Truyện Ngắn: Đưa Em Qua Mùa Hoa Cũ. Tác Giả: Hoài Thư * * * Con ngõ nhỏ mà chỉ cần nhìn lớp rêu mấy lần xanh rồi tàn trên mảnh tường vôi cũng đủ biết tuổi của nó đã hơn mấy lần đời người. GÌan bông trang nhà bà Hiền mỗi khi chiều về lại tỏa hương thơm lây cả đầu ngõ cuối ngõ. Người ta có thể vội vã đâu đó ở những nẻo đường ngoài kia. Nhưng khi về với ngõ "bông trang" thì nhịp chân lại chậm đi một chút. Giàn bông trang trắng đỏ mấy chục năm xanh ngát của nhà bà Hiền đã trở thành biểu tượng cho cái ngõ không tên. Đến bây giờ người ta hỏi ngõ mười lăm thì khó ai biết nhưng cứ nói ngõ "bông trang" thì tự khắc nhớ đến con ngõ tỏa hương thơm này. Năm giờ chiều, tiếng dao thớt lọc cọc, tiếng chảo dầu xèo xèo, tiếng chổi dừa loẹt xoẹt nhà bà Hiền cứ đúng giờ lại vang lên. Ai cũng biết đứa cháu gái yêu dấu của bà Hiền đã về. Mười mấy năm nay hàng xóm láng giềng riết rồi cũng quen thời gian biểu của nhà bà Hiền, riết rồi ai cũng có câu cửa miệng rằng: - Ước gì nhà tôi có đứa con gái như cái Huyền. Huyền là cháu ngoại của bà Hiền. Năm nay vừa tròn hai mươi tư tuổi. Huyền được thừa hưởng trọn vẹn nét đẹp của mẹ. Tóc dài và đen nhánh, dáng người thon thả vừa mắt. Cô có gương mặt trái xoan lúc nào cũng khép nép e lệ. Cứ hễ ai nói đến tên cũng đỏ mặt đỏ tai. Từ ngày cha mẹ mất Huyền về ở với bà rồi từ đó lớn lên không một ngày rời xa bà. Đến đi học đại học cũng tìm trường đại học sư phạm gần nhà để tiện đi về chăm sóc cho bà. Mười mấy năm bà cháu dựa dẫm vào nhau chẳng bao giờ hàng xóm nghe thấy tiếng to. Bởi vậy người trong ngõ tất thảy ai cũng có lời khen với Huyền. Trên đời này hiếm cô gái nào vừa đẹp người đẹp nết như cô ấy. Có lẽ trời cũng thương cho phận mồ côi cha mẹ từ sớm nên đã cho Huyền một cuộc sống êm đềm bên bà ngoại, lại cho cô một mối tình đẹp với Hưng, một anh Trung Úy công an. Cả hai quen và yêu nhau từ khi Huyền học năm nhất, cho đến nay cũng đã bốn năm. Mới gần đây Hưng đã đưa Huyền về ra mắt gia đình. Cả hai đều đợi khi công việc của Huyền ổn định, nghĩa là Huyền ký hợp đồng chính thức với trường Thắng Lợi và vào biên chế thì sẽ kết hôn. Hưng chạy chiếc SH trắng đến trước cổng nhà, bà Hiền ngồi ngay cửa, trên chiếc ghế gỗ đung đưa thư thả coi ti vi. Tiếng xe máy của Hưng chẳng đả động được đến bà. Ngay cả ngồi sát cái ti vi cà khổ mở loa to cho cả xóm nghe bà cũng chỉ nghe tiếng được tiếng mất. Cái tai của bà đã "nghỉ hưu" năm, sáu năm nay rồi. Thấy Hưng tới, Huyền trong bếp chân ướt chân ráo cả không xỏ dép chạy ra sân đón. Trên người cô mùi dầu mỡ, mùi khói đồ ăn còn vương đầy cả tóc, cả áo quần khiến Hưng hơi cau mày. Hưng tỏ vẻ khó chịu: - Em mới đi làm về đấy à? Còn chưa cả tắm gội? Huyền e ngại nhìn lại bản thân, một cô giáo dạy văn cấp ba mới tuần trước quần là áo lượt đứng trên bục giảng. Nay vì kiếm tiền mà chạy tốt mặt tối mày từ sớm đến tối. Đến cái bộ tóc dài bị xổ tung lúc trưa khi ở nhà hàng cũng bị bối một cách vội vã không được gọn gàng. Cô tự xấu hổ đưa tay vuốt lại mái tóc, rồi vội thả hai cái ống quần jean xắn lên đến bắp chân xuống nói với Hưng: - Em xin lỗi! Nay nhà hàng bận quá nên em về trễ. Anh đợi em một chút nhé, để em dọn cơm cho bà cái đã. Hưng còn sốt sắng hơn cả Huyền, anh phẩy tay nói: - Em nhanh cái chân cái tay lên đi. Mau tắm rửa thay quần áo. Cơm nước bảo bà tự xuống lấy ăn. Giờ bên gia đình anh cha mẹ đã đợi sẵn rồi, còn có cả mấy anh chị trong họ đến ăn cơm. Ai đâu mà chờ em mãi được. Nhìn Hưng có chút bực tức, Huyền lại sợ Hưng giận nên vội vàng nói: - Thôi được rồi em thay đồ đi ngay đây. Huyền vội chạy vào với bà, đôi mắt cô giấu đi một chút mỏi mệt. Huyền chạy vào nói lớn vào tai bà: - Con nấu cơm xong rồi, bà vào xơi cơm nhé. Con phải đi ngay qua nhà anh Hưng. Bà Hiền cố lắng tai nghe rồi "ờ! Ờ!" mấy tiếng. Nghe đến tên Hưng, bà vui vẻ quay sang nhìn anh. Còn cố sức nói to: - Hưng đấy à! Vào đây chơi cháu! Hưng vẫn ngồi nguyên trên xe, đầu chỉ gật một cái từ chối rồi quay mặt vào bóng tối