Tiểu Thuyết [Edit] Lông Gà Khắp Đất - Lưu Chấn Vân

Thảo luận trong 'Sai Nội Quy' bắt đầu bởi Duệ Manh Manh, 5 Tháng tư 2023.

  1. Duệ Manh Manh

    Bài viết:
    81
    Lông gà khắp đất

    Tác giả: Lưu Chấn Vân

    Editor: Y Dư

    [​IMG]

    Giới thiệu: Kiệt tác "Lông gà khắp đất" là một cuốn tiểu thuyết hiện đại được viết bởi Lưu Chấn Vân, một nhà văn lớn trong nền văn học hiện đại Trung Quốc. Cuốn tiểu thuyết được chia làm 7 phần, tổng cộng 40000 chữ. Câu chuyện xoay quanh việc khai thác nội tâm nhân vật Tiểu Lâm qua những mâu thuẫn xảy ra trong cuộc sống gia đình từ miếng đậu phụ, vợ con, bảo mẫu cho đến những đúng sai trong công việc hàng ngày ở cơ quan. "Lông gà khắp đất" phản ánh cuộc sống và điều kiện sống của hầu hết người Trung Quốc trong thập niên 80 và 90, đồng thời cũng thể hiện sâu sắc những thay đổi trong suy nghĩa và hành động của con người do chính cách cải cách mở cửa của Trung Quốc mang lại, hứa hẹn sẽ đem đến cho bạn đọc nhiều bài học đáng để suy ngẫm.

    "Rời khỏi đội mua đậu phụ, Tiểu Lâm phải hắng giọng mắng ngay cái đội đang xếp hàng mua đậu phụ còn dài hơn cả Vạn Lý trường trường thành của Trung Quốc kia một trận mới thỏa cơn giận:

    " Mẹ cái bọn hl*, đời có lắm đứa nghèo hèn quá cũng đ* phải chuyện tốt!""


     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng tư 2023
  2. Đăng ký Binance
  3. Duệ Manh Manh

    Bài viết:
    81
    Chương 1

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Một cân đậu phụ nhà Tiểu Lâm bị thiu rồi, mùi hôi thối mà nó bốc lên cũng chẳng dễ chịu gì cho cam.

    Một cân đậu phụ giá năm đồng, hai lạng một đồng, đây là quán bán thực phẩm của cơ quan. Đậu phụ tự làm là loại đậu có nhiều nước và mỏng nên khi chiên trong nồi sẽ không bị vón cục. Cứ sáu giờ sáng mỗi ngày là Tiểu Lâm lại thức dậy đi đến cửa hàng thực phẩm của cơ quan xếp hàng mua đậu phụ. Mà chẳng phải ngày nào xếp hàng cũng mua được đậu phụ về, giả dụ như có hôm người đến xếp hàng đông như trẩy hội, vừa đến lượt mình thì đậu phụ đã bán hết rồi; hoặc là hắn còn chưa xếp xong hàng mà đã bảy giờ rồi, lúc đấy Tiểu Lâm đành phải tách khỏi đội mua đậu phụ mà vội vàng trèo lên xe của đơn vị rời đi. Dạo này ở đơn vị có một vị mới đến nhận chức trưởng ban tên là lão Quan, có câu "tân quan nhậm chức ba ngọn đuốc" mà, bởi thế, đợt này việc đến muộn về sớm bị thắt chặt gớm. Mà khiến cho con người ta bực mình nhất chính là, mắt thấy đã sắp đến lượt mình lấy đậu phụ rồi thì vừa hay thời gian lên xe đi làm cũng đến rồi. Rời khỏi đội mua đậu phụ, Tiểu Lâm phải hắng giọng mắng ngay cái đội đang xếp hàng mua đậu phụ còn dài hơn cả Vạn Lý trường trường thành của Trung Quốc kia một trận mới thỏa được cơn giận:

    "Mẹ cái bọn hl*, đời có lắm đứa nghèo hèn quá cũng đ* phải chuyện tốt!"

