Tiểu Thuyết Gia Đình - Ba Kim

Thảo luận trong 'Truyện Drop' bắt đầu bởi CELLON, 23 Tháng tám 2021.

  1. CELLON Camellia

    Bài viết:
    0
    Gia Đình

    Tác Giả: Ba Kim

    Thể Loại: Trung Quốc, Hào môn thế gia, Cấm luyến


    [​IMG]

    Văn Án: Nơi dinh cơ giàu có của Cao gia, trong đó nhiều thế hệ sống chung với nhau cùng với rất nhiều gia nhân nô tỳ. Đó là một hình ảnh tương phản giữa nước Trung Quốc cổ và những đợt sóng mới trào dâng lên để hủy diệt cái xã hội cổ ấy, được biểu thị trong đời sống hàng ngày của Cao gia, và đặc biệt là ba anh em họ Cao còn trẻ là Cao Giác Tân, Cao Giác Dân và Cao Giác Tuệ. Tất cả là những xung đột: Xung đột giữa các thế hệ và giai cấp, những mối tình tan vỡ đau thương vì bị gia đình ngăn cấm, hành động của các học sinh sinh viên chống lại chính quyền áp bức, và cuộc chiến đấu giải phóng phụ nữ.
     
    Blaxuxu thích bài này.
    Last edited by a moderator: 24 Tháng tám 2021
  2. CELLON Camellia

    Bài viết:
    0
    Chương 1:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gió rít mạnh. Tuyết như những cánh bông tơi tả, bay đầy trời, rơi khắp nơi. Dọc theo chân tường là hai vỉa hè trắng xóa, như kẻ cho con đường lát đá ngập bùn hai đường biên rộng.

    Ngoài đường, vẫn còn khách qua lại và những cỗ kiệu hai người khiêng. Họ co ro, không chịu nổi gió tuyết. Tuyết ngày càng xuống nhiều, trắng cả bầu trời, phủ khắp nơi nơi: Mái dù, đình kiệu, nón người khiêng, mặt khách bộ hành.

    Gió như đùa cợt, thổi chiếc dù lảo đảo, đôi lúc cuốn bật khỏi tay người đi đường. Gió gào thét nghe ghê rợn, hòa với tiếng bước chân trên mặt tuyết, thành một điệu nhạc cổ quái, chói tai và như đe dọa; gió tuyết còn mãi mãi ngự trị thế gian, mùa xuân tươi sáng không bao giờ trở lại.

    Trời chạng vạng. Đèn ven đường vẫn chưa sáng. Cảnh vật trên đường phố chìm dần trong sắc chiều xám xịt. Mặt đường sũng nước và bùn. Trời giá buốt. Căn nhà sáng sủa, ấm áp là niềm hy vọng duy nhất, giục giã khách bộ hành đang lê bước trên đường phố vắng lặng.

    Một thanh niên tuổi mười tám, mặt bầu bầu đỏ ửng vì rét, chiếc kính gọng vàng gác trên sóng mũi, tay cầm dù, tay vén áo bông dài, vừa đi vừa ngoái cổ về phía sau gọi:

    "Em Ba, đi mau lên chứ!"

    Người em đi sau, một thanh niên cùng tầm vóc, ăn mặc giống hệt người anh, nhưng trẻ hơn, khuôn mặt gầy hơn, đôi mắt rất sáng. Giọng người em sôi nổi:

    "Vội gì anh, sắp tới nhà rồi. Anh Hai này, buổi diễn tập hôm nay anh khá nhất đấy, nói tiếng Anh lưu loát, tự nhiên. Anh đóng vai bác sĩ Lý giỏi lắm!"

    Rồi anh vội rảo bước, bùn đất bắn tóe lên ống quần.

    "Có gì đâu! Vì anh mạnh dạn hơn đó thôi!"

    Người anh, Cao Giác Dân vừa nói vừa cười. Anh đứng lại chờ Giác Tuệ, giọng ôn tồn, không ý quở trách:

    "Em nhút nhát quá, vai" Hắc cẩu "em đóng chưa đạt. Hôm qua, em đã đọc thuộc làu mấy câu ấy rồi cơ mà? Sao lúc lên sân khấu, lại không nói được? Thầy Châu mà không nhắc, có lẽ em đành chịu chết."

    Giác Tuệ đỏ mặt, vội nói:

    "Cũng chẳng hiểu sao, hễ ra sân khấu là bụng dạ em cứ rối lên, như có bao nhiêu con mắt đang đổ dồn vào mình ấy. Em chỉ muốn nói thốc ra, không sót một lời.."

    Gió thổi quay chiếc dù trong tay Giác Tuệ. Anh vội mím môi, giữ chặt cán dù. Cơn gió qua đi. Tuyết rơi xuống chưa kịp tan, phủ trắng xóa một đường. Trên tuyết chằng chịt những vết chân, vết nọ đè lên vết kia, vết mới hằn trên vết cũ.

    Giác Tuệ nói tiếp:

    "Em chỉ muốn nói hết, không sót một lời, nhưng cứ mở miệng, là y rằng quên tiệt; cả những đoạn thường ngày thuộc làu làu, cũng không sao nhớ nữa. Thế nào cũng phải chờ thầy Châu nhắc đôi câu, mới nói tiếp được. Chẳng hiểu sau này diễn thật có thế không, nếu cứ ngắc ngứ như bây giờ, thì ngượng lắm."

    Một vẻ nghiêm nghị hiện trên khuôn mặt hồn nhiên tựa trẻ thơ ấy. Tiếng chân giẫm trên tuyết xốp nhè nhẹ.

    Giác Dân an ủi:

    "Đừng lo! Em Ba à! Tập vài lần nữa, sẽ thuộc làu ngay. Cốt nhất, em phải mạnh dạn mới được.. Thật ra, thầy Châu cải biên cuốn" Đảo giấu vàng "(1) thành kịch bản cũng dở lắm, e có diễn cũng chẳng hay ho gì."

    Giác Tuệ im lặng, rất cảm kích. Anh định bụng phải diễn màn kịch đó thật đạt, để được quan khách và bạn học khen ngợi, để Giác Dân vui lòng. Rồi, anh lại cảm thấy như mình đang bước dần vào một thế giới kỳ dị. Mọi vật trước mặt anh bỗng biến đổi hẳn: Phía trước là khách sạn "Đô đốc Bin-bôn," ở đó có Pin–người bạn cũ của anh. Còn anh– "Hắc cẩu," một con người có khí phách giang hồ hảo hán, sau khi bị cụt hai ngón tay, và trải qua bao nhiêu biến cố cuối cùng cũng đã lần ra được tung tích của Pin. Trong lòng anh rộn lên niềm vui của sự phục thù lẫn một nỗi hãi hùng không duyên cớ. Anh suy nghĩ, nên gặp Pin như thế nào, sẽ nói với y những gì, sẽ trách y phản bội lời thề, giấu diếm của báu làm mất tín nghĩa của khách giang hồ ra sao. Nghĩ vậy, những câu tiếng Anh trong vở kịch mà anh vẫn thuộc lại vụt hiện lên trong trí nhớ. Anh như bừng tỉnh, reo lên:

    "Anh Hai, em hiểu rồi!"

    Giác Dân kinh ngạc, nhìn em mình:

    "Chuyện gì mà vui vậy?"

    Giác Tuệ hớn hở, vẻ hồn nhiên đắc ý:

    "Anh Hai, giờ em mới rõ bí quyết của việc diễn kịch. Cứ tưởng tượng như chính mình là" Hắc cẩu, "thế là chẳng cần suy nghĩ, cứ nói được hết những lời mà nhân vật phải nói."

    Giác Dân mỉm cười:

    "Đúng, diễn kịch chính là phải thế! Em đã rõ như vậy, nhất định diễn sẽ đạt.. Tuyết đã ngớt nhiều rồi, ta cụp dù thôi! Gió thế này, che dù vất vả lắm."

    Dứt lời, anh giũ sạch tuyết trên dù, cụp lại. Giác Tuệ cũng làm theo. Hai anh em vác dù, sánh vai đi sát bên nhau.

    Tuyết ngừng rơi. Gió lặng dần. Đầu tường, mái ngói phủ đầy tuyết trắng, ánh lên trong sắc chiều xám ngoét. Vài quán hàng đèn nến sáng trưng xen giữa những dinh thự cổng sơn đen xì, điểm tô cho dãy phố tịch mịch, và ít nhiều cũng tỏa ra chút hơi ấm và ánh sáng trong chiều đông giá lạnh.

    Bỗng Giác Dân ân cần hỏi:

    "Em Ba, có rét không?"

    "Không anh ạ. Ấm lắm.. vừa đi vừa nói chuyện chẳng lạnh đâu."

    "Sao em lại run thế?"

    "Xúc động quá, anh ạ! Bao giờ cũng thế, hễ xúc động là người em cứ run lên, tim đập dữ lắm. Cứ nghĩ tới chuyện diễn kịch, em lại thấy hồi hộp. Thật tình, em rất mong diễn được đạt. Anh Hai, anh không cười em trẻ con chứ?"

    Nói đoạn, Giác Tuệ ngẩng nhìn Giác Dân, chỉ sợ anh cười mình.

    "Em Ba! Không, không khi nào anh lại cười em. Anh rất mong em diễn thành công. Anh cũng như em. Ai mà chả thích được thầy khen trên lớp, dù chỉ là một lời khen bình thường."

    "Đúng, anh nói rất đúng."

    Giác Tuệ càng đi sát người anh. Họ sánh vai cất bước quên cả giá rét, quên cả gió tuyết, đêm tối.

    Nhìn mặt anh, Giác Tuệ cười hồn nhiên:

    "Anh Hai, anh giỏi lắm!"

    Giác Dân mỉm cười, nhìn ánh mắt long lanh của em, anh chậm rãi:

    "Em cũng giỏi!"

    Rồi, nhìn quanh, biết sắp đến nhà, anh nói tiếp:

    "Em Ba! Ta đi mau lên thôi, qua chỗ rẽ là đã tới nhà."

    Giác Tuệ gật đầu. Hai người rảo bước, thoáng chốc họ đã rẽ vào một dãy phố vắng lặng hơn. Đèn ngoài phố đã sáng. Trong gió rét, ánh đèn dầu trong những chụp kính hình vuông trông càng lạnh lẽo cô đơn; cột đèn ngả bóng nhợt nhờ trên mặt tuyết. Ngoài phố lác đác dăm ba người bước đi hối hả, rồi mất hết, để lại những vết hằn trên mặt tuyết. Những vết chân hằn sâu xuống tuyết, như mệt mỏi thiếp đi, không buồn nhúc nhích, cho tới khi bị những vết chân mới giẫm lên, chúng mới cất tiếng "thở dài" và vỡ nát ra thành những hình thù kỳ quặc. Rồi cả dãy trắng xóa dài dặc vô biên, không còn những dấu chân ấy nữa, chỉ trơ trọi những "hốc" đen ngòm, to nhỏ.

    Một dãy dinh thự với những chiếc cổng lớn sơn đen, im lìm trong gió rét. Một đôi sư tử đá, lúc nào cũng lặng lẽ nằm phục trước cổng. Khi cổng mở, trông hệt như chiếc mồm khổng lồ của con quái vật; phía trong là "chiếc động" đen ngòm, có những gì, ai người nhìn thấu?

    Mỗi tòa dinh thự đều đã dãi dầu qua nhiều năm tháng, hoặc đã đổi thay qua nhiều dòng họ, đều có những điều bí mật riêng. Lớp sơn đen trên cổng tróc đi, lại quét lên một lớp khác, tuy đã trải qua nhiều sự đổi thay, nhưng những điều bí mật trong các tòa dinh thự ấy vẫn không mảy may hé lộ cho người ngoài biết.

