EM TRAI TÔI Thể loại: Truyện ngắn Tác giả: Trí Hạ Tôi đóng sầm cửa lại, quơ tay xô ngã bình hoa. Nằm sấp trên giường, tôi ấm ức khóc. "Thắng, Thắng, lúc nào cũng Thắng, ba mẹ quý nó quá, thương nó quá mà." Tôi vừa bị ba mẹ mắng vì tội cãi nhau với Thắng – em trai tôi. Lúc nào ba mẹ cũng bênh vực nó, khi tôi với nó tranh giành nhau cái gì, ba mẹ đều bảo tôi phải nhường cho nó. Nó thích nuôi chó, tôi lại cực ghét chó, thế mà ba mẹ vẫn cho nó nuôi, suốt ngày thấy nó vui đùa với con Bi khiến tôi bực mình. Nhiều lúc để bỏ tức, tôi sẽ đạp thật mạnh vào con Bi khi nó lẩn quẩn dưới chân tôi, hoặc những lúc nó không có ở nhà, tôi sẽ dắt con Bi vào phòng cho nó cắn đồ. Tối đến tôi sẽ méc lại với ba mẹ nhưng ba mẹ vẫn không mắng nó, ba mẹ còn giúp nó dọn dẹp những gì con Bi đã phá. Em tôi gần như luôn im lặng mỗi khi tôi to tiếng với nó, mà nó càng im lặng tôi càng muốn gây sự để cho nó cãi lại với tôi. Nhưng nó chỉ nói "Em xin lỗi" mỗi khi tôi bực tức, rồi lặng lẽ dọn nhà hoặc đi về phòng mặc cho tôi la mắng. Lúc nhỏ tôi rất thân với em tôi, nhưng càng lớn khoảng cách giữa tôi và Thắng càng ngày càng xa, sự phân biệt đối xử của ba mẹ dành cho tôi và Thắng càng lúc càng có sự khác biệt, tôi luôn bị mắng, luôn bị đòn roi mỗi khi làm sai, còn Thắng thì ba mẹ chỉ nhỏ nhẹ nhắc nhở. Tính cách của tôi và Thắng khác nhau rất nhiều, tôi hiếu động, nghịch ngợm. Còn Thắng thì trầm tĩnh, ngoan ngoãn. Tôi học hành bình thường, thỉnh thoảng còn bị thầy cô phê bình, còn Thắng thì học giỏi, luôn được thầy cô tuyên dương. Tôi thích ra ngoài đồng chạy nhảy, đánh nhau, còn Thắng thường ở nhà đọc sách. Và vì em tôi không thích ra ngoài, nên những ngày ba mẹ không ở nhà, ba mẹ không cho tôi ra ngoài, bắt tôi ở nhà với Thắng. Nhưng tính tôi không ngồi yên được một chỗ, sau khi đi loanh quanh trong vườn, hết trò để nghịch, tôi sẽ sang hàng xóm chơi cùng lũ bạn. Có hôm tôi về sớm, ba mẹ không biết thì không sao, nhưng cũng có nhưng hôm, vì quá vui, đến tối mịt tôi mới về, thì ba mẹ sẽ mắng tôi rất nhiều. Có những lần Thắng ở nhà một mình bị té, hay làm bể ly, chén, là xác định, tối đó tôi bị ăn no đòn. Lúc nhỏ, ai cho tôi cái gì tôi cũng nhường cho Thắng, khi tôi ăn trộm được trái cây của hàng xóm tôi cũng dành cho em tôi những trái to, ngon nhất. Khi đi học, ai ức hiếp nó tôi cũng đều đứng ra bảo vệ, chỉ cần đứa nào có dự tính chọn nó làm đối tượng để trêu mà tôi biết được là tôi sẵn sàng nhào vào đánh đứa đó. Chiều nào đi học về người tôi cũng đầy vết bầm, còn nó thì đi bên cạnh khóc thút thít. Mỗi lần tôi đánh nhau về, tôi đều bị ăn roi, rồi bị phạt quỳ. Còn