hun hút cuối ngõ chưa kịp sáng đèn. Huyền nói thế nhưng vẫn ráng nhanh nhẹn dọn cho bà một mâm cơm nhỏ. Còn mình qua loa dội vài gáo nước rồi đi đến nhà Hưng. Tính Huyền xưa nay đã giản dị, nay vì vội đi cho kịp bữa cơm với nhà Hưng nên ăn mặc càng đơn sơ. Cô mặc đại chiếc quần âu đen và chiếc sơ mi hồng phấn vẫn thường mặc lên lớp. Dù đã nhanh hết mức nhưng ra đến nơi vẫn nhận được sự khó chịu của bạn trai. Anh làu bàu: - Lần sau hẹn nhà anh ăn cơm em phải chuẩn bị sớm một chút. Đến cả việc tới sớm phụ mẹ anh vào bếp mà em còn không làm được. Thế sao anh ăn nói với mẹ đây. Hai người nổ máy rời đi, Huyền vẫn chất giọng dịu dàng nói chuyện với Hưng: - Vì anh cũng báo gấp quá nên hôm nay em cũng không thể xin chỗ làm về sớm được. Không biết cha mẹ gọi em qua có vấn đề gì không anh nhỉ? Hưng vẫn chất giọng buồn bực, lạnh nhạt nói chuyện với Huyền: - Còn gì nữa, việc em bị trường Thắng Lợi cho thôi việc mẹ đã biết đến rồi. Hơn nữa em chỉ định làm tạm thời vài ba bữa ở cái nhà hàng đó. Sao phải nghiêm túc như vậy. Việc nhà quan trọng hơn, nếu họ đuổi thì nghỉ. Việc gì mà em phải lo lắng sợ hãi. Chẳng lẽ em định làm phục vụ cả đời. - Em không.. Huyền đáp lời thật nhỏ, tâm trạng cô bị xuống dốc trầm trọng. Nào có phải Huyền chọn nghỉ việc ở Thắng Lợi rồi làm phục vụ ở nhà hàng Hoàng Mai. Chỉ vì nhà trường giảm biên chế, cô lại nằm trong danh sách những giáo viên hợp đồng ngắn hạn. Bởi vậy nhà trường từ chối ký thêm hợp đồng những năm tiếp theo với cô. Từ một người có công ăn việc làm ổn định, sau một tờ quyết định đã thành một kẻ cù bất cù bơ không công ăn việc làm. Cô muốn ở lại? Cũng được thôi nhưng số tiền để mua một chỗ ngồi trong trường Thắng Lợi cả đời cô trước giờ chưa từng cầm qua chứ đừng nói đến việc có nó. Nghĩ vẩn nghĩ vơ một lúc Huyền và Hưng đã đến nơi. Nhà Hưng mới mua trong khu đô thị Vạn Phúc. Khu biệt thự liền kề có kiến trúc giống hệt nhau, cái nào cũng to cũng đẹp và tỏa ra mùi "nhiều tiền". Mấy chiếc ô tô con đậu trước cổng nhà khiến Hưng đành phải để chiếc xe máy của mình bên cạnh cổng. Mấy anh chị bà con của anh đều là người có chức quyền, nhà ai cũng có một hai chiếc ô tô cả rồi. Từ ngoài cổng Huyền đã nghe thấy tiếng nói cười rôm rả của gia đình Hưng, tiếng ồm ồm của cha Hưng đúng chất của một tướng về hưu. Nghe thấy thôi cũng đủ kính sợ rồi. Huyền xốc lại tinh thần, bẽn lẽn theo sau Hưng, vẻ đẹp trai hào hoa của anh đứng bên cạnh cô có phần nổi bật hơn. Cũng có thể vì hôm nay Huyền đã quá qua loa với bản thân. Cả hai vào đến phòng ăn, ai nấy đều quần là áo lượt, tất cả đều là đồ hiệu. Chỉ cần nhìn cũng cảm thấy được khí chất của người có tiền. Huyền thấy thế lại càng xấu hổ. Cô đỏ bừng mặt cúi chào gia đình. Mẹ Hưng thấy bộ dạng quê mùa của con dâu thì như có ai hắt gáo nước lạnh vào mặt. Khuôn mặt ửng hổng vui tươi ban nãy đột nhiên xám ngắt. Nụ cười tắt, bà hỏi Huyền ngay: - Cháu mới đi phục vụ tiệc cưới ở nhà hàng Hoàng Mai về đó à. Chị Sương đây bảo hôm nay đến ăn tiệc cưới con chủ tịch ở đấy đã gặp cháu. Huyền đáp, bối rối tay nắm chặt tay: - Dạ.. Hưng chẳng hề để ý đến thái độ của Huyền, dửng dưng nâng cốc với ông anh họ ngồi kế. Để mặc Huyền với sự soi mói của bà chị họ và mẹ. Chị Sương vui vẻ bắt chuyện với Huyền: - Phải rồi, nãy chị có gặp em lúc em bưng bê ở tiệc cưới. Nhưng trông em bận rộn quá nên chị cũng không dám phiền. Nghe nói em bị buộc cho thôi việc ở trường. Không được vào biên chế lại còn bị đuổi việc.. Không hề khách khí, chị Sương nói một tràng như bão táp rồi còn khều qua mẹ Hưng: - Em nó bị đuổi việc rồi. Thế chuyện cưới xin thì tính sao cô nhỉ. Đến ăn cơm, mà chưa ăn được miếng nào Huyền đã bị chị Sương cho ăn cục tức không thể nuốt trôi. Cô giận lắm, muốn mắng chị Sương một trận nhưng tính cô xưa nay làm gì biết nói nặng lời với ai. Cả cuộc đời học theo mẹ, theo bà "dĩ hòa vi quý". Huyền vờ như tai mình điếc, đưa muỗng húp một chút súp bóng cá "đắng nghét". Chị sương vẫn không giữ nết, còn