    Đến giữa phố, hai anh em dừng chân trước một tòa dinh thự đồ sộ. Họ chùi giày da lên thềm đá, giũ sạch tuyết trên người, xách dù, rảo bước đi vào. Tiếng chân họ chìm bặt trong ngõ tối. Ngoài cổng, trở lại tĩnh mịch. Giống như những dinh thự khác, trước cổng tòa dinh thự này cũng có một đôi sư tử đá dưới mái hiên cũ treo một cặp đèn lồng lớn, phất giấy hồng điều, chỉ khác là, dưới bậc thềm có hai chiếc thống đá hình vuông, ngoài cổng treo đôi câu đối gỗ, trên nền sơn đỏ, nổi bật tám chữ đen, viết theo kiểu Lệ thư (2) : "Quốc ân gia khánh, nhân thọ niên phong." Hai cánh cổng lớn mở vào phía trong, trên mỗi cánh dán một bức tranh màu vẽ thần giữ cửa, tay cầm đao, đứng sừng sững.

    (1) Tác phẩm của Sti-ven-xơ (R. L Stevenson)

    (2) Một lối chữ viết, tương truyền là của Trinh Mạc thời Tần. Trinh Mạc phạm tội bị giam ở ngục đã nghĩ ra kiểu chữ đó, nên đặt là "lệ thư."
     
    Blaxuxu thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng tám 2021
  3. CELLON Camellia

    Bài viết:
    0
    Chương 2:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Gió lặng. Tiết trời vẫn lạnh. Đêm xuống rồi, nhưng trời chưa tối hẳn. Bầu trời xám ngắt. Tuyết phủ kín chiếc sân rộng lát đá; giữa sân nổi lên một lối đi xây bằng những tấm đá vuông vắn. Hai bên là mấy bồn hoa mai, tuyết phủ trắng cành đẹp như những cây bạch ngọc.

    Giác Dân đi trước. Anh vừa đặt chân lên thềm đá nhà ngang bên trái, sắp bước qua cửa, thì chợt có tiếng gọi ở phía cửa sổ bên trái gian nhà trên:

    "Nhị thiếu, Tam thiếu, hai cậu về thật đúng lúc, nhà mới vào bữa xong. Mời hai cậu vào mau, nhà có khách đấy ạ."

    Người vừa nói là Minh Phượng, một cô hầu gái, tuổi mười sáu, dải tóc đuôi sam buông thõng sau gáy, tấm áo bông vải màu lam bó sát lấy thân hình thon thon; khuôn mặt trái xoan mơn mởn; mỗi khi cười nói lại lộ ra má lúm đồng tiền. Đôi mắt long lanh, Phượng hồn nhiên nhìn hai anh em Giác Dân, Giác Tuệ đi phía sau, cười với Phượng.

    Giác Dân lớn tiếng trả lời:

    "Được, cất dù xong chúng tôi sẽ vào!" Rồi, không hề nhìn Phượng, anh rảo bước qua bậc cửa.

    Giác Tuệ lên thềm, đứng lại trước cửa, hỏi:

    "Khách nào thế, Phượng?"

    "Bà và Cầm tiểu thư sang chơi. Mời cậu vào mau."

    Nói xong, Phượng quay đi lên nhà trên. Giác Tuệ nhìn theo, mỉm cười. Khi bóng Phượng khuất hẳn, anh mới quay về phòng mình.

    Ở trong bước ra, Giác Dân giục:

    "Em nói chuyện gì với Phượng thế? Mau vào ăn cơm chứ, lần chần mãi thì xong bữa mất!" Nói đoạn, anh đi ra ngoài.

    "Vâng! Cứ mặc thế này vào anh nhé! Cũng may quần áo còn khô nguyên, chẳng cần thay nữa." Giác Tuệ vừa nói vừa quẳng chiếc dù xuống đất, bước vội theo ra.

    "Em chẳng bao giờ làm ăn cho có ngăn nắp cả, anh đã bảo bao lần, mà em vẫn không nghe. Thật núi sông dễ chuyển, tính người khó đổi thay là thế!"

    Trách vậy, nhưng nét mặt Giác Dân vẫn tươi cười. Anh quay vào, nhặt chiếc dù lên, giương ra, rồi đặt nhẹ xuống đất.

    Đứng ngoài cửa nhìn anh, Giác Tuệ cười:

    "Anh bảo làm thế nào được! Tính em nó quen đi rồi. Buồn cười thật, chính anh giục em nhanh lên, mà anh lại lần chần.."

    Giác Dân ở trong nhà bước ra, cười:

    "Em ương lắm, anh nói không lại đâu!"

    Giác Tuệ vẫn tươi cười, bước theo anh. Trong đầu óc Giác Tuệ, hình ảnh một người con gái thoáng hiện lên, rồi vụt tắt, vì anh đã bước vào căn nhà trên, và trước mắt là cả một cảnh tượng mới.

    Quanh chiếc bàn vuông, đã có sáu người ngồi. Phía trên là bà Chu, người mẹ kế, và bà cô họ Trương, bên trái có người chị họ tên là Cầm người bên nhà cô Trương, và chị dâu Lý Thụy Giác, mé dưới là anh Cả–Giác Tân, và cô em gái Thục Hoa, bên phải còn hai chiếc ghế để trống. Hai anh em chào hỏi bà cô và Cầm, rồi ngồi vào hai chiếc ghế đó. Vú Trương vội xới thêm hai bát cơm đem lại.

    Bà Chu tay bưng bát, dịu dàng hỏi:

    "Sao hôm nay hai đứa về muộn vậy? Nếu không có cô đến chơi, nhà đã ăn xong bữa rồi."

    Giác Dân trả lời:

    "Dạ, chiều nay thầy Châu dạy chúng con tập kịch, nên bây giờ mới về được."

    Bà Trương cất tiếng hỏi, nửa như săn sóc, nửa như khách sáo:

    "Trời xuống nhiều tuyết, ngoài ấy chắc lạnh lắm nhỉ? Hai đứa ngồi kiệu về chứ?"

    Thấy nói đến ngồi kiệu, Giác Tuệ vội lên tiếng:

    "Chúng cháu đi bộ ạ, xưa nay có bao giờ chúng cháu ngồi kiệu đâu!"

    Giác Tân cười, giảng giải:

    "Em Ba vẫn sợ mang tiếng ngồi kiệu. Em ấy là một nhà chủ nghĩa nhân đạo đấy ạ!"

    Mọi người nghe nói đều cười.

    Giác Dân lễ phép, đáp lời bà cô:

    "Dạ, ở ngoài đã ngớt gió, trời cũng không lạnh lắm. Chúng cháu vừa đi vừa nói chuyện, nên rất dễ chịu."

    Cầm hỏi Giác Dân:

    "Anh Hai này, vở kịch anh và em Giác Tuệ vừa nói định diễn vào dịp liên hoan văn nghệ phải không? Bao giờ trường anh mở hội?"

    Cầm cùng tuổi với Giác Dân, nhưng sinh sau vài tháng nên gọi Giác Dân là anh. Cô tên thật là Trương Uẩn Hoa, mọi người thường gọi cô là "Cầm." Cả Cao gia cũng quen gọi vậy. Cô là cô gái đẹp và hoạt bát nhất trong họ, hiện đang theo học năm ba trường nữ sư phạm của tỉnh.

    Giác Dân trả lời:

    "Chừng mùa xuân sang năm? Vào đầu học kỳ sau. Học kỳ này chỉ còn hơn tuần lễ nữa thôi. Bên trường Cầm thế nào, bao giờ nghỉ đấy?"

    Cầm đặt bát đũa xuống bàn:

    "Trường em nghỉ từ tuần trước rồi. Nghe đâu vì thiếu kinh phí, nên phải cho nghỉ sớm."

    Giác Dân giảng giải:

    "Hiện giờ, quỹ của ngành giáo dục đều đem chi vào các khoản quân sự cả. Trường nào cũng xác xơ vậy thôi. Riêng trường bọn anh có khác đôi chút, vì thầy hiệu trưởng đã ký hợp đồng với các giáo viên ngoại quốc, dù học hay không, cũng vẫn cứ phải trả lương cho họ. Có dạy thêm vài ngày nữa, cũng chẳng trở ngại gì.. Nghe đâu thầy hiệu trưởng có quen biết ngài giám binh, nên việc tiền nong cũng có phần dễ dàng hơn."

    Anh đặt bát đũa xuống, Phượng vội đưa khăn mặt lại. Giác Tân bèn nói xen vào:

    "Tốt thôi cốt sao mình được học, còn chuyện gì nọ kia mặc họ."

    Bỗng bà Trương hỏi Cầm:

    "À mẹ quên mất, các cháu ấy học trường nào nhỉ?"

    Cầm cười:

    "Mẹ chóng quên thế đấy? Anh Dân và em Tuệ học trường chuyên nghiệp ngoại ngữ, con chẳng đã nói với mẹ còn gì!"

    Bà Trương cũng cười:

    "Ừ phải! Mẹ già rồi nên chóng quên quá. Bữa nay đánh bài, có ván mẹ quên cả ù đấy."

    Mọi người đặt bát đũa, đưa khăn lên lau mặt. Bà Chu nói với bà Trương:

    "Cô Cả, mời cô sang phòng tôi nghỉ."

    Rồi bà dịch ghế đứng dậy. Tất cả đều đứng lên, đi về phía phòng bên.

    Cầm đi sau cũng, Giác Dân bên cạnh, khẽ bảo:

    "Cầm này, hè sang năm trường anh lấy nữ sinh đấy?"

    Cầm ngạc nhiên, vui vẻ quay lại. Nét mặt cô rạng rỡ hẳn lên, mắt long lanh nhìn Giác Dân, như vừa được tin mừng lớn.

    "Thật chứ?"

    Cô như chưa tin hẳn, cho là Giác Dân đùa mình.

    Giác Dân nghiêm nghị:

    "Tất nhiên là thật rồi. Cầm đã thấy anh nói dối bao giờ chưa?" Rồi quay sang nhìn Giác Tuệ, anh nói tiếp: "Không tin, Cầm hỏi em ba xem."

    Cầm mỉm cười, vui vẻ:

    "Không phải Cầm không tin, nhưng cái tin ấy đột ngột quá."

    Giác Tuệ tiếp lời, giọng ấm ức:

    "Có vậy đấy nhưng chắc gì làm được. Miền Tứ Xuyên ta lắm người còn phong kiến lắm. Họ lại có thế lực nữa, thế nào mà chẳng phản đối việc này. Họ có bao giờ dám nghĩ tới chuyện con trai, con gái học chung một trường?"

    Giác Dân nói:

    "Không sao! Cốt thầy hiệu trưởng quyết tâm là được. Thầy bảo, nếu không có nữ sinh nào ghi tên, thầy sẽ cho bà vợ ghi tên đầu tiên."

    Như được khuyến khích bởi một ý tưởng vĩ đại, Cầm hăng hái:

    "Không! Em sẽ là người ghi tên đầu."

    Có tiếng bà Trương ở trong phòng vọng ra:

    "Cầm con! Sao không vào trong này? Mấy đứa đứng ngoài ấy chuyện trò gì vậy?"

    Giác Dân khẽ giục:

    "Cầm vào xin phép cô đi, rồi sang phòng bọn anh chơi. Anh sẽ kể rõ ràng cho nghe."

    Cầm gật đầu đi vào, cô thì thầm đôi câu, bà Trương mỉm cười, căn dặn:

    "Ừ, nhưng đừng ngồi lâu đấy nhé?"

    Cầm gật đầu quay ra, theo hai anh em Giác Dân xuống nhà ngang. Vừa ra khỏi cửa cô đã nghe tiếng xoa mạt chược rào rào. Cầm biết, ít nhất mẹ cũng phải đánh bốn ván.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng tám 2021
  4. CELLON Camellia

    Bài viết:
    0
    Chương 3:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Bọn anh đã học xong tác phẩm" Đảo giấu vàng, "học kỳ hai sẽ học tác phẩm" Phục sinh "của Tônxtôi." Giác Dân nói với Cầm, anh mỉm cười thỏa mãn: "Học kỳ hai, ông Ngô Hựu Lăng sẽ dạy quốc văn lớp bọn anh. Chính ông ta viết bài" Lễ giáo ăn thịt người "đăng trên" Thanh niên mới "đấy."

    Họ ra khỏi căn nhà trên, vừa bước xuống thềm đá, đi về phía phòng mình.