    Nhưng hôm nay Tiểu Lâm đã mua được đậu phụ rồi. Đổi lại, hôm nay hắn phải xếp hàng đến tận bảy giờ mười lăm phút cho nên đã lỡ chuyến xe của đơn vị. Thôi cứ mặc, hôm nay lỡ thì cũng lỡ rồi, lão Quan trưởng ban hôm nay lên Bộ nghe họp, lão Hà phó ban thì đi công tác rồi, thành ra bây giờ cái việc chấm công lại tạm thời rơi xuống đầu một sinh viên đại học mới đến làm. Thế thì có gì mà phải sợ cơ chứ, thành ra hắn cũng yên tâm xếp hàng mua đậu phụ lắm. Đúng ra là đã đem đậu phụ về nhà rồi đấy, mà vì vội bắt xe buýt đi làm quá cho nên tiểu Lâm quên mất không cho mẻ đậu phụ vào trong tủ lạnh, thành ra tối về đến nhà, đậu hũ vẫn còn ẩn hiện trong cái túi ni lông ngoài sảnh, trời nắng to như thế này, làm gì có chuyện đậu không bị ôi thiu cơ chứ?

    Đậu phụ hỏng rồi, mụ vợ lại đi làm về trước hắn cho nên lại càng khiến cho chuyện này trở nên phức tạp. Mới đầu, mụ vợ đổ lỗi cho bảo mẫu, trách bà ấy không mở túi ni lông ra bỏ đậu phụ vào trong tủ lạnh. Ai mà ngờ bảo mẫu chả chịu lép vế tí tẹo nào. Bà ta chê nhà tiểu Lâm trả lương thấp, đồ ăn thức uống trong nhà chẳng ra thể thống gì, từ lâu đã nháo nhào lên đình công, đòi xin sang chỗ khác làm. Tiểu Lâm với vợ phải dỗ dành suốt, mới dỗ được bà ta ở lại làm cho nhà mình; bây giờ bảo mẫu nhìn thấy đậu phụ bị hỏng cũng chẳng thấy tiếc tẹo nào, còn đổ hết trách nhiệm lên đầu Tiểu Lâm, nói rằng lúc Tiểu Lâm đi làm ban sáng không hề dặn dò bà ta phải cất đậu phụ đi. Lúc Tiểu Lâm tan làm về nhà, mụ vợ lại trút cơn giận lên người hắn, nói hắn không mua được đậu phụ thì thôi cũng đành, thế mà đã mua được về rồi lại còn để miếng đậu ôi thiu ở trong túi ni lông được à? Đầu óc của hắn để đi đâu đấy? Hôm nay ở đơn vị Tiểu Lâm cũng chẳng được vui vẻ gì cho cam, hắn cho rằng hôm nay mua xong đậu phụ rồi đi làm muộn một chút cũng không sao, ai ngờ thằng ranh sinh viên đại học mới đến này lại nghiêm túc như thế, thấy tám giờ rồi mà hắn vẫn chưa tới, vậy là tự ý tích một dấu "đi muộn" vào hàng của hắn. Mặc dù Tiểu Lâm hùng hổ đi tới tự mình đổi lại thành "đúng giờ", nhưng mà cả ngày vẫn cứ thấy ngứa ngáy trong lòng, cũng chẳng biết mai thằng ranh đấy có mách lẻo hắn với trưởng ban không nữa. Bây giờ vừa mới tan làm về nhà, thấy đậu phụ bị thiu, hắn cũng tức lắm, trong lòng vừa trách bảo mẫu người gì đâu mà ích kỷ so đo, lúc đi không dặn dò thì bà ta không đặt hộ miếng đậu vào trong tủ lạnh được à? Đặt hộ một tý thì có chết ai đâu? Lại trách mụ vợ cứ làm quá mọi chuyện lên, một cân đậu phụ thôi mà, hỏng thì cũng hỏng rồi, ai cũng không phải cố ý, việc gì cứ phải làm khó nhau thế, cả ngày mọi người đi làm đã mệt mỏi rồi, về nhà còn phải nấu cơm nấu nước, trông nom con cái, thế này căng thẳng chết mất thôi. Thế là nói:

    "Thôi được rồi, lỗi tại tôi hết, một cân đậu phụ thôi, cùng lắm thì tối nay không ăn nữa, sau này mua đồ chú ý một tẹo là được rồi!"

    Nếu như lời nói dừng lại ở đây, thì sự việc cũng xuôi rồi, tiếc thay lúc này Tiểu Lâm tức quá, lại bổ sung thêm một câu:

    "Một cân đậu phụ tính đi tính lại cũng chẳng bõ bèn gì, một cân đậu phụ thì đáng bao nhiêu tiền cơ chứ? Lần trước bà lỡ tay làm vỡ ấm nước, giá phải bảy tám tệ, có ai trách bà không?"

