Đừng đợi đến khi tốt nghiệp đại học - Alpha Books biên soạn

Thảo luận trong 'Tổng Hợp' bắt đầu bởi kieubinh, 15 Tháng tư 2022.

  1. kieubinh

    Bài viết:
    99
    Đừng đợi đến khi tốt nghiệp đại học

    Tác giả: Alpha Books biên soạn

    Nguồn: Sachvui.com

    [​IMG]

    Nhiều bạn sau khi đỗ Đại học thường rất thảnh thơi, bởi họ đơn giản nghĩ rằng vào được Đại học là chắc chắn sẽ có trong tay một suất việc làm tốt. Học đại học lại do mỗi cá nhân tự giác, nên nhiều người nghĩ học đại học đơn giản.

    Nhưng thực tế "Học đại học như thế nào để khi ra trường bạn có được một nghề nghiệp xứng đáng với mức lương mơ ước?"

    Đó là câu hỏi khó mà không phải ai cũng biết cách trả lời. Mỗi bạn sinh viên dù là năm đầu hay năm cuối đều chia sẻ một "căn bệnh" học tập khác nhau, kiểu như "nước đến chân.. vẫn chưa thèm nhảy", "học từ đâu, lâu lâu mới biết" hay "điên đầu vì học"..

    Đừng đợi đến khi tốt nghiệp đại học là tổng hợp kinh nghiệm quý báu của các "lão làng" khi đứng trước thời điểm lựa chọn quan trọng của cuộc đời, cung cấp cho bạn lời khuyên về cách thức tư duy và phương pháp học tập để hóa giải những "căn bệnh" muôn thuở của sinh viên như:

    – Đánh bại thói lề mề

    – Rèn luyện tinh thần tự học

    – Lưu giữ sự hiếu kỳ và khả năng quan sát

    – Học cách tư duy độc lập

    Và còn rất nhiều bí kíp lợi hại khác nữa!

    (Còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng tư 2022
  2. Đăng ký Binance
  3. kieubinh

    Bài viết:
    99
    Lời giới thiệu

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Các bạn sinh viên thân mến,

    Các bạn đang được sống trong những tháng ngày "giàu có" nhất của cuộc đời.

    Bạn có sức trẻ để lao mình vào thử thách.

    Bạn có thời gian để nhởn nhơ thưởng ngoạn cuộc đời tươi đẹp.

    Bạn có tự do để làm bất cứ điều gì mình muốn.

    Và hơn hết, bạn có thừa cơ hội để tô vẽ cho tương lai của chính mình.

    Vậy nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng "giàu có" một-cách-thông-minh.

    Bạn có quá phung phí không khi:

    Đốt sức trẻ vào những trận cày game thâu đêm

    Tiêu thời gian vào ngủ nướng.

    Dùng tự do vào những ngẫu hứng không đầu không cuối.

    Và gửi tặng cả tương lai mình cho Thượng đế tô vẽ.

    Bạn có quá ky cóp không khi:

    Luôn tránh xa những thách thức.

    Chia thời gian thành 3 phần: Học, ăn, ngủ.

    Không theo đuổi một đam mê nào.

    Và tô vẽ tương lai theo màu mà ba mẹ thích.

    Đừng đợi đến khi tốt nghiệp đại học sẽ giúp bạn sử dụng những năm tháng sinh viên của mình một cách thông minh nhất. Cuốn sách là tổng hợp những chia sẻ kinh nghiệm quý báu của các thế hệ sinh viên đi trước về các bước ngoặt lớn như lựa chọn chuyên ngành, học thêm hay làm thêm, học thạc sỹ hay đi làm ngay, đi làm nhà nước hay tư nhân.. Cùng với đó là những lời khuyên hữu ích về phương pháp học tập, tư duy và phong cách sống. Từ những điều tưởng chừng như rất nhỏ nhặt như đánh bại bệnh trì hoãn, rèn luyện thể chất cho tới những bí kíp thiết thực như chọn sách thế nào, viết luận văn ra sao.. - sẽ giúp bạn tránh được những "căn bệnh" muôn thuở của sinh viên.

    Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ đem lại những thay đổi tích cực trong học tập và cuộc sống của bạn.

    Xin trân trọng giới thiệu tới độc giả!

    Hà Nội, tháng 8 năm 2014
     
  4. kieubinh

    Bài viết:
    99
    1. Tôi muốn chuyển sang chuyên ngành yêu thích

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Triết lý của một người không được thể hiện tốt nhất bằng ngôn từ mà thể hiện trong những lựa chọn. Và những lựa chọn của chúng ta rốt cuộc chính là trách nhiệm của chúng ta."

    - Eleanor Roosevelt

    Gần đây, truyền hình xuất hiện vô số các cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ, như Việt Nam Idol, Nhân tố bí ẩn, Giọng hát Việt.. Rất nhiều người đã thành danh từ các cuộc thi này, vì ngoài tài năng thiên phú ra, họ còn có một niềm khát khao cháy bỏng.

    Hiện nay, không ít các bạn sinh viên đang trải qua những ngày tháng vô vị và tẻ nhạt, vì không còn cảm thấy hứng thú với chuyên ngành mình đang học, thậm chí, họ còn nói rằng: "Nếu bây giờ được làm lại từ đầu, chọn được đúng chuyên ngành mà mình thích, chắc chắn tôi sẽ chăm chỉ và cố gắng hơn." Khi nghe những lời đó, lại chứng kiến thêm nhiều bạn sinh viên không chịu khó học hành, hoang phí tiền bạc và tuổi thanh xuân vào những trò vui vô bổ, tôi thực sự cảm thấy rất nuối tiếc.

    Mơ ước đích thực là dù bị hiện thực đánh gục, bạn vẫn tin tưởng và duy trì nó trong tim. Những thần tượng với giọng hát lay động lòng người kia, có mấy ai bắt đầu một cách thuận buồm xuôi gió? Sở dĩ tài năng của họ lấy được cảm xúc của bạn, đó là vì họ đã kiên trì bước tiếp con đường đã chọn dù khó khăn đến mấy, còn một số người thì lựa chọn vứt bỏ.

    Nếu như chỉ biết ngồi đó than vãn rằng mình chọn sai chuyên ngành như cái cớ cho sự lười biếng, thì tôi chỉ biết nói rằng: Bạn thật sai lầm!

