Giá trị văn hóa – lịch sử của truyện truyền kỳ Việt Nam

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi banglinh250, 11 Tháng mười một 2020.

  1. banglinh250

    Bài viết:
    20
    Giá trị văn hóa – lịch sử của truyện truyền kỳ Việt Nam

    [​IMG]

    MỞ ĐẦU
    Trải qua một quá trình phát triển lâu dài, nền văn học Việt Nam đã phát triển với nhiều thành tựu đặc sắc. Một trong số những loại hình văn học tiêu biểu có thể nói đến là truyện truyền kỳ Việt Nam. Đây là một loại hình đã góp phần tạo dựng nên vị thế của văn xuôi trung đại nước ta. Truyện truyền kỳ là những giá trị văn hóa, được hun đúc, kết tinh trong quá trình vận động của lịch sử dân tộc. Con đường hình thành và phát triển của nó gắn với sự trưởng thành của tâm thức văn hóa cộng đồng, trong một hoàn cảnh đặc thù – thời trung đại. Trong thời kì văn học này, bằng tài năng nghệ thuật và vốn văn hóa truyền thống của mình, các tác giả đã phần nào cho ta thấy những tín ngưỡng truyền thống, phong tục tập quán, phương thức tư duy và những quan niệm phổ biến của nhân dân – những điểm cốt lõi để làm nên những giá trị văn hóa tinh thần đặc sắc của nền văn hóa dân tộc. Từ đây có thể thấy trong truyện truyền kỳ ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa – lịch sử mà không phải loại hình nào cũng có được. Truyện truyền kỳ với những vấn đề lý thú ẩn chứa trong nó như văn hóa, lich sử, xã hội.. từ lâu đã được quan tâm nghiên cứu. Nhưng để hiểu rõ hơn về những giá trị của truyện truyền kỳ, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu đề tài "Giá trị văn hóa – lịch sử của truyện truyền kỳ Việt Nam".

    1. Khái quát chung.

    1.1. Truyền kỳ là gì?

    Theo nghiên cứu của PGS. TS. Nguyễn Phong Nam: "Nguyên chữ Truyền/ Truyền kì trong Hán ngữ là để chỉ những gì khác lạ, phi phàm được truyền tụng, lưu hành trong các điều kiện không – thời gian khác nhau. Chữ" truyện "ban đầu cũng có nghĩa là một lối ghi chép nhân vật, sự kiện, dần dà ý nghĩa thay đổi, được hiểu là một thể loại văn học. Từ đấy suy ra, bản chất của truyện truyền kỳ là truyện về các nhân - vật – sự kỳ lạ, khác thường.

    1.2. Đặc điểm truyện truyền kỳ.

    - Về cốt truyện

    Cốt truyện truyền kỳ có nhiều dạng gồm đơn tích và đa tích. Với cốt truyện đơn tích, nói" đơn tích "là muốn nhấn mạnh đến quy mô và cấu trúc của tác phẩm – truyện chỉ một vài" đơn vị thông báo ", một vài" đơn truyện ", hoặc modun.. Số lượng nhân – vật, sự kiện trong truyện rất ít, chỉ ở mức tối thiểu; thường chỉ xuất hiện một vài" kẻ "/" cá thể "tham gia để tạo ra các biến cố; tình tiết không quá phức tạp. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của lối chuyện này là chú trọng đến việc ký chép, thuật sự. Với cốt truyện đa tích, đây là cốt truyện được tổ chức phức tạp, tinh vi. Ở đó, truyện có sự lồng ghép, liên kết mở rộng cả về quy mô và ý nghĩa các tích truyện khác nhau để thành một chỉnh thể nghệ thuật mới.

    - Về nhân vật

    Các nhân vật trong truyện đều lấy nguyên mẫu từ văn học dân gian hoặc từ các nhân vật có thật trong chính sử. Những nhân vật ấy đều gắn với các giai thoại mang tính chất mơ hồ, huyền ảo.

    - Về kết cấu tác phẩm

    Với mỗi hiện tượng cốt truyện, mỗi truyện truyền kỳ lại có cách tổ chức, sắp xếp các yếu tố thành hệ thống cũng như mô thức riêng. Có truyện có cấu trúc đơn giản, có truyện lại có kết cấu khá phức tạp, linh hoạt. Tuy nhiên, tính chất khuôn mẫu vẫn là nét chung của truyện truyền kỳ, nhất là trên phương diện hình thức, từ kết cấu cho đến cách đặt tiêu đề tác phẩm.

    Cách đặt tên truyện thường được trình bày theo các" mô hình ", các" công thức "khá ổn định. Đó có thể là tên gọi sự vật, hiên tượng được đề cập, cũng có khi đó là tên nhân nhân vật..

    Xét về bố cục của tác phẩm truyền kỳ, nhìn chung thường được mở - đóng một cách ngắn gọn, cô đúc, theo một khuôn mẫu thống nhất.

    - Về nghệ thuật trần thuật

    Truyện truyền kỳ có những đặc điểm riêng trên phương diện nghệ thuật trần thuật. Điểm mấu chốt ở đây là gia tăng tối đa" tính chất hiện thực "," yếu tố lịch sử "trong các truyện kỳ quái. Nói cách khác là cấp cho những nhân vật, sự kiện, hiện tượng phi thường, quái lạ một" tinh thần "hiện thực – lịch sử.

    2. Giá trị truyện truyền kỳ

    Như ta đã biết, truyện truyền kỳ là loại hình văn học độc đáo, có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng và có quá trình hình thành và phát triển lâu dài trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là thể loại gắn bó với dân gian nhiều nhất, bởi vậy mà nó như trở thành một kho tư liệu vô cùng quý giá về văn hóa cũng như lịch sử của dân tộc. Nó không những lưu giữ ký ức của người Việt mà nó còn nâng tầm những giá trị văn hóa khác. Sau đây là những giá trị mà chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy trong các truyện truyền kỳ Việt Nam.