    Mụ vợ nghe đến chuyện ấm nước, lửa giận lại bùng lên, nói:

    "Cứ hở ra là ông lại mang chuyện cái ấm nước ra nói, lần trước nó vỡ chỉ trách mình tôi mà được à? Rõ ràng là cái ấm nước đấy để hớ hênh, ai va vào mà chả vỡ! Chúng ta đừng nói đến chuyện cái ấm nước nữa, nói đến chuyện cái bình hoa đi! Đấy, ông tính sao. Cái bình đang yên đang lành đặt trên nóc tủ thì bị ông phủi bụi làm vỡ, ông cũng chẳng có tư cách gì mà nói tôi đâu!"

    Sau đấy liền đi đến trước mặt Tiểu Lâm, mắt rưng rưng ngấn lệ, ngực thở phập phồng, mặt trở nên tái nhạt. Theo kinh nghiệm của Tiểu Lâm, một khi mặt của mụ vợ trắng cắt không còn một giọt máu thì chứng tỏ hôm nay công việc của mụ ấy không được suôn sẻ cho lắm. Cơ quan mà mụ vợ đang làm cũng gần giống với cơ quan của Tiểu Lâm, hiếm có lúc nào khiến cho con người ta được vui vẻ. Nhưng mà ở cơ quan không vui, lại đem cái tâm trạng đó về nhà trút giận, thế này thì tính gì là đạo đức? Tiểu Lâm lại giận đùng đùng muốn cãi nhau với mụ ấy về chuyện cái bình. Cứ tiếp tục theo cái tiết tấu này, nhất định bọn họ sẽ cãi nhau không ngớt, sau đó rơi vào một cái vòng luẩn quẩn, rồi cuối cùng mụ vợ sẽ quy tội túi đậu phụ thối lên đầu của tiểu Lâm. Bảo mẫu nghe hai vợ chồng tiểu Lâm cãi nhau đã quen rồi, bèn làm như không thấy, ngồi một bên cắt móng chân như chưa có chuyện gì xảy ra. Điều này càng khiến cho đôi vợ chồng thêm tức giận. Tiểu Lâm đã chuẩn bị sẵn tâm lý vài cái bát trong nhà sẽ ra đi trong ngày hôm nay, cũng may lúc này có người đến gõ cửa. Cả nhà người rơi vào im lặng. Mụ vợ vội vàng lau đi nước mắt trên mặt, tiểu Lâm cũng cố nén cơn giận. Bảo mẫu đi ra mở cửa, hóa ra là lão già kiểm tra đồng hồ nước đến.

    Lão già kiểm tra đồng hồ nước là một tên què, mỗi tháng lại đến xem đồng hồ nước một lần. Cũng bởi tại cái chân què đó, lão leo cầu thang không tiện lắm, đi đến từng hộ gia đình đều mệt đến nỗi mồ hôi đầm đìa, sau khi thở một hơi thật sâu mới vào xem đồng hồ nước. Bất hạnh là vậy nhưng người lão cũng lắm năng lượng, có lúc không cần phải kiểm tra đồng hồ nước cũng đến, nói rằng đến kiểm tra xem cái đồng hồ nước có vận hành bình thường hay không. Nhưng hôm nay đúng là ngày đến kiểm tra đồng hồ nước thật, Tiểu Lâm và vợ của Tiểu Lâm đành tạm thời đình chiến, bảo bảo mẫu dẫn lão đi kiểm tra đồng hồ nước. Sau khi kiểm tra xong, lão chả có suy nghĩ rời đi ngay mà tùy tùy tiện tiện trèo lên giường của Tiểu Lâm nằm. Nhìn thấy lão già nằm xuống giường mà lòng Tiểu Lâm lo phát sốt, bởi vì một khi lão đã nằm ở nhà ai rồi là lại ba loa khoác lác mấy chuyện hồi lão còn độ xuân thì. Lão nói hồi còn trẻ đã từng cho ngựa của mấy tên lãnh đạo tai to mặt lớn ăn. Lần đầu Tiểu Lâm nghe lão kể chuyện còn thấy có chút hứng thú, hỏi lão thêm vài câu, nhìn bộ dạng què quặt của lão là vậy, thế mà hồi trẻ lại tiếp xúc với mấy vị lãnh đạo trên cao kia à? Nhưng sau này nghe lão kể nhiều quá thành ra lại nhàm, hồi trẻ cho ngựa ăn mà giờ lại phải đi làm một thằng cha chuyên kiểm tra đồng hồ nước à? Vị lãnh đạo kia đã chết rồi, còn kéo ông ta ra kể làm gì? Nhưng mà bởi vì lão kiểm tra đồng hồ nước nhà mình nên dù thế nào cũng không thể đắc tội lão được. Lão mà không vui là nhà mất nước ngay. Trong tay lão già kia còn đang cần khư khư cái cờ lê vặn cổng ống nước kia kìa. Nhìn cái cờ lê trong tay lão, Tiểu Lâm không nghe lão kể chuyện cho ngựa ăn là có chuyện ngay. Nhưng mà hôm nay tiểu Lâm thật sự không hoan nghênh lão kể chuyện ngựa dê cho lắm, trong nhà người ta đang loạn hết cả lên, lão cũng chả thèm để ý bầu không khí trong nhà người ta mà cứ nằm lì ở đấy, thế là mặt Tiểu Lâm cứ hằm hằm, không chào đón lão giống như trước nữa.

