Review Du Lịch Khu Di Tích Lịch Sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trường Đại Học Đầu Tiên Của Nước Việt Nam

Thảo luận trong 'Địa Điểm' bắt đầu bởi Cute pikachu, 2 Tháng bảy 2021.

  1. Cute pikachu

    Bài viết:
    1,898
    Du lịch khu di tích lịch sử văn hóa Văn Miếu - Quốc Tử Giám - Di tích về trường đại học đầu tiên của nước ta, ý nghĩa biểu tượng giáo dục

    Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ là trường đại học đầu tiên của nước ta mà còn là nơi thắp sáng truyền thống hiếu học của người Việt. Đến đây, từ những bảng vàng rực rỡ của ông cha, bạn sẽ được tiếp thêm nguồn năng lượng tràn đầy để học tập và làm việc hiệu quả.

    [​IMG]

    Văn Miếu -Quốc Tử Giám ở đâu?

    Văn Miếu - Quốc Tử Giám có địa chỉ là: Số 58, đường Quốc Tử Giám, phố Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội.

    Lịch sử hình thành Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

    Văn Miếu được xây dựng năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho lập thêm Quốc Tử Giám bên cạnh là trường đại học dành riêng cho con vua và các gia đình quý tộc. Đến thời vua Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám được đổi tên thành Quốc học viện và thu nhận cả con cái nhà thường dân có sức học xuất sắc.

    Dưới thời vua Trần Minh Tông (1300 - 1357), thầy giáo Chu Văn An đã từng giữ chức Quốc tử giám tư nghiệp tương đương với chức hiệu trưởng ngày nay. Ông có nhiệm vụ quản lý mọi hoạt động của Quốc Tử Giám và trực tiếp dạy học cho Thái tử Trần Vượng.

    Năm 1484, nhà vua Lê Thánh Tông tổ chức khoa thi và cho dựng bia của những người thi đỗ Tiến sỹ. Tới thời Nguyễn, trường Quốc Tử Giám được xây dựng tại Huế, kể từ đó Văn miếu Thăng Long được cho sửa sang tu sửa thành Văn Miếu Hà Nội.

    [​IMG]

    Quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện tại nằm trong khuôn viên rộng 54331 m2. Quần thể kiến trúc Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bố cục đăng đối từng khu, từng lớp theo trục Bắc Nam, mô phỏng tổng thể quy hoạch khu Văn miếu thờ Khổng Tử ở Trung Quốc, tuy nhiên, quy mô ở đây đơn giản hơn và theo phương thức truyền thống nghệ thuật dân tộc.

    Du lịch khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

    Văn Miếu -Quốc Tử Giám bao gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ khác nhau. Bao gồm Hồ Văn, Văn Miếu môn, Đại Trung môn, Khuê Văn Các, giếng Thiên Quang, bia tiến sĩ, Đại Thành môn, nhà Thái Học.

    - Hồ Văn: Hồ nằm ngay phía trước cổng của Văn Miếu, hồ Văn hay còn gọi là hồ Giám hoặc hồ Minh Đường là điểm cần tham quan đầu tiên khi đến thăm Văn Miếu. Theo sử sách ghi chép lại hồ Văn là một công trình hồ rộng lớn, rộng tới 1 vạn chín trăm thước nằm trong tổng thể khu du tích Văn Miếu. Giữa lòng hồ Văn là gò Kim Châu. Phán Thủy Đường được xây dựng trên gò Kim Châu. Phán Thủy Đường là nơi diễn ra các buổi bình văn chương của các nho sĩ kinh thành xưa.

    [​IMG]

    - Văn Miếu Môn: Văn Miếu Môn là cổng tam quan phía ngoài của khu di tích. Gồm có 3 cửa với cửa được xây 2 tầng cao to. Tầng trên có ba chữ Văn Miếu Môn bằng chữ Hán cổ xưa. Nằm ở phía trước Văn Miếu môn là tứ trụ nghi môn ở giữa và hai tấm bia Hạ mã hai bên. Tương truyền rằng xưa kể lại dù là khanh tướng hay công hầu khi đi qua Văn Miếu đều phải hạ võng, xuống xe ngựa đi bộ ít nhất từ tấm bia Hạ mã bên này sang tới tấm bia Hạ mã bên kia rồi mới lại đi tiếp. Như vậy đủ để hiểu Văn Miếu có vị trí tôn nghiêm trang trọng và có ý nghĩa lớn lao tới mức nào.

