Gây ấn tượng với người chấm bằng những nhận định văn học đặc sắc - Có ví dụ

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Mocmeomeo, 6 Tháng chín 2021.

  1. Mocmeomeo

    Bài viết:
    53
    A. Giới thiệu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Những nhận định từ những tác giả, nhà phê bình văn học nổi tiếng sẽ giúp cho bài viết thêm phần sâu sắc, gây ấn tượng và độ thiện cảm với người

    Chấm thi, có thể đặt ở phần kết bài Nghị luận xã hội, phần mở/thân/kết bài Nghị luận văn học 5 điểm, và đặc biệt quan trọng trong những đề thi học sinh giỏi.

    B. Một số nhận định văn học

    Bấm để xem
    Đóng lại
    1. "Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học." (Tố Hữu)

    2. "Tình huống là một lát cắt của sự sống, là một sự kiện diễn ra có phần bất ngờ nhưng cái quan trọng là sẽ chi phối nhiều điều trong cuộc sống con người." (Nguyễn Minh Châu)

    3. "Thiên chức của nhà văn cũng như những chức vụ cao quý khác là phải nâng đỡ những cái tốt để trong đời có nhiều công bằng, thương yêu hơn." (Thạch Lam)

    4. "Bạn ơi hãy suy nghĩ bằng trái tim

    Và hãy đọc cảm xúc bằng lý trí." (Phôntan)

    5. "Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một phát minh về hình thức, một khám phá mới về nội dung." (Leonit Leonop)

    6. "Nền đất ẩm, chiếu manh, trang giấy trắng

    Anh khai sinh bao nhân vật cho đời

    Nên anh chết như chuyến đi dài hạn

    Bởi họ thay anh có mặt giữa muôn đời." (Đào Cảng)

    7. "Vạt áo của triệu nhà thơ không bọc hết vàng mà đời rơi vãi. Hãy nhặt lấy chữ của đời mà góp nên trang." (Chế Lan Viên)

    8. "Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện do chính cuộc sống viết ra." (Andecxen)

    9. "Nếu tác giả không có lối đi riêng thì người đó không bao giờ là nhà văn cả.. Nếu anh không có giọng riêng, anh ta khó trở thành nhà văn thực thụ" (Sê khốp)

    10. "Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó. Nhưng là tư tưởng đã được rung lên ở các bậc tình cảm, chứ không phải là cái tư tưởng nằm thẳng đơ trên trang giấy. Có thể nói, tình cảm của người viết là khâu đầu tiên cũng là khâu sau cùng trong quá trình xây dựng tác phẩm lớn" (Nguyễn Khải)

    11. "Văn học không quan tâm đến những câu trả lời do nhà văn đem lại, mà quan tâm đến những câu hỏi do nhà văn đặt ra, và những câu hỏi này, luôn luôn rộng hơn bất kỳ một câu trả lời cặn kẽ nào". (Claudio Magris)

    12. "Một nghệ sĩ chân chính phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy". (Sê khốp)

    13. "Thơ là sự thể hiện con người và thời đại một cách cao đẹp." (Sóng Hồng)

    14. "Đời chúng ta nằm trong vòng chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, phiêu lưu trong trường tình của Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận." (Hoài Thanh)

    15. "Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình." (Nam Cao)

    16. "Chỉ sống thôi là không đủ.. người ta phải có nắng mặt trời, tự do, và một đóa hoa nhỏ." (An-đéc-xen)

    17. "Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp". (Ai ma tôp)

    18. "Nghệ sĩ là người biết khai thác những ấn tượng riêng chủ quan của mình, tìm thấy những ấn tượng đó có giá trị khái quát và biết làm cho những ấn tượng đó có những hình thức riêng." (M. Gorki)

    19. "Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình.. Nó làm cho người gần người hơn." (Nam Cao)

    20. "Thơ là cái nhụy của cuộc sống, nên nhà thơ phải đi hút cho được cái nhụy ấy và phấn đấu làm sao cho cuộc đời của mình cũng có nhụy". (Phạm Văn Đồng)

    21. "Văn học, đó là tư tưởng đi tìm cái đẹp trong ánh sáng." Charles Du Bos

    22. "Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức" (Thạch Lam)

