(Edit) Rước Dâu Đêm Giao Thừa - Trần Linh

Thảo luận trong 'Bài Sưu Tầm' bắt đầu bởi Quỳnh Mèi, 8 Tháng tư 2022.

  1. Quỳnh Mèi Bạch Ngọc Đường

    Bài viết:
    0
    THẦY PHÁP VÔ DANH

    (Rước Dâu Đêm Giao Thừa)

    Tác giả: Trần Linh

    * * *

    Thể loại: Thầy pháp, ma làng quê, trùng tang.

    Năm đó, tết về sớm hơn mọi năm. Cái lạnh buốt giá như cắt vào da thịt làm cho con người ta không muốn chui ra khỏi nhà. Vậy mà người người đàn ông góa vợ, tuổi xấp xỉ ngũ tuần, vẫn lọ mọ đẩy chiếc xe thồ đi bán rau dưới phiên chợ huyện, mãi gần giao thừa mới quay về. Trên đường về nhà, ông gặp một cô gái ngồi khóc bên ven đường. Mái tóc cô dài buông xõa che kín mặt, trên người mặc mỗi chiếc áo mỏng phong phanh, chân đi đôi hài màu đỏ cũ rách. Cơ thể cô gái run lên bần bật. Nghĩ không giúp thì thương, mà đưa về tới cổng làng ông mới sực nhớ ra rằng "Thôn Yên Vân vốn có một quy định, không cho người lạ ở qua đêm vào những dịp lễ tết, nhất là phụ nữ trẻ. Vì không muốn phá lệ làng, nên người đàn ông đó đành tổ chức lễ rước dâu ngay trong thời khắc giao thừa vừa đến.

    Kể từ đó, thôn Yên Vân không còn bình yên như trước nữa.

    Chương 1: Tiếng Quạ Kêu

    Trưa 28 tết, tiết trời lạnh lẽo. Mây đen xám xịt giăng kín, bao trùm một bầu không khí ảm đạm u ám, xuống cả thôn Phù Vân. Ông Tứ ngồi kéo hơi thuốc lào trong điếu, nhả ra một làn khói trắng cao ngút lên trời, thừ người trầm ngâm ngồi suy nghĩ.

    " Hình như là tiếng quạ? "Ông tự hỏi mình.

    Bà Hường xách siêu nước sôi vừa mới nấu từ bếp đi lên, cẩn thận rót nước sôi vào đầy phích, không quên ủ cho ông Tứ một ấm trà mới. Bà ngồi xuống bên cạnh chồng, thấy ông có tâm sự, bà hỏi.

    " Mình làm sao thế? Ngồi lặng thinh nãy giờ không nói chuyện, thường ngày tính tình mình đâu có như vậy? Hay con cái đã làm sai điều gì? "

    Ông Tứ thở dài, chỉ tay ra hướng ngọn núi trọc phía trước nhà, lo lắng bảo:" Bà này! Bà có nghe thấy tiếng quạ kêu đằng kia không? "

    Bà Hường nhìn theo hướng tay ông Tứ chỉ, rướn cổ lên nhìn, đưa tay lên miệng quẹt chùi miếng nước trầu từ trong miệng đang nhể ra trên mép, chẹp lưỡi, đáp.

    " Có, mà bầy quạ kéo đến đây sinh sống mấy ngày nay rồi, chứ đâu phải hôm nay mới nghe thấy. Cơ mà có làm sao đâu? Các cụ cứ bảo quạ kêu ắt gặp điềm xấu, xong tôi chả tin. "

    Ông Tứ ngồi tựa lưng vào vách tường, chau mày ngẫm nghĩ, vầng trán nhăn túm, hai mắt lim rim vò đầu cố lục tìm ký ức. Bỗng mắt ông mở trừng lên, tay đặt xuống đùi gõ năm ngón tay khe khẽ, miệng lảm nhảm rì rầm:

    " Ngày xưa nghe cụ nội bảo, quạ kêu 11 giờ đến 13 giờ chiều (Ngọ) : Cần đề phòng tai ương, bệnh tật bất ngờ ảnh hưởng đến tính mạng. Không lẽ.. "

    Nghĩ đến đây ông Tứ đứng phắt dậy, hai tay chắp sau hông đi ra cổng. Bà Hường thấy chồng mình lầm lì như vậy lấy làm lạ, ngoắc tay gọi với theo ông Tứ.

    " Này mình! Trời lạnh thế này mà đi không khoác thêm cái áo cho ấm. Cảm lạnh về ho rồi lại khổ. Tết nhất đến nơi rồi. "

    Ông Tứ vẫn đi tiếp, chỉ ậm ừ cho có lệ. Điều ông lo canh cánh trong lòng bây giờ chính an nguy của làng này. Bầy quạ trưa nào cũng giéo, bọn chúng quay mặt vào làng kêu thét thảm thiết, giống như có ai cắt tiết. Trong tiếng kêu ấy có đầy rãy sự thê lương, chết chóc, mà ông Tứ luôn cảm thấy vậy.

    Dọc con đường ông đi toàn đá sỏi gập ghềnh, nằm ngổn ngang dưới đất. Hai ven đường cây cỏ mọc kín, lâu lâu có một vài bông hoa dại đua nở, trên nhuỵ còn đọng những giọt sương mai, ướt sũng. Trời đang buổi trưa mà sương mù vẫn giăng kín lối, chưa tan hết Con đường mòn phía trước mặt cũng chưa nhìn rõ hình người. Năm đó, trời rất lạnh.

    " Ông trưởng thôn đi đâu thế ạ? "

    Ông Tứ dừng lại sau khi nghe tiếng ai đó hỏi. Quay mặt nhìn sang bên đó thấy Xiêng nở nụ cười nhìn mình, trên vai là chiếc gùi đi rẫy. Ông Tứ tặc lưỡi, nói:

    " Xiêng đó hả! 28 tết rồi còn tính xuống núi hay sao? "

    Xiêng đưa tay lên gãi đầu, cười hì hì đáp:

    " Dạ không! Cháu ra cổng làng đợi bố về. "

    Ông Tứ chau mày, nhìn Xiêng hỏi:

    " Ơ thế bác Lâm xuống núi vẫn chưa về nhà hả? Đợt này bác ấy đi cũng mấy ngày rồi mà nhỉ. "

    " Dạ không, bố con vừa mới đi đêm qua thôi bác. "

    Ông Tứ gật gù đi tiếp. Xiêng lẽo đẽo theo sau. Họ không cùng mục đích nhưng lại đi chúng hướng trên con đường dẫn ra cổng làng. Tiếng quạ kêu vẫn inh ỏi trên phía ngọn núi trọc, ngày một rõ.