    2.1. Tôn giáo tín ngưỡng

    Điều đầu tiên và dễ thấy nhất trong truyện truyền kỳ là yếu tố tôn giáo tín ngưỡng khá đậm nét. Nhờ những truyện truyền kỳ này mà những giá trị văn hóa về tôn giáo tín ngưỡng được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

    Trong nhiều tác phẩm truyện truyền kỳ, yếu tố tôn giáo có khối lượng lớn và hết sức đa dạng nhất là trong những truyện truyền kỳ tôn giáo. Nhân vật trong những truyện truyền kỳ này đều là những người thuộc giới tu hành, những vị cao tăng đắc đạo với những phẩm chất, bản lĩnh khác thường. Điều này cũng hoàn toàn có thể thấy trong trường hợp Thiền uyển tập anh ngữ lụcTam tổ thực lục, hai bộ sách này ra đời từ rất sớm và được xem là có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tôn giáo (Phật giáo) của người Việt. Trước hết, ta đến với Tam tổ thực lục . Đây là những bộ sách mang màu sắc Phật giáo nổi bật. Chuyện kể về các bậc cao tăng được coi là những ông tổ của phái Trúc Lâm Thiền Tông Yên Tử là Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang. Đây là những nhân vật được xem là có thật trong lịch sử. Trong truyện, ta thấy được các nhân vật có đầy đủ gốc tích nhưng ở đó, họ đều được sinh ra một cách khác thường. Ví dụ như sự ra đời của Trần Nhân Tông, ông được sinh ra sau khi Nguyên Thánh Hoàng Hậu nằm mộng thấy thần nhân trao kiếm cho để chọn. Hay ở Pháp Loa, ta thấy cũng có điểm tương tự. Mẹ sư Pháp Loa nằm mơ thấy được dị nhân trao kiếm thần, vui mừng nên bà ôm vào lòng để rồi sau khi tỉnh giấc bà biết mình có thai rồi sinh ra Pháp Loa. Sự ra đời của sư Huyền Quang cũng không phải ngoại lệ. Bà Lê Thị vốn là một người đàn bà hiền đức, một hôm đi Chu Sơn hái thuốc, chợp mắt mơ màng, bà thấy một con khỉ lớn, đầu đội mũ triều thiên, mình mặc áo hoàng bào, ôm mặt trời hồng ném vào lòng bà. Bà kinh hãi thức giấc, thấy lòng rung động, về bà thuật lại với một vị tôn túc. Vị này bảo:" Trong núi ấy có động Thân Dương, đã làm cho tinh anh của loài khỉ kia không tan biến, nên có điềm mộng chớ lấy làm lạ ". Nhân đó ông cũng suy đoán là bà Lê Thị sẽ có thai. Sau bà Lê Thị có thai thật và sinh ra Huyền Quang. Cách lý giải về sự ra đời có phần kì lạ của các vị tổ sư dựa trên những giấc mộng không phải ngẫu nhiên mà nó là một truyền thống của Phật giáo và có liên quan đến giai thoại về sự ra đời của đức Phật. Một điểm chung khác ở ba vị tổ sư chính là quá trình thai sinh của ba vị ấy. Khi nằm trong bụng mẹ, ba vị tổ sư đã được sự che trở của một thế lực siêu nhiên, lúc sinh ra lại mang nhiều tướng tốt và có nhiều điều kì lạ. Các nhân vật ấy đều được bao bọc trong bầu không khí màu nhiệm của Phật giáo. Không chỉ nói về sự ra đời, mà trong Tam tổ thực lục còn nói đến quá trình giác ngộ và con đường đến với Phật giáo của ba vị ấy. Như Trần Nhân Tông, ông từ bỏ ngai vàng để đi tu, trở thành Phật Hoàng. Còn Pháp Loa, căn duyên đến với Phật giáo được bộc lộ từ bé:" Lúc còn bé, sư đã có thiên tư đĩnh ngộ không nói lời ác, không ăn chất cay nồng và thịt cá ".. Ngoài ra, những công tích hành đạo của ba vị tổ sư: Xây dựng chùa tháp, mở mang Phật giáo.. cũng được phác họa trong truyện. Như vậy, từ những điều trên có thể thấy, Tam tổ thực lục mang một giá trị của văn bản chức năng có thể coi như một dạng Phật tích, nhằm hiển dương Phật giáo. Thông qua truyện này, nhân dân có thể hiểu biết thêm về ba vị tổ sư cũng như Phật giáo.

    Đến với trường hợp Thiền uyển tập anh ngữ lục, đây được xem là một hiện tượng đặc biệt bởi có những quan niệm khác nhau xung quan tác phẩm này. Có người xem đây là" tác phẩm văn học tôn giáo ", có người quan niệm đây là" tiểu thuyết thiền sư ", cũng có người coi nó là" sử về tôn giáo ".. Nhưng dù quan niệm như thế nào thì có một điều không thể phủ nhận rằng yếu tố tôn giáo in đậm trong tác phẩm này. Sách ghi chép về lai lịch, hành trạng của các vị thiền sư dòng pháp Vô Ngôn Thông và các thiền sư thuộc dòng pháp Tỳ Ni Đa Lưu Chi . Điều này có thể thấy sách này gần như trở thành một tác phẩm văn học chức năng, nó hướng tới sự hiển dương Phật giáo, đề cao những con người tiêu biểu và thậm chí có thể coi cuốn sách này là cuốn lịch sử Phật giáo Việt Nam thời kì đầu.