    Thế nào là chuyên ngành? Chuyên ngành là một kỹ năng giúp chúng ta "sinh tồn" khi bước vào cuộc sống. Chuyên ngành không phải là sở thích, cũng không phải chỉ là một tấm bằng. Dù thích hay không, bạn vẫn phải trải qua một đợt "huấn luyện" gian khổ để có được chữ "chuyên", từ đó phát triển trong "ngành" của mình.

    Có đến 99% các bạn trẻ cho rằng được làm công việc mình yêu thích là một mơ ước hão huyền. Lựa chọn thiết thực nhất là sau 4 năm đại học, cố gắng bồi dưỡng cho mình một "tuyệt chiêu" nào đó để đặt chân vào xã hội và tìm kiếm một môi trường có thể phát huy tối đa cá tính của mình.

    Nhiều bạn lại than thở rằng dù đã học hành rất chăm chỉ nhưng kết quả lại không được như mong đợi, phải chăng vì họ không hợp với chuyên ngành hiện tại? Rất nhiều sách báo cường điệu rằng muốn thành công, bạn phải tận dụng ưu thế của bản thân. Giả như nếu không có khả năng đặc biệt với chuyên ngành đang học, liệu bạn có nên nhanh chóng đổi sang một chuyên ngành khác hay không?

    Theo đuổi bất cứ một chuyên ngành đại học nào cũng giống như học nấu ăn, chỉ cần chăm chỉ là chắc chắn học được. Trừ phi, bạn muốn trở thành một "siêu đầu bếp" hàng đầu thế giới, lúc đó bạn mới cần đến tài năng thiên phú và những khả năng hiếm có khác.

    Trừ những chuyên ngành đặc thù (số này chỉ đếm trên đầu ngón tay), hầu hết các chuyên ngành đều không đòi hỏi ở bạn một trí tuệ siêu việt hay một phẩm chất thiên tài.

    Nếu bạn vẫn hay than vãn rằng dù mình đã nỗ lực rất nhiều nhưng không có hiệu quả thì bạn nên suy xét lại phương pháp học tập của mình. Vấn đề thực sự không phải là chuyên ngành mà do khả năng thích ứng và phương pháp học tập của bạn mà thôi.

    Hầu hết các thiên tài phải trải qua một khoảng thời gian dài rèn luyện gian khổ mới bồi dưỡng được một khả năng đặc biệt nào đó cho mình. Kể cả những tài năng thiên bẩm cũng phải qua rèn giũa mới trở nên hữu dụng.

    Chăm chỉ và kiên trì là công thức tạo nên thứ vũ khí mạnh nhất để đánh bại được "thiên bẩm".

    Một số bạn sinh viên lo lắng rằng chuyên ngành mình học không "hot", ra trường khó xin việc, vậy có nên thay đổi chuyên ngành khác cho "hợp thời" không? Vấn đề khách quan này cũng có thể là cơ hội để chúng ta thay đổi chuyên ngành. Thế nhưng trước khi quyết định thay đổi, bạn đừng quên suy nghĩ và trả lời 3 câu hỏi sau:

    1. Bạn có hiểu chuyên ngành hiện tại không?

    2. Bạn đã hiểu gì về chuyên ngành mà mình muốn chuyển sang?

    3. Bạn từng nghĩ về việc 10 năm sau xã hội cần những lao động như thế nào chưa?

    Tất nhiên, tôi không có ý khuyên các bạn gò ép bản thân theo chuyên ngành mà mình không có chút hứng thú nào, nhưng tôi chỉ muốn nhắn nhủ rằng trước khi kết luận mình thích hay không thích một chuyên ngành nào đó, bạn phải nói ra được chuyên ngành đó học về cái gì, trong tương lai có thể làm những công việc nào, vị trí ra sao, khả năng phát triển thế nào.. Nếu như bạn hoàn toàn mù tịt về chuyên ngành mình đang theo, vậy sao có thể khẳng định được nó phù hợp với bạn hay không?

    Sau khi hiểu rõ chuyên ngành, hãy thử xem nó có thể bồi dưỡng cho bạn lòng nhiệt tình với việc học hành hay không. Khi làm bất cứ công việc gì với tâm thế hăng say, bạn sẽ không lo thất bại và tiến gần hơn tới thành công.

    Thái độ mà tôi ưa thích đó là: Hãy làm việc hết mình, thành quả sẽ tự nhiên tìm đến!

    Còn một lời khuyên nữa dành cho các bạn: Chuyên ngành không "hot" đồng nghĩa với ít đối thủ cạnh tranh, hoặc trong tương lai nó có thể sẽ trở thành chuyên ngành "hot" của xã hội.

    Lựa chọn một chuyên ngành tốt cũng cần cân nhắc tới việc làm sao có thể tận dụng tối đa nguồn lực của gia đình trong tương lai. Nếu điều kiện gia đình bạn không mấy khá giả, hãy lựa chọn một chuyên ngành mang tính kỹ thuật cao, cần đầu tư nhiều chất xám thay vì cần đến tiền bạc, như vậy chắc chắn bạn sẽ sống vững vàng hơn.
     
  5. kieubinh

    Bài viết:
    99
    2. Niềm hứng khởi sẽ giúp ích cho bạn suốt đời

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Tôi có thể còn mơ hồ về điều khiến bản thân hứng thú, nhưng tôi tuyệt đối chắc chắn điều làm mình không hứng khởi."

    - Albert Camus

    Nhiều bạn sinh viên nói rằng tính cách của mình không phù hợp với chuyên ngành hiện tại. Hầu hết họ đều muốn tiếp xúc với những thứ mới lạ, thích du lịch, giao tiếp với những người khác nhau, nên không muốn làm những công việc khô khan liên quan đến kỹ thuật, muốn tìm một công việc có thể phát huy sở trường của bản thân.

    Khi còn trẻ, tôi cũng từng hy vọng được làm công việc mà mình thấy hứng thú. Cho đến khi bước chân vào công việc, tôi mới hiểu ra rằng những người có thể biến công việc thành hứng thú vô cùng ít ỏi. Phương thức hữu hiệu để phá hủy hứng thú chính là biến nó thành công việc của mình.