    Xiêng con trai duy nhất của ông Lâm. Anh mồ côi mẹ từ nhỏ. Bà Thái mẹ anh sau khi sinh con không may bị sản mà chết, ông Lâm bố anh phải sống trong cảnh gà trống nuôi con một mình. Ông quyết không đi thêm bước nữa vì thương con, điều đáng trân trọng nhất chính là tình yêu trong ông dành cho vợ, nó vẫn đậm sâu như hồi bà Thái còn sống. Bẵng đi một thời khá dài, Xiêng bây giờ đã trở thành một thanh niên điển trai vạm vỡ, cao khoẻ, anh đã lấy vợ và gia đình nhỏ của anh càng thêm hạnh phúc hơn, sau khi đón cậu con trai đầu lòng. Sau đám cưới ông Lâm cho vợ chồng Xiêng ra ở riêng, căn gà cũ ông để lại cho con cháu, một mình đi sâu vào núi dựng tạm căn nhà lá ở tạm. Nói là nhà cho oai, chứ thực chất trông nó chỉ hơn túp lều một xíu, mùa mưa nước dột trên mái tranh xuống y như ngồi ngoài trời, mùa đông gió mùa đông bắc đổ về, gió từng cơn thổi xuyên qua vách, tê tái. Xiêng nói mãi mà ông Lâm nhất quyết không chịu quay về nhà cũ ở cùng vợ chồng anh, lâu ngày anh nản, đành chiều theo ý bố. Được cái Xiêng là cậu con trai có hiếu, có món gì ngon vợ nấu cũng múc đưa sang cho ông Lâm. Thuỷ lại là người phụ nữ hiền lành chịu khó, thấy chồng lo cho bố như vậy cô rất cảm động.

    " Xiêng ơi! Cậu có thấy cổng làng hôm nay thiếu thiếu gì không? "

    Xiêng đang đi bỗng nghe ông Tứ hỏi anh giật mình, do mất đà nên đầu cậu đâm sầm vào lưng ông Tứ. Thì ra hai người đã ra đến cổng làng, Xiêng ngước mắt quan sát một lúc, nhìn chăm chăm vào trụ đá có đặt con Nghê bằng ngọc trước cổng, hốt hoảng nói.

    " Chết rồi bác, con Nghê? "Nó.. nó.."

    Ông Tứ giật nảy mình, ngước nhìn vào trụ đá mà không khỏi sửng sốt thốt lên: "Trời ơi! Con Nghê.. con Nghê đâu? Nó đâu? Nó đâu rồi!"

    Ông Tứ giơ tay lên trời, mặt nhăn nhó đầy đau khổ quay người nhìn vào làng không nói thêm được một câu. Ánh mắt ấy, sắc mặt ấy, làm cho Xiêng lo lắng không kém ông Tứ. Cậu đặt tay lên bả vai ông Tứ, lay lay hỏi.

    "Bác ơi! Bác không sao chứ?"

    Ông Tứ mãi mới lắc đầu, trong lòng ngổn ngang tâm sự, bảo: "Cậu quay về làng, đánh kẻng kêu bà con tới đình họp gấp. Nhanh lên, nhanh chân lên, tôi quay vào làng liền."

    Chờ Xiêng đi khuất sau đám sương mù, ông Tứ quay người rảo bước đi tiếp về hướng trước mặt. Chẳng biết đi bao xa, tới một đoạn đường rẽ ông dừng chân, mắt đảo tứ phía quan sát cảnh vật xung quanh, thấy không có ai ông mới rẽ vào bên tay phải, vén đám cỏ dại bước vào. Đi được vài chục mét có một miếu thờ nhỏ nằm ẩn khuất sau bụi cây găng tốt um tùm, bên trong miếu không có gì ngoài một bát nhang nguội ngắt, mạng nhện giăng kín mít. Chắc hẳn đã lâu lắm không ai tới đây thắp nhang, hoặc giả người ta không dám lui tới những ngôi miếu hoang chỉ vì sợ bị hồn ma vãng lai đeo bám, theo về quấy quả. Ông Tứ khom người vén đám cỏ che khuất miếu, lấy tay gỡ đi đám mạng nhện phủ kín, thò tay vào trong miếu quờ quạng kiểm tra gì đó được kê dưới đáy bát hương, thấy nó còn nguyên chỗ cũ ông Tứ mới thở phào nhẹ nhõm. Một làn gió lạnh như băng phả vào sau gáy khiến ông Tứ so vai rùng mình, thốt lên.

    "Lạnh! Lạnh quá."

    Hơi lạnh này khác hẳn với giá lạnh mùa đông, ông chưa từng có cảm giác lạnh như khi nãy. Bất giác cơn sợ hãi nơi này dâng trào trong tâm trí, ông Tứ đành quay lưng bỏ đi.

    - -

    "Bộp!"

    Vừa bước chân vào cổng làng, đột nhiên, một con quạ đen ở đâu sà xuống ngay trước mặt, nằm giãy đành đạch hộc máu tươi mà chết. Ông Tứ hốt hoảng lùi lại theo phản xạ, cúi người cầm xác con quạ nhấc lên ngang mặt nhìn, con quạ này khác với đám quạ ông thường gặp. Mỏ của nó đỏ như gấc, ngay cả bàn chân cũng vậy, thêm những chiếc móng màu đen sẫm làm cho đôi chân nó nổi bật hẳn. Ông Tứ tiện tay ném xác con quạ vào vạt cỏ ven đường, phủi tay đi tiếp. Nó bất ngờ sống lại, ngóc đầu nhìn sau lưng ông Tứ đầu gật gù liên tục, giống con rối nước. Một lúc sau nó ngước mỏ lên trời, há rộng hoác trợn mắt máu từ mắt, mũi, miệng trào ra, chết ngắc. Một làn gió lạnh lẽo thoảng qua khiến xác con quạ héo rũ, giòi bọ bò lổm ngổm lúc nhúc trong thân xác. Trong thoáng chốc, chỉ còn lại bộ xương khô trắng hếu, cùng đám lông nằm trên mặt đất, cứ như nó đã chết từ rất lâu.

    Tối 28 tết, làng quây quần bên đống lửa bập bùng, tiết trời lạnh giá báo hiệu gió mùa đông bắc sắp tràn về. Ông Tứ nhấp hớp nước trà xong, đặt chén xuống phiến đá, giọng trầm ấm vang lên.