    Cầm phấn khởi, tỏ vẻ hâm mộ:

    "Em cũng biết Ngô Hựu Lăng, chính là ông" mà một mình đánh Khổng gia điếm "chứ gì? Các anh thật may mắn đấy. Thầy dạy quốc văn của bọn em toàn là cụ cử cụ tú từ đời nhà Thanh, học toàn những loại" Cổ văn quan chỉ. "Còn Anh văn, thì mấy năm rồi, vẫn loanh quanh với cuốn" Sách học tiếng Anh của Sambơt. "Rặt những loại đồ cổ! Em rất mong trường các anh nhận nữ sinh vào học."

    Ở phía sau, Giác Tuệ nói đùa:

    "Sách học tiếng Anh của Sambơt đã dịch ra Trung văn, quyển ấy cũng tốt đấy chứ? À mà nghe nói Lâm Cầm Nam (1) có viết một tác phẩm" Thi nhân di ngữ "(2) gì gì ấy!"

    Cầm ngoái nhìn, trách móc:

    "Đang nói chuyện đứng đắn, mà em Ba cứ đùa cợt!"

    Giác Tuệ cười:

    "Thôi vậy xin để anh và chị nói chuyện, em không dính gì nữa!"

    Giác Tuệ có ý đi chậm lại; anh dừng bước ở ngưỡng cửa, nhường cho Giác Dân và Cầm vào phòng.

    Trên gian thờ chính, ánh đèn mờ tối. Hai căn nhà ở hai bên, và gian nhà chính ở phía trước đèn điện sáng trưng, tiếng bài mạt chược từ căn nhà bên trái vọng ra. Đó đây, rộn tiếng người. Tuyết tô điểm, mảnh sân thêm đẹp đẽ, trong sạch.

    Giác Tuệ ngước nhìn quanh, cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm, anh muốn gào to lên, cười phá ra. Anh vung cánh tay như để tỏ rằng, quanh anh là cả một không gian rộng lớn; con người anh là tự do, không bị một vật gì gò bó, cản trở.

    Anh nhớ lại lúc mình đóng vai Hắc cẩu trong vở kịch "Đảo giấu vàng" đã từng đập bàn quát tên bồi khách sạn mang rượu tới. Cái khí phách ngang tàng ấy bỗng trở lại với anh, bất giác anh gọi to:

    "Phượng đâu! Đem trà lên! Cho ba cốc!"

    Từ căn nhà trên, mé bên trái, có tiếng người đáp lại. Vài phút sau, một cô gái tay bưng hai chén trà, bước tới.

    Giác Tuệ vẫn lớn tiếng hỏi:

    "Sao chỉ có hai cốc? Bảo cho ba cốc mà!"

    Đi gần tới trước mặt anh, nghe tiếng quát, Phượng như hoảng hốt, tay run run, nước trà trong chén sóng ra. Cô ngước nhìn anh, cười:

    "Nhưng thưa Tam thiếu, em chỉ có hai tay thôi ạ."

    Giác Tuệ cũng cười:

    "Sao cô không bưng cả khay lên? Thôi được, mang lại cho chị Cầm và Nhị thiếu." Anh hơi nghiêng người về bên trái, dựa vào khung cửa, nhường chỗ cho Phượng vào.

    Thoáng chốc, Phượng lại bước ra. Nghe tiếng chân đi, Giác Tuệ chủ tâm đứng dạng chân giữa cửa, cản đường.

    Phượng lẳng lặng đứng dừng sau anh, im lặng giây lát, cô nói nho nhỏ:

    "Tam thiếu nhường đường giúp em!"

    Không rõ cố tình lờ đi hay không nghe tiếng, mà anh vẫn đứng im không nhúc nhích

    Phượng nhắc lại lời vừa nói, và cho biết là bà lớn còn có việc sai bảo. Giác Tuệ lờ đi, và vẫn đứng đó, như một tảng đá chặn giữa cửa.

    "Phượng! Phượng!"

    Tiếng người mẹ kế từ căn nhà trên vọng tới.

    Ở phía sau, Phượng cuống cuồng, khẽ nói:

    "Cho em đi đi, bà lớn gọi rồi kìa! Lên chậm, bà mắng đấy."

    "Mắng thì đã sao." Anh cười, lững lờ: "Cứ thưa với bà là ở đây tôi có việc cần cô làm giúp."

    "Bà chả tin đâu, bà mà nổi nóng lên, lát nữa khách về rồi, chưa chừng em sẽ bị mắng đấy."

    Cô gái vẫn nói rất nhỏ, người trong nhà không thể nghe thấy.

    Lúc này, lại có tiếng một thiếu nữ, đó là Thục Hoa–em gái Giác Tuệ, đang thét lên:

    "Phượng! Phượng đâu! Bà gọi mày lên nhồi thuốc kìa!"

    Giác Tuệ hơi né người nhường lối. Phượng chạy vụt ra.

    Thục Hoa từ căn nhà trên bước ra, gặp Phượng liền mắng.

    "Mày đi đâu đấy? Sao gọi mãi mà vẫn không thưa?"

    "Em mang trà lên cho Tam thiếu." Phượng cúi đầu, trả lời.

    "Mang trà mà lâu đến thế à? Mày có câm đâu, sao nghe gọi lại không biết mở mồm ra thưa?" Tuy mới mười bốn tuổi đầu mà Thục Hoa đã ra dáng người lớn, chửi mắng người làm, thái độ rất tự nhiên: "Nhanh đi, bà mà biết thì mày lại bị mắng đấy." Buông lời, Thục Hoa quay trở về căn phòng trên. Phượng lẳng lặng theo sau.

    Từng lời từng tiếng của cô em gái đập vào tai Giác Tuệ rất rõ. Những lời lẽ ấy, như những ngọn roi vút xuống đầu anh. Mặt bỗng nóng bừng, anh cảm thấy hổ thẹn. Anh biết rằng, vì mình nên cô gái ấy bị mắng. Anh thấy bất bình với người em gái. Anh rất muốn chạy ra bênh vực Phượng đôi câu nhưng như có vật gì đó đã ngăn anh lại. Đứng lặng trong bóng tối, anh để ý đến những việc vừa xảy ra, như không chút dính dáng tới anh.

    Họ đi rồi, chỉ còn lại mình anh. Trước mắt anh, lại hiện ra khuôn mặt cô gái. Khuôn mặt xinh xắn ấy lúc nào cũng như sẵn sàng phục tùng không kêu ca cán than. Như biển rộng bao la, khuôn mặt ấy hút lấy, nuốt lấy hết thảy, mà không hề cất tiếng than van!

    Từ trong căn phòng, tiếng nói của một người thiếu nữ luôn vẳng tới tai anh, anh lại như nhìn rõ khuôn mặt một cô gái khác, tuy cũng xinh xắn, nhưng khác hẳn khuôn mặt trên ờ những nét: Ngang ngạnh, nhiệt tình và có nghị lực, không chịu khuất phục điều gì.

    Hai khuôn mặt ấy đã nói lên hai cuộc sống khác nhau, hai số phận khác nhau. Đem so sánh không hiểu sao anh thấy thông cảm ưa thích khuôn mặt trước hơn; mặc dù, ở khuôn mặt sau, anh vẫn thấy được rất nhiều nét hạnh phúc sáng tươi.

    Giờ đây, trong cặp mắt anh, khuôn mặt trước càng to ra, và những nét chịu khuất phục, van vỉ ấy trông càng thêm xúc động. Anh muốn an ủi, muốn mang lại cho người con gái ấy một chút gì đó; nhưng anh nghĩ vẫn không ra. Anh bỗng nghĩ tới số phận của Phượng, và biết rằng, từ thuở lọt lòng, số phận Phượng đã là thế. Nhiều cô gái như Phượng đã phải chịu chung một số phận ấy, tất nhiên, Phượng không thể khác được. Nghĩ tới đây, anh cảm thấy bất bình với định mệnh. Anh muốn chống đối, muốn biến đổi nó. Trong đầu óc anh, bỗng nổi lên một ý nghĩ rất kỳ quặc. Nhưng rồi, không nén nổi, anh cất tiếng cười!

    "Không được việc ấy không thể được rồi!" Anh tự nhủ vậy rồi tự hỏi lòng: "Nếu được như thế nhỉ?" Nhưng nghĩ tới những hậu quả của ý nghĩ đó, chí khí anh tiêu tan ngay. Anh lại cười: "Ảo tưởng! Thật là ảo tưởng!"

    Nhưng dù sao, anh vẫn thấy lưu luyến, không muốn để ảo tưởng ấy tan vỡ ngay. Anh phân vân và hy vọng rằng:

    "Giá như Phượng được ở vào địa vị Cầm nhỉ?"

    Rồi anh kiên quyết tự trả lời:

    "Thế thì còn nói gì nữa."

    Và giờ đây, anh thật sự cảm thấy rằng, Phượng đã ở vào địa vị của Cầm, và mọi chuyện giữa anh với Phượng đều trở thành rất tự nhiên, rất hợp lý.

    Lát sau, anh lại tự cười giễu mình:

    "Sao lại nghĩ vơ vẩn đến thế! Yêu đương gì, chẳng qua là đùa vui thôi."

    Thế rồi, cái khuôn mặt chịu khuất phục của cô gái ấy dần dần mờ đi. Và, trước mặt anh lại nổi rõ lên khuôn mặt ngang ngạnh nhiệt tình của cô gái nọ. Nhưng ngay đó, khuôn mặt này cũng lại lặn mất.

    "Hung nô vị diệt, hà dĩ gia vi." (3)

    Anh gào lên vậy, rồi bước vào nhà. Tuy thường ngày, anh cũng chẳng thích thú gì cái câu cổ hủ ấy, nhưng lúc này, anh lại thấy đó là một diệu pháp có thể giải quyết được hết thảy. Cho nên, với một giọng khảng khái và xúc động, anh nói lớn lên câu đó. "Hung nô" anh nói đây không có ý chỉ người ngoại quốc, càng không có ý là cầm lấy súng gươm ra chốn chiến trường giết bọn ngoại quốc. Chẳng qua, anh cảm thấy rằng, thân là "nam nhi" phải rời bỏ gia đình đi đó đi đây làm nên những sự nghiệp phi thường. Nhưng rốt cuộc, anh chỉ có một ý nghĩ mơ hồ về cái sự nghiệp ấy.

    Trong nhà, Giác Dân đứng bên chiếc bàn viết, nói chuyện với Cầm đang ngồi trên chiếc ghế mây trước bàn. Nghe rõ tiếng Giác Tuệ, anh ngẩng nhìn, rồi cười nói với Cầm:

    "Cầm xem, em Ba lại điên rồi?"

    Cầm cũng ngước nhìn Giác Tuệ, giọng chế giễu, trả lời Giác Dân:

    "Anh không biết đó là một 'vị anh hùng' ư?"

    Giác Dân cười:

    "Có lẽ đó là 'Hắc cẩu, ' 'Hắc cẩu' cũng anh hùng đấy chứ!"

    Cầm cười theo.

    Bị họ cười, Giác Tuệ thấy bực dọc, tức tối:

    "Dù sao thì 'Hắc cẩu' cũng còn khá hơn bác sĩ Lý, bác sĩ Lý chẳng qua chỉ là một thân sĩ."

    Giác Dân nửa đùa, nửa ngạc nhiên:

    "Em nói vậy là có ý gì? Rồi em chẳng cũng là một thân sĩ đó sao?"

    Giác Tuệ căm giận:

    "Phải! Đúng vậy! Ông cha chúng ta là thân sĩ nên chúng ta rồi cũng sẽ là thân sĩ."

    Anh thôi không nói nữa, như chờ đợi Giác Dân trả lời.

    Thoạt đầu, Giác Dân chỉ có ý đùa cợt Giác Tuệ, lúc này thấy em trai nổi nóng, anh muốn lựa lời an ủi, nhưng nghĩ không ra câu đáng nói. Ngồi bên, Cầm cũng không nói gì, chỉ lẳng lặng nhìn hai người.

    Giác Tuệ tiếp:

    "Thôi đủ rồi! Em sống cuộc sống ấy đủ rồi."

