Nụ cười đã theo em đi mãi Hay "Em đã mang nụ cười đi mất rồi" Tác giả: Dương Thể loại: Truyện ngắn Từ một lời chia buồn trên FB, bất chợt một ý tưởng lóe lên và ngồi xuống viết. Tự thấy ngưỡng mộ nụ cười chân chất của Sơn. Phân vân không biết nên đặt tựa nào cho câu chuyện này. Rồi sẽ có người bảo: Lại một cái kết buồn. Bạn có thấy như thế không? Mình thì cho rằng: Có những nỗi buồn khiến mình sống tốt hơn. M á điện lên nói, giọng nghẹn ngào: "Con tranh thủ về coi em con nha.". Không cần hỏi thêm, tôi lấy vội mấy bộ đồ nhét vào cái túi du lịch nhỏ. Vợ nhìn tôi bằng ánh mắt lo lắng: "Sơn bị sao, phải không anh?" Tôi lắc đầu. Mọi chuyện vẫn chưa biết ra sao nên tôi không muốn cả nhà phải nháo nhào lên. Dặn vợ vài câu, tôi đón xe ra nhà xe Phương Trang, về quê. * * * Sơn là em út trong gia đình tôi. Dáng người nó không cao to như hai anh lớn, nhưng nhìn rắn rỏi, mạnh mẽ kiểu lực điền. Sơn từ nhỏ đã có nụ cười chân chất luôn làm cho người ta cảm thấy thân thiện và dễ chịu. Mỗi khi cười là chẳng thấy mặt trời đâu vì hai mắt híp lại. Tuy nhỏ nhất nhà nhưng Sơn lại là đứa thương yêu và biết quan tâm đến mọi người nhất. Học thì dở, mới xong lớp 9 là nghỉ luôn, nhưng làm thì nó bất kể công việc gì cũng hết mình, hết sức. Từ năm 17 tuổi, Sơn đã rong ruổi khắp nơi, làm thợ hồ, lơ xe khách, phụ xe tải, gặt lúa mướn.. Mỗi khi có dịp về nhà là thế nào cũng có quà cho má, cho mấy cháu nhỏ. Có lần nghe thằng Sỹ - con trai lớn của tôi thủ thỉ khi hai chú cháu gọi điện thoại cho nhau, bảo rằng thích bộ đồ chơi xếp hình Lego giá cả triệu đồng. Sơn tìm mua cho bằng được, rồi mang đến nhà tặng cháu, khiến thằng nhỏ mừng hết lớn. Vợ tôi đã la thằng Sỹ một trận vì cái tội bắt chú xài phung phí, Sơn cười hiền lành: "Kệ đi chị, lâu lâu có quà cho cháu mà." Vợ tôi quý Sơn lắm, thương như em ruột. Cô ấy từng muốn kêu nó lên Sài Gòn, tìm việc làm ổn định, thậm chí giới thiệu bạn gái cho nó. Nhưng Sơn cười hì hì, bảo: "Thôi, em sống quen vậy rồi." Cũng bởi quen sống như vậy nên đã 30 tuổi vẫn chưa có được mảnh tình nào vắt vai. Thật ra, Sơn cũng từng thích Ngọc - cô giáo dạy tại trường mầm non gần nhà. Tuy nhiên, chỉ là đơn phương từ phía nó thôi, chứ người ta đã đính hôn, sắp lấy chồng. Với gia đình, Sơn là "chú Út hết xẩy" như cách thằng Sỹ nói về chú nó. Còn với bạn bè, Sơn là người mà ai cũng muốn có trong đời. Đi làm xa thì thôi, có dịp về nhà, nó lại tụ tập bạn bè, dĩ nhiên là những đứa thân thiết, chơi với nhau từ nhỏ. Sơn ghét vào quán cà phê, mà thường đi nhậu, không phải vì ham bia mê rượu, mà vì nó thích những giây phút ngồi bên nhau, kể chuyện đời, chuyện vui, chuyện buồn, chuyện thế gian. Sơn từng nói với tôi: "Anh Hai biết không, chỉ có bên bàn nhậu, người ta mới thấy mình không cô đơn." Tôi không đồng ý với suy nghĩ này của nó, nhưng tôi hiểu vì sao Sơn lại nói như thế. Vẻ bề ngoài, Sơn luôn tỏ ra vô tư, thoải mái, dễ tính, mau cười. Nhưng trong thâm tâm, nó mang một tâm trạng bất an, không biết sống chết ra sao. * * * Cách đây bốn năm, trong một lần Sơn lên Sài Gòn chơi, nó bỗng nhiên than mệt, thấy đau bụng. Tôi lo lắng hỏi thăm, Sơn bảo: "Chắc tại em ăn uống không điều độ thôi, anh Hai." Ban đầu, chỉ nghĩ là đau bụng thông thường. Nhưng cơn đau cứ dai dẳng, âm ỉ, rồi dữ dội hơn. Tôi ép Sơn đi bệnh viện. Sau hàng loạt xét nghiệm, bác sĩ thông báo với tôi, Sơn ung thư dạ dày, giai đoạn đầu. Định giữ kín nhưng Sơn đoán được. "Em bị gì phải không, anh Hai?" Sơn nhìn tôi, chờ đợi. Phải khó khăn lắm, tôi mới dám nói sự thật cho em biết. Sơn