    "Kính thưa các cụ, con Nghê trấn giữ ngoài cổng làng đã bị ai đó lấy cắp. Tuy không biết họ dùng vào mục đích gì, song nó là việc làm không thể tha thứ. Con Nghê đó có từ thời ông cha chúng ta để lại, làng này già trẻ lớn bé đều thuộc lòng câu chuyện và tầm quan trọng về về nó, tôi không nghĩ là người làng mình đánh cắp lấy nó đi đâu, chắc chắn là do mấy người đi tìm trầm hoặc thợ săn bắt. Chúng ta chưa biết việc này sẽ ảnh hưởng ra sao, nhưng cũng không được chủ quan. Hôm nay tôi gọi mọi người đến đây là để nhắc nhở mọi người không quên lệ làng. Tối đến hạn chế ra ngoài, ban đên không được tắt đèn trong nhà, phòng thú dữ tấn công. Đặc biệt là không cho người lạ tá túc qua đêm, nhất là đàn bà, con gái có nhan sắc xinh đẹp. Mọi người nhớ chưa?"

    Mọi người nhao nhao bàn tán, song do quá quen thuộc với những lời ông Tứ trưởng thôn vừa nhắc, nên không ai hỏi hay thắc mắc điều gì. Đến khi tàn cuộc họp, ông Tứ ngoắc một cậu thanh niên trong làng, tên Hóa lại và bảo.

    "Chú Hóa này, đêm mai chú đi gõ cửa từng nhà, điểm danh xem làng mình còn thiếu ai không? Phải đóng cổng làng trước đêm giao thừa, không được để người lạ ở lại."

    Sở dĩ ông Tứ dặn vậy vì người dân trong thôn quan niệm rằng nếu có người lạ ở qua đêm sang năm mới, họ mang vận đen đến và lấy may mắn mang đi, chính vì thế làng Phù Vân từ xưa đến giờ luôn khắt khe trong chuyện cho người lạ vào làng ban đêm.

    Hóa gật đầu, đáp:

    "Vâng, để ngày mai tôi đi kiểm tra xem sao, sau đó sẽ trình lên bác."

    Ông Tứ đập bàn tay lên bả vai Hóa, gật đầu: "Vậy thì vất vả cho chú rồi. Thôi cố gắng vì sự an toàn cho dân làng này nhé."

    Hóa gật đầu vâng dạ.

    Dặn dò Hóa xong, ông Tư xách điếu cày đi về. Hóa cũng cầm cây đèn bão trên tay đi kiểm tra xung quanh làng một vòng, thấy mọi thứ bình thường, cậu mới an tâm quay về nhà nằm ngủ.

    Nửa đêm, sương rơi buốt giá. Gió ngoài trời thổi qua mành cửa nghe rít lên từng hồi, buốt óc. Xiêng nằm trên giường đang ngủ say, bỗng anh rơi vào cơn mộng mị khiếp sợ, mà không tài nào thoát ra được. Trong mơ, anh thấy làng mình có đám cưới linh đình, cô dâu không thấy mặt, Xiêng chỉ nhìn rõ bộ áo tứ thân sặc sỡ sắc màu, mà cô ấy mặc trên người. Điều khiến anh kinh hãi nhất chính là, đoàn rước dâu đều là những con hình nhân đã bị đốt, do chính người dân trong làng cúng vào những ngày lễ, ngày rằm. Bọn chúng di chuyển rất chậm, hai cánh tay giả vươn dài ra, miệng cười hềnh hệch.

    Đoàn rước dâu tiến vào làng, trong sự gieo hò của đám hình nhân thế mạng.

    Chương 2: Người Lạ Bên Đường

    Phía trước đoàn rước dâu có đám hình nhân không mắt, không miệng, khệ nệ khiêng vật gì đó rất nặng. Thoạt nhìn, Xiêng đoán bọn chúng đang khiêng lợn hoặc dê, song để ý kỹ cậu mới nhận ra thứ họ khiêng không phải là dê, cũng không phải lợn, mà chính là khiêng hai người còn sống. Bất thình lình Xiêng hắt hơi một cái làm cả đoàn rước dâu dừng lại, họ lần lượt quay mặt nhìn về phía Xiêng đứng, cô dâu ngồi trên kiệu ngoảnh gương mặt đen xì khô quắt, trên mặt chỉ còn mỗi lớp da bọc xương, nhìn Xiêng chằm chằm. Tà áo tứ thân bị gió thổi tung bay, mái tóc cũng vì thế mà rối bù xù. Mùi từ khí đâu đây theo gió vọng lại, làm Xiêng nợm cổ tính quay mặt đi nôn. Thế nhưng chân Xiêng còn chưa kịp nhấc, một cánh tay ma quái đen trùi trũi đã kịp túm lấy cổ chân cậu, lôi lại. Khoảnh khắc bàn tay đó chạm vào da thịt, nó giống như cậu vừa chạm vào một tảng băng, giữa đại ngàn núi tuyết.

    "Không! Thả tôi ra." Cậu hét lên thật lớn, tay chân khua khoắng loạn xạ.

    Đúng lúc này Xiêng bừng tỉnh, mồ hôi trên trán vã ra như tắm chảy thành dòng. Cậu nằm im hai mắt trợn ngược, nhìn thẳng lên mái nhà thở hổn hển. Ngọn đèn dầu trên bàn vẫn leo lắt sáng, cảnh vật im lìm, không gian tĩnh lặng, chỉ có tiếng gió hú thổi ngoài kia là loại âm thanh tồn tại duy nhất, gần như bất tử, vang vọng.

    Đêm nay, vợ con cậu vắng nhà.

    Xiêng cố gạt nỗi sợ hãi sang một bên, cậu ngồi bật dậy thõng chân xuống khỏi giường, xỏ vào đôi dép tông đặt ngay ngắn dưới đất. Đằng nào cũng không thể ngủ lại được nữa, cậu đi đến chiếc tủ gỗ cũ kỹ lấy cây đèn bão đặt lên bàn, châm lửa xách ra khỏi nhà.

    Tiếng gió rít ngày một lớn, màn đêm phía trước mặt đen đặc, cộng thêm có đám sương mù rơi càng làm cho con đường trở nên huyền ảo. Cậu không biết mình phải làm gì trong lúc này, nhưng đôi chân đã rẽ vào con đường đi ra phía căn nhà của bố mình. Cậu nghĩ thầm trong bụng: "Phải rồi, bố.. không biết bố về làng hay chưa? Đã hai đêm một ngày ông chưa về? Đã bảo đừng có xuống núi rồi mà bố không nghe." Cậu lảm nhảm trong miệng.

    Nghĩ vậy cậu rảo bước thật nhanh, không màng đôi chân bị đám sương đêm làm cho tê cứng, vẫn bước đi nhanh thoăn thoắt. Chẳng biết do trời quá tối hay do ma quỷ dẫn lối mà Xiêng lại đi lạc đường, song cậu không nhận ra điều đó.

    Đi thêm một đoạn, bên tai cậu ngoài tiếng gió rít ra thì còn tiếng xì xầm nói chuyện của ai đó bên đường. Cậu khựng chân, nín thở trong vài giây lắng nghe thật kỹ, xem đôi tai mình có nghe nhầm hay không, hay đó chỉ là tiếng động của bầy thú hoang trên núi. Quả nhiên, đó là tiếng động thật.