cố thêm một câu, nhưng lần này chỉ là nói vừa đủ cho mẹ Hưng và Huyền nghe thấy: - Thế việc xem mắt đứa bạn của cháu thì sao. Cô có nghĩ lại không? Huyền còn chưa chết, Hưng và Huyền cũng chưa chia tay. Chị Sương làm vậy có phải là quá coi thường cô không? Huyền thực sự chịu không nổi nữa, cô nhịn nhục đứng dậy cố nén sự ấm ức vào cổ họng: - Cháu xin phép ra ngoài một lát.. Cả bàn ăn tĩnh lặng nhìn gương mặt đỏ như gấc của Huyền. Đôi mắt đỏ au của cô chỉ cần một cơn gió nhẹ nữa thôi là rơi nước mắt. Cô không đợi ai cho phép, lấy áo khoác và túi xách bỏ ra khỏi nhà. Hưng lúc này mới để ý đến bạn gái. Anh vội vã đuổi theo. Huyền mặc tiếng gọi của bạn trai, một mạnh đi thẳng ra hướng quốc lộ. Hưng cuối cùng cũng đuổi kịp, anh thô bạo nắm tay Huyền giật ngược về phía sau: - Em làm sao đấy hả! Đang yên đang lành tự nhiên bỏ đi. Em không nể mặt gia đình anh gì cả vậy. Quá giới hạn chịu đựng của mình, Huyền bật khóc: - Em nể mặt gia đình anh, vậy họ có nể mặt em không? Em còn chưa chết, chúng ta chưa chia tay mà hết lần này đến lần khác chị Sương muốn giới thiệu bạn chị ấy cho anh. Đây không phải là lần đầu chị ấy nói điều đó trước mặt em.. Hưng vuốt mặt, cố gắng vuốt cơn giận của mình để nói chuyện nhẹ nhàng với Huyền: - Cũng vì em không mau chóng vào biên chế nên chúng ta không thể cưới nhau. Mẹ anh cũng vì thế mà không thẳng thừng từ chối những lời mai mối. Huyền bật cười, cô vừa khóc vừa cười trông càng lúc càng giống một kẻ dại: - Lại là lỗi của em. Em nghèo không có tiền vào biên chế cũng là lỗi của em sao? Em không có việc làm phải đi làm phục vụ cũng là lỗi của em sao? Em vì gia đình mình mà gồng gánh, vì anh mà trăm ngàn lần mẹ anh chê khinh cũng phải mỉm cười.. cũng là do em sao? Anh nói đi, người mẹ cao ngạo của anh chưa bao giờ để em vào mắt cũng là lỗi do em sao? Tiếng gió lướt trong không gian, một tiếng "bốp!" vang lên giữa con đường nội khu vắng vẻ. Đôi mắt u ám của Huyền sau cái tát bất ngờ của Hưng như vừa được gột rửa sáng long lanh. Cô găm đôi mắt vừa thương vừa hận vào Hưng. Hưng cũng bối rối loạng chạng lùi về sau một bước. Anh nhìn bàn tay mình, hơi áy náy, muốn tiến về phía Huyền nhưng vì tự cao lại đứng im tại chỗ, anh vẫn buông những lời lạnh như đá tuyết: - Em đừng hỗn láo với mẹ anh. Chấp nhận em cũng đã là quá khó với bà ấy rồi. Huyền như tỉnh cơn mộng, cô lau sạch nước mắt. Đột nhiên thấy cô trở nên mạnh mẽ và tự tin hơn trước. - Em thì sao? Vì em nghèo nên khó chấp nhận? Vì em là trẻ mồ côi không cha mẹ nên khó chấp nhận? Vì em là một đứa không làm một công việc đạo mạo, đàng hoàng nên khó chấp nhận? Huyền không nói không rằng, cô tháo chiếc nhẫn đính ước trong tay mình rồi nhét nó vào tay Hưng: - Nếu khó cho gia đình anh như vậy.. thì mình chia tay đi. Huyền quay lưng đi thật, một giây cô cũng không hối hận vì cái quay đầu hôm nay. Hưng không tin Huyền chia tay mình thật. Yêu nhau sáu năm Huyền chưa từng đòi chia tay, lần nào có chuyện cũng là cô ấy làm hòa. Hưng đã nghĩ lần này cũng vậy. - Em đừng có trẻ con như vậy. Em mà không quay lại thì sẽ không còn cơ hội đâu. * * * Huyền ốm nặng, cả ngày nằm bẹp trên giường, không khóc không cười, cũng chẳng buồn ăn uống. Mấy ngày trôi qua rồi cũng chẳng thấy Hưng hỏi thăm đến. Dù không biết chuyện gì, bà Hiền chỉ biết ngồi bên cạnh giường cô cháu gái. - Chia tay sớm là tốt, bà cũng không thích thằng nào làm cháu bà khóc cả ngày. Bà Hiền vừa lãng vừa lẫn. Cả ngày chỉ có một câu ấy an ủi cháu gái. Ngôi nhà vẫn tỏa hương bông trang buồn man mác. Nhiều Khi lãng tai như bà Hiền mà có lợi thật. Bà chẳng đi đâu ra khỏi khoảng sân gạch, tai chẳng nghe người đầu ngõ cuối đường to nhỏ chuyện riêng tư nhà người khác. Mấy tháng gần đây ngõ "bông trang" chỉ độc có một chuyện Huyền bị hủy hôn mà mỗi ngày không hết chuyện để nói. Dũng lấy cái khăn vuông màu xám vắt trên vai chấm mấy giọt mồ hôi trên trán đang chảy xuống làm cay mắt. Tay mần mò sửa cái quạt cũ mèm của cụ Bảo nhưng