Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh Tác giả: Chương Xuân Di Tiểu thuyết này không dành tặng những ai muốn nhanh chóng tìm kiếm một chuyện tình bay bổng, lãng mạn. Chúng ta buộc phải nhẩn nha thưởng thức chầm chậm những dòng tri thức văn hóa, lịch sử, tôn giáo rất dày, rất sâu chảy cuồn cuộn trong cuốn sách, buộc phải có một cái nhìn thật sự nghiêm túc về tình thân, tình yêu, tình người trong sự hỗn mang của thời cuộc, để từ đó thêm thấu hiểu, thêm yêu thương và trân trọng những gì ta có. * * * Tiểu hồ ly với bộ lông màu xanh lam tuyệt đẹp mắc bẫy người thợ săn, được một tiểu hòa thượng Tây Tạng cứu giúp trên đường đến Trung Nguyên. Từ đây số phận của hồ ly xinh đẹp gắn liền với cuộc đời của vị đại sư tuổi trẻ tài cao, lừng danh trong lịch sử Phật giáo Tạng truyền – Bát Tư Ba, người đã khiến cho Lạt ma giáo trở thành quốc giáo của các triều đại nhà Nguyên – Mông Cổ và bản thân Bát Tư Ba cũng là vị quốc sư được sùng bái rất mực vào triều đại Hốt Tất Liệt. Nàng hồ ly Tiểu Lam sau 300 năm tu luyện đã nghe hiểu được tiếng người, nàng trở thành bạn tâm giao của hai anh em Bát Tư Ba và Kháp Na thuở thiếu thời. Tiểu Lam đã chứng kiến số phận "phi thường" của hai anh em Bát Tư Ba trong chuỗi những biến động lớn lao của thời cuộc, của lịch sử, của gia tộc và tôn giáo. Một ngày nọ, nàng hồ ly hóa thành một cô gái xinh đẹp lạ thường với mái tóc và đôi mắt màu xanh lam kỳ ảo. Kháp Na chôn chặt tình yêu trong lòng, cúi đầu trước vận mệnh trở thành vật hy sinh của hai cuộc hôn nhân sắp đặt, vì lợi ích của gia tộc. Bát Tư Ba thông minh trác tuyệt, gánh vác trên vai trọng trách nặng nề của người đứng đầu giáo phái Sakya trong cuộc xung đột tôn giáo khốc liệt trên vùng đất tuyết Tây Tạng bao la. Tiểu Lam trải đời và thấu hiểu, luôn lặng lẽ đi bên cạnh Bát Tư Ba và Kháp Na, ra sức giúp họ, hy sinh vì họ. Tình yêu sâu đậm dành cho vị đại sư tài ba như ngọn lửa ấm cứ len lỏi và âm thầm lớn dần trong tim nàng. Thế rồi, Kháp Na kiên quyết chối bỏ trách nhiệm nối dõi tông đường sau hai cuộc hôn nhân thất bại thảm hại. Trách nhiệm đó, giờ đây sẽ thuộc về Bát Tư Ba. Cuốn sách Đức Phật Và Nàng - Hoa Sen Xanh ngồn ngộn những tri thức quý báu và hiếm có về lịch sử triều đại nhà Nguyên, Mông Cổ, về lịch sử phật giáo Tây Tạng và những biến động to lớn của thời cuộc. Tiểu thuyết này không dành tặng những ai muốn nhanh chóng tìm kiếm một chuyện tình bay bổng, lãng mạn. Chúng ta buộc phải nhẩn nha thưởng thức chầm chậm những dòng tri thức văn hóa, lịch sử, tôn giáo rất dày, rất sâu chảy cuồn cuộn trong cuốn sách, buộc phải có một cái nhìn thật sự nghiêm túc về tình thân, tình yêu, tình người trong sự hỗn mang của thời cuộc. Đôi lời tâm sự của tác giả về ĐỨC PHẬT VÀ NÀNG: HOA SEN XANH Tôi đã nghiền ngẫm cốt truyện Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh suốt bốn năm. Đây là câu chuyện mà tôi rất thích. Để viết nên cuốn tiểu thuyết này, tôi đã đọc, tìm hiểu và nghiên cứu rất nhiều tài liệu về Tây Tạng, về dân tộc tạng và về triều Nguyên – Trung Quốc. Sau khi cuốn sách ra đời, tôi nhận được không ít thư của bạn đọc bày