Truyện Ngắn Đứa Trẻ May Mắn - Trường Lộ Cô Hành

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi camtien14101999, 2 Tháng sáu 2020.

  1. camtien14101999

    Bài viết:
    9
    [​IMG]

    Tên truyện: Đứa Trẻ May Mắn


    Tác giả:
    Trường Lộ Cô Hành

    Thể Loại: Truyện Ngắn, Event, 1-6 Yêu Thương.

    Link góp ý: [Thảo Luận - Góp Ý] - Các Tác Phẩm Sáng Tác Của Trường Lộ Cô Hành

    Nội dung:

    Bầu trời nhá nhem tối, kèm theo những cơn gió nóng bức hanh khô và những cơn sấm chớp giật liên hồi, lóe qua những tia ánh sáng trắng bạc với nhiều hình dáng khác nhau, mưa bắt đầu rơi nhẹ hạt, từng hạt từng hạt mà rơi xuống, cuốn nhanh đi dòng người vội vã xô bồ giữa chốn Sài thành xa hoa tráng lệ.

    Ai nấy đều vội vã cho kịp trở về nhà trước khi nỗi sợ về cơn mưa nặng hạt trút xuống. Không có một ai phát hiện, và chắc cũng không có tâm tư ngoái đầu nhìn lại xem cảnh vật xung quanh đìu hiu như thế nào.

    Gần phà Thủ Thiêm, ở cái nơi tấc đất tấc vàng vốn đông đúc hoa lệ này, ấy vậy mà dưới ánh đèn đường ngọn xanh ngọn đỏ hắt hiu lên màn mưa lại làm thấm đượm một vẻ tịch liêu và trống trải lạ thường.

    Một tấm thân nhỏ bé, trùm lên người chiếc áo mưa mỏng manh rách tung tóe vài chỗ, chân mang đôi dép lê đã bạc màu và cũ kỹ, hai tay ghì chặt một cái bao bố được vắt lên vai, nhìn nhỏ bé là thế vậy mà sức lực lại lớn đến phi thường.

    Nó nâng mắt, vài giọt nước mưa bắn vào làm đôi mắt nó hơi nheo lại, sự đắng chát và cay xè từ bụi cát được mang theo bởi những cơn mưa đầu mùa nhanh chóng làm mắt nó đỏ lên và cay rát một cách khó chịu. Nhưng hai tay cầm đồ, nó lại không thể đưa lên dụi dụi, chỉ có thể mặc kệ và lủi thủi băng qua những quãng đất trống, chạy vội về nhà.

    Từ phía xa, có những căn nhà lụp xụp xây dựng san sát nhau. Nhưng dáng vẻ xập xệ và có vài chỗ bị đập mất, được người ta chế tạo thủ công bằng vài tấm màn và bạt để che mưa chắn gió. Có vài ngọn đèn dầu từ trong nhà hắt ra, lan tỏa với mùi khói bếp, thức ăn làm cho bụng nó co giật liên hồi.

    Sống mũi bất giác cay xè, nhưng rồi nó chạy vội xuyên qua vài căn nhà phía trước, men theo một lối hẻm nhỏ giữa hai bên, sau đó nhìn đến một cái nhà lều lụp xụp được dựng lên giữa khoảng đất trống.

    Nó chạy ù vào trong nhà, bỏ cái bao xuống đất và cởi vội áo mưa ra, vắt lên một thành gỗ gần cánh cửa.

    Nghe thấy tiếng, một bé trai khoảng chừng sáu bảy tuổi lật đật buông bỏ cây bút chì đang cầm trên tay, từ một cái bàn gỗ xếp nhảy cẫng lên, vui mừng nói:

    - Chị Hai! Chị về rồi, có mua kẹo sữa cho em không?

    Nó vơ lấy cái khăn lau tóc bởi vì mưa mà ướt sũng, thấy em trai ánh mắt to tròn hào hứng nhìn mình, nó nở một nụ cười hiền từ, bỏ một tay đút vào túi áo bà ba rộng thùng thình móc ra một cây kẹo rồi nói:

    - Đây! Làm sao quên phần của em được!

