Truyện Ngắn Gặp Bác - Cao Phú Soái

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Cao Phú Soái, 18 Tháng năm 2024.

  1. Cao Phú Soái

    Bài viết:
    161
    Gặp Bác

    Tác giả: Cao Phú Soái

    Thể loại: Truyện ngắn

    Cuộc thi: Nét bút tuổi xanh tuần thứ tám.

    Chủ đề: Tôi là cháu Bác Hồ.

    [​IMG]

    * * *

    - Ngày xưa ông bà cũng từng đi thanh niên xung phong ạ?

    Khi ngồi trước ti vi, em hỏi.

    Thời điểm đó, ông đang xem một bộ phim tài liệu về đề tài chiến tranh. Nghe thế, một người thông thoáng như ông đã giải đáp cho em thật nhiều điều. Nào là, vào thời điểm đó, nhiệm vụ của ông là gì? Là thanh niên xung phong nhưng lại khác đơn vị, vậy hai ông bà làm cách nào mà nên duyên?

    Bỏ lửng bộ phim còn đang hồi dang dở, ông ngoại đã kể em nghe về sự cam go khi mà ông mới đặt chân lên mặt trận Tổ quốc.

    Quay trở về hơn năm mươi năm trước, người ông tóc bạc phơ trông hiền từ là một thanh niên cực kỳ lém lỉnh, đẹp trai nhất nhì làng. Nhà thì nghèo, nhưng nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông vẫn dứt khoát đi đăng ký xin vào lực lượng Thanh niên xung phong lúc bấy giờ.

    À, thì ra, đây chính là lực lượng góp phần làm nên thắng lợi của cuộc đấu tranh giành quyền độc lập, giải phóng dân tộc cũng như góp công bảo vệ, kiến thiết nước nhà.

    Chỉ có điều, khi đó chàng trai mới lớn chưa có sự từng trải, và sự ngạo mạn là điều không thể thiếu với một thanh niên vừa xa rời vòng tay yêu chiều của mẹ. Mới năm đầu tiên, mọi người ai cũng lo sợ nơm nớp. Mỗi khi giặc Mỹ hoành hành, đem máy bay thả bom mìn xuống, tất cả mọi người đều hãi hùng chui xuống hầm sâu trú ẩn. Nhìn người chết như ngả rạ, ai cũng khóc lóc. Nửa thương cho đồng đội nửa nhớ quê nhà. Ai biết có còn ngày về hay không?

    Chiến tranh là đau thương, là mất mát. Cái viễn cảnh phải xa lìa từng người từng người một khiến anh chị em thêm đoàn kết, yêu thương nhau còn hơn máu mủ ruột già. Cũng có khi, đang ngồi ăn cơm mà gặp ngay lúc máy bay thả bom đạn, mấy người quây quần bên nhau đều tan xác. Mâm cơm chưa ăn xong thì máu đã nhuộm đỏ, lêng láng.

    Những người đi thâu gom hài cốt dù đã làm việc đến trăm lần nghìn lần vẫn không tránh khỏi đau đớn. Trong quân khu, mọi người đã trót coi nhau như tính mạng, coi thân thể người ta quý giá hơn thân thể của mình, lại xem cái chết của người ta đau hơn cái chết của mình.

    Thời chiến tranh, cái tình cảm gắn bó này là thiêng liêng hơn cả, đã chạm đến ngưỡng cùng tột. Vì nhiệm vụ, vì nghĩa cử, chết có là gì đâu?

    Sống thêm một ngày là một ngày mình giữ gìn xứ sở. Mai này dù sống hay chết thì có gì quan trọng.

    Nếu thực quan trọng thì, chỉ mong người sớm quay về với vòng tay của 'mẹ' chính là tôi, ước chi các anh tiếp tục sống. Mai này nếu còn mạng, hãy lưu giữ tôi trong một phần hồi ức. Vì nếu được Tổ quốc ghi công thì tức là tên tuổi tôi sẽ sáng rạng, tinh thần này sẽ còn hiện diện và đi theo năm tháng. Sống mãi cho đến ngàn đời. Chính tư tưởng này đã nằm lòng và ăn sâu vào máu thịt, làm chỗ dựa tinh thần cho các thanh niên nếu chẳng may một ngày nào bỏ mạng.

