Tên gốc: Không phụ Như Lai không phụ khanh Giới thiệu những lời bình về cuốn tiểu thuyết "Đức Phật và nàng" : - "Dư vị ngọt ngào của cuốn sách an ủi rất nhiều cõi lòng đang rối bời vì mỏi mệt của tôi." - "Cuốn sách của Tiểu Xuân, tựa hồ bàn tay kì diệu, xua tan lớp bụi thời gian, tái hiện những diện mạo sống động từ quá khứ". - "Được thấy họ vui cười, than khóc, được thấy họ hạnh phúc, đau khổ, bất chợt có ảo giác mình đang hiện hữu ở thời đại ấy". - "Mười năm lại mười năm, đời người có được bao lần mười năm để chờ đợi? Vậy mà tác phẩm cho thấy, chờ đợi cũng là một nét đẹp quyến rũ của tình yêu, được xây đắp bởi chân tình và đức tin". - "Rajiva vẫn bình thản trước tháng năm, chờ đợi cô gái mà vì nàng Rajiva tình nguyện bị đày xuống, dù là tầng sâu nhất của địa ngục." - "Đó là thứ tình cảm rất đời, không yêu không giận không xúc cảm, sao có thể từ tâm, sao có thể bác ái, sao có thể phổ độ chúng sinh". Thức đến 4h sáng để đọc xong "Đức Phật và nàng", trong lòng dấy lên trăm ngàn cảm xúc khác nhau, thậm chí khi lên trên giường để đi ngủ vẫn nghĩ về Kumarajiva, nghĩ về Ngải Tình và hơn hết là câu chuyện tình yêu của hai con người đấy - một tình yêu vượt thời gian, vượt trên thế tục để viết lên huyền thoại ở trên con đường tơ lụa 1650 năm trước. Kumarajiva là một nhân vật vĩ đại, một dịch giả nổi tiếng của Phật giáo. Ngải Tình là một cô nghiên cứu sinh ở thời hiện đại xuyên không để tìm hiểu về lịch sử. Sự ngăn cách giữa bọn họ là 1650 năm, là một bức tường lịch sử cao vời vợi. Nếu như không có chuyến xuyên không đó, nếu như không xảy ra trục trặc kĩ thuật khiến nàng trở về quá khứ sớm hơn 500 năm so với dự kiến, thì có lẽ chàng cũng vẫn cứ là một nhân vật lịch sử, còn nàng thì giống như bao người khác, hoặc có thể có một mối tình xuyên không với một vị vua chúa nào đó. Thế nhưng, Phật Tổ đã đưa nàng đến bên chàng như một lẽ tự nhiên. Duyên phận nhiều khi kỳ lạ như vậy đấy. Lần đầu gặp nhau, Rajiva 13 tuổi, Ngải Tình 23 tuổi. Có lẽ trong mắt Ngải Tình, Rajiva chỉ là một cậu thiếu niên thông minh, là một cậu học trò dễ thương mà không hề hay biết rằng mình đang dần dần đi vào lòng cậu thiếu niên khôi ngô, thông tuệ đó. Mười năm chờ đợi, chàng vẽ nàng hết bức hình này đến bức hình khác như một cách để vơi đi nỗi nhớ đang chất chứa trong lòng. Lần thứ hai xuyên không, Ngải Tình 23 tuổi còn Rajiva 23 tuổi. Hai người gặp lại nhau ở bên hồ, Rajiva đã nói "Cô đã trở lại!", một câu nói rất đỗi bình thường nhưng ẩn sâu trong đó là cả niềm vui vô bờ bến. Trong khoảng thời gian này, Ngải Tình đã nhận ra rằng mình yêu thương Rajiva, muốn bỏ chạy nhưng rốt cuộc cũng chẳng thể thoát nổi. "Ghen tị với em trai, phạm phải giới luật đố kỵ, luôn mơ tưởng đến nàng, phạm phải giới luật tư dâm. Ở bên nàng lại khao khát được chạm vào nàng, phạm phải giới luật khát khao dục vọng. Ngải Tình, mười năm trước, mười năm qua, Rajiva đã luôn phá giới." Mọi ân oán đời này Đều vô thường chóng phai Cõi thế nhiều khổ não Đời người như sương mai Vì yêu nên sợ hãi Vì yêu nên ưu phiền Kẻ nào lìa được chữ "Ái" Tâm mới được an nhiên. < Phật thuyết Diệu sắc vương nhân duyên kinh> Rajiva, lìa xa tình ái, sẽ không còn ưu sầu khổ não nữa.. Nếu nói quên là sẽ quên được thì đâu còn là " Vì yêu nên sợ hãi, vì yêu nên ưu phiền nữa." Trước mặt mọi người là một vị đại sư, nhưng trước mặt Ngải Tình, Kumarajiva cũng chỉ là một con người, cũng có "thất tình lục dục", chẳng thể thoát nổi một chữ "tình". Tình yêu giữa hai người thường đơn giản, nhưng liệu có được ở bên nhau không thì lại khác. Hiện thực thì lúc nào cũng tàn khốc và phũ phàng, Ngải Tình vẫn phải ra đi để lại một tình yêu mới chớm nở và trên hết là để cả con tim mình ở Khâu Từ. Đọc đến đoạn Ngải Tình trở về tương lai, chắc chắn ai cũng sẽ cảm động trước hình ảnh Rajiva hướng vào phòng gọi to tên Ngải Tình, tiếng kêu như xé ruột xé gan, đau đớn đến tuyệt vọng. Lần thứ ba xuyên không Ngải Tình 25 tuổi, Rajiva 