    Không chỉ nói về tôn giáo, chúng ta còn bắt gặp trong truyện truyền kỳ Việt Nam những tín ngưỡng lâu đời trong văn hóa của dân tộc như tín ngưỡng sùng bái tự nhiên, sùng bái thần linh, tin vào linh hồn, sự tương quan giữa thế giới bên này với thế giới bên kia.. Những tín ngưỡng đó được phản ánh khá nhiều trong các sáng tác truyền kỳ của các tác giả. Nhờ những tác phẩm truyền kỳ mà những giá trị nhân văn ấy được lưu giữ lại gần như nguyên vẹn. Một trong những minh chứng cụ thể cho loại truyện truyền kỳ này là Việt điện u linh tập . Đây là tác phẩm thể hiện rõ tín ngưỡng thờ cúng thần linh, tín ngưỡng sùng bái con người, niềm tin dương trợ âm phù và niềm tự hào về khí thiêng liêng sông núi của nhân dân. Tác phẩm gồm 27 truyện kể về công tích của 27 vị thần và những con người được xem như thần thánh như trong các truyện: Thần Phù Đổng, Thần Long Độ.. từ đây có thể thấy sự sùng bái thần linh của người Việt khá đậm. Ngoài ra, trong truyện còn thể hiện sự sùng bái con người mà cụ thể ở đây là sùng bái các anh hùng, liệt nữ, vua chúa như: Triệu Việt Vương (Lý Nam Đế), Phùng Hưng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt.. Đó là những người có công trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước được nhân dân suy tôn.

    Ngoài ra, tín ngưỡng sùng bái thần linh, sùng bái tự nhiên còn được thể hiện rõ trong truyện Lĩnh Nam chích quái lục . Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên đã xuất hiện lâu đời trong tín ngưỡng của người Việt. Có lẽ vì vậy mà dẫn tới trong tác phẩm này ta thấy có sự làm" thiêng hóa "thiên nhiên. Mỗi địa danh đều gắn với sự ly kỳ, với sự xuất hiện của các vị thần. Các vị thần ấy đã có công trong việc bảo vệ nền độc lập của dân tộc được nhân dân tôn sùng, đồng thời họ giữ vai trò hộ quốc, là chỗ dựa của quốc gia. Như Uy Linh Tản Viên thần khiến cho âm mưu của vua Đường thất bại. Hay những thần ấy có một sức mạnh thần bí mà con người không lý giải được như thần sông Tô Lịch phá bùa phép của Cao Biền. Chính sự hiện diện của yếu tố huyền thoại đã làm cho tác phẩm trở nên hấp dẫn hơn. Sự xuất hiện của các thần như thần sông Tô Lịch, Long Đỗ đã khiến cho Sông Tô Lịch trong" Truyện sông Tô Lịch "hay Tản Viên trong" Truyện núi Tản Viên "không còn là một con sông, một ngọn núi mà đã trở thành một biểu tưởng mang tính chất tín ngưỡng cộng đồng. Sự xuất hiện của các thần trong truyện đã cho thấy sự tương trợ giữa các thổ thần," thần "cây cỏ, sông núi, sông suối.. đối với con người, từ đây có thể thấy mối gắn kết giữa thiên nhiên và con người.

    Một tín ngưỡng khác cũng được thể hiện rõ trong các sáng tác truyền kỳ là tín ngưỡng tin vào linh hồn, tin vào việc có tồn tại một thế giới khác song song với thế giới hiện tại. Những loại truyện này bộc lộ rõ quan niệm của người Việt về thế giới hữu linh, đồng thời qua đây cũng hé lộ phần nào về cội nguồn tín ngưỡng của người Việt thời trung đại. Thế giới cõi âm, ma mị được nhắc nhiều trong sách Tang thương ngẫu lục, Lan Trì kiến văn lục.. Chẳng hạn trong" Ma Đồng Xuân "(Tang thương ngẫu lục ), thì" ma "mà nho sinh Trần Văn Sĩ gặp khi trọ học ở phường Đồng Xuân là" một vật to như cái đấu, đỏ chói, sáng rực bốn bề, một nhoáng thì tắt; hoặc reo ở trên xà nhà, soi đèn thì chẳng thấy gì ". Nhưng có khi ma lại hiện ra với hình hài một cô gái trẻ đẹp hay cũng có khi nó là một người đàn bà" vú dài đến một thước "trong truyện" Mẹ ranh càn sát ". Trong Lan Trì kiến văn lục cũng xuất hiện khá nhiều chuyện ma. Mỗi loại ma lại có một hình hài và hành tích không xác định. Có loại ma" trấn yểm "làm nhiệm vụ canh giữ của cải cho chủ như ma ở gò bãi An Tân trong truyện" Thần giữ cửa ". Có loại" Ma trơi "trong truyện" Ma trơi ", hình thù tựa những đống lửa" to như quầng sáng lớn, soi sáng khắp núi rừng ", hoặc" như bó đuốc từ gò đất bay ra rồi lại một đốm tiếp theo, to như cái sọt.. ". Hay có loại" ma cổ thụ ", loại ma này thường nương nấu ở một cây đa lớn, xuất phập không kể thời khắc, hễ ai đụng tới là bị ma làm tội, làm cách nào cũng không thể diệt trừ, phải lập đền thờ gọi nó là công chúa.. Ngoài ra, truyện ma mị còn có thể thấy trong" Vân nang tiểu sử ". Khác với những loại ma trên, ở đây chúng ta bắt gặp một loại" ma trành ". Loại ma này là những oan hồn bị hổ ăn thịt, nhưng hồn không có lương tựa nên đành bám víu quanh con thú đã hại mình.

    Mặt khác, cõ lẽ vì tín ngưỡng sùng bái con người, tin vào linh hồn nên trong tín ngưỡng của người Việt có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên hay còn được goi chung là Đạo Ông Bà, một tục có vị trí quan trọng trong đời sống cộng đồng. Ở Việt Nam, thờ cúng tổ tiên đã trở thành một hình thức tín ngưỡng truyền thống mang những đặc trưng văn hóa riêng. Với ý nghĩa" Uống nước nhớ nguồn "việc đó có thể xếp vào loại thuần phong mỹ tục. Điều này được thể hiện khá nhiều trong các sáng tác truyền kỳ. Có thể thấy qua việc thờ phụng, chăm lo chu tất toàn vẹn các ngày cúng giỗ cho cha mẹ của nhân vật người con gái trong" Dương Phu truyện "(Thánh Tông di thảo ). Hay nhân vật Phạm Viên trong" Dật sử ông tiên họ phạm "(Tang thương ngẫu lục ). Từ những điều trên có thể thấy, thế giới tâm linh trong tâm thức người Việt vô cùng phong phú, nó thể hiện một tín ngưỡng tâm linh đặc sắc của dân tộc.