    Cậu bé trai ôm lấy cây kẹo vào lòng rồi cười tủm tỉm, ánh mắt đen láy to tròn đầy sự thơ ngây, tung hô chị gái của mình:

    - Chị Hai tuyệt vời! Em cảm ơn chị Hai.

    Nó nhéo má em trai của mình rồi cười, tay treo cái khăn lên móc, nói:

    - Ừm! Có kẹo rồi thì ráng học bài đi nhé. Học xong thì bóc ra ăn. Chị đi nấu cơm đây!

    Bé trai khẽ lắc đầu, cầm chặt cây kẹo, dẩu môi và nói:

    - Không! Em không ăn đâu, em muốn ngày mai đem lên trường rồi khoe với bạn bè.

    Nó buồn cười nhìn dáng vẻ của em trai, xoa đầu cậu bé rồi nói:

    - Không sợ bạn em tranh với em sao? Chỉ có một cây duy nhất thôi đấy! Lỡ bạn em muốn ăn thì chia làm sao?

    Cậu bé nhanh nhảu trả lời, cụp mi xuống và thì thầm với vẻ cô đơn:

    - Bọn nó mới không thèm đâu! Ngày mai là lễ thiếu nhi rồi, đứa nào trong lớp cũng có quà bánh từ bố mẹ anh chị cả. Em cũng muốn cho bọn nó biết, em cũng có quà từ chị Hai.

    Nó mím môi, chỉ có thể xoa đầu em trai để bày tỏ sự an ủi, mặc dù trong lòng nó cũng có chút tủi thân. Nó cổ vũ em trai mà chính nó cũng không biết, chất giọng của bản thân tràn đầy sự hoảng hốt và ngơ ngẩn:

    - Em ngoan của chị, cố gắng lên nào! Cha mẹ có công việc đi xa, chúng ta chỉ cần cố gắng sống thật tốt, chờ một ngày nào đó sẽ trở về đoàn tụ.

    Cậu bé ngước mắt lên, ánh mắt ngập tràn hi vọng hỏi:

    - Thật sao chị Hai?

    - Thật! - Nó khẳng định, nhưng trong lòng nó biết đây chỉ là sự an ủi mà thôi.

    Hai chị em đang nói chuyện, thì bỗng bên ngoài có tiếng một người phụ nữ cao tuổi vọng vào:

    - Bé Ngân! Bé Ngân!

    Nó nghe đến tên mình, bèn bảo em trai về chỗ học bài, còn mình thì đi ra cửa, gặp một người phụ nữ khoảng chừng bốn mươi mấy tuổi đang cầm trong tay tô cháo bốc khói nghi ngút, lội mưa mà đến, nó liền lễ phép chào hỏi:

    - Dạ, cô Năm tìm con ạ?

    Người phụ nữ quệt nước mưa rơi trên trán, hiền từ đưa tô cháo cho nó rồi nói:

    - Lúc nãy thấy con đội mưa về, biết ngay là không mua được đồ ăn. Nên cô mang sang cháo còn dư lại cho con. Hai chị em ăn tạm nhé!

    Nhà cô Năm ở phía trước nhà nó một căn, nhà chỉ có hai vợ chồng và một đứa con trai. Nghe đâu học rất giỏi, học ở trường Đại Học Bách Khoa.

    Mặc dù không phải là lần đầu tiên nhận thức ăn từ cô, nhưng nó vẫn thấy sống mũi cay xè và muốn khóc. Kể từ khi cha mẹ lần lượt bỏ chị em nó mà đi, nó đã phải nghỉ học để nhặt ve chai nuôi dưỡng ước mơ của em trai. Hai chị em phải tằn tiện ăn uống, có khi còn phải bỏ bữa. Và chính cô Năm đây, là người đã luôn giúp đỡ hai chị em nó trong thời gian qua.

