Truyện Ngắn Dưới Chân Cầu - Triều Nguyễn

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TrieuNguyen, 1 Tháng mười 2020.

  1. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    [​IMG]

    Tác phẩm: Dưới Chân Cầu

    Tác giả: Triều Nguyễn

    Nội dung:​

    Đêm hôm khuya khoắt, gió thổi rì rào, mấy bụi tre già lao xao như đang uốn mình nhảy múa phát ra những thanh âm răng rắc quái dị. Nó tỉnh dậy, thấy ánh trăng non lấp ló sau những đám mây lớn trên bầu trời, khi tỏ khi mờ, năm sáu con đom đóm lập lòe lảo đảo bên trên một bụi cỏ rậm rạp.

    Đầu óc nó rỗng tuếch, mơ hồ. Nó nhớ chiều hôm nay theo người ta đi giật đồ cúng, tháng bảy âm lịch năm nào nó cũng theo người ta đi khắp nơi, giật được cái gì thì ăn cái đó, có khi là mấy khúc mía ngọt lịm, có khi lại là mấy trái cóc chua lè, hiếm lắm mới giành được vài tờ bạc lẻ. Mấy đứa trong đám toàn lớn hết cả rồi, đứa nào nhỏ lắm cũng đã mười ba, mười bốn tuổi, cao lớn hơn hẳn, tay chân lại mau lẹ, có thứ gì ngon nghẻ là tụi nó chộp hết cả, nó gắng lắm cũng chỉ lượm được những thứ còn xót lại dưới đất mà thôi.

    Năm nay dịch bệnh kéo dài, làm ăn thất bát, thành ra nhà nào cũng cúng toàn trái cây, xôi, cháo; tụi nó đi rã cả cặp giò, tìm mỏi hết con mắt mới thấy có một nhà rải tiền giấy. Ông chủ nhà bày đồ cúng ra trước cửa, hai tay cầm ba cây nhang thành khẩn giơ lên trước mặt, mắt thì nhắm, miệng lẩm bẩm khấn vái. Phía bên trên, có người đứng sẵn ngoài ban công, tay cầm một xấp giấy bạc dày cộm, chỉ đợi ông chủ khấn xong là lập tức vung tiền cho nó bay tá lả. Cái cảnh tượng mấy chục, thậm chí là hàng trăm con người lao nhao giành giật nhau từng đồng bạc trông hỗn loạn chẳng khác nào bãi chiến trường khốc liệt, có người còn chen lấn, xô đẩy đối phương đến nổi ngã chỏng vó lên, miễn sao bản thân giành được càng nhiều tiền càng tốt, mà càng được nhiều tiền thì càng hăng, càng chen lấn, xô đẩy quyết liệt hơn, khí thế hừng hực cứ như một ông mãnh tướng thời phong kiến, một mình vùng vẩy giữa trăm ngàn quân địch.

    Lúc này trước cửa đã tụ lại gần năm mươi con người, năm mươi cặp mắt chăm chú nhìn theo bàn tay của người đang đứng trên ban công, người nào người nấy vẻ quyết tâm hiện rõ trên gương mặt, chỉ cần người kia vung tay một cái thì lập tức lao vào giành giật. Người đi đường thấy cảnh tượng hoạt náo như vậy cũng dừng xe lại xem, mới đầu chỉ có năm ba chiếc, rồi thêm năm ba chiếc nữa, một lát sau thì nhiều không đếm xuể. Ông chủ nhà vẫn lẩm nhẩm khấn vái, mấy chục con người kia càng lúc càng sốt ruột, bắt đầu có những tiếng hối thúc thốt ra, lẩn đâu đó còn có cả những lời tục tĩu. Càng đợi lâu, dòng xe máy hai bên đường càng dài ra, có những người không muốn dừng lại xem mà cứ bị mấy chiếc xe phía trước cản trở nên bóp còi inh ỏi. Con đường này ngày thường cũng là khu mua bán sầm uất, xe cộ vốn đông đúc, bây giờ lại tăng thêm mấy phần, tiếng hỗn tạp của con người, xe cộ, cây cối hòa vào trong tiếng gió vang đi, lan sang cả mấy con phố bên cạnh, nghe đinh cả tai, nhức cả óc.

