Đức tin là gì? Tại sao con người lại tin vào tôn giáo? Đức tin là niềm tin của con người vào sự tồn tại của lực lượng siêu nhiên, vào thế giới vô hình. Nó được tạo thành bởi ba thành tố cơ bản: Nhận thức, xúc cảm tình cảm và ý chí hành động. So với cấu trúc tâm lý của các loại niềm tin khác, yếu tố nhận thức trong cấu trúc đức tin tương đối đặc biệt. Do đối tượng của đức tin là lực lượng siêu nhiên, vô hình nên con người không thể nhận thức nó theo cách thức thông thường, nghĩa là hiểu biết đối tượng trước hết thông qua các giác quan mà bằng cảm nhận, sự trải nghiệm chủ quan của mỗi người. Sự hiểu biết về đối tượng chủ yếu được thực hiện thông qua quá trình tưởng tượng. Quá trình tưởng tượng của người có đức tin dựa trên những hình ảnh, biểu tượng do các tổ chức tôn giáo xây dựng nên một cách tự giác, hoặc hình thành một cách tự phát trong các tín ngưỡng dân gian. Yếu tố thứ hai đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc đức tin là yếu tố cảm xúc. Khi cảm xúc của người theo tôn giáo đối với các khách thể tôn giáo càng mạnh mẽ thì đức tin càng sâu sắc và bền vững. Nếu giữa cá nhân và khách thể tôn giáo không xuất hiện các cảm xúc thì cá nhân đó không thể có đức tin. Nói cách khác, những biểu tượng tôn giáo càng ấn tượng, càng gây ra những cảm xúc mạnh mẽ ở tín đồ thì đức tin càng dễ hình thành và được củng cố. Cảm xúc trong đức tin bắt nguồn từ nhận thức về sự tồn tại của các lực lượng siêu nhiên và về vai trò của lực lượng này đối với cuộc sống, số phận của người theo tôn giáo ở hiện tại và trong tương lai. Yếu tố thứ ba có vai trò hình thành, phát triển và duy trì đức tin chính là hành động ý chí. Hành động ý chí giúp người theo tôn giáo khắc phục được những khó khăn, trở ngại để hướng đến lực lượng thần thánh và cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc ở thế giới khác sau khi chết. Nhờ có sức mạnh ý chí, con người có thể hy sinh những nhu cầu cơ bản để thực hiện những điều kiêng kỵ, những chuẩn mực của tôn giáo. Đức tin càng mạnh mẽ thì tác động của ý chí trong kiểm soát suy nghĩ, điều chỉnh hành vi và thực hiện các chuẩn mực tôn giáo càng lớn.