    "Ai đấy!" Xiêng lên tiếng hỏi. Cậu vặn cây đèn to hơn, giơ quá đỉnh đầu nhìn vào trong bụi rậm. Cho dù sương rơi có dày đến cỡ nào, cậu vẫn nhận ra vạt cỏ trước mặt khẽ rung rinh rồi im lìm. "Ai! Tôi hỏi ai trong kia? Mau ra đây ngay." Cậu hỏi thêm lần nữa, Xiêng rất tin vào đôi tai nhạy bén của mình, nên cậu tin tiếng xì xầm khi nãy là của một đám người đang bàn tán chuyện gì đó.

    Cậu bước lên phía trước hai bước, cây đèn trên tay quơ qua quơ lại, căng mắt ra nhìn, miệng lảm nhảm: "Quái lạ, rõ ràng khi nãy có tiếng người nói chuyện trong này, bây giờ đã biến đi đâu mất dạng."

    Một khúc gậy phía sau lưng giơ lên quá đỉnh đầu, xém chút nó phang thẳng vào đầu Xiêng thì bất ngờ, đằng sau có tiếng quát lớn.

    "Ai kia, dừng tay!"

    Bóng đen vụt chạy vào màn đêm, Xiêng giật mình quay người lại, nhận thấy Hóa đi đến bèn hỏi.

    "Anh Hóa! Là anh?"

    Hóa xua tay, chỉ vào hướng bóng đen bỏ chạy, đáp: "Khi nãy có người định đánh cậu phía sau, may mà tôi kịp đi tới. Thế đêm hôm cậu đi đâu thế này?"

    Hóa là người học võ từ nhỏ, trong thôn ai cũng biết Hóa có một quyển sách ghi chép những thế võ cổ đại do ông nội để lại. Vì vậy mà dân làng giao cho Hóa nhiệm vụ tuần tra quanh làng vào mỗi đêm. Đối với ai việc đó là nặng nhọc, song đối với Hóa nó quá đỗi bình thường. Làm mãi rồi cũng quen, cho dù thời tiết có lạnh cỡ nào thì Hóa vẫn ra ngoài tuần tra vào ban đêm, ít nhất mỗi đêm một lần.

    "Khi nãy đi ngang qua đây em gặp tốp người nói chuyện bên kia, đứng lại hỏi thăm thì không ai trả lời. Lạ quá!"

    Hóa bước lên phía trước, nhìn chăm chăm vào đám cỏ chỗ Xiêng chỉ, cúi xuống nhặt một hòn đá, không cần suy nghĩ ném thẳng vào trong. Chỉ có tiếng đá rơi vọng lại, tuyệt nhiên không nghe thấy bất cứ tiếng động nào khác. Hóa ngoảnh lại nói với Xiêng.

    "Thôi cậu về đi, tôi tin lời cậu, bởi khi nãy tôi thấy có kẻ xém chút ra tay với cậu. Ngoài này nguy hiểm lắm, nhất là ban đêm."

    "Anh Hóa về trước đi, em sang nhà bố xem ông xuống núi về chưa. Em lo cho ông cụ quá."

    "Rõ khổ, bác Lâm vẫn chưa về sao? Tôi nhớ buổi chiều trước khi bác Lâm đi, mấy cô trong làng còn nhờ bác mua cho ít kim chỉ kia mà."

    Mặt Xiêng buồn thiu, lí nhí đáp:

    "Vâng! Bố em vẫn chưa về."

    "Thôi cậu sang kiểm tra xem bác về chưa, tôi đi thám thính quanh làng một vòng nữa rồi về nghỉ."

    "Dạ!"

    Họ chia tay nhau, hai người hai ngả. Hóa đi được mấy bước chợt nhớ ra điều gì đó anh xoay người gọi Xiêng.

    "Này Xiêng ơi, quay lại đi hướng kia kìa. Đằng đó đâu phải là đường tới nhà bố cậu. Phía trước có nguy hiểm, cẩn thận."

    "Vâng! Em cám ơn anh."

    Hóa đi tiếp.

    Xiêng ngộ ra đúng là mình đi lạc đường thật, con đường cậu đang đi dẫn lên núi, và nó quả thực rất nhiều nguy hiểm đang rình rập, cũng chính con đường này xưa kia bọn cướp tràn vào làng cướp bóc, giết người không gớm tay.

    Xiêng quay lưng rẽ vào con đường khác, đây mới chính là con đường đưa cậu tới nhà bố mình. Cậu khẽ mỉm cười, thấy mình lớn chừng này, lớn lên ở đây từ nhỏ, vậy mà vẫn có lúc đi lạc.

    Chẳng mấy chốc căn nhà lá ọp ẹp hiện ra trước mắt. Trong nhà không có ánh đèn hắt ra, chứng tỏ ông Lâm vẫn chưa về. Xiêng đẩy cửa bước vào, mùi ẩm mốc xộc thẳng vào mũi khiến cậu hắt xì mấy cái, ngứa lỗ mũi. Chỉ có vài ngày không có người ở, thế mà nó đã như cái nhà bị bỏ hoang lâu ngày. Treo cây đèn lên cột, Xiêng cầm cây chổi quét dọn nhà cửa cho sạch, mặc dù anh mới đến đây quét dọn ngày hôm qua. Bây giờ bụi đã bám trắng xóa.

    Nguyên ngày 29 tết, Xiêng vẫn không thấy ông Lâm quay lại làng. Cậu lo lắng đứng ngồi không yên thấp thỏm trong lo âu, lâu lâu rảnh cậu lại chạy ra đứng ngóng ngoài cổng làng, chỉ sợ bố xảy ra chuyện trên đường đi.

    Ngày 30 tết, tiết trời lạnh cóng. Ngồi co ro bên cạnh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục, thơm phức mùi lá bánh, mà tâm trạng cậu không tài nào khá lên được. Suốt ngày hôm đấy Xiêng chẳng buồn ăn uống gì, cậu định chờ bố đến giao thừa nếu vẫn không thấy ông về, sẽ xuống núi đi tìm.

    Đêm nay, sắc trời càng thêm đen quánh, sương rơi âm thầm, gió không lớn, song vẫn lạnh buốt.

    Ông Lâm mò mẫm bước đi từng bước, trên vai ông là đôi quang gánh, bên trong có một ít hàng hóa ông mua dưới chợ huyện. Cây đèn treo trên đầu cây đòn gánh, không đủ chiếu sáng cho khoảng đêm đen và đám sương mù phía trước, vì vậy mà bước chân của ông Lâm có phần chậm chạp hơn hẳn ngày thường. Lúc này tuy cận kề thời khắc giao thừa, vậy mà nơi đây im lặng như tờ, nghe rõ cả tiếng vi vu của làn gió Bắc. Lạnh đến nỗi, hơi thở của ông tỏa ra hơi khói, đôi chân ướt sũng nước sương, tê cứng.