    2.2. Phong tục tập quán

    Như ta đã biết, mỗi dân tộc đều có một phong tục tập quán riêng mang bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Các phong tục tập quán ấy đều được lưu giữ từ đời này sang đời khác bằng nhiều cách thức khác nhau. Nền văn hóa truyền thống của dân tộc ta được hình thành trên cơ sơ của nền văn minh nông nghiệp. Cuộc sống của mỗi con người đều gắn bó mật thiết với xóm làng, quê hương. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, các nền văn hóa này bồi kết dần dà thành một" trầm tích văn hóa "và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống cộng đồng. Đặc biệt, những" trầm tích văn hóa "ấy cũng dần đi vào các tác phẩm văn chương với nhiều sắc thái riêng. Qua những tác phẩm ấy cũng làm tôn lên lòng tự hào dân tộc, sự gắn bó của con người với quê hương xứ sở của mình. Chúng ta có thể thấy, trong các sáng tác truyền kỳ, không ít các tác phẩm có đề cập đến khía cạnh này của văn hóa. Ta có thể minh chứng cho điều này thông qua tác phẩm Lĩnh Nam chích quái với một số truyện tiêu biểu như" Truyện cây cau "," Truyện bánh trưng "và" Truyện dưa hấu ".

    Theo phong tục Việt Nam," miếng trầu là đầu câu chuyện ", miếng trầu tuy rẻ tiền nhưng chứa đựng nhiều tình cảm, ý nghĩa, giàu nghèo ai cũng có thể có, vùng nào cũng có. Miếng trầu đi đôi với lời chào, nó là biểu tượng cho sự tôn kính, phổ biến trong các lễ nghi ở nước ta như giỗ tết hay cưới xin. Không có gì quý hơn khi có buồng cau, cơi trầu trong những ngày này. Tục này đã có từ xa xưa và được nhắc rõ trong" Truyện cây câu ":" Về sau, người nước Nam ta phàm cưới vợ gả chồng hay lễ tết lớn nhỏ đều lấy trầu cau làm đầu ". Và qua" Truyện cây cau ", ý nghĩa ấy lại được mở rộng thêm biên độ mới. Nó không chỉ kể về sự tích trầu câu và tục dùng trầu cau trong cưới hỏi mà thông qua đó còn biến trầu cau trở thành biểu tượng cho tình nghĩa vợ chồng thủy chung, tình anh em thuận hòa. Có thể thấy, truyện này gần với" Sự tích trầu cau "trong văn học dân gian, tác giả đã mượn cốt truyện của câu chuyện này cùng với nhiều yếu tố li kì nhưng đồng thời cũng đã mở rộng thêm ý nghĩa của truyện cũng như nhấn mạnh một nét đẹp trong phong tục tập quán của người Việt, đó là tục ăn trầu.

    Đến với" Truyện bánh chưng ", cũng như" Truyện cây cau ", tích truyện này cũng gần với" Sự tích bánh trưng, bánh dày "trong văn học dân gian. Nhưng không chỉ dừng lại ở việc nói về nguồn gốc của bánh chưng mà ở đây tác giả còn nói lên sự hiếu thuận của con cái đối với cha mẹ. Đồng thời cũng nói lên tục lấy bánh chưng dâng cúng cha mẹ trong ngày Tết. Tục này đã tồn tại trong nhân dân ta từ rất lâu đời, không bị mai một bởi thời gian. Tục gói bánh chưng trong ngày Tết đã trở thành một nét đẹp truyền thống không thể thiếu trong mỗi khi Tết đến xuân về, mọi người cùng nhau quây quần bên nồi bánh chưng thể hiện sự sum vầy, đoàn tụ. Bánh chưng không chỉ ngon độc đáo, sáng tạo mà qua đó nó còn thể hiện bản sắc dân tộc, một nền văn minh lúa nước lâu đời của dân tộc ta thông qua nguyên liệu và cách gói. Lúa gạo thì tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nhiệt đới, nóng và ẩm, được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau, mang tính đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Bởi vậy mà bánh chưng là món ăn không thể thiếu trong mọi mâm cơm ngày Tết. Những mâm cơm cúng dâng lên tổ tiên vào 3 ngày Tết không thể thiếu bánh chưng.

    Dưa hấu chín đỏ là loại trái cây thường được dùng để cúng trên bàn thờ tổ tiên trong ngày lễ Tết của dân tộc. Điều này đã trở thành một phong tục trong dân gian. Nguồn gốc của quả dưa hấu ấy đã được nói rõ trong" Truyện dưa hấu ". Dưa hấu trở thành một đặc sản quý, nên được chọn để cúng tổ tiên, đồng thời qua đó cũng nói lên ý chí truyền thống tự lực cánh sinh, xanh vỏ mà đỏ lòng của dân tộc.

    Ngoài ra, trong Lĩnh Nam chích quái còn nói đến nguồn gốc của ngày Lễ Tắm Phật trong dân gian qua" Truyện Man Nương ". Đây là một ngày lễ diễn ra vào tháng 4 hàng năm, trong dịp lễ Phật đản. Nó bắt nguồn từ:" Hàng năm, tới ngày ấy, nam nữ bốn phương thường tụ hội ở chùa này vui chơi ca múa, người đời gọi là hội Tắm Phật ". Lễ Phật đản cùng với lễ tắm Phật không chỉ có các sư thầy ở chùa, các Phật tử mà còn thu hút cả du khách trong và ngoài nước. Đây cũng là một phong tục độc đáo tạo nên nét đẹp riêng trong văn hóa Việt.