    Nó nhận tô cháo, rối rít cúi người:

    - Con cảm ơn cô ạ. Nhưng mưa gió thế này, phiền cô quá ạ!

    Người phụ nữ xua xua tay, hiền lành nói:

    - Không có gì phiền cả, nhà cô không khá giả gì, không giúp được nhiều cho chị em con, nhưng hỗ trợ một bữa ăn thì vẫn có thể làm được. Thôi, cô về đây, hai chị em ăn ngon miệng nhé!

    Hai tay cầm tô cháo, nó hơi cúi người rồi lễ phép chào:

    - Cô Năm về cẩn thận ạ!

    Nó đứng trơ người nhìn, mãi cho đến bóng dáng của người phụ nữ dần khuất sau mái nhà phía trước, nó mới đi vào nhà, mỉm cười đặt tô cháo lên bàn, gọi em trai đến ăn.

    - Em à, ăn rồi hẵng học nào!

    Thằng bé nghe thế, lật đật chạy lại, và cặp mắt bỗng sáng lên như đèn pha khi nhìn thấy tô cháo gà với cái đùi to nằm trên mặt, thằng bé reo lên với niềm vui sướng tột cùng:

    - Oa! Hôm nay chị Hai mua đồ ăn ngon quá, có đùi gà nữa, yêu chị Hai nhất trần đời!

    Nó dọn ra hai cái chén, lấy vá múc cháo cho thằng bé, sau đó lại gắp cái đùi gà để vào chén của thằng bé, mỉm cười nói:

    - Ừ! Hôm nay có đồ ăn ngon, em ăn nhiều vào để còn có sức học cho giỏi.

    Thằng bé bưng cái chén, hết nhìn sang chén của mình rồi lại nhìn sang chén của nó, ánh mắt to tròn dấy lên sự nghi hoặc:

    - Chị Hai gắp hết đùi gà cho em rồi, chị ăn cái gì?

    Nó và cháo vào miệng, hơi nóng và sự ấm áp nhanh chóng xua tan đi sự lạnh lẽo khi phải lặn lội trong mưa suốt vài tiếng đồng hồ.

    Nghe em trai hỏi, nó ngước mắt lên, trong ánh mắt phản chiếu hơi nóng từ cháo mà hơi mông lung như sương mù, nó lắc đầu nguầy nguậy, nói:

    - Chị Hai không thích ăn đùi gà, nhường cho em đó!

    Thằng bé vẫn ngây thơ nghiêng đầu, dường như có điều không chắc chắn mà hỏi:

    - Nhưng trước kia, không phải chị Hai thích đùi gà nhất sao?

    Nó mỉm cười, nhưng nụ cười có vẻ gượng gạo và miễn cưỡng, nhưng thằng bé chỉ mới học lớp một thì làm sao hiểu được ý nghĩa trong nụ cười ấy, nó trả lời:

    - Trước kia thích, nhưng bây giờ không thích nữa. Em ăn mau đi! Nguội là không ngon đâu đấy.

    - Ồ! - Thằng bé nghe lời chị mình, nhanh chóng cúi mặt, cắn ngấu nghiến cái đùi gà trong tay với vẻ ngon lành.

    Nó nhìn em trai ăn, trong miệng bất giác nuốt một ngụm nước bọt, nhưng có lẽ là sợ em trai phát hiện, nên nó thụp mặt húp cháo, hai hàng nước mắt lăn dài, vị mặn chát hòa lẫn vào trong mùi vị thơm lừng của chén cháo kia.

    Thằng bé sau khi ăn xong thì nhanh chóng trở về bàn xếp, cặm cụi mà nắn từng chữ từng nét. Chữ em rất đẹp, hoàn toàn đạp bỏ cái định kiến bởi vì con trai mà chữ ẩu và xấu như gà bới.