tai và mắt vẫn lén nhìn về phía cô gái dáng vẻ gầy gò mỏng manh đầu gần như cúi gằm xuống đang mua rau ở sạp chợ đối diện với kiot điện cơ nhà anh. Mấy bà bán sạp bên cạnh nhìn nhau to nhỏ. Anh biết thừa họ lại nói về chuyện của Huyền. Là người ta không xứng đáng để Huyền gửi gắm cả đời. Tại sao vào miệng thiên hạ thì mọi tội lỗi đều do Huyền mà ra. Chẳng lẽ người thân phận thấp thì luôn là người sai sao. Ông Bảo nhìn thấy Huyền bộ dạng thảm hại xách cái làn nhỏ rời khỏi chợ cũng ngứa miệng nói với Dũng: - Con bé đúng là quá dại. Có thằng người yêu xuất chúng như vậy mà lại chê ỏng chê eo. Chịu nhường nhịn một tí thì có phải vừa được làm nghề giáo danh giá. Vừa làm vợ của cán bộ. Đời còn ai sướng bằng. Dũng khịt mũi, anh đưa tay quệt ngang chiếc mũi dọc dừa của mình. Đôi mắt to đen và sâu như hai giếng sầu của anh nhìn vào chiếc quạt cũ với ánh nhìn có phần khinh khi và giận dữ. Anh định không lên tiếng nhưng đến một ông lão cũng không hiểu chuyện nói xấu Huyền thì anh không chịu được. - Bỏ chạy kịp cái thằng vũ phu ấy là phúc của cô Huyền. Giàu có thì sao chứ, đánh phụ nữ thì cũng chỉ là rác rưởi. Ông Bảo liền nói ngay, ông không một phần nào đứng về phía Huyền: - Đó là anh nghe con bé nó kể. Đâu biết được con bé có ăn nói hỗn láo gì không nên mới bị ăn đánh. Nói chứ thằng đàn ông máu nóng đã lên rồi thì chỉ một câu xúc phạm cũng khó giữ được mình. Dũng hừ mũi một cái. Vứt cái mỏ lết vào bộ đồ nghề khiến ông Bảo giật cả mình. - Làm đàn ông kiềm chế được cơn nóng giận để không làm tổn thương người mình yêu mới là hảo hán. Dũng đứng dậy, cái vóc dáng quá cao so với cái kiot bé tí teo của anh khiến anh phải hơi cúi đầu để tránh bị đụng trúng, Dũng phủi tay nói: - Của bác năm chục. Lời nói mạnh mẽ dứt khoát của anh khiến ông Bảo cũng hết tâm trạng nhiều chuyện. Yên lặng rút tiền ra trả rồi rời đi. Kiot sửa điện cơ chỉ còn mình anh, Thân thể cường tráng của anh có vẻ quá khổ trên cái ghế xếp đã bạc phếch màu. Không phải chỉ là vì anh thân quen với gia đình Huyền mà ra mặt nói đỡ cô ấy. Mà còn vì số phận của anh ít nhiều giống với Huyền bây giờ. Năm năm trước anh và vợ ly hôn. Cả cái ngõ "bông trang" này cũng đã không để anh yên tai một ngày. Cha mẹ an là lao động nghèo ở quê xa. Một mình anh lên thành phố học rồi mở một kiot sau khi ra trường. Trai nghèo tỉnh lẻ như anh phúc đức lại lọt vào mắt xanh của một tiểu thư thành thị. Cô gái xinh đẹp mê muội nhan sắc của anh. Mê luôn cái tính hiền lành thẳng thắn của anh nên chẳng bao lâu hai người kết hôn dù gia đình cô gái kịch liệt phản đối. Một cô gái con chủ tiệm vàng mà lấy một anh thợ quèn lề đường chạy cơm ba bữa thì làm sao tương xứng. Tưởng là sẽ có chuyện một mái nhà tranh hai quả tim vàng nhưng ai ngờ đâu sau những ngày tháng mờ mắt vì yêu đương cô vợ anh cũng sáng mắt ra khi phải bươn chải kiếm cơm cùng chồng. Ngày ngày thấy chồng mồ hôi và dầu nhớt đầy mặt mũi khiến cô kinh tởm không chịu được. Cô muốn anh theo về bán vàng với gia đình, đổi mới cuộc sống bần hàn. Nhưng một người đàn ông tự trọng cao thì làm sao có thể chịu về làm thuê cho nhà vợ. Hai người cuối cùng không thống nhất ý kiến, sau một năm thì ly hôn. Ai cũng cười và chê anh nghèo mà sĩ diện. Có nhà vợ giàu có mà không biết hưởng. Nghe theo vợ về nhà bán vàng thì bây giờ có phải ăn trắng mặc trơn chẳng lo mưa đến mặt như bây giờ. Dũng không nói nhiều với ai, anh chọn cách im lặng đối đãi lại với ngàn cái miệng của thiên hạ. Năm năm qua rồi ai cũng dần quên chuyện của anh trong dĩ vãng. Dũng nằm vẩn vơ nghĩ ngợi suýt nữa đã chìm vào giấc ngủ thì tiếng gọi nhỏ nhẹ của Huyền làm anh thức giấc: - Anh Dũng ơi! Anh nhìn thấy Huyền, vội vàng đứng lên chỉnh đốn bản thân, suýt thì cái đầu của anh đụng vào cái kèo nhà. - Ôi cô Huyền đấy à? - Dạ anh! Anh ngủ đấy à? Xin lỗi vì gọi anh dậy.. Dũng bối rối đáp: - Không! Tôi rảnh quá định chợp mắt một lát. Cô có việc gì đấy. - Em đi vòng về rồi mới nhớ ra quên gọi anh qua coi đường dây