    Ông Lâm nhìn bên đường nhận ra mình sắp về tới cổng làng. Ông mừng lắm, và biết thế nào nơi đó Xiêng cũng đang đứng chờ mình.

    Huhu.. huhu.. hu.. hic.. hic.. hic..

    Đang đi, bỗng tiếng ai đó thổn thức khóc phía trước mặt, khiến ông Lâm giật mình chùn bước chân lại. Một cảm giác lạnh buốt như lưỡi dao chẻ dọc sống lưng, khiến hai bên sườn bỗng chốc trở nên căng thẳng, dội lên một cảm giác tê buốt và cứng nhắc. Ông vẫn không lên tiếng hỏi, cứ đi tiếp. Càng lúc ông tiến càng gần chỗ người đó ngồi, ông vẫn không lên tiếng, mí mắt căng cứng bất động không chớp, thậm chí cả hơi thở cũng như ngừng lại, hai tay siết chặt hơn vào đôi quang gánh, gân xanh nổi căng trên mu bàn tay, giật lên khe khẽ.

    Ông Lâm đang sợ hãi, nỗi sợ này dường như ông chưa từng nếm trải trong suốt nhiều năm qua. Điều khiến ông sợ hãi không phải là tiếng khóc ma mị kia mỗi lúc một gần, mỗi lúc càng thê lương ai oán, mà điều khiến ông sợ hãi chính là thế lực của bóng tối rình rập quanh làng này sẽ trỗi dậy. Giống như lời bà đồng phán mà ông gặp dưới chợ huyện hồi chiều, gieo quẻ xem tướng cho ông. Ông mong lời bà đồng nói không phải là sự thật.

    11h đêm..

    Nơi đây vốn dĩ vô cùng tĩnh lặng, song tiếng khóc thút thít kia đã phá vỡ không gian tĩnh lặng vốn có. Ông tính đi tiếp, bơ đi cô gái ngồi khóc bên đường tiến thẳng về hướng cổng làng, bất ngờ cô ta lên tiếng nài nỉ.

    "Ông ơi, làm ơn làm phước cứu con với."

    Câu nói ấy như có ma lực thôi thúc ông Lâm không thể giữ mãi sự im lặng. Buộc ông phải lên tiếng hỏi:

    "Cô là ai? Nhà ở đâu mà đêm khuya khoắt lại ra ngoài này ngồi khóc?"

    Cô gái thưa:

    "Dạ, nhà cháu dưới chân núi, cháu theo bố lên núi hái cây thuốc, chẳng may gặp phải bọn cướp, chúng ra tay giết hại bố cháu rồi. Còn cháu thì.. mãi mới có cơ hội chạy trốn."

    Nghe đến đây đột nhiên trái tim ông Lâm rung động, ông nhìn cô gái đầy vẻ thương cảm, trìu mến. Hạ đôi quang gánh trên vai xuống đất, xách cây đèn đi qua chỗ cô gái, hỏi:

    "Cô tên gì? , đứng dậy đi theo tôi."

    Cô gái đáp:

    "Dạ, cháu tên Xuân, năm nay 23 tuổi."

    Cô gái vừa đáp lời ông Lâm vừa đứng dậy vịn tay vào người ông ấy chếnh choáng xém ngã. May mà ông Lâm nhanh tay chộp lấy, giữ cô gái thật chặt: "Cẩn thận, cô đi nổi nữa không?" Cô gái khẽ gật đầu, làn gió lạnh thổi qua làm mái tóc mái buông xõa xuống gương mặt, che gần kín. Ông Lâm thoáng chút giật mình, song cảm giác sợ hãi lại trôi qua rất nhanh, khi ông phát hiện ra đôi giày vải thêu hoa dưới chân cô gái rách nát gần hết, để lộ mười đầu ngón chân rươm rướm máu.

    "Tay cô lạnh quá, lạnh như băng vậy. Áo ấm đâu không mặc, ăn mặc phong phanh thế này dễ nhiễm phong hàn lắm."

    Xuân trầm giọng.

    "Dạ, tại cháu vội trốn thoát khỏi tay bọn cướp quá, nên không kịp lấy áo để mặc."

    Nói xong, hai hàm răng cô kêu lạch cạch, cả cơ thể bỗng run rẩy. Ông Lâm cởi chiếc áo dạ khoác trên người, khoác lên vai cô gái, bảo: "Mặc đỡ nó vào đi, khi nào vào đến làng tôi sẽ tìm áo phụ nữ cho cô mặc. Còn bây giờ, đi theo tôi."

    Ông còn lấy tạm đôi dép mới, trong chiếc xảo trên quang gánh mà mình vừa mua chiều nay, đưa cho Xuân hối cô đi tạm. Ông treo cây đèn lên đầu chiếc đòn gánh, cúi xuống đặt chiếc đòn vào vai, quẩy quang gánh lên và hối:

    "Đi theo tôi."

    Mùa đông ngày ngắn đêm dài, lại thêm gió bắc từng hồi lạnh buốt, ai chẳng muốn mau về nhà cuộn tròn trong chăn ấm. Xuân lẽo đẽo theo sau, thi thoảng lại nấc lên mấy hồi. Ông Lâm có lúc cố ý đi chậm lại, Xuân cũng chậm theo bước chân của ông. Thỉnh thoảng lại rảo bước vội hơn, Xuân cũng bước theo nhịp bước chân cho kịp. Thế nhưng thứ ông quan tâm lúc này chính là tiếng bước chân, ông chau mày lấy làm lạ, bụng bảo dạ: "Quái lạ, sao chân cô ấy không phát ra tiếng động, chí ít cũng phải là tiếng bước chân lẹt xẹt vang vọng? Một cảm giác bất an bắt đầu ập đến, ông đang tự trách mình quá tin người. Nhưng lương tâm ông không cho phép ông bỏ đi, khi ai đó cần mình giúp. Bỏ thì thương, vương thì tội, cuối cùng ông bấm bụng để cô gái đi theo. Nghĩ đến đây ông lại tự an ủi mình, rằng.. mình làm vậy là đúng, xưa nay có ai thấy người gặp nạn mà không giúp, chỉ cần nghĩ vậy thôi ông lại buông bỏ hết những nghi ngờ trong đầu mình.

    Cảm giác không có ai đi sau lưng mình, ông Lăm bất ngờ quay lại nhìn Xuân. Tưởng đâu cô ấy không còn theo sau mình nữa, thế nhưng ngay khi ông vừa quay lại đã bắt gặp Xuân đứng im lặng nhìn mình, trên môi nở một nụ cười nhẹ, trong cô rất dịu dàng đằm thắm.

