm nét dân tộc được khắc họa chỉ qua mười mấy từ ngắn ngủi nhưng súc tích, cô đọng. Xét về nghĩa đen thì "nhiễu điều" là tấm vải đỏ - màu sắc tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc. "Giá gương."
    có thể hiểu là một chiếc bệ đỡ bằng gỗ, chạm khắc hoa văn tinh tế, tỉ mỉ đỡ lấy tấm gương. Nếu để hai vật dụng này riêng biệt thì chẳng mấy giá trị, ý nghĩa. Nhưng ở trong ca dao, tấm vải đỏ quý giá ấy phủ lên chiếc gương, bảo vệ nó khỏi bụi bẩn, ố mờ, giữ gương sáng mãi. Từ hình ảnh ví von đẹp đẽ ấy, các tác giả dân gian đưa ra lời dạy bảo: "Người trong một nước phải thương nhau cùng." Tức là người cùng quốc gia, cùng sinh sống trên mảnh đất hình chữ S thân yêu phải biết đùm bọc, chở che như sự bao bọc của mảnh vải đối với gương soi. Đó là một phương châm sống đúng đắn mà mỗi người chúng ta cần phải noi theo.

    Thế tại sao giữa người và người phải có tình tương thân tương ái? Trước hết là bởi chúng ta sống trong một đất nước, chung nguồn gốc từ bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ, đều là con rồng cháu tiên, cùng chảy dòng máu Việt Nam anh hùng. Mỗi người là một cá thể độc lập nhưng so với thế giới bao la vô tận thì chỉ là một phần tử nhỏ nhoi. Để sinh tồn và phát triển, không ai có thể sống lẻ loi, đơn độc, tách biệt với xã hội cả. Con người từ thời cổ đã thấu hiểu "một cây làm chẳng nên non" vì vậy họ sống theo tập thể để có thể cùng nhau làm nhiều việc như săn bắt thú.. phục vụ cho cuộc sống và cũng nhờ đó mà xã hội loài người đã tiến bộ, văn minh hơn. Không chỉ vậy, khi hiểu và thực hiện được đạo lý này, tình cảm gắn kết giữa người với người thêm khắn khít, tạo ra nhiều mối quan hệ tốt đẹp, có lợi cho cuộc sống của chính bản thân chúng ta. Hơn nữa, sự yêu thương, đùm bọc lẫn nhau còn có thể hóa thành thứ sức mạnh to lớn về tinh thần, tạo nên khối thống nhất giữa những người cùng một đất nước; thứ sức mạnh vô hình ấy một khi đủ lớn thì bao gian truân vất vả đều có thể vượt qua. Nếu một tổ chức có các thành viên đối xử tốt với nhau, đỡ đần trong sinh hoạt, làm việc thì hiệu quả công việc sẽ tăng lên bội phần. Thế thì lý do gì mà ta không đoàn kết, gắn bó, đưa đất nước Việt Nam trở nên vững mạnh, giàu đẹp?


    Lòng vị tha, tình thương yêu lẫn nhau ấy hiện hữu rất nhiều từ trong thế giới văn học, trong lịch sử hay đời sống hiện nay. Ngày trước, nhờ nó mà ông cha ta đã thành công trên con đường gầy dựng nước nhà, xây nên những công trình vĩ đại. Hay trong chiến đấu, từ người lãnh đạo đến quân lính, nhân dân đều một lòng gắn bó, từ đó lập nên nhiều chiến công vĩ đại, quét sạch giặc ngoại xâm. Kho tàng văn học dân gian có biết bao câu ca dao tục ngữ gửi gắm cùng nội dung ấy: "Lá lành đùm lá rách.", "Thương người như thể thương thân."

    Hoặc:

    "Bầu ơi thương lấy bí cùng

    Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn."

    Còn ở thực tại, nhân dân ta đã phát động nhiều việc làm nhân ái. Sau những trận thiên tai thì hàng loạt quỹ từ thiện:
    "Vì người khó khăn.", "Của ít lòng nhiều." rộ lên. Hay trong đợt hạn hán khắc nghiệt cộng thêm tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long vừa qua, người dân bị thiếu nước trầm trọng. Biết tin, đồng bào cả nước đã chung tay quyên góp tiền, những máy lọc nước mặn.. Đặc biệt, trong thời kỳ dịch bệnh COVID 19 đang nhức nhối hiện nay, tình người càng thêm dâng trào. Các buổi phát khẩu trang miễn phí, dạy người dân cách phòng tránh bệnh.. hay có những câu chuyện đẹp về những người dù gia cảnh không khấm khám ở vùng xa xôi, hẻo lánh vẫn lặn lội đường xa để hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn hơn mình.

    Thế nhưng thứ gì cũng có mặt trái của nó. Cuộc sống này có không ít kẻ có tư tưởng thờ ơ, lạnh nhạt. Họ sống ích kỷ, nhỏ nhen, chỉ biết đến bản thân mình. Hậu quả cho sự vô tâm ấy chính là bị mọi người xung quanh cô lập, xa lánh, sẽ phải sống trong thế giới cô đơn của riêng mình. Tuy nhiên, lòng tương thân tương ái mà không xuất phát từ trái tim thiện nguyện, chân thành thì chẳng có giá trị gì. Thử hỏi, nếu bạn giúp đỡ người khác mà cau mày nhăn mặt thì vật chất dù quý giá thì đối với người nhận thì ý nghĩa không bao nhiêu hết. Vậy nên những việc làm từ thiện, nhân ái đều phải bắt nguồn từ tấm lòng nhân hậu.

    Hiểu và nhận thức được bài học từ câu ca dao, ta phải có những hành động thiết thực để làm theo lời dạy của người xưa. Đầu tiên, phải có ý thức yêu thương, quý trọng những người thân trong gia đình:
    "Chị ngã em nâng."

    "Anh em như thể chân tay

    Rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần."

    Kế tiếp là sống trọn nghĩa tình với hàng xóm xung quanh vì "Hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau", ở gần, gặp khó khăn thì sẽ dễ dàng giúp đỡ nhau. Rộng hơn nữa, chúng ta có thể tham gia những phong trào của Đoàn, Đội:
    "Quỹ heo đất." "Giúp bạn đến trường.", "Đôi bạn cùng tiến." hoặc một số hoạt động công ích: Quyên dụng cụ học tập cho trẻ em nghèo.. Nhận được tấm chân tình ấy, những mảnh đời cơ cực sẽ cảm thấy ấm lòng, được tiếp thêm động lực để tiến lên. Còn người trao đi không phải mất hẳn, khi họ giúp kẻ khác, trái tim họ được lấp đầy bởi sự thoải mái, hạnh phúc.

    Câu ca dao là một lời khuyên, một lời nhắc nhỡ, một bài học giáo dục về nhân cách, đạo lý, lối sống tốt cho con người. Bởi giá trị to lớn ấy, nó sẽ còn sống mãi với thời gian. Điều mà chúng ta cần làm là thấm nhuần tư tưởng ấy và phát huy nó trong việc xây dựng một đất nước giàu đẹp với những con người văn minh, văn hóa.
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...