    Nó bớt chút thời gian ngó qua xem em trai học bài, sau đó thì đi giặt giũ quần áo và dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng. Nghe tiếng mưa rỉ rả đánh vào mái tôn, nó vừa ngồi giặt đồ, nhưng tâm trí lại trở về những ngày thơ bé.

    Vách nhà bên cạnh, văng vẳng tiếng cãi nhau của đôi vợ chồng, truyền vào tai nó, gợi lên một nỗi đau âm ỉ trong lòng thơ non nớt.

    - Suốt ngày say xỉn! Nhà cửa không lo, tôi là con nợ của cái nhà này sao? Ôi trời ơi, người ta dỡ bỏ nhà của mình đến nơi rồi đấy, ông là trụ cột của gia đình, thế mà chẳng gánh vác đỡ đần được một cái gì cả!

    Đó là tiếng than trách ầm ĩ và có phần chì chiết cay nghiệt của bác Tám nhà bên. Khi mà chồng bà suốt ngày nhậu nhẹt và say xỉn.

    - Bà thôi đi! Bà nói tôi không lo, bộ bà không thấy tôi chạy vạy khắp nơi, nhờ người ta viết đơn khiếu nại lên chính quyền suốt mấy năm nay hay sao? Nhưng người ta có giải quyết hay không? Tôi buồn quá, không nhậu thì làm gì đây?

    Sau đó là tiếng giải thích của ông chồng, giọng ông bởi vì tiếng mưa mà hơi ách và nhòe đi, pha lẫn sự say nhèm và vẻ bất lực.

    - Ôi trời! Sao tôi lại khổ thế này? Chồng với con! Chẳng được cái tích sự gì!

    Hai vợ chồng bác Tám cãi nhau đã không dưới trăm lần, nó từ câu chuyện cũng nghe hiểu ra đôi chút.

    Mấy năm trước, phía trên đột nhiên có lệnh truyền xuống, cả một vùng đất ở nơi này sẽ phải bị dỡ bỏ và không đền bù. Người dân trong xóm ai nấy đều hoang mang tột độ và khốn khổ. Nhiều người đã tập hợp gửi đơn khiếu nại lên chính quyền, nhưng đến nay vẫn chưa thấy được giải quyết.

    Thỉnh thoảng sẽ có vài chú mặc đồ xanh, nghe nói là địa chính gì đó, xuống đập vài căn nhà và cưỡng chế di dời, còn về phần có đền bù hay không thì không biết được.

    Hiện tại, cũng chỉ còn lại mấy căn hộ là cố gắng bám trụ, nhưng trong lòng thì nơm nớp lo sợ. Không biết khi nào thì người ta đến đập nhà mình. Sợ thì sợ, đuổi lại không đi, bởi lẽ, cái tấc đất tấc vàng mà ông cha để lại, đối với nhiều người nó còn quan trọng hơn là cái nỗi sợ vu vơ kia.

    Nghĩ đến chuyện này, nó bất giác lại nghĩ về cha mẹ.

    Cha của nó làm trong công ty tài chính, giữ chức vụ quản lý nhân sự. Lương không cao không thấp, nhưng vừa đủ sống ở một cái nơi đắt đỏ như thế này. Nhưng chẳng biết tại sao, cha của nó lại vỡ nợ, nhiều người hùng hổ đến đòi và tạt nước sơn trước nhà. Cha nó trong một đêm khuya thanh vắng đã bỏ trốn đi, không để lại một lời. Trước đó, thì cha mẹ thường xuyên vì việc này mà cãi nhau. Y hệt như hoàn cảnh hiện tại của vợ chồng bác Tám vậy. Cha nó đi được một thời gian, nhưng giang hồ vẫn chưa tha, vẫn thường xuyên lai vãng và hăm dọa mẹ của nó.

    Sau đó thì, trong một đêm tỉnh giấc bàng hoàng, nó chợt nhận ra, người mẹ dịu dàng vốn nằm bên cạnh ru chị em nó ngủ cũng bỏ đi lúc nào chẳng hay.