    C. Ví dụ minh họa

    1. VD1: Mở bài hình tượng con sông Đà hung bạo trữ tình (Nhận định số 15)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Nam Cao từng nhận định về phong cách sáng tác: "Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo, vì vậy nó đòi hỏi người sáng tác phải có phong cách nổi bật, tức là có nét gì đó rất riêng, mới lạ thể hiện trong tác phẩm của mình". Bởi lẽ một nhà văn thực thụ phải có cho mình một lối đi riêng, một chất giọng riêng để không bị nhạt nhòa trong dòng sông các tác phẩm. Nói đến một phong cách độc, lạ, luôn mang cái "tôi" đặc trưng thì ta không thể không nhắc đến Nguyễn Tuân – người nghệ sĩ suốt đời đi tìm cái đẹp, đóng góp không nhỏ cho nên văn học hiện đại nước nhà. Tên tuổi của ông gắn liền với thể loại tùy bút, thể hiện được rõ nét nhất những tài hoa uyên bác của một người "kĩ sư tâm hồn", luôn khai thác kho cảm giác phong phú để tìm cho ra những chữ nghĩa xác đáng nhất có khả năng làm lay động người đọc nhất. Đặc biệt, với đoạn trích "Người lái đò Sông Đà", Nguyễn Tuân đã dùng những tài hoa của mình để vẽ nên một dòng sông Đà hữu hình, có diện mạo và nét tính cách độc đáo hòa quyện "hung bạo – trữ tình", để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

    2. VD2: Đoạn dẫn vào tác phẩm (Sau phần giới thiệu tác giả tác phẩm, nên viết thêm đoạn này để làm rõ ý tưởng về nội dung toàn bài) của Hình tượng ông lái đò (Nhận định 22)

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thạch Lam cho rằng: "Công việc của nhà văn là phát hiện ra cái đẹp ở chỗ không ai ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật, để cho người đọc một bài học trông nhìn và thưởng thức". Là một nhà văn hiện thân của cái đẹp, Nguyễn Tuân đã khắc họa hình tượng người lái đò tài ba, đầy trí – dũng như tô đậm vẻ đẹp con người Tây Bắc và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc. Ông lái đò đối đầu với thác dữ vô cùng bình tĩnh, thông minh với bản lĩnh của một chiến tướng xung trận, bởi lẽ chỉ tích tắc sai sót sẽ phải trả giá bằng cả sinh mạng của nhà đò. Vẻ đẹp tài hoa nghệ sĩ của ông lái đò thể hiện qua tinh thần dũng cảm phi thường chiến thắng thác dữ và những "trận đồ bát quái" Sông Đà bày ra. Với vốn hiểu biết phong phú và kiến thức sâu rộng, Nguyễn Tuân đã sử dụng những hình ảnh liên tưởng độc đáo để tái hiện cuộc quyết đấu sinh tử của ông đò với ba trùng vi thạch trận.

    3. VD3: Mở bài "Vợ chồng A Phủ" diễn biến tâm trạng Mị trong đêm tình mùa xuân.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Giá trị của một tác phẩm nghệ thuật trước hết là ở giá trị tư tưởng của nó" (Nguyễn Khải). Từ giá trị chân chính trong nội dung, tác phẩm ấy có thể qua mọi giới hạn, sống mãi trong nền văn chương đương đại. Vậy nên, một người nghệ sĩ chân chính không chỉ cần cái tài mà còn phải có một cái tâm trong sáng, một nhân cách cao đẹp, và tác phẩm đó phải truyền tải một nội dung tư tưởng cùng với những giá trị sâu sắc. "Vợ chồng A Phủ" của tác giả Tô Hoài cất lên tiếng nói phản kháng của người dân lao động Tây Bắc. Họ không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, đã đứng lên, vùng dậy đi tìm kiếm cuộc sống tự do. Đặc biệt, đoạn truyện về nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân và diễn biến tâm trạng của Mị đã thể hiện rõ nhất lòng ham sống và khát vọng tình yêu hạnh phúc của nàng – cũng như của những con người nơi đây.