    2.3. Danh lam thắng cảnh

    Ngoài những điều đã nói ở trên, trong truyện truyện kỳ còn có một bộ phận không nhỏ những truyện nói về cảnh trí thiên nhiên, thắng cảnh (gồm những núi non, sông bãi, đầm phá, hồ vịnh) hoặc các công trình nhân tạo, các di tích (như các loại đền tháp, miếu mạo, đình chùa) – gọi chung là các danh thắng. Tuy nhiên những cảnh sắc, những địa danh ấy khi đi vào truyện truyền kỳ không chỉ là một ghi chép địa lý hay những miêu tả cảnh đẹp một cách thông thường mà kèm theo đó là những điều kì lạ, kì quái của danh lam thắng cảnh đó. Mục đích làm truyện không phải là giải thích nguồn gốc, nguyên nhân hay thuyết minh về giá trị văn hóa của di tích. Trên thực tế, những thông tin về địa mạo, kiến trúc, môi trường.. chỉ đóng vai trò phụ trợ. Điều quan trong nhất trong truyện truyền kỳ này vẫn là yếu tố li kì, kỳ quái xung quanh danh thắng đó. Nhưng dù yếu tố nào là chính thì truyện truyền kỳ danh thắng vẫn có giá trị giúp củng cố niềm tự hào dân tộc, gắn bó với con người của thiên nhiên. Việc vận dụng các yêu tố kì lạ không những không làm mất đi vẻ đẹp của danh thắng đó mà nó còn phụ trợ, góp phần làm nên tính thiêng của sông núi quê hương.

    Trong kiểu dạng truyền kỳ danh thắng, ta thường gặp các địa danh sông hồ, núi non, chùa tháp và thường tác giả cũng lấy tên của nơi đó để đặt tên cho câu chuyện. Các chuyện" Suối Rắn "trong Công dư tiệp chí của Vũ Phương Đề," Sông Độc "," Sông Dùng "," Hồ Gươm "," Núi Đông Liệt "," Núi Rết ".. trong Tang thương ngẫu lục. Đây là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng bởi vị thế, hình thái, cảnh quan; nhưng quan trọng hơn là nó liên quan đến một thế giới khác, đầy biến ảo.

    Chẳng hạn như truyện" Hồ Hoàn Kiếm "trong Tang thương ngẫu lục. Ở trong truyện này, Hồ Hoàn Kiếm được nói đến như sau:" Hồ Hoàn Kiếm thành Thăng Long ở bên cạnh phường báo Thiên, thông với nước ngoài sông, hình thế rất to rộng, ấy là nơi Thái Tổ Hoàng Đế tiên triều đánh rơi kiếm ". Từ đoạn này có thể thấy được vị trí cũng như giai thoại gắn với Hồ Hoàn Kiếm. Ngoài ra, hai bờ Tả vọng, Hữu vọng của Hồ Hoàn Kiếm cũng được lý giải rõ trong truyện. Cùng với việc" có một vật gì mọc lên từ cái đảo trong hồ, sáng rực rồi tắt. Người ta cho là thanh bảo kiếm bay đi ", đây là một hiện tượng lạ không thể nào lý giải được. Chính yếu tố này đã làm cho Hồ Hoàn Kiếm mang yếu tố khác thường. Tác phẩm được hình thành bằng sự ghép nối những mẩu truyện rời rạc nhưng nó vẫn có một kết cấu chặt chẽ. Qua truyện, tác giả không chỉ nói lên được lịch sử của hồ mà qua đó còn cho thấy những yếu tố kì lại của hồ, tạo nên sự li kì, hấp dẫn cho danh thắng ấy. Đến với một truyện khác trong Tang thương ngẫu lục là" Bài ký đi chơi núi Phật Tích ". Bằng những nét vẽ tài tình, các giả đã mở ra trước mắt người đọc:" Lên chòm chợ giời, khắp trời mây quang, gió thanh hây hẩy. Đá núi lởm chởm, cái thành hình bàn, cái thành hình ghế, rồi hình lò rượu, hình chén rượu, vị trí thiên nhiên, xinh đẹp tuyệt vời. Trên đỉnh, có một tảng đá phằng phắn, đứng trên ngọn này trông ra xung quanh, cái núi Phượng Hoàng, Quy Lân, Mã Yên, Long Đầu đều quanh quất chầu cả lại ". Hay sự kì bí của hang Thần Cốc:" Hang này tối đèn mù mịt, ngày cũng như đêm.. Đi vào càng lâu cảnh càng thấy khác lạ, ở một chỗ thấp lõm, thấy những xương người chồng chất, nhũ đá rũ xuống, thành ra vô số hình hiểm quái.. Bên cạnh đường có một dòng nước, sắc xanh như lam ". Quả là một cảnh sắc kì lạ mà không nơi nào có được. Trong truyện, cảnh sắc núi non được tác giả miêu tả khá chi tiết theo từng bước chân của tác giả với ngày giờ cụ thể. Ông chỉ ghi lại những gì mình thấy, những gì mình được chứng kiến mà thôi. Như tác giả đã bộc bạch trong tác phẩm:" Trên đây là kể đại – lược cảnh núi, còn những chuyện khác, tai mắt không được tiếp xúc, thì không dám nói đến! ". Qua từng thiên truyện ta thấy được tấm lòng sâu nặng với thiên nhiên đất nước. Phải là người yêu quê hương, am hiểu về đất nước con người xứ sở thì tác giả mới có thể viết lên những ghi chép đặc biệt như vậy. Đồng thời qua những câu chuyện này, tác giả cũng đã cho ta thấy một vẻ đẹp của non sông đất nước mình với một lòng tự hào sâu sắc.

    Ngoài những truyện nói về núi sông linh dị vừa nêu, còn có truyện về các di tích, các danh lam cổ tự, gồm nhiều miếu, chùa chiền, thành lũy.. nổi tiếng. Đó là nét đẹp văn hóa gắn liền với truyền thống của con người. Là người có ý thức trách nhiệm sâu sắc, ngòi bút của tác giả luôn trăn trở với việc bảo vệ, lưu giữ những giá trị văn hóa, di tích lịch sử của dân tộc. Đối với các loại truyện này, vấn đề không chỉ ở giá trị cảnh quan mà còn là những điều kì lạ, biến ảo của những yếu tố huyền thoại, truyền thuyết. Chính sự hòa quyện các giá trị của di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể đã tạo nên danh tiếng cho các địa danh đó.