Thắng thì ba mẹ an ủi, bảo nếu sau này có ai ức hiếp, thì hãy nói với ba mẹ, hoặc báo lên cho thầy cô. Ba tôi rất nóng tính, nên đến tận những năm cuối tiểu học, tôi vẫn bị ăn roi mỗi khi làm sai hoặc không nghe lời, và đặc biệt, nếu những trò nghịch của tôi ảnh hưởng đến em trai, thì ba lại càng nặng tay với tôi. Còn mẹ tôi thì thỉnh thoảng mới đánh tôi, còn lại sẽ mắng, tôi cảm giác, mỗi lần mẹ mắng, mẹ như mang hết tất cả những bực bội, muộn phiền ra để xả lên đầu tôi. Những lần bị đánh, mắng, tôi rất tủi thân và ấm ức. Có những chuyện, tôi làm sai, tôi chấp nhận việc bị đánh, mắng. Nhưng có những chuyện, cả tôi và em tôi đều sai, hoặc tôi không sai, nhưng người bị phạt vẫn là tôi, những lần như vậy, tôi đều chạy vào nhà bà ngoại, để tìm kiếm sự an ủi. Bà ngoại rất thương tôi, mỗi lần tôi bị đánh, bà đều xức dầu cho tôi, ôm tôi vào lòng vỗ về. Những năm bà còn sống, mỗi lần có cơ hội, tôi đều ở nhà bà, tôi cứ ở lì đến khi ba mẹ tôi đến đón về. Nhưng thật không may cho tôi, bà tôi đã mất vào năm tôi cuối cấp tiểu học. Ngày bà mất, tôi khóc rất nhiều, khoảng thời gian đó, tôi như người vô hồn, không buồn nói chuyện, chẳng muốn chạy nhảy, chỉ lủi thủi ở nơi góc nhà, hoặc vào nhà ngoại. Tôi cứ thẫn thờ ngồi nhìn di ảnh của ngoại, nhìn nụ cười phúc hậu của ngoại, nước mắt tôi cứ ứa ra. Những lúc quá nhớ ngoại, tôi nằm trên chiếc giường ngoại thường nằm, cuộn mình lại, tưởng tượng ngoại đang ôm tôi, đang thủ thỉ kể cho tôi nghe những câu chuyện cổ tích để tôi dễ dàng đi vào giấc ngủ. Nhiều lúc tôi thầm trách ông trời, tại sao ông lại mang ngoại tôi đi mất, để rồi giờ đây, chỉ còn tôi bơ vơ một mình. Ông bà nội tôi vẫn còn khỏe và minh mẫn, nhưng ông bà chỉ thích cháu trai. Những ngày giỗ, Tết, chúng tôi về thăm ông bà nội, ông bà thể hiện sự thiên vị rõ ràng giữa cháu trai và gái, từ hành động đến lời nói. Thật may tôi có nhiều chị em họ, nên mỗi lần về, mấy chị em xúm lại nói chuyện, mặc kệ những lời cằn nhằn trách móc của ông bà nội. Dù vậy, nhưng cũng có những lúc tôi thấy tủi thân, khi trước mặt bao nhiêu người, ông bà thể hiện sự yêu thương, khen ngợi những đứa cháu trai, và chê trách những đứa cháu gái. Đặc biệt là tôi, tôi luôn bị chê bai, mọi người luôn so sánh tôi với em trai. Và những chủ đề như học giỏi, ngoan ngoãn luôn được mọi người nhắc đến mỗi khi mọi người đưa tôi và em trai ra bàn cân. Thời gian gần đây tôi khá ít nói, cũng không thường ăn cơm cùng mọi người trong gia đình. Ba mẹ vẫn như mọi ngày, không dành quá nhiều sự quan tâm đến tôi. Chỉ có Thắng thỉnh thoảng hỏi thăm tôi, nhưng tôi phớt lờ. Tôi luôn viện