Review Phim First Man (2018) - Damien Chazelle - Bước Chân Lịch Sử

Thảo luận trong 'Nhạc - Phim' bắt đầu bởi Hung93, 16 Tháng năm 2020.

  1. Hung93

    Bài viết:
    39
    Trước khi bắt đầu tìm hiểu về bộ phim thứ 3 (sau WhiplashLa La Land ) trong sự nghiệp của đạo diễn Damien Chazelle, chúng ta sẽ cùng điểm qua một chút về.. lịch sử. Ngày 20 tháng 07 năm 1969, Neil Armstrong và phi công Buzz Aldrin của Mô-đun Mặt Trăng (LM) của tàu Apollo 11 đã trở thành những người đầu tiên đáp xuống Mặt Trăng. Khi Armstrong bước lên bề mặt Mặt Trăng, ông đã phát biểu một câu nói nổi tiếng: "Đây là bước đi nhỏ bé của một con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại." (Theo Wikipedia)

    Sau thành công của những bộ phim có cùng chủ đề du hành vũ trụ như Gravity (2013) kịch tính và nghẹt thở hay The Martian (2015) hấp dẫn và sáng tạo, Damien Chazelle bắt tay vào dự án mới First Man là một thử thách vì đây là bộ phim đầu tiên ông đạo diễn mà không phải ông viết kịch bản cũng như câu chuyện này mang nặng tính tiểu sử về một nhân vật có thật đã gây chấn động thế giới.

    Toàn bộ chiều dài bộ phim là quá trình chuẩn bị của Armstrong và của NASA cho chuyến hành trình lịch sử bay lên vũ trụ mà tất cả chúng ta đã.. biết trước kết quả của nó. Vì vậy để tạo sự hấp dẫn cho khán giả trong hơn 120 phút phim là điều không dễ.

    Để biết được những sự kiện diễn ra trước thời điểm mà Neil Armstrong (Ryan Gosling) đã đặt bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng và khoảnh khắc lịch sử ấy đã xảy ra như thế nào, bạn hãy tắt review này như mọi khi và bắt đầu xem phim thôi.

    [​IMG]

    Từ một góc nhìn khác về bộ phim, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra hai cuộc đấu tranh mà Neil Armstrong (Ryan Gosling) phải đối mặt trong suốt quá trình trước khi lên Mặt Trăng.

    Thứ nhất, ông phải đấu tranh trong chính gia đình của mình.

    Ngay từ đầu phim, ông đã phải trải qua nỗi mất mát to lớn khi đứa con gái bé bỏng của mình đã ra đi vì căn bệnh ung thư quái ác. Nhưng kì lạ thay, nỗi đau này không đánh gục ông về tinh thần mà ngược lại như tiếp thêm sức mạnh để ông bước đi trong chặng hành trình khó khăn phía trước. Neil là một người trầm tính, ít nói và không dễ để bộc lộ cảm xúc của mình ra bên ngoài ngay cả với những người thân trong gia đình. Ông chỉ biểu lộ tình yêu thương với người vợ và những đứa con thông qua ánh mắt, cử chỉ hay lời ru chứ ít khi chia sẻ bằng lời nói: "Tôi thấy vầng trăng/ Vầng trăng ấy cũng trông thấy tôi/ Xuyên qua những tán lá của những cây sồi già cỗi/ Hãy để ánh sáng ấy chiếu sáng tôi/ Thắp sáng người tôi yêu." Lời ru ấm áp ông dành cho đứa con gái bé nhỏ như gửi gắm tất cả tình yêu thương và một khát vọng mãnh liệt vươn lên bầu trời.

    Đặc biệt, khoảnh khắc trước khi ông lên đường thực hiện sứ mệnh lịch sử thật sự xúc động. Ông gói ghém đồ đạc và định ra đi trong im lặng. Ông biết rất rõ hành trình này tiềm ẩn nhiều rủi ro và có khả năng ông sẽ không thể quay về. Với bản tính ít nói của mình, ông không muốn gặp mặt những đứa con lần cuối. Nhưng nhờ sự quyết liệt của người vợ, ông đã phải đấu tranh tư tưởng để rồi ngồi lại và chia sẻ sự thật với hai cậu con trai như một lời chào tạm biệt. Cái bắt tay cuối cùng của Neil và cậu con trai lớn, như hai người đàn ông thật sự, như gửi gắm niềm tin và một lời chúc mạnh mẽ.

