Duyên Hồng Trần Tác giả: Trúc Châu Thể loại: Truyện ngắn Trời chuyển mưa, gió thổi mạnh từng đợt làm lá cây bay xào xạc, không khí mang hơi ẩm bao trùm cả không gian. Những cây sậy dập dềnh theo từng cơn gió. Có hai đứa trẻ vừa lên 9 tuổi dắt tay nhau đứng nhìn cái tổ chim trên một cây xoài gần đó. Quỳnh: "Tùng ơi, không biết chim mẹ về chưa nữa? Con chim non trong tổ chắc là sợ lắm. Trời sắp mưa rồi". Tùng: "Tùng cũng không biết chim mẹ đã về chưa nữa. Để Tùng leo lên cây xoài xem sao". Quỳnh nắm lấy vạt áo của Tùng kéo lại khi Tùng rướn người bước đi về phía cây xoài. Quỳnh: "Nguy hiểm lắm Tùng. Trời sắp mưa rồi". Những giọt nước mưa bắt đầu rơi, gió vẫn không ngừng thổi, bụi và lá cây khô bay mù trời. Tùng lấy cái tay nhỏ của mình, che lên đầu của Quỳnh, rồi vừa nói vừa cười: "Không sao đâu Quỳnh, Tùng giỏi leo cây từ nào tới giờ mà". Nói xong Tùng nhanh nhẹn leo lên cây như một con sóc. Quỳnh đứng phía dưới hồi hộp trông theo từng chuyển động của Tùng. Trong lòng Quỳnh dâng lên niềm thương thật dịu dàng đối với người bạn hàng xóm luôn bên cạnh và bảo vệ cô từng phút giây. * * * Tùng và Quỳnh nhà ở cạnh nhau chỉ cách một giàn hoa giấy. Cả hai cùng tuổi, cùng học chung lớp, chung trường, tình cảm gắn bó thân thiết như người đời Vẫn thường hay gọi "thanh mai trúc mã" Tùng bản tánh hiền lương, học giỏi, yêu thương loài vật, hay giúp đỡ mọi người. Ai cũng thương yêu, quý mến. Quỳnh dịu dàng, đoan trang, học giỏi, tính tình tốt bụng giống y như Tùng. Có lẽ có quá nhiều điểm chung như thế mà 2 đứa trẻ đã sớm quấn quýt bên nhau như bóng không rời hình. Và sự tiếp xúc lâu ngày đã làm cho Quỳnh nảy sinh tình cảm với Tùng. Cô không nói mà chỉ lặng lẽ để trong lòng. Tình yêu tuổi nười tám với những chớm nở dịu ngọt, bình yên. Đôi lúc, Quỳnh cảm thấy Tùng thật hiền lương quá mức, thấy đàn kiến bò ngang đường, sợ bị người ta giẫm lên, Tùng làm một cây cầu nhỏ cho đàn kiến bò qua. Học cấp 3, trên đường chở Quỳnh về nhà gặp ai đang bán mấy con chim cu, chim chằng nghịt đều dừng lại lấy hết tiền ra để mua. Quỳnh lãnh trách nhiệm cầm chúng. Tùng chạy xe đạp thật xa ra cánh đồng cùng Quỳnh thả những con chim đó lại bầu trời bao la. Nhìn gương mặt Tùng trong nắng hoàng hôn đỏ tía, gương mặt góc cạnh, có sóng mũi thật cao, toát lên vẻ chính trực, hiền lành. Nhưng trong đôi mắt nhìn về phía xa của Tùng không chỉ chứa đựng niềm vui khi thả những chú chim về bầu trời mà còn chứa đựng niềm băn khoăn, trăn trở như cố tìm ra giải pháp cho câu hỏi cuộc đời: Sao người ta lại bắt, lại giết những loài chúng sanh khác? Sao con người lại sống khổ sở như vậy? Lúc ấy ngoài tình yêu vô cùng tha thiết, trong lòng Quỳnh bỗng nhen lên một niềm lo lắng không gọi thành tên. Vậy là hai đứa đã đậu đại học, cha mẹ hai bên vô cùng vui mừng. Hai đứa bắt đầu bước vào cuộc sống của thời sinh viên. Lên Sài Gòn cả hai tiếp tục phấn đấu học tập thật tốt. Năm đầu đại học một bước ngoặc lớn mở ra trong cuộc đời của Tùng và ảnh hưởng vô cùng lớn với Quỳnh. Cả hai cùng tham gia vào đội thiện nguyện "Trái tim mặt trời" của chùa Từ Tâm. Từ đó quỹ thời gian của Tùng càng bị chia nhỏ hơn nữa, và một điều hiển nhiên thời gian dành cho Quỳnh cũng không còn nhiều như trước. Tính Tùng hướng ngoại hoạt bát, thích làm các công việc thiện nguyện, tham gia các khóa tu, các hoạt động Phật sự như bản tính hiền lành của mình. Tính Quỳnh hướng nội tuy cùng tham gia