    Sang đến năm thứ hai, khi đã quen với cảnh khổ thì mọi người mới dần dà vượt qua nỗi sợ. Mỗi khi vượt núi băng đèo, ngẫu nhiên còn nghe thấy tiếng hát véo von của các em các chị. Những cô gái tuổi vừa đôi mươi, dáng người ai cũng khỏe, người nào người nấy tràn trề sinh lực. Yêu đời, tươi trẻ, như những đóa hoa nơi rừng thiêng nước độc.

    Họ vận chuyển thuốc men lương thực cho các chiến sĩ đang hiến dâng cả máu xương và nước mắt. Những màu áo xanh không ngại ngần bom rơi, máu nhỏ, xá gì hiểm nguy, ai nài Thần chết? Dù cho bão táp phong ba có làm máu áo kia bạc phếch nhưng không gội rửa được ý chí rắn đến thang độ kim cương cũng phải kém tầm.

    Và niềm hạnh phúc nhất của mọi người là vào những đêm trăng, cả đơn vị quây quần đón tiếp vị lãnh tụ với dáng hình thanh thanh, đôi dép cao su thuần đơn sơ mộc mạc. Người ân cần hỏi thăm, an ủi và động viên đến từng người. Xoa dịu những khổ ải, niềm thê lương cùng mất mát. Chính người tiếp thêm niềm tin, cũng là Người tiếp thêm sức mạnh. Và vì thế nên những trái tim này đã quây quần sát lại, đứng bên Người, được nắm tay Người, ngắm nhìn vóc dáng tiêu hao của vị đầu đà cả một đời vì dân vì nước. Họ vui vì được gặp Bác, hạnh phúc vì được quan tâm và cũng buồn đau vì thấm thía những gian lao nhọc nhằn hằn in trên gương mặt người cha già đáng kính.

    Vĩnh viễn về sau, họ là tín đồ của Bác.

    Cứ vài tháng một lần, các đơn vị lại tổ chức những buổi giao lưu văn nghệ. Và lẽ dĩ nhiên, Lương (ông em) là tay văn nghệ sáng giá nhất trong đoàn. Miệng hát tay đàn, chàng thanh niên đẹp trai, nhanh trí cuốn mọi người vào từng lời ca tiếng nhạc, vào đôi mắt sáng, vào khuôn miệng ngân lên từng lời ngà ngọc. Hát hay như thế này thì vàng ngọc nào mà đánh đổi.

    Đẹp trai, hát hay và cũng nhiều tài lẻ nhưng Lương lại nổi danh khắp đơn vị vì tinh quái, nhiều lần nghịch dại nên chẳng ai muốn lại gần. Nếu mà còn đi học thì có thể coi anh chàng là thành phần cá biệt trong ban bệ. Anh là đại ca của tất cả thanh niên trai tráng. Con người này ấy, con trai thì quý hóa mà con gái thì chẳng một ai dám bén mảng lại gần. Cô nào gặp anh cũng rón ra rón rén. Lại chẳng phải vì anh dữ, cùng lắm là không coi cương kỷ ra gì. Nhìn cái cách anh cai trị em ún là các cô sợ. Lúc nào gặp anh các cô gái cũng cúi gằm mặt, miệng rủ rỉ:

    - Chào anh Lương ạ.

    Có lẽ là, chẳng ai dại mà trêu vào đệ tử của võ sĩ Thái Lan xuất thân từ Côn Đảo, dây phải anh thì nhẫn đến cháo còn chẳng có lấy mà húp.

    Chính cái cá tính 'tứ bất tử' của anh khiến các cán bộ trong khu phải họp bàn, ý tứ muốn đôn Lương lên làm cán bộ. Có thể là chỉ khi nào giữ một chức vụ cao thì Lương mới dần dà thu liễm tính nết, biết nhún nhường và làm một tấm gương sáng cho đàn em học tập. Sau một thời gian dài làm công tác tư tưởng, cuối cùng, đến ngày hôm nay, Nguyễn Ngọc Lương đã thành chàng thanh niên sáng giá nhất đơn vị. Giờ tóc tai anh gọn gàng, ăn mặc chỉn chu, nhìn chung có trật tự.