tỏ những thắc mắc về cuốn truyện. Vậy nhân đây, tôi xin được viết đôi dòng chia sẻ cùng các bạn: 1. Vì sao Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh lại có đến hai nhân vật nam chính? Sự thực là tôi đã suy nghĩ rất nhiều về điều này. Các tiểu thuyết "ngôn tình" được xem là "chính tông" thường chỉ có một nhân vật nam chính, vì các nhân vật nữ chính của chúng ta đều ước mong: "Suốt đời suốt kiếp chỉ hai ta". Bản thân tôi cũng vậy. Bởi vậy, lúc đầu tôi dự định để Kháp Na xuất hiện trong tiểu thuyết đúng như sự thực lịch sử: Kết hôn với Kangtsoban và qua đời khi chưa thấy mặt con. Nhưng nếu làm vậy thì thật tàn nhẫn với Kháp Na. Khi tìm hiểu về cuộc đời Bát Tư Ba, tôi cứ hoài trăn trở: Vấn đề nối dõi tông đường vô cùng quan trọng đối với phái Sakya, vậy thì vì sao mãi đến năm hai mươi chín tuổi, Kháp Na mới sinh hạ người con đầu? Cách lý giải duy nhất là: Cậu ấy không hạnh phúc, vì đó là cuộc hôn nhân chính trị thuần túy. Và còn điều này nữa, rốt cuộc Kháp Na đã chết như thế nào? Sử sách ghi chép rất mơ hồ. Kháp Na qua đời khi mới hai mươi chín tuổi, lại chết một cách không rõ ràng, điều này cho thấy Tây Tạng vào thời kỳ đó phức tạp và hỗn loạn vô cùng. Vì thế, tôi rất đỗi cảm thương cho Kháp Na. Tôi càng viết càng thích nhân vật này. Nếu tôi nhất định phải tôn trọng sự thật lịch sử, vậy thì tôi chỉ có thể mang lại cho cậu ấy chút hạnh phúc nhỏ nhoi hư cấu trong tiểu thuyết mà thôi. 2. Vì sao trong truyện có rất ít tình tiết "yêu đương" của Bát Tư Ba? Bát Tư Ba là nhân vật nam chính của Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh nhưng sử sách không ghi chép bất cứ chi tiết nào về sự tồn tại của "bóng hồng" trong cuộc đời ngài. Vậy nên, kể chuyện tình yêu của ngài khó hơn Rajiva nhiều. Nhưng nếu tôi chỉ viết về công đức và thành tựu chính trị của ngài, chắc chắn không ai buồn ngó tới cuốn tiểu thuyết này và tôi sẽ không thể đạt được mục đích: Muốn ngày càng có nhiều người biết đến ngài. Tôi vô cùng sùng bái ngài và vai trò lịch sử của ngài. Tôi lại là người tôn trọng sự thật lịch sử nên không thể tùy tiện hư cấu chuyện ngài phá giới rồi kết hôn. Chi tiết nụ hôn duy nhất vào thời khắc cuối cùng của cuộc đời Bát Tư Ba đã là giới hạn tối đa mà tôi cho phép mình được viết về chuyện tình ái của ngài. Tôi cũng luôn dặn lòng rằng, tôi là "mẹ ruột", tôi yêu tất cả các nhân vật của mình nên dù tôi nhất định phải tôn trọng lịch sử khi viết về Kháp Na và Bát Tư Ba, một người qua đời năm hai mươi chín tuổi, một người lìa thế năm bốn mươi sáu tuổi nhưng tôi cũng muốn họ được toại nguyện trước lúc ra đi. 3. Vì sao nhân vật nữ chính lại là hồ ly? Bạn đọc có thể không thích nhân vật nữ chính là một hồ ly, nhưng tôi xây dựng nhân vật này là có dụng ý riêng. Bạn biết không, cả Tiểu Lam và Ngải Tình đều là những nhân vật hư cấu, họ giúp tôi kể chuyện về Bát Tư Ba và Kumarajiva. Lần này, tôi không viết truyện vượt thời gian nữa mà sáng tạo ra nhân vật hồ ly có phép thuật. Bởi vì tôi nghĩ rằng, không người phụ nữ trong số chúng ta có thể chịu đựng số phận nghiệt ngã như Tiểu Lam: Người yêu qua đời, con trai và cháu