cớ bận học cho việc thi chuyển cấp, để ra ngoài nhiều nhất có thể. Và rồi tôi cũng thuận lợi vào cấp ba, tôi bắt đầu ở trọ, cuối tuần mới về nhà. Ở môi trường mới, tôi quen những người bạn mới, có những niềm vui mới, khiến tôi đỡ đi phần nào nỗi buồn tủi. Tuy nhiên, thỉnh thoảng nghe bạn bè kể về gia đình, về sự yêu thương của ba mẹ họ dành cho họ tôi lại thấy buồn. Bạn bè tôi cuối tuần về nhà sẽ được ba mẹ nấu cho những món ngon, còn tôi, mỗi lần về nhà là phải dọn dẹp, nấu nướng, nghe mắng. Dần dần, tôi ít về hẳn, tôi luôn viện cớ bận, và ở lại trọ hoặc đi thư viện đọc sách. Em trai tôi bị bệnh, phải nhập viện. Tôi nghe mẹ bảo em bị bệnh về tim, lúc nhỏ tôi có nghe ba mẹ nói trái tim của em tôi yếu hơn người bình thường nên không được vận động mạnh, không được để bản thân trong trạng thái quá lo lắng, khiến trái tim hoạt động nhiều hơn mức bình thường. Từ khi được chẩn đoán đến bây giờ, sức khỏe của em tôi vẫn tốt, em cũng không ốm vặt, vậy mà lần này, trong giờ ra chơi, em bỗng té xỉu, sau khi nhập viện kiểm tra, thì bác sĩ bảo trái tim của em đang suy yếu dần, nếu tình hình không ổn, có lẽ cần phải thay tim. Từ ngày em tôi bị bệnh, tôi thường về nhà hơn. Thật ra tôi không muốn về, nhưng ba mẹ bắt tôi về. Thật may vì em tôi cần sự yên tĩnh để nghỉ ngơi, nên ba mẹ bớt la mắng tôi hẳn, đều đặn hàng tuần, tôi về thăm em, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn cho gia đình. Trái tim của Thắng suy yếu, khiến sức khỏe của em ấy cũng yếu theo, em ấy thường bị bệnh vặt hơn, chỉ cần thời tiết hơi biến chuyển là em ấy bệnh, có lúc em ấy sốt cao nên phải nhập viện. Những lần em ấy nhập viện ở bệnh viện trên thị trấn, thì tôi bận rộn hơn hẳn, tôi phải nấu cơm mang vào cho Thắng, hỗ trợ em ấy vệ sinh cá nhân, giặt đồ giúp em ấy. Ba mẹ tôi bận đi làm, nên cũng chỉ thay phiên nhau ghé thăm vào buổi tối. Hai năm cuối cấp tôi học kém hẳn, bình thường thành tích của tôi ở mức khá, nhưng hai năm này rớt hẳn xuống trung bình, thầy cô, bạn bè lo lắng cho tôi. Còn ba mẹ khi biết tin thì mắng tôi ngu dốt, năm lớp mười hai, ba mẹ tôi còn chẳng chịu đi họp phụ huynh cho tôi. Thật may thầy cô biết em trai tôi bị bệnh, nên lúc tôi báo ba mẹ bận, thầy cô cũng không làm khó tôi. Thắng cũng tụt hạng trong việc học, nhưng ba mẹ vẫn luôn an ủi em ấy. Tôi biết Thắng bệnh, thường xuyên phải nghỉ học để nằm viện, nên thành tích của em ấy bị giảm sút là điều bình thường. Nhưng việc em ấy bị bệnh cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến tôi, tôi cảm thấy ba mẹ có thể không đồng cảm, an ủi tôi, nhưng cũng không thể nào cứ la