điện trong bếp nhà em. Mấy nay nó chập cheng gì mà lâu lâu phun ra lửa. Em đi làm suốt, để như vậy bà ở nhà em không an tâm. Dũng còn chẳng thèm nghĩ, liền đồng ý ngay: - Được rồi, cô Huyền cứ về đi. Tôi thu dọn một chút rồi chạy qua liền. Nhìn sự khấp khởi của Dũng khiến Huyền thấy vui vẻ hơn chút. Mỗi lần nhìn thấy anh lại thấy một hình ảnh chàng trai nhanh nhẹn nhiệt tình, còn có phần hậu đậu vụng về. Chứ không hề lạnh lùng khó gần như mấy người trong ngõ thường nói với nhau. Dũng qua sửa lại đường dây điện bị chập, còn bao đồng đi kiểm tra toàn bộ thiết bị điện và ống nước trong nhà. Anh cứ nhân viên bảo dưỡng của nhà Huyền vậy. Không đến thì thôi, mỗi lần đến là đồ hư gì anh cũng lôi ra sửa. Huyền ngồi bên bậc thềm nhặt mớ rau muống mới mua ở chợ về để chuẩn bị bữa trưa. Cô mỉm cười nhìn Dũng đang mướt mát mồ hôi, cẩn thận lau sạch cây quạt quà cưới của bà ngoại. Bà ngồi đung đưa trên ghế gỗ, đôi mắt dịu dàng của bà nhìn Dũng đầy hài lòng. Còn nói to dặn dò: - Lát nhớ coi cái ti vi cho bà. Mấy nay cái loa nó lại hư rồi, nó nói gì bà chả nghe được. Dũng đưa nếp áo thun trắng lên lau mồ hôi trán. Anh cười nói với bà thật lớn: - Bây giờ chỉ có nước gắn cái loa trực tiếp vào tai của bà thì bà mới nghe được thôi. Chứ chữa cái ti vi ấy thì cháu bó tay rồi. Câu nói đùa của Dũng làm cho cả hai bà cháu không nhịn được phải cười lớn. Khoảng sân gạch đỏ giữa trời tháng ba sao mà mát lành trong trẻo đến vậy. Huyền cũng lâu lắm rồi mới có thể thực tâm vui vẻ như thế. Chuyện của Hưng đã ba tháng trôi qua nhưng mối tình sáu năm như cái dằm đâm mãi trong tim cô. Người ngoài chẳng ai hiểu cho cách cư xử của cô, hết thảy đều nói cô sĩ diện hão. Bà thì đã lớn tuổi, cô cũng không muốn bà âu lo. Cả ngày chỉ cố làm vẻ mặt bình thản cho người ngoài thấy, nhưng đêm về lại ôm tâm sự khóc cười với ánh sao đêm. Người duy nhất có thể hiểu cho cô và chia sẻ với cô có lẽ là anh Dũng. Người đàn ông ba mươi lăm tuổi dùng trái tim từng trải qua đau thương để chia sẻ và thấu hiểu với cô, khiến cô vô cùng cảm kích. Dũng dùng cơm xong với gia đình Huyền còn tử tế xuống bếp giành rửa chén với Huyền. Cả hai đang rất đỗi trầm tư tự nhiên Huyền buột miệng tâm sự: - Hôm trước Hưng có hẹn gặp em anh ạ. Dũng lạnh nhạt nói: - Sao? Nó lại ngọt nhạt với cô khiến cô mềm lòng à? - Không.. Anh ấy nói em đừng bướng bỉnh nữa. Chịu về xin lỗi mẹ anh ấy rồi họ sẽ chạy tiền cho em tiếp tục đi dạy học.. Nói đến đậy Huyền không nhịn được lại rơi nước mắt. Trên gương mặt anh tú của Dũng hiện rõ hai từ "lo lắng". Nhưng anh không muốn bộc lộ quá đà, chỉ dùng những câu nói lạt lẽo như nước gạo của mình để an ủi Huyền: - Khóc làm gì! Chẳng lẽ cô muốn về nhà đó để cả đời mang tiếng là ở trọ làm thuê. Tiền nhà người ta cô ăn không mà được sao. Huyền không dám khóc nhiều. Cô nhanh chóng gạt nước mắt. Mắt dáo dác nhìn lên nhà trên sợ bà phát hiện lại mắng cô mít ướt. Huyền trả lời: - Em chỉ buồn vì người ta không thể chấp nhận cái khổ, cái nghèo của em. Nói đúng hơn là con người thật của em. Thì ra cái mẽ ngoài lại quan trọng với người ta như vậy. Em tự hỏi.. nếu trong sáu năm qua em không phải là sinh viên sư phạm, tương lai là một giáo viên thì người ta có yêu em không? Cả hai đều im lặng, khoảng lặng mông lung chứa đầy những nghi vấn và cả những câu trả lời đôi khi thật đến đau lòng. Giờ tan tầm người người đổ dồn ra đường. Trên con đường tấp nập xe cộ bóng dáng cô độc đáng thương của Huyền đang độc hành dắt con xe cà tàng càng thêm nổi bật. Dắt đến nửa cây cầu bắc qua con sông rộng thì Huyền đã thực sự kiệt sức. Cô dựng xe lên vỉa hè rồi ngồi bệt xuống cầu, mắt nhìn dòng sông lấp loáng ánh nắng cuối ngày mà cô đơn trống trải mênh mông. Hôm nay quả là một ngày tệ hại, cô đi làm trễ nên bị quản lý mắng chửi. Đã thế còn bị một ông khách sàm sỡ đổ cả ly bia vào vạt áo. Ngay cả khi về vận đen còn không chịu buông tha cái thân thể tàn tạ của cô, còn khiến chiếc xe chết máy giữa cầu. Đời người