35 tuổi. Hai người đã nên duyên vợ chồng, cùng nắm tay nhau du ngoạn chốn nhân gian mà không bận tâm đến lời lên án của người đời. Đời người ngắn ngủi có là bao, được ở bên nhau lúc nào đã là hạnh phúc đấy. Họ ở bên nhau, cùng nhau chia ngọt sẻ bùi, vào thời điểm thống khổ của Rajiva, Ngải Tình đã ở bên cạnh, động viên chàng, cùng chàng gánh vác mọi chuyện. Bỗng dưng nhớ đến câu nói của Thương Ương Gia Thố "Tin ta, có ngày ta sẽ cùng nàng du ngoạn hồng trần.", nhưng rốt cuộc thì người đã không làm được điều đó, cảm thấy Rajiva hạnh phúc rất nhiều so với Thương Ương Gia Thố, dù cho người cũng phải chờ đợi 20 năm để được ở bên cạnh người mình yêu, nhưng có làm sao đâu, chỉ cần nắm tay nhau dạo chơi chốn hồng trần thì 20 năm hoặc hơn thế nữa cũng không đáng là bao. Lần thứ tư, Ngải Tình bất chấp tất cả để xuyên không lần cuối, thực hiện lời hứa năm xưa. Rajiva 53 tuổi - đã là một bậc đại sư nổi tiếng. Ở trong chùa Thảo Đường đấy, bọn họ gặp lại nhau trong niềm hân hoan tột độ. "Vợ của ta, nàng đã về." Và lần này, Rajiva đã chờ đến tận 16 năm để được gặp lại người thương. Trong 16 năm đó, người lúc nào cũng đem theo tấm ảnh chụp vợ mình bên người, ngủ gối đầu lên, mỗi lúc nhớ vợ mình quay quắt lại lôi ảnh ra ngắm. Chờ đợi người mình yêu, mười năm lại mười năm, đời người liệu có mấy lần mười năm để chờ? Có mấy người có thể chờ mấy chục năm trời mà vẫn thủy chung một lòng? Mười năm có là bao, chỉ cần chuyên tâm truyền bá đạo Phật, mười năm qua rất nhanh. Lời nói nhẹ nhàng tự như mây trôi, dường như đó không phải mười năm mà chỉ là mười ngày. Vài lần mười năm, thời gian dài đằng đẵng khôn nguôi, cuối cùng cũng gặp được người muốn gặp. Hỏi thế gian tình ái là chi? Có nàng ở bên, ta cam tâm tình nguyện bị đẩy xuống tầng địa ngục sâu nhất- địa ngục vô gián. Nhưng ta phải hối lỗi với Phật tổ, vì trái tim ta đã "phá giới" theo thân xác ta rồi. Vượt qua 1650 năm, bọn họ yêu nhau say đắm, gặp biết bao khó khăn vất vả nhưng cả hai vẫn không buông tay nhau ra. Bốn lần Ngải Tình xuyên không, thời gian được ở bên nhau của hai người họ tính lại cũng chỉ hơn bốn năm, lần dài nhất ở bên nhau là thời điểm khó khăn nhất của Kumarajiva, thậm chí phải bất chấp tính mạng nhưng nàng vẫn không từ bỏ. Phải yêu sâu nặng đến nhường nào mới có thể vượt qua gian khổ, vượt qua thời gian và vượt qua sinh tử cùng nhau? Giây phút Kumarajiva nói với Ngải Tình rằng "Tội cho nàng quá, mình ơi.", tôi đã khóc nấc lên, từ "Mình ơi" được thốt ra từ miệng một vị cao tăng, một vị đại sư, không chỉ đơn giản là thể hiện tình yêu với vợ mình, mà đó là tình yêu vượt lên định kiến xã hội, là một lời thề hẹn ước "chấp thủ chi tử, du tử giai lão." Tôi tin rằng khi Ngải Tình nghe được hai từ đó, tất cả mọi khổ đau của cô ấy đều được bù đắp. Giản dị nhưng vô cùng ý nghĩa. Và nếu như Phật Tổ có hiển linh thì cũng sẽ cảm động trước một tình yêu như thế, một tình yêu không toan tính, dốc hết lòng mình vì người mình yêu, một tình yêu vượt qua thời gian và không gian. Đọc xong truyện, gấp sách lại, hình ảnh hiện lên trong đầu tôi không phải là hình ảnh hai ông bà lão dắt tay nhau đi, mà là những cảnh khi hai người họ ở bên nhau rồi lại phải ly biệt. Một câu chuyện có kết thúc tốt đẹp nhưng lại khiến người ta phải day dứt khôn nguôi. Tự thẹn đa tình đoạn kiếp tu Nhập thiền khôn xóa bóng hình xưa Thế gian ai vẹn đôi đường cả Không phụ Như Lai, không phụ Nàng. Kumarajiva- Người đã vẹn được cả đôi đường, không phụ cả Như Lai lẫn nàng. #Hà Phương Link truyện: Đức Phật Và Nàng - Chương Di Xuân
Khi Ngải Tình được hỏi có muốn chàng hoàn tục không, Ngải Tình đã quyết liệt không đồng ý. Nàng yêu chàng và hơn hết ủng hộ lý tưởng của chàng. Sự dũng cảm hi sinh đó đáng quý hơn cả. Mình ngưỡng mộ tình yêu của họ, một tình yêu sánh với thiên trường địa cửu. Đọc tới khúc bức thư của nhóc Rajiva gửi cho cha mình khóc qutr. Cảm ơn bài review của tác giả làm mình muốn đọc lại truyệnnn