trai mất sớm, tất cả người thân đều trở thành vật hy sinh của ván bài chính trị. Số phận ấy quá ư bi thảm, nó khiến người ta tuyệt vọng. Tôi muốn được sống dưới ánh dương rạng rỡ, cho dù số phận có trớ trêu nhường nào đi nữa, tôi vẫn tin rằng, còn hy vọng là còn tương lai. Thế nên, Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh mới có kết thúc như vậy, thế nên nhân vật nữ chính mới chờ đợi hết kiếp này đến kiếp khác, chờ cho đến khi niềm hy vọng của cô ấy trở thành hiện thực. 4. Vì sao ở cuối mỗi chương truyện đều ngồn ngộn những kiến thức lịch sử? Bát Tư Ba sống vào đầu thời nhà Nguyên, đây vốn là giai đoạn lịch sử được xem là "lạ lẫm" với phần đông người Trung Quốc nói riêng, bạn đọc khắp nơi nói chung. Bát Tư Ba lại là một nhân vật chính trị, một người Tạng. Tôi tin rằng, không nhiều người trong số chúng ta có thể phân biệt một cách rành rẽ các giáo lý và giáo phái của Phật giáo Tây Tạng, tôn giáo vốn hết sức phức tạp. Bởi vậy, nhiệm vụ tất yếu của Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh là phải tập trung viết về lịch sử triều Nguyên và văn hóa đất Tạng. Tôi hiểu rằng, đa phần bạn đọc ngày nay không mấy hứng thú với những tri thức lịch sử khô khan, cứng nhắc nên sau khi cân nhắc kĩ càng, tôi đã quyết định tách riêng một phần dữ kiện lịch sử, đặt vào cuối mỗi chương truyện, truyền tải đến bạn đọc thông qua cuộc đối thoại giữa Tiểu Lam và chàng trai trẻ. Nếu bạn không thích đọc về lịch sử, bạn hoàn toàn có thể lướt qua phân đoạn này mà không hề ảnh hưởng đến phần nội dung chính của truyện. Khi nào bạn đã thật sự yêu thíchĐức Phật và nàng: Hoa sen xanh, chắc chắn bạn sẽ đọc lại và nghiềm ngẫm phần lịch sử đó. Cũng giống như nhiều bạn say mê Đức Phật và nàng đã miệt mài tìm đọc kinh Phật và các sách lịch sử liên quan đến câu chuyện. Và thế là, những điều tôi tâm huyết, những điều tôi muốn các bạn hiểu, sẽ như "mưa dầm thấm lâu", dần lắng đọng lại trong tim các bạn, có phải vậy không các bạn của tôi? Cả Đức Phật và nàng và Đức Phật và nàng: Hoa sen xanh đều là những cuốn sách lịch sử khoác trên mình chiếc áo "ngôn tình". Tất nhiên, tôi biết rằng, phần lớn bạn đọc yêu mến hai cuốn tiểu thuyết này không phải vì những tri thức lịch sử và Phật pháp hàm chứa trong đó mà là những câu chuyện tình yêu đẹp đẽ mà tôi sáng tác nên. Nhưng nếu tôi chỉ viết truyện ký thông thường về Kumarajiva hay Bát Tư Ba, hẳn rằng sẽ không ai buồn đọc. Vậy tôi phải làm sao để truyền tải thông điệp của mình, phải làm sao để ngày càng nhiều bạn đọc biết đến những nhân vật vĩ đại với những cống hiến to lớn trong lịch sử nhưng lại được rất ít người biết đến? Tôi quyết định chọn cách thức thông dụng nhất: Tiểu thuyết ngôn tình để thu hút bạn đọc. Chỉ khi lôi cuốn được bạn đọc vào câu chuyện, tôi mới có thể truyền tải những thông điệp mà tôi muốn truyền tải. Bằng không, mọi nỗ lực của tôi sẽ chỉ là vô ích. Và tôi tin rằng, dù bạn chỉ yêu thích phần "ngôn tình" của truyện, nhưng theo một cách rất tự nhiên, bằng một lẽ rất tự nhiên, bạn sẽ nhận được nhiều hơn thế từ cuốn sách của tôi. Vậy là tôi đã thành công rồi, phải không các bạn?