    Len lỏi trong đám đông lộn xộn đang bắt đầu mất bình tĩnh kia có một thằng nhỏ mình mẩy đen đúa, tóc tai bù xù, chính là nó. Nó chui nhủi trong đám người, cố chen lấn để kiếm được một chỗ thuận lợi nhất.

    Cuối cùng thì thời khắc mà tất cả mong chờ đã đến, ông chủ nhà cắm ba cây nhang vào một cái lon chứa đầy gạo, chắp tay lạy tứ phía. Người đứng trên ban công quơ tay một cái, mấy trăm tờ tiền giấy với đủ các mệnh giá bay là là trong gió. Đám đông phía dưới như chỉ chờ có thế, lập tức tủa ra tứ tán, cứ nhằm chỗ có tiền rơi xuống mà nhào tới. Mấy đứa thanh niên trai tráng xem ra có lợi thế nhất, chúng vừa cao vừa khỏe, hết xô người này lại đẩy người kia, quơ, chụp, bốc, hốt đủ các kiểu, lại nhằm những tờ bạc lớn mà lao tới, năm sáu đứa giật được một xấp kha khá, cười hô hố rồi bỏ đi, chẳng thèm nhặt mấy tờ bạc lẻ còn sót lại.

    Bấy giờ chỉ còn lại đàn bà và trẻ con, đám con nít thì tinh mắt hơn, chúng chia nhau ra nhặt tiền lẻ, có đứa còn leo hẳn lên ngọn cây để lấy nhừng tờ bị gió cuốn lên đó.

    Mười mấy người phụ nữ đang vây quanh cái bàn cúng, họ giành qua giật lại một hồi làm cho cái bàn đổ nhào luôn ra đường, cóc ổi cứ lăn lông lốc trên mặt đường. Có ba người tuổi đã ngoài năm mươi, chia ra ba góc nắm lấy con gà cúng, miệng chí chóe sỉ vả nhau, chẳng bà nào chịu nhường bà nào.

    - Con tôi nó nhịn đói suốt mấy ngày nay rồi, hai mụ có chịu buông ra không thì bảo?

    - Bà cứ không buông ra đấy, chúng mày làm gì được bà?

    - Hai đứa chúng mày còn trẻ không chịu lo làm ăn, đi giành giựt nắm cơm của tao mà không biết xấu hổ!

    Toạc một cái, con gà bị phanh ra làm ba. Hai người đàn bà nhỏ tuổi hơn mỗi người một cái đùi, bà già già nhất nắm được cái đầu, phần thân con gà thì rơi tọt xuống đất, đã bị họ đạp bẹp từ hồi nào cũng không hay. Ba người trừng mắt nhìn nhau, hứ một tiếng rồi đều lẳng lặng bỏ đi.

    Chỉ một lúc sau, đám đông giật đồ cúng sau khi thu gom hết chiến lợi phẩm đã không còn thấy ai, dân chúng đứng xem bên đường cũng tản ra mà đi, thoáng chốc cái chiến trường khốc liệt ban nãy chỉ còn lại một mình nó. Nó nằm dài trên mặt đường thô ráp, mình mẩy xây xước, mặt mũi cũng lấm lem, lấm tấm mấy vết trầy rươm rướm máu.

    Nó lồm cồm bò dậy, dùng hai bàn tay co quắp của mình phủi phủi bụi bặm dính trên người, đi khập khiễng tới chỗ chiếc bàn cúng nằm chỏng gọng trên đường, cúi xuống nhặt phần thịt gà đã nhão nhẹt dưới đất cho vào một cái bọc rồi bước đi.

    Ông chủ nhà thấy nó chân thấp chân cao, hai tay co quặp, người chỉ có da bọc xương, lòng thương hại nên mới gọi nó lại, dúi vào tay nó một tờ giấy bạc, nói:

    - Mày cầm lấy mua cái gì mà ăn! Khổ, người ngợm đã ốm yếu thế kia còn bày đặt học theo người ta đi giật cô hồn làm gì!

    Tay nó run run, đẩy ngược tờ bạc về phía ông ta, đưa lên trước mặt huơ huơ làm như không muốn nhận. Ông chủ nhà trố mắt nhìn nó, hỏi:

    - Mày không nói được hả?