    Một người bạn làm kinh doanh thường rủ rê tôi góp vốn làm ăn chung. Anh chàng này hát hay, biết uống rượu, biết nhảy cổ điển, giỏi chơi bài. Chỉ có điều anh ta lại biến những sở trường này thành một công việc làm ăn, trói công việc và sở trường lại với nhau, nếu chẳng may không thành công thì cũng không còn chút hứng thú nào nữa. Đây chính là một bài học cảnh tỉnh cho các bạn, kết hợp công việc và hứng thú lại với nhau sẽ dễ khiến bạn tự hủy hoại hứng thú của chính mình.

    Thực ra, trong học tập hay công việc, 80% thời gian của chúng ta dùng để làm những việc đơn giản nhưng lặp đi lặp lại. Một cuộc sống trùng lặp, đơn điệu và chẳng có gì thay đổi sẽ làm chúng ta phát điên. Vì vậy, chúng ta cần tìm những niềm vui khác để cân bằng cuộc sống. Sự cân bằng này thường bắt nguồn từ những thú vui và niềm đam mê đặc biệt của bạn. Nếu không có nó, mỗi ngày chỉ bắt đầu với việc học hành, làm việc như một cái máy, bạn sẽ chẳng cảm thấy hạnh phúc.

    Công việc có thể mang lại thu nhập, địa vị và danh tiếng, nhưng nó không thể mang lại cho bạn cảm giác hạnh phúc. Nếu bạn có thể tìm và nuôi dưỡng một hứng thú nào đó ngoài công việc, thì khi gặp phải nhiều áp lực, bạn sẽ có một phương thức xả stress hiệu quả. Tạo cho mình những mối quan hệ mới khi theo đuổi đam mê, nói về những chủ đề mới lạ, hiểu về những cuộc đời khác nhau, phát hiện ra những thế giới khác nhau, không cần phải quá thực dụng, cũng không cần phải quá mất công, và khiến bạn thực sự vui vẻ, bởi nó xuất phát từ niềm đam mê.

    Theo đuổi niềm đam mê khác biệt với công việc bạn đang làm sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho công việc của bạn.

    Einstein là một nhà vật lý đại tài, ông có một sở thích khác là chơi violin. Tương tự như vậy, rất nhiều bạn cũng có niềm đam mê liên quan tới nghệ thuật, thể thao, văn học. Chính niềm đam mê trong các lĩnh vực này có thể kích hoạt não phải của con người, bồi dưỡng cho khả năng tư duy sáng tạo, khiến chúng ta làm việc hiệu quả hơn.

    Khi làm việc, niềm đam mê này có thể biến thành sở trường của bạn trong việc tổ chức hoạt động, hoặc trở thành một tấm danh thiếp tốt nhất khi bạn giao tiếp bên ngoài xã hội. Những mối quan hệ thông qua việc có chung niềm đam mê thường có rất ít tính thực dụng nhưng cũng mang đến cho bạn nhiều cơ hội hơn.

    Nhưng đôi khi hứng thú có thể trở thành danh vọng, đam mê sẽ trở thành nghề nghiệp.

    Có một cậu bé rất thích nghịch bong bóng xà phòng, khi lớn lên, mỗi khi rảnh rỗi, cậu ấy lại làm ảo thuật với bong bóng và hàng ngày đều có rất nhiều người mời cậu biểu diễn. Niềm đam mê không chỉ mang đến cơ hội cho cậu ấy, mà còn mang lại niềm vui cho người khác.

    Thế nhưng, tôi hy vọng các bạn đừng biến niềm đam mê của mình trở thành một loại vũ khí thực dụng, mà hãy biến đam mê trở thành niềm vui trong cuộc sống bận rộn hàng ngày.
     
  6. kieubinh

    Bài viết:
    99
    3. Biết tự ôn tập mới được coi là đã học đại học

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Tất cả những người đáng giá đều có phần tự lập trong học vấn của mình."

    - W alter Scott

    Nhiều bạn có tâm thế lên đại học phải yêu đương, chơi bời tận hưởng cho thật đã, bõ công những ngày tháng ôn luyện vất vả. Các bạn ấy coi mục đích của việc học đại học rất đơn giản: Xã hội đánh giá con người dựa vào thành tích, chẳng phải học 4 năm đại học để nhận được tấm bằng đẹp đẽ rồi đem đi gõ cửa xin việc ư?

    Học đại học rồi lấy bằng là tất yếu, nhưng chừng đó thôi chưa đủ. Nếu bạn tiêu tốn bao nhiêu thời gian, công sức và của cải chỉ để lấy một tờ giấy "Bằng tốt nghiệp" có dấu đỏ thì việc học đại học thật vô nghĩa.

    Trong xã hội ngày nay, dám suy nghĩ độc lập, chủ động, dám thể hiện mình còn khó khăn hơn việc nhận tấm bằng đại học. Tôi cho rằng bài học suy nghĩ độc lập tốt nhất và đầu tiên là tự giác học tập. Tự giác học tập là kỹ năng quan trọng nhất trong thời kỳ sinh viên.

    Khả năng tự học phải bắt đầu từ việc xử lý, phân loại hệ thống kiến thức, với mỗi kiến thức khác nhau cần có những phương pháp học tập và ôn tập khác nhau.

    Những kỹ năng và kiến thức cần học trong thời gian học đại học có thể chia thành 3 loại: Kiến thức thông thường, phương pháp tư duy và năng lực thông dụng.

    Hầu như công việc nào cũng phải dựa trên nền tảng các kiến thức liên quan đến tiếp thị, quảng cáo, tâm lý học, quản lý học, xã hội học và lịch sử – đó là những kiến thức thông thường. Dù cho tương lai bạn làm nghề nào thì những kiến thức này đều có thể dùng đến.

    Nhiều bạn sinh viên gặp khó khăn với các môn chuyên ngành. Thực ra không phải do kiến thức chuyên ngành khó nắm bắt, mà là vì phương thức tư duy của họ quá hạn hẹp.

    Đáng tiếc là các trường đại học hiện nay của chúng ta chỉ coi trọng việc giáo dục chuyên ngành mà lơ là giáo dục thường thức. Nếu bạn muốn cho mình thêm nhiều cơ hội hơn khi xin việc ở những lĩnh vực khác nhau, hãy chủ động học tập nhiều hơn khi còn học đại học.

    Khi học đại học, chúng ta chưa chắc đã có cơ hội để biến những kiến thức thông thường kia thành thực tiễn. Bạn có thể đọc nhiều thể loại sách, tích cực ghi chép tích lũy để có thể sử dụng chúng trong công việc tương lai.