ai cũng sẽ có một ngày đen tối như vậy, cảm thấy như thể cả thế giới đã ruồng bỏ mình, mọi vận đen rủ nhau kéo đến dìm chết con người ta trong uất ức và cô đơn. - Sao lại ngồi đây? Huyền! Tiếng quát lớn của Dũng át cả tiếng gió lớn và tiếng xe cộ qua lại. Huyền ngồi đó, như một chú chim nhỏ ướt mưa. Nhìn thấy anh, cô không nhịn được nữa liền bật khóc thật lớn. Khóc lớn đến mức Dũng cảm thấy như chính mình có lỗi vậy. Anh dựng xe chạy vào xem xét chân tay Huyền: - Em ngã à? Đau ở đâu? Huyền liên tục lắc đầu. Tiếng nấc nghẹn ngào ngăn cản cô mở lời. Huyền đành chỉ tay về chiếc xe hư. Dũng biết ý liền đứng dậy kiểm tra xe. Xem xét một hồi anh chỉnh chỉnh sửa sửa, gương mặt đã lấm lem dầu nhớt từ khi nào. Xe nổ máy lại, nhưng Huyền vẫn chưa hết khóc. Dũng chạy xe đi đâu đó một thoáng rồi cầm về hai ly nước mía và một ổ bánh mì thịt nóng hổi. Huyền đã nín khóc, nhưng vẫn chẳng muốn mở miệng. Dũng cũng không gạn hỏi. Anh âm thầm ngồi bên cô, cùng cô ngắm ánh nắng cuối ngày chìm vào những nóc nhà thành phố ở phía xa, con sông ánh vàng ban nãy đã đổi sang màu tím ngắt. Dũng thư thái nhắm mắt tận hưởng làn gió mát phả vào mặt. Huyền ngoan ngoãn ăn bánh mì và uống nước mía. Có lẽ Dũng chính là may mắn duy nhất trong ngày hôm nay của Duyên. Dưới bóng hoàng hôn, dáng hình của hai con người cô độc bỗng nhiên đẹp đẽ lạ thường. Hình như Huyền đã nói gì đó, nhưng gió trên cầu đã cuốn lời cô tan vào khoảng lặng thinh không tím lịm của bầu trời. * * * Chiếc xe bán xôi mới vừa dọn ra, chẳng mấy chốc đã tấp nập người mua. Chiếc xe đặt ở đầu ngõ, ngay trước kiot điện cơ nhỏ của Dũng thì đúng là thiên thời địa lợi. Thêm vào đó cô chủ bán xôi lúc nào cũng tươi cười thì hỏi khách nào mà chẳng muốn ghé vào ủng hộ. Người trong ngõ "bông trang" ai nấy nhìn Huyền cũng cảm thấy vui lây. Sau cú sốc về tình cảm, cô gái mong manh yếu đuối như liễu trước gió ấy cuối cùng cũng đã vực dậy. Không những trở lại những ngày tươi đẹp trước kia mà hình như trông cô còn hạnh phúc rạng rỡ hơn cả ngày xưa. Hàng xôi mở bán một thoáng đã hết sạch, có lẽ cũng do một phần có anh phụ bán đẹp trai như Dũng. Buổi sáng Dũng thường vắng khách nên quay sang phụ gói xôi và thu tiền cho Huyền. Mối thâm tình của hai người xưa nay người trong ngõ thường đồn thổi. Nhưng do hai người thân quá thành người thân mất rồi nên nhiều khi người trong ngõ còn nhầm trưởng Dũng thật sự là con trai của bà Hiền. Người ta đồn đại mãi mà chẳng thấy hai người nên đôi nên thôi, giờ thành quen mắt chẳng ai thèm để ý đến chuyện tình cảm của hai người họ nữa. Hơn nữa Dũng và Huyền lại cách biệt tuổi tác quá nhiều. Một cô gái hai mươi lăm, một anh ba mươi sáu đã một đời vợ. Nếu tính ra ngày anh sinh viên, Huyền mới chỉ là cô bé chưa học hết cấp hai, trên vai còn đeo khăn quàng đỏ. Hơn chín giờ sáng, hàng xôi đã bán sạch veo. Huyền vừa thu dọn xong, Dũng cũng đang ung dung ngồi thưởng thức một ly cà phê đá để nghỉ mệt. Huyền đột nhiên bước đến đưa cho anh một nắm xôi xéo đậu xanh chà bông thơm lừng, cô cũng cầm trên tay một phần: - Anh ăn đi này, em để phần cho anh đấy. Dũng nhận lấy và đáp: - Sao không để mà bán. Anh có ăn sáng bao giờ đâu. - Bán thì cũng phải ăn chứ. Hơn nữa bỏ bữa sáng đâu có tốt. Anh ăn đi, xôi nay em nấu vừa nước nên dẻo lắm. Nói rồi cô ngồi xuống chiếc ghế gỗ nhỏ bên cạnh, hai người cùng nhau ăn nắm xôi sáng và trò chuyện dăm ba câu trên trời dưới biển. Cảm xúc mà cả hai dành cho nhau dường như đã có nhiều thay đổi từ khi Huyền nhận ra Dũng là một người đàn ông có nội tâm sâu sắc lại còn vô cùng dịu dàng. Chỉ có điều Dũng không dám nghĩ xa hơn. Một phần vì cả hai thân thiết với nhau như anh em đã từ lâu. Một phần vì mặc cảm số phận, anh vốn dĩ nghĩ mình không xứng với cô gái tuyệt vời như Huyền. Có lẽ chuyện tình cảm của họ chỉ còn chờ một bước chân mạnh mẽ của Dũng tiến về phía Huyền mà thôi. * * * - Cho tôi một phần xôi đậu đen nhé! Tiếng nói của một thanh niên khiến Huyền phải ngước mắt lên