Dựng lại những sự kiện lịch sử được Nguyễn Trãi nhắc đến trong đoạn trích. Vậy nên… còn ghi

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Cần ngừi nui, 22 Tháng ba 2024.

  1. Cần ngừi nui

    Bài viết:
    201
    Đề bài: Dựng lại những sự kiện lịch sử được Nguyễn Trãi nhắc đến trong đoạn trích.

    "Vậy nên:

    Lưu Cung tham công nên thất bại,

    Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong.

    Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô,

    Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.

    Việc xưa xem xét

    Chứng cớ còn ghi"

    [​IMG]

    a. "Lưu Cung tham công nên thất bại."

    Lưu Cung tên thật là Lưu Nghiễm, Nam Hán Cao Tổ Lưu Nghiễm, là hoàng đế đầu tiên của nước Nam Hán thời Ngũ Đại Thập Quốc. Ông là kẻ bị Tiền Ngô vương đánh bại đến mức kinh hồn bạt vía, phải từ bỏ hoàn toàn mộng xâm lược Đại Việt.

    Ngược dòng lịch sử, năm 937, Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ bị nha tướng Kiều Công Tiễn làm phản lập mưu giết chết, đoạt lấy quyền cai quản Tĩnh Hải quân. Năm 938, tướng cũ của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền nổi dậy tại Ái châu và sau đó tiến công Giao châu, Tiễn cầu viện Nam Hán. Vua Nam Hán là Lưu Nghiễm muốn nhân cơ hội này để đoạt lấy Tĩnh Hải quân, liền bổ nhiệm hoàng tử Lưu Hoằng Tháo (18 tuổi) làm Tĩnh Hải tiết độ sứ, đem binh đến cứu Giao châu. Lưu Nghiễm còn tự mình đem một đội quân theo sau, đến đóng ở Hải Môn.

    Đây chính là sai lầm đầu tiên của Nghiễm trong chiến dịch tấn công Giao Châu. Ngô Quyền nghe tin Hoằng Tháo sắp đến, ông bảo với các tướng rằng: "Hoằng Tháo là đứa trẻ khờ dại, đem quân từ xa đến, quân lính còn mỏi mệt, lại nghe Công Tiễn đã chết, không có người làm nội ứng, đã mất vía trước rồi. Quân ta lấy sức còn khỏe địch với quân mỏi mệt, tất phá được".

    Sau đó, Ngô Quyền cho quân sĩ đóng cọc có bịt sắt nhọn xuống lòng sông Bạch Đằng. Khi thuỷ triều lên, bãi cọc không bị lộ. Kế sách của ông là nhử quân giặc vào khu vực này khi thủy triều lên và đợi nước triều rút xuống cho thuyền địch mắc cạn mới xua quân đánh úp, 1 trận quyết định thành bại.

    Cần biết rằng, thời điểm giết chết Kiều Công Tiễn chiếm lại Giao Châu, Ngô Quyền là một tướng lĩnh dạn dày kinh nghiệm ở tuổi 40, trải qua những trận đại chiến như đánh bại họ Khúc và phò tà Dương Đình Nghệ đánh bại quân Nam Hán trước đó. Trong khi đó Hoằng Tháo là kẻ chẳng có bản lĩnh trận mạc lại kiêu ngạo, vốn dĩ không phải đối thủ của Ngô Quyền, xét trên tất cả các phương diện.

    Sai lầm thứ hai của Nghiễm là tham lam, muốn hành quân nhanh, tốc chiến tốc thắng mà bỏ qua lời can gián của Sùng văn hầu Tiêu Ích, một trí giả bậc nhất Nam Hán thời đó. Theo Đại việt sử ký toàn thư, khi Nghiễm hỏi kế, Tiêu Ích đã khuyên thế này: "Nay mưa dầm đã mấy tuần, đường biển thì xa xôi nguy hiểm, Ngô Quyền lại là người kiệt hiệt, không thể khinh suất được. Đại quân phải nên thận trọng chắc chắn, dùng nhiều người hướng đạo rồi sau mới nên tiến".