    Nó lúc ấy đã tủi thân khóc to một trận, nó không hiểu tại sao cha mẹ lại đều bỏ chị em nó mà đi. Nó và em trai, rốt cuộc làm nên tội gì?

    Sau khi mẹ của nó rời đi, bên nội và bên ngoại vì sợ dính dáng đến giang hồ, nên cũng dần ít lui tới. Có chăng là thỉnh thoảng, tình cờ gặp nó nhặt ve chai ở bên đường thì ghé lại rồi nhét vào túi nó vài chục ngàn ăn cơm.

    Từ sau chuyện đó, nó đã nghỉ học, hai chị em nó vậy mà sống lay lắt được hai năm rồi.

    Chờ, thì cứ chờ. Nhưng không biết người đi rồi có trở lại hay không?

    Nó thở hắt ra một hơi khó nhọc, lồng ngực vẫn luôn bực bội và bí bách như thể muốn nổ tung ra. Nhưng rồi, nó chỉ có thể cố nén lại, sống thật tốt và nuôi em trai cho đến trưởng thành.

    Nó bước ra khỏi nhà tắm xập xệ, thấy em trai gục đầu bên bàn, mí mắt sụp xuống phủ một hàng lông mi rậm và thon dài. Cánh tay gầy guộc cầm bút chì với tư thế ngả nghiêng.

    Nó bước lại gần, khều khều đầu của em, rồi nói:

    - Đi ngủ thôi em, mai lại học tiếp!

    Thằng bé nhập nhèm hí mắt, ậm ừ đồng ý, sau đó bò lên giường ván bên cạnh, vẫn không quên vẫy tay với nó:

    - Chị Hai, ngủ với em!

    - Chị Hai lên liền - nói rồi, nó vội vã chùi chùi nước còn ướt trên tay, cởi dép và leo lên giường.

    Chiếc giường nhỏ hẹp vừa đủ chứa nó và em trai, nhưng lại ấm áp lạ thường.

    Thằng bé ôm eo của nó, nói với giọng ngái ngủ:

    - Em muốn chị Hai ru em ngủ, như khi xưa mẹ từng ru.

    Nó vỗ lưng em, sau đó thì bắt đầu cất tiếng hát thì thầm, tâm trí vọng về giọng hát êm dịu ngày xưa:

    - Ầu ơ.. ầu ơ.. ví dầu cầu ván đóng đinh.. ầu ơ.. con đi trường học.. ầu ơ.. mẹ đi trường đời..

    - Ầu ơ.. trèo lên cây bưởi hái hoa.. bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân.. nụ tầm xuân nở hoa xanh biếc.. ầu ơ.. nụ tầm xuân nở hoa xanh biếc.. em đi lấy chồng anh tiếc lắm thay.. ba đồng một miếng trầu cay.. sao anh không hỏi.. sao anh không hỏi những ngày còn không.. bây giờ em đã có chồng.. như chim vào lồng như cá cắn câu.. cá cắn câu.. ầu ơ.. cá cắn câu biết đâu mà gỡ.. chim vào lồng biết thuở nào ra.. ầu ơ..

    Tiếng mưa rơi trên nóc nhà cũng không thể át được lời ru êm ả. Hai chị em sưởi ấm cho nhau, đưa cả hai vào giấc ngủ.

    Sáng sớm thức dậy từ sớm, nó sửa soạn đồ cho em trai đi học. Còn mình thì lại vác lên một cái bao bố không, tiếp tục hành trình không mỏi mệt của mình.

    Nó biết hôm nay là ngày một tháng sáu, là ngày lễ thiếu nhi. Bởi vì nó có thể đọc được trên bảng băng rôn treo ở khắp các ngõ ngách của đường phố. Nhưng ngày lễ này.. lại không dành cho một đứa thiếu nhi nhưng lại trưởng thành như nó.

    Nó cứ cắm cúi nhặt những cái chai nhựa và lon thiếc bên đường, không hề hay biết có hai thanh niên chạy một chiếc xe dream cũ đã theo dõi mình từ lâu.