thiện nguyện và các hoạt động như Tùng nhưng đó không phải là nơi Quỳnh hoàn toàn thoải mái với chính mình. Vì Tùng cô đã cố gắng rất nhiều. Thời gian 3 tháng, Quỳnh đi thực tập để tốt nghiệp ra trường tại Vĩnh Long là thời gian Tùng ở lại Sài Gòn làm luận án tốt nghiệp. Trong thời gian ngắn ngủi này, Tùng đã rẽ sang một hướng đi mới cho cuộc đời mình, hướng đi mà trong mơ Quỳnh cũng không ngờ Tùng lại chọn nó. Ngày tốt nghiệp đại học bạn bè gia đình, Thầy Cô cùng có mặt, là ngày đẹp nhất trong đời của Quỳnh, khi mà tất cả người thương và có cả Tùng bên cạnh. Nhưng cô cảm nhận trong ánh mắt của Tùng có điều gì đó rất lạ. Sao hôm nay nó long lanh như vậy, tựa hồ như có một lớp nước mỏng bao phủ phía trên, thứ nước trong suốt mà người ta hay gọi là nước mắt. "Sao Tùng lại như thế chứ, chắc Tùng nhìn mình vui và hạnh phúc như vầy cũng xúc động hay sao ấy". Quỳnh tự nhủ thầm trong lòng rồi nhìn Tùng mỉm cười lúng liếng. Ngay hôm sau, Tùng và Quỳnh trở về quê, cả hai đứng trước cây xoài năm cũ. Tùng: "Quỳnh ơi, Tùng có chuyện này muốn nói với Quỳnh đây". Quỳnh: "Tùng nói đi, sao vậy, có chuyện gì vậy Tùng. Tùng làm Quỳnh lo quá à". Tùng: Tùng đã quyết định đi xuất gia. Tùng đã thuyết phục cha mẹ, cha mẹ đã đồng ý rồi. Riêng đối với Quỳnh, Tùng muốn nói với Quỳnh, trong những tháng ngày qua tình cảm của Quỳnh, Tùng hiểu chứ, Tùng biết chứ. Nhưng trong lòng Tùng còn lý tưởng chưa hoàn thành, có những lúc muốn nói nhưng chưa thể nói. Nay ý chí xuất gia đã kiên định, việc học cũng đã hoàn thành. Tùng phải đi xuất gia Quỳnh à. Đời người là khổ, càng nhiều ràng buột càng nhiều khổ đau. Tùng sẽ xuất gia tìm cầu học Phật, sao đó nguyện đem ánh sáng Phật pháp lan truyền làm nhiều việc lợi lạc cho chúng sinh. Quỳnh nghe Tùng nói mà nghẹn trong lòng, mắt ầng ật nước. Tai Quỳnh như ù đi, thâm tâm Quỳnh tự nói hàng ngàn lần đây là sự thật sao, đây là điều Tùng thật sự muốn ư, nếu Quỳnh không đồng ý Tùng vẫn phải đi phải không? Những hình ảnh của Tùng hiền lành, yêu thương mọi người, yêu thương loài vật hiện lên như những thước phim chiếu chậm, những lời phân tích, khuyên bảo, những triết lý Phật giáo mà Tùng nói với Quỳnh như văng vẳng bên tai, hình ảnh Tùng xốc vác nhanh nhẹn khi đi cứu trợ người nghèo, hình ảnh Tùng trang nghiêm, chánh niệm trong từng cử chỉ khi quỳ trước tôn tượng của Đức Phật như ẩn hiện trước mắt Quỳnh. Có lẽ mong muốn xuất gia đã nhen nhóm trong lòng Tùng từ những năm bắt đầu học đại học. Ý chí đó luôn nung nấu từng ngày, từng ngày, chưa bao giờ mong ước đó phai nhạt trong tâm trí chàng thanh niên trẻ. Tùng đã ngầm nói với Quỳnh bằng nhiều cách nhưng Quỳnh vô tư nào hiểu. Quỳnh yêu Tùng, Quỳnh muốn Tùng được hạnh phúc vui vẻ, và đạt được tâm nguyện của mình. Nhưng chỉ cần một câu đồng ý của Quỳnh, có lẽ trong kiếp này, Quỳnh sẽ mất Tùng mãi mãi. Quỳnh yêu Tùng mà nhưng tình yêu của Quỳnh thật nhỏ bé, thật nhỏ trước tình yêu bao la mà Tùng dành cho tất cả mọi người, cho vạn vật sinh linh. Bất giác nước mắt rơi. Tùng vẫn im lặng, Quỳnh vẫn im lặng. Không gian như ngừng trôi giây phút này. Giây phút thân mật ấm áp cuối cùng mà Quỳnh còn được ở bên cạnh Tùng, còn có thể nhìn gương mặt của Tùng gần như vậy. Không gian im lặng nhưng trong lòng Quỳnh như có từng đợt sóng thần, sự xung đột, mâu thuẫn, đau đớn, dằn vặt như xé con tim bé nhỏ ấy ra làm nhiều mảnh. Cuối cùng Quỳnh cất tiếng nói, giọng run