    Tiêu Ích muốn Nghiễm điều nghiên kĩ lưỡng, tích trữ đủ lương thảo, từ từ tiến quân, sau đó chia quân nhiều hướng, thủy bộ cùng tiến, dần dần tạo thành những gọng kìm xiết chặt Giao Châu. Đây là cách đánh chậm mà chắc, và đảm bảo thắng lợi toàn diện. Nhưng Nghiễm vốn ngạo, lại có phần xem thường Ngô Quyền, nên không nghe theo.

    Một ngày cuối đông năm 938, đoàn binh thuyền do Hoằng Tháo chỉ huy vượt biển vào tới cửa ngõ Bạch Đằng. Quân Nam Hán thấy quân của Ngô Quyền chỉ có thuyền nhẹ, quân ít hùng hổ tiến đánh. Ngô Quyền ra lệnh cho quân trá bại, nhử địch lên thượng lưu. Đợi đến khi thủy triều xuống, Ngô Quyền hạ lệnh cho quân sĩ đổ ra đánh.

    Thuyền chiến lớn của Nam Hán bị mắc cạn và lần lượt bị cọc đâm thủng gần hết. Cùng lúc đó, các mũi quân của Ngôi Quyền tấn công dữ dội. Quân Nam Hán thua chạy, còn Lưu Hoằng Tháo bỏ mạng với hơn một nửa quân sĩ. Nghiễm khi đó đang đóng quân ở biên giới không kịp trở tay đối phó. Nghe tin Hoằng Tháo tử trận, Nghiễm gào khóc thảm thiết, tập hợp tàn quân trở về Nam Hán. Từ đó nhà Nam Hán bỏ hẳn mộng xâm lược Tĩnh Hải quân.

    Vậy mới nói, "Lưu Cung tham công nên thất bại."

    [​IMG]

    b. "Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong."

    Triệu Tiết là tướng nhưng xuất thân từ văn nhân, từng đỗ tiến sĩ trước khi vào quan trường và thích đánh bằng nhân tâm, thích dùng mưu kế chính sách hơn là bày binh bố trận. Triệu Tiết lên làm tướng sẽ phù hợp với kiểu đánh chắc thắng chắc. Nhưng hay tin Lý Thường Kiệt tiêu diệt gần như toàn bộ quân Tống ở khu vực giáp biên, vua Tống là Thần Tông nóng lòng trả thù, nên muốn đánh nhanh thắng nhanh, cho Quách Quỳ lên làm tướng, còn Triệu Tiết làm phó tướng. Triệu Tiết và Quách Quỳ bàn kế đánh Đại Việt nhưng không hợp ý nhau. Triệu Tiết muốn dùng sách lược thu phục lòng người dân tộc thiểu số ở biên giới, chiêu nạp những kẻ hai lòng, được lòng người rồi đưa quân đến sẽ đánh dễ dàng hơn. Nhưng Quách Quỳ không theo kế ấy mà muốn tiến binh đánh nhanh thắng nhanh theo ý Hoàng đế.

    Khi tiến quân vào Đại Việt, Triệu Tiết muốn chia quân làm 3 cánh thủy bộ cùng tiến, hỗ trợ lẫn nhau. Quách Quỳ không nghe theo, vì theo cách ấy các cánh quân chờ nhau sẽ tiến rất lâu, trong khi đó nhà Tống đang muốn đánh nhanh thắng nhanh. Triệu Tiết phải làm theo ý chủ tướng, nhưng không phục, từ đó trở đi hai tướng tách ra chỉ huy quân của mình cùng tiến mà ít có mối liên kết với nhau, khiến sức mạnh quân Tống suy giảm.

    Thấy quân Tống mệt mỏi, quân Đại Việt chú ý đến cánh quân phía đông của Quách Quỳ, vượt sông nhắm vào cánh quân này. Lúc quân Tống tập trung phòng thủ, quân Đại Việt lại bất ngờ tập kích cánh quân phía tây của Triệu Tiết. Hai quân của Quách Quỳ và Triệu Tiết ở cách nhau quá xa, không thể hỗ trợ được cho nhau, vì thế quân Triệu Tiết bị đánh bất ngờ nên thảm bại, thiệt hại rất lớn, phải bỏ chạy nhiều. Vậy nên mới nói, "Triệu Tiết thích lớn phải tiêu vong." "Tiêu vong" là bị mất hẳn, tiêu tan đi sau một quá trình suy tàn dần.