mắng tôi như vậy. Tuy uất ức nhưng tôi vẫn không nói ra, vì tôi biết, nếu tôi có nói, ba mẹ cũng không nghe, mà còn mắng thêm tôi vì tội mất dạy, dám cãi lại lời ba mẹ. Quãng thời gian học cấp ba cũng đã hết, bệnh tình của Thắng ngày càng nặng, em ấy nằm viện nhiều hơn. Tôi đã đỗ vào một trường đại học ở thành phố gần nhà để thuận tiện chăm sóc em tôi. Hai năm đầu đại học, tôi lao vào học tập, làm thêm, chăm sóc Thắng. Viện phí cho Thắng ngày càng nhiều, nên việc học của tôi ba mẹ không hỗ trợ được, nên tôi lao như điên vào công việc, để có thể có đủ tiền trang trải cho việc học. Cuối năm hai đại học, em trai tôi mất. Ngày em mất, mẹ tôi khóc rất thảm thiết, ba tôi mắt hoe đỏ, mặt buồn so. Còn tôi như cảm thấy trút được gánh nặng, tôi không biết tôi có độc ác không, nhưng khi nhìn em nằm yên đó, tôi cảm thấy thanh thản đến lạ. Từ bây giờ em ấy không cần phải chịu những đau đớn của cơ thể nữa. Thân xác em ấy có thể nằm yên một chỗ, nhưng linh hồn của em ấy đã được tự do, không còn bị trói buộc bởi bệnh tật. Và em ấy mất, như một sự giải thoát đối với gia đình. Ba mẹ tôi đã nợ khá nhiều tiền khi phải chạy chữa cho em ấy, cũng như sức khỏe của hai người dần yếu đi khi phải vừa lao lực kiếm tiền, vừa chăm lo cho em ấy. Em ấy mất, như một sự dừng lại, có thể ba mẹ sẽ rất buồn, nhưng sẽ đỡ đau khổ hơn. Và em ấy mất, khiến tôi luôn đứng giữa ranh giới dằn vặt, tự tránh và an yên, nhẹ nhõm. Em ấy mất, tôi sẽ đỡ tốn thời gian chăm sóc em ấy, đỡ phải gặp mặt bố mẹ, bớt bị la mắng, tôi có thể tập trung chỉ cho bản thân. Nhưng em ấy mất, khiến tôi cũng thật buồn và thấy bản thân thật đáng ghét, em ấy là em trai của mình, mà tôi lại có thể có những suy nghĩ độc ác như vậy. Khoảng thời gian đầu sau khi Thắng mất, tôi thường hay về nhà. Nhưng sau đó, tôi ít về dần, tôi dành thời gian đi làm, tập trung học tập. Có một đợt, khi ba tôi uống say, ba tôi có ngồi nói chuyện với tôi. Ba tôi có bảo ba mẹ có thương Thắng hơn, bênh vực Thắng hơn, nhưng do em ấy là em út, lại còn bị bệnh, nên ba mẹ không có cách nào dành tình yêu thương cho hai đứa bằng nhau, mà phải thiên về em ấy. Ba mẹ bảo cảm thấy hối hận vì đã đối xử với tôi như vậy, và mong muốn thời gian tới tôi về nhà nhiều hơn, để ba mẹ bù đắp cho tôi. Tôi lắng nghe, nhưng không nói gì, bây giờ dù ba mẹ có nói gì, thì lòng tôi cũng đã chai sạn. Tại sao con người cứ làm những điều không nên làm, để rồi sau đó lại dằn vặt hối hận, để cả người làm lẫn người nhận phải sống trong sự khó xử như vậy. Hàng xóm cũng khuyên tôi nên về nhà với ba mẹ nhiều hơn, giờ em tôi đã mất, nên ba mẹ đang rất buồn. Có