    4. VD4: Bên cạnh những nhận định văn học nổi tiếng, ta có thể trích dẫn những câu thơ từ kho tàng ca dao tục ngữ, hay của những nhà thơ khác làm tăng chiều sâu cho bài viết: Mở bài "Vợ nhặt" phân tích nhân vật người vợ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    .. "Già trẻ gái trai không còn phân biệt

    Họ giống nhau như là những thây ma

    Như những bộ xương còn dính chút da

    Chưa chết đã bốc xa mùi tử khí!"..

    Những câu thơ trong bài thơ "Đói" của Bàng Bá Lân khiến người đọc phải rợn người trước cảnh chết chóc kinh hoàng của nạn đói năm Ất Dậu 1945. Nạn đói gây tử vong đến hai triệu người, từ khắp làng quê cho đến cả thành thị Việt Nam. Cơn đói làm cho con người mất đi nhân hình nhân dạng, "như những bộ xương dính chút da", như những thây ma vật vờ chờ chết. Không chỉ dừng lại ở đó, cái đói thấm vào da thịt còn hủy hoại đi cả nhân tính, những phần tốt đẹp trong tâm hồn con người. Kim Lân, một trong số ít những nhà văn thành công viết về cái nghèo, đã không dừng lại ở chỗ chỉ khơi gợi nỗi ám ảnh ghê rợn về nạn đói, mà ông còn dùng ngòi bút thấm đẫm tư tưởng nhân đạo để viết nên một câu chuyện của tình người. Đại diện cho tinh thần ấy, ta phải kể đến người vợ nhặt trong truyện ngắn cùng tên của nhà văn. Người đàn bà ấy bị cái đói xui khiến, sẵn sàng vứt bỏ tự tôn, nhắm mắt đưa chân theo người xa lạ vì một miếng ăn. Mặc dù vậy, ở đâu đó trong con người thị vẫn luôn tồn tại những phẩm chất đáng trân trọng của một người phụ nữ truyền thống: Đảm đang, biết vun vén gia đình và cũng đầy tinh tế, ý nhị.

    5. VD5: Mở bài "Vợ chồng A Phủ" đêm mùa đông

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Một tác phầm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình." (Nam Cao). Vậy nên, một người nghệ sĩ chân chính không chỉ cần cái tài mà còn phải có một cái tâm trong sáng, một nhân cách cao đẹp, và tác phẩm đó phải truyền tải một nội dung tư tưởng cùng với những giá trị sâu sắc. "Vợ chồng A Phủ" của tác giả Tô Hoài cất lên tiếng nói phản kháng của người dân lao động Tây Bắc. Họ không cam chịu bọn thực dân, chúa đất áp bức, đày đọa, đã đứng lên, vùng dậy đi tìm kiếm cuộc sống tự do. Đặc biệt, trong đêm mùa đông giá rét, Mị cắt dây trói cho A Phủ là hành động thể hiện rõ nét nhất tinh thần của cả tác phẩm – sức sống mạnh mẽ và khát khao hạnh phúc của những con người vùng núi Tây Bắc.

    D. Lưu ý và lời kết

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Tuy những nhận định văn học giúp cho bài viết sâu sắc hơn rất nhiều, nhưng ta cũng không nên quá lạm dụng vì điều đó có thể gây loãng bài viết. Chỉ nên sử dụng khoảng 3 nhận định văn học trong một bài (Mở -Thân - Kết mỗi phần 1 câu). Còn vềviệc mở rộng ý tưởng bằng thơ ca, ca dao khác, ta có thể sử dụng thoải mái tùy vào vốn hiểu biết cá nhân, hãy phân tích thêm 1 - 2 câu phần dẫn chứng này để tạo sự liền mạch ý nhé!

    Cuối cùng, hãy đảm bảo bài viết của bạn đầy đủ những ý phân tích cơ bản trước, căn kĩ thời gian để làm đủ cấu trúc bài, đừng lạm dụng quá nhiều phần mở rộng liên hệ, vì phần chính lấy điểm của bài văn vẫn là những ý cơ bản nhé!

    Mong bài viết này sẽ giúp ích được các bạn.

    Mọi đóng góp và chỉnh sửa hãy vui lòng bình luận dưới comment .
     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng mười 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...