    Đêm đó, cũng đúng vào dịp giao lưu văn nghệ, có một gương mặt tròn trĩnh như trăng đã va phải đôi mắt tinh nhanh của 'chàng'. Lương quay sang hỏi người anh em thân cận:

    - Đồng chí Nhân, cái cô mặt lạnh như tiền đang biễu diễn trên kia, cô ấy tên là gì vậy?

    Nhân tính vốn vui vẻ hòa đồng, anh nhìn cô gái đang đứng xa xa hát rồi bảo:

    - Anh Lương à, đó là bông hoa đẹp xuất sắc của đơn vị, nổi tiếng đoan trang hiền thục. Anh có gặp người ta thì mong anh tem tém con người anh lại. Giùm tôi.

    - Tên cơ, chứ tôi đâu cần chú lên câu giáo điều.

    - Ngát. Phạm Thị Ngát.

    * * *

    Đêm đó, em đã có một giấc mơ cho mình..

    * * *

    - Sim, Sim ơi..

    Nghe văng vẳng tiếng ai gọi như xa như gần, Sim choàng tỉnh. Sau khi mở bừng mắt, trước mắt Sim là thân hình nở nang của một cô gái chừng hai mươi tuổi.

    Sim chớp mắt, cô ngồi hẳn dậy, buộc gọn mái tóc đang buông chùng.

    - Sao đang nghỉ trưa mà chị gọi em sớm thế?

    Bằng hơi thở hao hụt, Đào nói:

    - Chị phải gọi em chứ. Vì chị đang mừng húm lên đây!

    Tuy cô mệt mỏi mà đôi mắt vẫn óng ánh như sao trời. Khổ người đầy đặn giống như bao nhiêu phụ nữ thời chiến, cô gái ấy mạnh mẽ, xen lẫn nét phương phi đậm đà. Khác với Sim, Đào hiên ngang, không nhu mì và yểu điệu.

    - Là chuyện hệ trọng à, sao nhìn chị vui quá?

    Sim gật gù, cô nhìn Đào, thình lình dò ý:

    - Anh Quân đi chuyền tin mới quay về hả chị?

    - Không phải đâu em! Đi theo chị nào.

    Nói rồi, Đào kéo Sim đi.

    Đến khi chân chính được đứng sát cạnh vị lãnh tụ của toàn dân tộc, hai vai của Sim cứ thế run lẩy bẩy. Như một loại cơ duyên, không cần chen lấn mà Đào và Sim vẫn có ngay một vị trí tốt. Lúc này đây, nước mắt cô rơi nhưng khuôn miệng thì dùng nụ cười xinh tươi tô điểm.

    Không riêng gì ai, mọi người đều xúc động khi được Bác quan tâm, động viên và khích lệ như thế.

    Ước chi thời gian quý báu này ngưng đọng mãi mãi.

    Sau khi dặn dò các cán bộ binh đoàn một lượt, Chủ Tịch Hồ Chí Minh nhìn sang cô thiếu nữ hơi gầy đang khóc trong thinh lặng. Bác từ tốn hỏi:

    - Vì sao cháu lại khóc?

    Sim chưa kịp nói gì, thì lại nghe Bác bảo:

    - Hãy nhớ rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không thể rơi nước mắt. Yếu mềm là suy giảm năng lượng tồn sinh. Phải luôn lạc quan cứng rắn. Như thế mới là cháu ngoan của Bác!

    Nghe được từ Bác câu nói ấy, chân của Sim khuỵu dần, cô không ngăn nổi tiếng nấc nghẹn:

    - Bác ơi, xin cho cháu được khóc thêm một lần này! Cháu hứa lần sau Bác quay lại, cháu sẽ là một cô gái kiên cường, can đảm.

    Bác mỉm cười hiền hậu, vỗ vai cô thay cho lời an ủi.

    Khi Bác đã đi rồi, một câu nói của Bác vẫn không ngừng âm vang trong đầu cô gái:

    - Bác chỉ lo các cháu ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, ngủ không an giấc, uống nước không trong lành..