    - Khuê Văn Các là một lầu vuông tám mái. Kiến trúc của Khuê Văn Các rất độc đáo dạng cổ lầu. Tầng trên của Khuê Văn Các là kiến trúc gỗ sơn son thiếp vàng với mái ngói đỏ chồng 2 lớp phía trên tạo thành công trình 8 mái rất đặc biệt. Bốn bên tường gác là các cửa sổ tròn được ví như mặt trời hoặc ngôi sao khuê tỏa sáng. Bốn mặt tường xung xung quanh bịt ván gỗ, mỗi mặt đều làm một cửa tròn có những thanh gỗ chống tỏa ra bốn phía. Cửa và những thanh gỗ chống tượng trưng cho sao Khuê và những tia sáng của sao. Mé trên sát mái phía cửa ngoài vào treo một biển sơn son thiếp vàng 3 chữ (Khuê Văn Các). Mỗi mặt tường gỗ đều chạm một đôi câu đối chữ Hán thiếp vàng. Cả bốn đôi câu đối này đều rất có ý nghĩa được dịch nghĩa như sau:

    1. Sao Khuê trời sáng, văn minh rộng - Sông Bích xuân sâu, mạch đạo dài
    2. Triều ta tô điểm nhiều văn trị - Gác đẹp văn hay đón khách xem
    3. Bắc Đẩu soi thành nhiều khí tốt - Đầm thu bóng nguyệt sáng lòng xưa
    4. Nước lễ nghĩa nghìn năm văn hiến - Phủ đồ thư một mối thánh hiền

    Khuê Văn Các là nơi các nho sĩ tụ họp để bình vịnh những áng văn chương hay của các sĩ tử đã trúng khoa thi hội. Với kiến trúc độc đáo và ý nghĩa biểu trưng cho nền văn chương và giáo dục Việt Nam, Khuê Văn Các được chọn là biểu tượng của thành phố Hà Nội.

    [​IMG]

    - Khu nhà bia tiến sĩ: Gồm hồ nước Thiên Quang Tỉnh (nghĩa là giếng soi ánh mặt trời), có hình vuông. Hai bên hồ là khu nhà bia tiến sĩ. Mỗi tấm bia được làm bằng đá, đặt trên lưng rùa đá. Hiện còn 82 tấm bia của các khoa thi từ năm 1442 đến năm 1779. Trên mỗi tấm bia không chỉ có thông tin của vị tiến sĩ đỗ khoa cử năm đó mà còn có đầy đủ thông tin về khoa thi, triều đại, triết lý của nền giáo dục thời kỳ đó. Đây là một điểm vô cùng đặc biệt và duy nhất trên thế giới khiến cho Bia Tiến sĩ là di tích tham quan có giá trị bậc nhất trong tổng thể Khu Văn Miếu Quốc Tử Giám.

    [​IMG]

    - Khu Đại Bái đường: Là khu vực chính giữa của di tích Quốc Tử Giám. Trong là Thượng cung. Đây là khu vực thờ Khổng Tử và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử). Đại Bái Đường gồm 9 gian. Đây là nơi hành lễ trong những kỳ tế tự xuân thu thời xưa.

    - Tòa Thượng Điện: Là nơi thờ những vị sư tổ của Đạo Nho. Gian chính giữa thờ Chính thánh Khổng Tử. Hai gian phía bên phải thờ Nhan Tử và Tử Tư, 2 gian phía bên trái thờ Tăng Tử và Mạnh Tử.

    [​IMG]

    - Đền Khải Thánh: Là công trình nằm sau cùng của khu di tích Quốc Tử Giám xưa kia. Đây là nơi thờ tụng cha mẹ Khổng Tử là Thúc Lương Ngột và Nhan Thị. Khu này thời trước là khu cư xá với 150 gian phòng dành cho giám sinh hay còn gọi là khu Thái học nơi rèn đúc nhân tài cho nhiều triều đại. Tuy nhiên đến năm 1946 trong một lần bắn phá đại bác của thực dân Pháp khu này đã bị phá hủy toàn bộ. Sau đó Đền Khải Thánh được cho xây dựng mới và được bảo tồn cho đến ngày nay.

    Kinh nghiệm du lịch khu di tích lịch sử Văn Miếu - Quốc Tử Giám?

    Từ trung tâm thành phố Hà Nội đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các bạn có thể đi bằng phương tiện công cộng như xe bus, taxi hoặc tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân như xe máy. Nếu đi bằng xe bus, các bạn có thể bắt một trong các tuyến xe số 02, 23, 25, 38, 41.

    Giá vé dành cho người lớn là 20.000đ và vé trẻ em là 10.000đ. Đây là mức giá khá rẻ và áp dụng chung cho cả khách Việt Nam lẫn khách nước ngoài.

    Theo kinh nghiệm của mình, các bạn tham quan Văn Miếu Quốc Tử Giám chỉ mất khoảng 2 giờ. Để chuyến du lịch được tiện lợi và ý nghĩa hơn, các bạn nên tham quan thêm các điểm khác ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò hoặc Tháp Hà Nội, chùa một cột, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chùa Trấn Quốc, Nhà thờ lớn..

    Văn Miếu – Quốc Tử Giám luôn được xem là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của người dân Thủ đô và là minh chứng hào hùng cho sự nghiệp giáo dục một thời mà bạn nên ghé thăm.

    Chúc các bạn có những chuyến du lịch ý nghĩa và cùng like bài viết của mình nhé! ❤

    Cảm ơn các bạn!
     
    Last edited by a moderator: 8 Tháng một 2023
Trả lời qua Facebook
Đang tải...