    " Tôi tưởng cô bỏ đi rồi chứ? "

    " Không, nãy giờ cháu đi theo ông suốt mà. Trời tối thế này, không đi theo ông thì cháu biết đi về đâu bây giờ? "Xuân phân trần.

    Ông Lâm gật đầu, nghĩ cô ấy nói cũng đúng. Ông quay người đi tiếp, định hỏi cô ấy thêm điều đó nhưng lại thôi. Cổng làng Phù Vân cuối cùng cũng hiện ra phía trước, đôi mắt ông Lâm như sáng ra mười phần, phấn khởi chỉ tay qua hướng cổng làng, nói:" Đến nơi rồi! "

    Xuân khựng lại, cô không bước đi tiếp. Đôi mắt u buồn nhìn trân trân qua hướng đó khuôn mặt toát ra vẻ ái ngại. Thấy thái độ của Xuân là lạ, ông Lâm khựng chân theo, ngoái lại hỏi:" Cô sao thế? "

    Xuân khẽ lắc đầu, chỉ tay vào bóng đen đang lù lù tiến đến ngày một gần chỗ hai người bọn họ đứng, thốt lên:

    " Quỷ! "

    Chương 3: Đón Dâu



    Ông Lâm biết rằng đứng từ khoảng cách này chắc chắn sẽ không thể nhìn thấy rõ, trời lại tối đen như mực cho dù có đi tới sát gần, cũng phải có thần nhãn tốt mới nhìn rõ được. Bởi vậy, chỉ còn cách tiến về phía trước để xem thử. Nhưng trong thâm tâm của ông luôn cho rằng bóng đen kia là người, bởi bên cạnh người đó có ánh đèn phát sáng.

    " Cô đừng sợ, người đó không phải là quỷ, tôi dám chắc là vậy. "

    Xuân vẫn đứng nép sau lưng ông Lâm, cô không dám ngoáy đầu lên nhìn, mặc dù rất muốn. Hai người dò dẫm đi thêm một đoạn, bóng người phía trước mặt cũng nhích lên một chút. Trong cơn ngờ vực thì bên kia bất chợt lên tiếng trước.

    " Bố! Có phải là bố Lâm đấy không? "

    Ông Lâm mừng rỡ nhận ra giọng nói quen thuộc, đặt đôi quang gánh trên vai xuống đất, gỡ cây đèn giơ lên quá đỉnh đầu, cười khà khà nhìn bóng đen đó mà rằng:

    " Xiêng hả con? Bố đây, bố đã về đây con. "Ông quay lại, trấn an Xuân:" Cô đừng sợ, kia là thằng Xiêng, con trai tôi. "

    " Bố! Đúng bố thật rồi, trời ạ. Cuối cùng bố cũng về rồi. "

    Xiêng đi nhanh như chạy, lao đến định ôm chầm lấy bố cho thỏa nỗi nhớ mong bao ngày, song chân cậu khựng lại khi thấy sau lưng bố là một cô gái trẻ.

    " Ai đây bố? "

    " Cô ấy hả? Là người bố cứu trên đường. "

    Cậu vội kéo bố qua một bên, cách xa cô gái một đoạn, đủ để cô ấy không nghe thấy cuộc nói chuyện của hai cha con. Bây giờ Xiêng mới hỏi:" Bộ bố quên rằng trước giờ làng mình cấm không cho người lạ qua đêm, nhất là đối với phụ nữ, con gái.. trẻ đẹp hả bố? Bố lại đưa cô ấy về đây làm gì. "

    Ông Lâm sực ra lệ làng bao năm nay, khi nãy gặp cô gái thấy tội nghiệp quá ông quên luôn chuyện này. Ngẫm nghĩ một lúc, ông thở dài, bỏ thì thương, vương thì tội, cực chẳng đã ông buột miệng nói:

    " Ờ thì không quên, nhưng nếu cô ấy là vợ mới của bố, ghì chắc không phạm lệ làng có đúng không? "

    Xiêng quá đỗi ngạc nhiên, cậu không thể ngờ chỉ vì cứu một cô gái lạ, mà bố mình nghĩ ra kế sách này để hợp thức hóa đón cô vào làng. Cậu len lén nhìn qua phía cô gái, thấy đứng khép nép trong bộ dạng nhút nhát, cậu cũng mềm lòng gạt phắt đi mối lo lắng trong lòng mình lúc này. Quay ra nói với ông Lâm.

    " Thôi được, bố ở vậy chúng con cũng không yên tâm, nếu bố có vợ mới cũng tốt, ít ra có người ở cùng bố, chăm sóc cho bố, như vậy chúng con cũng yên tâm phần nào. Miễn sao bố cảm thấy vui là được. "

    " Ừ! "Ông Lâm đáp gọn lỏn.

    " Vậy bố và cô ấy chờ con ở đây, con chạy vào làng lấy xe bò ra rước dâu kẻo người ta nói. "

    Thực ra ông không định đi thêm bước nữa ở cái tuổi đầu đã hai thứ tóc, bất đắc dĩ lắm ông mới phải dùng cách này để cô gái kia được ở lại trong thôn, mà bản thân ông cũng không phải là người phá lệ làng. Đợi sau tết ông sẽ bảo cô gái kia đi, đi về nơi thuộc về cô ấy, chứ ông không giữ.

    Đợi Xiêng đi khuất ông Lâm chậm rãi bước đến trước mặt, nói với Xuân:" Làng Phù Vân xưa nay không chấp nhận ở lạ ở lại trong làng vào ban đêm. Mà giao thừa cũng sắp đến rồi, trời lại tối, nên tôi quyết định rước cô vào làng với tư cách là vợ của tôi. Cô đừng hiểu nhầm, làm vậy là để dân làng và trưởng thôn không nói gì chúng ta. Ăn tết xong, tôi sẽ đưa cô xuống núi, khi đó cô hãy trở về nhà đoàn tụ cùng gia đình của mình. "

    Tưởng đâu Xuân sẽ từ chối, vì làm sao cô có thể làm vợ một người đàn ông lớn tuổi bằng cha mình. Đặc biệt, cô lại vô cùng xinh đẹp. Cho dù là vậy, ông Lâm cũng chỉ còn cách này nên vẫn muốn thử, hy vọng Xuân sẽ hiểu ý của mình nói mà không nghĩ rằng" Trâu già thích gặm cỏ non. "Trái với suy nghĩ của ông, vừa nói dứt câu Xuân đã gật đầu đồng ý.

    " Em đồng ý, đồng ý làm vợ ông. Ông hãy cho em đi theo với. "

    Ông Lâm còn tưởng mình đang nghe nhầm, song nghĩ đến chuyện quan trọng trước mắt nên gạt bỏ hết những nghi ngờ trong lòng, nhìn Xuân khẽ gật đầu.