    Hơi đáng tiếc trong phân cảnh này cũng như toàn bộ phim, Ryan Gosling chỉ dừng ở mức tròn vai. Anh có ánh mắt biết nói nhưng lại thiếu đi sự biểu cảm khuôn mặt cần thiết trong những phân cảnh tâm lý đòi hỏi nhiều cảm xúc nội tâm hơn. Anh có vẻ vẫn còn hơi gò bó và rập khuôn trong phong cách diễn xuất của mình (như hình ảnh một chàng lãng tử đa tình trong La La Land) mà thiếu đi sự đột phá và biến hóa về mặt cảm xúc. Nhưng để nhập vai một nhân vật lịch sử như Neil Armstrong, đặc biệt nhân vật này ít biểu lộ cảm xúc ra ngoài, cũng là một thử thách lớn cho Ryan Gosling.

    Thứ hai, ông phải đấu tranh với những khó khăn trong suốt quá trình chuẩn bị bay lên Mặt Trăng.

    Sau sứ mệnh Gemini, Neil tham gia một bữa tiệc tại Nhà Trắng trong lúc con tàu Apollo đang được thử nghiệm và cải tiến. Và ngay lúc đó ông đón nhận một cú sốc: Ba đồng đội của ông đã hi sinh trong lúc thử nghiệm. Ông bóp chặt cái ly đang cầm cho đến khi nó vỡ thành nhiều mảnh và tay ông thì rướm máu (Ryan Gosling cần nhiều cảm xúc đau đớn và giằng xé hơn nữa trong phân cảnh quan trọng này). Trong những lần chuẩn bị cho chuyến đi, ông phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau về thể xác khi đang được huấn luyện và cả nỗi đau mất mát những người đồng đội. Cái giá quá đắt cho một chuyến đi lịch sử, bên cạnh chi phí đắt đỏ để đóng một con tàu vũ trụ hiện đại như Apollo 11 tại thời điểm đó.

    Nhịp phim từ lúc bắt đầu cho đến trước chuyến đi đều khá chậm rãi (nhiều khán giả sẽ cảm thấy buồn ngủ vì rất nhiều từ ngữ chuyên môn về vật lý và kỹ thuật hàng không được đề cập), mang đậm tính kể chuyện của nhà biên kịch Josh Singer, không có quá nhiều cao trào hay kịch tính nên rất khó để giữ sự chú ý của khán giả. Ngoài ra, đề tài du hành vũ trụ có lẽ đã không còn mới ở Hollywood. Vì vậy, không quá bất ngờ khi phim không thành công về mặt doanh thu ở các phòng vé.

    Và điều khán giả mong chờ nhất chỉ là: Khoảnh khắc đến Mặt Trăng sẽ diễn ra như thế nào.

    [​IMG]

    Khoảnh khắc đáp tàu vũ trụ

    Một phân cảnh dài hơn 6 phút khi Neil nhìn qua cửa sổ và bắt đầu thấy được bề mặt của Mặt Trăng. Đạo diễn chọn góc nhìn hẹp cho máy quay để khán giả cảm giác như mình đang trên cùng con tàu với các phi hành gia. Chỉ còn tiếng bíp bíp của hệ thống điều khiển tàu và tiếng trao đổi chỉ dẫn nhau của phi hành đoàn. Tiết tấu của bản hòa âm The Landing nhanh dần theo từng phút. Và rồi khoảnh khắc lịch sử đã đến. Từ góc nhìn đầy tò mò, hồi hộp xen lẫn phấn khích của Neil, bề mặt Mặt Trăng dần dần hiện rõ. Một bề mặt lồi lõm không đều bao gồm đất, đá, sỏi và cát. Một khung hình toàn bộ Mặt Trăng hiện ra chiếm trọn màn chiếu. Một khung cảnh tối tăm và đáng sợ, nhạc phim lên đến cao trào, khoảnh khắc ấy làm ta gai người. Nhiều cảm xúc lẫn lộn đan xen: Thích thú, sợ sệt và thật sự tự hào. Tự hào vì con người đã đạt đến đỉnh cao của trình độ khoa học công nghệ tại thời điểm đó.