    Trước hết, chuyện về" Cái miếu ở cửa Đông Hoa "trong Tang thương ngẫu lục. Miếu thờ là một nơi thờ cúng thiêng liêng, có giá trị văn hóa tinh thần đối vớii người Việt. Việc thờ cúng trở thành phong tục của con người Việt Nam. Bên cạnh câu chuyện tưởng như bình thường thì trong đó lại pha thêm yếu tố kỳ ảo hoàng đường làm truyện trở nên hấp dẫ lôi cuốn hơn, chỉ với một cái miếu thờ người đọc có thể nhìn thấy cả cõi linh thiêng. Và với thái độ gìn giữ, trân trọng của nhà văn miêu tả tương tự" Bia núi Thành Nam "là nơi ghi lại công trạng của cá nhân có đóng góp lớn lao cho dân tộc. Qua việc miêu tả bia đá ghi công và" Chữ bia khắc to bằng bàn tay, sâu đến một tấc. Ông Bùi lấy mực tàu quét vào để in "đã cho bạn đọc thấy được sự quan tâm, trân trọng của con người với những di tích, những giá trị mà cha ông đã để lại cho hậu thế. Ngoài những gì đã nói trên thì trong Tang thương ngẫu lục ta còn thấy Phạm Đình Hổ nói nhiều về miếu, đề chùa một cách chi tiết, cặn kẽ về lý do xây dựng. Đồng thời là thái độ phê phán nhân cách con người không biết trân trọng những nơi thiêng liêng. Qua các thiên ký về di tích lịch sử văn hóa, người ta nhận ra những di tích lịch sử mang nét đẹp truyền thống, quý báu của dân tộc bị chính sử lãng quên. Với ngòi bút chân thực, độc đáo, thái độ nâng niu, trân trọng, Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án đã mang đến ý nghĩa lớn với lịch sử dân tộc.

    2.4. Tái hiện giá trị lịch sử

    Ngoài những giá trị văn hóa được nói đến ở trên thì trong truyện truyền kỳ còn có một giá trị vô cùng to lớn, đó là giá trị lịch sử. Dấu ấn lịch sử của người Việt trong các sáng tác truyền kỳ khá phổ biến. Nhưng có một điểm đặc biệt hơn cả, truyện truyền kỳ viết về lịch sử những không chỉ chép lại lịch sử như sử ký mà hơn thế truyện truyền kỳ nhìn lịch sử dưới nhân quan của những điều kì lạ, khác thường.

    Trước hết, nói về bối cảnh lịch sử, trong nhiều sáng tác truyền kỳ, việc tái hiện lại bối cảnh lịch sử của các triều đại cũng khá phổ biến. Cụ thể như trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, vấn đề lịch sử - xã hội được đặt ra một cách rõ ràng; trở thành một trong những" nội dung "chính, chiếm phần lớn dung lượng tác phẩm. Tác giả đặc biệt quan tâm tới những biến cố lịch sử - xã hội, sự xoay chuyển thời thế, sự hưng vong của các triều đại. Dù trong truyện, tác giả vận dụng nhiều yếu tố hoang đường nhưng cũng chính nhờ yếu tố hoang đường ấy mà bộ mặt hiện thực của xã hội được bóc trần. Và khi bóc tách cái vỏ kì ảo hoang đường ấy chúng ta sẽ thấy cái lõi của hiện thực, phủi lớp bụi thời gian chúng ta sẽ thấy được rõ nét bộ mặt xã hội đương thừi. Đặc biệt ở đây, trong tác phẩm này đã phản ánh rõ hiện thực xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XVI. Đó là một xã hội đầy thối nát, chính trị rối ren, vua quan dối trá, gian ác, ăn chơi trụy lạc, tham nhũng. Điều này được thể hiện rõ trong" Truyện đối đáp của người tiều phu núi Na "(Na sơn tiều đối lục), mượn lời của người tiều phu, tác giả phê phán triều đại nhà Hồ (cũng là phê phán triều đại nhà Mạc). Hoặc ở" Truyện bữa tiệc đêm ở Đà Giang "(Đà Giang dạ ẩm ký), tác giả phê phán vua chúa không lo chính sự mà chỉ ham thích săn bắn làm khổ dân. Một số quan lại hung tợn, tham lam như Lý Hữu Chi trong" Lý tướng quân truyện ". Đây là người tính tình hung tợn. Khi có quyền vị cao, bèn coi lũ trộm cướp như lòng ruột, coi ngươi nho sĩ như cừu thù, thích sắc đẹp, ham tiền tài, tham lam không ai sánh bằng. Hoặc nham hiểm, thâm độc cướp vợ của người khác một cách trắng trợn như Thân Trụ Quốc (truyện Nàng Túy Tiêu). Hoặc tranh giành địa vị, chèn ép lẫn nhau như" Truyện Chức Phán sự ở đền Tản Viên ".. Ngoài ra, trong xã hội ấy, nho sĩ cũng hư hỏng, thoái hóa biến chất một các nghiêm trọng: Đổi họ để đi học, thay tên để đi thi, thi trượt thì đổ lỗi cho quan chấm thi, dối trên lừa dưới, hống hách bạt nhược.. Ví dụ như nhân vật Hà Nhân trong truyện" Kỳ ngộ ở trại Tây ", mượn tiếng đi du học nhưng suốt ngày say sưa trong các cuộc hoan lạc.. Ngoài ra, xã hội lúc bấy giờ, Đạo Phật thì xuống cấp, bọn phú thương coi tiền bạc hơn tình nghĩa.. Cũng chính vì những điều nói trên mà đời sống nhân dân vô cùng cực khổ, điêu đứng trước bao tai họa chiến tranh, bệnh tật, phải chịu đựng sự bóc lột tàn nhẫn của giai cấp thống trị. Bằng những câu chuyện mang nhiều màu sắc huyền ảo, tác giả đã cho ta thấy ý tưởng phê phán chính trị rối loạn, không có kỉ cương.. một xã hội rối ren như vậy đã khiến cuộc sống của nhân dân ta trong xã hội phong kiến khổ hơn bao giờ hết.