    Nó gật đầu. Ông xoay lưng đi vào nhà, một lúc sau thì trở ra với chén xôi trên tay, đưa cho nó rồi nói:

    - Mày cứ đem về ăn, cái chén thì khi nào quay lại trả cũng được, chứ thịt gà bị người ta đạp lên rồi thì ăn làm sao được!

    Nó cúi đầu, lấy chén xôi đổ luôn vào trong bọc thịt gà, trả cái chén lại rồi quay lưng đi.

    Ông chủ nhà vội kéo lại, nhét vào tay nó một cái lọ. Miệng nó ú ớ một hồi nhưng mãi mà không nói ra được hai tiếng "cám ơn", đành cúi đầu thêm một lần nữa.

    Nó đi thật vội, vừa đi vừa ôm chặt cái bọc như thể sợ người ta giật mất của quý, chỗ thức ăn này đối với nó bây giờ còn quý hơn cả vàng bạc, châu báu. Nó cũng không còn nhớ, lần cuối cùng mà nó được ăn một bữa tử tế là khi nào.

    Dưới ánh chiều tà, cái bóng nhỏ cong queo của nó cứ thoăn thoắt lướt đi trên mặt đường, đi mãi, đi mãi, đến khi ra đến bờ của một con sông vùng ngoại ô. Nó thở phào, cuối cùng thì cũng về đến nhà.

    Nhà của nó được nhà nước xây cách đây mười mấy năm rồi, to lớn và vững chải, mà cũng phải mấy chục tấn sắt chứ ít gì, không vững chải mới là lạ, vậy mà nó không hiểu tại sao người ta cứ gọi nhà của nó là gầm cầu, nó mặc kệ. Nó không nhớ mình đã ở đây bao lâu, chỉ biết là từ khi đầu óc của nó bắt đầu nhận thức được mọi thứ thì nó ở đây. Có mấy người lâu lâu cũng ghé chỗ của nó làm khách, đa phần là đàn ông, có người gọi nó là "thằng mồ côi", có người lại gọi là "thằng bị bỏ rơi", nó không biết những từ đó có nghĩa là gì, cũng không mở miệng hỏi họ nghĩa của những từ đó được, rồi lâu ngày nó cũng không còn để ý đến những điều mà bọn họ nói nữa.

    Những người đó đến ở với nó được vài hôm rồi lại đi, có người thì lâu lâu quay lại, có người thì mất biệt, thành thử nó chỉ có một mình. Cho đến hai năm trước, nó đi lục bãi rác trong thành phố, tình cờ bắt gặp một anh bạn nhỏ cũng đang lục lọi giống như mình.Hai đứa giành nhau một que kem mà người ta vừa mới vứt đến u đầu sứt trán, sau cùng lại dắt nhau về đây sống, nhờ đó mà mỗi ngày nó không còn thấy buồn chán nữa.

    Nó đặt bọc thức ăn lên một cái bàn bằng nhựa mà năm ngoái nhặt được ở bờ sông, lôi hai cái ghế giấu kỹ trong chân cầu ra đặt hai bên. Cái bàn màu xanh nhạt, hai cái ghế thì một cái màu đỏ, một cái màu cam, trông chẳng đồng bộ tí nào, vậy mà nó thì coi như báu vật, hôm nào có được đồ ăn ngon mới dám đem ra dùng.

    Nó lấy một cái bát lớn bằng sứ, miệng bát mẻ lởm chởm như bị người ta dùng răng gặm, đi tới chỗ thành cầu múc một bát nước lớn trong cái lu hứng nước mưa có được từ cơn mưa tuần trước. Mấy ngày rồi trời cứ nắng chang chang, nước trong lu chỉ còn chưa tới phân nửa, nó cẩn thận bưng bát nước đến đặt trên bàn mà không đánh rơi một giọt nào, nước sạch với nó quý cũng chẳng kém gì thức ăn.