nhìn. Lại là anh ấy, chàng trai trẻ đã mua xôi của cô đều đặn hơn hai tuần nay. Huyền niềm nở chào mừng: - Thầy Tùng! Anh ăn xôi giỏi thật đấy. Nửa tháng rồi không sót bữa nào. Mà hôm nay anh không đến trường sao? Huyền vừa nói vừa nhìn vào cái giỏ xe máy trống trơn không có cặp giáo án như mọi ngày của Tùng. Tùng ngại đỏ mặt, có lẽ cách cua gái kinh điển của anh Huyền đã bắt thóp rồi. Còn chưa kịp nói thêm câu nào thì khách đã đến kín chiếc xe xôi, Tùng không e ngại vội tấp xe vào lề rồi phụ Huyền gói xôi cho khách. Dũng lúc ấy đang bận sửa đồ trong nhà, lòng nóng hơn cả mũi hàn trên tay nhưng chẳng biết làm sao được. Đành cắn răng nhìn Tùng và Huyền vui vẻ đứng trò chuyện bên ngoài xe xôi. Khách đến mua thấy họ lại còn thêm vào mấy câu gán ghép làm cho Dũng trong đây nhấp nhổm như ngồi đống than. Tùng không có vẻ ngoài điển trai như Dũng, tướng anh cao và gầy. Là một thầy giáo cấp hai nên trông phong thái có chút già trước tuổi. Nhưng nói chung khi đứng bên Huyền cũng không đến nỗi lệch pha. Tin tức Tùng với Huyền cũng đã đến tai bà Hiền. Chiều hôm đó đang là bữa cơm tối bà Hiền liền thủ thỉ: - Bà nghe nói có cậu Tùng nào đó thường lui tới xe xôi nhà mình phụ cháu à? Huyền nghe nhắc đến chuyện tình cảm thì mặt tự động đỏ bừng, cô chỉ im lặng gật đầu giấu đi xấu hổ. Bà nói tiếp: - Mấy người trong xóm có khen với bà rằng cậu Tùng đó cũng là con nhà gia giáo. Tính nết cũng hiền lành lương thiện. Chuyện của cháu với Hưng đã qua lâu rồi, cháu cũng không còn bé nữa. Nếu nhắm chừng thương mến cậu Tùng thì hai đứa cũng nên bắt đầu tìm hiểu đi thôi. Huyền dầm đôi đũa trong chén cơm nhỏ, tâm trạng mông lung bất định. Thật ra người cô chờ đợi đâu phải Tùng. Nhưng người cô đợi mãi chẳng thấy bật đèn xanh. Đột nhiên tiếng mở cổng thô bạo làm cho Huyền giật mình, mấy giây sau đã nghe thấy tiếng Dũng bô bô bên ngoài sân: - Bà ơi! Cháu sửa xong cái quạt rồi đây này. Bà Hiền lãng tai nhưng nghe tiếng của Dũng thì rõ mồn một, bà đáp ngay: - Dũng à! Mau vào đây ăn cơm. Dũng từ lâu đã coi bữa cơm nhà Huyền như nhà mình, chẳng đợi mời đến lần thứ hai đã vui vẻ ngồi xuống ăn cùng. Bà Hiền tiện thể hỏi dò thêm ý kiến của Dũng: - Dũng! Cháu thấy cậu Tùng thường hay lui tới thăm cái Huyền thế nào? Câu hỏi của bà làm cho cả hai sượng trân. Huyền vờ như không để ý, vẫn thản nhiên ăn cơm. Nhưng thật sự cô đang chờ đợi một câu trả lời thật lòng từ Dũng. Nhưng Dũng cũng quá phũ phàng, anh trả lời bà không chút băn khoăn: - Cậu ấy là người tốt. Cô Huyền mà quen cậu ấy chắc chắn là rất hợp nhau. Hai người đều là giáo viên, sự thông cảm chắc chắn là sẽ tương hợp. Trái tim Huyền như vừa có ai đó bóp chặt lại, thì ra Dũng đối với cô cũng chỉ là tình cảm anh em đơn thuần. Lòng anh thật sự chẳng có cô. Huyền đột nhiên thấy bực dọc trong lòng. Bởi cô nhớ đến những dịu dàng của Dũng dành cho cô. Nhớ đến những lúc cô đơn nhất cô luôn có anh bên cạnh. Nếu không phải anh cố ý giăng tơ thì cánh bướm yếu đuối như cô đâu có hữu ý rơi vào bẫy tình. Huyền nói: - Nếu mọi người đã nói như vậy, có lẽ con nên tìm hiểu anh Tùng ấy một lần xem sao. Câu tuyên bố của Huyền làm Dũng sững sờ mất mấy giây, anh bối rối đảo mắt, cố tình ăn nhiều hơn một miếng cơm che giấu đôi môi đang run lên vì căng thẳng của mình. Thật ra ban nãy trước khi vào đây anh đã vô tình nghe bà Hiền nói hết cả. * * * Dũng vẫn như mọi ngày, chiều đến thì dọn dẹp đóng cửa kiot rồi trở về với căn nhà nhỏ đơn độc ngay phía sau kiot của mình. Một mình xuống bếp, một mình ăn cơm. Căn nhà từ lâu thiếu tay người phụ nữ vừa có chút khô khan vừa có chút bừa bãi. Nếu không phải có Huyền lâu lâu sang dọn dẹp cho anh thì có lẽ cái nơi anh ở họ phải đổi tên thành "bãi rác". Vừa mới tắm xong, tóc còn chưa kịp chải thì nghe thấy tiếng Huyền gọi ngoài cửa. Anh không thèm để ý đến bản thân đang bán nude liền chạy ra đón. Huyền nhìn thấy nửa thân trên rám nắng, cùng mấy múi cơ tay cơ bụng lồ lộ của Dũng thì mặt đỏ tía tai liền quay