    Càng nói, anh càng kích động, mặt đỏ bừng.

    "Sao anh Cả cứ thường thở ngắn than dài? Chẳng phải là đã chán ngấy cuộc sống của những vị thân sĩ, và không chịu đựng nổi cảnh sống vô công rỗi nghề trong một gia đình thân sĩ đó sao? Điều đó, các anh đều rõ cả đấy.." Đại gia đình "chúng ta tuy chưa phải là" ngũ thế đồng đường, "thì cũng bốn đời ăn ở chung với nhau mà đã như thế đó. Rõ ràng cùng là người trong nhà, nhưng có ngày nào không ngấm nguýt lục đục? Chung quy cũng chỉ vì tranh giành chút gia sản đó thôi!"

    Nói tới đây, anh giận quá, như có vật gì đưa lên nghẹn họng. Anh thấy còn rất nhiều điều muốn nói, nhưng chưa nói hết được. Thật ra, không phải vì Giác Dân đã làm anh bực tức, mà là do cái khuôn mặt với vẻ chịu khuất phục của cô gái kia. Anh cảm thấy rằng, lẽ ra anh với cô gái đó có thể gần gũi nhau, nhưng khốn nỗi giữa hai người lại có một bức tường cao vô hình ngăn cách. Chính cái gia đình thân sĩ này đã làm anh không thể đạt được điều anh mong muốn. Cho nên anh càng căm giận nó.

    Nhìn khuôn mặt đỏ bừng, ánh mắt long lanh của em trai, Giác Dân bước tới, nắm tay và vỗ vai em, giọng cảm động:

    "Nhẽ ra, anh không nên đùa em! Em nói đúng, anh cũng có những nỗi buồn khổ như em.. hai anh em ta sẽ mãi mãi bên nhau.."

    Giác Dân chưa thể biết được, ở Giác Tuệ đã in sâu nét mặt một cô gái.

    Nghe Giác Dân nói, Giác Tuệ nguôi ngay cơn giận, lặng lẽ gật đầu.

    Cầm đứng dậy, xúc động:

    "Em Ba, lẽ ra chị không nên cười em. Chị sẽ mãi mãi bên em và anh Dân. Chị càng cần phải phấn đấu, vì hoàn cảnh chị có khó khăn hơn em và anh Dân nhiều."

    Cả hai ngoái nhìn Cầm. Cặp mắt to và xinh đẹp của cô ánh lên niềm u uất. Trước mặt cô, hình như có cái gì đang dập dờn.

    Dáng dấp hoạt bát của cô giờ đây không còn nữa. Nét mặt trầm lặng, ưu tư kia đã nói lên nỗi lòng cô hiện đang day dứt.

    (1) Tức Lâm Thư (1852-1924) tự Cầm Nam là một trong số đại biểu cựu phái của nền văn hóa cổ điển Trung Quốc. Lâm Thư người Phúc-kiến, đỗ cử nhân thời nhà Thanh, thời Dân quốc đã từng dạy ở trường Đại học Bắc Kinh.

    (2) "Chuyện vui của nhà thơ."

    (3) Rợ Hung nô chưa dẹp xong thì nói gì đến chuyện gia đình?
     
    Last edited by a moderator: 30 Tháng tám 2021
  5. CELLON Camellia

    Bài viết:
    0
    Chương 4:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đây là lần đầu tiên nét mặt Cầm như thế, họ vụt hiểu vì sao Cầm buồn khổ. Cầm nói đúng, hoàn cảnh Cầm có khó khăn hơn, nên họ thông cảm với Cầm. So với dáng dấp vui vẻ hàng ngày, nét mặt ưu tư hiếm thấy ở Cầm trông càng dễ rung động. Lúc này, họ cùng có một ý muốn là mình sẽ hy sinh hết thảy, để người thiếu nữ kia sớm đạt nguyện vọng. Ước muốn của họ mông lung quá, và họ cũng chưa có được cách gì cụ thể để giúp Cầm, mà chỉ thấy đó là bổn phận của mình.

    Họ nghĩ vậy, và đã quên hẳn mọi nỗi niềm buồn khổ. Giờ đây, họ chỉ nghĩ đến Cầm.

    Cuối cùng Giác Dân nói:

    "Cầm, không sao đâu. Bọn anh sẽ nghĩ cách giúp em. Em cứ yên tâm. Anh tin rằng," có chí thì nên. "Cứ như trước đây, thoạt đầu, ông nội bọn anh chẳng cũng rất không bằng lòng để bọn anh vào trường học đó ư? Nhưng cuối cùng, bọn anh đã thắng."

    Cầm lùi lại mấy bước, một tay tì lên bàn viết, một tay bóp trán, người dựa hẳn vào bàn. Như vừa tỉnh mộng, cô đăm đăm nhìn hai anh em Giác Dân.

    Giác Tuệ cũng nói với Cầm, rất thiết tha:

    "Chị Cầm, anh Hai nói đúng đấy. Chị nên yên tâm ôn tập kỹ bài vở, và dành nhiều thời gian học ôn Anh văn. Chỉ cốt sao thi đỗ vào trường chuyên nghiệp ngoại ngữ, thì mọi việc rồi sẽ xuôi."

    Cầm gạt nhẹ mái tóc, tuy mỉm cười, nhưng trong giọng nói vẫn còn đôi chút lo lắng:

    "Chị cũng mong sẽ được như vậy. Mẹ chị thì dễ thôi, thế nào rồi cũng bằng lòng. Chỉ còn lo bà chị không nghe, và bà con họ hàng sẽ bàn ra tán vào. Ngay ở đằng nhà, người anh Dân và em Tuệ ra, thế nào những người khác chẳng phản đối việc này."

    Giác Tuệ bực tức, ngạc nhiên:

    "Việc này dính dáng gì tới họ? Vào trường học là việc riêng của chị, huống hồ chị lại không phải người trong gia đình bọn em."

    "Em và anh Dân chưa biết chứ, cũng chỉ vì việc xin vào học ở trường nữ sư phạm mà mẹ Cầm đã phải bực mình vì những lời ong tiếng ve. Bà con họ hàng đều nói rằng, con gái lớn thế, mà ngày nào cũng lượn phố, chẳng ra sao cả, thật không còn ra một cô gái khuê các. Năm ngoái, mợ năm đã cười Cầm về việc ấy đấy. Với Cầm thì việc đó cũng thường thôi nhưng mẹ Cầm lại rất rầu lòng. So với người khác tuy có phần đỡ hơn, nhưng dù sao thì bà vẫn còn cổ hủ lắm. Tuy không tin con gái vào trường học là đúng nhưng vì rất yêu Cầm, nên bà vui lòng chịu đựng hết thảy, mặc cho họ hàng lời ra tiếng vào.. việc vào trường học đã thế rồi, giờ lại xin học chung với con trai, thì liệu bà con họ hàng có ai dám cho đó là đúng?"

    Cầm rướn thẳng người, càng nói càng xúc động, đôi mắt long lanh, nhìn thẳng mặt Giác Dân, như muốn tìm ở anh một lời đáp lại.

    "Chắc anh Cả chẳng phản đối đâu." Giác Dân vô tâm nói vậy.

    Cầm tiếp:

    "Chỉ có một mình anh Cả thì chả ăn thua. Hẳn là Đại bá mẫu sẽ phản đối việc này. Tứ thẩm, Ngũ thẩm cũng sẽ vin vào đó để lời nọ tiếng kia."

    Giác Tuệ: "Thì cứ để họ nói! Ăn không ngồi rồi, tất nhiên họ phải bàn tán lăng nhăng chứ. Dù chị có không làm gì đi nữa, thì họ cũng cứ kiếm chuyện. Tóm lại là, chúng ta không thể bịt miệng thế được. Sao thì cũng cứ mặc cho họ chế giễu, kệ cho họ nói, ta cứ lờ như không nghe thấy gì hết."

    Giác Dân khuyến khích:

    "Cầm! Em Ba nói đúng đấy, thôi, ta cứ thế nhé!"

    "Giờ Cầm cũng nghĩ vậy đấy." Mắt bỗng ngời lên, Cầm lại hoạt bát và rắn rỏi. Cô nói rất kiên quyết: "Cầm cũng biết rằng, bất kỳ một cuộc cải cách nào, muốn thành công cũng đều đòi hỏi phải hy sinh nhiều. Giờ đây, Cầm sẽ là vật chịu hy sinh vậy."

    Giác Dân an ủi:

    "Cầm đã có quyết tâm như vậy, nhất định sẽ thành công."

    Cầm mỉm cười, giọng vẫn kiên quyết:

    "Thành công hay không, cũng chẳng sao. Ta hãy thử xem!"

    Hai anh em Giác Dân cảm phục nhìn Cầm.

    Tiếng chuông đồng hồ treo ở tường phòng bên điểm chín giờ.

    Cầm sửa lại mái tóc:

    "Cầm phải về đây! Có lẽ trên nhà đã đánh xong bốn ván mạt chược rồi."

    Đã bước ra ngoài, cô còn ngoái lại cười chào Giác Dân và Giác Tuệ.

    "Rảnh rỗi lại đằng Cầm chơi nhé! Ở nhà, Cầm hết quanh ra lại quanh vào."

    "Được!"

    Cả hai người đáp lại, và tiễn Cầm ra tới cửa. Nhìn theo bóng Cầm khuất hẳn vào căn nhà trên, họ mới trở về phòng.

    Căn phòng như thêm phần ấm cúng, lòng họ cũng ấm lại.

    Nghĩ tới Cầm, bất giác Giác Dân buột lời khen ngợi:

    "Thật là cô gái dũng cảm."

    Anh đang đắm chìm trong mộng ảo. Lát sau, bỗng anh lại nói:

    "Thật không ai ngờ một cô gái lanh lợi như Cầm mà cũng có điều đau khổ."

    "Ai mà chẳng có nỗi niềm đau khổ, em cũng vậy.." Như trót lỡ lời, nói tới đây, Giác Tuệ bỗng dừng lại.

    Giác Dân kinh ngạc:

    "Em cũng đau khổ? Sao vậy?"

    Giác Tuệ đỏ bừng mặt, vội phân trần:

    "Có gì đâu, em nói đùa vậy thôi!"

    Giác Dân nghi hoặc, nhìn nét mặt Giác Tuệ, thôi không hỏi nữa.

    Bên ngoài có tiếng gọi.

    "Kiệu của bà đâu?"

    Đó là giọng nói trong trẻo của Phượng.

    Người đầy tớ đứng tuổi là Viên Thành cất giọng ồm ồm gọi tiếp:

    "Khiêng kiệu của bà lớn lại đây!"

    Vài phút sau, cánh cổng chính mở, hai người phụ khiêng một cỗ kiệu trống bước vào, đặt kiệu trước bậc thềm của gian thờ chính.

    Ngoài phố, tiếng thanh la rền vang, da diết. Canh hai!
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng tám 2021
  6. CELLON Camellia

    Bài viết:
    0
    Chương 5:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đêm về khuya. Ánh điện đã tắt. Bóng tối ngự trị cả một tòa dinh thự rộng lớn, đồ sộ. Khi ánh điện tắt, nghe rõ những âm thanh thảm đạm, ngân rung trong không trung. Thanh âm tuy trầm, nhưng ngân vang khắp nơi, từng góc nhà như cũng rền rĩ tiếng than van. Đã qua rồi, những ngày hoan lạc, giờ đây là lúc khóc than.

    Mọi người đã gỡ bỏ "bộ mặt giả" lúc ban ngày, nằm nhẩm tính những miếng ăn miếng trả của một ngày qua. Họ đã mở toang "cánh cửa lòng," mở toang "một góc kín đáo nhất của tâm hồn." Họ ân hận, họ buồn thương, vì đã để uổng mất một ngày, vì đã phải sống một ngày mất mát, đau thương. Tất nhiên, trong bọn họ cũng có một số người nào đó được vừa ý, nhưng đã thỏa mãn ngủ rất say sưa. Còn lại những kẻ bất hạnh, thất vọng, là còn đang gói mình trong mảnh chăn giá lạnh, than vãn cho số kiếp mình. Ngày cũng như đêm, cuộc đời đều có hai cảnh ngộ khác nhau của hai mạng người khác nhau cùng tồn tại.