    Có lẽ, cô gái nhỏ không thể ngờ được đây lại là lần cuối cùng cô được gặp Bác. Cô đã hy sinh trong một lần chắn đạn cho người đồng đội và cũng là người con trai cô yêu quý. Sim đã ra đi trong vòng tay Quân mãi mãi.

    Cô đi rồi, mang theo cả phần hồn thiêng của anh đi khuất.

    * * *

    Tỉnh dậy sau giấc mơ chân thực, gương mặt em chan hòa nước mắt. Em được thấm thía sự gian lao của những con người thời kỳ kháng chiến. Họ đều thật gan dạ. Ở nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh không tưởng. Luôn có tình người, tình yêu, tình đồng đội..

    Là cháu của Bác, em tự hào với năm châu bốn biển.

    Người đã ra đi với đôi bàn tay trắng, Người đã thành lập nên một đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 20 Tháng năm 2024
  2. Đăng ký Binance
  3. CaoSG Sang năm một sắc trời vàng

    Bài viết:
    433
    Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã đạt giải trong tuần thi thứ tám. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau:

    Giám khảo 1: Câu chuyện bạn kể, điều đầu tiên phải đề cập đến chính là sự liên kết giữa các mảng truyện. Ở đây, tôi sẽ phân tích cho bạn 3 mảng truyện mà bạn đã tạo ra:

    - Mảng 1: Hai ông cháu đang xem ti vi.

    - Mảng 2: Bạn thay ông kể lại thời niên thiếu của ông.

    - Mảng 3: Bạn kể về giấc mơ riêng mình.

    Như vậy là bạn cũng thấy rõ đúng không? Đây là truyện ngắn viết theo lối phân mảnh. Các mảnh có thể độc lập với nhau nhưng chung quy là phải có liên kết chặt chẽ với nhau để tạo thành một câu chuyện. Vậy vấn đề của bạn ở đây là gì?

    Vâng, tôi muốn nói cho bạn nắm là bạn đã bị mất liên kết trong bố cục câu chuyện!

    Như thế này nhé!

    Đầu tiên, nhân vật Em (Tôi) đang cùng ông xem phim rồi kể chuyện xưa. Khúc này, theo lý để ông kể thì hay hơn. Tuy nhiên, bạn kể lại từ lời kể của ông thì cũng được, chỉ là nghe nó thiếu thuyết phục.

    Xong đâu đấy, bạn viết mảnh tiếp theo là giấc mơ gặp Bác. Cuối cùng câu chuyện kết thúc.

    Vậy chốt lại, cái nhan đề Gặp Bác chủ yếu là ông bạn gặp hay nhân vật "em" nằm mơ gặp?

    Nội dung chủ chốt của câu chuyện này là gì?

    Bạn cũng thấy rõ vấn đề nhé! Truyện ngắn đã bị mất liên kết trong bố cục. Khi viết truyện, điều đầu tiên bạn cần nắm chính là mục đích câu chuyện tạo ra hướng tới điều gì. Khi câu chuyện bị mất liên kết bố cục là nó đã sai với mục đích ban đầu bạn nhé. Bạn rút kinh nghiệm các lần viết sau này nha. Chúc bạn mau tiến bộ.

    Giám khảo 2: bố cục rời rạc

    Giám khảo 3: Truyện của bạn viết rất hay, cách sử dụng từ, sắp xếp câu của bạn tốt. Đặc biệt, mình rất thích vốn từ vựng phong phú mà bạn đem vào mẩu truyện ngắn này. Đọc truyện của bạn, mình như được hóa thân vào nhân vật trong câu chuyện. Tuy nhiên, một điều khá đáng tiếc là bạn lại thiếu đi kết đoạn về việc là một ngườu cháu Bác Hồ, nhân vật "em" sẽ cần phải làm gì. Còn lại thì mình rất thích truyện ngắn này
     
  4. Cao Phú Soái

    Bài viết:
    161
    Em rất cảm ơn Ban Giám Khảo đã góp ý. Em sẽ chú ý hơn.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...