đầu nhìn ra đường. Dũng lúc này Dũng mới xấu hổ lấy đại cái khăn lau đầu choàng lên người. Dũng ngửi thấy mùi nước hoa thoảng trong gió của Huyền. Tối nay cô có hẹn với Tùng nên cũng chỉn chu xinh đẹp khác thường. Huyền mặc một chiếc đầm trắng dài quá gối, cổ vuông tay phồng phô ra một khí chất tiểu thư đài các khiến Dũng ngẩn người. Huyền nói: - Bà bảo anh qua ăn cơm với bà. Tối nay em có hẹn với Tùng.. Tim Dũng chậm lại một nhịp, anh nhìn người con gái trước mặt mình trọn vẹn một chữ thương nhưng lại không biết phải làm sao. Anh vừa già vừa là trai đã lỡ một đời vợ. Bông hoa sen tinh khiết như Huyền sao có thể xứng với anh. Anh nghẹn lòng đáp lời Huyền: - Ừ! Cô đi chơi vui vẻ. Lát anh sẽ qua với bà. Huyền còn nán lại một chút như chờ đợi điều gì. Nhưng cuối cùng cô không thể đợi. Tùng đã đến sớm và đón cô đi ngay trước mắt Dũng. - Em đi nhé!.. Huyền lần cuối ném một ánh mắt trông đợi về phía Dũng, nhưng anh chỉ gật đầu rồi quay đầu nhìn đi nơi khác. Huyền thất vọng, cô đành cùng Tùng rời đi. Người ta nói trai gái bình đẳng, nếu thích ai đó con gái cũng nên mạnh mẽ bày tỏ. Nhưng Huyền đã bày tỏ đến mức ấy mà Dũng cũng không chịu mở lòng thì còn trách ai đây. Chỉ còn nước hét vào mặt anh ta là Huyền yêu anh thì anh mới cam lòng hay sao? Dũng trở vào nhà, nhìn bốn phía chẳng có ai, một nỗi cô đơn vây lấy ngực anh, anh hụt hẫng nằm vật xuống giường. Trong mắt chỉ còn mỗi hình ảnh dịu dàng đáng yêu của Huyền. Anh biết cô ấy từ độ mười sáu. Một cô bé thắt bím miệng lúc nào cũng cười mỉm duyên dáng. Cô ngoan ngoãn gọi dạ bảo vâng, cùng với anh mà trưởng thành nên một cô gái đảm đang, xinh đẹp. Anh đã thương cô từ lúc nào nhỉ? Có lẽ vào cái ngày đầu tiên cô mặc chiếc áo dài màu hồng lựu lên giảng đường. Anh tự nói với lòng: - Tùng sẽ chăm sóc tốt cho em.. Nhưng rồi nội tâm lại chất vấn anh. Lần trước Hưng đến anh cũng đã nói thế, nhưng cuối cùng người chịu đau khổ cũng chỉ có Huyền. Nếu lần này Tùng cũng không chăm sóc tốt cho cô ấy thì sao? Một ngọn lửa bùng lên mãnh liệt từ đáy lòng anh. Tại sao phải đợi người khác mang đến hạnh phúc cho người mình thương mà chính mình lại không làm điều đó. Dũng vội vàng thay đồ, rồi lái xe chạy đi tìm Huyền. Anh vội vã như thể để bù lại cả quãng thời gian đã cố gắng trì hoãn của bản thân lúc trước. Nhưng anh không biết cả hai người họ đi đâu, chỉ đành lái xe đến nơi giới trẻ vẫn thường lui tới. Phố về đêm, rất nhiều cặp tình nhân lướt qua anh. Nhưng chẳng có ai là bóng hồng mà anh ngóng đợi. Một vạn hình ảnh của Huyền và Tùng ập đến trong đầu anh. Chỉ vì anh lưỡng lự đã để mất cơ hội vào một chàng trai lạ lẫm. Chỉ vì anh lưỡng lự mà Huyền mãi mãi chẳng còn là của anh nữa. Dũng bất lực bỏ về. Nhưng gần đến cổng nhà đã thấy bóng dáng quen thuộc của Huyền đang lững thững bước về phía cổng bông trang ngát hương. Dũng vừa mừng vừa tủi, anh quăng xe chạy đến bên Huyền, cô thấy vẻ mặt thảng thốt của anh thì có phần bối rối. Cô nghĩ anh thắc mắc vì sao cô về sớm nên ấp úng nói: - Em.. em để quên đồ ở nhà nên.. Dũng không nhịn được nữa liền ôm chặt lấy cô. Hình như anh đã khóc. Hơi ấm từ trong tim anh lan tỏa khắp cơ thể Huyền, cảm giác dịu êm lấp đầy trái tim thổn thức của cô gái trẻ. Dường như cô còn chưa tin vào mắt mình liền hỏi: - Anh.. anh sao thế. Dũng nhẹ nhàng buông cô ra, đôi tay vẫn không rời bờ vai gầy mỏng của cô. Dưới ánh đèn đường, dưới giàn bông trang lấp loáng ánh sáng, đôi mắt anh long lanh rực rỡ tình yêu. - Anh yêu em. * * * Bà Hiền ngồi trong nhà, vẫn thư thái ung dung ngồi đung đưa trên chiếc ghế gỗ để xem thời sự. Có tiếng cổng va vào nhau, bà hắng giọng hỏi: - Dũng qua đấy à? Nhưng chẳng ai đáp lại. Chỉ có một đôi nam nữ đứng bên cạnh chiếc cổng phủ đầy bông trang trắng đỏ, tỏa hương thơm lừng. Chẳng ngại ngùng, chẳng giới hạn. Không phân biệt giàu nghèo hay tuổi tác. Họ trao cho nhau nụ hôn đầu ngọt ngào giữa làn hương thơm mát tháng tư. Hết. [Thảo Luận - Góp Ý] Các Tác Phẩm Của Hoài Thư