    Tên cầm lái chống chân xe, ngậm điếu thuốc, nhả ra khói trắng phì phò, vừa nhìn cô bé đang nhặt ve chai, vừa trò chuyện với tên thanh niên ngồi sau:

    - Mày thấy sao?

    Tên phía sau hất tóc, kệch cỡm trả lời:

    - Theo dõi mấy ngày, cô bé đó không cha không mẹ, nhưng có một đứa em trai. Nhưng thời gian này thằng bé có lẽ đang ở trường học rồi. Không tiện cho chúng ta ra tay.

    Tên phía trước nghe vậy, lắc đầu cười mỉa, nói:

    - So với cậu nhóc kia, thì tao cảm thấy cô bé này có tác dụng hơn. Có thể lặn lội đi mười mấy kilomet trong một ngày, sức lực rất có tiềm năng đó.

    - Ý của mày là? - Tên ngồi sau hỏi.

    - Mày không cảm thấy, mấy đứa nhóc ở nhà quá vô dụng sao? Tốn công sức chở chúng nó vòng quanh công viên Tao Đàn cả một ngày, thế mà chỉ xin được mấy chục ngàn, đùa với tao à? Thà bắt cô bé này về, cho nó đi nhặt ve chai, ngày cũng được hơn trăm á. - Tên ngồi trước nhìn cô bé nhặt ve chai, ánh mắt hiện lên vẻ suy tính.

    - Ok! Mày thích thì cứ làm, tao chiều! - Tên ngồi sau nghe cũng thấy hợp lý, bèn gật đầu cổ vũ.

    Hai tên thống nhất ý kiến, sau đó rồ ga chạy đến bên cạnh cô bé nhặt ve chai. Nó chỉ cảm thấy có một ngọn gió lướt qua mình, sau đó thì cánh tay nó bị người vùng lấy, nó bị bế thốc lên từ phía sau, miệng bị một bàn tay thô ráp bịt lại, không cho nó la hét.

    Một suy nghĩ đáng sợ nhanh chóng lướt qua, hình ảnh em trai hiện lên tâm trí như thôi thúc, và theo bản năng nó vùng vẫy kịch liệt, há miệng ra dùng hàm răng sắc bén của mình, cắn vào bàn tay đang bịt miệng nó, hai chân co lại đạp ngược vào ngực của người đang bế thốc mình.

    - Mẹ kiếp! - Không nghĩ tới chỉ một cô bé mà sức lực lại lớn đến vậy, tên thanh niên bất thình lình bị ăn đau mà chửi rủa một tiếng, cánh tay cũng vì vậy mà hơi thả lỏng.

    Nó nhắm ngay cơ hội, vùng vẫy thật mạnh và nhảy xuống. Lấy hết sức bình sinh để cố chạy thoát kẻ bắt cóc. Nó thấy được ở góc ngã tư có một chú xe ôm đang ngồi đọc báo, nó bất chấp tất cả, mặc kệ luôn bao bố đầy chai nhựa mà mình nhặt được, chạy nhanh đến đó và hô hoán:

    - Bắt cóc! Bắt cóc! Chú ơi, cứu con!

    Chú xe ôm già nghe thấy tiếng kêu thất thanh thì giật mình ngẩng đầu lên, thấy một cô bé gầy guộc đang cố sức mình chạy tới, khuôn mặt đầy vẻ hoảng sợ. Phía sau có hai thanh niên đang rồ ga đuổi theo.

    Và dường như đã quá quen thuộc với cảnh tượng này, chú xe ôm nhanh chóng nhảy xuống, tay vớ lấy cái kềm gắn trên baga, che chở nó phía sau lưng, cầm cái kềm chĩa vào hai tên thanh niên chạy xe như để hù dọa.