    [​IMG]

    c. "Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô.

    Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã."


    Tại trận Chung kết cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia năm 2016, chi tiết đắt giá này đã trở thành câu hỏi 30 điểm (câu hỏi với điểm số cao nhất đòi hỏi đọ khó rất cao) trong phần thi Về đích của thí sinh Vũ Tuấn.

    Câu hỏi được đặt ra: Nguyễn Trãi có nhầm lẫn không?

    "Toa Đô ký cầm ư Hàm Tử quan,

    Ô Mã hựu ế ư Bạch Đằng hải."

    Trong nguyên tác, có 4 từ cần chú ý là: "Cầm", có nghĩa là bắt, cầm cự, bắt giữ, khống chế, ngăn chặn, "ký", là xong, hết, hết thúc. Suy ra: Khi ghép hai từ "ký cầm" lại với nhau ta có bắt sống, bắt xong, bắt gọn, chặn đứng hoàn toàn. "Hựu" nghĩa là lại, thêm nữa hoặc dùng với hàm ý nhấn mạnh. Còn "ế" là giết, chết. Suy ra "hựu ế" là giết chết tươi.

    Dựa trên các ghi chép, đối sánh với tài liệu của Việt Nam và Trung Quốc thì ngày 24/6/1285. Hai tướng của quân Nguyên là Toa Đô và Ô Mã Nhi thua quân đội Nhà Trần, bỏ thuyền đi đường bộ ra phía biển. Trên đường chạy, Toa Đô bị quân Đại Việt bao vây, bị trúng tên chết. Ô Mã Nhi thì chạy thoát về Thanh Hóa, sau đó ta bắt sống được cùng với các binh tướng khác. Những người này đều được phóng thích về nước khi nhà Trần xin hòa và triều cống nhà Nguyên để tránh nạn binh đao. Tuy nhiên vua nhà Trần rất căm giận Ô Mã Nhi đã giết rất nhiều người và đã phá hoại lăng tẩm của tổ tiên nhà Trần (Trần Thái Tông), cộng thêm một phần là Ô Mã Nhi đã quá quen với việc chinh chiến ở Đại Việt, thuộc đường đất, nên vua Trần Nhân Tông bàn với Trần Hưng Đạo tìm cách giết Ô Mã Nhi để trả thù, và cũng là để phòng hậu họa. Trần Hưng Đạo cho thuyền lớn, sai Hoàng Tá Thốn đưa Ô Mã Nhi về nước, rồi cho người giỏi bơi lặn sung vào phu thuyền. Ra đến ngoài biển, lừa lúc ban đêm, những phu thuyền cùng Yết Kiêu đục thủng đáy thuyền, vì vậy Ô Mã Nhi bị chết đuối.

    Đối chiếu với chính sử, có thể thấy thông tin từ tác phẩm "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi chưa chính xác với lịch sử.

    Có hai khả năng giải thích cho việc này. Thứ nhất, Bình Ngô đại cáo bản gốc do Nguyễn Trãi viết hiện không còn, chỉ còn lại bản chép ở Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, mộc bản Triều Nguyễn. Mà sau Vụ án Lệ Chi Viên, văn thơ của Nguyễn Trãi đã bị đốt sạch. Mãi đến đời Lê Thánh Tông mới bắt đầu cho sưu tầm lại. Thêm mấy trăm năm nội chiến sau này nữa nên không còn lại mấy phần. Thứ hai, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo vào mùa xuân năm 1428 (tức hơn 140 năm sau trận chiến). Trong điều kiện hoàn cảnh lúc đó, sách vở nước ta bị giặc mang về nước và đốt sạch thì việc Nguyễn Trãi nhầm lẫn không phải là điều không thể. Hơn nữa Bình ngô đại cáo không phải chính sử, đó chỉ là tác phẩm văn học. Bình Ngô đại cáo là một áng thiên cổ hùng văn nên những tiểu tiết này thường được bỏ qua. Nhưng dù thế nào, thì việc chỉ ra lỗi sai cũng không làm giảm đi tài năng và tầm vóc anh hùng dân tộc của Nguyễn Trãi.

    [​IMG]

    Nguồn: Tổng hợp từ Wikipedia, Báo Mới, Facebook
     
    Ưu Đàm Thanh Ti thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...