Review Sách Faust - Johann Wolfgang Goethe - Triết Lí Về Lẽ Sống Của Con Người

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi MTrang1102, 12 Tháng tám 2023.

  1. MTrang1102 Ờm …

    Bài viết:
    394
    Sách: Faust.

    Tác giả: Johann Wolfgang Goethe.

    Dịch giả: Quang Chiến.

    Nhà xuất bản: Văn học.

    Ngày phát hành: 02/12/2015.

    Tác phẩm kịch Faust của thi sĩ lỗi lạc người Đức Johann Wolfgang Goethe là một tác phẩm kinh điển mang nhiều giá trị triết lý về lẽ sống con người thông qua hành động, đặc biệt tác phẩm còn được xem như là một kinh thánh của nước Đức. Kịch thơ Faust có 12.111 câu thơ, được viết trong suốt 60 năm cuộc đời của thi sĩ người Đức Goethe, vì vậy đây được đánh giá là cuốn sách hàm chứa đồ sộ các tư tưởng, tri thức và thời đại của nhân loại.

    [​IMG]

    Tóm tắt sơ lược:

    Chuyện kể về nhân vật tên Faust, là một nhà chiêm tinh lỗi lạc, anh ta đã quá chán ngán với những bài học lý thuyết nhàm chán ở trường đại học, nên đã kí kết bán linh hồn của mình cho quỷ Mephisto để đổi lấy sức mạnh và tri thức vô biên. Họ đề ra một cuộc thách thức, nếu Faust luôn cố gắng vươn lên, thì anh sẽ thắng con quỷ dữ ấy. Nhưng ngược lại, nếu anh có giây phút nào đó thỏa mãn với chính mình, hoặc bản thân bị tụt lùi đi, thì con quỷ sẽ thắng, anh phải lập tức bán linh hồn mình cho quỷ dữ.

    Quỷ Mephisto cố gắng dụ dỗ anh, và cho anh gặp nàng Gretsen có vẻ đẹp trong trẻo và mê hoặc. Faust cũng bị quyến rũ và bị cuốn hút bởi nàng, quỷ Mephisto đã góp sức kết đôi họ, nhưng tình yêu say đắm của họ gặp biết bao trắc trở và bị ngăn cản. Để có thể riêng tư gặp nàng Gretsen, Faust đã cho mẹ nàng uống thuốc ngủ nhưng lại chẳng may làm bà ấy qua đời. Anh trai nàng Gretsen lập tức trở nên cuồng nộ và muốn báo thù Faust, nhưng lại bị Faust và quỷ Mephisto giết chết. Nàng Gretsen lúc này đang mang thai cùng Faust, khi biết được sự thật ấy, nàng lại ra tay dìm chết đứa con của mình. Gretsen lập tức bị kết trọng tội và chịu án tử. Faust đã tìm mọi cách để cứu lấy nàng, nhưng nàng đã từ chối và chấp nhận chịu tội.

    Rời khỏi nơi đó, Faust vô cùng đau khổ khi mất đi người mình yêu, anh lại ngủ quên trên bãi cỏ dại, tiếng hát của bầy tiên nữ giây phút ấy chợt khiến chàng quên đi nỗi đau, nhưng lòng lại trào dâng hối lỗi. Sau cùng, chàng cũng vượt qua nỗi mất mát và quay về hành trình ban đầu của mình với quỷ Mephisto. Họ chu du khắp nơi, gặp và giúp nhiều vua chúa ở khắp vùng đất mới. Nhưng càng về già, Faust vẫn tiếp tục nỗ lực phiêu du và tìm tòi vươn lên không ngừng, khiến quỷ Mephisto lo lắng không chiếm được linh hồn chàng, nó khiến Faust mù mắt, nhưng cũng chẳng thể ngăn cản được sự cố gắng vươn lên của anh, Mephisto thất bại trong cuộc thách thức đó hoàn toàn.


    [​IMG]

    Các giá trị triết lý bản chất con người hay về sáng tạo nghệ thuật, đều được tái hiện sinh động và rõ rệt thông qua câu chuyện kịch và hình tượng nhân vật đầy phong phú.

    Faust là nhân vật có thật (là một nhà chiêm tinh vĩ đại), sau khi ông mất, ông được người đời viết nhiều về ông rất phổ biến nhưng theo một cách rất biến hóa, huyền thoại hóa câu chuyện của ông lên. Thành ra, đây là nhân vật xuất hiện nhiều trong truyền thuyết dân gian Đức, và có rất nhiều phiên bản khác nhau, nhưng phiên bản của Goethe được đánh giá là đỉnh cao nhất, hàm chứa nhiều giá trị tư tưởng sâu sắc, và yếu tố thần bí.