    Nhưng lão già kiểm tra đồng hồ nước chả quan tâm điều đó, tự mình lấy trong túi ra một điếu thuốc. Sau khi châm một điếu, mùi khói trong khoang mũi lão bay thoang thoảng trong phòng. Tiểu lâm biết lão lại muốn kể tiếp chuyện ngựa dê, nhưng hắn đoán sai rồi, lần này lão già không kể chuyện ngựa dê nữa, mà một mặt nghiêm túc nói, lão muốn bàn một chút chuyện quan trọng. Lão nói, theo tin báo lại của đông đảo bộ phận dân làng, có kẻ trộm nước trong cái ngõ này, buổi tối không đóng chặt vòi nước lại mà cố tình để nước chảy nhỏ giọt, bên dưới đặt một cái xô để hứng; nước nhỏ giọt thì đồng hồ nước không chạy, thế này chẳng phải thành tội trộm nước rồi hay sao? Cứ thế này mãi chẳng được, ai cũng trộm nước thì làm sao các công trình thủy điện có thể chịu được?

    Nghe lời lão già nói, sắc mặt của Tiểu Lâm và vợ Tiểu Lâm đều trắng một mảng. Kể cũng xấu hổ, bởi vì tuần trước nhà Tiểu Lâm đã trộm nước vài lần, là vợ của Tiểu Lâm trong lúc ngồi nói chuyện phiếm trong đơn vị nghe ngóng được cách này, về nhà bèn kéo bảo mẫu thử thực hành. Sau này Tiểu Lâm không nhịn được nữa, cảm thấy hành động này quá đỗi vụn vặt, một khối nước chỉ tốn có vài xu, việc gì phải làm cái chuyện như trộm nước chứ? Cái vòi nước kêu tí tách tí tách suốt cả đêm, mọi người cũng khó mà chìm vào giấc ngủ. Thế là đến ngày thứ ba thì dừng không làm cái trò này nữa rồi. Nhưng sao lão già lại biết chuyện này được nhỉ? Hay thằng cha nào giở thói mách lẻo? Tiểu Lâm và vợ Tiểu Lâm không hẹn mà cùng nhìn sang nhà đối diện. Có một đôi vợ chồng mập sống ở đó, bà chủ nhà tự nhận là giống người Ấn Độ, giữa hai lông mày thường điểm một hạt đậu đỏ. Nhà bọn họ có một mụn con, cũng cỡ tầm tuổi con của Tiểu Lâm, hai đứa trẻ thường chơi với nhau, cũng thường hay đánh nhau; vì điều này mà vợ Tiểu Lâm với người phụ nữ Ấn Độ có vài phần bằng mặt mà không bằng lòng. Chủ nhân của hai nhà không ưa nhau, nhưng mà mối quan hệ giữa bảo mẫu của hai nhà này lại rất tốt, tuy không cùng tỉnh nhưng lại thường cùng nhau bàn bạc cách đối phó với gia chủ trong nhà. Hai bà bảo mẫu tám chuyện với nhau nhiều quá thành ra lại hỏng, người phụ nữ Ấn Độ biết được nhà Tiểu Lâm trộm nước hai lần bèn mách với lão già cho nên bây giờ mới có chuyện như ngày hôm nay. Nhưng loại chuyện này sao có thể phơi ra cho thiên hạ xem cơ chứ, thế mà cũng chả biết phải nói ra thế nào? Nói ra rồi thì sau này làm gì còn mặt mũi mà đứng trước mặt người khác nữa? Tiểu Lâm vội vàng chạy đến trước mặt lão già, nghiêm túc thề thốt, ở cái ngõ này có người trộm nước hay không thì hắn không biết, nhưng mà nhà hắn chẳng bao giờ làm ra cái loại chuyện đáng xấu hổ này đâu. Nhà hắn mặc dù nghèo thì nghèo thật, nhưng mà nghèo cũng có nguyên tắc của nghèo! Vợ của Tiểu Lâm cũng chạy vào nói đỡ, bảo rằng ai mà báo cáo chuyện này thì chứng minh người đó là kẻ trộm nước, nếu không thì làm sao mà y biết cách trộm nước tường tận thế kia chứ? Đây không phải là vừa đánh trống vừa la làng thì còn là cái gì nữa? Nghe xong lời hai người họ nói, lão già gõ gõ tàn thuốc, nói:

    "Thôi được rồi, chuyện này coi như xong. Trước đây có ai trộm nước hay không thì cũng coi như là chuyện cũ, bỏ qua hết đi. Sau này chú ý đừng trộm nước nữa là được rồi!"

    Nói xong, lão đứng dậy, giả làm bộ dạng hào phóng rộng lượng khập khiễng rời đi, để lại Tiểu Lâm và vợ Tiểu Lâm đang đứng một chỗ mà ngại phát chết.

    Tự nhiên phát sinh ra cái chuyện trộm cắp nước khiến cho sự cố đậu phụ bị ôi thiu không còn nghiêm trọng như trước nữa. Trong lòng Tiểu Lâm cũng thầm trách mụ vợ mình, một sinh viên đại học, từ khi nào lại đi học thói tằn tiện như thế, trộm hai xô nước chẳng đáng giá mấy xu, giờ thì hay rồi, vừa bị người ta lên lớp mà lại còn bẽ mặt mình. Vợ của Tiểu Lâm cũng cảm thấy xấu hổ chết đi được, chỉ đành không truy cứu chuyện miếng đậu phụ bị ôi thiu nữa, chỉ trừng mắt lên lườm Tiểu Lâm một cái rồi đi xuống bếp nấu cơm. Vì bị cái sự cố không lường trước này làm gián đoạn mà vốn dĩ chiến tranh gia đình sắp bùng phát đến nơi rồi lại nguội xuống, Tiểu Lâm lại thấy có chút cảm kích lão già kia.

    Cơm tối có đậu rán, giá đỗ xào, một đĩa xúc xích nhỏ và một bát canh còn thừa từ hôm qua. Đĩa xúc xích nhỏ chủ yếu là cho trẻ nhỏ trong nhà ăn, Tiểu Lâm, vợ Tiểu Lâm và bảo mẫu thì ăn ba món còn lại. Nhưng bảo mẫu không ăn cơm thừa canh cặn, nói bà ta mà ăn kiểu này là thể nào cũng bị đau bụng cho mà xem. Vì thế mà mụ vợ cũng từng cãi nhau với bà ta về vấn đề này, nói bà ta sắp thành quý phu nhân đến nơi rồi, tôi phải ăn đồ thừa, bà thì sợ đau bụng, thế hồi ở nông thôn bà ăn cái gì mà sống vậy? Bảo mẫu vừa khóc vừa nháo, đòi bãi công, đòi đổi chủ. Cuối cùng vẫn là Tiểu Lâm đứng ở giữa hòa giải mãi mới giữ được người ở lại làm tiếp. Giữ người ta ở lại rồi người ta lại lấy đấy làm vốn liếng, từ đấy trở đi không bao giờ ăn cơm thừa canh cặn nữa. Vợ của Tiểu Lâm cũng chẳng còn cách nào, lúc ăn cơm chỉ đành chia nhau ăn đồ thừa với Tiểu Lâm, ăn hết rồi mới ăn đến đồ ăn mới nấu. Lúc ăn cơm đứa trẻ quấy đủ điều, hết nắm cái này lại sờ cái khác, nhìn bộ dạng này hình như sắp chảy nước mũi đến nơi rồi, mụ vợ hơi nghi nghi, không biết có phải mình sắp cảm cúm rồi hay không. Cũng may là ăn xong cơm thì cũng sắp tám rưỡi. Theo thường lệ, lúc này bảo mẫu rửa bát, Tiểu Lâm tắm cho con nhỏ, còn mụ vợ sẽ được lên giường đi ngủ. Bởi vì mụ vợ đi làm xa hơn Tiểu Lâm, sáng ra đi làm là phải dậy từ sớm, cho nên đi ngủ sớm hơn cũng là lẽ thường tình. Nhưng hôm nay mụ vợ lại không đi ngủ sớm, chân cũng chưa rửa mà ngồi trước giường suy nghĩ. Mụ vợ mà có tâm sự thì Tiểu Lâm cũng có chút lo lắng, không biết sau khi mụ vợ suy nghĩ xong rồi có nghĩ ra loại chuyện gì mới chì chiết hắn hay không. Nhưng mà hôm nay mụ vợ yên tĩnh lạ, sau khi suy nghĩ xong, cũng không nói gì cả, qua loa rửa cho xong cái chân rồi leo lên giường đi ngủ. Mụ vợ đi ngủ cũng có cái tốt, bình thường cái miệng lúc nào cũng cằn nhằn, đi ngủ rồi thì không cằn nhằn nữa, chỉ cần ba phút là có thể chìm vào giấc ngủ, thỉnh thoảng phát ra vài tiếng ngáy nhẹ, ngủ còn nhanh hơn cả một đứa trẻ. Vài năm trước lúc mới kết hôn, Tiểu Lâm có chút bất mãn với điều này, sao lại có người vừa mới đặt lưng xuống giường là đã ngủ ngay được nhỉ? Hỏi:

    "Sao em vừa nằm xuống giường mà đã ngủ ngay cho được, cứ mãi thế này thì ai mà chịu nổi!"

    Mụ vợ ngại ngùng giải thích:

    "Mệt mỏi cả ngày, như giống heo ấy, chả việc gì mà nằm xuống lại không ngủ ngay cả!"

    Sau này có con rồi, cuộc sống càng ngày càng phức tạp, có mấy lần lăn lộn chuyển nhà, đi làm rồi lại tan ca, lo chuyện ăn, uống, đi tiêu, lo chuyện người lớn trẻ con, ai cũng thấy rất mệt mỏi, mụ vợ càng ngày càng ưa cái thói cằn nhằn, lúc này Tiểu Lâm lại cảm thấy việc mụ vợ dễ ngủ lại là một chuyện tốt, trong nhà có xung đột, chỉ cần tựa đầu vào gối đánh một giấc là chiến tranh cũng tạm ngưng. Cho nên Tiểu Lâm cảm thấy trên đời này không có cái gì là tuyệt đối xấu, cũng chẳng có chuyện gì tuyệt đối tốt, cái tốt và cái xấu có thể luân phiên nhau xuất hiện trong cuộc sống của con người.

    Mụ vợ ngủ, con nhỏ ngủ, bảo mẫu ngủ, cả ba người đều phát ra tiếng ngáy nhè nhẹ, Tiểu Lâm kiểm tra đèn điện và nước nôi trong nhà rồi cũng lên giường đi ngủ. Hồi trước, trước khi đi ngủ, Tiểu Lâm thường có thói quen đọc sách báo, thỉnh thoảng còn bật dậy ngồi ghi ghi chép chép. Bây giờ mọi việc trong nhà đã xong xuôi, hai mí mắt đã muốn đánh nhau từ lâu, thế là tất cả mấy thứ vụn vặt đó đều bị lược bỏ hết. Có thể ngủ sớm được lúc nào thì hay lúc đó, sáng sớm hôm sau còn phải dậy xếp hàng đi mua đậu phụ. Nghĩ tới việc mua đậu phụ, Tiểu Lâm chợt nhớ ra một cân đậu phụ bị thiu sáng nay, bây giờ vẫn còn bị vứt lăn lóc ngoài sảnh chưa xử lý. Nó là cái ngòi nổ. Thế mà sáng mai mụ vợ dậy sớm trông thấy thì nói không chừng lại náo thành chuyện lớn, thế là hắn lại đành nhảy xuống giường, bật đèn ngoài sảnh, đi xử lý bịch đậu phụ thối kia.
     
Trạng thái chủ đề:
Đã bị khóa
Trả lời qua Facebook
Đang tải...