    Bạn có thể đọc những tác phẩm kinh điển phương tây, nếu như khả năng ngoại ngữ tốt, bạn nên đọc nguyên tác để rèn luyện thêm, sẽ rất thú vị đấy.

    Chuẩn bị được một chút kiến thức thông thường không có nghĩa là bạn có năng lực giải quyết vấn đề. Để có thể giải quyết được vấn đề, bạn cần có phương pháp. Khi vấp phải những tình huống mới, điều quan trọng là đừng hoang mang lo sợ, rồi sau đó mới suy nghĩ tìm ra những đối sách và hành động phù hợp.

    Phương pháp tư duy thành công là phải đưa ra những đối sách hợp lý khi phải đối diện với vấn đề mới. Phương pháp tư duy này bạn có thể tự mình rèn luyện, ghi nhớ hoặc học hỏi từ người khác.

    Nếu như gặp phải những vấn đề liên quan đến lĩnh vực mà bạn chưa từng biết đến, hãy thử sử dụng công thức: Phân tích bối cảnh – Tìm đúng vấn đề – Đưa ra đối sách – Hành động – Đánh giá hiệu quả.

    Với những vấn đề có phương hướng rõ ràng, bạn nên sử dụng công thức: Xác định mục tiêu rõ ràng – So sánh các đối sách có thể được đưa ra – Xác định kế hoạch hành động chi tiết – Tìm kiếm những yếu tố thích hợp để hoàn thành – Kiểm soát, đánh giá hiệu quả kế hoạch và điều chỉnh.
     
  7. kieubinh

    Bài viết:
    99
    4. Nâng cao hiệu suất học tập là bài toán không hề dễ

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Hãy học khi người khác ngủ; lao động khi người khác lười nhác; chuẩn bị khi người khác chơi bời; và có giấc mơ khi người khác chỉ ao ước."

    - William Arthur Ward

    Tôi rất đồng tình với quan điểm: Thiên tài là người trải qua khóa huấn luyện khoa học 10.000 giờ. Đừng hy vọng mình trở thành thiên tài nếu bạn vẫn giữ thói quen lười biếng.

    Khi đã xây dựng được thói quen tự học, bạn cần lựa chọn phương pháp học tập hiệu quả. 10.000 giờ học tập đó cần được phân chia thế nào cho hợp lý, làm thế nào để mỗi giờ học đều đạt được hiệu quả cao hơn.. – quả thật không dễ dàng.

    Các môn học chuyên ngành đều có nền tảng là những kiến thức cơ bản. Nếu bạn đã nắm vững các kiến thức cơ bản và đã học chắc chắn môn chuyên ngành trước đó thì khi chuyển sang học môn khác, bạn sẽ chỉ cần 5.000 giờ, hay thậm chí là chỉ 1.000 giờ để đạt tới độ tinh thông mà thôi.

    Thử tính toán hiệu suất học tập:

    Thiên tài = 10.000 giờ huấn luyện khoa học

    Học nhanh = Nội dung học x Thời gian học x Chất lượng học

    Kiến thức nguồn = 5.000 giờ lý giải → nâng cao khả năng tư duy

    Kiến thức cứng = 1.000 giờ chỉ số → nâng cao khả năng xây dựng kết cấu

    Kiến thức mềm = 4.000 giờ thực tiễn → nâng cao khả năng ứng biến

    Đứng trước mỗi kỳ thi bạn thường tự hỏi phải làm sao để "tiêu hóa" được cả núi các môn học trong thời gian nhanh nhất.

    Đừng hoài công tìm kiếm, hãy bắt đầu bằng cách nắm vững kiến thức của một chuyên ngành trong thời gian ngắn nhất.

    Nếu bạn đã có nền tảng là những kiến thức chuyên ngành, hãy tiếp tục rèn luyện năng lực tư duy có chiều sâu. Tôi gọi loại năng lực này là kiến thức nguồn. Để nắm được kiến thức nguồn, bạn cần liên tục đi sâu suy nghĩ về bản chất của vấn đề. Bạn có thể cần tới 5.000 giờ học cho hệ thống kiến thức nguồn của mỗi chuyên ngành. Có những vấn đề bạn có thể mất đến một vài tháng suy nghĩ mới tìm ra được đáp án. Vì thế, sự kiên trì và nỗ lực là điều không thể thiếu.

    Trong hệ thống kiến thức của mỗi chuyên ngành đều có một lượng lớn các điểm kiến thức. Những điểm kiến thức này đòi hỏi bạn phải tập trung ghi nhớ. Thật đáng tiếc, chương trình đại học coi những kiến thức này là trọng điểm, khiến cho bộ nhớ của chúng ta bị quá tải. Loại kiến thức này được gọi tên là kiến thức cứng.

    Bên cạnh các kiến thức cứng đó còn có các nội dung giáo dục liên kết như kiến tập, thực tập, thực địa, khảo sát thực tiễn.. Đưa các kiến thức nguồn và kiến thức cứng vào thực tiễn sẽ cho bạn một khối lượng lớn kinh nghiệm liên quan đến kiến thức đó. Đồng thời, hệ thống kiến thức cứng mà bạn đã ghi nhớ cũng được củng cố thêm. Loại kiến thức kinh nghiệm này được gọi là kiến thức mềm.

    Kinh nghiệm của các sinh viên thành công là nên đầu tư một lượng thời gian lớn cho việc học tập các kiến thức nguồn ngay trong thời gian đầu thay vì nếm ngay các thể loại "sách fastfood". Ví dụ như nếu có hứng thú với bộ môn tâm lý học, đừng đọc ngay dạng sách thiên về bổ trợ kiến thức và giải trí mà nên "cày" những loại sách đại cương, nhập môn dạng như Tâm lý học thực nghiệm, Tâm lý học xã hội, Tâm lý học đại cương..

    Đọc xong những sách hơi "khó nhằn" này, bạn sẽ có những kiến thức nền tảng, để từ đó chọn lọc, tiếp nhận và lý giải những cuốn "sách fastfood" tốt hơn.

    Chìa khóa để bạn nắm giữ những kiến thức nguồn đó chính là sự chuyên tâm trong học tập và tích lũy đều đặn.