    Trong căn nhà của người hầu con ở, một đĩa đèn dầu leo lét, ảm đạm. Ngọc bấc cụp xuống, hoa đèn to to, cháy xèo xèo. Căn nhà càng thêm u tối. Mé bên phải kê hai chiếc giường gỗ. Vú Hà hầu bé Hải, vú Trương hầu bà cả, cả hai, trạc tuổi ba mươi, đang ngủ trên những giường đó. Cả hai, thỉnh thoảng lại ngáy khò khò. Vú Hoàng, tóc điểm hoa râm, nằm ngủ trên chiếc giường gỗ kê ở phía bên trái; còn Phượng, cô gái mời mười sáu tuổi thì ngồi trên mép chiếc giường gỗ nhỏ hơn, đang nhìn hoa đèn.

    Vất vả suốt một ngày ròng, giờ đây, các bà, các cô đều ngủ say, lẽ ra Phượng phải đi ngủ sớm để cho thân thể tạm được hưởng những giờ phút thảnh thơi. Nhưng trong những ngày này, Phượng như rất quý những giờ phút ấy. Vì cần hưởng lấy tự do, vì không thể để cho những giờ phút ấy trôi đi dễ dàng, bên Phượng không muốn đi ngủ sớm. Phượng đang nhớ lại, đang suy nghĩ và đang hưởng những giây phút thanh nhàn hiếm có ấy. Giờ đây, không ai quấy rầy Phượng, ngay cả những lời trách mắng, những tiếng sai bảo trong suốt một ngày, lúc này cũng không còn nữa.

    Cũng như mọi người, ban ngày Phượng cũng phải đeo "bộ mặt giả," cũng bận bịu tíu tít, cũng vui cười. Nhưng giờ đây trong những phút giây tự do mà gần đây cô rất quý, cô cũng đã tháo "bộ mặt giả" xuống, cũng mở rộng tâm sự, cũng tự nhìn vào "một góc của tâm hồn mình."

    "Mình sống ở đây đã bảy năm rồi?"

    Đó là ý nghĩ đầu tiên đến với Phượng. Gần đây, ý nghĩ ấy thường giày vò cô. Bảy năm trời, là cả một khoảng thời gian dài đằng đẵng! Phượng thường ngạc nhiên vì cuộc sống bảy năm qua đã phẳng lặng, hững hờ trôi đi. Tuy trong khoảng thời gian ấy, Phượng đã phải nhỏ biết bao nước mắt, phải chịu đựng biết bao lần đánh mắng, nhưng rốt cuộc nó vẫn bình thản qua. Khóc lóc và bị đánh mắng đã trở thành những thứ tô điểm thêm cho cuộc sống bình thường của Phượng, Phượng cho đó là điều tất nhiên không thể tránh khỏi, tuy bản thân không muốn, nhưng vẫn phải chịu đựng. Cô cho rằng, cuộc đời này là do một vị thần vô cùng anh minh, vô cùng linh nghiệm sắp đặt sẵn và bản thân cô sở dĩ nên nông nỗi này, cũng là do tiền định. Người ta thường nói với cô như thế, và lòng tin rất đơn giản của cô cũng là như thế.

    Nhưng, cô lại thường bị một cái gì khác day dứt, mà chính bản thân vẫn không hay biết, cái đó đã bắt đầu trỗi dậy, nhóm lên ở cô một niềm khát vọng.

    "Mình sống ở đây bảy năm rồi, sắp sửa bước sang năm thứ tám."

    Phượng bỗng thấy cuộc sống đó sao mà nhạt nhẽo. Cũng như nhưng cô gái cùng cảnh, cô đã bắt đầu than vãn cho số phận mình. Hồi còn sống, Đại phu nhân vẫn thường nói với mình về chuyện xuất giá, không hiểu rồi đây, đời mình sẽ ra sao? Trước mắt cô, bỗng hiện lên cánh đồng hoang cỏ dại mênh mang, không hề hé một ánh sáng rạng rỡ. Rồi, một khuôn mặt quen thuộc thoáng hiện lên trước mặt cô.

    "Giá phu nhân còn sống, thì cũng còn có người để tâm săn sóc đến mình. Cô ấy đã bảo ban mình điều hay lẽ phải, đã dạy mình học. Giờ thì phu nhân không còn nữa! Tội nghiệp quá, người tốt bụng lại không sống được lâu!"

    Phượng tự nhủ, và nghĩ tới đây nước mắt cô ứa ra.

    "Không biết sẽ còn phải sống thế này bao lâu nữa?"

    Phượng đau khổ tự hỏi lòng. Cảnh sống đáng sợ hãi của chuỗi ngày qua đã bắt đầu trở lại trong trí nhớ Phượng.

    Bảy năm về trước, cũng trong một buổi trời xuống tuyết. Một người phụ nữ đứng tuổi có khuôn mặt đanh ác, đã cướp cô đi trong tay người bố ruột góa vợ, rồi dẫn cô tới tòa dinh thự này. Từ ấy, bị sai khiến, bị đánh chửi, và sống trong nước mắt, làm lụng vất vả, những cái ấy dồn dập đến với cô. Hết thảy, đã trở thành những việc chính trong cuộc sống của cô. Nó bình thường, và vĩnh viễn sẽ bình thường. Như những cô gái cùng lứa tuổi, trong cuộc sống, cô cũng có những giấc mộng đẹp; nhưng rồi những giấc mộng ấy tan vỡ ngay trong khoảnh khắc. Sự thật tàn nhẫn phũ phàng cứ diễn mãi ra trước mắt cô. Cô vẫn hằng mơ ước có được những đồ chơi xinh đẹp, những bộ quần áo lộng lẫy, những món ăn ngon miệng, và chiếc chăn ấm áp mà các tiểu thư vẫn được hưởng. Thế nhưng, cô vẫn phải sống những chuỗi ngày đau khổ, những chuỗi ngày không hề mang lại cho đời cô một cái gì mới mẻ, ngay cả đến những niềm hy vọng mới.

    Ngay những lúc bị đánh chửi cô thường tự an ủi rằng: "Số kiếp! Hết thảy đều do số kiếp!" Cô lại nghĩ: "Giá mình được như các cô chú thì tốt biết mấy!" Rồi đắm chìm trong ảo mộng, cô tưởng tượng rằng, mình cũng được mặc những bộ quần áo đẹp, được hưởng sự yêu chiều của cha mẹ, và cũng được các thiếu gia quý mến. Rồi sau đó, có một chàng trai tuấn tú, xinh tươi sẽ đón cô về sống cuộc đời hạnh phúc.

    "Thật vớ vẩn, làm gì có được chuyện ấy!"

    Phượng mỉm cười, như tự trách mình.

    "Đường chồng con của mình không thể được như thế!"

    Nghĩ tới đây, nụ cười trên khuôn mặt cô vụt tắt. Cô biết chắc rằng, đường chồng con của cô dứt khoát không thể được như cô nghĩ. Và, sự thật sẽ là, khi cô đã đến tuổi, các bà lớn sẽ bảo rằng: "Công việc mày làm thế là đủ." Rồi một cỗ kiệu sẽ mang cô đến gả cho người mà bà lớn đã định, dù người đàn ông đó đã ba bốn mươi tuổi, mà cô chưa hề quen biết. Thế rồi, cô sẽ phải sống một cuộc đời cực khổ trong gia đình người ấy, hoặc thậm chí chỉ được dăm bữa nửa tháng, cô sẽ lại trở về cái dinh thự này hầu hạ chủ cũ, chỉ có điều khác là, lúc ấy cô có thể được trả đôi đồng tiền lương; và không hay bị mắng chửi.

    Cô nghĩ bụng: "Hỷ Nhi hầu hạ bà năm chẳng đã như thế đấy ư?"

    Nghĩ tới tương lai, bất giác cô rùng mình: "Thật là vô cùng đáng sợ, chồng con như thế thì cũng bằng không!"

    Phượng còn nhớ, sau ngày Hỷ Nhi đi lấy chồng trở về, đuôi sam đã đổi thành búi tó, và thường thấy Hỷ Nhi lẩn ra ngoài vườn hoa khóc lóc. Đôi lúc Hỷ Nhi kể lể với người khác về chuyện chồng đối xử không tốt. Hết thảy những điều đó như báo trước cuộc nhân duyên tương lai của Phượng.

    Phượng buồn khổ, thở dài: "Thà cứ chết ngay như phu nhân mà lại tốt!"

    Bóng tối chung quanh vây lấy Phượng. Hoa đèn to dần, ánh sáng càng yếu ớt. Tiếng ngáy của vú Trương, vú Hà từ chiếc giường phía trước đập vào tai Phượng. Cô uể oải đứng dậy, khêu bấc, gạt hoa đèn. Trước mặt cô đã sáng lên nhiều. Cảm thấy lòng mình đã đôi phần nhẹ nhõm, cô liếc nhìn về chiếc giường phía trước. Vú Trương, người đẫy đà đang nằm nghiêng ngủ, chiếc chăn đè nặng lên người vú, chỉ để hở mớ tóc rối bù với nửa khuôn mặt. Từng đợt ngáy tựa tiếng kêu quái lạ của vú từ trong chiếc chăn bông dày vọng ra, nghe đến sợ. Tấm thân béo xệ của vú lù lù một đống trên giường. Người phụ nữ đẫy đà ấy nằm im không nhúc nhích, ngủ rất say.

    Phượng lẩm bẩm: "Ngủ như chết ấy!" Rồi gượng cười.

    Nụ cười ấy không thể làm nhẹ bớt gánh nặng trong lòng cô. Bóng tối vẫn từ quanh đấy ập tới. Rất nhiều khuôn mặt với nụ cười độc ác thấp thoáng hiện ra trong bóng tối, và mỗi lúc một đến sát gần Phượng. Có khuôn mặt trở nên giận dữ, đang ngoác mồm chửi cô. Cô sợ hãi, đưa tay che mặt, và ngồi xuống.

    Bên ngoài gió bắt đầu gào thét đập mặt vào cửa sổ, thốc vào những mảnh giấy dán cửa nghe thê thảm. Gió rét luồn qua khe giấy. Căn phòng bỗng lạnh lẽo. Ánh đèn cũng run rẩy. Hơi lạnh luồn qua ống tay áo và người Phượng. Cô rùng mình, buông tay xuống, nhìn quanh đây đó.

    Từ chiếc giường phía trước, bỗng có tiếng vú Hà nói:

    "Ôi chao! Thôi đừng có đem bà tư ra dọa tôi nữa!"

    Phượng giật mình ngó đầu ra nhìn. Vú Hà trở mình, quay mặt vào bên trong, im lặng.

    Phượng thở dài, tay cởi cúc áo bông, uể oải:

    "Ngủ thôi!"

    Cô cởi áo ngoài, chỉ mặc áo lót.

    "Lớn rồi, mai đây không biết đường chồng con sẽ ra sao?"

    Nghĩ vậy, Phượng lại buồn rầu thở dài. Chợt khuôn mặt một người trai trẻ hiện lên trước mắt Phượng. Hình như người đó đang cười nhìn cô. Biết rõ đó là ai, lòng cô rộn lên. Một tia hy vọng sưởi ấm lòng cô. Cô mong chờ người ấy chìa tay về phía cô. Cô nghĩ rằng, có thể người ấy sẽ cứu cô thoát khỏi cuộc sống này. Nhưng rồi, khuôn mặt đó cứ từ từ dâng lên, càng dâng càng cao, rồi không thấy nữa. Cô đưa cặp mắt như còn đang trong mộng nhìn lên mái nhà đầy bụi bặm.

    Một luồng gió lạnh thốc vào, Phượng bừng tỉnh khỏi cơn ảo mộng. Cô dụi mắt, buồn thương:

    "Chẳng qua đó chỉ là giấc chiêm bao!"

    Cô quyến luyến nhìn quanh, đắp thêm những chiếc áo vừa cởi lên chăn, rồi chui ngay vào trong chăn.