    Đội ngũ làm kĩ xảo cho phim đã làm xuất sắc nhiệm vụ của mình. Hình ảnh Mặt Trăng được tái dựng không thể chân thực hơn. Từng lớp đất, cát, từng khối lồi lõm trên bề mặt đều được thể hiện chi tiết, tỉ mỉ. Vì vậy không quá khó hiểu khi giải Oscar cho Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất đã được trao (thậm chí vượt qua cả Avengers: Infinity war trong cùng đề cử).

    Đáng tiếc nhất cho phim là với phần âm nhạc tuyệt vời, khi thì da diết khi thì hào hùng, dưới sự nhào nặn của cái tên quen thuộc trong các phim của Damien Chazelle: Justin Hurwitz đã không thể chiến thắng trong hạng mục được đề cử Hòa âm hay nhất.

    First Man là một dự án đầy tham vọng và thử thách của nhà làm phim Damien Chazelle, nhưng có vẻ như đây không phải là thể loại sở trường của ông. Dù phần kĩ thuật như quay phim được làm cẩn thận, chỉn chu, phần âm nhạc được chăm chút kĩ lưỡng như hai bộ phim trước đó (WhiplashLa La Land ) nhưng tác phẩm lần này vẫn thiếu đi một khoảnh khắc bùng nổ và choáng ngợp, một dấu ấn riêng đậm nét từ chính kịch bản được viết bởi Damien Chazelle như hai tác phẩm kia. Nhưng dẫu sao, chúng ta hãy cùng chờ đợi những dự án kế tiếp được sản xuất từ bàn tay của vị đạo diễn trẻ tuổi và đầy tài năng này.

    Khoảnh khắc lắng đọng của riêng Neil Armstrong

    Khi Neil đặt chân lên Mặt Trăng, ông đã thả chiếc vòng tay xinh xắn của cô con gái bé bỏng xuống một cái hố sâu hun hút. Khoảng khắc xúc động đó vừa như một lời chào tạm biệt vừa như một món quà ý nghĩa ông dành tặng riêng cho thiên thần nhỏ của mình.


    Một bình luận của Hùng Nguyễn

    [​IMG]

    Gợi ý nhẹ :D Các bạn hãy tìm trên mạng bản hòa âm The Landing của Justin Hurwitz, đeo tai nghe vào và thưởng thức bởi vì giai điệu của nó rất rất hay. (bảo đảm khí thế dâng trào, tim đập ào ào và lòng dạ nôn nao: D)

    Tái bút :D Tạm biệt Mặt Trăng, mình sẽ cùng các bạn bắt đầu một cuộc hành trình mới với nhiều cạm bẫy và nguy hiểm hơn: D. Mà trước khi đi, các bạn nhớ đừng gây ồn ào vì chúng ta sắp bước vào


     
    Chỉnh sửa cuối: 26 Tháng năm 2020
  2. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Hay quá đi!
     
    Hung93 thích bài này.
  3. nntc6761 ~~~Editing "Ta có ba trúc mã là long ngạo thiên"~~

    Bài viết:
    2,158
    Mình cũng thấy đây là một phim hay, nhưng phim ít tính giải trí. Cốt truyện của bộ phim rất nặng, đậm tính kể. Bên cạnh đó, vì ai cũng biết đoạn kết của bộ phim ra sao từ trước khi theo dõi, nên yếu tố kịch tính gần như bị triệt tiêu. Nhân vật Neil Armstrong là người cực kỳ kiệm lời, ít bộc lộ cảm xúc ra bên ngoài, nên xem phim sẽ đúng là mang tính lịch sử là chủ yếu, nhưng sự tĩnh lặng đó cũng sẽ phù hợp với những khán giả không thích phim ồn ào, bởi vì diễn xuất của diễn viên sẽ thực sự được bộc lộ.
     
    Hung93 thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...