    Lúc này, xung quanh khá là đông đúc người và có nhiều người tò mò quay đầu nhìn lại, nên hai thanh niên không dám làm quá lộ liễu, chỉ trợn mắt chỉ trỏ vào chú xe ôm rồi dọa:

    - Ông già nhiều chuyện, coi chừng tụi này!

    Chú xe ôm cũng hùng hổ không kém, giơ cái kềm và chửi:

    - Thứ mất dạy, tao lại sợ tụi mày à?

    Hai tên thanh niên thấy không làm gì được, bèn bốc đầu xe và chạy đi như một làn khói.

    Chú xe ôm dõi mắt nhìn theo một hồi, sau đó thì chợt nhớ nạn nhân còn đang đứng ở phía sau, bèn quay người lại ngồi xổm xuống, thấy mặt của nó tái mét và thân mình run cầm cập.

    Chú xe ôm hiền từ cười an ủi:

    - Không sao! Không sao! Bọn chúng đi rồi, con không cần sợ, có chú đây rồi!

    Nó vẫn còn nghĩ lại mà cảm thấy sợ, nếu như không phải gặp được chú xe ôm tốt bụng, thì số mệnh của nó sẽ ra sao đây?

    Đôi môi run rẩy, nó ngước đôi mắt ngập nước nhìn chú xe ôm già, tay chân lóng ngóng không biết để đâu, run run nói:

    - Chú ơi, con sợ quá! Lỡ bọn họ quay lại thì con biết phải làm sao?

    Chú xe ôm già mỉm cười an ủi:

    - Bình tĩnh! Có chú ở đây, bọn chúng không dám quay lại đâu!

    Sau đó, ông lại nhíu mày, nghiêm nghị nhìn nó và hỏi:

    - Mà cha mẹ con đâu, lại để con đi lang thang thế này, xã hội giờ nguy hiểm lắm..

    Và như thể, câu hỏi kia động chạm đến vị trí mềm mại của nó, nó khóc òa lên, vừa khóc vừa nói:

    - Hức.. hức.. cha mẹ của con.. bởi vì nợ nần nên đã bỏ đi từ mấy năm trước.. để lại con và đứa em trai còn nhỏ cô độc bơ vơ.

    Nghe thế, ông quan sát nó một hồi, rồi lại hỏi:

    - Năm nay con bao nhiêu tuổi? Có đi học chưa?

    Nó nức nở nói, giọng điệu tủi thân:

    - Dạ, năm nay con mười hai tuổi, lúc trước con có đi học, học đến lớp năm. Nhưng sau khi cha mẹ đi. Con đã nghỉ và nhặt ve chai, kiếm tiền nuôi sống mình và em trai.

    Ông lại thở dài, có vẻ nghi hoặc hỏi:

    - Sao con không dẫn em trai đến nhờ trại trẻ mồ côi hoặc viện bảo trợ xã hội để được giúp đỡ. Hai chị em.. còn nhỏ như thế, sống thế nào được giữa xã hội hiểm ác này.

    Nó mờ mịt lắc đầu, mặc dù đã thôi khóc òa nhưng vẫn còn thút thít, trả lời bằng giọng mũi:

    - Con không biết! Nhưng con sẽ không đi đâu, con muốn chờ cha mẹ về! Lỡ cha mẹ về nhưng không tìm được chị em con thì sao?

    Chú xe ôm già không ngờ lý do lại là như thế, trong lòng có chút đau lòng và cảm thương. Nhưng ông biết với điều kiện của mình, không thể giúp được tận tường cho hai đứa nhỏ, nên ông chỉ có thể nói:

    - Thôi! Để chú đưa con về cho an toàn, nhà con ở đâu? À! Chú chợt nhớ gần nhà chú có một quán hủ tíu mới mở và đang cần người. Nếu con muốn, chú sẽ giúp con hỏi thăm. Chứ nhặt ve chai thế này, vừa nguy hiểm lại vừa rủi ro. Lỡ có chuyện gì thì ai lo cho em trai của con.