    Không ít bạn sinh viên đang học "nhảy cóc" mà không hay biết. Các bạn ấy vội vàng học ngay các kiến thức cứng hoặc thực hành mà ngỡ rằng mình đang tích lũy kiến thức và kinh nghiệm thực tế một cách khoa học. Thực ra khi đó kiến thức nền của họ chưa hoàn thiện, dẫn đến việc gặp phải nhiều trở ngại trong quá trình tiếp nhận kiến thức ở bậc cao hơn và đánh mất cơ hội rèn luyện tư duy độc lập.

    Khi có kiến thức nguồn, bạn có thể sắp xếp các loại thông tin của kiến thức cứng một cách khoa học, từ đó bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian học tập sau này.

    Kiến thức mềm lại đòi hỏi bạn phải liên tục thử nghiệm và điều chỉnh trong thực tiễn cho đến khi kinh nghiệm thu được tương thích với kiến thức lý luận. Khi đó bạn mới có thể biến kiến thức nguồn và kiến thức cứng thành khả năng tùy cơ ứng biến của bản thân trước bất cứ tình huống nào.

    Học qua những thất bại là một phương pháp rất tốt. Thất bại ở đại học không phải là sự cay đắng mà là một tài sản tích lũy vô giá. Đừng ngại học tập, thử nghiệm và sai lầm.

    Thế nhưng nếu mỗi lần vấp ngã đều ở cùng một địa điểm, bạn nên kiểm tra lại kiến thức nguồn của mình. Bạn đã sai ở đâu, sửa thế nào? Tới lúc đó hẳn bạn sẽ hiểu được tại sao chúng ta nên xây dựng kiến thức nguồn một cách có hệ thống.
     
  8. kieubinh

    Bài viết:
    99
    5. Muốn viết bài luận cần học phương pháp tư duy

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Ngôn ngữ là y phục của tư duy."

    - Samuel Johnson

    Học đại học là thời gian tốt nhất để bạn rèn luyện kiến thức nguồn. Bởi đó là lúc bạn đã hình thành khả năng tự học, lại có rất nhiều thời gian để đào sâu học tập.

    Nhưng không phải bạn sinh viên nào cũng đầu tư thời gian đúng cách. Có bạn dành quá nhiều thời giờ cho các hoạt động Đoàn đội (kiến thức mềm) hay học thuộc từ vựng tiếng Anh (kiến thức cứng). Sau 4 năm miệt mài đèn sách, kết quả những kiến thức cơ bản về chuyên ngành đang học là gì bạn cũng không nắm rõ, chưa nói đến việc bạn ứng dụng kiến thức vào công việc sau này.

    Phương pháp rèn luyện kiến thức nguồn có thể duy trì thường xuyên là viết bài luận.

    Viết bài luận cần được làm quen ngay từ khi bạn còn là sinh viên năm thứ nhất. Đừng đợi đến năm thứ 4 mới học hỏi, cóp nhặt kinh nghiệm để viết ra một cái khóa luận tốt nghiệp vội vàng.

    Hầu hết các bài luận như Báo cáo khoa học, Khóa luận tốt nghiệp đều có chung một kết cấu như: Phát hiện vấn đề → Tổng hợp lịch sử của vấn đề → Phân tích các nhân tố hạn chế khi giải quyết vấn đề → Đưa ra các phương án khả thi để giải quyết vấn đề → Bảo vệ phương án mà bạn lựa chọn trên cơ sở lý thuyết và thực nghiệm → Đưa ra quan điểm của bản thân.

    Dĩ nhiên, nắm được kết cấu này không có nghĩa là bạn sẽ viết được một bài luận hay. Để viết được bài luận tốt, bạn không chỉ cần tư duy cụ thể về vấn đề mà còn phải nắm vững lối tư duy bao quát.

    Có 6 phương pháp tư duy thường gặp khi viết bài luận:

    1. Phương pháp quy nạp

    Lựa chọn một mẫu nhỏ để nghiên cứu → quy loại và tổng quát hóa từ mẫu nhỏ → tiếp tục kiểm chứng các mẫu nhỏ khác.

    2. Phương pháp diễn dịch

    Đưa ra một giả thiết dựa trên lý thuyết → thu thập dữ liệu để kiểm định giả thiết → chấp nhận, sửa chữa hay bác bỏ giả thiết ban đầu.

    Con đường tư duy này thường được sử dụng trong khoa học tự nhiên, nhất là các nghiên cứu vật lý.

    3. Phương pháp đối chiếu và so sánh

    Lựa chọn (một hoặc nhiều) góc độ quan sát → xác định chỉ tiêu đối chiếu, so sánh → so sánh để tìm ra điểm sai khác → giải thích các nguyên nhân tạo ra sự sai khác → tiến hành thực nghiệm chứng minh giả thiết của mình.

    Khi làm các nghiên cứu trong ngành quản lý, chúng ta thường xuyên gặp phương pháp này.

    4. Phương pháp kinh nghiệm

    Lựa chọn một khung kinh nghiệm → đem những số liệu thu thập được phân tích dựa trên khung kinh nghiệm → đưa ra kết luận tương quan.

    Trong ngành quản lý học và khoa thiết kế, rất nhiều nghiên cứu đều dựa trên những khung kinh nghiệm đáng tin cậy để phân tích một vấn đề cụ thể.

    5. Phương pháp cực hạn

    Đưa ra phạm vi cực đoan → dự đoán kết quả có thể xuất hiện → chứng minh sự đúng đắn hay sai lệch của giả thiết.

    Trong các lĩnh vực như logic học, kinh tế học, phương pháp này thường được sử dụng. Ví dụ như khi thiết kế điện thoại, nhà khoa học phải đưa nó vào một môi trường cực đoan để chắc chắn rằng nó đảm bảo chất lượng và an toàn khi sử dụng.

    6. Phương pháp "bóc măng"

    Phương pháp "bóc măng" là một phương pháp đơn giản nhất của quá trình liên tục tư duy vấn đề theo chiều sâu. Một vấn đề sẽ được đào sâu nghiên cứu tỉ mỉ, bóc tách dần dần cho đến khi đưa ra được kết luận. Ví dụ như khi cần có một bài luận về quản lý một dự án, chúng ta sẽ phải đặt ra các câu hỏi:

    Thế nào là dự án?

    Tại sao dự án lại cần quản lý?

    Trước kia chưa có dự án nào ư?

    Các dự án trước kia không có phương pháp quản lý sao?

    Tại sao phải phát triển một hệ thống quản lý dự án?