    Nó lại vào trong chân cầu lấy ra hai cái đĩa cũng lởm chởm không thua gì cái bát lúc nãy, đặt lên bàn, lấy xôi trong bọc ra cho vào một cái đĩa, rồi ngồi xuống cái ghế màu đỏ, dùng nước trong bát rửa sạch chỗ thịt gà bị bẩn rồi cho vào cái đĩa còn lại. Mọi thứ tươm tất, nó ngó nghiêng chung quanh, đảo mắt tìm kiếm anh bạn thân của mình. Thường ngày hai đứa vẫn quấn quýt như hình với bóng, mỗi khi có đồ ăn ngon thì tụi nó lại cùng nhau ngồi ăn, nó ngồi trên cái ghế màu đỏ, còn anh bạn kia thì ngồi trên cái ghế màu cam, lúc nào cũng như vậy. Mọi lần chỉ cần ngửi thấy mùi thức ăn là cậu ta đã lăng xa lăng xăng, nhảy nhổm lên ngồi ngay ngắn trên cái ghế của mình, chẳng hiểu sao hôm nay nó về đã một lúc lâu mà không thấy cậu ấy đâu cả, trong bụng nó bắt đầu lo nhặng lên.

    Ngoài trời tối dần, bên trên cầu người người đi qua đi lại đông hơn hẳn, chút đèn đường le lói soi rọi xuống mặt nước, phản chiếu vào trong gầm cầu, thấy khuôn mặt nhem nhẻm đen của nó mỗi lúc một trở nên sợ hãi. Bọn ruồi nhặng ngoài sông cứ bay vào bâu quanh đĩa xôi với đĩa thịt gà, nó phải huơ tay liên tục để xua chúng đi.

    Đã một lúc lâu rồi mà không thấy cậu bạn trở về, nó lo càng thêm lo, có bao giờ cậu ta đi ra ngoài lâu như vậy đâu. Nó không ngồi chờ được nữa, cho hai đĩa đồ ăn vào bọc, cột lại cẩn thận rồi đi ra ngoài tìm.

    Cả buổi chiều phải đi bộ về từ thành phố, trước đó còn bị người ta xô đẩy, giẫm đạp, cơ thể vốn đã yếu ớt của nó bây giờ càng trở nên ê ẩm hơn, hai chân đau nhức khủng khiếp, nó không tài nào bước tiếp được nữa, ngã quỵ xuống một cây cột đèn, dựa lưng vào đó thở hổn hển.

    Ngồi nghỉ mệt một chốc, nó chợt nhớ trong túi quần có lọ dầu nóng mà ông chủ nhà đưa cho ban chiều, liền lấy ra xoa bóp chân tay thử xem sao. Mấy ngón tay co quắp của nó cho vào trong lọ, lấy ra một ít dầu thoa lên tay, thoa tới đâu thì da thịt chỗ đó nóng ran lên, một lúc sau thì tê hẳn đi. Nó cứ thế hết tay này thì chuyển sang tay kia, rồi xoa bóp cả hai chân, một hồi lâu thì cơn đau cũng tạm lắng xuống.

    Ngồi nghỉ thêm mấy phút, nó lại thấy lo cho cậu bạn của mình, cố đứng dậy đi tiếp. Những nơi đường lớn, có ánh đèn sáng tỏ, nó cố tìm cho thật kỹ, rồi liên tục vỗ hai bàn tay vào nhau tạo thành những tiếng lốp bốp thật to, mong rằng cậu bạn kia nếu có quanh quẩn đâu đấy có thể nghe thấy, nhưng bốn bề vẫn tĩnh lặng như tờ, nó càng tìm kiếm càng trở nên vô vọng.

    Đến những chỗ thưa nhà, ánh sáng hắt hiu, nó cố lần mò từng lùm cây bụi cỏ một, nhưng cũng chẳng ích gì. Nó đi loanh quanh thêm một một hồi, rồi đưa mắt nhìn quanh, thấy mình đã cách xa nhà lắm rồi. Bất chợt trong đầu nó hiện ra một ý nghĩ, có lẽ cậu ta chờ nó đem đồ ăn về lâu quá nên đã ra ngoài tìm thứ gì đó bỏ bụng, cậu ta vốn ham ăn lắm cơ mà, có khi trong lúc mình còn đang đi tìm khắp nơi thì cậu ta đã về nhà rồi cũng nên, hay là quay về xem thế nào? Nghĩ đến đó, trong lòng dường như an tâm hơn một chút, nó vội quay lưng đi về phía cây cầu.

