Du Sơn Tây Thôn - Lục Du 遊山西村 莫笑農家臘酒渾, 豐年留客足雞豚。 山重水復疑無路, 柳暗花明又一村。 簫鼓追隨春社近, 衣冠簡樸古風存。 從今若許閑乘月, 拄杖無時夜叩門。 Du Sơn Tây thôn Mạc tiếu nông gia lạp tửu hồn, Phong niên lưu khách túc kê đồn. Sơn trùng thuỷ phúc nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn. Tiêu cổ truy tuỳ xuân xã cận, Y quan giản phác cổ phong tồn. Tòng kim nhược hứa nhàn thừa nguyệt, Trụ trượng vô thì dạ khấu môn. Điệp luyến hoa: Chớ cười rượu đục của nhà nông, Mùa được, lợn gà đãi khách mừng. Trùng điệp núi sông ngờ hết lối, Âm u hoa liễu lại một thôn. Trống tiêu giục giã xuân vui tới, Trang phục giản đơn tục cũ còn. Nếu được vui nhàn như bóng nguyệt, Đương đêm chống gậy tới đầu thôn. -------- Nguyễn Bích Ngô: Đừng tưởng nhà nông rượu chạp xoàng, Được mùa đãi khách lợn gà sang. Núi trùm khe bọc ngờ không lối, Liễu rậm hoa thưa lại có làng. Cúng tế uy nghi kèn trống rộn, Thói lề chất phác áo khăn thường. Từ nay ví gặp đêm trăng rỗi, Chống gậy sang chơi gõ cửa vang. Nguồn: Thơ Lục Du, NXB Văn học, 1971 ------- Lâm trung Phú: Đừng chê rượu đục của nông gia, Năm khá khách lưu đủ lợn gà. Sông khuất núi trùng ngờ tắt lối, Liễu xanh hoa thắm lại thôn xa! Trống tiêu rộn rã hội làng đó, Khăn áo đơn sơ lề cũ mà! Nếu gặp trăng thanh nay rảnh rỗi, Đêm nương gậy gõ cửa chơi nhà! ----------- Quỳnh Chi: Đừng chê rượu đế nhà nông Lợn gà đủ đãi khách (năm được mùa) Núi sông ngỡ chẳng đường vô Qua hàng liễu thấy ruộng hoa, có làng Hội xuân chiêng trống rộn ràng Nếp xưa cốt giữ, áo khăn xá gì Đêm trăng rảnh rỗi có khi Thăm nhau chống gậy rảo đi khắp làn ______________ Điển cố thành ngữ: “Liễu ám hoa minh” Tác giả: Đường Liên chỉnh lý [Chanhkien.org] 【Giải nghĩa】 Trong tiếng Trung, thành ngữ “liễu ám hoa minh” là chỉ mắt nhìn thấy tình huống không còn đường tiến nữa, thì đột nhiên xuất hiện chuyển biến và hy vọng. 【Ví dụ】 Sau khi anh ấy trải qua hết lận đận trong cuộc sống, giờ đây đúng là đã ‘liễu ám hoa minh’ rồi (trong hoàn cảnh khốn khó, mà tìm được lối thoát). 【Gần nghĩa, trái nghĩa】 ‘hoa hồng liễu lục, hoa kiều liễu mị’ (hoa đỏ liễu xanh, hoa đẹp liễu tươi—chỉ cảnh sắc tươi đẹp); ‘sơn cùng thủy tận’ (núi cùng nước tận—lâm vào cảnh tuyệt vọng). 【Điển cố】 Thành ngữ này lấy từ bài thơ Đường «Ma Ha Trì tống Lý thị ngự chi phong tường» của Võ Nguyên Hành. Thi nhân yêu nước Lục Du nổi tiếng thời Nam Tống kiên quyết chủ trương kháng Kim, bị tước mất chức quan. Lục Du trở về cố hương Sơn Âm (nay là Thiệu Hưng tỉnh Chiết Giang), chỉ ngồi đọc sách qua ngày. Một ngày, Lục Du đi chơi xa, vượt qua con đường có non có nước, đi được hơn một canh giờ, nhà cửa ngày càng thưa thớt. Khi ông leo lên một sườn dốc phóng mắt nhìn, chỉ thấy trước mặt núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tựa như không còn đường đi nữa. Nhưng Lục Du ham chơi nên không muốn quay đầu. Ông men theo sườn núi đi về phía trước, được mấy chục bước, rẽ qua góc núi, thì đột nhiên phát hiện ở trong một thung lũng gần đó có một thôn trang nhỏ. Nơi ấy hoa đỏ liễu xanh, cảnh sắc xinh tươi, hệt như cõi bồng lai trong truyền thuyết. Trở về nhà, Lục Du có ấn tượng sâu sắc với chuyến tản bộ xa này, mới sáng tác bài thơ luật thất ngôn «Du Sơn Tây thôn», trong đó có hai câu: “Sơn trùng thủy phục nghi vô lộ, Liễu ám hoa minh hựu nhất thôn” (tạm dịch: Núi cùng nước tận ngờ hết lối, Bóng liễu hoa tươi một thôn làng). Ý tứ là: giữa cảnh núi non trùng điệp, sông ngòi chằng chịt, tưởng như không còn đường đi nữa, thì bỗng nhiên ở ngay trước mắt, phát hiện thấy trong bóng râm rặng liễu xanh mát và khóm hoa tươi đẹp rực rỡ sắc màu còn có một thôn làng. Đây là hai câu thơ tả cảnh trữ tình, hàm chứa triết lý phong phú, được mọi người yêu thích và truyền tụng hàng trăm ngàn năm qua. Dịch từ: 典故成语:柳暗花明 | 法轮大法正见网 Nguồn: Thơ: Thi viện. Điển cố: Chánh kiến