run, lạc đi trong gió: "Quỳnh cũng ủng hộ quyết định của Tùng". Tùng quay qua nhìn Quỳnh dịu dàng: "Quỳnh lúc nào cũng hiểu lòng Tùng, cám ơn Quỳnh". Tùng đưa tay quyệt giọt nước nhỏ xíu ở khoé mắt chưa kịp lăn dài trên đôi má rám nắng của mình. Tùng trở lại Sài Gòn xin tập sự xuất gia tại chùa Từ Tâm, sau đó 1 năm thì Sư trụ trì làm lễ xuất gia cho Tùng. Biết ngày hôm đó Tùng xuất gia, lòng Quỳnh bồn chồn không yên, một nửa muốn đi, một nửa không muốn. Quỳnh sợ giây phút đối diện sẽ yếu lòng, sẽ làm bận tâm người xuống tóc. Nhưng giây phút cuối cùng Quỳnh đã chạy đến chùa Từ Tâm, lúc đó Quỳnh không còn nghĩ gì nữa cả, trong lòng chỉ mong một lần cuối được nhìn thấy Tùng. Quỳnh đến nhưng không dám vào, chỉ đứng một bên cửa chánh điện theo dõi lễ xuất gia. Quỳnh đứng cách Tùng có đôi mươi bước chân mà trông xa như ngàn dặm. Dẫu có bước nhưng sẽ mãi mãi không bao giờ bước tới. Ngăn cách giữa Quỳnh và Tùng là cửa chánh điện uy nghiêm, chỉ ở trong và ở ngoài cửa thôi mà đã là hai thế giới. Thế giới của Tùng kể từ giờ phút những sợi tóc rơi xuống là một thế giới khác. Thế giới mà Quỳnh không thể chạm vào. Quỳnh trở về quê, rất lâu sau đó, Quỳnh mới lấy lại được tinh thần của mình. Cô vẫn tham gia vào nhóm thiện nguyện "Trái tim mặt Trời". Ngày qua ngày, tháng qua tháng thấm thoắt đã 10 năm. Một buổi sáng tốt lành, khi cả nhóm chuẩn bị đi phát quà cho mái ấm tình thương. Quỳnh bỗng nghe các em gọi nhau í ới: "Thầy về rồi các bạn ơi". Quỳnh nghe thấy mà như chết lặng, "là Tùng sao", có mấy lần rồi, các em cũng nhao lên như vậy, nhưng là các Thầy giáo trong trường mà thôi, nhưng các em thường gọi là "Thầy đến rồi". Hôm nay, các em gọi, các em gọi Thầy.. về, về rồi! Tim của Quỳnh đập liên hồi, đây có phải là sự thật không, Quỳnh từ từ xoay người lại. Là Tùng, là ánh mắt này, nụ cười này, 10 năm rồi phải không Tùng. Nhìn Tùng, Quỳnh nhoẻn miệng cười, nụ cười thấu hiểu, bao dung, Tùng nhìn lạ và trang nghiêm quá trong chiếc áo cà sa của người tu, rồi cái đầu không còn tóc. Trong lòng Quỳnh lúc này chợt dâng lên niềm tôn kính vô biên. Hai tay cô chắp lại như một búp sen dâng tặng người xuất sĩ: "Sen búp xin tặng Người, một vị Phật tương lai." * * * Trong chiều mưa năm đó tại gốc xoài, có hai đứa trẻ cùng lo lắng cho những chú chim trong tổ. Tùng: "Quỳnh ơi, các con chim đã lớn bay đi hết rồi. Chỉ còn cái tổ trống thôi." Quỳnh rớm lệ: "Sao nó bỏ đi, nó không ở lại với mình vậy Tùng." Tùng: "Cuộc đời này là vô thường mà Quỳnh cái gì cũng sẽ thay đổi không gì là tồn tại vĩnh viễn". Quỳnh: "Vậy sau này Tùng có bỏ Quỳnh mà đi không?" Tùng: "Ngốc quá! Tùng sẽ luôn thương Quỳnh mà cho dù sau này có Tùng có đi đâu khi Quỳnh nhớ những lời Tùng đã nói, sống thật tốt, làm nhiều điều thiện lành như Tùng đã làm, như vậy là Tùng luôn bên Quỳnh đó". Quỳnh: "Quỳnh nhớ rồi". Tiếng cười giòn tan trong cơn mưa, những hàng lau sậy hai bên nghiêng lả tả như đuổi theo chân hai đứa trẻ. Người ta cho rằng tình yêu là thuộc về nhau, là sở hữu nhau. Cũng có người cho rằng tình yêu đẹp nhất chính là khiến cho người mình yêu được tự do và hạnh phúc. Và đặt biệt hơn nữa có thứ tình yêu cao cả vượt lên trên giới hạn thông thường, tình yêu đó giúp cho người ta mạnh mẽ, dám hy sinh tình yêu nhỏ bé của mình để dành tình yêu đó cho tất cả mọi người. Đó chính là từ bi, là hỷ xả, là tình yêu lớn dành cho nhân loại, cho chúng sinh. - Trúc Châu -