    Thi sĩ Goethe cho rằng những vấn đề thần bí ấy đều thuộc về bản chất của con người. Tác giả đã đặt ra câu hỏi trong tác phẩm của mình: Một người ở nơi nào trong một kỷ nguyên mới, ý nghĩa của cuộc đời anh ta là gì? Thụ động và chủ động trong tâm trí. Và xuyên suốt tác phẩm, ông để nhân vật của mình là Faust đi tìm câu trả lời cho độc giả. Hầu như xuyên suốt câu chuyện tác giả luôn cho rằng con người dưới hạ giới (chúng ta) luôn luôn mắc phải những sai lầm, con người càng tiến bước và phát triển thì con người sẽ càng mắc sai lầm, nhưng không vì những sai lầm ấy mà bỏ cuộc, chúng ta cần đứng lên và vực dậy sau những sai lầm hiển nhiên ấy:
    "Chừng nào con người còn vươn lên, con người còn lầm lạc".

    Nhân vật Faust hiện lên là con người đầy lý trí và có ý thức về con người cá nhân, nhân vật cũng có những suy nghĩ về vị trí của bản thân trong xã hội. Hiện tượng này bắt đầu xuất hiện ở thời đại Phục hưng, khi chủ nghĩa nhân văn ra đời trên cơ sở xã hội tiền tư bản chống lại thế giới quan Trung cổ thần bí.

    Hình tượng Faust cũng trở thành nhân vật vươn lên không ngừng nghỉ. Tình huống xảy ra khi quỷ Mephisto tranh cãi với Chúa về bản chất loài người, trong mắt của Mephisto, loài người chỉ là những cá thể mang bản chất tham lam và hèn nhát, nên đã nói với Chúa rằng chắc chắn Faust sẽ rơi vào cám dỗ một cách dễ dàng. Mephisto đẩy Faust vào rất nhiều con đường sai lầm nhưng Faust lại luôn có phần lý trí còn lại tồn tại trong anh. Không đam mê với những cái khoái lạc, lạc thú. Anh luôn hướng đến những giá trị cao cả hơn nữa. Kết thúc Faust kết luận chỉ những ai biết chinh phục những giá trị sống mới mới xứng đáng được hưởng tự do và cuộc sống này: "Một nhân loại tự do sẽ sống trên một mảnh đất tự do". Thông qua nhân vật Faust, ta mới thấy được nhiều giá trị nhân sinh hiện lên, giá trị thật sự của con người trong cuộc sống này.


    [​IMG]

    Bên cạnh đó, Faust thực sự đã phản ánh lịch sử của cả nhân loại trong hành trình chinh phục sự thật và nỗ lực hành động để thay đổi, hướng đến giá trị sống toàn vẹn, cuộc đấu tranh giữa cái Thiện và Ác, cái tiến bộ và cái kìm hãm. Faust dám đánh đổi cả linh hồn mình để tìm kiếm cái sức mạnh sáng tạo, trải qua những quá trình gian nan của thử thách, nhiều lúc lựa chọn những quyết định sai lầm hay có khi rơi vào tuyệt vọng và cũng có lúc đạt được cảm xúc thăng hoa. Thì đó là tất cả những cung bậc của giá trị sống, con người sẽ không thể hoàn hảo nếu không trải qua quá trình rèn dũa, ung đúc giá trị bản thân. Câu chuyện của Faust mang một giá trị vĩnh cửu, hướng con người không ngừng ước mơ, không né tránh sai lầm, luôn tin tưởng vào con người, luôn luôn hành động để thay đổi.

    Thi sĩ Goethe đã thể hiện tư tưởng về khả năng con người, đề cao con người lý trí, không quá bi quan về con người mà bênh vực và đưa ra bài học hướng con người sống tốt đẹp. Con người không phải là một sinh vật độc ác, chính tác giả đã từng nói ông cũng là con người nên từng bản chất của con người không lạ gì với ông cả. Hình tượng con người đi tìm chân lý thể hiện qua quá trình đi tìm đến khát vọng, đấu tranh trước những cám dỗ. Giá trị của chuỗi ngày trong cuộc sống là giá trị không ngừng phấn đấu vươn lên, không chôn vùi bản thân mình trong những sai lầm, phải đi tìm cái chân lý của con người để từ đó hiểu được ý nghĩa cuộc sống này.


    -HẾT-

    Reviewer: MTRang.​
     
    Chỉnh sửa cuối: 13 Tháng tám 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...