    Đến với Tang thương ngẫu lục là một bức tranh tả thực về đời sống xã hội thời Lê mạt đầy náo động, rối ren, phức tạp. Điển hình là cuộc sống xa hoa vương giả nơi phủ chúa. Qua tác phẩm này, tác giả đã phán ánh chân thực đời sống xã hội với sự mục ruỗng trong hệ thống giai cấp thống trị và nhân tình thế thái. Đọc một số thiên của tác phẩm này, bức tranh xã hội đã hiện ra trước mắt của người đọc. Đó là một xã hội với sự ăn chơi xa đọa nơi phủ chúa, thấy được nỗi thống khổ của nhân dân, sự suy giảm về đạo đức, lễ giáo, thi cử.. Có thể thấy cụ thể trong một số lời miêu tả của các tác giả trong tác phẩm như:" Chỉ du dú ở trong một ngôi diện cổ kính, kéo dài cuộc đời nhàn tản, vô vị của mình "khi nói về ông vua bù nhìn đớn hèn, vô dụng thời nhà Lê. Hay khi nói về Trịnh Sâm:" Mỗi năm đến tết Trung thu từ mấy tháng trước, chúa phát gấm trong cung để làm hàng trăm, hàng nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng "(Chuyện cũ trong phủ chúa). Đó là chuyện ở chốn hoàng cung, còn đến với việc thi cử:" Trăm quan đội mũ phốc đầu, mặc áo bổ phục, đi hùa dong đai chững chạc chầu hầu xung quanh "(Thi hội).. Chỉ với vài nét phác họa như vậy, tác giả đã cho thấy được một cõi tang thương của một chế độ, một dân tộc. Mà nanh nhân ở đây chính là người nông dân:" Đặng Lân cưỡng gian một người đàn bà không được bèn cắt vú người ta.. uống say đánh người bị thương "(Quận mã Đặng Lân), " cung vua phủ chúa nửa đêm reo hò, ca hát đến tận gà gáy mới về "(Chuyện cũ trong phủ chúa).

    Ngoài việc phản ánh bối cảnh lịch sử, truyện truyền kỳ Việt Nam còn nói đến các nhân vật và sự kiện lịch sử. Cụ thể như trong Nam ông thực lục, các sự kiện lịch sử đời Trần Nghệ Tông được ghi chép lại, không những vậy, các sự việc liên quan đến những nét sinh hoạt về mọi mặt của xã hội nước ta thời Lý –Trần. Hay trong Thánh Tông di thảo nội dung được phản ánh trong đó cũng là những sự kiện lịch sử thời kháng chiến chống Minh. Dù các sự kiện trong truyện hết sức lạ thường (thần tiên đội lốt, yêu ma chung đụng với con người). Tuy nhiên nếu xét kĩ, ta thấy mọi thứ ở đây lại không giống với lối truyện" chí quái chí dị "; cái thế giới ma quái trong truyện phần lớn đều liên quan đến lịch sử. Cảm hứng lịch sử có thể dễ dàng nhận thấy trong tác phẩm này. Thậm chí có thể thấy nói về thực chất, những hiện tượng, hình tượng trong đó chính là dấu tích, là" vang bóng "của lịch sử. Dấu tích lịch sử có khi được ẩn chứa trong những câu chữ bóng gió xa xôi; có khi là các nhân vật, sự kiện lịch sử có thật. Ngoài việc phản ánh lịch sử một cách chân thực thì các yếu tố huyền ảo, hoang đường trong các truyện này khá đậm nét đã góp phần bổ khuyết lịch sử (chính sử). Yếu tố này đã làm cho lịch sử thêm đầy đủ hơn vì được bổ khuyết những chỗ còn mơ hồ, chưa được làm rõ trong chính sử. Ví dụ như trong" Hồng Bàng thị truyện "(Lĩnh Nam chích quái lục ), ở đây có sự dung hợp giữa huyền sử, dã sử và lịch sử đã khiến cho truyện vừa huyền hoặc, mơ hồ lại vừa xác tín, cụ thể, vừa lạ kỳ vừa quen thuộc. Sự hình thành nước Văn Lang đã được nói nhiều trong văn học dân gian, Văn Lang là quốc hiệu đầu tiên trong lịch sử dân tộc, Hùng Vương là liệt tổ của dân tộc. Những điều này không ai phủ nhận mà nghiễm nhiên nó trở thành mặc định, không cần phải chứng minh. Chúng trở thành lịch sử. Ngoài ra, lịch sử chống giặc ngoại xâm và lịch sử khai phá của dân tộc Việt Nam cũng được nói đến trong truyện truyền kỳ như: Sóc Thiên Vương chống giặc Ân (Việt tỉnh truyện), Trương Hống – Trương Hát phá giặc Tống trong" Long Nhãn Như Nguyệt nhị thần truyện ".. Hay trong Truyền kỳ mạn lục, âm vang lịch sử trong truyện khá lớn. Những diễn biến lịch sử dân tộc chặng chuyển tiếp các triều đại Trần – Hồ - Lê (Trịnh) – Mạc – Nguyễn đầy náo động. Và gắn với những sự kiện lịch sử ấy là những con người lịch sử. Nhưng công tích của Hồ Hán Thương, Trần Phế Đế, vua Lê Lợi.. cũng được nói đến.