    Làm thế nào để hệ thống này phát triển?

    Có những phương pháp quản lý nào?

    Sử dụng các phương pháp này có thực sự hiệu quả không?

    Xu thế phát triển của lĩnh vực này ra sao?

    Phương pháp "bóc măng" đòi hỏi ở chúng ta một nguyên tắc khi học hỏi một kiến thức mới: Khi đã biết sự tồn tại của một sự vật thì phải biết tại sao nó tồn tại và tồn tại như thế nào. Không dùng thái độ nghi ngờ và tư duy phê phán trong học tập là bạn đã đánh mất cơ hội để làm chủ kiến thức.

    Ví dụ như, sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi đã biết thế nào là kiến thức nguồn nhưng tôi lại không định nghĩa được nó một cách rõ ràng. Thay vì phớt lờ nó, tôi phải đọc đến cùng xem tác giả định nghĩa nó thế nào, quan điểm về khái niệm đó có thống nhất từ đầu đến cuối không? Nếu hình thành được thói quen đọc sách như vậy nghĩa là bạn đã có tư duy phê phán trong tiếp nhận tri thức.
     
  9. kieubinh

    Bài viết:
    99
    6. Làm thế nào để viết được một bài văn dài?

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Viết là công việc nặng nhọc đáng sợ, nhưng không đáng sợ bằng Lười biếng."

    - Thomas Carlyle

    Một phương pháp có thể nâng cao khả năng tư duy độc lập của bạn một cách nhanh chóng, đó là luyện viết những bài văn dài khoảng 10.000 – 20.000 chữ, mà nội dung phải có liên kết với nhau, không viết ngẫu hứng hay có những câu, đoạn vô nghĩa.

    Muốn viết được một bài văn hay, bạn phải thường xuyên rèn luyện thói quen viết cho mình. Trong quá trình viết bài văn dài, bạn phải liên tục tư duy để đưa ra những luận chứng, luận cứ từ lớn đến nhỏ. Quá trình này đôi khi sẽ khiến bạn rất khổ sở.

    Viết văn có phải là hành trình gian nan? Lúc bắt đầu cầm bút là giai đoạn vất vả nhất. Tôi thường có thói quen cứ cách một khoảng thời gian nhất định lại tự giao cho mình một chủ đề để viết. Duy trì thói quen ấy trong một thời gian dài bạn sẽ nhận thấy khả năng viết của mình được nâng cao và tư duy cũng thông suốt hơn trước.

    Nếu thường xuyên lang thang trên blog, Facebook hay trang web cá nhân của ai đó, bạn dễ có cảm giác mình sẽ bị nhấn chìm giữa hằng hà sa số những người có thể viết hay. Nhưng nếu tinh ý bạn sẽ thấy số người viết hay thì nhiều nhưng viết hay và dài thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

    Bạn có thể đưa ra quan điểm của mình trong vài trăm từ và đăng trên Facebook nhưng để chứng minh được quan điểm đó là hợp lý là việc không dễ dàng. Tôi từng đọc ở đâu đó câu danh ngôn: "Biết mình đang phản đối thì dễ, nhưng biết tại sao mình lại phản đối nó thì khó."

    Cắt nghĩa ra tính hợp lý của một quan điểm nào đó buộc bạn phải viết ra thành văn. Khi viết những bài văn dài, trình bày những quan điểm rõ ràng và cắt nghĩa thấu đáo, bạn đừng sợ người khác tìm ra kẽ hở và phê bình. Chính những lời góp ý nghiêm túc đó sẽ là thứ dinh dưỡng tuyệt vời để ngòi bút của bạn sắc sảo hơn.

    Tất cả những người có năng lực tư duy độc lập đều phải trải qua thời kỳ khổ luyện là biến suy nghĩ thành văn tự và "tiêu hóa" dần dần những lời phê bình thành bài học kinh nghiệm. Dưới đây là một vài kinh nghiệm viết lách, hy vọng sẽ giúp bạn rút ngắn thời gian khổ luyện của mình.

    Bắt đầu viết những đoạn ngắn, với chủ đề quen thuộc.

    Một số kiểu nội dung mà bạn có thể viết thành bài văn dài được như:

    Miêu tả vấn đề trong quá khứ (văn tường thuật).

    Giải thích tình hình hiện tại (văn giải thích).

    Cung cấp kiến nghị trong tương lai (văn nghị luận).

    Thể loại có thể nâng cao năng lực tư duy độc lập tốt nhất chính là văn nghị luận.

    Ngay từ ban đầu, bạn đừng làm khó mình với những mục tiêu quá cao. Hãy bắt đầu từ đoạn văn ngắn khoảng 100 – 200 chữ, rồi tăng dần lên 500 – 1000 chữ, rồi 1.000 – 2.000 chữ. Những người có thể viết được văn bản 3000 chữ trở lên đã được đánh giá là vô cùng xuất sắc rồi.

    Tạo thói quen viết nhật ký.

    Các bạn nên kiên trì với thói quen viết nhật ký, trong sổ tay hoặc trên các trang mạng xã hội. Bạn hãy đem những điều vui buồn, tâm đắc trong ngày viết lên trang giấy, cố gắng viết theo những giọng văn hay mà bạn từng đọc. Dần dần, bạn sẽ viết được những tổng kết có chiều sâu, hình thành giọng văn riêng. Chắc chắn thành quả này sẽ không phải là vô ích với công việc của bạn sau này.

    Viết những bài văn dài về điều bạn hứng thú.

    Ví dụ như bạn rất hứng thú với các hoạt động xã hội. Hãy phân tích những nguyên nhân khiến một hoạt động xã hội nào đó thành công hay thất bại, đưa ra ý kiến cá nhân để giúp các hoạt động này tích cực hơn..

    Bạn thích lượn Facebook hay các trang mạng xã hội Bạn để ý thấy có một hình ảnh hay một mẩu tin nào đó nhận được rất nhiều lượt "like" của mọi người. Tại sao bạn không thử phân tích nguyên nhân họ thành công, từ đó rút ra những kinh nghiệm cho bản thân?

    Với những bạn thích đọc sách và xem phim, hãy viết một bài đánh giá về một bộ phim hay cuốn sách mới nhất bạn vừa đọc, sau đó đăng lên mạng xã hội, diễn đàn hoặc trao đổi cùng với bạn bè.