thể ngày xưa ba mẹ đối xử với tôi bất công, nhưng ba mẹ nào mà chẳng thương con, chỉ là do hoàn cảnh. Hàng xóm nói với tôi rất nhiều, tôi cũng chỉ lắng nghe mà không phản bác. Mối quan hệ giữa tôi và ba mẹ khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, tôi đã từng sống trong dằn vặt, tự tránh, từng có thái độ căm ghét, phẫn nộ. Nhưng rồi mọi thứ đã qua, tôi đã điều chỉnh được cảm xúc của bản thân, bình thản trước những gì đang xảy ra, chỉ là, những gì đã tan vỡ, thì tôi chấp nhận không hàn gắn, tôi không muốn hàn gắn một cách ngượng ngạo, để sau này phải bối rối khó xử. Quãng thời gian còn lại của đại học, ba mẹ có hỗ trợ cho tôi một ít học phí, nhưng chủ yếu vẫn là tôi tự lo cho bản thân, thỉnh thoảng tôi còn gửi về nhà ít tiền để ba mẹ trả nợ. Thành tích học tập của tôi vẫn không quá tốt, chỉ đủ điểm qua môn, và thật may, suốt quãng thời gian học đại học, tôi không học rớt môn nào, đó là niềm hãnh diện nho nhỏ đối với tôi. Vì chuyện tiền bạc, công việc, học tập, khiến tôi nhiều khi căng thẳng đến mất ngủ, khiến tôi nhiều lần muốn bỏ cuộc, nhưng rồi tôi cũng đã vượt qua. Sau hơn bốn năm chiến đấu, tôi đã tốt nghiệp đại học, ngày nhận bằng, tôi có đưa ba mẹ đến dự. Ban đầu tôi không muốn tham gia dự lễ tốt nghiệp, nhưng vì lúc nhỏ tôi từng nghe ba mẹ nói với em trai rằng hai người rất muốn được tham dự lễ tốt nghiệp của con cái, và hi vọng em tôi có thể thực hiện mong ước của ba mẹ. Hiện tại em tôi đã không còn, nên tôi đã thay thế em tôi làm điều đó. Sau khi tốt nghiệp một thời gian, tôi quyết định Nam tiến, đây là mong ước từ lâu của tôi, nhưng đến bây giờ tôi mới có thể thực hiện được. Ba mẹ tôi biết tin, cả hai người đều phản đối. Ba mẹ muốn tôi về quê làm việc, hoặc ở lại thành phố hiện tại, nhưng nhất quyết không cho tôi vào Nam. Tôi đã có một buổi nói chuyện đầy căng thẳng với ba mẹ, tôi đã nói ra những suy nghĩ, những điều mà tôi đã chịu đựng bấy lâu nay. Tôi bảo từ nhỏ đến lớn, tôi đều cố gắng làm theo lời ba mẹ, còn bây giờ, tôi đã đủ khả năng để lo cho bản thân, và tôi đã suy nghĩ rất kĩ về quyết định này, nên tôi sẽ thực hiện nó. Trong quá trình trao đổi, tôi cũng đã nói ra những cảm xúc, những uất ức mà bao lâu nay tôi phải gánh chịu, nhưng không ngờ mẹ tôi lại gào lên, bà bảo tôi bất hiếu, bà chịu bao khổ cực sinh ra tôi, nuôi lớn tôi, mà bây giờ tôi lại không nghe lời bà. Tôi im lặng trở về phòng, chấm dứt cuộc tranh cãi. Khoảng thời gian sau đó tôi bị ba mẹ giữ ở nhà, nhưng không khí chẳng vui vẻ gì. Bà con, hàng xóm cũng khuyên tôi, bảo tôi ở quê cho gần ba mẹ, em tôi đã mất rồi, bây giờ chỉ có ba