    Trên thực tế, Việt điện u linh tập không phải là một tài liệu lịch sử nhưng nó lại liên quan chặt chẽ đến các nhân vật, sự kiện lịch sử. Ví dụ Phùng Hưng là người có vai trò quan trọng trong quá trình lịch sử Việt Nam – lãnh tụ phong trào khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Đường thế kỉ VIII. Khi đưa nhân vật này vào truyện truyền kỳ, Phùng Hưng đã trở thành một nhân vật thuộc thế giới truyền kỳ. Bởi là một nhân vật truyền kỳ nên cũng như các nhân vật khác, cuộc đời của ngài cũng có những nét dị thường, mang dáng dấp như một thần thánh. Các tình tiết có ý nghĩa trong truyện chính là những thứ thuộc về dị sử: Chuyện Phùng Hưng giết hổ; chuyện ngài phò trợ Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Cùng với việc sáng tạo ra các yếu tố kì lạ, khác thường thì ở đây tác giả cũng dựa trên những cứ liệu lịch sử xác thực:" Theo Giao Châu ký của Triệu Công, vương họ Phùng, tên là Hưng, đời đời làm tù trưởng nơi biên khố của châu Đường Lâm, gọi là Quan lang ". Có thể thấy, những yếu tố hoang đường trong truyện không khiến cho nhân vật trở lên hư cấu, mà chính nhờ những yếu tố đó, nhân vật đã được làm sáng tỏ thêm nhiều chi tiết vốn mơ hồ trong chính sử.

    Ngoài ra, nhân vật lịch sử còn nhắc đến trong nhiều sáng tác truyền kỳ, đó là những bậc đế vương hay những vị anh hùng của dân tộc. Đây là những nhân vật nổi tiếng, có công với đất nước và có một vị thế đặc biệt trong lịch sử dân tộc. Vì là các nhân vật được đưa vào trong truyện truyền kỳ, trở thành nhân vật truyền kì nên trong truyện cũng xuất hiện nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo như: Trưng Nữ Vương, Ngô Vương, Đinh Tiên Hoàng Đế.. Trong tiểu sử của họ bao giờ cũng gắn với những tình tiết kì lạ, khác thường. Ví dụ như Đinh Tiên Hoàng Đế, dù nổi lên từ chốn quê mùa nhưng gốc gác lại không bình thường. Truyện" Chôn xương bụng ngựa"trong Công dư tiệp chí cho biết: Vị hoàng đế này sinh ra trong nhà thứ sử Đinh Công Trứ, mang họ Đinh, nhưng lại có gốc gác thủy thần. Xương cốt bố được táng vào huyệt quý nên phát phúc, về sau dựng lên đại nghiệp. Những tình tiết kỳ ảo, hoang đường trong truyện không hề làm tổn hại gì đến nhân vật mà còn làm cho nhân vật lịch sử ấy càng trở lên uy nghi, thiêng liêng hơn.

    Từ những điều nói trên, truyện truyền kỳ đã có những đóng góp không nhỏ cho lịch sử của dân tộc, trở thành một nguồn lịch sử phong phú đáng được quan tâm, nghiên cứu. Dù hàm chứa nhiều yếu tố hoàng đường, kì ảo, nhưng nói cho cùng, nó cũng đã góp phần hoàn thành những điểm còn thiếu khuyết trong lịch sử dân tộc. Lý giải những điều mà chính sử còn khiếm khuyết. Không những vậy, nó còn làm tăng thêm giá trị lịch sử cho loại hình truyện truyền kỳ, thể hiện được tinh thần dân tộc, củng cố lòng tự hào, lưu giữ được những ký ức lịch sử lâu dài của dân tộc. Truyện truyền kỳ xứng đáng là một bộ sử, tồn tại song song với chính sử.


    KẾT LUẬN

    Nói tóm lại, truyện truyền kỳ có giá trị văn hóa – lịch sử sâu sắc không thể phủ nhận. Bằng tài năng và tâm huyết của mình, các tác giả đã tái hiện được những giá trị văn hóa – lịch sử lâu đời của Việt Nam, đồng thời tỏ thái độ trân trọng, nâng niu và gìn giữ những giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng nhờ vậy, những giá trị văn hóa ấy được lưu giữ và bảo tồn từ đời này qua đời khác khá trọn vẹn. Ngoài ra, truyện truyền kỳ như một cỗ máy thời gian đưa người đọc quay lại thời vàng son trong lịch sử dân tộc, đi thăm thú những cảnh đẹp kì vĩ, linh diệu của kì quan sông núi đất Việt. Dù có sử dụng yếu tố huyền ảo thì những giá trị ấy của dân tộc dường như vẫn được lưu giữ nguyên vẹn, trở thành một kho tư liệu quý báu về văn hóa – lịch sử dân tộc. Đã trải qua một thời gian rất dài nhưng truyện truyền kỳ vẫn còn mãi tồn tại với thời gian. Với sức sống kỳ diệu ấy, chẳng vì thế mà nó được đón nhận và quan tâm nghiên cứu. Với những nguồn tri thức mà truyện truyền kỳ mang tới, thật khó để chúng ta tìm hiểu hết được.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO

    1. Nguyễn Dữ (Trúc Khê Ngô Văn Triệt dịch, 1957), Truyền kỳ mạn lục, NXB Văn hóa, Hà Nội – NXB Trẻ & Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học TP. HCM (in lại năm 1988).

    2. Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án (2012), Tang thương ngẫu lục, NXB Hồng Bàng.

    3. Nguyễn Phong Nam (2015), Truyện truyền kỳ Việt Nam (Đặc điểm hình thái – Văn hóa & Lịch sử), NXB Văn học.

    4. Trần Thế Pháp (Đinh Gia Khánh, Nguyễn Ngọc San dịch, 2016), Lĩnh Nam chích quái, NXB Trẻ.

    5. Lã Nhâm Thìn (2013), Giáo trình văn học trung đại Việt Nam – Tập 1, NXB Giáo dục.

    6. Tam tổ thực lục (2001), NXB Giáo dục, Hà Nội.

    7. Vũ Trinh (Hoàng Văn Lâu dịch, 2004), Lan Trì văn kiến lục, NXB Thuận Hóa.

    8. Lý Tế Xuyên (Trịnh Đình Rư, GS Đinh Gia Khánh dịch, hiệu đính, 2012), Việt điện u linh, NXB Hồng Bàng.
     
    AlissaMạnh Thăng thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng mười một 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...