    " Chỉ là vợ chồng giả thôi. Cô còn trẻ, còn tương lai phía trước, đừng vì ơn nghĩa này mà chôn vùi tuổi xuân ở nơi này cả đời. Ngoài kia, vẫn còn nhiều thứ tốt đẹp chờ cô. "

    Xuân im lặng không nói, đôi bàn tay vò vạt áo nhăn túm, đứng im như pho tượng. Ông Lâm nói quả không sai, nếu không phải người làng Phù Vân, thì chẳng ai chịu chạy tới nơi rừng núi âm u quanh năm này sinh sống. Đã thế nó còn cách khá xa với thế giới bên ngoài.

    Ông Lâm thở dài, xách cây đèn đến chỗ quang gánh lấy một tờ giấy trong rổ, lục tìm mấy cây bút mà sực nhớ ra rằng, mình mua giấy cho tụi nhỏ trong làng, nhưng lại quên mua bút mực. Ông trách mình đãng trí. Ông quay lại với tờ giấy trên tay, đứng trước mặt Xuân ông đặt cây đèn xuống đất, ngồi xuống phiên đá vuông vức dưới chân, ngoắc Xuân lại ngồi kế bên mình.

    " Cô mau lại đây, ngồi cùng tôi. Điểm chỉ vào đây xem như cô đã là người làng Phù Vân này. "

    Nói đoạn.. ông Lâm đưa ngón tay trỏ lên miệng, cắn cho chảy máu lặn ra giọt máu tươi đỏ chót viết vội mấy chữ loằng ngoằng vào giấy, giống như đây là khế ước kết hôn. Viết xong, ông Lâm thoa máu trên đầu ngón tay của mình vào đầu ngón tay cái của Xuân, hối thúc.

    " Cô điểm chỉ đi, tôi quên không mua mực nên phải dùng cách này. "

    Xuân không trần trừ, điểm chỉ vào khế ước kết hôn ngay tức khắc. Ông Lâm vừa hạ cánh tay mình xuống, Xuân vội vàng chộp lấy cánh tay ấy. Ông Lâm còn chưa hiểu Xuân nắm tay mình để làm gì, thì thấy cô đưa ngón tay còn đang rỉ máu của mình lên miệng, thoa máu lên đôi môi xám xịt vì lạnh của cô. Quẹt qua quẹt lại cho đỏ, y như đang tô son. Chưa dừng lại ở đó, Xuân di chuyển ngón tay lên đôi lông mày, kẻ vẽ theo tràng mày cho đậm, cuối cùng cô lại đưa ngón tay xuống miệng, mút sạch vết máu trên ngón tay ông Lâm. Kỳ lạ, vết thương khi nãy không còn đau nữa, cảm giác như nó chưa hề bị xây xát. Thấy ông Lâm ngồi nghệt mặt ra, Xuân nở nụ cười ma mị, hỏi ông.

    " Ông thấy em có đẹp không? Tô son như vậy được rồi chứ? Ông có gương không? Cả lược nữa, em muốn chải tóc, soi gương một chút, trước khi về làm vợ ông. "

    Lời nói nhẹ nhàng này lại rất có sức quyến rũ, ông Lâm nhìn Xuân không rời mắt, đầu gật lia lịa như con lật đật, chỉ tay ra chiếc xảo, lắp nói nói:

    " Có.. có.. tôi để chúng ở bên kia. "

    Những món đồ này đều là của mấy cô trong làng nhờ ông Lâm xuống chợ huyện mua giùm. Chẳng hiểu sao có lúc ông lại tiện dùng ké. Ông Lâm đứng dậy, đi sang bên kia lấy cây lược và chiếc gương cầm đến đưa nó cho Xuân, dặn:

    " Trời không còn sớm nữa, sắp bước qua năm mới rồi. Cô làm gì thì làm nhanh lên, tí nữa thằng Xiêng đưa xe bò đến rước cô vào làng kẻo không kịp. "

    Xuân khẽ gật đầu:

    " Vâng! Ông chờ em một chút, em sửa soạn xong ngay đây. "

    Ông Lâm đứng ngay phía sau lưng Xuân, nhìn cô một tay cầm gương, tay kia cầm lược, chải mái tóc rối bời trên đầu. Gió thổi đến mang theo những hạt cát bụi mịt mù, ông Lâm đưa tay lên cản gió theo phản xạ, chớp mắt một cái, gió đã tan biến, giống như thổi ào qua cái xong rồi thôi. Xuân vẫn ngồi lặng lẽ chải tóc, miệng ngân nga câu hát gì đó trong miệng, mà ông nghe câu được câu mất. Khi len lén nhìn vào chiếc gương trên tay Xuân, ông Lâm không khỏi giật mình khi thấy một khuôn mặt đỏ chót bị lột hết da mặt in đậm trong gương, hai tròng mắt trắng dã lồi hẳn ra bên ngoài. Bất giác ông rùng mình ớn lạnh, cảm tưởng có bàn tay ai đó lạnh ngắt đang xoa dọc sống lưng tê buốt. Ông lảo đảo ngồi phệt xuống đất, lết hai bước lùi lại phía sau, chỉ tay vào Xuân lắp bắp thốt mãi mới thành câu.

    " Cô.. cô.. là.. quỷ.. là quỷ! "

    Xuân quay mặt lại, gương mặt cô lại trở lên xinh đẹp như cũ. Cô buông cây lược và chiếc gương xuống phiến đá, chạy lại đỡ ông Lâm dậy.

    " Ông làm sao thế? Ông không được khoẻ ở đâu ạ? Nào, qua bên kia ngồi, em đấm lưng cho ông. "

    Trời lạnh như cắt mà mồ hôi trên trán ông Lâm vã ra như tắm, chảy thành dòng hai bên vầng thái dương. Ông đưa tay lên dụi mắt, không tin nổi vào mắt mình. Quả thực, trước mắt ông bây giờ vẫn là một nàng Xuân vô cùng xinh đẹp, hình ảnh khuôn mặt quỷ dị khi nãy chắc do ông bị hoa mắt mà thấy.

    Ông Lâm ấp úng trả lời Xuân.

    " Tôi.. tôi.. không.. sao! "

    Đúng lúc này, tiếng xe bò từ cổng làng vọng lại, ông Lâm và Xuân rướn cổ lên nhìn, họ nhìn nhau như đã hiểu, thờ khắc rước dâu đã đến.

    " Bố ơi bố, đón dâu đến rồi đây! "

    Tiếng của Xiêng vọng đến xua tan đi cảm giác sợ hãi đang cuộn trào trong lòng ông Lâm. Ông Lâm dõi mắt qua bên đó, bảo.