mẹ lủi thủi ở nhà, nếu tôi đi xa nữa thì ba mẹ tôi phải làm sao. Khoảng thời gian này tôi đã suy nghĩ rất nhiều, tôi không biết tôi đã làm sai điều gì, để ba mẹ cứ phải khắt khe với tôi như vậy. Bây giờ ba mẹ tôi vẫn còn khỏe, nên tôi đi xa cũng không vấn đề gì, cũng như nếu tôi ở nhà, thì cả nhà cũng chẳng có ai thấy vui vẻ, nên thà tôi đi xa lập nghiệp, có cuộc sống riêng, ba mẹ ở nhà cũng đỡ thấy mặt tôi, như vậy trọn vẹn cả đôi đường. Một tuần sau, tôi bảo tôi ra lại trọ để dọn trả phòng, ba mẹ không cho tôi mang theo đồ, chỉ cho tôi ra đó hai ngày rồi về. Tôi ra trọ dọn dẹp, sau khi trả phòng, tôi mua vé máy bay bay thẳng vào Sài Gòn, và nhắn về báo tin cho ba mẹ tôi đã vào tới Sài Gòn, khi nào cuộc sống ổn định, tôi sẽ về thăm ba mẹ. Ba mẹ tôi biết tin, cả hai người liên tục gọi điện, nhắn tin cho tôi, bắt tôi phải về quê ngay, nhưng tôi mặc kệ. Sau những lần đấu tranh tâm lí, khóc cạn nước mắt, tôi quyết định phớt lờ lời ba mẹ, quyết chí lập nghiệp ở trong Nam. Cuộc sống ở Sài Gòn cũng dần ổn định, nhờ có bạn bè, đồng nghiệp hỗ trợ, nên mọi thứ cũng không quá khó khăn đối với tôi. Ngoài giờ làm, tôi thường đi lang thang các ngóc ngách của Sài Gòn, thưởng thức những món ăn đường phố, khám phá những điều mới lạ. Tầm hai hoặc ba tháng, tôi sẽ đi du lịch, lúc thì tôi đi một mình, có lúc tôi sẽ đi với bạn bè. Tôi vẫn dành thời gian gọi về cho ba mẹ, những cuộc gọi thường không dài, cũng chỉ vài ba câu hỏi thăm, rồi cúp máy. Thỉnh thoảng tôi sẽ gửi tiền, hoặc mua đồ ăn gửi về cho ba mẹ, những vật dụng trong nhà, nếu ba mẹ tôi cần, tôi cũng sẽ đặt hàng để người ta mang đến. Mỗi năm tôi cũng chỉ về nhà một lần vào dịp Tết, ba mẹ vẫn lạnh nhạt với tôi, có những lúc bực bội, mẹ tôi vẫn cáu gắt, la mắng tôi. Đôi lúc ba mẹ vẫn can thiệp vào cuộc sống của tôi, như chuyện lương bổng, kết hôn, về quê làm việc, nhưng tôi chỉ lắng nghe và im lặng. Tôi đã không còn trách than số phận hay oán trách ba mẹ, đối với tôi bây giờ, nếu điều gì khiến tôi khó chịu, mà vấn đề không nằm ở tôi, từ phía tôi không thể thay đổi được, thì tôi sẽ phớt lờ nó đi, nếu ai khiến tôi không vui, và thái độ của họ đối với tôi vẫn không thay đổi, dù tôi đã cố gắng tạo kết nối, thì tôi sẽ hạn chế tiếp xúc với họ, kể cả đó là ba mẹ tôi. Sài Gòn hôm nay nắng đẹp, gió mát, tôi nhìn ra xa xăm qua ô cửa kính của chung cư, nhâm nhi li trà sữa mới đặt, tôi bỗng thấy yêu cuộc sống này đến lạ, cứ mặc kệ những gì không vui đã trôi qua, tại những phút giây này, tôi thấy lòng bình yên, tâm không muộn phiền, và trái tim tôi như tràn đầy năng lượng để tiếp tục tiến bước. -Hết-