    Giả dụ bạn thích viết nhật ký, hãy chú ý quan sát những điều bình thường nhất trong cuộc sống hàng ngày, viết về chúng một cách tự nhiên và sống động nhất – đó chắc chắn sẽ là kho báu của riêng bạn.

    Nếu bạn thích suy ngẫm, tranh luận về một vài vấn đề nào đó, hãy lập ra một trang mạng xã hội hoặc diễn đàn để tạo nên một cộng đồng những người cùng sở thích giao lưu với nhau.

    Nhưng cũng đừng vì mải chạy theo số lượng mà quên đi chất lượng của bài viết. Dù thế nào thì chất lượng mới là điều khẳng định sự trưởng thành của bạn.
     
  10. kieubinh

    Bài viết:
    99
    7. Không có ý tưởng? Hãy bắt đầu từ việc mô phỏng

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Không phải là chúng ta cần ý tưởng mới, mà chúng ta cần phải ngừng có những ý tưởng cũ."

    - Edwind Land

    Khi bạn không tìm ra ý tưởng cho một việc nào đó, có một giải pháp là hãy mô phỏng nó.

    Mô phỏng không phải sao chép, mà là mượn phương pháp của người khác để vận dụng linh hoạt vào công việc của mình.

    Nếu như bạn không thể học giỏi một môn nào đó, hãy hỏi cách học của những bạn có thành tích tốt trong lớp, sau đó, bạn có thể học hỏi theo. Nếu như bạn không biết tổ chức một hoạt động nào đó, hãy học hỏi từ phương pháp của những bậc tiền bối, sau đó áp dụng để tự tổ chức.

    Mô phỏng được nhận diện trên 3 điểm chính:

    Thứ nhất, tự mình làm, không được trực tiếp lấy nội dung của người khác chỉnh sửa một chút rồi biến thành của mình – mô phỏng khác với sao chép.

    Thứ hai, lựa chọn đối tượng thích hợp để mô phỏng. Ví dụ, bạn muốn học một điệu nhảy đường phố, đầu tiên bạn phải mô phỏng các động tác nhập môn, sau đó mới học lên các động tác phức tạp hơn, không thể học theo kiểu "nhảy cóc" được.

    Thứ ba, nhất định phải mô phỏng một cách đầy đủ, nếu không hiệu quả mô phỏng sẽ bị giảm sút rất nhiều.

    Khi học làm tạp chí, tôi đã bắt đầu bằng cách mô phỏng. Có nhiều bạn nghĩ rằng "Cứ lên mạng tải về vài ba tạp chí mẫu, ghép nội dung của mình vào, chẳng có gì phức tạp cả." Thực ra sao chép và mô phỏng là hai cấp độ khác nhau và cần được phân biệt rõ ràng.

    Tôi mô phỏng nên tôi không lấy y nguyên sản phẩm đã có mà tự tay tạo ra sản phẩm tương tự như vậy. Tôi mô phỏng hình thức nhưng cũng cần đến sự động não để tự hoàn thành từng công đoạn. Quá trình mô phỏng này tuy không cần đến sự sáng tạo nhưng nó giúp tôi thành thục các kỹ năng thực hiện.

    Còn nếu chỉ đơn thuần là sao chép, não bộ của chúng ta hoàn toàn không được khai thác và rèn luyện bất cứ điều gì. Rèn luyện kiểu này thì dù có làm thêm 100 năm nữa, trình độ của bạn vẫn chẳng tiến triển thêm chút nào.

    Hơn nữa, trong quá trình mô phỏng, nếu như phát hiện thấy hình thức mình mô phỏng không được bắt mắt, tôi lại so sánh và từ từ điều chỉnh. Quá trình mô phỏng như vậy sẽ giúp bạn lý giải chuyên ngành một cách tốt hơn. Không ngừng mô phỏng, tích lũy và tự tạo cho mình niềm hứng thú khi tìm ra những điều nhỏ nhặt nhất, bạn sẽ tiến bộ rõ ràng trong khoảng thời gian rất ngắn.

    Một "cao thủ" mô phỏng từng bật mí cho tôi 8 bước để hoàn thiện trong quá trình học tập, đó là:

    Thử mô phỏng (phải hiếu kỳ) → Phát hiện sự chênh lệch (cần tỉ mỉ) → Mô phỏng tác phẩm (phải nhẫn nại) → Nhờ vả các "cao thủ" (cần khiêm tốn) → Liên tục trau dồi trong thời gian dài (bắt buộc phải kiên trì) → Hình thành phong cách (cần chuyên tâm) → Chia sẻ những điều tâm đắc (để cảm thấy vui vẻ) → Nhận được sự góp ý để cải tiến chỉnh sửa (chủ động hoàn thiện mình). Với kinh nghiệm này, chúng ta hoàn toàn có thể vận dụng trong rất nhiều công việc trong cuộc sống.

    Bạn không có ý tưởng gì khi phải viết luận văn? Điều đó không đến mức quá nghiêm trọng, hãy lên mạng tải về những bài luận văn theo chủ đề gần với chủ đề của mình, nghiên cứu tỉ mỉ bước lựa chọn đề tài, phương pháp phân tích, quá trình thực nghiệm, phong cách viết của họ, sau đó mô phỏng và làm theo. Ban đầu sẽ không được hoàn hảo, nhưng nếu thực sự nỗ lực và kiên trì, chắc chắn bạn sẽ làm được.

    Một ngày nào đó, những hành động và thói quen tư duy mà bạn được rèn luyện trong quá trình mô phỏng sẽ trở thành một kỹ năng thực tiễn đáng quý vô cùng.
     
  11. kieubinh

    Bài viết:
    99
    8. Học cách đặt ra một vấn đề cụ thể

    Bấm để xem
    Đóng lại
    "Không rắc rối nào đứng vững được trước cuộc tấn công của suy nghĩ kiên trì."

    - Voltaire

    Các bạn sinh viên chia sẻ họ thường gặp phải một vấn đề tương đối giống nhau: Không biết cách đặt câu hỏi. Khả năng này không phải do tố chất mà là vì các bạn chưa được hướng dẫn và rèn luyện. Tôi có nghe ai đó nói: Một dân tộc không biết đặt câu hỏi thì không bao giờ xuất hiện nhân tài được. Quả đúng là như vậy!