    " Qua đây đi con, nhanh về nhà thôi. "

    Chiếc xe bò này là của làng Phù Vân, trong làng hễ có đám cưới là lấy xe bò này rước dâu, còn đám ma thì họ khiêng bằng đi, từ nhà đến chỗ huyệt mộ. Xiêng đi gần đến nơi anh quay xe lại, bảo mẹ kế leo lên xe ngồi cho vững, đường vào làng hơi khó đi, đá sỏi lởm chởm sóc muốn lộn hết ruột gan. Không hiểu sao Xuân vừa lên xe con bò nhất quyết không chịu đi. Nó trừng mắt mở thao láo nhìn vào khoảng không tối đen trước mặt, mà không biết nó đang nhìn gì, hay là đang sợ hãi.

    Xiêng giơ cây roi, quất mấy cái vào mông nó, quát:" Đi nhanh đi, hôm nay mày làm sao thế? "

    Xuân nhảy phóc xuống, nắm bàn tay lạnh ngắt vào cổ tay cậu, khe khẽ nói:" Anh đừng đánh nó mà tội. Để tôi thử nói chuyện với nó xem sao. "

    Xiêng tỏ vẻ ngạc nhiên, cậu chưa kịp nói gì đã thấy Xuân đi đến trước mặt con bò, đặt tay lên lưng nó vuốt nhẹ mấy cái rồi dừng lại ở phần đầu, ghé sát tai nói câu gì đó không biết nó nghe có hiểu không, thế nhưng sau câu nói ấy của Xuân, con bò ngoan ngoãn chịu kéo xe đi.

    Đoàn rước dâu chỉ vỏn vẹn có 3 người, hai cha con ông Lâm và cô dâu tên Xuân. Xe đón dâu vừa đi qua cổng làng, Xiêng đã bắt đầu nhớ lại giấc mơ đêm hôm bữa. Một đám cưới linh đình xảy ra trong giấc mơ cũng vào ban đêm, đoàn rước dâu không phải người sống mà toàn là hình nhân thế mạng. Lúc này, tai cậu ù đi, không nghe rõ cả tiếng xe bò chạy ngay bên cạnh. Hai mắt cố mở to hết cỡ, vậy mà con đường phía trước mặt vẫn chẻ ra làm nhiều hướng, heo hút sâu thẳm trong màn đêm. Trong tâm trí Xiêng bây giờ lại hiện ra những cảnh tượng hãi hùng. Anh thấy hai cha con mình bị trói chân tay và được đám hình nhân khiêng đi như khiêng con lợn. Cô dâu ngồi trên xe bò gương mặt đang xinh đẹp bỗng chốc biến thành gương mặt quỷ. Bọn chúng thi nhau tung tiền giấy lên không trung, nhuốm một màu trắng xóa.

    " Xiêng ơi, đến nhà rồi con. Bay làm cái gì mà gọi mấy câu vẫn không thưa thế hả? "

    Cậu giật nảy mình, đưa tay lên dụi mắt thấy viễn cảnh đó lại biến mất, trước mắt là cha mình và một cô dâu xinh đẹp.

    " Ah! Con.. con.. vừa bị hoa mắt. "

    " Ờ! Thôi cô Xuân vào nhà đi, còn con đem xe bò đi trả đi, xong việc thì về nhà mà nghỉ, không cần tới đây nữa đâu. "

    " Dạ! Vậy ngày mai con sang thăm bố. Trong nhà có đủ thức ăn mấy ngày tết, vợ chồng con đưa qua hồi tối. Bố và cô Xuân ăn xong cũng nghỉ ngơi sớm nhé. Thôi con về, chào cô Xuân nhé. "

    Ông Lâm đỡ Xuân xuống, cô e thẹn đúng phong cách con gái mới về nhà chồng. Cô không để tâm lắm nhà ông Lâm gia cảnh ra sao, chỉ cần có chỗ che mưa che nắng là được.

    Ánh đèn dầu đỏ quạch trong nhà hắt ra, cảnh không gian trong nhà cũng không nhìn rõ lắm. Lúc Xuân đặt chân vào trong căn nhà, cũng là lúc thời khắc giao thừa vừa đến. Ông Lâm mở tủ lấy bộ quần áo cũ nhưng được gấp rất cẩn thận đưa cho Xuân và bảo:

    " Cô mặc tạm đi, đồ này của vợ tôi. Tôi giặt sạch mới cất vào tủ. "

    " Vâng, em cảm ơn ông. "

    Ông Lâm phẩy tay ra hiệu cho Xuân đừng khách sáo. Chỉ tay ra lu nước sau tấm mành cửa ông Lâm bảo:" Thằng Xiêng đã nấu sẵn siêu nước nóng, cô xách theo qua bên đấy mà tắm. Tôi xem vợ chồng nó đem thức ăn gì qua, chúng ta cùng ăn tối đón giao thừa. "

    " Vâng! Em xin nghe lời ông."

    Chờ Xuân đi khỏi, ông Lâm lục lọi mấy xoong thức ăn hồi tối Xiêng mang sang. Trong mâm cơm có tô canh măng khô hầm xương lợn, bát miến gà xé mộc nhĩ và hai cái bánh chưng to. Ông Lâm gật gù, thầm khen hai vợ chồng Xiêng chu đáo.

    Trả xe bò xong Xiêng quay về nhà. Suốt đoạn đường đi cậu không khỏi băn khoăn về giấc mơ đó. Nếu đêm bữa cậu mơ thấy nó không có miệng và mắt, thì khi nãy cậu lại thấy mặt mũi chúng có đủ cả, chỉ cơ điều chúng nguệch ngoạc trông rất dữ tợn. Mỗi khi nhớ đến da gà trên người cậu lại nổi dày như cơm cháy. Xiêng đi thật nhanh, cậu muốn khi về đến nhà vẫn chưa hết giao thừa, điều cậu khao khát nhất lúc này vẫn là chui vào tấm chăn ấm nằm ngủ một giấc ngon lành bên cạnh vợ con cho tới sáng.

    Đứng bên ngoài nhìn vào trong nhà ông Lâm, bây giờ bên trong không chỉ có hai cái bóng nữa. Phải có đến mấy chục cái bóng lướt qua lướt lại, bóng người in rõ trên vách tường. Có bóng lại treo lơ lửng trên mái nhà, đôi chân thõng xuống đu đưa theo nhịp gió, giống mấy cái xác thắt cổ tự vẫn. Bên dưới bàn, ông Lâm và Xuân đang ăn cơm, ông Lâm gắp miếng bánh đưa lên miệng, bán vừa mới cắt ra vậy mà ruồi bọ đã bò lúc nhúc.
     
    linh chi tran thi thích bài này.
Từ Khóa:
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...