    Nó nghe vậy thì bừng tỉnh, ánh mắt cũng sáng ngời lên, mặc dù hơi e dè nhưng nó vẫn cảm ơn rối rít:

    - Dạ! Con cảm ơn chú ạ! Chú tốt quá!

    Chú xe ôm già gạt chống xe, đội nón bảo hiểm rồi nói:

    - Tốt gì đâu, xã hội mà giúp được gì thì giúp, thôi lên đi. Chú chở con về.

    Nó ngó nghiêng vài giây, trong lòng còn lưỡng lự. Nhưng nghĩ đến kẻ xấu còn có thể quay lại, nó bất giác ngẩng đầu nhìn kĩ hơn người đàn ông tóc đã bạc nửa mái đầu vì sương gió, khuôn mặt tuy che kín nếp nhăn nhưng đôi mắt lại toát lên vẻ bình dị lạ thường.

    Bất giác, nó tin tưởng!

    Ngồi sau xe chú, cảnh vật lùi lại phía sau, nó nhìn thấy vài cảnh vật.

    Trường học túa ra, học sinh trao cho nhau những cây kẹo, thầy cô phát những món quà nho nhỏ, và cha mẹ dắt tay con của họ về nhà. Trên loa phát thanh, đang tuyên truyền đôi lời chúc mừng về ngày tết thiếu nhi.

    Nó nghĩ những đứa trẻ ấy rất may mắn trong ngày một tháng sáu.

    Bất chợt, nó nhìn lên tấm lưng vững chãi của chú xe ôm, rồi mỉm cười.

    Nó cũng là một đứa trẻ may mắn.

    May mắn, khi thoát khỏi bọn bắt cóc!

    Và gặp chú xe ôm tốt bụng.

    Lời tác giả: Với cách nhìn nhận về hiện thực, tác giả cho rằng, dù có chuyện gì xảy ra đi chăng nữa, cha mẹ cũng không nên bỏ rơi con cái của mình. Trái tim non nớt của chúng cần được quan tâm, dạy dỗ và định hình con người. Sự bỏ mặc sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy khác trong xã hội, góp phần tạo nên những mảnh đời bất hạnh và những hậu quả không thể lường trước được.

    ~Hết~​
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng sáu 2020
  2. Nguyệt Hàn

    Bài viết:
    8
    Nhanh vậy. Mới qua nay mà đã đăng rồi.
     
  3. camtien14101999

    Bài viết:
    9
    E hèm.. tốc độ thần tốc mà!
     
  4. Thần thoại Cố gắng lên!

    Bài viết:
    146
    Truyện hay và xúc động quá. Tội cho hai đứa bé. Nhưng may mắn là gặp được chú xe ôm, không là tiêu rồi.

    Cảm ơn tác giả đã cho ra được một câu truyện hay và ý nghĩa như vậy.

    Chúc tác giả có một buổi tối vui vẻ!
     
  5. camtien14101999

    Bài viết:
    9
    @Thần thoại: Cảm ơn vì đã đọc và ủng hộ ạ. Em cũng đọc truyện của chị rồi, hay lắm ạ!
     
    Thần thoại thích bài này.
  6. Thần thoại Cố gắng lên!

    Bài viết:
    146
    Cảm ơn em.
     
    camtien14101999 thích bài này.
  7. Phong Du Nhiên

    Bài viết:
    4
    [QUOTE="camtien14101999, post: 711926, membe*vno 22*
     
    Nguyệt Hàn thích bài này.
  8. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Quá hay luôn, truyện của bạn đạt giải nhất hoàn toàn xứng đáng. Chúc mừng bạn!
     
    camtien14101999 thích bài này.
  9. camtien14101999

    Bài viết:
    9
    Cảm ơn bạn đã đọc và ủng hộ ạ!
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
  10. Tuyết Phi Ly

    Bài viết:
    82
    Truyện hay và ý nghĩa lắm, thấy mọi người nói bạn đạt giải nhất, cũng dễ hiểu, chúc mừng bạn nhé!
     
    camtien14101999 thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...