    Giờ đây, trong đầu óc Phượng đang quay cuồng hai chữ "bạc mệnh," hai chữ mà ngày còn sống phu nhân thường hay nói với Phượng. Hai chữ ấy cứ "quất" mãi vào lòng Phượng. Cô thút thít khóc trong chăn. Tiếng khóc rất nhỏ, vì cô sợ làm người khác thức giấc.

    Ánh đèn dần dần mờ tối. Ngoài trời gió hun hút thở dài.
     
    Chỉnh sửa cuối: 24 Tháng tám 2021
  7. CELLON Camellia

    Bài viết:
    0
    Chương 6:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Đêm khuya vắng lặng, tiếng thanh la rền rĩ trong dãy phố ngập tuyết, âm vang khắp bầu trời giá lạnh.

    Theo miết sau tiếng thanh la, là hai cỗ kiệu, những người phu kiệu cất bước chậm rãi, chậm rãi như sợ đi vượt qua tiếng thanh la, thì sẽ mất "người bạn đường trang nghiêm" ấy. Nhưng qua hai dãy phố, tiếng thanh la đã ngoặt sang con đường rẽ, chỉ còn vẳng lại những dư âm khiến người ta quyến luyến; và dần dần bặt đi trong tai người phu kiệu, và kẻ ngồi trên kiệu.

    Trương Thăng người hầu đã ngoài bốn mươi, xách đèn lồng đi trước dẫn đường hai cỗ kiệu. Bác đi co ro như không chịu nổi giá rét, thỉnh thoảng lại ho đôi tiếng, phá tan bầu không khí vắng lặng đáng sợ này.

    Những người phu kiệu cũng im lặng, khiêng nặng trên vai, họ như vô tư lặng lẽ rảo bước. Tuy trời giá rét, băng tuyết làm nhức nhối đôi chân xỏ trong giày cỏ, nhưng họ đã quen rồi. Họ bình thản đều đều cất bước. Đôi lúc họ đổi vai, hoặc đưa bàn tay lên mồm hà hơi. Máu nóng dần dần, chuyển khắp cơ thể, lưng họ đã dâm dấp mồ hôi, bắt đầu thấm ướt mảnh áo bông cộc cũ kỹ và mỏng manh.

    Bà Trương–mẹ Cầm, ngồi trên chiếc kiệu đầu. Tuy mới chừng bốn mươi ba tuổi nhưng trông bà đã già yếu. Đánh trên chục ván mạt chược mà bà đã thấy rất mệt mỏi. Ngồi trong kiệu người lử thử lừ thừ, bà không nghĩ ngợi gì hết, đôi lúc gió lay động tấm rèm kiệu, bà cũng không hay.

    Trái hẳn với mẹ, Cầm rất vui vì nghĩ rằng, không bao lâu nữa, một sự việc lớn nhất trong đời cô sẽ xảy ra. Sự việc ấy như một cái gì đáng yêu, ngời lên rực rỡ trước mắt cô. Cô nhất định phải nắm lấy nó, mặc dù cô biết rõ rằng, khi cánh tay mình vươn ra, sẽ có người chặn lại. Cô chưa thể biết chắc được rồi đây, vật ấy có về tay mình không. Tuy đã quyết tâm sẽ nắm lấy nó, nhưng đôi lúc cô vẫn lo lắng thất bại, nên lại rụt rè ngần ngại. Đầu óc cô nổi lên nhiều ý nghĩ phức tạp khiến cô khi vui lúc buồn. Cô không để ý đến mọi vật xung quanh, đắm mình trong suy nghĩ cho tới khi chiếc kiệu đã qua cổng, và đặt xuống trước căn phòng rộng lớn.

    Như thường lệ, trước tiên Cầm đi theo mẹ vào trong nhà, rồi vào phòng mẹ trông nom cho vú Lý hầu hạ mẹ thay quần áo rồi tự tay cô gấp bộ quần áo mới của mẹ vừa thay, cất vào rương.

    Thay chiếc áo đã cũ, bà Trương ngả người trên chiếc ghế mây kê trước giường, than thở:

    "Không hiểu sao hôm nay mẹ mệt thế!"

    Ngồi xuống chiếc ghế kê sát bàn, với khóe mắt tươi cười, Cầm nhìn mẹ đang nằm ở xế mặt:

    "Tại hôm nay mẹ đánh bài lâu quá đấy! Đánh bài vốn rất mệt óc, mà mẹ lại đánh những mười hai ván."

    Bà Trương cười:

    "Con thường trách mẹ bài bạc, nhưng con ạ, tuổi tác như mẹ không đánh bài, liệu có làm gì nữa? Nếu không, thì lại như bà con, suốt ngày tụng kinh niệm Phật. Mẹ không làm thế được."

    Cầm phân trần:

    "Con nào có bảo mẹ không nên đánh bài đâu, nhưng nếu ham quá, sẽ mệt sức đấy mẹ ạ!"

    Bà Trương ôn tồn:

    "Mẹ cũng biết thế."

    Rồi chợt thấy vú Lý đang uể oải, cúi đầu đứng bên chiếc rương áo, bà tiếp:

    "Vú Lý, không còn việc gì nữa đâu. Vú đi ngủ đi."

    Vú Lý "vâng" định quay đi, bỗng bà lại hỏi:

    "Trà đã pha chưa vú?"

    "Dạ, đã pha và đặt trên" ngũ canh kê "(1) rồi ạ!"

    Vú Lý trả lời, rồi quay ra.

    Bà Trương lại tiếp câu chuyện với Cầm:

    "Con nói gì nhỉ? À! Con nói là ham mê bài bạc sẽ mệt sức ư? Điều ấy, mẹ rõ lắm, nhưng sức mẹ dù không bị hao phí, thì cũng vậy thôi. Ngày ngày nhàn rỗi, cứ sống thế mãi cũng vô vị lắm, và rồi sẽ làm cả người khác chán lây."

    Nói xong bà nhắm mắt, hai tay bắt chéo trước ngực, như muốn ngủ.

    Gian phòng thanh tĩnh lạ thường, nghe rõ tiếng đồng hồ "tích tắc, tích tắc."

    Vốn là Cầm có việc cần thưa với mẹ, nhưng thấy mẹ đã nhắm mắt, cô biết rằng đêm nay chưa có dịp nói ra.

    Cô đứng dậy, định đánh thức mẹ lên giường ngủ kẻo bị nhiễm lạnh, nhưng vừa đứng lên, bà Trương đã mở mắt nhìn Cầm:

    "Rót cho mẹ chén trà!"

    Cầm vâng lời bước đến bên bàn trà, lấy một cái chén, rồi nhấc ấm trà trên "ngũ canh kê" xuống, rót đầy chén, đưa tới, đặt trên chiếc kỷ thấp bên cạnh mẹ:

    "Thưa mẹ trà đây ạ!"

    Cầm vẫn đứng đó, vui vẻ nhìn mẹ. Thấy rằng, đã đến lúc nên nói chuyện ấy, nhưng Cầm lại hơi rụt rè, định nói lại thôi.

    "Cầm con, hôm nay con cũng mệt, đi ngủ đi con." Bà Trương ôn tồn nói, rồi với chén trà trên kỷ, uống liền hai ngụm.

    Cầm vẫn chưa chịu đi, thân mật gọi:

    "Mẹ!"

    Bà Trương ngẩng nhìn con gái:

    "Gì con?"

    "Mẹ." Cầm lại gọi, rồi cúi đầu vân vê gấu áo, chậm rãi nói tiếp: "Anh Hai cho biết, sang năm học kỳ hai, trường anh ấy sẽ lấy nữ sinh vào học, con định xin thi mẹ ạ!"

    Bà Trương ngớ người, ngỡ là mình nghe lầm, ngạc nhiên hỏi:

    "Sao? Trường con trai lấy học trò con gái à! Con định thi vào ư?"

    "Vâng." Cầm khẽ trả lời, rồi giảng giải: "Có gì là lạ hở mẹ. Trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh đã nhận ba nữ sinh vào học đấy, ở Nam Kinh và Thượng Hải cũng đều đã để nam nữ học chung trường đấy!"

    Bà Trương than thở:

    "Cảnh đời rồi sẽ xoay vần đến thế nào đây! Đã có trường nữ học chưa đủ hay sao, mà lại còn thêm cái trò trai gái học chung trường. Hồi còn con gái, mẹ không thể nghĩ rằng lại có cái chuyện ấy được!"

    Những lời mẹ nói, như một gáo nước lạnh dội lên người, Cầm cảm thấy lạnh toát. Cô lặng thinh, nhưng chưa phải đã hoàn toàn thất vọng. Dần dần lấy lại được can đảm, Cầm nói:

    "Mẹ ạ, thời buổi này khác rồi, vì đã cách hồi đó trên hai chục năm trời, mà cuộc đời thì cứ thay đổi từng ngày. Trai gái đều là người cả, thì sao con lại không thể học chung trường với họ được?"

    Còn định nói nữa, nhưng Cầm bị mẹ ngăn lại. Bà Trương cười:

    "Mẹ chẳng nói với con nữa, vì có nói cũng không lại. Được ăn học mấy năm trời, hẳn là con biết ăn nói hơn mẹ. Con sẽ tìm những lý lẽ trong các sách vở mới đây để cãi lại mẹ. Mẹ biết con sẽ trách mẹ là cổ hủ."

    Cầm cũng cười, cô lại năn nỉ:

    "Mẹ, bằng lòng mẹ nhé? Mẹ vẫn thường tin con mà, xưa nay mẹ có bao giờ từ chối con cái gì đâu."

    Bà Trương đã có phần xiêu lòng:

    "Chính vì thế mà mẹ đã bị lời ra tiếng vào đấy, nhưng mặc họ, mẹ chẳng ngại, vì mẹ rất tin con.. Có điều, việc này quan trọng lắm, bà nội con sẽ là người trước tiên không bằng lòng như vậy, lại còn họ hàng rồi cũng sẽ nói nọ nói kia."

    Cầm nói, giọng rất sôi nổi:

    "Mẹ, mẹ chẳng đã nói là mặc họ, mẹ chẳng ngại gì những lời nọ kia đó sao? Bà ở trong chùa, cả tháng chưa chắc đã về nhà được đôi ba ngày, mấy tháng nay bà có về lần nào đâu, vậy thì còn ngại gì bà nói nữa! Mà bà thường có nhòm ngó gì đến việc nhà đâu, chỉ cần mẹ bằng lòng như trước đây mẹ đã cho con vào trường nữ học, thì bà con họ hàng còn có lý gì để phản đối. Mà họ có nói thì ta cứ làm như không nghe thấy!"

    Bà Trương trầm lặng giây lâu, uể oải:

    "Trước đây mẹ còn mạnh dạn, nhưng giờ thì già rồi, nên mẹ không muốn nghe bà con họ hàng lời nọ tiếng kia. Mẹ chỉ muốn được sống yên ổn lấy vài năm, không muốn mua phiền. Con biết đấy, mẹ cũng chẳng phải là người mẹ không hiểu con. Cha con mất sớm để lại có mình con là gái, bao nhiêu gánh nặng đều trút lên vai mẹ. Mẹ không bắt con bó chân, và ngay từ nhỏ, mẹ đã để con sang bên ông ngoại cùng học với các anh các em bên ấy. Rồi sau, con muốn vào trường học, mẹ cũng để con đi. Đấy con xem, cứ như em tư con Ngũ bá ấy, chẳng phải đã bó chân rất nhỏ, và không biết chữ nghĩa gì đó sao? Lại như em ba con Đại bá đã thôi học từ lâu rồi. Mẹ thấy như vậy là cũng phải với con rồi."

    Định nói tiếp, nhưng mệt quá, bà lại thôi. Bà lẳng lặng nhìn Cầm, thấy nét mặt con tuyệt vọng sắp muốn khóc, bà không đành lòng, bèn ôn tồn:

    "Cầm, đi ngủ thôi con! Việc đó còn đến mùa thu sang năm kia mà, còn chán thì giờ, rồi hai mẹ con ta sẽ bàn sau. Để mẹ sẽ lo liệu?"