    Vừa đi nó vừa suy nghĩ, đoán già đoán non, không chừng anh bạn kia kiếm được một mối ngon, ăn uống no nê rồi về nhà nằm ngủ trên cái nệm êm ái trong khi mình phải lo sốt vó đi tìm. Nó nghĩ như vậy thì bỗng dưng vừa thấy giận, vừa thấy buồn cười, đôi môi khô rát chợt mỉm lên, trong đêm tối bước đi thật nhanh.

    Sương bắt đầu rơi lác đác, vai áo nó ướt đẫm. Chưa bao giờ nó thấy nhớ cái nệm ấm áp kia như bây giờ, cái nệm mà người ta cho nó, người ta đánh rơi rồi nó đem trả lại nhưng người ta vẫn cho nó, một cái nệm mỏng dí nhưng ấm áp lạ thường. Bây giờ nó chỉ muốn về nhà thật nhanh, nằm vật ra cái nệm đó rồi ôm lấy cậu bạn của mình đánh một giấc, được như thế thì chẳng còn gì có thể tuyệt vời hơn nữa.

    Nó bước đi càng lúc càng nhanh, hai chân như mạnh mẽ đến phi thường, trong đầu chỉ tưởng tượng ra những chuyện vui vẻ, đột nhiên trong lòng nó hạnh phúc lâng lâng, có lẽ là hạnh phúc nhất kể từ lúc nó sinh ra. Mà cũng không hẳn là như vậy, vì nó có biết mình sinh ra khi nào đâu, hay cha mẹ của nó là ai? Ngay cả một cái tên như người ta mà nó còn không có, mà nếu có có đi chăng nữa thì nó cũng chẳng thể nào nói ra cho người khác biết được, nó đâu có biết nói. Nó sống dưới gầm cầu có một thân một mình từ hồi còn nhỏ xíu thì làm gì có ai dạy cho nó nói, nó không biết mình bị câm hay chỉ là không biết cách nói chuyện, cũng chẳng có ai biết mà trả lời cho nó chuyện đó. Nó cứ mặc kệ những thắc mắc trong đầu, rằng cha mẹ nó là ai? Nó tên gì? Nó có bị câm hay không? Mặc kệ những khiếm khuyết trên cơ thể, những khiếm khuyết khiến nó trở nên khác biệt với mọi người, khiến nó đơn độc giữa cuộc đời rộng lớn, cứ thế sống hết ngày này qua ngày khác, kiếm được cái gì thì ăn cái đó, người ta cho cái gì thì dùng cái đó, chẳng xin xỏ hay trộm cắp của người khác bao giờ.

    Nó đi đến bờ sông, trong đầu cứ suy nghĩ vẩn vơ, tiếng nước chảy rì rào làm nó như bừng tỉnh. Trên mặt sông, bóng trăng lấp lánh, những đóa lục bình kết thành từng mảng, từng mảng lớn, trong buổi đêm trông như những thảm cỏ khổng lồ đang êm ả trôi theo dòng. Ở giữa những mảng đen to lớn đó, có một đám lục bình nhỏ xíu dập dìu theo con nước, bên trên như có chở theo một thứ gì đó. Nó nheo mắt nhìn ra giữa dòng, thấy trên đám lục bình nhỏ là một con chó có bộ lông màu trắng. Con vật nhỏ cứ nằm im thin thít, bộ lông ướt sũng, bị những con sóng vồ dập nên cứ trồi lên rồi thụp xuống. Nó dụi mắt nhìn cho thật kỹ, tự dưng thấy sống lưng lạnh buốt, hai hàng nước mắt trào ra, cuốn trôi hết mọi bụi bặm trên đường chúng đi qua.

    Chẳng kịp do dự, nó nhảy tõm luôn xuống sông. Trong đầu nó lúc này chỉ có những ký ức vui vẻ bên người bạn duy nhất của mình hiện lên, nó cố vùng vẫy để đến với cậu ta thật nhanh. Hai tay nó quơ quào trong con nước cuồn cuộn, đôi chân giãy dụa cố tiến về phía trước, tiến về phía con chó. Nó chỉ có một thân một mình trên cõi đời, người thân duy nhất của nó là con chó đang nằm trên đám lục bình kia thì cứ lặng lẽ mặc cho dòng nước cuốn đi, làm gì có ai dạy nó bơi, nó không biết nơi. Nó quằn quại một lúc lâu nhưng chẳng cách nào tới gần đám lục bình nhỏ kia được, hai tay nó bắt đầu co quặp lại, nước ùa vào cổ họng, chui vào bụng, dòng nước hung tợn như đang cố nhấn chìm nó trong khoảnh khắc. Bằng chút sức lực nhỏ bé, nó cố ngoi lên, hai mắt nó sáng bừng như hai hòn lửa đỏ, trân trân nhìn theo con vật tội nghiệp đang trôi về phía hạ nguồn, mấy ánh sao trên trời cũng mờ dần, mờ dần rồi tối sụp lại...