cười, giọng nhẹ như đùa: "Chuyện nhỏ mà! Thời buổi này, trong mắt mấy ông bác sĩ, ai cũng bị ung thư hết." Tuy Sơn nói vậy, nhưng tôi biết nó cũng buồn, cũng lo. Chỉ là nó không thể hiện ra bên ngoài thôi. Từ bé, Sơn đã như thế. Nó chỉ chia sẻ chuyện hay chuyện vui, chứ chẳng bao giờ phải khiến cho gia đình lo lắng. Má hay than thở: "Cái thằng cứng đầu! Không biết đường nào mà lần!" Sơn bắt đầu hành trình chiến đấu với bệnh tật. Những lần hóa trị khiến tóc nó rụng, da nó xanh xao, nhưng nụ cười thì vẫn vậy, không bao giờ tắt. Sức khỏe của Sơn không còn để để nó đi làm xa, nên đành phải ở nhà. Mỗi lần có dịp về quê thăm em, Sơn không bao giờ để tôi có cơ hội hỏi về bệnh tình của nó. Sơn luôn là người mở lời trước, hỏi thăm các cháu, kể chuyện tầm xàm, tiếu lâm. Nhiều lúc, tôi chỉ biết gật đầu, cố kìm nước mắt. "Mày lo cho mày đi, Sơn," tôi nói. Nhưng Sơn chỉ cười: "Em ổn mà, anh Hai không phải lo." Cơn đau ngấm ngầm hành hạ Sơn, ngày qua ngày, năm qua năm. Má kể, có những đêm, mà thấy Sơn nằm co ro trên giường, mồ hôi túa ra vì đau. Má không dám hỏi vì thế nào Sơn sẽ bảo không có gì và cố giữ vẻ mặt bình thản trong khi cơn đau đang xâm chiếm tận xương tủy. Vậy mà sáng hôm sau, Sơn vẫn ngồi dậy, vẫn cười với mọi người, vẫn ôm mẹ, cười như chưa hề có cơn đau nào xuất hiện. Mọi người càng thêm thương Sơn, bởi nó không muốn ai phải lo. * * * Xe vừa tới nơi, tôi chạy thẳng vào bệnh viện. Vợ chồng đứa em kế ra đón tôi, mắt ai cũng đỏ hoe. Tôi hỏi: "Sơn sao rồi?" Cô em dâu kể, hai ngày trước, cơn đau bỗng trở nên dữ dội hơn bao giờ hết. Sơn nhập viện, lần này không còn cười được nữa. Nó yếu hẳn, sụt cân rất nhanh nhưng ánh mắt nó vẫn sáng, vẫn đầy yêu thương. Mẹ ngồi bên giường, nắm tay Sơn, khóc. Sơn cố nở một nụ cười khi thấy tôi, giọng yếu ớt: "Chị với mấy đứa nhỏ khỏe không anh Hai?" Dù cố nhưng tôi vẫn không ngăn được dòng nước mắt. Đưa tay vuốt nhẹ lên má em, tôi nghẹn ngào: "Em mệt lắm phải không?" Lại cố mỉm cười, một giọt nước trào ra từ khóe mắt, lăn dài xuống vành tai, Sơn nói: "Anh Hai với anh Ba cố gắng thương má, chăm sóc cho má nha." Má khóc to, gục mặt lên người Sơn. Sơn nhẹ nhàng đặt tay lên đầu má, thều thào: "Con không sao đâu mà. Hết đâu rồi, mai bác sĩ cho về thôi" - rồi Sơn ngước lên nhìn tôi - "Đúng vậy không, anh Hai?" Tôi gật đầu, tiếng nấc trỗi lên từ lồng ngực. Đó là những lời cuối cùng Sơn nói được. Đêm hôm đó, nó ra đi, nhẹ nhàng như cách nó sống. Cơn đau không còn hành hạ nó nữa. Nhưng Sơn đã để lại một khoảng trống không gì bù đắp được trong lòng những người ở lại. Sơn đã mang luôn nụ cười hồn nhiên của em đi xa. Hôm đưa tang Sơn, trời nắng gắt. Không ai khóc thành tiếng. Chỉ có tiếng dép lẹp xẹp của má đi từng bước chậm, đôi vai gầy như muốn gập xuống. Mấy đứa nhỏ đứng sát nhau, đứa nào mắt cũng sưng húp. Sau đám tang, má nhất quyết giữ lại căn phòng nhỏ của Sơn nguyên vẹn như lúc nó còn sống. Trên bàn, tấm ảnh chụp Sơn cười tươi rói, đôi mắt híp lại, ánh nắng lấp ló sau lưng. Tôi không tin có kiếp sau. Nhưng tôi tin số mệnh. Sơn đã đến với chúng tôi, không để lại tài sản gì, cũng không có vợ con. Nhưng em để lại cho tất cả chúng tôi một thứ quý giá hơn: Một cuộc đời sống hết mình, một nụ cười chưa từng tắt, ngay cả khi biết mình không còn nhiều thời gian. Em đã mang nụ cười đi mất rồi. Nhưng trong lòng mỗi người ở lại, nụ cười ấy vẫn còn, vẫn ấm áp, giản dị và chân thành. Dương
"Anh Hai biết không, chỉ có bên bàn nhậu, người ta mới thấy mình không cô đơn." => câu này hay ha. Truyện lắng đọng ghê