    Cầm buồn rầu cất tiếng "vâng," rồi thất vọng bước ra đi qua một căn nhà nhỏ trở về phòng riêng. Tuy thất vọng, nhưng không oán trách mẹ, cô còn cảm động trước sự thông cảm của mẹ.

    Căn phòng vô cùng lạnh lẽo, hy vọng của Cầm hầu như đã hoàn toàn tan vỡ, ngay đến bức chân dung của người cha treo trên tường cũng như đang khóc với Cầm. Cầm cảm thấy mắt mình đã ướt. Cô cởi chiếc xiêm dài vắt lên giường, tới bàn viết, khêu bấc trên cây đèn bằng thiếc, rồi ngồi xuống chiếc ghế vuông trước bàn. Ánh đèn bỗng sáng hẳn lên, ba chữ "Thanh niên mới" cỡ lớn, in trên tờ tạp chí đặt ở bàn, ánh lên trong cặp mắt Cầm. Tiên tay cô lần giở vài trang, vô tình thấy những dòng chữ: ".. Tôi thấy, điều quan trọng hơn cả là tôi là một con người, một con người cũng hệt như anh.. hoặc giả, ít nhất thì tôi cũng phải cố gắng để làm một con người.. tôi không tin những lời của số đông người nói.. Hết thảy mọi việc đều do chính tôi nghĩ, và cố gắng giải quyết.." Thì ra, Cầm đã giở đúng vở kịch "Nora" của Ibsen.

    Những dòng chữ đó như đã nhắc nhở Cầm, trước mắt Cầm như ngời sáng. Cô biết rằng, việc của mình chưa đến nỗi thất vọng, thành hay bại là còn ở cô có cố gắng hay không. Tóm lại là vẫn còn hy vọng, hy vọng là ở mình chứ không ở ai khác. Nhưng tới đây, Cầm thấy mọi nỗi niềm buồn thương tuyệt vọng thoáng chốc đã tiêu tan. Cô phấn khởi cầm bút viết một bức thư ngắn ngủi:

    Chị Thiền Như

    Hôm nay có người anh họ em cho biết rằng, mùa thu sang năm trường chuyên nghiệp ngoại ngữ sẽ lấy nữ sinh vào học. Em định sẽ nộp đơn thi đấy chị ạ! Ý chị thế nào? Chị còn định xin thi với em nữa không? Em mong rằng, chị chẳng nên ngần ngại chị ạ! Dù sao chị em ta cũng phải kiên quyết phấn đấu để xây dựng hạnh phúc và mở một con đường mới cho các chị em sau này.

    Nếu rỗi, mời chị đến nhà em chơi, em có chuyện muốn bàn kỹ với chị. Mẹ em cũng mong chị đến đấy.

    Uẩn Hoa

    Ngày..


    Viết xong thư, Cầm đọc qua một lượt, rồi ghi thêm ngày tháng và chấm phẩy. Cứ như lời mẹ Cầm, thì "văn bạch thoại dài dòng hơn văn ngôn nhiều, mà lại rất thô lỗ" nhưng gần đây, Cầm rất thích viết thư bằng văn bạch thoại, và cô viết rất đứng đắn, thậm chí dùng ba chữ "đích" "để" "địa" (2) rất rành mạch. Vì để tập viết thư bằng văn bạch thoại, cô đã nghiên cứu rất kỹ mục "trao đổi thư tín" trong tờ "Thanh niên mới."

    (1) Là chiếc đèn có chụp đan bằng tre; bên trong đặt phao dầu, thường dùng để hâm nước trà.

    (2) Ba chữ thường dùng làm liên từ, phó từ.. trong văn bạch thoại Trung Quốc.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng tám 2021
  8. CELLON Camellia

    Bài viết:
    0
    Chương 7:

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Cao Giác Tân là anh cả của Giác Dân và Giác Tuệ. Tuy cùng một mẹ sinh ra, cùng chung sống trong một gia đình, nhưng cảnh ngộ của ba anh em có khác nhau. Giác Tân là con trưởng của lão gia, và cũng là cháu trưởng trong cái "đại gia đình" này. Chính vì vậy mà ngay từ thuở lọt lòng, số phận của anh đã được định sẵn.

    Diện mạo tuấn tú, ngay từ nhỏ đã thông minh, nên ở nhà anh được cha mẹ yêu chiều, ở trường tư thục thì được thầy giáo khen ngợi. Người quen kẻ biết đều khen rằng, mai sau Giác Tân sẽ làm nên, nên cha mẹ anh cũng mừng thầm đã có được đứa con như vậy.

    Cho tới tuổi vào trung học, Giác Tân đã lớn lên trong tình thương yêu chiều chuộng. Hồi học trung học, anh là một học sinh giỏi. Sau bốn năm đèn sách, anh đã đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp. Anh rất thích môn hóa học và định rằng, sau khi tốt nghiệp, sẽ vào học một trường đại học nổi tiếng ở Bắc Kinh hoặc Thượng Hải để tiếp tục nghiên cứu thêm. Anh còn hy vọng là sẽ được sang Đức du học. Trong anh, có biết bao mộng tưởng đẹp đẽ. Hồi đó, nhiều bạn học rất ao ước được như anh.

    Nhưng rồi, số phận rủi ro đã đến với anh. Cũng trong bốn năm anh học trung học thì mẹ mất, cha anh lấy một người vợ kế còn trẻ. Người này là em họ của mẹ anh. Cảnh sống của anh như có phần đổi thay, vì ít nhất, anh cũng đã mất một cái gì. Tuy biết và cảm thấy thấm thía rằng, không gì có thể thay được tình thương yêu của người mẹ, nhưng điều đó chưa làm anh phải mang nặng vết thương lòng, vì với anh, điều quan trọng hơn cả là bước đường tiến thủ, là mộng tưởng đẹp đẽ của anh. Vả lại, còn có cô em họ đã hiểu được anh, an ủi anh.

    Nhưng rồi có một ngày, mộng tưởng của anh tan vỡ, tan vỡ một cách rất tàn khốc. Sau khi anh lĩnh mảnh bằng tốt nghiệp trong tiếng ngợi khen của thầy và bạn thì tối hôm ấy, khi trở về nhà, cha anh gọi vào phòng riêng bảo rằng:

    "Nay con tốt nghiệp trung học, nên cha đã kén chọn cho con một đám. Ông con đang mong có chắt, mà cha cũng muốn được bế cháu. Vả lại, con đã đến tuổi lập gia thất, nên cha muốn sớm cưới vợ cho con, âu cũng là để cha đỡ được một mối lo canh cánh bên lòng.. Ra làm quan bấy nhiêu năm, tiền của kiếm được tuy chẳng có là bao, song cũng chẳng phải bận tâm lo ăn lo mặc. Hiện nay sức khỏe có sút kém, cha muốn được ở nhà tĩnh dưỡng, muốn con lo liệu trông nom mọi việc trong nhà, nên con càng không thể thiếu được một người nội trợ. Cha đã lo liệu chu tất việc hôn nhân với bên họ Lý. Ngày mười ba tháng sau là ngày lành tháng tốt, sẽ đưa lễ dạm.. và trong năm nay sẽ cưới."

    Những lời lẽ ấy thật quá đột ngột. Giác Tân tuy đã nghe ra, nhưng vẫn hầu như chưa hiểu. Anh không nói gì, chỉ gật đầu. Đôi mắt người cha vẫn dịu hiền, nhưng anh không dám nhìn vào cặp mắt ấy.

    Anh không dám cưỡng lại, cũng không có ý cưỡng lại. Anh chỉ gật đầu, tỏ ý vâng lời. Nhưng sau đó, trở về phòng riêng, đóng cửa, anh ngã vậy xuống giường, vùi đầu vào chăn, khóc nức nở, vì mộng tưởng đã tan vỡ.

    Trước đây, anh đã láng máng hay tin về việc dạm hỏi người bên Lý gia, nhưng chẳng ai nói rõ chuyện ấy với anh, anh cũng không muốn dò hỏi. Vả lại, anh không tin rằng, lời đồn đại ấy sẽ thành sự thật. Anh vốn tuấn tú, lại thông minh, học giỏi, nên mấy gia đình thân sĩ có con gái đến tuổi cập kê đều nhắm kén anh làm rể. Dinh thự Cao gia nườm nượp người đi lại mối lái. Cha anh bàn bạc mãi với người mẹ kế, cuối cùng chỉ vừa ý hai cô. Cha anh phân vân chưa biết nên chọn cô nào xứng với con trai mình hơn, vì cả hai nhà đứng ra làm mối đều vào hạng thế gia cả. Thế rồi, nhà anh đành phải "xin thẻ" viết tên hai người con gái vào hai mảnh giấy hồng điều, vê viên, đặt trên lòng bàn tay, đi đến trước bàn thờ tổ tiên thành tâm khấn, rồi nhón lấy một viên giấy. Việc hôn nhân với bên Lý gia thế là thành. Nhưng mãi tới chiều tối hôm ấy anh mới được biết.

    Thật thế, Giác Tân đã từng có những mộng tưởng đẹp về tài tử giai nhân, và ở anh cũng đã in hình ảnh một cô gái ý hợp tâm đầu. Đó là cô em họ bên Tiền gia, một người có thể an ủi anh, hiểu anh. Thậm chí có một dạo, anh đã từng mơ ước rằng, người vợ tương lai của anh sẽ là người ấy, và anh hằng cầu mong được như vậy, bởi vì trong cái gia đình thân sĩ này, việc con cô con cậu lấy nhau vốn là chuyện thường tình. Tình cảm giữa hai người tốt đẹp là thế, vậy mà giờ đây, cha anh lại kén chọn cho anh một người mà anh chưa hề quen biết và đã định rằng nội trong năm nay sẽ làm lễ cưới. Hy vọng của anh đã tan như bọt nước, người mà anh sẽ lấy lại không phải là "người ấy" –người mà anh vừa ý. Với anh, việc này quả là điều vô cùng đau khổ. Tiền đồ của anh, thôi thế là hết. Mộng đẹp của anh, thôi thế là tan.

    Tuyệt vọng, anh khóc nức nở. Anh khóa trái cửa, vùi đầu trong chăn, thổn thức. Anh không cưỡng lại, và anh chẳng dám nghĩ đến việc cưỡng lại. Anh đã cam chịu. Anh đã chiều theo ý cha, không hề thở than, oán thán. Nhưng trong lòng anh, anh đã khóc thống thiết cho thân phận mình, khóc thống thiết cho người con gái anh yêu.

    Tới ngày đính hôn, anh bị người ta đưa ra làm trò hề như một con rối, được người ta nâng niu như một vật quý. Anh làm những việc người ta bảo anh làm. Riêng anh, anh không thấy vui sướng, cũng không thấy buồn thương. Với anh, hết thảy những việc làm đó hầu như là nghĩa vụ. Đêm hôm đó, khi cái trò hề ấy đã xong, khách khứa đã về, anh mệt mỏi, quên hết thảy, và ngủ rất say.

    Từ ấy, anh bỏ môn hóa học, bỏ hết thảy những gì anh học được ở nhà trường. Anh xếp gọn ghẽ những sách vở mà thường ngày vẫn đọc vào tủ sách, và không sờ đến nữa. Suốt ngày anh la cà chơi bời: Đánh bài, xem tuồng, uống rượu, hoặc sửa soạn cho ngày cưới theo lời cha dặn. Anh không nghĩ ngợi gì nhiều, không dám suy nghĩ gì nhiều.

    Chưa đầy nửa năm, quả nhiên việc hôn nhân ấy đã tới.

    Để mừng ngày lễ cưới, ông và cha anh đã đặc biệt cho dựng một sân khấu diễn tuồng trong nhà. Lễ cưới không đơn giản như anh tưởng. Chính bản thân anh cũng đang diễn tuồng suốt ba hôm liền mới lấy được vợ.