    Có một giảng viên đại học kể lại cho tôi câu chuyện về cách đặt câu hỏi của sinh viên: Ngay trong buổi học đầu tiên, thầy giáo đó cho sinh viên hòm thư và skype của mình để tiện giao tiếp. Thế nhưng chẳng bao lâu sau thầy đã hối hận vì có nhiều bạn đặt ra những câu hỏi không dễ trả lời chút nào.

    Nhiều bạn chưa có một câu giới thiệu mình là ai đã đi thẳng vào vấn đề. Ngay cả khi biết đó là ai, thầy vẫn không thể trả lời được vì không nắm rõ sở thích, sở trường, sở đoản của bạn sinh viên đó ra sao. Để không làm phật lòng sinh viên, thầy đành giúp bằng cách gửi cho họ những tình huống chung chung mà có thể dễ dàng tham khảo được trên Internet.

    Các bạn sinh viên không biết rằng đưa ra vấn đề càng cụ thể thì người khác càng dễ trả lời. Thậm chí có bạn còn không xác định được câu hỏi này nên dành cho ai. Họ thích hỏi những người mà mình tin tưởng, mà không quan tâm sở trường, sở đoản của người đó ra sao. Vị thầy giáo đó đã phải hứng chịu lời than thở: "Laptop của em bị hỏng, em không biết bây giờ phải làm sao." trong khi thầy "mù tịt" về công nghệ!

    Còn có những thắc mắc có thể dễ dàng tìm ra câu trả lời trên google hoặc các diễn đàn trên mạng nhưng sinh viên vẫn đem đi hỏi thầy. Lý do duy nhất để giải thích cho điều này là họ thích người khác tháo gỡ thắc mắc cho mình chứ không muốn tự mình động não tìm cách giải quyết vấn đề.

    Từ câu chuyện của các "quân sư bất đắc dĩ", tôi đã tổng hợp được ba vấn đề mà các bạn sinh viên thường vấp phải khi đặt câu hỏi:

    Bệnh dựa dẫm: Nhờ vả người khác để nhận được đáp án mà không nỗ lực tự tìm hiểu.

    Thiếu tự tin: Không phải không có đáp án, nhưng nhất định muốn có được sự công nhận của một nhân vật quyền uy nào đó.

    Thiếu tư duy: Muốn tự mình tìm ra đáp án, nhưng lại không biết thực hiện bằng cách nào.

    Tôi còn nhớ một đề tài mà thầy giáo giao cho chúng tôi: Liệt kê ra bảng câu hỏi cần thiết để phục vụ cho việc thiết kế hệ thống chỉnh sửa răng 3D trên máy tính. Với một người chưa từng làm việc gì liên quan đến máy tính, ngoài tin học văn phòng như tôi, đây đúng là một "quả tạ". Tôi không còn cách nào khác là phải vắt óc suy nghĩ. Sau gần một tuần mua sách về nghiên cứu, cuối cùng tôi đã cho ra được một bản tổng hợp các câu hỏi.

    1. Mục đích của việc thiết kế hệ thống chỉnh sửa răng là gì?

    2. Cách sử dụng của hệ thống như thế nào?

    3. Khách hàng của hệ thống là những ai? Học vấn của họ ra sao?

    4. Hệ thống cần bao gồm những mảng chức năng nào? Chức năng nào sẽ được sử dụng nhiều nhất? Chức năng nào hiệu quả nhất?

    5. Để nghiên cứu và thiết kế hệ thống, cần những khái niệm và kiến thức chuyên ngành nào?

    6. Lưu lượng dữ liệu trong hệ thống sẽ như thế nào?

    7. Phần mềm có những tính năng nào? Yêu cầu ra sao?

    8. Sử dụng giao diện điều chỉnh ra sao?

    9. Yêu cầu về mặt sắp xếp nhân viên phát triển hệ thống?

    10. Dự toán chi phí phát triển hệ thống?

    Bây giờ nhìn lại, dân ngoại đạo về IT mà tự lập ra bảng câu hỏi như thế này cũng không đến nỗi tồi. Qua bảng câu hỏi này, tôi đã hiểu được thế nào là "đặt câu hỏi dạng đóng", "đặt câu hỏi dạng mở". Hai phương thức đặt câu hỏi này theo chúng ta mãi về sau này. (Nếu bạn nào chưa hiểu rõ về hai khái niệm này, có thể tự lên google tìm hiểu)

    Dưới đây là 8 lời khuyên giúp bạn đặt câu hỏi một cách chuẩn mực:

    1. Trước khi đặt câu hỏi, hãy phán đoán xem người mà bạn hỏi có sở trường về lĩnh vực mà bạn định hỏi hay không. Nếu nhất định muốn hỏi người không có sở trường về lĩnh vực đó, hãy nói rõ lý do của bạn.

    2. Dùng các từ khóa khác nhau để tự tìm kiếm câu trả lời trên mạng, nếu thực sự "bó tay" thì mới hỏi người khác.

    3. Khi giao tiếp cùng người khác, cho dù rất muốn đặt câu hỏi ngay thì bạn cũng nên giới thiệu qua về bản thân trước.

    4. Câu hỏi đặt ra càng cụ thể thì người khác càng dễ trả lời. Cố gắng đừng để người khác phải đoán già đoán non xem bạn muốn hỏi là gì trước khi đưa ra câu trả lời.

    5. Nếu như hỏi về vấn đề không gấp gáp, bạn có thể tìm kiếm câu trả lời qua các diễn đàn trên mạng.

    6. Đừng mong câu hỏi nào cũng có một câu trả lời toàn vẹn và đừng coi câu trả lời đó là ngọn lửa dẫn đường. Người khác chỉ có thể đưa ra góc nhìn và cách suy nghĩ của riêng họ, còn quyền quyết định thuộc về bạn.

    7. Không được đòi hỏi câu trả lời bằng mọi giá. Dù người khác có trả lời bạn hay không, sau đó cũng nên cảm ơn một câu, vì dù sao họ cũng đã mất thời gian để tìm câu trả lời cho bạn.

    8. Lời khuyên cuối cùng và quan trọng nhất: Mục đích lớn nhất của việc đặt câu hỏi là tham khảo suy nghĩ của người khác để nhanh chóng tìm ra câu trả lời độc lập cho mình. Nhất định không được có suy nghĩ dựa dẫm, mong chờ người khác chỉ đạo công việc và cuộc sống của mình.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...