    Lúc nó tỉnh dậy, chỉ thấy ánh trăng sáng trên trời, còn mình thì nằm trên một bãi đất rộng thênh thang. Bên cạnh có một bụi tre già, gió thổi làm cho mấy ngọn tre quằn xuống, đu đưa như một cánh tay người. Nó đưa tay lên dụi mắt, đột nhiên thấy hai bàn tay mình thon dài, nó nhìn xuống chân, thấy hai chân cũng bằng nhau, nó mừng quá, cười lớn lên.

    Chợt nghe đằng xa có tiếng chó sủa, nó nghe tiếng con chó này quen lắm, mừng rỡ reo lên:

    - Lông Trắng, là cậu đó phải không?

    Nó ngạc nhiên hơn, gọi thêm mấy tiếng nữa:

    - Lông Trắng, Lông Trắng...

    Từ trong bụi tre, một con chó nhỏ chui ra, chạy lăng xăng xung quanh nó. Con vật nhỏ ư ử mấy tiếng rồi liếm lên mặt nó, lên tay, lên chân, lên khắp người nó. Nó vui mừng đến bật khóc, ôm con chó vào lòng, tự dưng con vật nhỏ như trở nên điên dại, cắn vào tay nó một cái rõ sâu rồi co giò chạy mất hút. Máu từ vết thương cứ chảy ra không ngớt, ướt hết cả quần áo, loang lỗ trên mặt đất, nhưng kỳ lạ, nó không hề cảm thấy đau đớn, nó chỉ thấy lạnh, lạnh buốt, cơn lạnh khiến nó lại ngất đi...

    Nó mở mắt ra, chỉ thấy chung quanh toàn là nước. Dòng nước lạnh như băng bao trùm lấy cơ thể nhỏ bé đầy khiếm khuyết của nó. Những đám lục bình lờ lững trôi theo dòng trông như những đám mây lớn đang bay trên bầu trời, cả người nó chẳng còn chút sức lực, tay chân buông thõng, đôi mắt yếu ớt cố mở to ra nhưng không tài nào mở nổi, nó chìm dần xuống đáy sông. Trong thanh âm ầm ầm như thác đổ, nghe văng vẳng đâu đó có tiếng gọi nỉ non: Lông Trắng, Lông Trắng...

    Hết!​
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng tám 2020
  2. Paferuto

    Bài viết:
    8
    Chào anh!

    Đọc truyện của anh lại thấy buồn quá ạ. Màu truyện tối tối, buồn buồn. Cuộc đời nhân vật đáng thương nhưng ở cậu lại có nhiều điều đáng quý. Cậu biết chỉ nên nhận của bố thí chứ không cướp giật trên tay người, cậu biết yêu thương, biết thế nào là hạnh phúc thật sự. Dù cái kết buồn lắm nhưng cá nhân em thấy vậy lại ổn thỏa. Giây phúc cuối cùng cậu vẫn chỉ biết yêu thương. Nói thật nhé, cái này nhân văn lắm luôn ạ.

    Anh miểu tả đúng mát tay, bầu không khí truyện nhờ vậy cũng trở nên thật lắm, tưởng tưởng ra các cảnh truyện cũng dễ hơn.

    Có thể có nhiều tầng nghĩa em vẫn chưa hiểu hết nhưng chỉ bề nổi thôi cũng đã đủ mủi lòng rồi..

    Chúc anh một ngày tốt lành nhé~

    P/s: Mãi ủng hộ truyện của anh :3
     
  3. TrieuNguyen

    Bài viết:
    51
    Cảm ơn em đã ủng hộ nè, nói thật không có nhiều người hiểu được truyện của anh đâu, nên có vài người như em thì thật sự rất vui ^^
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...