    Mấy hôm nay, anh lại bị người ta mang ra làm trò hề như một con rối, bị người ta nâng niu như một vật quý. Anh không vui sướng, cũng không thấy buồn thương. Anh chỉ thấy mệt mỏi và ít nhiều cũng có phần háo hức. Khi các vị khách đến mừng đã ra về, anh không sao quên được hết thảy để ngủ cho ngon giấc, vì nằm bên anh còn có một cô gái không quen biết. Và lúc này, anh lại phải diễn tuồng.

    Anh lấy vợ, ông anh có cháu dâu, cha anh có con dâu, những người khác thì cũng đã được cười vui mấy hôm, và bản thân anh cũng không phải không được gì. Anh được một cô gái dịu hiền, nhan sắc không kém cô em họ kia săn sóc.

    Anh thỏa mãn. Trong một thời gian ngắn, anh đã được hưởng những thú vui mà trước đây anh chưa hề tưởng tượng nổi, và cũng trong thời gian ngắn ấy, anh đã quên đi mộng đẹp xa xưa, quên đi một người con gái khác, quên đi tiền đồ của anh. Anh thỏa mãn. Anh say sưa, say sưa trong tình yêu của một người con gái. Mặt lúc nào cũng tươi cười, anh suốt ngày ru rú ở trong nhà bầu bạn với người vợ mới cưới. Những người xung quanh đều ao ước được như anh, anh cũng tự cho mình là hạnh phúc.

    Sống như vậy được một tháng trời, thì một hôm cũng vào buổi tối, cha anh gọi vào phòng riêng, bảo rằng:

    "Giờ con đã lập gia đình, nên phải đi làm kiếm đồng tiền mà sống, để người đời họ khỏi điều nọ tiếng kia. Cha đã nuôi con khôn lớn, đã cưới vợ cho con, vậy cũng coi là đã làm tròn bổn phận người cha. Mọi việc sau này sẽ hoàn toàn trông cậy vào con.. Kể ra nhà cũng còn đủ tiền để con theo học, nhưng phần vì con đã có vợ, phần vì hiện con vẫn ở chung với gia đình mà cha vẫn phải trông nom mọi việc, nên việc để con theo học là không tiện.. Vả lại, ông con nhất định cũng sẽ không bằng lòng để con theo học nữa, nếu chỉ ăn không ngồi rồi thì cũng không tiện.. Cha đã nhắm cho con một chỗ làm ở hãng kinh doanh Tây thục tuy lương lậu chẳng là bao, nhưng cũng đủ cho vợ chồng con tiêu vặt. Cốt sao con siêng năng, làm ăn cho tốt, thì rồi đây thế nào cũng có ngày mát mặt. Ngày mai, cha sẽ dẫn con lên phòng giấy của hãng nhận việc. Gia đình ta cũng có cổ phần ở hãng đó, và cha lại là người trông coi ở đó. Mấy người đồng sự trên phòng giấy đều là bạn quen của cha, họ sẽ dìu dắt con.."

    Cha anh bình thản, nói tiếp từng lời như rất bình thường ấy. Anh nghe và đáp lại, nhưng không nói rõ có bằng lòng hay không. Một ý nghĩ quay cuồng trong đầu óc anh: "Thế là hết." Tuy có biết bao điều muốn nói, nhưng anh không hé một lời.

    Chiều hôm sau, cha anh dặn dò hết thảy mọi cách cư xử với đời, anh nhất nhất ghi nhớ. Hai cỗ kiệu đưa cha con anh tới cổng sau dãy phố buôn thuộc hãng kinh doanh Tây thục. Anh theo cha vào phòng giấy, gặp ông quản lý Hoàng, tuổi đã ngoài bốn mươi, lưng gù, râu chữ bát, gặp ông kế toán Trần trông như một bà lão, gặp ông thủ quỹ Vương, người cao gầy và gặp vài ba anh nhân viên trông cũng bình thường. Ông quản lý hỏi anh đôi câu, anh đều gọn ghẽ trả lời, như người đọc thuộc lòng. Tuy họ rất lịch sự đối với anh, nhưng qua lời nói, qua cử chỉ, anh đều cảm thấy họ không cùng một loại người như anh, và anh cũng lạ rằng, sao trước đây mình rất ít gặp loại người ấy.

    Cha anh về trước, để anh ở lại đây. Như bị bỏ rơi trên một hoang đảo, anh cảm thấy bàng hoàng và đơn độc. Anh chưa có việc làm, một mình ngồi thần ra ở phòng ông quản lý, nhìn ông ta đang bàn công việc với vài người khác. Anh ngồi vậy đến hơn hai giờ đồng hồ, ông quản lý mới như chợt nhìn thấy anh. Ông ta lịch thiệp nói:

    "Hôm nay chưa có việc làm, vậy mời anh về nghỉ thôi."

    Như một phạm nhân được ân xá, anh vui vẻ thuê kiệu trở về. Dọc đường, anh luôn thúc phu kiệu cất mau bước, anh cảm thấy trên đời không gì đáng yêu hơn gia đình.

    Về đến nhà, trước tiên anh lên gặp ông nội để nghe giáo huấn, sau đó gặp cha anh, lại nghe những lời răn dạy, rồi mới trở về phòng mình. Vợ anh vồn vã hỏi han, rốt cuộc chỉ có người vợ mới mang lại cho anh đôi phần an ủi.

    Mười giờ ngày hôm sau, ăn xong cơn sáng ở nhà, anh lại lên hãng, bốn giờ chiều mới về. Hôm nay, anh có phòng làm việc riêng, và đã bắt đầu làm việc dưới sự chỉ bảo của ông quản lý cùng các bạn đồng sự.

    Thế là mới mười chín tuổi đầu, anh đã phải cất bước vào đời. Anh đã dần dần quen đi với những cảnh ấy, sống theo một nếp sống mới, và cũng dần dần quên hết những điều đã học được trong bốn năm trung học. Cuộc sống hiện nay không còn xa lạ với anh nữa. Anh cảm thấy vừa vui vừa buồn khi lần đầu lĩnh được ba chục đồng tiền lương. Anh vui vì đã kiếm được ra tiền, song cũng buồn vì những đồng tiền ấy đã buộc anh phải bán mất tiền đồ của mình. Nhưng rồi tháng này qua tháng khác, cuộc sống cứ nhạt nhẽo trôi đi. Anh không còn có cảm giác gì đặc biệt khi lĩnh ba chục đồng tiền lương tháng, anh không vui, cũng không buồn.

    Cuộc sống ấy có thể cứ thế trôi đi, không buồn thương, không vui sướng. Tuy ngày ngày anh vẫn phải chạm trán với những khuôn mặt ấy, vẫn phải nghe những lời nhạt nhẽo ấy, vẫn phải làm những công việc máy móc ấy, nhưng hết thảy những gì quanh anh vẫn yên ổn và bình thường. Người trong gia đình cũng không một ai làm phiền hà đến anh nữa, họ đã để hai vợ chồng anh được sống những chuỗi ngày phẳng lặng.

    Nhưng chưa đầy nửa năm trời, một cuộc biến đổi lớn lại xảy ra trong đời anh. Bệnh dịch đã cướp mất cha anh. Tiếng than khóc của mấy anh em anh không thể làm người cha sống lại. Cha anh mất, hết thảy mọi việc trong nhà đều trút cả lên vai anh. Bề trên anh là một người mẹ kế, bậc dưới anh là hai cô em gái vẫn còn ờ nhà, và hai em trai đang học ở trường. Năm ấy, anh mới hai mươi tuổi.

    Lòng anh vô cùng đau xót. Anh khóc người cha đã mất, và không mảy may nghĩ rằng, cảnh ngộ anh đã trở nên càng bị thảm hơn. Nhưng không lâu, nỗi đau thương của anh nguôi dần. Sau khi lấp đất lên chiếc quan tài của cha, anh hầu như quên hẳn người cha ấy. Không những đã quên người cha, mà anh còn quên hết thảy những gì đã qua rồi, thậm chí quên cả tuổi thanh xuân của mình. Anh bình tĩnh đặt gánh nặng của cái gia đình lớn này lên đôi vai còn non nớt. Mấy tháng đầu, "cái gánh" ấy cũng không nặng lắm, anh "gánh" cũng không vất vả lắm. Nhưng chỉ trong thời gian rất ngắn, đã có những mũi tên hữu hình và vô hình bắt đầu bắn thẳng vào anh. Tuy đã lẩn tránh, nhưng có những mũi tên bắn trúng anh.

    Anh đã thấy được nhiều điều mới lạ, đã nhìn rõ được bộ mặt trái của cái gia đình thân sĩ này. Sau cái bề ngoài êm ấm, yêu thương ấy, anh đã nhận ra những nét thù hằn giành giật. Và anh đã trở thành cái "mốc" để mọi người đả kích. Tuy hoàn cảnh đã làm anh quên mất tuổi thanh xuân, nhưng từ cõi lòng anh vẫn bừng lên ngọn lửa thanh xuân ấy. Anh phẫn nộ, anh phấn đấu, và cho rằng, hành động của mình là chính đáng. Nhưng kết quả của việc phấn đấu ấy chỉ làm cho anh vô cùng phẫn nộ, chỉ mang lại cho anh càng nhiều kẻ thù hơn.

    Người trong cái đại gia đình này chia làm bốn gia cư. Ông nội anh có năm người con trai, nhưng Nhị thúc mất sớm. Hiện trong gia cư ấy, trừ gia đình anh ra, thì Tam thúc là gần gũi anh hơn cả. Tứ thúc, Ngũ thúc đối xử với anh không tốt lắm nhất là Tứ thẩm, vì người mẹ kế của anh trong lúc vô tình đã làm phật lòng thẩm ta, nên thẩm ta thường ngấm ngầm gây chuyện gay go với cả gia đình anh. Bị thẩm ta xúi giục, nên Ngũ thẩm cũng vẫn thường gây sự với bà mẹ kế anh. Vì hai thẩm ấy cố tình, nên nhiều chuyện nọ kia có dính dáng tới anh, hoặc gia đình anh đều đã lọt ra ngoài.

    Anh cố gắng dàn xếp nhưng không ăn thua gì. Vả lại, anh cũng đã mệt mỏi rồi. Anh nghĩ, cứ xích mích mãi với bề trên liệu ích gì. Tứ thẩm, Ngũ thẩm, cả bà nhỏ Trần ấy nữa, bao giờ họ cũng chỉ là những người phụ nữ như vậy mà thôi. Anh không thể nói chuyện được với họ, vậy thì hà tất đi mua vạ vào thân, hao tâm tổn sức? Thế rồi, anh nghĩ ra một cách đối nhân xử thế rất mới, có thể nói, đó cũng là một cách đối xử trong gia đình. Anh cố tránh mọi xích mích, cố chiều họ cho qua chuyện. Anh tỏ ra rất kính trọng họ, anh tiếp họ bài bạc, mua giúp đồ dùng.. Rốt cuộc, anh đã mất một số thì giờ để chiều chuộng lấy lòng họ, để anh được sống lấy dăm ngày yên ổn.

    Ít lâu sau, Thục Dung–cô em gái anh mất vì bệnh phổi. Tuy rất buồn thương, nhưng anh cũng cảm thấy đôi phần nhẹ nhõm, như đã có phần giảm bớt được gánh nặng.

    Lại ít lâu sau, đứa con trai đầu lòng của anh chào đời, anh rất cảm ơn vợ anh. Đứa con ra đời, đã mang lại cho anh một niềm vui lớn. Song anh lại cảm thấy mình đã là một con người không còn hy vọng gì nữa, mộng đẹp xưa kia sẽ không bao giờ thực hiện được. Anh sống chỉ là để gánh gánh nặng trên vai. Anh sống chỉ là để giữ vững cái gia đình mà cha để lại. Giờ đây, anh đã có một đứa con. Đó là giọt máu của anh, là người mà anh thương yêu nhất. Anh sẽ nuôi dạy đứa con ấy nên người, và mộng tưởng của anh sẽ do đứa con ấy thực hiện. Con anh sinh ra, hạnh phúc của con anh tức hạnh phúc của anh. Nghĩ vậy anh đôi phần được an ủi và cảm thấy sự hy sinh của mình cũng không hoàn toàn vô ích.
     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng tám 2021
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...